Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
864
116.667.090
 
Tiếng bước chân
Anh Động

Vào một buổi trưa tháng chín năm ấy, không nhớ ngày, tôi đang ngồi nấu cơm...

 

Lòng chảo nóng ran. Tôi múc một muổng mỡ chế vào chảo kêu xèo xèo. Làn khói mỏng bốc lên, mùi thơm lừng mũi. Bé Mẫn, con gái út của tôi vừa lên bảy, ngồi xem, vỗ tay cười thích thú. Tôi tiếp tục cho mấy tép tỏi đập dập vào. Mỡ lại bốc sôi tứa bọt li ti.

 

- Đừng nhìn gần, mỡ bắn phỏng mặt, con!

 

Tôi bảo Mẫn và gắp từng con ba khía muối bỏ vào chảo. Mỡ càng sôi lên dữ tợn. Ba khía muối vốn có mùi mặn hăng hắc, gặp mỡ khử tỏi được bén mùi, nghe cũng hấp dẫn. Tôi lầm bầm một mình: “Xấu gỗ nhờ tốt nước sơn. Nhà nghèo, món ăn dở, nhờ có gia vị”. Mẫn không hiểu tôi nói gì, nó hỏi:

 

- Là làm sao, cha ?

 

Tôi giải thích đâm quàng với bé:

 

- Xấu trong bụng, nhưng tốt cái miệng, cũng sống đời được.

 

Bé Mẫn cũng chưa hiểu gì, cứ ngồi nhìn tôi thao láo. Bé Mai, con gái lớn của tôi lên mười hai, đang ngồi gọt dưa leo bên cạnh, chen vào:

 

- Cha nói như mầy đó, vừa ngu, vừa ham ăn, vừa làm biếng, nhưng được cái miệng ngọt xớt, nhiều người thích.

 

Mẫn ức lắm, chòi hai chân, kêu lên:

 

- Chị Mai nói xấu Mẫn kìa cha !

 

Tôi cười an ủi:

 

- Không sao. Mình không ra gì, nhưng được cái nước tuyên truyền, thiên hạ cũng lầm thôi con.

 

Bé Mẫn tuy chưa hiểu ý nghĩa câu nói của tôi, nhưng biết chắc là cha bênh vực, khoái chí hỉnh mũi, kéo chiếc ghế mẫu giáo nhỏ xíu ngồi xê ra. Bé nhìn những con ba khía trong chảo bắt đầu đóng quánh một lớp muối và vàng ruộm phía dưới, những cái ngoe vểnh lên làm nó nuốt nước miếng:

 

- Ba khía chiên thơm, phát đói bụng. Mà sao người ta gọi nó là con ba khía hả cha ?

 

Dùng đôi đũa thọc vào chảo lật ngửa những con ba khía lên, tôi dẫn giải:

 

- Bởi những cái ngoe của nó có ba cạnh.

 

Mẫn bụm mũi cười:

 

- Vậy thì người ta kêu bằng con ba cạnh mới phải chớ?

 

Tôi xì xòa cho qua:

 

- Ồ khía hay cạnh gì cũng là loại bươi quào, móc moi, kẹp cắn xà nghinh xà ngang như cua vậy thôi. Ai ưa nó. Nên dòng họ nhà nó cả ba đời cứ bị vô lu muối, vô chảo mỡ.

 

Mẫn lại hỏi khác:

 

- Sao nhà mình cứ ăn ba khía hoài vậy cha ?

 

- Bởi mình nghèo.

 

Tôi gắp những con ba khía vàng trong chảo ra dĩa, thay mấy con mới vào. Mẫn cứ hỏi cù nhầy:

 

- Tại sao nhà mình nghèo ?

 

- Tại cha mẹ mắc đi đánh Mỹ không mần ăn được.

 

- Sao nhà ông chú, bà thím Năm, con nghe nói đi đánh Mỹ nhiều hơn nhà mình, mà giàu hai ba tầng vậy?

 

Tôi đớ lưỡi, sắp nổi xung:

 

- Tại... tại cha mẹ mầy dở, cha mẹ mầy ngu không biết làm ăn, không biết chạy chọt.

 

Bé buồn hiu ngồi xuôi xị, chốc sau, bé lại thủ thỉ:

 

- Sao cha mẹ không chạy chọt cho giàu ?

 

Bé Mai lại xỏ vào một câu móc họng tôi:

 

- Ai không muốn, tại chưa ra cách chớ mầy.

 

Tôi ức quá không thèm nói chuyện với hai con nữa. Mẫn lại quay qua nói chuyện với chị:

 

- Chừng nào cha mẹ “chạy chọt ra cách” mua thịt heo về khìa nước dừa thơm phức. Mẫn với chị ăn đã nghe !

 

Bé Mai thấy tôi không hài lòng, rầy em:

 

- Mầy ham ăn sung mặc sướng thì làm con nhà giàu mà ăn.

 

Mẫn ngửa cổ cười hắc hắc. Nhưng nửa chừng nó lại nín ngang. Bé nhìn về phía thang gác. Từ dưới có tiếng bước chân của ai đi loại dép lốp hoặc guốc, nện cồm cộp lên qua những bậc thang gỗ. Tiếng bước chân có hơi vội vã và xa lạ. Không phải mẹ các cháu đi làm về. Mẹ chúng đi dép mủ tái sinh chỉ nghe lẹp quẹp thôi.

