Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.389 tác phẩm
2.747 tác giả
739
116.713.761
 
Qua cơn bịnh
Anh Động

Chú Hai Quí đọc đến bài “Cải tạo thương nghiệp tư doanh” trong tờ tuần báo, sao chú thấy có nhiều danh từ rắc rối quá. Chú gãi đầu, thở ra. Búi tóc tròn màu trứng trít sau gáy của chú trệu trạo, núng nính. Xếp tờ báo lại, gỡ cây kiếng trên mắt xuống, chú móc túi lấy gói thuốc, vấn hút. Chú thở ra miệng và mũi từng chùm khói như những cuộn bông xám và gật gù suy nghĩ: “Cải tạo thương nghiệp tư doanh là phải. Cái thứ nầy không chịu sản xuất cứ cầm của người ta mà chuyền tay nhau kiếm lời đó, dẹp quách đi là vừa - Chú châu mày, vỗ trán - Còn công tư hợp doanh. Quốc doanh nữa, chà, chữ nghĩa... Chí phải! - Chú ngẩng lên hút tiếp hơi thuốc thật dài - Thôi thì để thằng Trọng hay con Vân gì về hỏi chúng nó thêm...”.

 

Chú Hai Quý rút cây lông nhím bằng cọng gai bưởi đang xuyên ngang búi tóc sau gáy, dùng đầu nhọn ủi ủi vào da đầu một hồi rồi ghim trở lại. Tuy là người có đạo (đạo hiếu nghĩa) và hay khó tánh, nhưng chú rất nể Trọng và Vân, người con trai và đứa con dâu chưa cưới của chú. Họ là cán bộ cách mạng đã tham gia công tác hồi những năm chú còn ở sâu trong ấp chiến lược Trần Thới. Con và dâu của chú thông hiểu chủ trương, đường lối của Đảng rất nhiều, nên được bà con kính mến... Điếu thuốc trên môi đã tắt, đánh diêm và bập bập lại mất lượt, chú Hai cảm thấy chán nản. Thuốc men, giấy má thời buổi nầy thật chẳng ra gì. Bọn gian thương buôn lậu ấy miễn sao đầy túi tham của chúng thì thôi. Thuốc “Gò Mỹ” mà, hút cứ phải ghì mỏ vào lửa. Còn giấy lại mỏng dờn, hút vừa lọt khói vừa nóng môi. Đồ đạc chợ đen chất lượng kém, giá cả lại vọt ào ao như xúc dá đậu xanh. Cải tạo thương nghiệp tư doanh là chí phải rồi...

 

