Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
732
116.693.735
 
Bên hàng Cù Oanh
Anh Động

Nếu không có nước da trắng nhất và mang cái tên Trần Thanh Dũng thì người ta sẽ tưởng nó là thằng anh đầu đàn của đám con nhà Sa Ngôl. Nó cũng kêu vợ chồng Sa Ngôl bằng “âu, me” (cha, mẹ) kêu con Sa Rin bằng “uôl xa ray” (em gái), thằng Sa Đun bằng “uôl po ro” (em trai) và bọn kia cũng kêu lại bằng “bòn” (anh). Ngày thường, nó nói tiếng Khmer như lặt rau. Ngày hội, nó múa những điệu múa dân tộc dẻo không thua gì mấy đứa con trong sóc. Nó thắt cái xà-ngom cho con Sa Rin đặt tép, bện cái rộng tre túm đầu cho thằng Sa Đun đi chỉa rắn, nó đươn cái rá lược xác mắm, đẽo cây cày xới rẫy... thứ nào cũng láng bóng, khéo tay. Ngày hội Đôn-ta, nó dán con diều giấy có cần cung sáo thả lên, gió thổi vi vút nghe cả mấy xóm. Tết Chô-sơ-nam, nó bông chiếc đèn gió, ban đêm đốt cháy, chở hết con mắt nhà nó bay lên, bay lên, lừng lững. Rồi nó ngồi kéo cây đờn gáo nghe lâng lâng, đến con chó mê nghe quên sủa. Khi chiếc đèn trên trời nhỏ bằng một ông sao mù mù, tầm mắt nhìn theo hụt đi, nó mới đưa cây đờn cho ông Sa Ngôl. Ông kéo những bản thật cũ. Anh em chúng nó nhảy múa rập ràng quanh đống lửa cháy tưng bừng bên hàng cù oanh trước sân. Con Sa Rin thích múa với thằng Dũng điệu Xa-ri-ca-keo (con sáo sang sông). Sa Rin cố múa lượn bên thằng Dũng như một con sáo em ngoan ngoãn, hiền dịu. Còn bà Sa Ngôl thì ngồi gần bên ông, cầm hai thanh củi gõ nhịp. Đôi mắt bà tuôn ra cái nhìn như dòng nước của con suối Ô Tưng. Hết điệu múa, anh em thằng Dũng thét lên những tiếng “te ré... ét, te... ét” rồi ngồi quanh lại bên bếp lửa. Lúc đó là tiếng con Sa Rin bắt đầu cất lên theo giọng đờn gáo của thằng Dũng. Nó hát điệu Châm-riêng. Tiếng đờn, giọng ca dắt nhau bay chơi vơi tưởng chừng lên đến đỉnh núi Tượng. Hàng cây cù oanh buông lá lăn tăn qua ngọn lửa bập bùng...

 

Từ ngày thằng Dũng nhốm chân lên bận vừa cái quần của ông Sa Ngôl, tiếng nói bể ra khao khao như người lớn thì nét buồn thường đến làm quen với khuôn mặt nó. Cả nhà, trừ ông Sa Ngôl, không ai muốn cho cái mặt nó buồn như vậy. Con Sa Rin thường lo lắng. Nó sợ nhất là những buổi chiều khô ráo, lúc mặt trời sắp tuột xuống vùng đất bên kia biên giới còn bỏ sót lại mấy vệt vàng bạc trên đầu những dồ đá núi Tượng bên nầy; vì lúc đó “bòn” Dũng của nó hay buồn. Dũng ngồi lặng lẽ trên dồ đá bên hàng cây cù oanh (cây me keo) như tượng ông Phật, hướng mắt đăm đăm về phía xóm An Định. Từ sóc Tức nầy chạy tắt qua con đường quằng núi Tượng một hơi chưa thấm mệt thì đã tới chỗ cuối tầm mắt nhìn của bòn Dũng nó rồi. Vậy mà Sa Rin cứ sợ hoài! Sợ rồi đây “con sáo” của nhà nó sẽ vù về bên ấy. Ở xóm người Kinh, có hàng cây sầu đâu râm mát, xum xuê. Bên nầy là sóc người Khmer, nhà tranh vách đất, hàng cây cù oanh gai góc, cành lá li ti biết đâu là không phải chỗ êm cái chưn cho con sáo nó đậu !

