Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
900
116.666.562
 
Thời gian thầm lặng
Hàn Vĩnh Nguyên

Tiếng gõ cửa thật nhẹ. Nhẹ đến mức phải gạn trong tai những âm thanh rè rè phát ra từ chiếc máy điều hòa nhiệt độ, tôi mới xác định được.

 

- Mời vào!

 

Tôi nói trong sảng khoái của một buổi sáng mùa hè, có pha chút hiển vinh và lòng thầm cảm ơn thượng đế đã khéo ban ra cái thời hiện đại để chúng tôi có được chỗ làm việc mà ở xứ Việt Nam chỉ cách đây ngoài thập kỷ có nằm mơ cũng không tài nào thấy được. Tôi hình dung sẽ có một người đàn bà chân không đi dép, tay cắp nón lá, tay cầm một quyển sổ đã nhàu cuộn tròn, hoặc một người trung niên giò thấp giò cao bước vào phòng quên giở nón. Họ sẽ nói với tôi ở chỗ này, chỗ kia, chính quyền địa phương đã đối xử với họ thế này, thế này. Tôi sẽ tỏ ra kính trọng và lịch sự thưa với họ rằng: “Đó chẳng qua là thái độ, phương pháp còn hạn chế, chớ nhận thức thì...”. Tôi sẽ thay mặt những người làm công tác chính sách nhận phần lỗi. Riêng “những việc đó, chúng tôi sẽ phúc tra và trả lời cho đồng chí và gia đình mình sau”. Tôi bao giờ cũng thích nhấn mạnh chữ “mình” để nó trở nên gần gũi, thân thiết hơn. Còn bây giờ thì thứ ấy đang trộn vào trong bản tin nhanh cúp EURO - 2000 mà tôi đang cố đọc cho hết những dòng cuối của bình luận gia. Đêm trước vì mê xem thức khuya, sáng nay suýt nữa tôi đã ngủ trên bàn.

 

- Xin chào anh - Tiếng người khách.

 

Tôi giật mình rụt cái chân lỡ duỗi lỡ co vì thói quen vô ý còn gác trên bàn.

 

- Thưa, bác đến có việc gì?

 

Người khách ngó lướt qua căn phòng. Đôi vai ông rộng, mặt chữ điền, nước da hơi ngâm, trán rộng nhưng không cao lắm. Ông chỉ vào chiếc ghế, vẫn thường ngày đặt đối diện với bàn làm việc của tôi. Ông nói:

 

- Tôi xin phép.

 

Vậy là tôi đã quên mời ông ngồi. Ông xoay người. Để ý, tôi thấy ông toát ra cái vẻ người lớn, rất tự tin và đôi mắt có thể đã nhiều lần tự nhiên thành thế áp đảo cho người đối diện. Đó là cái thần của người cầm binh. Tôi đoán nếu không phải vào cấp tướng thì ít nhất ông cũng ở vào hàng đại tá, mặc dù trước mặt tôi, ông vẫn mặc thường phục, đi dép và trên nón không đính sao.

 

Ngồi xuống ghế, ông bảo:

 

- Việc thì nhỏ, nhưng chắc làm phiền quý anh.

 

- Dạ, không sao - Tôi đáp, nghe run trong lòng. Tự dưng tôi thấy mình thiếu bình tĩnh - Thưa, bác cứ trình bày.

 

Người khách nói với tôi rằng ông cần tìm hài cốt của một đôi vợ chồng, không phải ruột thịt, không phải họ hàng, không phải đồng hương, không cùng đơn vị. Đó là người anh hùng. Tôi lật quyển sổ, ngoài bìa có đề tên xã đúng nơi ông định đến và thưa với ông:

 

- Xã có 24 người về hưu, 32 người mất sức, 134 thương binh, 211 gia đình liệt sĩ, 13 bà mẹ Việt Nam anh hùng, không có người đàn ông nào đạt danh hiệu anh hùng, thưa bác - Tôi định nói với ông việc này có thể nhờ các nhà ngoại cảm. Nhưng ông đã bảo:

 

- Anh đừng lật nữa, không có trong danh sách đâu. Đó là anh hùng chưa có trong lời phong của Chính phủ.