 

Sau đó, một cái đầu tóc cắt ngắn, bạc trắng tựa mớ bông gòn ló lên ở đầu cầu thang. Rồi một con người có bộ tướng nhỏ thó, gương mặt nhăn nheo có chiếc miệng móm mém, đứng thừ ra khi nhìn thấy cha con tôi. Rồi ông già ngó dáo dác như còn tìm kiếm thêm một cái gì. Cha con tôi đang ở tầng trên của thư viện tỉnh, trong một căn phòng phía trái, rộng chín mét vuông. Hai dãy phòng giao khẩu nhau chạy đến khoảng trống chỗ ông già đứng bỡ ngỡ kia là một hội trường nhỏ của Sở Văn hóa. Ông già cứ lựng bựng trước khoảng trống hội trường lót gạch bông bóng loáng. Bé Mẫn thấy có người tới mà hơi dị tướng, vội ép sát vào tôi, hỏi thì thào:

 

- Ông già nào vậy cha ?

 

Nhìn qua góc trống bệ cửa phòng tôi nhận ngay ra người quen, vội chạy xô tới:

 

- Ba !

 

Tôi vội chụp lấy đôi vai nhỏ bé của ông già. Ông cũng với lên nắm lấy vai tôi. Ông cười khùng khục và nói lắp bắp:

 

- Cha mầy, ăn ở cái gì mà kiếm muốn chết !

 

Tôi lôi ông già vào phòng. Ông lột đôi dép lốp để ngoài cửa, đưa mắt nhìn bao quát căn phòng:

 

- Cái thằng... mầy ăn ở như vầy sao? - Ông quan sát kỹ gian phòng một lần nữa - Cũng tiếng ở nhà lầu, sao mà chật như cái cầu tắm vậy ?

 

Tôi kéo chiếc ghế mẫu giáo mời ông ngồi, vã lã:

 

- Ở vầy gọn dễ dọn dẹp, ba ơi! Mấy đứa nhỏ bày phá lắm - Thấy Mai và Mẫn đang đứng khép nép nhìn vào ông già. Tôi bảo - Thưa ông nội đi con.

 

Bé Mai bước tới khoanh tay:

 

- Thưa ông nội đến chơi.

 

Bé Mẫn cũng làm theo chị. Ông già ôm Mẫn vào lòng hỏi tôi:

 

- Được hết thảy mấy đứa, mầy ?

 

- Hai đứa hồi còn trong chiến khu, ra đây thêm cô út đó.

 

- Ba đứa gái không ?

 

Tôi vui miệng đáp đùa với ông già:

 

- Các Mác là bậc vĩ nhân cũng có ba người con gái thôi.

 

Ông già cũng đùa lại:

 

- Còn mầy là “Các dao” nên cũng học theo ?

 

Cha con tôi cười om. Tôi quay qua nhắc chảo ba khía chiên xuống.

 

- Dọn cơm ba ăn luôn nghe !

 

Ông già không đáp ngay, lại hỏi:

 

- Con dâu của tao đâu rồi ?

 

- Mẹ nó đi làm việc, chút nữa về tới.

 

Trong lúc tôi với bé Mai lụi hụi dọn cơm, ông cháu bé Mẫn bắt chuyện với nhau lăng líu:

 

- Cháu học lớp mấy ?

 

- Dạ, lớp hai. Còn ông Nội học lớp mấy ?

 

- Ông nội mắc đi đánh giặc có học hành gì đâu.

 

- Vậy là ông nội cũng đi đánh Mỹ như cha mẹ của Mẫn? Ông nội nghèo hay giàu ?

 

- Nghèo thấy mồ tổ !

 

- Hèn gì ông nội mặc đồ xấu hoắc. Tại ông nội “chạy chọt không ra cách” chớ gì ?

 

- Cha mầy, ai dạy vậy ?

 

- Chị Mai nói đó.

 

Ông già cười khùng khục qua hai hàm lợi móm mém. Mẫn sờ vào cằm ông già:

 

- Ông nội ruột của Mẫn có để râu dài, sao cằm ông lại trọi lỏi vậy nè. Ông nội tên gì ?

 

- Gọi bằng ông nội Hai.

 

- Ông nội Hai có phải như ông nội Nhì không ?

 

- Không. Ông nội thứ hai đó mà.

 

- Mẫn biết rồi. Mà ông nội hai La Mã hay hai thường ?

 

Bé Mai kéo bàn dọn cơm rề lại và rầy Mẫn:

 

- Mầy lý sự hoài. Hai viết hoa đó. Mời ông nội ăn cơm nè.

 

Bé Mẫn rời ông, kéo chiếc ghế mẫu giáo cho ông. Ông nhìn chiếc ghế, cười:

 

- Ghế gì lẳn mẳn vậy, mầy ?

 

Tôi trả lời dí dỏm:

 

- Bởi lưỡi cứng quá phải ngồi ghế nhỏ chớ sao ba.

 

Ông già cười mũi:

 

- Lưỡi cứng hay xương sống cứng?

 

- Cả xương sống cứng, nhưng ngược lại thì đầu gối không chai mới là tỷ lệ nghịch.

 

Ông già lại cười mũi lần nữa:

 

- Tại leo trèo giành giật không lại người ta thì nói !

 

Tôi cười rất sảng khoái:

 

- Tất cả cái kia là nguyên nhân, nên kết quả là “kém sức khỏe”.

