Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
662
116.694.695
 
Thuốc đắng
Anh Động

Năm Vâng là một bác sĩ hưu trí. Hồi anh mới năm mươi lăm tuổi đã được giải quyết chính sách theo diện những cán bộ có tham gia kháng chiến trên mười năm ở miền Nam. Anh mở cửa hiệu bán thuốc tây ở đầu góc phố An Hòa. Bạn bè thấy vậy xúm nhau trêu chọc:

 

- Thằng Vâng vật trâu phải rống, vậy mà xin hưu.

 

- Đi đứng chậm như rùa, phải trái gì cũng “Vâng”, gặp cấp cứu có nước gắn thêm máy đuôi tôm vào đít mà đẩy.

 

- Thời buổi nầy đâu còn “sâm linh tán” cho nó trị bịnh người ta...

 

Họ nói đều đúng cả. Năm Vâng chỉ biết gật gù cười trừ và “Vâng! Vâng!”. Đúng. Bạn bè trang lứa người nào cũng còn làm việc, ít ai có sức khỏe tốt bằng anh. Cũng đúng. Thời buổi chiến tranh, dân y khu bào chế ra loại thuốc sâm linh tán cộng với lá sống đời, xuyên tâm liên trị bá chứng nội thương, giải quyết náo loạn bệnh tình cho các tay nhức đầu, đau bụng vì di chứng... lười lao động. Lại cũng đúng. Tuy anh bước đi chậm chạp, mắt “tìm bạc cắc” nhưng là một thầy thuốc có nhiều thâm niên. Năm mười sáu tuổi đã làm cứu thương, băng bó cho đồng đội đến mấy mươi người mới được dự lớp bồi dưỡng y tá hai tuần! Đổ bô, tiêm thuốc hơn bốn năm mới được dự lớp bồi dưỡng y sĩ sáu tháng. Làm việc bảy năm, độc lập, mới được học hai năm bác sĩ. Là lãnh đạo y tế huyện, gốc cán bộ Việt cộng, không gấp rút có cái bằng bác sĩ, ai coi ra gì. Phải chi để miết ở huyện anh cũng “đầu gà”, đằng nầy lại rút về đa khoa tỉnh mới chới với cho cái phận “đuôi trâu”. Ai nói gì cũng “vâng” làm tụi nhỏ chọc quê là “bác sĩ lai giọng”. Anh là người được đẻ ra trong rừng U Minh, lớn lên, chiến đấu quanh quẩn trong tỉnh, đến cái bằng bác sĩ cũng lấy tại Sài Gòn, nhưng kiểu đáp từ khẩu lệnh thay vì “ừ” hoặc “dạ” đằng nầy cứ rặc “vâng”, điều đó mới dẫn đến thành biệt danh.

 

Hiệu thuốc của Năm Vâng ít khách hàng, bị chúng bạn gọi “miễu ông Tà”. Từ khi có mụ Ma Lanh hợp tác đặt thêm tủ “thuốc núi” bọn họ đổi lại “miễu bà ChúaXứ” vì có nhiều thân chủ mang nhang đèn đến cúng.

 

Mụ Ma Lanh có nghề bói bài “chui” ở nhà riêng, hái ra lắm tiền. Từ lúc chồng bỏ đi theo “bồ” đến nay, mụ ăn nên làm ra. Các mụ buôn bán trôi nổi và các bà mệnh phụ hay ghen chồng khen ngợi tay bói của mụ “sắc” lắm. Tuy là hợp tác làm ăn chung một bảng hiệu nhưng Năm Vâng chưa biết rõ tài bói toán của mụ Ma Lanh linh đến cỡ nào. Chắc có lẽ cũng thấu thiên cơ

lắm nên mới được tặng chữ “ma” ghép vào đầu tên của mụ. Lâu nay cách hợp tác làm ăn của Năm Vâng với mụ Ma Lanh là anh nhận kèm một tủ thuốc núi, có người mang toa của mụ đến lấy, anh được hưởng hai mươi phần trăm hoa hồng với điều kiện là anh phải vận dụng tây y “thổi” thêm vài câu cho toa thuốc ấy.

