Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.427 tác phẩm
2.747 tác giả
659
116.940.218
 
Tình bạn
Phạm Thị Ngọc Ðiệp

Sáng nào cũng vậy, chú gà trống vàng ra sân trước nhất, kế đến là đàn gà mái rồi lũ gà choai, gà con kêu chiêm chiếp bên chân mẹ. Còn đám vịt xiêm tròn lẵn, lạch bạch ra sau cùng. Con trống vàng tiếp tục gáy vài lần nữa, cái giọng lảnh lót, to và vang xa mà nó đã cất lên từ hồi canh ba của đêm về sáng. Nó ăn rất ít mà bao giờ ăn nó cũng không quên "tục tục" gọi mấy cô mái tơ đến gần cùng ăn. Nó sẵn lòng nhường miếng mồi ngon nhất cho bất kỳ cô mái tơ nào đến trước. Những con thú trong nhà đều rất quý cái tính thơm thảo, không phàm ăn của nó. Có lần để bạn khen cho sự siêng năng, cần mẫn thức gáy báo sáng, thằng cu Tin thường cho nó mấy con đuông dừa trắng nõn. Nó ngậm vào mỏ rồi nhả ra luôn miệng gọi mấy cô mái tơ đang bươi chảy ở gốc rơm đến và cho hết. Chú trống vàng thường cười một tràng dài chế nhạo mấy chàng vịt xiêm cồ cứ thấy lúa là sục mỏ vào cùng mấy nàng vịt mái ăn no đến lặc lẽ, chẳng nhường nhịn mời mọc.

 

Chú trống vàng thường chỉ ăn qua loa lấy lệ và xem việc ăn là phụ mà công việc chính của chú là gáy. Chú cố luyện tập sao cho giọng mình càng ngày càng hay, vang xa và hấp dẫn không chê vào đâu được. Ngoài ra chú luôn cảnh giác, nghiêng ngó quan sát kẻ lạ mặt xâm nhập vào sân vườn nhà. Có lần con trống choai của nhà thằng Bình lảng vảng qua sân liền bị chú trống vàng đến hỏi han. Chẳng biết trống choai trả lời quanh co làm sao mà bị chú trống vàng đá cho mấy phát đau điếng, ba hồn chín vía lủi nhanh về nhà.

 

Chú trống vàng nổi tiếng là đẹp mã nhất bầy. Bộ lông vàng của chú vốn đã rực rỡ lại điểm thêm chòm lông mã óng ánh ở cổ làm cho chú thêm tỏa sáng và rạng rỡ nơi chú đứng. Khi chú ở giữa đàn vịt đen vô tình làm cho sự đen đúa, cũ kỹ của đàn vịt càng tăng hơn. Trông dáng điệu của chú ai cũng cho là hết sức uy nghi, hùng dũng. Cặp chân to với những cái móng sắc bén. Mà bén và đáng gờm nhất là cặp cựa. Lũ ngan, ngỗng, mèo mướp sợ cặp cựa đã đành nhưng con Lu dữ dằn là vậy mà mấy phen bị chú đá cho phải chạy dài.

 

Bữa nọ con Lu vào chuồng vịt gây sự với con vịt mái xiêm đang ấp. Con xiêm mái bước ra khỏi ổ vừa xỉa mỏ vừa cào vào mình con Lu. Con Lu cũng hung hăng không kém, nó la ăng ẳng và cắn vào cánh vịt mà lôi. Trống ta bèn vào cuộc. Nó "cục cục" liên hồi rồi cười một tràng dài rất gà trống. Đôi cánh oai vệ hơi xệ xuống bên bàn chân dậm dậm trên mặt đất. Trước sự phừng phừng nổi điên xem ra sự nói năng của gà trống không hề làm dịu đi cuộc chiến của một phe hai chân và phe bốn chân. Đáp lại thiện chí dàn hòa của gà trống là tiếng chó kêu ăng ẳng, tiếng la quèn quẹt của con mái xiêm mặt đằng đằng sát khí, lông đầu dựng ngược. Xem chừng án mạng có thể xảy ra. Kẻ thắng cũng khó tránh khỏi u đầu mẻ trán. Nhưng đừng ai chết vẫn tốt hơn. Nghĩ vậy trống ta bèn vận hết nội công tát cho con Lu một cái đau điếng, xong tát cho con mái xiêm một cái tương xứng, rồi cứ thế chú tả xung hữu đột cho đến khi cả Lu và mái xiêm không chống đỡ nổi. Con Lu dông lên thềm nhà trên, còn con mái xiêm cũng mau chân bay ra giữa ao để bảo toàn tính mạng. Làm xong nhiệm vụ giải tỏa chiến tranh trống ta bèn bay lên nhánh ổi đập cánh phành phạch gáy mấy cái liền như hát khúc hoan ca. Những con thú khác im lặng theo dõi chiến sự giờ mới thở phào nhẹ nhõm, thán phục chú gà trống quá chừng. Uy tín chú cũng tăng lên từ đó.