 

Cha con tôi cười dậy phòng. Hai đứa nhỏ không biết gì cũng cười theo. Ông già ngồi lúng túng trên chiếc ghế mẫu giáo, cứ xê qua xích lại hoài. Ông phàn nàn:

 

- Nghèo gì mà không sắm một chiếc ghế lớn, có chỗ ngồi dựa cho nó vững.

 

- Sợ ngồi ghế có chỗ dựa miết rồi quen nết, xương sống mình sẽ mềm nhũn ra ba ơi !

 

Cha con, ông cháu chúng tôi ngồi vây quanh chiếc bàn mẫu giáo. Mâm cơm chỉ có mớ ba khía chiên và dĩa dưa leo tươi. Tôi xới chén cơm mời ông:

 

- Ăn đi! Thức ăn cơ bản của cha con mình hồi còn ở rừng đước đó ba. Nhà con thì luôn giữ các gốc mùi vị kháng chiến, sợ đổi thức ăn nó đổi luôn tánh tình, quan điểm, thì khổ dài dài.

 

- Ra chợ gần mười năm mà mầy cứ thủ cái khẩu vị cũ hoài.

 

- Nhưng hơn trước là mình biết thêm nhiều gia vị để tăng mùi mè, màu sắc cái chất đó. Ba coi nè: ớt có màu đỏ để kích thích cái ăn của mắt; vị cay để kích thích cái ăn của lưỡi; tỏi có mùi thơm để kích thích thêm cái ăn của mũi; mỡ béo để kích thích thêm cái ăn của da; càng ba khía chiên giòn để khi nhai kích thích thêm cái ăn của tai...

 

- Ơi, già hàm mầy ơi !

 

Cha con, ông cháu chúng tôi cười om. Nhưng tôi thấy ông già cứ so đũa vào chén cơm mà không chịu gắp đồ ăn. Ông cười bảo:

 

- Cho tao xin miếng nước mắm mặn, để kích thích cho cái ăn của hai hàm lợi trọi lỏi này.

 

Chợt nhớ ra, tôi ngớ người cười ngất. Hồi những năm sáu mươi tôi thường sống chung với ông già này. Cơ quan có nhiều ông già, mang nhiều thứ, ông thì được chúng tôi gọi bằng “Ba Hai”. Ông giữ kho và đóng đáy tự túc cho văn phòng Ban Tuyên huấn khu ủy Tây Nam Bộ. Được bao nhiêu tôm cá ông đều làm khô cẩn thận, gởi hết về cho Ban. Họa hoằn lắm ông mới dám ăn một vài nhúm tôm đuôi, khô vụn. Có lần chúng tôi lỡ ăn cắp một nắm tôm khô nguyên để lai rai, bị ông bắt được, phê bình cho một trận nên thân. Ông trung thành với Ban như con chiên với nhà thờ. Có một thằng “chì mâu” bảo “Ba ơi, bòn tro đãi trấu làm chi, gom về cho con gấu nó ăn”. Ông già nổi giận chửi một trận cho tắt bếp, suốt cả năm không nhìn mặt tay ấy. Chúng tôi với ông có rất nhiều kỷ niệm sâu sắc. Ông là một trong sáu người đầu tiên của Ban Tuyên huấn Tây Nam Bộ thời mới thành lập. Khoảng giữa năm sáu mươi hai tôi lên công tác ở đó thì đã thấy ông có mặt tự bao giờ. Nghe đâu trong những năm bí mật, ông vừa tự túc vừa bảo vệ cho ông Lê Thế Tợi - sau này là phó ban - đi mở những lớp tập huấn chánh trị cho cán bộ hết tỉnh nầy sang tỉnh khác. Tụi con trai chúng tôi thường ăn hiếp ông. Đánh cờ, đánh bài, chúng tôi tìm mọi cách để ăn gian ông. Một sức một không đứa nào vật thắng ông - không phải vì ông có sức mạnh - vì ông có móng tay cái dài và dầy, ngắt cái nào là nổi vú chì cái đó. Chúng tôi phải liều một đứa bị thương, đứa khác đè cắn bỏ hai móng tay gấu ấy, từ đó về sau mới trị ông nổi.

 

Mỗi buổi đi làm lao động về, chúng tôi đuổi bắt cá thòi lòi hoặc ba khía để kho ăn. Có lần không bắt được cá, chỉ có mấy con ba khía, chúng tôi đem kho muối. Trong bữa ăn, thấy ông rót nước mắm ra húp suông. Ngỡ là có điều gì làm ông phiền, chúng tôi hỏi. Ông cười hô hố khoe hai hàm lợi bóng nhẫy không còn một cái răng làm thuốc. Ông bảo: “Ăn con khỉ gì được ?”...

 

Mà bây giờ tôi lại quên, lại mời ông ăn ba khía. Đã lỡ vô ý, tôi vã lã gỡ gạc:

 

- Hơn hai chục năm rồi mà hai cái hàm của ba không có gì thay đổi à ?

 

Ông trố mắt ngạc nhiên:

 

- Mầy bảo răng người già rụng đi rồi mọc lại chắc ?

 

Cha con, ông cháu chúng tôi cười. Tôi bảo cháu Mai:

 

- Con chạy mua trứng vịt về chiên cho ông nội.

 

Mai dợm chạy đi. Ông cản lại:

 

- Thôi nước mắm cũng được. Ăn mặn cho mặn tình mặn nghĩa.