 

- Đừng dòm xa nữa mà làm quặn cái bụng Sa Rin đi, bòn Dũng ơi !

 

Sa Rin cầm tay Dũng mà tiếng nói của nó như trộn trong nước mắt. Dũng không nhìn xa nữa, đem ánh mắt về để trọn vào hai hàng mi cong chơm chớp và đôi trũng mắt lóng lánh có đường viền màu tro của Sa Rin.

 

- Sa Rin muốn cho Dũng dòm đâu ?

 

Sa Rin cúi đầu, ấp úng :

 

- Hay là... Dũng cứ để ánh mắt trên tóc Sa Rin đây...

 

Một lá cù oanh rơi. Hai lá cù oanh rụng. Gió. Mái  tóc Sa Rin gợn lên như những lượn sóng con con. Nhiều lá cù oanh rơi lăn tăn. Tóc Sa Rin bồng bềnh... Dũng đưa tay gỡ dùm mấy chiếc lá bám trên tóc cho Sa Rin. Gió tây chà xát sóc Tức bên này đến tung bụi. Nắng chiều đay nghiến xóm An Định bên kia đến vàng vọt như mất máu. Bọn lính ngụy đồn Ba Chúc chĩa súng vô núi Dài bắn cắc bùm, cắc bùm...

 

Ông Sa Ngôl không giống như những người nhà. Từ khi thấy cái mặt thằng Dũng biết buồn thì cái bụng ông nghe vui. Ừ, như vậy là cái tuổi của nó lớn gần bằng cái ý muốn của ông rồi. Nó biết buồn là cái óc nó bắt đầu biết suy ngẫm. Ông âm thầm sắm sửa cho Dũng những món đồ cần thiết mà người đi núi dùng lâu ngày.

 

Một đêm, trời như có cái biển nước hạ xuống vùng Bảy Núi. Nước cả hai cánh đồng bên nầy và bên kia biên giới hè nhau dồn về liếm bụng cây cầu sắt Vĩnh Thông. Người trong nhà sợ không dám mở cửa. Bò ngoài chuồng sợ mưa rống ụm oà vang cả sóc. Vậy mà mấy ông “Việt cộng” từ núi Dài xuống, từ núi Tô về, từ núi Cấm qua... “bắt” đi hơn chục đứa con trai làng Ba Chúc. Thằng Dũng con nhà Sa Ngôl cũng bị bắt đi trong đợt nầy. Sau khi Dũng mang theo đủ đồ đạc để sống trong rừng, ở núi do ông Sa Ngôl trao, thì nó cầm tay “âu, me” nuôi của nó hồi lâu và rơm rớm nước mắt! Lúc ra tới cửa, Dũng gặp Sa Rin đón lại :

 

- Tiền của Sa Rin đươn cà-ròn để dành đây, Dũng lấy theo mà xài!

 

Dũng đẩy tay Sa Rin ra :

 

- Sa Rin giữ lại, Dũng ở núi, không cần tiền. Sa Rin lại đưa cho Dũng một chiếc khăn thêu :

 

- Trèo núi mệt, giữ khăn mà lau mồ hôi !

 

Dũng đi xa rồi, Sa Rin vẫn còn đứng dựa giàn bếp nhìn theo hút mắt vào đêm mù mưa mà khóc rấm rứt. Chợt có tiếng mõ dân làng đánh dậy lên khắp các xóm.