 

Ông nói với tôi rằng năm nay ông đã bảy mươi hai, nếu vì lý do nào đó phải chết mà chưa tìm được  hài cốt của đôi vợ chồng này, thì phút chết ấy sẽ không bao giờ nhắm mắt được.

 

Chuyện xảy ra đã bốn mươi năm. Thuở ấy, tôi vừa tròn ba mươi hai tuổi. Được lệnh điều động của trên, từ một điểm điều lắng tại thị xã Cà Mau theo đường ghe buôn, tôi quay về Bến Tre để chuẩn bị cho phong  trào Đồng khởi năm 1960. Cùng đi với tôi, có hai đồng chí nữa là Tài và Xuyến. Chúng tôi cùng với vợ chồng người chủ ghe chèo ngày chèo đêm. Những lúc qua đồn bót, chọn nước xuôi, chúng tôi ngồi gọn trong những chiếc máy đựng nước để khô - hàng của chuyến buôn - chỉ để cho vợ chồng người chủ ghe chèo. Về đến Bến Tre, chúng tôi gặp Tỉnh ủy dự họp rồi chia ra mỗi người về một nơi. Tôi được phân công về Ba Tri và liền sau cuộp họp ấy, bước xuống một chiếc ghe đáy. Người làm nghề hạ bạc này bảo tôi nằm yên dưới sạp ghe, còn ông thì phì phà thuốc lá, vừa chèo, vừa ngâm Lục Vân Tiên mỗi khi vượt qua bót đồn. Đến nơi, tôi được giấu vào trong một ngăn vách đôi; bên cạnh có chiếc võng và cái tủ đứng đặt án, che lối thông vào, mặc dù phần vách đã được lấp lại, ngụy trang thật khéo, thoạt nhìn khó mà phát hiện được. Người chủ nhà có tên là Hai Thúng. Dân quanh vùng, hiếm người biết được tên Hồ Văn Đởm, đề trong giấy căn cước của ông. Họ chỉ biết ông là người từ xa đến sống nhiều năm hòa nhập với làng, có tài đan thúng vừa đẹp vừa nhanh và kiêm luôn mối mua các mặt hàng đan đát từ các xã Phước Tuy, Phú Lễ, An Đức... mà gọi vậy. Không có con, hai vợ chồng sống không đến nỗi thiếu thốn về vật chất, nhờ vào khoản tiền đan thúng và lãi từ các chuyến buôn. Hằng ngày thu lượm tin tức và theo dõi tình hình,  đôi vợ chồng này thay phiên đưa cơm nước vào cho tôi. Tôi gọi ông bà bằng anh chị vì cả hai chỉ lớn hơn tôi ngoài chục tuổi.

 

Thường đêm, tôi ra ngoài nằm trên chiếc võng, phòng có việc gì vào ngay cho tiện. Bỗng một hôm nghe tiếng chân chạy phình phịch. Tôi vào được trong vách đôi thì đã nghe tiếng kêu cửa. Một tên lính xông vào còn đồng bọn có lẽ đã vây kín nhà. Tôi ém hơi thở lại, nghe ngóng. Thấy ánh đèn pin rọi khắp chỗ. Có một giọng nằng nặng:

 

- Thằng Việt cộng đâu? Đù mẹ nó vừa nằm, cái võng còn ấm hỉnh đây.

 

Tôi giật thót người. “Phải là một tên ác ôn đã từng đi săn bắt cán bộ thì mới để ý tìm kỹ như vậy”.

 

- Ấm hỉnh. Đù mẹ còn ấm hỉnh. Hỏi thằng Việt cộng đâu? - Vẫn giọng vừa rồi.

 

- Vậy là không phải - Có tiếng người chủ nhà - Không phải đâu, các ông. Tôi nằm dưới võng từ đầu hôm, vừa mới lên giường với bả đây. Có Việt cộng nào đâu.