Mùa lúa nầy, kể ra nhà chú cũng thu hoạch khấm khá. Nhờ vụ hè thu, Nhà nước đem giống lúa về giao tận tay bà con và phát động làm tận tình, lại nữa gia đình chú có anh Trọng là cán bộ của xã Thạnh Mỹ Tây nầy xung phong gương mẫu đăng ký làm một chục công tầm cấy. Ban đầu chú cũng có cằn nhằn người con trai. Vì giống lúa ấy ở mùa nầy là thu hoạch ngay mùa mưa dầm, gặt hái biết bao cực khổ, hao hớt. Làm vụ mùa, vừa thu hoạch cao vừa sung sướng hơn. Nhưng đến sau vụ hè thu ấy, chú mới thấy con chú là người thấy xa hiểu rộng: xong vụ đầu còn cấy lại vụ hai; lúa hột được bán giá lúa giống, cao tiền; hàng đổi hai chiều mua được liền, muốn thứ gì cũng có. Mặc dù có phục thằng con trai, nhưng chú cũng còn có những điểm bất bình với nó. Bọn trẻ bây giờ quá tự tin và kiêu ngạo. Chúng bảo là mấy mươi năm kháng chiến Đảng lãnh đạo nông dân chớ không phải nông dân lãnh đạo Đảng. Bản chất nông dân... coi chừng! Đảng đã trao ruộng đất vào tay họ, không sớm xây dựng tập đoàn sản xuất rồi tiến lên hợp tác hóa thì không khéo họ lại coi đất như sở hữu tuyệt đối của họ vậy. Cái bản chất tư hữu của nông dân gây trở ngại cho giai đoạn cách mạng xã hội chủ nghĩa nầy một cách đáng kể. Chúng làm như bản thân chúng mấy đời là giai cấp công nhân chánh cống vậy. Thằng Trọng con chú nó “lý tưởng” đâu đâu, nó đâu có thấy nông dân hiện giờ là sướng cha đời hơn bất cứ giai cấp nào khác. Mùa nước làm độ hai tháng, mùa khô cũng độ hai tháng nữa là cứ gác cẳng giàn bếp ca vọng cổ chơi. Mỗi năm, trừ lúa đóng thuế, lúa mướn làm, tính xỉu xỉu trong nhà cũng dư vài trăm giạ. Tính chắc ăn, một giạ lúa đổi kèo trên là một bao xi măng của giai cấp công nhân. Hỏi ai có làm ít thời gian mà hưởng nhiều như giai cấp nông dân không? Như nhà chú, khoảng lúa dư phải bán nghĩa vụ năm nay, chú định chia ra làm ba đợt: Đợt nhứt nầy mua một số đồ đạc, dụng cụ để làm đám cưới cho anh Trọng vào tháng sau nầy; đợt hai, mua vải xồ, dầu lửa, ván ngựa... Đợt ba, nhóng nhóng coi có xi-măng về chú vốc tay một cái cho móp môi, đổi đủ xây hai cái tường cửa và tráng luôn cái sân lúa, đến mùa đổi giống lúa Long Định về làm chơi. Mấy bữa nay chú cho thím với con Sang ra thương nghiệp huyện dọ xem coi hàng chở về đợt nầy có những gì, hỏi nhóng món gì giá cả bao nhiêu. Đời “kinh tế” mà! Bán lúa cho Nhà nước không được cao giá thì cũng phải biết tính toán xem mua lại món gì có lợi nhiều chớ. Lúa ngang chỉ có sáu đồng tư. Phải chi giá mười bốn đồng như giá lúa giống bữa hổm thì cần gì. Tính thì nghe quấy chớ, hô đợt bán làm lúa giống ấy, cứ mua lúa ngoài bán cho Nhà nước rồi mua hàng Nhà nước ra bán lại chợ đen cũng lời hơn bán lúa chợ đen. Có nhiều người xấu bụng làm vậy mà họ cũng được Ủy ban cấp giấy biểu dương thành tích bán nhiều lúa giống. Nhưng đàng nầy thì... Số lúa dư bảy phần trăm của chú phải bán giá nghĩa vụ tới đây thì... giá lúa ngang.

 

Chú Hai Quý dở lấy bình tích nước trà để trong cái vỏ ấm bằng vỏ trái dừa khô, rót nước ra ly. Cái mỏ vòi bình bị gãy hổm nay, làm nước bắn tóe ra mặt bàn. Cũng là một thứ đòi tiền nữa. Chú lại lắc đầu chán nản. Nông dân thì có ba cái lúa, lúa lại vô “kế hoạch” hết rồi. Để ăn cho mỗi đầu người là ba trăm năm chục ký trong năm; con dâu tháng sau cưới về, họ có để thêm cho đâu? Để trả nợ lúa giống, để đóng thuế đảm phụ, để lúa làm giống mùa tới... Cái bình tích gãy vòi. Cái thằng Trọng con trai của chú, lại con Vân con dâu của chú nữa, “giác ngộ”, “gương mẫu”. Chú nghe ức trong lòng đến nóng hai vành tai. Nhưng tại sao chú có cái gì như hơi sờ sợ chúng hoài? Tại sao chú không đủ nghị lực và lý lẽ để chửi cho tụi nó một trận tắt bếp? Hồi kháng chiến, hy sinh quá nhiều rồi, bây giờ được hưởng cái gì? Cứ ngày ngày tiếp tục đi phát động, kêu gọi, tăng vụ hè thu nầy, tập đoàn sản xuất nầy. Moi chuyện nầy móc chuyện kia cho chúng chửi? Ai có lúa bán, ai có quần sa-ten, áo xăng-zốt, riêng mình cứ lặn lội đến bụng dạ đói meo, quần áo tả tơi? Nghĩ mà thương nhưng lại cũng phát giận tụi nó...