 

Tôi lại bảo:

 

- Ông nội không chịu, con lại tủ lấy keo chao cho ông ăn chay một bữa, thành Phật đi - Tôi xoay qua ông - Chiều, cha con mình làm cá đuối hấp mỡ hành nhậu một trận, nghe ba ?

 

Ông khoát tay lia lịa:

 

- Thôi, cho xin đi con. Cũng bởi nhậu với chiêu đãi tiếp khách, mà có bao nhiêu ông lớn quên mất cái khó, cái khổ của dân rồi.

 

- Ba sao nói cái gì cũng móc ngóe.

 

Bé Mẫn không để ý tới nội dung câu nói của ông nội, hễ cứ nói tới đồ ăn là đôi mắt nó sáng rực lên:

 

- Sướng, chiều mình được ăn cá đuối hấp gói bánh tráng.

 

Mai để keo chao trước mặt ông nội và háy Mẫn:

 

- Ông nội với cha nhậu, chớ cho mầy ăn ?

 

Mẫn cố cãi lại chị:

 

- Bộ tính người lớn mới được nhậu còn con nít nhịn đói à ?

 

Nói xong Mẫn tiu nghỉu, gắp càng ba khía bỏ vô miệng nhai rào rạo. Ông già nhìn đứa bé bằng ánh mắt, tôi không tả hết được, vừa cảm thông vừa hoài nghi.

 

Để giải tỏa không khí trầm lặng, tôi chỉ bé Mai:

 

- Con nhỏ này hồi mẹ nó sanh ở Cơi Năm, ba bưng một thúng bánh tét lại cho đó, nhớ không ?

 

Ông lắc đầu:

 

- Người lớn đây chưa đầy mười năm quên nhau muốn hết, nói chi con nít mới đẻ, bảo nhớ.

 

Mặc dù tôi cố lái cả nhà vào không khí vui vẻ, nhưng trông nét mặt ông già dường như cứ u hoài một cái gì đó không chịu tan. Ông hỏi:

 

- Bộ tụi bây nghèo lắm sao ?

 

Bị hỏi một câu bất ngờ như trêu chọc, tôi ngớ người ra gần một phút mới trả lời:

 

- Nhà nước mình tới đâu tụi con tới đó, có cả chánh quyền mà nghèo gì.

 

Vẻ mặt ông già buồn hiu. Ông cố ghìm lại một cái gì đó vốn đã ém giấu từ bên trong lâu ngày lắm. Ông nói như than thở:

 

- Cán bộ tụi bây có chánh quyền, chớ dân làm gì có.

 

- Ba nói kỳ đời.

 

Ông nói ngồn ngột trong mũi:

 

- Cái chánh quyền chánh đáng của người dân lao động cần cù đâu còn nữa, con ơi !

 

- Chế độ dân chủ mà ba.

 

- Nhưng bây giờ có nhiều thằng đầy tớ đục khoét, lấn lướt chủ dữ lắm con ơi!

 

- Ba cũng là cán bộ, cũng là đầy tớ của dân vậy ?

 

- Nhưng tên đầy tớ này về hưu rồi, có phục vụ được cho ai đâu.

 

- Về hưu cũng có chế độ ưu đãi của Nhà nước chớ. Ba có lương không nè ?

 

- Có.

 

- Mỗi tháng bao nhiêu ?

 

- Hồi năm bảy mươi hai Ban đưa về xã, đắc cử chi ủy. Đến bảy sáu xét lương, lãnh chế độ cơ sở: Năm mươi sáu đồng. Về hưu sụt xuống còn bảy mươi lăm phần trăm của năm mươi sáu đồng.

 

Ông già gắp một miếng dưa leo chấm vào dĩa chao, hỏi:

 

- Dưa leo ở đây bao nhiêu một ký ?

 

- Dạ hai mươi đồng.

 

- Như vậy lương tháng của tao ở ngoài này mua được hai ký dưa leo.

 

Bé Mai hỏi ông:

 

- Dưa leo ở trong ông nội bao nhiêu một ký ?

 

- Người ta cân tại rẫy là hai đồng.

 

- Tôi giật mình đôm đốp:

 

- Mẹ nội ơi! Chuyên chở ra tới đây họ lời đến mười tám đồng trên một ký lô? Như vậy người lao động làm ra của cải chỉ hưởng được có mười phần trăm, còn lại chín chục phần trăm kia thì con buôn hưởng ?

 

Ông già gật gù giải thích:

 

- Con buôn cũng có hưởng một ít, phần nhiều là những trạm xét bắt, thuế vụ dọc đường, rồi các tổ chức trung gian của Nhà nước chuyền tay, sang sổ phết phẩy. Cái cơ chế tổ chức một người làm mười người đứng xếp hàng chia chác, thì vậy chớ sao, con ơi! Mầy coi từ đây vô đó không đầy một trăm cây số mà tổ chức chi tới tám trạm thuế vụ? Cái chuyện ngăn sông, cấm chợ lấy thuế chia nhau, hết ai chịu nổi.

 

Bé Mai nghe nói ông nội ở xa hàng trăm cây số, nên xen vào:

 

- Nhà ông nội ở đâu lận ?

 

- Ở Kinh Ba, Vĩnh Thuận.

 

- Trong đó có rạp chiếu bóng không, nội ?