 

Chắc là không đủ để xác định cái “ấm hỉnh” ấy là của chủ nhà hay của tôi, chúng bỏ đi.

 

Tôi ở lại trong nhà anh Hai Thúng gần hai tháng liền với những công việc tiếp nhận thư từ, tin tức do nhiều cánh giao liên bí mật mang tới, tổng hợp, nhận định rồi viết báo cáo gởi đi. Tôi nói với anh Hai nhờ người mua giúp một ít hóa chất. Tôi làm những việc viết, hiện các bạch thư ngay trong ngăn vách đôi này. Do làm việc nhiều, tôi ngã bệnh khi chỉ còn trên mười hôm nữa là đến ngày Đồng khởi. Những trận ho dữ dội do tác nhân từ đám vi-rút đột nhập vào hóc mũi, vào cổ họng gây cúm đã làm tôi không kìm được. Đầu tiên là “hắc xì”. Học được kinh nghiệm từ nhà sư Thích Hiển Thiện ở chùa Mỹ Nhơn, mỗi khi sắp nhảy mũi, tôi cố dùng hai ngón tay bóp chặt mũi lại, đồng với việc há to miệng để cho hơi xì ra như quả bóng xẹp. Việc “hắc xì” tôi khắc phục được, nhưng đến ho thì không tài nào. Tôi ém khăn vào trong miệng nhưng tiếng ho vẫn cứ phát ra. Từ cảm giác găng gắt như vừa ăn xong một quả đào lộn hột rồi kèm theo chứng ngứa cổ, những trận ho như được sản sinh từ trong đó cứ kéo ra thành đàn, thành lũ. Những trận ho không thể dừng được. Giữa lúc ấy, tôi nghe có tiếng ho của chính mình từ phía ngoài vách vọng vào. Lạ thật. Vẫn là tiếng ho của tôi. Tiếng ho từng khúc, từng chập, có lúc rời rạc, có lúc kéo thành tràng. Tôi đoán chắc là tiếng ho của anh Hai, nếu không phải anh thì người đàn ông nào ho trong nhà này?! Lạ là ngoài ấy không biết anh sửa giọng bằng cách nào mà tiếng ho của anh giống hệt như tiếng ho ở trong này của tôi. Đến tối, nhận cơm và thuốc từ tay anh, tôi nghe tiếng anh đã khản. Vậy là cả ngày qua anh ho vì tôi, ho chen trong tiếng ho của tôi. Tôi chắc rằng anh nằm võng vừa ngó chừng động tĩnh vừa ho cho tôi. Tôi nghe chị Hai nhắc “anh nhớ ngậm cam thảo” để lấy lại tiếng nói bình thường. Nhưng việc để anh chị và tôi quan tâm hơn là suốt ngày qua địch nằm trong vườn yểm trợ cho toán lính lục soát nhà anh Trần Văn Đởm, ở cạnh. Chúng xâm đất tìm hầm bí mật. Chúng tôi nhận định: Có thể địch chỉ chú ý đến tên mà nhầm giữa anh Hai Thúng và Trần Văn Đởm, bởi ở đây có ai biết anh Hai Thúng là Hồ Văn Đởm đâu. Nhất định chúng sẽ trở lại. Anh Hai Thúng giục tôi ăn cơm nhanh. Rồi, rời khỏi căn nhà, anh đưa tôi đến một cái đìa, cách nhà hơn cây số. Bờ đìa có cây trâm bầu, nhưng ở một góc xịch về mé nước có đám dứa gai. Anh bảo “cái miệng “hầm cá trê” nằm khuất dưới đó. Địa hình tốt, mình ở trong kín nhìn ra đồng trống quan sát được mọi phía, khi nào cần chú hãy xuống hầm”. Anh giao tôi một cơ sở để liên lạc. Anh nói: “Sáng sớm mai có người giả đi thăm ruộng. Họ sẽ đến với chiếc nón lá rách có quai bằng dây choại, áo trắng đóng phèn và quần óng vo, ống thả. Người này sẽ nói: “Muỗi ơi là muỗi, sáng rồi mà cũng còn”. Chú sẽ nhổ cây cần câu lên nói: ‘Sẩy con cá bự quá”. Người kia hỏi: “Phải anh Bảy hôn? Em thứ tư”. Thế là đúng”.