 

Chú Hai Quí chợt nghe trên đầu xóm có tiếng trống đánh múa lân vọng văng vẳng. Bữa nay anh Trọng con của chú dẫn lực lượng đi chở lúa thuế đảm phụ xóm nầy. Họ gọi là ngày “hội thu”. Có đội múa lân dẫn đoàn xuồng chèo dài dài theo kinh xáng Vịnh Tre, đến nhà nào ghé gom lúa nhà ấy. Vậy là chú cũng gom số lúa đóng thuế lại để họ về ngang mà chở luôn cho rồi. Như chợt nhớ ra một điều gì quan trọng, chú vội vã đến bên bồ lúa, leo lên lôi một số bao đã cột miệng sẵn, chia ra làm hai cụm. Cụm bao nào cũng mười bao như nhau. Chú làm có tính toán, và mỗi bao có mở miệng xem lại cẩn thận. Dáng vấp chú hơi hấp tấp, đôi bàn tay run run. Chú để giăn cách rất xa: Một cụm bao sát trong vách, một cụm cạnh cửa bồ.

 

- Ba ơi !

 

Chú Hai Quí giật mình đơm đớp, ngẩng dậy. Chú thở ra và đưa tay lên áp vào lồng ngực. Vân, người con dâu chưa cưới của chú, đầu đội chiếc khăn rằn quất hai mối ra sau, đã bước vào cửa. Vân vừa đập đập bàn tay lên cuốn sổ cuộn tròn đang cầm ở bàn tay bên kia vừa tươi cười:

 

- Ba làm gì vậy? Soạn lúa giống hả ?

 

- A... à, ừ !

 

Chú Hai Quí ậm ự, lúng túng và từ trên bồ lúa nhảy xuống:

 

- Soạn ba cái lúa để chút nữa đóng đảm phụ. Con không có đi trong đoàn hội thu với thằng Trọng sao? Chà, cái đám tụi bây...

 

Chú phủi bụi lúa bám hai bên tay áo, đến ngồi trên một chiếc ghế cạnh bàn chỗ lúc nãy. Vân rụt rè, ngồi ở chiếc ghế đầu bàn, mở cuốn tập ra, lật lật từng trang:

 

- Con bận đi kê khai gia súc từ xóm dưới dài lên, lát nữa tới trên đó sẽ phối hợp với anh Trọng luôn.

 

Nghe Vân nói, chú hai vụt chưng hửng, nhốm người lên:

 

- Kê của mấy gia đình bán tiệm hả? Hệ thương nghiệp đó chớ gì ?

 

- Dạ kê khai nông hộ, ba à. Làm như vậy để nắm chặt được lượng lương thực tiêu thụ trong năm.

 

- Phần tử nào buôn bán thì kiểm, còn nông dân thì tự làm tự ăn...

 

Một tay Vân chống vào càm, một tay kia cầm cây viết bíc gõ gõ vào hàm răng. Sau một lúc ngập ngừng, cô mạnh dạn nói:

 

- Vấn đề cân đối và quản lý lương thực là chủ trương chung, góp phần chận bớt những gia đình chậm tiến, họ khó tìm cách luồn lúa ra bán chợ đen hoặc ém giấu để đặt rượu bất hợp pháp, ba à. Mặt khác, nếu ngành sản xuất nông nghiệp có kế hoạch chặt chẽ chừng nào thì có điều kiện đưa sản xuất lớn đi nhanh lên chừng ấy.

 

Chú Hai Quí đuối lý, quay mặt chỗ khác, nói đưa hơi:

 

- Ừ, vậy thì có “kê” thì kê...