 

- Trường học, trạm y tế còn xập xệ thấy mồ, nói chi tới thứ đó.

 

Thấy ông cháu ông già đi vào ngạch văn hóa, tôi lái sang kinh tế:

 

- Năm rồi ba làm ăn thế nào ?

 

- Tao với thằng cháu làm năm công ruộng, được tám mươi sáu giạ lúa. Trả nợ cày, giống, thuốc trừ sâu, nộp quỹ này quỹ nọ, đóng thuế còn lại... tám giạ lúa.

 

- Trời ơi! Đủ thứ giống má, thuốc phân, cày bừa vậy mà sao thời vụ thu hoạch kém đến vậy ?

 

- Bởi hợp đồng hai chiều khi có lúa chín rồi người ta mới đem phân tới, khi lúa rụi rồi mới đem thuốc tới, khi lúa lên cao rồi mới đem giống tới, để rồi bắt phát bỏ thứ giống mà mình tự gieo.

 

Tôi nổi dịch, chửi thề:

 

- Mẹ... làm ăn cái kiểu đó sao ba không chủ trương cho dân thưa tụi nó ?

 

- Không chủ trương còn bị qui kết thấy lão vãi. Chánh quyền bắt giam dân được, chớ dân thưa chánh quyền ai xử con ơi.

 

- Vậy rồi ba lấy gì mà sống ?

 

- Nhờ trồng được một líp ớt với một giồng khổ qua, cứ dựa gốc ớt, núp giàn khổ qua mà sống.

 

- Nghe nói năm rồi Nhà nước mua cơm dừa xuất khẩu có giá lắm, ba có trồng dừa không ?

 

- Lối xóm cũng có dừa. Ban đầu còn tổ chức thu mua tốt, sau đó công ty thu mua dở chứng, dừa khô ế đầy đồng, làm hại ba con chó đầu trên xóm dưới chạy trốn thấy mồ tổ.

 

Cha con, ông cháu chúng tôi cùng cười. Vui miệng tôi hỏi lại:

 

- Những mặt hàng cung cấp cho dân, mấy chả làm ăn có tốt không ba ?

 

- Tốt, hàng cao cấp thì từ trên cung xuống, còn hàng thấp cấp như leng, cuốc, phảng, cày bừa thì bắt dưới cung cấp lên.

 

Ông già này chắc tại năm rồi lúa thất, ăn toàn là ớt với khổ qua nên toàn nói giọng cay đắng. Tôi làm thinh không hỏi chuyện nữa, để mâm cơm được yên ổn.

 

Ăn cơm xong, cháu Mai dọn mâm, tôi với ông già ra trước hội trường, hai cha con nằm chung trên một chiếc bàn lớn, mở quạt máy trên trần chạy ù ù. Ông già lại tiếp tục tâm sự:

 

- Độc lập rồi, anh em tứ tán, muốn tìm thăm nhau nhưng tao ngại. Đời bây giờ cái gì cũng phải có giấy tờ, bằng cấp, thủ tục. Hồi nào sống chết nuôi chứa anh em, có đòi giấy tờ, có đòi thủ tục, bằng cấp gì đâu? - Nín một chút, ông già thở ra - Tiêu cực nhiều quá, à mầy làm báo cũng không dám đưa lên nhựt trình cho dân coi, dân củng cố lại niềm tin với Đảng.

 

- Có chuyện nên đưa, có chuyện muốn đưa lên giấy trắng mực đen phải cân nhắc, thận trọng chớ ba ?

 

- Những con mèo ăn vụng miếng thịt thì đưa; chuyện con cọp tha con heo thì phải thận trọng.

 

- Không hẳn vậy, báo chí là công cụ tuyên truyền của Đảng, nó có nhiệm vụ phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng rộng ra. Còn chuyện chống tiêu cực chủ yếu là trong tổ chức nội bộ, kiểm điểm đến nơi đến chốn hay không. Chớ đưa ra rêu rao trên báo, kẻ địch dễ nắm sơ hở mà xuyên tạc.

 

Ông già không tranh luận thêm với tôi về mặt này. Ông nằm trở bộ, lại thở ra:

 

- Đời ba đến nhắm mắt chắc chưa thấy được sự công bằng tương đối, để cho lý tưởng mình có chỗ dựa làm niềm tin.

 

- Ba năm nay mấy mươi rồi ?

 

- Bảy mươi chín.

 

Nhìn chăm vào chiếc quạt trần đang quay tít, ông già thầm thì nghe như lời cầu nguyện:

 

- Ba ra đây, trước hết là thăm tụi bây, sau nhờ tụi bây giúp cho tao mua một cái hòm dưỡng già.

 

Nghe ông già nói mà lòng tôi se thắt! Một con người chí cốt như ông, tham gia kháng chiến ba bốn chục năm, nguyện vọng cuối cùng là được xin mua một cái hòm để chôn mình. Thú thật, điều ấy quá lớn đối với tôi. Làm sao tôi lo cho ông nổi? Sự nghiệp thằng phóng viên như tôi, trong tay chỉ có cây Bis và cuốn sổ, quyền hạn chỉ có mỗi tuần một bài báo được thông qua cấp trên đến mấy lượt. Mộc dấu đâu mà viết giấy giới thiệu cho ông qua lâm nghiệp mua hòm ?