 

Sáng ra nghe có tiếng súng nổ, tiếng la rồi lửa khói bốc cao từ hướng nhà anh Hai. Sốt ruột, chờ mãi đến trưa, tôi mới gặp được người cơ sở. Đó là một phụ nữ đã có chồng trạc  hai lăm, hai sáu tuổi. Người này báo tin với tôi rằng lúc sáng địch đã phát hiện ra chiếc hầm bí mật làm bằng vách đôi ở nhà anh Hai Thúng. Gặp lúc chủ không ở nhà, chúng phục kích chờ hai người đi chợ về chỉa súng vào ngực bắt giải ra bót Chợ Giồng. Dùng đủ cách tra tấn không moi được gì, tên đại diện Ngó bèn ra lệnh cho bọn lính đào một cái hầm trước sân ngay lối vào công sở xã. Chúng xô vợ chồng anh xuống, dùng tre cặp cổ rồi lấp đất lại. Phần mặt và cổ ló lên trên mặt đất.

 

- Không khai à! Đù mẹ, tao cho đứng ở đây mà làm quỉ giữ cổng cho Quốc gia.

 

Chúng bắc loa gọi người đi chợ đến xem mặt “hai tên chứa chấp Việt cộng”, nhưng không ai tới. Phiên chợ rời rạc rồi tan sớm. Đến trưa, bọn lính đi lùng bắt về một nông dân. Người này trạc ngoài bốn mươi tuổi có tài phát cỏ giỏi nhất làng, nhược là tật nghiện rượu. Khi nghiện, tay anh run như người bị cảm lạnh, nhưng uống vào được một hớp thì hết run, sức mạnh như thường, làm việc gì cũng khỏe. Chúng tìm cách đưa người thợ phát vào ngõ sau, mở tiệc. Vừa lúc ngà ngà, chúng đẩy anh đến trước mặt vợ chồng anh Hai Thúng:

 

- Hai tên chứa chấp Việt cộng này, mày có họ hàng với nó không?

 

- Dạ, thưa không.

 

- Thì... được. - Tên Ngó cười ha hả rồi quay về phía người thợ phát:

 

- Thịt có đủ. Rượu có đủ. Công của Quốc gia đối với mày rồi. Bây giờ đến công của mày đối với Quốc gia. Nè cầm lấy.

 

Nó ấn vào tay người thợ phát chiếc phãng đã được mài sắc lạnh.

 

- Đừng nghĩ lính của tao không có thằng dám chém đầu Việt cộng nghe. Cái chính là... - Nó ngừng lại - Mày là công dân Quốc gia, chứ gì? Ừ. Mày là thằng phát giỏi nhất làng? Chứ gì? Ừ. Đúng, thì phải biểu dương cái tài nghệ của mày. Phải nói với Ngô Tổng thống rằng “Tôi không đội chung trời Cộng sản”. Phải nói với Cộng sản dưới luật 10/59 của cụ Ngô thì đầu chúng phải rơi như cỏ rơi trên lưỡi phãng của mày. Đúng không?

 

- ...

 

- Sợ à? Mày hỏi hai tên chứa chấp Việt cộng kia coi nó sợ hay mày sợ?

 

- Chúng mày sợ - Có tiếng đồng thanh dù đã khản từ phía vợ chồng anh Hai Thúng.

 

- Đù mẹ - Tên Ngó cười - Sắp chết đến nơi mà cũng còn anh hùng. Đầu hàng đi, chịu khai đi, tao sẽ cho lính đào đem lên.