 

Vân hâm hở mở sổ ra vuốt mặt giấy lại cho ngay ngắn:

 

- Má không có ở nhà, kẹt quá...

 

- Kẹt gì ?

 

- Biết nhà mình có bao nhiêu gia súc đây ?

 

- Thì ghi đi! Một con trâu già, một tơ, hai nghé. Rồi chưa? Bốn con heo: Một nái, ba tơ (heo định để làm đám cho tụi bây đó). Gà với vịt cộng chung à? Cũng được. Ba chục vịt bự, một vịt trống xiêm cồ, ba mái, hai mươi lăm vịt mới “bận áo lá”. À, quên! Nhớ ghi thêm là ngày mai má bây mua thêm về hai con heo con nữa để sau khi con về, cho tụi bây nuôi riêng !

 

Vân, một tay viết, một tay che miệng cười chúm chím.

 

Chú Hai Quí với lấy bình tích rót nước uống. Những giọt nước từ mỏ chiếc bình gãy văng tóe ra bàn. Thấy Vân xếp tập, cất bút, toan đi, chú bảo:

 

- Ba đong sẵn mười bao lúa đảm phụ để dựa cửa bồ đó nghe! Lát nữa nếu ba đi đâu vắng, con kêu thằng Trọng lường lại cho người ta.

 

- Thì... con với anh Trọng ghé vác luôn, lường đi lường lại chi cho mất công?

 

- Phải đong lại cho người ta thấy chớ.

 

- Con với anh Trọng phụ trách việc nầy, không lẽ chẳng tin ba nữa sao ?

 

- Thì thôi... tao sợ...

 

- Ai cũng biết gia đình mình là gia đình cán bộ, không lẽ mình làm những việc nhỏ nhặt vậy sao? Giả thử như mình có làm, Nhà nước có thiệt hại bao nhiêu đâu, giỏi lắm một táo một giạ là cùng, nhưng mình thì... cái xấu hổ lương tâm đó có táo giạ nào mà đong cho hết ?

 

- Sợ là sợ cho nhà nào kìa. Gia đình cán bộ, tử sĩ bây giờ cũng có ba bốn loại, con ơi! Đừng có lý luận... chủ quan...

 

Khi Trọng cùng đoàn “hội thu” từ trong ngọn Vịnh Tre gom lúa dài ra tới nhà thì quả là chú Hai đi đâu vắng thật. Đội múa lân giống trống tùng phình trước sân. Trọng chạy vụt vô nhà, leo lên bồ lúa. Y như lời Vân nói lại, đúng là ba của anh đã đong lúa sẵn rồi. Không thấy ba ở nhà, Trọng ngỡ ông đi đâu luẩn quẩn sao vườn, nên không kêu. Trọng đến bên cụm bao lúa để cạnh cửa bồ định ôm chúng quăng xuống đất. Nhưng vừa ướm lên một bao, anh nghe có cái gì hoài nghi, liền để lại. Thôi thì xem lại cho nó chắc ăn kẻo lộn phải lúa giống của ông già. Trọng mở bao, bốc lúa ra xem. Anh giật mình! Trọng tiếp tục mở bao thứ hai.... Anh ngẩn ngơ. Qua một thoáng suy nghĩ, Trọng đã hiểu... Anh lắc đầu, thở ra.

 

Vân đứng trước cửa bồ lúa phía dưới đất, ngước lên nhìn Trọng. Cô thấy sao anh ấy cứ loay hoay, chập chựng, nên giục:

 

- Lẹ lên! Đỡ xuống vai nầy cho em vác ra. Trống thúc, lâm múa ngoài sân rồi kìa !

 

Mấy bác già cũng kéo vô tới cửa nhà, đánh tiếng lên vơi vơi:

 

- Già Hai Quí đâu rồi? Thi đua đóng nhanh, đủ, sạch là góp phần xây dựng xã hội chủ nghĩa, nghe chưa !