 

Nằm trằn trọc một hồi, tôi sực nhớ, vội nhỏm dậy:

 

- Ba còn nhớ chú Tư Nhâm không? Ông thường trực Ban của mình hồi đó mà. Bây giờ ổng làm trưởng một ban của tỉnh ủy. Sẵn chưa tới giờ làm việc, cha con mình tới nhà thăm ổng chơi.

 

Ông già trù trừ:

 

- Tới nhà mấy ông lớn tao ngại quá.

 

- Bảo đảm với ba là chú Tư vẫn còn “rin” như xưa. Thím với mấy đứa nhỏ nữa, gặp người quen còn niềm nở lắm.

 

Chúng tôi tới cổng nhà chú Tư Nhâm. Hiếu, con gái của chú, thấy chúng tôi cứ nhấp nhứ ngoài rào liền bước ra hỏi:

 

- Anh tìm ai ?

 

- Chú Tư có nhà không Hiếu ?

 

- Có, ba em đang ngủ.

 

Ông già đứng sau khều tôi, thì thầm:

 

- Về mầy !

 

Tôi còn phân vân. Thím Tư từ trong nhà bước ra gọi:

 

- Sáu đó hả? Vô nhà chơi !

 

Thím Tư bước ra mở cổng. Tôi với ông già vô nhà. Ông già hỏi:

 

- Lâu nay cũng mạnh giỏi hả thím Tư ?

 

Thím Tư nhìn kỹ ông già, rồi reo lên:

 

- Ơ, ông Hai đây mà? Mèn ơi, ông Hai năm nay già quá rồi, nhìn hết muốn ra - Ông già cứ cười khà khà, thím Tư tiếp - Lâu nay làm ăn ra sao, ông Hai ?

 

- Cũng đỡ, thím !

 

Có lẽ nghe chúng tôi nói chuyện, chú Tư Nhâm thức dậy, từ trong buồng bước ra, kêu:

 

- Ông Hai !

 

Giọng điệu chú không mừng, cũng không xúc động và cũng không thấy lạt lẽo. Chú chầm chậm tiến đến bắt tay ông già:

 

- Sao năm nay khỏe không? Ra đây có chuyện gì không ?

 

Đột nhiên tôi thấy sắc mặt ông già tối sầm lại, một màu xám sậm phủ xuống đôi mắt nhăn nheo làm mất đi vẻ hồn nhiên nãy giờ. Ông nói lắp bắp:

 

- Sẵn dịp ghé thăm chơi - Và ông già quay sang tôi - Tới giờ chú Tư đi làm việc, về mầy !

 

Chú Tư đưa tay xem đồng hồ rồi gật đầu thành thật:

 

- Độ rày bận ghê! Tôi tới giờ họp rồi. Mà mầy Sáu, lo chỗ ăn chỗ ở cho ông Hai tử tế nghe! Lấy vé tối dẫn ông Hai đi xem hát. Cảm phiền nghe ông Hai, tôi bận quá. Chiều dẫn ông Hai trở lại chơi. Nhà mầy ở xa không? Kêu xích lô ông Hai đi kẻo mệt.

 

Ông Hai nói mấy tiếng lúng búng từ giã gia đình rồi vọt ra cổng. Tôi nán lại rù rì với chú Tư về nguyện vọng cuối đời của ông già, chú Tư mau mắn bảo:

 

- Có vậy thôi à ?

 

Ra đến đường, ông già hỏi:

 

- Bộ Tư Nhâm không biết mầy ở đâu sao ?

 

- Gần mười năm nay, con hết chỗ này đến chỗ khác, có ổn định đâu mà ổng biết.

 

Vô nhà, ông già thở ra uể oải. Thấy vậy tôi hỏi:

 

- Đi bộ mệt lắm hả ba?

 

- Trong đồng tao đi hàng chục cây số có ăn nhằm gì. Ra đây... thấy mệt - Ông lại thở ra - Ở xa tới, họ hỏi tới có chuyện gì? Ừ, có chứ. Đi mua hòm để chôn. Ở gần nhau gần mười năm không biết chỗ ở của nhau. Phải chi hồi đó ổng không biết tới mầy như vậy trong những lúc qua lộ, chống càn, đào hầm, bảo vệ.. thì đỡ biết mấy.

 

- Chuyện qua rồi, nhắc lại chi cho buồn, ba ơi !

 

- Phải nhắc chớ mầy. Nhắc cho những thằng hữu thủy vô chung, ăn cháo đập nồi đó nó nhớ, nó thức tỉnh lương tâm cộng sản lại.

 

Ông già nhún vai, trề cái môi món mém nói tiếp với giọng cay độc:

 

- “Lo chỗ ăn chỗ ở cho ông Hai”. “Kêu xe xích lô cho ông Hai”. “Lấy vé hát cho ông Hai” mà ai lo, ai lấy, ai kêu, tiền ai trả ?

 

Chắc ông già này đựng một bồ thắc mắc trong bụng, cứ gặp gì, nghe gì, thấy gì cũng liên kết vô mà xoi mà móc! Thật ra lúc nãy chú Tư Nhâm vô tình hỏi vậy; và ông cũng coi tôi như con cháu trong nhà mới dặn dò như vậy. Ông già lại bắt lỗi, lại cay cú. Để giải tỏa nỗi oan tình cho chú Tư Nhâm, tôi móc túi lấy ra tấm giấy giới thiệu do chú Tư Nhâm mới ký hồi nãy, qua lâm nghiệp xin mua cái hòm cho ông già.