 

Tính ra chú có nhiều ưu thế hơn những con vật khác nếu không muốn nói là nổi trội trong đám gia cầm nhà thằng Tin. Điều tự hào nhất là tiếng gáy. Đã đành đó thanh tao, âm vang mà còn điệu nghệ đố con nào bằng. Cái lũ gà choai choai trong xóm tập tễnh cất lên cái giọng đùng đục, ngắn ngủn thật đáng buồn cười. Chú cũng độ lượng tuốt cho chúng nó - Một lũ trẻ con.

Chú ngạo nghễ bảo với đám gia súc.

 

- Chỉ có ta mới làm nên buổi sáng, xua đi bóng đêm. Tiếng gáy của ta có khả năng gọi mặt trời thức dậy. Nếu không nhờ ta thức khuya dậy sớm thì lũ chúng bây sẽ đời đời chìm trong bóng tối.

 

Con chim chèo bẻo trên cành hỏi:

 

- Bằng cách nào mà chú gọi trời sáng giỏi thật.

 

Chú ngất ngưởng cái đầu với mồng tích đỏ chót, kênh kiệu bảo:

 

- Ta là bạn của trời.

 

Lũ vịt xiêm gật đầu đồng ý thán phục. Mấy con bồ câu đang đút mồi cho con cũng "gù gù" tán thưởng. Lũ thỏ trong chuồng cũng nhất trí im lặng.

 

Kẻ nào dám phản đối điều ấy đâu, cứ thử gọi mặt trời một bữa xem sao.

 

Quen với cái kiểu giải quyết xung đột bằng sức mạnh vốn có của mình, chú trống vàng ngày càng hung tợn. Cái gì trông lạ mắt, không hợp với ý chú là chú ra tay ngay. Thường phần thắng chú nắm chắc. "Bạn trời không còn biết ớn ai trong mảnh sân nhà chật chội.

 

Chúa nhật hôm ấy nhà có khách. Chị của cu Tin dẫn cháu về thăm ông bà. Bé Ly vừa tròn ba tuổi, kháu khỉnh. Và rất đáng yêu. Ai cũng quí cưng cháu như vàng ngọc. Bé Ly mặc áo đầm với nhiều tầng đăng ten màu sắc sặc sỡ. Bé lẫm đẫm ở thềm nhà, chân mang đôi giày Bitis có hình con thỏ xinh xinh,

 

Bạn trời" nhà ta trông thấy lạ lẫm và chướng mắt sao đó bèn xông tới đá tới tấp, đá lu bù. Bé ôm mặt khóc ngằn ngặt ngã lăn từ thềm xuống sân. Ba của bé Ly thấy vậy kịp thời chạy ra lấy khúc củi chẻ mà phang mấy cái đích đáng vào "bạn Trời". Làn da non tơ của con bé bị cái cựa bến nhọn làm rách một đường dài ở trán lại thêm mấy đường cào xước ở cánh tay. Máu chảy ròng ròng. Cả nhà xúm lại lo rửa và băng vết thương cho bé Ly, không ai để ý "bạn Trời" bị đòn đau quá ngã lăn bất tỉnh. Một hồi sau nó mới thở được và gượng đứng dậy. Lần đầu tiên trong cuộc đời oai phong lẫm liệt của nó mới biết thế nào là bị đòn đau. Len lén nó tìm một chỗ kín dưới gốc sơ ri mà thở và tĩnh tâm lại. Nó cảm thấy đau ê ẩm khắp mình mẩy. Một cánh bị xệ xuống như bị gãy xương. Đặc biệt là cái cổ, ôi trời sao mà nó đau khủng khiếp. Nó há mỏ, máu đóng thành cục rớt ra. Một ý nghĩ chợt đến nếu nó chết đi chắc chủ nhà sẽ mừng lắm, vì tội của nó không nhỏ chút nào.

 

Đêm tối nó khập khiễng đi vào nhà. Nó biết là thần chết không đến. Còn có thể sống được nhưng đau lắm. Cả đêm nó không ngủ. Nó thức tới cái giờ khắc quen thuộc để làm cái chức năng gọi mặt trời cho muôn loài nhưng cổ nó đau quá, chỗ đau lại sưng to lên và nóng rực. Cái âm thanh phát ra khỏi cổ mỗi khuya để nó kiêu hãnh là "bạn Trời", là "người cõi trên" giờ không thể nào vang lên được. Nó đập một cánh còn lại phạch phạch - động tác chuẩn bị gáy - như tiếng dơi đập muỗi hàng đêm, nó vô hồn quá, chua chát quá. Càng rướn cổ lên để gáy là một lần đau đớn vô ích. Nước mắt nó chảy ròng ròng.