 

Hôm nay cái tủ thuốc núi của mụ Ma Lanh đã cạn tận đáy. Khách hàng mang toa đến nườm nượp làm cho Năm Vâng “vận dụng tây y” đến khô nước miếng, trông anh tựa một thằng cha sơn đông mãi võ. Thích thú quá, Năm Vâng đóng cửa tiệm trước giờ, anh định bụng đi rút về nhà mụ Ma Lanh bảo sáng mai mang thật nhiều thuốc núi đến, độ nầy chúng đắt như tôm tươi. Nhưng với cái tật thiên tạo, muốn đi nhanh thế nào anh cũng phải dán ánh mắt vào đầu ngón cẳng cái. Do vậy, mặc dù đường đến nhà mụ Ma Lanh chỉ vài trăm mét nhưng anh đủ thời gian vừa cắm cúi đi vừa nâng hờ gọng kiếng nhốp, suy nghĩ: “Thời buổi mở cửa, tây, tàu, ta, núi gì cũng được, thứ nào bán chạy là thứ đó trị trúng bịnh. Mụ Ma Lanh nầy hốt thuốc quả “mát tay”. Thuốc của mụ công hiệu thật. Tay nâng hờ gọng kiếng nhốp, mắt dán nhìn đầu ngón cẳng cái, vừa lê chân đi bộ Năm Vâng vừa gật gù, lầm bầm...

 

Đến tấm biển quảng cáo của tiệm may Hải Đường, anh dừng lại, ngẩng lên, sửa kiếng. Anh chợt giật mình lùi núp phía sau tấm biển. Vợ anh! Chị từ đầu kia đi lại, thoáng một cái khuất vào hẻm sau nhà mụ Ma Lanh. Năm Vâng nghĩ ngợi việc gì rồi gật gù, tra kiếng vào mắt, quay vô quán nước của bà Tư On kêu một ly cà phê đen. Hơn một giờ sau Năm Vâng mới bước vào nhà của mình. Vừa gỡ kiếng ra anh chợt thấy vợ mặc bộ váy xanh màu trứng sáo, đi tới lui trước tấm gương lớn, uốn éo, ngắm nghía. Tuy ngạc nhiên nhưng anh cũng cười thầm: “Cái thùng phuy” nầy bữa nay mắc chứng gì mà diện dữ.

 

Năm Vâng bước đến bên vợ:

 

- Bà vẫn bình thường chớ ?

 

- Ông không thấy à? Xem bộ váy nầy có hấp dẫn không ?

 

Sắc mặt Năm Vâng hơi sầm xuống:

 

- Già cả... váy với cũn... Quái chiêu thấy mồ.

 

Anh liền bị vợ nhìn thẳng vào mặt bằng ánh mắt mèo nhìn chuột, giọng chị hơi chua:

 

- Vậy để mấy con mụ góa nhí nhí mặc, xem mới mát mắt chớ gì ?

 

Năm Vâng sựng người hước lên giống mắc nghẹn:

 

- Bà...

 

Nhưng anh xìu xuống, vẫy cây kiếng một cái như bị ướt nước rồi tra vào mắt, nhìn đất, đo chân xuống nhà sau.

 

Con Út, con gái anh đang ngồi giặt đồ, nháy mắt nhìn anh cười:

 

- Ba thấy má “mềm tay” chưa? Đố ba biết tại sao má “nhảy vọt” dữ vậy ?

 

Anh hơi bực:

 

- Tại ba chắc ?

 

Anh không ngờ con Út gật đầu:

 

- Đúng !

 

- Tại sao ?

 

- Những quẻ bói bài hổm rày.

 

- Của mụ Ma Lanh ?

 

- Bà ta còn cho biết cô bồ nhí của ba tuổi mới ngấp nghé ba mươi.

 

Năm Vâng chau mày rồi gục gặc - Anh gỡ kiếng xếp bỏ vào túi và đi thẳng vô buồng. Chợt chứng kiến quang cảnh trước mắt làm anh sững người ra. Cái giường từ xưa đến giờ vẫn trải chiếu, hai cái gối nằm, một cái gối ôm nay bỗng nhiên lót nệm mút chân lò xo, trải vải sa tanh láng bóng. Gối nằm, hai chiếc đổi thành một gối đôi, mặt có thêu cặp phượng hoàng diêm dúa. Chiếc gối ôm biến đi đâu mất. Năm Vâng đi lùi ra, gặp vợ ngay cửa phòng, anh hỏi:

 

- Bộ vợ chồng thằng Hai sắp về chơi hả? Mình nghỉ đâu ?

 

- Không. Mình vẫn nghỉ ở đây chớ.

 

Năm Vâng lắc đầu thở ra:

 

- Ngủ ba cái nệm nhức mình thấy mồ - Anh nhìn thẳng vào vợ, tiếp:

 

 - Bà làm sao vậy ?