 

- Chút nữa tới giờ làm việc ba qua bên đó ngay, xem sao.

 

Tôi thấy ông già cầm tờ giấy giới thiệu mà hai tay run run, đôi mắt sáng rực. Dường như trong nét mặt ông có cái gì đó hơi xấu hổ và hối hận về thái độ nhìn người của mình vừa qua. “Đời thường là vậy, cái hàm ân với đồng loại, cái lợi ích chân chính với bản thân ai mà không xúc động, không ham muốn ?”. Tôi nghĩ vậy, rồi lại có một ý nghĩ dí dỏm xen vào: “Nhưng ông già này ham muốn chân chính, vì lợi ích cho cái chết, chớ có phải vì lợi ích cho cuộc sống đâu. Ông ham muốn rằng sau cái chết của mình, Đảng mình, nhà nước mình khỏi bị tổn thương chính sách đối với những đảng viên kỳ cựu...”.

 

Giờ tan tầm chiều hôm ấy, tôi cũng đang ngồi nấu cơm, thì nghe tiếng bước chân vội vã của ông già về. Không thể lầm được đó là tiếng nện của đôi dép lốp chớ không phải dép mủ tái sinh của vợ tôi. Tôi quay lại để mong một cái tin tốt lành với ông:

 

- Thế nào, ba ?

 

Ông già vừa đi vừa cười tít toác:

 

- Ổn, chú Tư trưởng ty duyệt rồi. Sáng mai phải đến phòng kế hoạch.

 

Rồi đầu giờ sáng hôm sau, tiếng dép lốp nện cồm cộp một cách tự tin xuống những bậc cầu thang. Ông già ra đi. Sau giờ tan tầm buổi ấy, tiếng dép lốp lại nện không đều nhau từ dưới lên các bậc thang. Không cần quay lại, tôi hỏi:

 

- Thế nào, ba ?

 

- Chờ hết buổi mà chú trưởng phòng kế hoạch không thấy tới cơ quan.

 

Tôi chợt nhớ, à lên một tiếng:

 

- Hèn gì, hồi nửa buổi con còn thấy thằng chả xếp hàng rồng rắn trước cửa công ty thức ăn gia súc, để mua cám heo.

 

Đi tới lui một chút, ông già tỏ vẻ bực bội cằn nhằn:

 

- Chỉ vì cám heo mà bỏ công việc nhiệm sở, bộ heo nuôi mấy chả hơn nhà nước nuôi chắc ?

 

Tôi lặng thinh không đáp.

 

Ngày hôm sau cũng giờ tan tầm. Tôi nghe bước chân của ông già dồn dập và phấn khởi từ các bậc thang dội lên. Nhịp điệu của bước chân này làm tôi nhớ lại những lần mình ngồi hầm bí mật đói meo, chờ nghe tiếng chân lội nước xồn xộn của những người thân mang cơm đến. Chỉ một thoáng thôi tôi bỗng nghe tay chân mình rụng rời chua xót vô duyên cớ. Không quay lại, tôi hỏi:

 

- Ổn rồi hả ba ?

 

Với một giọng nói phấn chấn, ông già đáp:

 

- Chú trưởng phòng kế hoạch duyệt rồi, chuyển xuống công ty xẻ gỗ cấp ba.

 

Tôi cãi lại:

 

- Không! Công ty chế biến lâm sản chớ.

 

- À, à, tao quên. Qua cửa ải đó rồi mới xuống trại cưa.

 

Chiều hôm ấy, tiếng bước chân của ông già bắt từ dưới nện dài lên một cách uể oải, từng tiếng gõ rời rạc, khoan nhặt đến thua buồn. Không cần quay lại, tôi hỏi:

 

- Trở ngại rồi hả ba ?

 

Ông già đáp trong tiếng thở dài:

 

- Cô Tư chủ nhiệm công ty chế biến lâm sản mắc đi mua hàng nhu yếu phẩm hàng tháng.

 

Tôi chợt nhớ, à lên một tiếng:

 

- Hèn gì, hồi nửa buổi con thấy bà ấy xếp hàng rồng rắn trước cửa hàng công nghệ phẩm số hai đó mà.

 

Ông già bực bội:

 

- Đời thuở trong giờ hành chánh lại bỏ nhiệm sở đi mua hàng ?

 

- Ngoài giờ hành chánh thì người ta không bán hàng, ba ơi !

 

Ngày hôm sau, cũng giờ tan tầm. Tiếng bước chân của ông già lại nện vội vã từ thang gác lên. Tôi không cần quay ra:

 

- Kết quả rồi hả ba ?

 

Ông già cười hô hố, rút giấy ra khoe liền:

 

- Cô Tư giám đốc công ty duyệt rồi, giờ chỉ còn xuống trại cưa số 3 nữa thôi.

 

- Công ty xẻ gỗ quốc doanh số 3 chớ.

 

- Ừ, thì chỗ đó, công ty ngay ty gì kệ mẹ nó! Đặt tên nghe cho xôm làm đách gì, yêu cầu phục vụ nhân dân tốt là được.

 

Tôi nói đùa vì thấy ông vui vẻ hơn bất cứ ngày nào khác:

 

- Ông già này. Phải gọi bằng những từ có văn hóa của xã hội mới chớ.

 

- Thôi ông con ơi! Treo những cái khẩu hiệu văn hóa đó lên để che đậy bớt sự đối xử, phân phối với nhau quá tồi tàn để làm chi ?

