Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.389 tác phẩm
2.747 tác giả
728
116.716.358
 
yêu thương nhân hậu
Thường Như

Thuở nhỏ đọc sách Hãi Thượng Lãn Ông Y Tôn Tâm Lĩnh (Lê Hữu Trác) thấy có câu : “ Chỉ có người bệnh, không có chứng bệnh”, tôi lấy làm lạ, tại sao không có chứng bệnh mà chỉ có người bệnh. Sau này, khi trưởng thành trên nhận thức, tôi mới thấy Lãn Ông nói rất chí lý. Có thể nói chứng bệnh do chính con người làm nên.

 

Chúng ta hay có ý nghĩ chia con người làm hai thực thể : thân và tâm. Nhưng suy cho cùng, thân và tâm nó chỉ là một thực thể hiện hữu vốn không phải hai.

 

Theo nhân sinh quan Phật giáo (Thập nhị nhân duyên), con người được sanh ra từ hạt giống vô minh. Những ý niệm cấu thành từ nhiều tiền kiếp bởi phóng thể và nhiễm ô, bởi những pháp hành không phải trí tuệ bát nhã. Những ý niệm ấy huân tập thành một sức hoặc nghiệp, đủ mạnh để thôi thúc chùm ý thức sai biệt (còn gọi là thần thức – Chứa nhóm trong a lại da thức) để đi vào nẻo luân hồi, hiện sinh trong ba cõi sáu đường.

 

Khi con người được sinh ra, bởi tổ hợp ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức). Tư duy trên nhận thức về quan niệm nhân sinh của Phật giáo dạy ta rằng, từ ý thức sai biệt mê  nhiễm, theo sức hút của nghiệp lực, rồi thụ tinh cha huyết mẹ mà thành thai nhi. Theo ngày tháng lớn lên, sanh ra rồi cất tiếng khóc chào đời… Khi người ta sanh ra, thì đã đeo “bản án” nghiệp báo sau lưng rồi. Tùy theo mức án phạm, tội danh mà thụ hưởng một án phạt, tức là đời sống tương thích.

 

Từ nhận thức ấy, ta thấy thân tứ đại giả lập của mình có ra là do bởi tinh thần (hoặc thức). Do đó giữa thân và tâm là một thực thể bất khả phân. Rõ ràng thân đau là tâm khổ, tâm điên đảo là thân bất an… Như vậy thân bệnh là tâm bệnh hay ngược lại.

 

Y học hiện đại đã phát hiện được những nguyên lí tương quan này, nên đã cho ra nhiều khoa tâm lí trị liệu.

 

Đức Huỳnh Giáo Chủ PGHH, bằng trí giác Phật, Ngài là đấng y vương hiểu rõ ngọn nguồn, nên để lời dạy dỗ bổn đạo và chúng sanh, như một liệu pháp :

 

“Làm nhơn ái ắc tiêu bệnh tật”

 

Câu giáo lí ấy không phải hoàn toàn phủ nhận những cách trị liệu của y học đối với bệnh tật, mà nó là một thông điệp khuyến tu theo lộ trình Học Phật Tu Nhân của người tín đồ PGHH.

 

Hai chữ tình thương được thiết lập như một pháp hành tiên quyết gói trọn ý nghĩa của lòng nhân ái. Từ tình thương rộng mở trên trí tuệ sáng soi, Đức Giaó Chủ dạy bổn đạo “Chữ nhẫn hòa ta để đầu tiên”, trên lộ trình học Phật. Có từ bi thì mới có nhẫn nhục, có nhẫn nhục mới có hảo hòa, có hảo hòa thì tình thương của lòng nhơn ái mới lập thành và lớn lên được.

 

Nói đến bệnh tật, người ta nghĩ ngay là thân bệnh chớ gì. Thân có bệnh thì thông thường người ta nhờ thầy thuốc – Y bác sĩ chữa trị bằng thuốc thang, nhưng qua câu giảng trên, Đức Huỳnh Giáo Chủ khẳng định : “Làm nhơn ái ắc tiêu bệnh tật”.

 

Nhơn ái là gì ? Nhơn là lòng hiền từ, thương người mến vật, ái là yêu thương. Hai chữ nhân ái ghép chung là nói đến đức tánh yêu thương nhân hậu, đem tấm lòng bao la không bờ bến và không có điều kiện trao đổi. Yêu người mến vật, mọi hành động ngôn ngữ, tư tưởng đều xuất phát từ nguồn tâm nhân ái ấy thì cuộc sống này đẹp biết bao nhiêu ! Một nhà tư tưởng Tây Phương đã nói : “ Lòng nhơn ái là một thứ nước hoa mầu nhiệm, khi ta trao cho người khác sẽ rơi rớt ít nhiều giọt thơm trên thân chúng ta.”

 

Lòng nhơn ái mà Đức Giáo Chủ đề cập là đức tánh : Từ, Bi, Hỷ, Xã, còn gọi là Tứ Vô Lượng Tâm của Phật. Đức tính Từ, Bi, Hỷ, Xã mới làm nên lòng nhơn ái đích thực. Tại sao ? Tại vì khi ta trao tấm lòng nhân ái đến đối tượng đáng được nhận lấy bằng đức tánh đại Từ Bi, đại Hỷ Xã, tức là sự trao ra không có tướng ngã nhơn, không có niệm năng sở, bỉ thử. Ròng suốt với tấm lòng hiền thiện yêu thương vô bờ, không mang bất kì ý niệm và điều kiện đáp đền nào cả. Nói tóm lại, tấm lòng nhơn ái được thể hiện với trí tuệ sáng soi, vượt lên trên mê chấp thường tình. Cái lòng không trí giác ấy nó nói đến một trạng thái hồ tâm tĩnh lặng an ổn tuyệt đối vậy.