 

Vợ anh cười nửa miệng:

 

- Ông biết rõ hơn tôi mà !

 

Qua cử chỉ thách thức của vợ làm Năm Vâng lúng túng:

 

- Ừ... ừ... vậy ha ?

 

Vợ anh tấn công thêm:

 

- Ông nên nhớ, phụ nữ có cái giác quan thứ sáu rất nhạy...

 

- Ừ... ừ... nhạy.

 

Đối với vợ thì Năm Vâng dùng từ Nam Bộ, không bao giờ đáp bằng chữ “vâng”.

 

Bắt đầu từ hôm ấy Năm Vâng bị cái “giác quan thứ sáu” của vợ hành hạ suốt. Thoạt tiên là việc nằm thao thức trên giường nệm mút, phòng không máy lạnh, nằm một chỗ, nệm nóng, đổ mồ hôi phải lăn lộn, gối ôm không còn, hai chân không chỗ gác, nhức mỏi rã rời. Mỗi lần trăn trở anh đều bị vợ đay nghiến: “Nhớ quá ngủ không được chớ gì ?”. Đến lúc thỏn mỏn đánh được một giấc sâu, anh bị vợ nhéo vào sườn một cái nhảy nhỏm:

 

- Chiêm bao còn cười. Hú hí vui quá hả ?

 

Buổi tivi, xem lượt “Nghêu sò ốc hến”, đến đoạn ba ông bị ba bà tóm cổ tại nhà Thị Hến, vợ anh đứng dậy phủi đít hứ cái “cốc”, đay nghiến bóng gió:

 

- Thứ đàn ông, thằng cha nào hổng vậy...

 

Năm Vâng buồn bực quá, có lần tâm sự với con Út:

 

- Má mầy cỡ đó ba làm sao chịu nổi ?

 

Con Út cười đùa:

 

- Vậy cho ba thông cảm hết nỗi khổ của người vợ khi chồng có bồ nhí.

 

Năm Vâng tháo kiếng ra, trợn mắt nhìn con:

 

- Mày cũng nghĩ ba như vậy à, Út ?

 

Con Út lúng túng, thấy mình xúc phạm ba, nó nghiêm chỉnh lại:

 

- Con nói chơi. Chuyện nầy cũng khó. Nguyên nhân tại mụ Ma Lanh.

 

- Ba cái vụ coi bói đó chớ gì ?

 

- Chẳng vậy, má còn mang thuốc núi của bả về uống.

 

- Có lần ba hỏi, bả nói uống thuốc bắc trị phụ khoa.

 

- Phụ cái nỗi gì. Thuốc “mê” đó ba ơi! Uống thứ thuốc đó cho thơm da thắm thịt để ba “mê” má, bỏ bồ nhí.

 

- Trời! Vậy hả ?

 

- Còn nữa. Bả còn đưa bùa cho má mang về ếm tùm lum, mỗi lá ba bốn chục ngàn.

 

- Trời! Vậy hả? Ếm ở đâu ?

 

- Ba hổng thấy tấm giấy vàng có vẽ hình đỏ đỏ dán ở đầu giường đó sao ?

 

Năm Vâng chợt nhớ ra, anh vỗ tay đánh đét:

 

- Trời! Vậy mà ba tưởng thằng Tùng tập vẽ tranh tặng cho ông bà nội, lại còn khen, bảo anh Hai mầy cho thằng nhỏ vô môn năng khiếu.

 

Con Út suy nghĩ một chút rồi thở ra:

 

- Ba thì hời hợt, má lại cả tin nên bị người ta “thọc gậy” gây rối hoài.

 

Năm Vâng gật gù:

 

- Ừ... ư... vậy ha! Mắc phải “âm mưu chiến tranh phá hoại nhiều mặt của địch” rồi. Làm sao hả con ?

 

Con Út lắc đầu buồn bã, đi xuống bếp.

 

Tội nghiệp! Gần sáu mươi tuổi Năm Vâng mới bị vợ ghen lần đầu nên không có kinh nghiệm, chuyện giống như đùa. Có lần anh bảo vậy, bị vợ chặn ngang:

 

“Bởi hồi trẻ nhịn nên về già mới thèm gắt hơn”. Anh lại bảo:

 

- Hồi chiến tranh, hồi nghèo túng, mỗi năm vợ chồng gần nhau không đầy tháng, không gì. Bây giờ...

 

- Bây giờ... tanh tanh có của rồi, đàn ông hay học làm sang.