 

Bên kia chuồng, bầy vịt rằn thức dậy lao xao gọi nhau. "Kẹ kẹ" bắt đầu đẻ trứng. Ngoài sông tiếng đò máy chở người đi chợ khuya đã mấy lượt chạy qua. Tiếng chim "hít cô" trên cành nhãn bắt đầu lảnh lót hót vang... Rồi trong nhà bà mẹ đã thức dậy dọn dẹp, tiếng thằng cu Tin dậy học bài. Và kia đám mây hồng ở hướng đông đỏ rực như ai đốt lửa. Dần dần mặt trời hiện ra với khuôn mặt đỏ gay như ngái ngủ... Mọi việc lần lượt diễn ra như mọi ngày, có khác chăng bữa nay chú không lê tấm thân ra khỏi chuồng được. Không có chú, mặt trời vẫn mọc đấy thôi. Chú đau đớn nghĩ vậy và chú khóc. Thằng Tin thấy chú nằm mãi trong chuồng, nó ẵm chú ra sân lấy chai cồn xoa bóp lên khắp mình, khắp chỗ đau. Thứ cồn mà mỗi khi đá banh trặc chân anh Ba nó hay dùng rất công hiệu. Chú gà trống vàng xấu hổ nằm im toàn thân toát lên cái mùi kỳ cục.

 

Hai ngày trôi qua mà chú vẫn chưa gáy được. Ngày nào cu Tin cũng xoa dầu cho chú, cái đau giảm đi chút ít. Chú chẳng thiết gì ăn uống. Cu Tin pha nước đường hòa với thứ thuốc gì đắng đắng, hôi hôi rồi dùng xi lanh mà bơm thẳng vào miệng chú. Ngày ngày đám chim câu gù gù đút mồi cho con mọn rồi cũng sà xuống bên cạnh, biếu chú mấy hạt tấm nhuyễn mịn. Nó còn an ủi bảo chú ráng ăn cho lại sức. Con mèo xám ốm nhom vẫn thường bị chú chòng ghẹo là "đồ phải gió" giờ nó cũng đến cho chú miếng mỡ bằng hòn cuội nhỏ, không biết ả ta xoay ra ở đâu, rồi ả rủ chú ra sân ngồi sưởi nắng. Mèo xám còn quả quyết là nắng ban mai rất tốt cho sức khỏe, không nhờ sưởi nắng có lẽ mèo đã chết lâu rồi. Chú trống vàng cảm thấy vui vui với sự quan tâm săn sóc của bạn. Bình thường việc ai nấy làm, chỗ ai nấy ở, ít có dịp bày tỏ thiện cảm với nhau.

Khi tất cả đã đi, còn một mình chú lại khóc. Chú lo nhất là khi cơ thể đã bình phục mà tiếng gáy vẫn tắt thì biết làm sao. Gà trống mà không thể gáy được thì khác chi gà thiến, thà chết đi còn hơn.

 

Con chim rù rì làm ổ trong vòm lá sơ ri rậm cũng cảm thông được nỗi niềm của chú. Hình như lão rù rì này rất ít ngủ. Hơn ai hết lão hiểu rất rõ những gì xảy ra trong đêm. Lão rù rì bảo.

 

- Chú vàng ơi, thôi đừng đau khổ làm gì với cái điều tự đặt ra là "bạn Trời", thật ra chú có gáy hay không thì trời vẫn sáng. Cứ coi tiếng gáy của chú như một sự chào mừng ngày mới. Vậy thôi, sẽ nhẹ nhàng biết bao.

 

Trống vàng không trả lời. Nó cảm thấy thấm thía biết bao cái điều lão rù rì nói. Lão ít nói nhưng điều lão nói quý giá biết bao với kẻ hãnh tiến đừng rơi ngã.

 

Hết ngày rồi lại đêm, chú trống vàng không tài nào ngủ được. Chú càng có dịp lắng nghe những gì diễn ra lúc nửa đêm về sáng. Hình như muôn loài, ai cũng có cách chào buổi sáng của mình, không nhất thiết phải gáy ầm vang như chú. Thật là lố bịch đến buồn cười cái điều mà chú quá tự hào về mình.

 

Ngày mai cu Tin sẽ cho chú uống thuốc, chú sẽ gắng ăn uống để chóng lại sức. Dẫu sao bạn bè cũng mong chú mau mạnh như trước. Không ai ghét chú kể cả con Lu, con mái xiêm bị chú cư xử khá thô bạo. Chú thề nêu còn gáy được chú sẽ gáy cho bạn bè nghe và không bao giờ nói cái điệu "bạn Trời" như xưa nữa.

Phạm Thị Ngọc Ðiệp
Số lần đọc: 2041
Ngày đăng: 19.01.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Qua cơn bịnh - Anh Động
Suối nắng - Anh Động
Trên những con đường - Kim Quyên
Chuyện nàng Mimô - Trần Kim Trắc
Công an xã - Hồ Tĩnh Tâm
Miền hư ảo - Minh Châu
Song Sinh - Minh Châu
Bến cũ - Anh Động
Khai đập - Anh Động
Ừ đi! Ừ! - Trần Kim Trắc
Cùng một tác giả
Tình bạn (truyện ngắn)