 

Nói rồi nó quay về phía người thợ phát, tay cầm khẩu súng ngắn đã kéo cơ bẩm:

 

- Tao cho mày chọn một. Hoặc là trở thành người anh hùng, hoặc là cùng chung số phận với hai tên kia? Chọn đi.

 

Người thợ phát sụp quì, nhưng không kịp. Đầu họng súng chui vào tóc đã phát nổ. Một nhúm tóc nhỏ bị cháy, bốc mùi khét như lông chuột thui. Người thợ phát gượng đứng dậy:

 

- Xin cho tôi... Anh nói trong nước mắt, tay hờ hững cầm chiếc phãng.

 

- Được. Cho nó chém từ phía sau - Tên Ngó quát.

 

Hai tên dân vệ ghìm khẩu mút (1) đẩy người thợ phát về phía sau gáy vợ chồng anh Hai Thúng:

 

- Được chưa?

 

Người thợ phát từ từ nâng chiếc phãng, đột nhiên anh rùn mình khuỵu xuống. Chính trong giây phút ấy, người thợ đã đánh rơi chiếc phãng vào lưng mình.

 

- Đù má!

 

Tên Ngó nhảy bổ vào.

*

 

Người khách kể:

 

Anh đừng tưởng như vậy rồi quần chúng sẽ kéo biểu tình hô khẩu hiệu “Đả đảo Mỹ - Diệm” ngay. Cái khí thế ấy chỉ có được sau ngày Đồng khởi. Đặt sai thời điểm, nhiều khi chúng ta tự huyễn hoặc mình. Lạc quan cái bi kịch, xét trên phương diện nào đó cũng chẳng cần. Cái chết của vợ chồng anh Hai Thúng là cái chết thầm lặng. Đọc sử, anh đã biết cái thời ấy là thời của Ngô Đình Diệm. Chúng đang ráo riết triển khai luật  10/59. Máy chém đã từng được lê đến đất Ba Tri và nhiều huyện khác của Bến Tre này. Ở Phước Tuy, Bình Hòa, Đa Phước Hội... bọn công an Ngô Quyền bắt người đem về đình tra tấn, máu chảy đỏ cả lòng giếng. Đầu của vợ chồng anh Hai Thúng không được chúng cho chôn mà để chúng đặt lên chiếc ghế nhổ mạ một chân cặm đứng ngay phía cổng vào. Sang ngày thứ ba, chiếc ghế ngã, không còn nhìn thấy hai cái đầu. Không phải do bà con nhân dân hay cán bộ đằng mình kịp lưu đi mà do một đàn chó. Đàn chó đến năm con béo phị của nhà tên Ngó đã tha hai cái đầu của anh chị ra vạt mả cách ngoài trăm thước giành nhau gặm... Một thằng bé trạc mười lăm, mười sáu tuổi đi đào chuột trông thấy bỏ chạy. Chạy một đỗi hiểu ra, căm tức, nó quay lại. Sẵn chiếc cuốc trên tay, dùng hết sức lực, nó quật ngã tại chỗ một con, con khác gãy giò lết về nhà. Tức giận, nhưng không biết rõ người đập, tên Ngó mời thợ đến chụp hình con chó, cho đóng quách rồi rước thầy tụng. Nó cử hành đám tang. Bọn dân vệ vào tận xóm lùa hết già trẻ về công sở xếp hàng, người trong “sổ bìa đen” (2) đứng trước, người thường dân đứng sau. Chúng phát tang, buộc những người trong “sổ bìa đen” phải chít khăn, rồi tất cả lần lượt thắp nhang, lần lượt chắp tay xá vào con chó...