 

Thôi thì nói hết! Ngược xuôi gì vợ anh cũng có lý luận cả. Chuyện không đâu ra đâu vợ anh xúc phạm cả giới đàn ông. Xưa nay bà ấy đâu có hồ đồ như vậy. Chung qui cũng tại mụ Ma Lanh nầy. Anh vốn ghét ba cái thứ đồng bóng. Mặc dù hợp tác làm ăn nhưng anh chưa thèm xem bói bài của mụ lần nào. Chợt nghĩ ra điều gì, Năm Vâng mỉm cười, gật gù...

 

Hôm sau, từ hiệu thuốc về nhà, Năm Vâng ghé vào nhà mụ Ma Lanh viện cớ cho hay sáng mai đem thuốc bổ sung. Mụ ngồi ở bàn bên, tiếp khách. Được dịp anh quan sát mụ kỹ thêm. Khổ mặt mụ sáng rực, đôi mắt đen, chân mày xéo, đôi môi đỏ, chiếc cằm hơi thon nhọn làm cái miệng móm duyên trông xinh xinh.

 

Mụ cười, hai má lúm đồng tiền, mặc dù tuổi đã bốn lăm trông hồn nhiên như con gái. Mụ vừa nói chuyện với anh vừa xốc chẻ bộ bài cào. Thỉnh thoảng mụ cau mày, hai mắt đen ngời đảo lộn, trông đồng bóng làm sao! Năm Vâng nghe rợn người, anh giả vờ cúi xuống gãi chỗ ngứa trên mu bàn chân.

 

- Anh Năm !

 

Năm Vâng ngẩng lên. Mụ Ma Lanh nhướng mắt nói tiếp:

 

- Tôi bói bài cho anh một quẻ nghe !

 

Trúng ý đồ của anh, Năm Vâng gật gù. Mụ Ma Lanh vẫy tay bảo anh qua ngồi đối diện cùng một chiếc bàn. Mụ đưa bộ bài:

 

- Nè, anh cầm đưa lên tâm niệm đi !

 

- Tâm niệm gì đây ?

 

- Ước muốn hoặc nghi nan gì đó, cũng được.

 

- Vâng !

 

Đưa bài ngang trán tâm niệm xong, Năm Vâng trả lại cho mụ Ma Lanh. Mụ xốc bộ bài bảy cái rồi kinh ba lượt đoạn bốc bỏ thành ba nhóm, con ngửa con sấp. Sau cùng mụ gộp hết lại, đưa nắm bài lên ngang trán khấn vái gì lầm thầm trong miệng, thần sắc mụ chợt rực lên chợt dịu xuống, đôi mắt đen ngời ngợi đảo lộn nhìn chéo nhau về nhiều hướng, trong lúc đó bộ mặt mụ vẫn bất động. Năm Vâng nghe hồi hộp trong ngực dường như có một nỗi gì bồn chồn sờ sợ. Càng ớn hơn là trông vào vệt bớt son lớn bằng đồng xu nằm bên cạnh hàm mụ lúc đỏ ửng lúc tái nhợt động đậy đối lập với lớp da mặt trắng ngần. Anh cảm thấy ở mụ toát ra một ma lực kỳ lạ làm cho người ta nhìn vào phải ớn xương sống. Đúng là một mụ phù thủy !

 

Sau khi mụ Ma Lanh rút bài để lật ngửa ba con, dùng ngón tay xỉa xỉa trên mặt bàn, mụ liếc mắt đong đưa vào Năm Vâng, cười mỉm:

 

- Anh... anh...

 

Chợt mụ đẩy rơi một con bài. Năm Vâng vội cúi xuống lượm. Nhưng mụ đã cúi lượm trước và ngẩng lên, làm trán hai người chạm vào nhau. Mụ Ma Lanh nhướng mắt cười. Năm Vâng nghe trái tim mình xao xuyến. Anh luống cuống đứng lên từ giã ra về. Nhưng mụ Ma Lanh với nắm tay áo anh kéo lại, nháy mắt:

 

- Mai ghé, tôi bói cho một quẻ đàng hoàng !

 

Năm Vâng gật gù, ậm ừ:

 

- Vâng... ừ... Bả... bả...

 

- Bả thường đến giữa buổi chiều. Tôi chừa ngả cho bả vào buồng riêng kia. Làm ăn nghề này không cẩn thận tụi văn hóa nó “ốp”...

 

Chiều hôm ấy về nhà, Năm Vâng thì thào với con Út:

 

- Má mầy coi bói đằng con mẹ Ma Lanh hoài, không biết rồi đây bả bói ra cái giống gì nữa. Thiệt ba khổ quá chừng !