 

Mấy cô gái và các anh con trai cũng đang tràn vào nhà, họ cười nói om sòm:

 

- Ông Trọng bà Vân cứ ở đó tí tò te hoài đi. Chuyền lúa xuống cho tụi nầy vác nhanh nào. Chuyện đó để dành tới tháng sau thì mặc sức...

 

Vân vừa thẹn vừa ức cho Trọng. Cô bườn đại lên bồ lúa, chồm đến bên Trọng:

 

- Ở đó cù lần hoài. Tụi nó cười cho rồi đó !

 

Vân giành lấy miệng bao trên tay Trọng đang cột lại, định bốc lúa xem thử. Nhưng Trọng hất tay Vân ra:

 

- Lúa giống của ba, lạ gì mà coi ?

 

- Hồi nãy là ba dặn lúa đóng đảm phụ ở cụm nầy, lúa giống ở cụm trong kia mà. Lúa giống gì mà lép không vậy ?

 

- Em biết hơn anh à? Để giống lúa lừng lừng mọng lên mới mạnh.

 

Vừa trả lời Vân, Trọng vừa lôi cụm bao lúa để dựa cửa bồ ấy vào một bên góc bồ, và anh lại lôi cụm bao lúa trong góc bồ ra; cụm mà Vân gọi là lúa giống.

 

Trọng đẩy nhẹ Vân xuống đất:

 

- Xuống vác với chúng nó, để một mình anh đỡ được rồi !

 

Trọng làm việc một cách hào hển, lấp vấp. Mồ hôi trán anh vã ra, thỉnh thoảng Trọng đưa cùi tay quệt ngang. Vân và đám thanh niên bên dưới cứ đưa vai vô cho Trọng đỡ từng bao một mà vác xuống xuồng. Những bác già chuyện vãn hề hà, những cô cậu trai gái kháu nhau cười khúc khích, đám trẻ con la hét ỏm tỏi. Nhịp trống múa lân ngoài sân đã thúc đến hồi “bái môn”. Ai lý sự gì mặc ai, Trọng nghe đầu óc mình choáng váng, tâm thần chao đảo. Trước mặt anh, nhiều hột lúa vàng vàng nhảy nhót chập chờn. Trọng nghe trong ngực mình có cái gì chận chẹn ngang, vừa uất ức vừa hổ thẹn. Làm xong việc, Trọng phóng xuống đất, rướn người lên hít một hơi không khí dài đến đầy lồng ngực.

 

Chiều về, tắm rửa, cơm nước xong, Trọng lấy tờ tuần báo ra để giải thích thêm danh từ mà chú Hai cho là rắc rối, theo lời ông yêu cầu. Trọng nói, chú Hai Quí ngồi rung đùi nghe, chốc chốc chú cười lên ha hả:

 

- Nghĩa là không còn cảnh buôn gian bán lậu? Không còn chuyện luồn hàng cửa trước rước hàng cửa sau? Khônhg còn mè nheo móc ngoặc? Vậy là cho tụi con buôn nầy “bán lúa giống sạch sẽ”.

 

Trọng ngồi gầm mặt, chẳng những anh không phấn khởi như chú Hai mà còn dùng đầu ngón tay trỏ vẽ vẽ xuống mặt bàn, nói giọng chầm chậm:

 

- Bất cứ ai, sống trong chế độ nầy hễ gian dối, tham lam thì cũng “bán lúa giống” hết thảy.

 

- Ý! Mầy nói ai? - Chú Hai giật mình, chăm chú nhìn vào Trọng. Trọng cũng cứ ngồi gầm mặt vẽ vẽ xuống mặt bàn, anh chưa biết phải trả lời với chú thế nào. Nhưng cũng may, lúc hai cha con Trọng đang lâm vào cái không khí khó thở đó, thì Vân đến.

 

Vân bước vào cửa nhà. Tay Vân cầm ruột phong bì, mình mặc chiếc áo xanh màu trứng sáo và mái tóc Vân hôm nay chải rẽ đường ngôi cẩn thận. Bước ngang đầu bàn, Vân đưa đôi mắt đen nhánh liếc về phía Trọng và cười chúm chím.