 

Sau ngày Đồng khởi ở Bến Tre, tôi được điều về

 

R(3), làm công tác giảng dạy cho trường quân chính. Giai đoạn Mỹ sắp kết thúc chiến tranh đặc biệt chuyển qua chiến tranh cục bộ, tôi được điều về sư đoàn, làm chính ủy, tham dự trận khốc chiến ở Đồng Xoài, Bình Giã... Sau  ngày miền Nam giải phóng thú thật tôi bận bịu với công việc, với chén cơm và chuyện học hành của đám con, cứ tưởng ở làng xã còn có người biết, khi ngộ ra thì sắp đến lúc về hưu. Trong hơn mười năm đã tám lần tôi trở lại Chợ Giồng. Những người xưa, lớp đã hy sinh, lớp vì chiến tranh lưu lạc rồi định cư nơi khác. Đại diện cho chính quyền đương nhiệm thì hãy còn quá trẻ. Họ không biết. Tới hôm nghe Hội Văn nghệ Nguyễn Đình Chiểu và Huyện ủy Ba Tri dự định xuất bản tập sách văn học về đề tài chiến tranh, tôi càng thấy mình còn món nợ. Mặc dù đã kể hết với người cầm bút những gì đã chứng kiến qua thời binh lửa, trong đó có sự hy sinh của vợ chồng anh Hai Thúng - người đã chọn cái chết để bảo tồn mạng sống cho tôi - tôi vẫn thấy chưa yên. Ông bà mình xưa có câu “Sống cái nhà, thác cái mồ”. Hồi còn trẻ, những việc như thế nghe qua thì nhớ, càng về già mới thấy nó là nghĩa, là trọng. Có người bảo hài cốt ấy, không chừng đã chuyển đi trong số những người vô danh. Tôi không tin. Người dám chọn cái chết như vợ chồng anh Hai Thúng thì làm sao mà vô danh được?!

 

*

 

Chuyến xe Đắc Lắc - Ba Tri đã về đến bến lúc hai giờ chiều hôm qua. Chắc sáng nay bà cụ sẽ đến. Đó là nhận định của đồng chí chủ tịch xã, người tròn tuổi ba mươi, nhưng sớm có cái bụng, thân thể đầy đặn và có phần điển trai. Anh tiếp chuyện cùng chúng tôi; có người bưng nước.

 

Hai tuần trước, sau khi đã dùng nhiều phương cách để kiếm tìm, chúng tôi tưởng không còn hy vọng. Thời may gặp được ông lão; người này đang tuổi thất tuần, mắc phải bệnh bán thân nằm chờ chết. Ông kể rằng ông có biết việc này, biết qua người ta kể. Nhưng có một cụ bà biết chắc hơn: Hôm đó, bà có việc vào trình làng, tình cờ bị viên đạn của tên Ngó bắn dọa người thợ phát làm thủng chiếc nón lá. Bà có thấy mặt hai vợ chồng mà người khách kể. Người biết rõ nhất có lẽ là tên Ngó, nhưng nó đã chết từ sau đêm Đồng khởi. Bà bây giờ sống tận trên Tây Nguyên. Mười năm trước gặp phải chuyện tranh chấp đất đai giữa các con, bà cắt hết phần cho chúng, rồi theo đứa cháu ngoại lên tận nơi người con gái lấy chồng, ở đó.

 

Chúng tôi ngồi uống trà. Đồng chí chủ tịch khoe: Nhờ có sự chiếu cố “của trên”, xã đã xây dựng xong trụ sở Ủy Ban hơn sáu trăm triệu đồng, vừa mới khánh thành. Trụ sở có phòng khách, có chỗ dành cho chủ tịch, cho các phó; các ngành, đoàn thể, mỗi bộ phận mỗi phòng; có nhà ăn, nhà vệ sinh ở phía sau (chỗ trụ sở cũ) cột nền hầu hết đều lát gạch men.

 

Người khách lơ đễnh nghe, trông có vẻ bồn chồn. Ông ngáp và thỉnh thoảng nhìn ra phía trước sân, chỗ vào trụ sở có bậc ngũ cấp. Hàng phượng trồng trên sân vào hạ đang trổ bông, phút chốc lại có một cánh bay vào trong gió.