 

Con Út thấy từ hôm cảnh nhà xảy ra chuyện lục đục, ba rất khổ tâm, phờ phạc ngó thấy. Nó tội nghiệp ba quá, gãi đầu cằn nhằn:

 

- Thiệt tức má quá đi !

 

Năm Vâng đưa tay ngăn con lại:

 

- Đầu dây mối nhợ cũng tại con mẹ Ma Lanh đó bắt giàn cho má mầy leo. “Ớt nào mà ớt không cay”.

 

Con Út bặm môi, nheo nheo mắt, nói dứt khoát:

 

- Thôi được, để con! - Nó bỏ đi, lầm bầm một mình - Chặt sập giàn thì dây mới hết leo.

 

Bất ngờ vợ Năm Vâng từ đâu xuất hiện, chị đằng hắng một tiếng:

 

- Cha con mầy to nhỏ cái gì đó? Tao biết hết mà...

 

Năm Vâng không nhịn được nữa, anh quay lại gay gắt:

 

- Biết cái gì? Coi bộ lộng dữ rồi ha !

 

- Ông lộng, ông phản bội, cha con ông bàn tính lừa đảo tôi chớ ai lộng ?

 

Con Út nghe cha mẹ lớn tiếng với nhau, nó quay lại giậm chân kêu trời:

 

- Ba má kỳ quá đi! Để rồi coi ai lừa đảo ai.

 

Nói xong, biết mình hỗn hào nóng tánh, con Út bỏ chạy ra lộ. Vợ Năm Vâng chồm theo:

- Mầy ám chỉ ai ?...

Hôm sau, buồn gia cảnh quá, tại hiệu thuốc Năm

Vâng ngồi uống rượu suông một mình từ trưa đến chiều.

Không chờ đến cuối buổi, anh đứng lên, bước ra cửa:

- Về! Về! Mẹ kiếp, làm cực thân cũng vậy. Chắt

mót từng đồng, ăn cho mập để ghen tương...

Anh khóa cửa hiệu thuốc lại, chậm rãi bước đi

về hướng nhà mụ Ma Lanh. Đi trong tư thế lấp vấp,

lạng quạng, mắt anh không thèm ngó xuống ngón

cẳng cái, thỉnh thoảng hai tay với với về phía trước,

miệng chửi:

- Chửi con nào, thằng nào nói tao có bồ !

Mấy con chó dọc đường thấy ngộ chạy ra sủa

om. Năm Vâng không đếm xỉa, cứ đi lạng quạng, chửi

dài dài chỉ một câu ấy. Đến cửa nhà mụ Ma Lanh, anh

dừng lại chửi xỏ vào cũng một câu ấy.

Mụ Ma Lanh chạy ra khuyên:

- Vô nhà uống nước cái đã! Tôi cũng ghét thứ đàn

ông có bồ. Thằng chả bỏ tôi mấy năm nay, thù tới

xương. Nhưng thôi...

- Không thôi gì hết. Tao chửi, chửi con nào, thằng

nào nói tao có bồ !

Mụ Ma Lanh nắm tay Năm Vâng lôi vô nhà, giả lả:

- Người ta nói, mình hổng có thì thôi.

- Không thôi. Chửi hoài. Chửi tới chừng nào có

mới thôi.

Mụ Ma Lanh cười mỉm, vả vào mặt Năm Vâng.

Anh dùng dằng nhưng cũng theo mụ vào nhà. Mụ Ma

Lanh đóng cửa trước, rót đưa Năm Vâng ly nước nóng:

- Uống đi cho tỉnh rượu !

Năm Vâng xô ra:

- Không! Tao chửi...

Mắt anh nhắm hít trong gọng kiếng nhốp, hai tay

cứ chỏi ra, chỏi ra, miệng lặp đi lặp lại bấy nhiêu. Mụ

Ma Lanh lột kiếng ra cho anh, kẻo rớt bể. Năm Vâng

phản ứng, cứ chỏi hai tay ra. Vô tình một nhát chỏi

mạnh lọt cả hai bàn tay vào giữa ngực mụ Ma Lanh.

Mụ chỉ ễnh người lên một chút, mỉm cười, không phản

đối. Năm Vâng không hay biết gì, ưỡn người nhợn mấy

cái rồi gục đầu ói tháo. Anh ngẩng lên. Đôi mắt lừ đừ

ngầu ngậu không còn chút tinh anh nào. Tất cả cơ thịt

trên mặt anh buông thả, chảy xệ trông quái dị làm sao.