 

Biết ông già lại khui tới “cửa bồ thắc mắc” nữa, tôi đành nhịn thua luôn.

 

Chiếu hôm ấy, cũng sau giờ tan tầm. Tiếng bước chân của ông già kéo lôi đôi dép lốp rồn rột từ dưới thang gác lên. Tôi không cần quay lại:

 

- Thất bại rồi hả ba ?

 

Ông già xề đến bên tôi. Với vẻ mặt đầy chán chường, ông bảo:

 

- Công ty xẻ gỗ số 3 đã gần nửa năm nay không nhận được súc gỗ nào, đóng cửa nghỉ lâu rồi. - Ông già lắc đầu ngao ngán.

 

- Các cha làm ăn thật quan liêu hết cỡ! - Nhưng ông lại cười gượng, nói một câu vớt vát - Chú giám đốc công ty thấy giấy giới thiệu, niềm nở lắm. Chú bảo khi nào có gỗ về là cho ba hay liền.

 

Trông bộ điệu và hoàn cảnh của ông già mà trong lòng tôi dở khóc dở cười. Trời ơi! Đứng trước một việc khôi hài vầy mà mình đành khoanh tay ngồi ngó sao? Vậy mà đường đường là một nhà báo, là một người phát ngôn sự thật của Đảng? Chiều hôm ấy tôi đào bới tam đại cố tổ cái bộ óc mình ra, để coi có cách nào giúp ông già được không? Tôi chợt nhớ mình có một người bạn hiện đang làm giám đốc xí nghiệp đóng tàu cho Sở Thủy sản. Như kẻ sắp chết đuối thấy được bong bóng nước, tôi liền lấy giấy viết cho bạn tôi một lá thư tay, trao cho ông già:

 

- Họa chăng đây là một dịp may cuối cùng, ba đi thử.

 

Sau giờ tan tầm chiều hôm ấy. Tôi ngồi viết lách cạnh đầu cầu thang để cố ý lắng nghe bước chân của ông già mà phán đoán “lá bùa” của mình có linh nghiệm hay không. Nhưng chờ mãi, chờ mãi quá độ thường ngày thì... có tiếng bước chân. Nhưng đó là tiếng bước chân của vợ tôi đi làm việc về, tiếng nện của dép mủ tái sinh. Cái nhịp điêu trường kỳ gian khổ của vợ tôi đó không còn lầm lẫn với ai được. Tiếng bước chân không vội vã mà không uể oải. Bất giác tôi buông bút nhìn lên chiếc quạt trần xoay tít, mà thở ra ngán ngẩm cho tình đời.

 

Vừa máng chiếc túi xách lên móc, vợ tôi báo một cái tin không mới mẻ gì:

 

- Anh Tư giám đốc xưởng đóng tàu nhắn với anh là cứ yên tâm, chuyến gỗ sau về tới thế nào anh ấy cũng nhín lại cho ông già một cái hòm.

 

- Ờ, thì chuyến gỗ sau...

 

Tôi buột miệng buông ra một câu trống không, vì bây giờ thú thật trong lòng tôi mang đầy một thứ tình cảm trống không.

 

Bẵng đi hơn một tháng sau. Một buổi chiều cũng như trăm ngàn buổi chiều khác. Tôi cũng ngồi bên đầu cầu thang... hút thuốc. Bé Mẫn cũng lấn bấn bên tôi, nhưng hôm nay giọng nói của bé như se lại:

 

- Không biết ông nội Hai còn sống hay đã chết hả ba ?

 

Tôi hỏi bé:

 

- Chết thì sao mà sống thì sao ?

 

- Chết thì tội nghiệp cho ông nội không có cái hòm chôn. Còn sống thì ông nội sẽ mua được hai cái hòm...

 

Rạch giá, tháng 11 - 1985

Anh Động
Số lần đọc: 3356
Ngày đăng: 20.02.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Vài ngày ở Cần Thơ - Mường Mán
Ông già xay lúa - Sơn Nam
Rạn vỡ - Hoàng Thu Dung
Thằng bé không mồ côi - Hoàng Thu Dung
Lương sư trăn trở - Phương Nam
Con ma chòm mả lạng - Phương Nam
Con cá song - Anh Đức
Con chị Lộc - Anh Đức
Từ một trò đùa - Hoàng Thu Dung
Bên khung cửa mùa xuân. - Minh Châu
Cùng một tác giả
Ánh lửa Chông Nô (truyện ngắn)
Mũi lấn (truyện ngắn)
Tiếng bước chân (truyện ngắn)
Chung kết (truyện ngắn)
Tiếng đàn (truyện ngắn)
Thuốc đắng (truyện ngắn)
Chớp lửa đêm giông (truyện ngắn)
Cách chim không mỏi (truyện ngắn)
Đường còn xa (truyện ngắn)
Qua sông (truyện ngắn)
Khói lam vắt vẻo (truyện ngắn)
Trăng tháng chạp (truyện ngắn)
Hàng rào sậy (truyện ngắn)
Bến cũ (truyện ngắn)
Khai đập (truyện ngắn)
Qua cơn bịnh (truyện ngắn)
Suối nắng (truyện ngắn)
Khơi mạch (truyện ngắn)
Bên hàng Cù Oanh (truyện ngắn)
Tiếng trống Sampô (truyện dài)