 

Lại ngồi bên góc chõng, Vân với để chiếc phong bì lên mặt bàn chỗ Trọng với chú Hai.

 

- Ủy ban gởi thơ cho ba nè.

 

Câu nói của Vân vừa phát ra, dường như là một luồng điện châm vào người chú Hai Quí. Chú vụt nhống lên khỏi ghế. Chú đứng dậy đưa bàn tay lên chận ngực, bước lảo đảo vô buồng. Giọng nói của chú run run và lắp bắp:

 

- Lấy thơ cất đi con! Đi... Trọng! Để tối ba...ba xem... Sao trong mình ba nghe mệt quá.

 

Vân sửng sốt, đứng phắt dậy:

 

- Anh! Coi ba làm sao vậy ?

 

Trọng vẫn ngồi im, mắt liếc nhìn lên mấy chữ trên mặt phong bì, anh mủm mỉn cười, đáp lời Vân:

 

- Ba mới vừa nhớm cơn bịnh.

 

Và anh chậm rãi kêu chú Hai lại:

 

- Không phải thư từ gì đâu, ba! Ủy ban gởi giấy biểu dương cho ba đó.

 

Chú Hai Quí quay người lại, chồm đến bên Trọng:

 

- Biểu dương gì, biểu dương ai ?

 

- Biểu dương thành tích của ba.

 

Trọng xé phong bì lấy tờ giấy biểu dương của ủy ban nhân dân xã ra:

 

- Thành tích đóng lúa đảm phụ sạch sẽ.

 

Chú Hai Quí vội ngăn Trọng lại, đôi tay chú quờ quạng, quay mình đi vào buồng. Chú kêu hụp hửi:

 

- Cây kiếng... Để ba... Cây kiếng...

 

Chú đi loạng quạng đến bên cửa bồ lúa, bườn lên, mở miệng hốt lúa xem cụm bao để sai chỗ cũ. Chú quờ quạng... Rồi chú trở ra, trên tay vẫn không có cây kiến. Chú cầm tờ giấy đưa lên ngang tầm mắt, luống cuống, ngồi xuống ghế lại đứng lên. Ống tay áo chú dính đầy bụi lúa.

 

Vân lo lắng, nhìn Trọng, bảo:

 

- Kìa! Ba làm sao vậy, anh? Ba bịnh hồi nào mà môi mặt tái xanh vậy, anh?

 

Trọng cứ ngồi cúi mặt, liếm môi:

 

- Ba vừa... Vừa qua cơn bịnh...

Anh Động
Số lần đọc: 2768
Ngày đăng: 17.01.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Công an xã - Hồ Tĩnh Tâm
Miền hư ảo - Minh Châu
Song Sinh - Minh Châu
Bến cũ - Anh Động
Khai đập - Anh Động
Ừ đi! Ừ! - Trần Kim Trắc
Trăng đẹp mình trăng - Trần Kim Trắc
Gà đẻ gà cục tác - Hồ Tĩnh Tâm
Bến lội - Khôi Vũ
Tri thiên mệnh - Khôi Vũ
Cùng một tác giả
Ánh lửa Chông Nô (truyện ngắn)
Mũi lấn (truyện ngắn)
Tiếng bước chân (truyện ngắn)
Chung kết (truyện ngắn)
Tiếng đàn (truyện ngắn)
Thuốc đắng (truyện ngắn)
Chớp lửa đêm giông (truyện ngắn)
Cách chim không mỏi (truyện ngắn)
Đường còn xa (truyện ngắn)
Qua sông (truyện ngắn)
Khói lam vắt vẻo (truyện ngắn)
Trăng tháng chạp (truyện ngắn)
Hàng rào sậy (truyện ngắn)
Bến cũ (truyện ngắn)
Khai đập (truyện ngắn)
Qua cơn bịnh (truyện ngắn)
Suối nắng (truyện ngắn)
Khơi mạch (truyện ngắn)
Bên hàng Cù Oanh (truyện ngắn)
Tiếng trống Sampô (truyện dài)