Nói về bệnh tật, khi lập đạo cứu đời, quán xét cơ duyên giữa đời mạc hạ, Đức Huỳnh Giáo Chủ cảnh giác bổn đạo :

 

“Đau nhiều chứng dị kì khó kể,

Sắp từ nay lao khổ đến cùng

Kẻ dương gian khó nổi thung dung

Người bạo ác không toàn tánh mạng.”

 

Và Ngài bi mẫn nhũ khuyên :

 

“Từ đây hay ốm hay đau,

Ráng tu đem được Phật vào trong tâm.

Lời hiền nói rõ họa thâm,

Để cho trần thế tĩnh tâm tu trì”.

 

Qua những câu giáo lí trên, ta thấy Đức Giáo Chủ dạy chúng sanh tâm pháp để trị bệnh. “Hay ốm hay đau” Ngài không dạy tìm thầy chạy thuốc, mà Ngài dạy “Ráng tu đem được Phật vào trong tâm” là tại làm sao ?

 

Bởi vì theo Ngài, bệnh tật (thân bệnh) là do tâm bịnh sanh ra. Tâm bệnh là tam độc chướng tham, sân, si, là nguồn gốc, nó là đại biểu cho chúng ma làm nên sự xáo trộn diên đảo tâm thần. Rồi từ sự đảo điên ấy, nó nảy sanh ra sự bất an của bệnh tật.

 

Chuyện kể hai vợ chồng trẻ người Mỹ, đang gây gổ nhau, cơn thịnh nộ lên cực điểm. Người chồng đá văng cánh cửa rồi bỏ đi. Người vợ không còn đối tượng để trút giận, bà quá uất ức, mặt đỏ gây, từng xớ thịt trên mặt giật liên hồi. Đúng lúc ấy, đứa con mới mấy tháng tuổi trở mình khóc đòi bú. Bà cho con bú. Bú xong, chưa đầy hai phút, đứa bé bổng lên cơn kinh giật, tím cả mình mẩy. Đưa vào bệnh viện cấp cứu bé chết sau đó vài tiếng đồng hồ. Hội chứng, bác sĩ tìm được nguyên do cái chết tức tửi của bé là bị nhiễm độc. Truy tìm bằng khoa học, các bác sĩ kết luận : độc phát ra từ nguồn sữa của người mẹ đang giận cực độ. Hóa ra chính mẹ nó đã giết chết nó bằng nọc độc tiết ra từ tâm sân nộ của mình. Thảo nào Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni xưa đã cho tham, sân, si là tam độc (trích trong “Minh Triết Và Đời Sống Tuệ Giác”).

Chính vì lẽ đó, Đức Huỳnh Giáo Chủ đã từng dạy :

 

“Tham, sân, si chớ để trong lòng

Phải giữ lòng cho được sạch trong

Mới thoát khỏi trong vòng bệnh khổ”.

 

Giữ lòng cho được sạch trong là tịnh hóa tâm hồn bằng cách tu tâm sửa tánh. Lòng được sạch trong là trong tâm có Phật. Hay nói cách khác, ta đã tu hành đem được Phật vào trong tâm. Phật là gì ? Phật giả là giác giả. Giác giả là tỉnh giả. Phật tức là sự tỉnh giác không mê lầm. Trong lòng có sự tỉnh giác tức là có đủ sáng suốt của trí tuệ. Mà có sự sáng suốt chúng ta mới có đủ tư duy chính chắn nhận ra chân tướng sự việc, thấu đáo chân tướng vạn pháp. Khi ấy chúng ta khởi lòng nhơn ái mà ban phát tình yêu thương vô bờ trên trí giác ấy làm lợi lạc cho chúng sanh, xoa dịu nổi khổ niềm đau cho muôn người. Như thế mới đích thực là chữa lành được muôn bệnh tật.

Người xưa đã từng nói : “Lúc cho ra là khi nhận lấy” hay là ngạn ngữ có câu : “Vi thiện tối lạc” (Làm việc thiện, việc lành là sự tột vui).

 

Khi tâm chúng ta đã bình yên hạnh phúc, sự an lạc tuyệt đối nó sẽ tạo nên năng lực chữa lành tất cả bệnh tật trong thân của chúng ta. Đến đây, ta có thể đủ xác tín với câu giảng của Đức Thầy:

 

“Làm nhơn ái ắc tiêu bệnh tật”.

 

Và cũng đủ điều kiện để tin được lời của Hãi Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác :

Chỉ có người bệnh chớ không có chứng bệnh.”

Thường Như
Số lần đọc: 1409
Ngày đăng: 24.05.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tản mạn về dục-tính và nữ quyền - Nguyễn Vy Khanh
Ba nhà văn: ba cái nhìn về hiện tình văn chương hải ngoại - Nguyễn Khoa Thái Anh
Những thứ ở cùng hà mã, chó, chim và cá - Lý Đợi
Thư gửi Cao Huy Thuần: Nhân đọc “Thấy Phật” - Đỗ Hồng Ngọc
Nhân 120 Năm Ngày Sinh Của Bulgakov: Stalin đã thuyết phục Bulgakov không rời Tổ quốc ra sao? - Đoàn Tử Huyến
Suy Ngẫm Về Con Đường Mang Tên Một Vị Vua Yêu Nước - Tôn Nữ Hỷ Khương
Khi Người Việt Không Tin Chữ Việt - Lại Nguyên Ân
Mỹ cảm nghệ thuật mới trong Thơ Trẻ. - Yến Nhi
Tình Yêu Của Đức Huỳnh Giáo Chủ qua góc nhìn của một người Cao Đài - Huệ Khải
Thư ngỏ gửi Bảo Ninh và Larry Heinemann - Nguyễn Khắc Phê
Cùng một tác giả