 

Bà cụ đến, đi sau người du kích, chiếc áo đen đã sờn mặc trên tấm lưng còng. Chiếc khăn rằn vắt ở vai. Một ít cổ trầu dính bên mép. Bà đến với vẻ mặt tưởng mình có lỗi nhưng không biết lỗi gì. Được nghe người khách kể, trông bà có vẻ bình thản hơn. Bà nói:

 

- Dạ biết. Hồi đó, ngày nào tôi cũng mang thúng tới bỏ (4) cho ổng (chỉ anh Hai Thúng).

 

Nói rồi bà dẫn chúng tôi đi một vòng khắp khu vực Ủy ban. Gặp những người giúp việc, bà hỏi: “Cái nhà việc hồi trước ở đâu?”. Người ta bảo: “Chỗ cái nhà ăn”.

 

Trở lại phía trước sân, bà hỏi: “Cây trâm hồi trước ở chỗ nào?”. Đồng chí chủ tịch sau hồi nghe điện thoại trở ra đang đứng ở bìa nền, chỗ bước vào bậc ngũ cấp. Anh co chân, đưa mũi giày gõ xuống mặt cấp:

 

- Chỗ này. Ngay chỗ này - Rồi anh giải thích - Cái trụ sở mới cất chòm ra ngoài sân nên...

 

- Vậy là đúng - Bà lão chỉ tay về phía bậc ngũ cấp trên cùng, dưới chân người chủ tịch.

 

Trong xúc động, bà kể cho người khách và chúng tôi biết: Sau hồi vợ chồng ông Thúng bị chặt đầu, có mấy người bị bắt đến làm xâu. Họ giẫy cỏ và xin tên Ngó cho đổ cỏ có lẫn đất vào. Rồi không biết từ bao giờ một cây trâm gối (5) mọc lên, không ai dám trèo. Cái nền của trụ sở Ủy ban bây giờ theo bản vẽ cao đến ngực phủ lên trên cái gốc trâm ngày xưa. Những người mới đến không biết được.

 

Đồng chí chủ tịch có vẻ không ngờ. Anh bước ra khỏi mặt nền, lần xuống bậc ngũ cấp. Có một người con gái (chắc là cô thư ký) chạy theo. Cô ta đẹp, có lẽ nhờ phấn và một chút son ở môi. Họ nói chuyện chỗ lối vào.

 

Tôi hỏi người chủ tịch:

 

- Tính sao?

 

- Chậm chậm đã - Anh đáp - Chờ mình thỉnh thị cấp trên, làm kế hoạch bổ sung kinh phí, chớ trụ sở mới xây mà đập ngại lắm.

 

Anh ngập ngừng ngó vào bậc ngũ cấp, dợm chân tiễn bà lão. Anh cầm tay người khách già rồi quay về phía tôi. Một cơn gió lạnh. Vài cánh phượng tách ra khỏi đài, lặng lẽ rơi trong tầm mắt của chúng tôi.

 

Tháng 8 năm 2000

 

----------------------------------------

(1) - Súng trường.

(2) - Sổ ghi người bị tình nghi là Cộng sản hoặc có quan hệ với Cộng sản, dưới

         triều Diệm.

(3) - Mật hiệu của Trung ương cục miền Nam.

(4) - Bán. Đổi.

(5) - Loài trâm có quả to hơn quả trâm sẻ, khi chín màu tím, ăn được.

 

Hàn Vĩnh Nguyên
Số lần đọc: 2157
Ngày đăng: 19.12.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ngón tay phật tổ - Phạm Lưu Vũ
Nỗi đau - Triệu Xuân
Bia mộ - Lê Đình Trường
Quán rượu người câm - Nguyễn Quang Sáng
Dân chơi - Nguyễn Quang Sáng
Bạn nhỏ - Thanh Giang
Sự tích núi mồ côi - Phạm Lưu Vũ
Vẻ đẹp - Lê Đình Trường
Mộng xuất ngoại - Hoàng Thu Dung
Như có như không - Trần Thị Thùy Trang
Cùng một tác giả
Chị Nhẩm (truyện ngắn)
Thời gian thầm lặng (truyện ngắn)