Đã lỡ phải làm cho trót, mụ Ma Lanh lấy khăn

nhúng nước nóng lau những dòng nước mũi, nước dãi

chảy lòng thòng trên mặt Năm Vâng rồi mụ đỡ anh

lên giường để tránh bãi hèm của anh vừa tháo ra.

Năm Vâng ngã úp mặt vào đùi mụ Ma Lanh, một

tay anh đập đập vào người mụ. Mụ Ma Lanh cúi

xuống thì thào:

- Đỡ chưa ?

- Đỡ gì, tao chửi... chửi cho có...

Mụ nâng đầu anh lên:

- Ừ, có. Có... đây.

- Đâu ?

- Trong nầy.

Mụ Ma Lanh dìu Năm Vâng vào buồng, cởi áo

cho anh rồi lấy khăn nhúng thêm nước nóng gội đầu,

lau ngực, lau cổ anh. Sau đó mụ để anh nằm ngửa gác

đầu lên đùi mình, đắp khăn nóng lên trán cho rút bớt

hơi rượu. Năm Vâng cứ nằm nhắm mắt, thở phập phồng.

Hồi lâu mụ Ma Lanh giở chiếc khăn đắp ở trán Năm

Vâng ra. Anh mở mắt. Mụ thấy có luồng tinh anh rực

sáng, liền nhoẻn cười:

- Đỡ chưa ?

- Đỡ.

Mụ cúi xuống ấn cánh mũi vào đôi mắt ấy:

- Được chưa ?

- Chút chút.

Năm Vâng nhắm mắt lại, anh nghe tiếng bật lách

tách của hàng nút bóp trên ngực áo mụ Ma Lanh...

Hôm sau, Năm Vâng đến hiệu thuốc hơi sớm. Anh

ăn mặc có hơi chải chuốt hơn ngày thường, cũng đôi

mắt kiếng trắng gọng vàng dính liền trên mặt ra vẻ

phong thái một bác sĩ. Anh đang chờ mụ Ma Lanh mang

thuốc núi đến.

Chốc sau, chiếc xe lôi đạp chở mụ Ma Lanh ghé

ngay cửa hiệu thuốc. Mụ lôi một bao thuốc to sù định

bước vào, nhưng chợt thấy Năm Vâng khoát tay nên

chựng lại. Nhìn vào cửa hiệu, mụ ngạc nhiên kêu lên:

- Sao lôi cái tủ thuốc của tôi ra ngoài thế nầy ?

Năm Vâng thở ra, trả lời dứt khoát:

- Sẵn xe, cô chở nó về đi !

Mụ Ma Lanh nghênh mặt:

- Tại sao ?

- Thuốc núi đắng hơn thuốc tây.

Mụ càng tức tối, gào lên:

- Tại sao ?

- Cũng như cô, tôi chúa ghét những thằng đàn

ông có bồ.

 

10-1998

 

Anh Động
Số lần đọc: 2990
Ngày đăng: 28.11.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đường về - Lê Đình Bích
Giữa dòng nước lũ - Anh Đào
Bốn Bức Thư - Lê Văn Thảo
Chuyện tình bên cửa sổ - Lê Văn Thảo
Cô áo hồng, cô áo tím - Lê Văn Thảo
Cảm hứng - Trần Kim Trắc
Kẻ trộm tình - Trần Kim Trắc
Ông thối bà thiu - Trần Kim Trắc
Một người bị bỏ quên - Hào Vũ
Nhạc rừng - Lương Hiệu Vui
Cùng một tác giả
Ánh lửa Chông Nô (truyện ngắn)
Mũi lấn (truyện ngắn)
Tiếng bước chân (truyện ngắn)
Chung kết (truyện ngắn)
Tiếng đàn (truyện ngắn)
Thuốc đắng (truyện ngắn)
Chớp lửa đêm giông (truyện ngắn)
Cách chim không mỏi (truyện ngắn)
Đường còn xa (truyện ngắn)
Qua sông (truyện ngắn)
Khói lam vắt vẻo (truyện ngắn)
Trăng tháng chạp (truyện ngắn)
Hàng rào sậy (truyện ngắn)
Bến cũ (truyện ngắn)
Khai đập (truyện ngắn)
Qua cơn bịnh (truyện ngắn)
Suối nắng (truyện ngắn)
Khơi mạch (truyện ngắn)
Bên hàng Cù Oanh (truyện ngắn)
Tiếng trống Sampô (truyện dài)