 

Ông Sa Ngôl ngồi lặng thinh như cái khạp đựng nước, nãy giờ mới cất  tiếng nói :

 

- Thằng Sa Đun đừng có buồn, con Sa Rin đừng khóc! Me mầy cũng xách cái mõ tre ra ngồi trước cửa đánh lên với người ta, để tôi nói chuyện cho lũ trẻ nó nghe một chút.

 

Sa Rin từ dưới bếp bước lên, gạt nước mắt :

 

- Con sáo nhà mình đã sang sông rồi, bảo con đừng đau cái ngực, cay con mắt sao được, hở âu ?

 

- Ừ! Con sáo sang sông con sáo sẽ trở về. Hai con lại ngồi gần đây, âu kể một chuyện này cho mà nghe.

 

Ngoài cửa, tiếng mõ tre của bà Sa Ngôl đã nổi lên lóc cóc. Trên bộ vạc trong nhà, giọng ông Sa Ngôl kể rầm rì hòa trong tiếng mưa rơi trên mái nhà tranh...

 

Thuở lâu lắm, không còn nhớ rõ ngày nào, tháng nào. Hồi đó cái đồn của thằng Tây “râu rìa” còn đứng chom ngom trên đầu cầu sắt Vĩnh Thông. Số lính trong đồn, có một anh Khmer vừa cưới vợ. Vợ anh có vóc mình con ong, hát à-day giọng trong như nước suối, múa điệu lâm-thôn tay dẻo tựa cành trúc. Một bữa cả đồn uống rượu say sưa, thằng Tây “râu rìa” bảo người vợ anh Khmer múa cho nó coi, hát cho nó nghe. Cô vợ không chịu. Thằng Tây trợn mắt bảo anh chồng khiển vợ. Cô vợ hát nửa chừng, thằng Tây véo vào má cô, cười hô hố. Cả bọn say rượu cười theo. Cô vợ múa nửa chừng, thằng Tây xáp lại câu cổ cô, hôn chùn chụt. Cô vợ tát nó. Anh chồng đánh nó. Họ đánh nó được ít nhưng bị nó đánh lại thật nhiều. Người chồng chảy máu đầu, phun máu mũi ra có vòi như con gà bị cắt cổ. Bọn chúng bắt người chồng ra nhốt trong chiếc “chuồng cọp” ngoài rào bót chờ ngày mai ông mặt trời lên soi ánh sáng cho chúng thấy để ngắm vào cái đầu làm bia tập bắn, người vợ bị chúng thay nhau hiếp đến nửa sống nửa chết rồi mới chịu khiêng ra bỏ ngoài đầu lộ. Đêm đó người chồng phải nằm ngửa trong chiếc “chuồng cọp”, nước lé đé tới cằm mà chịu trận. Anh ta mò được sợi dây, cột đầu mình lên nóc chuồng cho đỡ mỏi, nhưng đến khuya thì bị ngất đi. Lúc con gà cất tiếng gáy thì anh tỉnh dậy. Anh thấy mình được một anh du kích người Kinh lôi ra khỏi bót. Hai người ngồi nghỉ mệt một hồi rồi dắt nhau đi tìm vợ của anh Khmer. Vợ chồng anh Khmer theo anh du kích người Kinh lên núi Dài làm rẫy và cùng làm du kích. Mấy bữa sau, Việt minh về đánh sạch cái bót của thằng Tây “râu rìa” chỗ đầu cầu sắt Vĩnh Thông.

 

Hòa bình lập lại, anh du kích người Kinh có cái tên là Trần Thanh Hùng, dẫn vợ cõng một thằng con trai về cất một ngôi nhà lá cạnh hàng sầu đâu ở xóm An Định mà cày ruộng. Hai vợ chồng anh Khmer cũng về dựng một túp chòi tranh bên hàng cù oanh giữa sóc Tức để cuốc rẫy. Hai người Việt Nam - Khmer ấy thương nhau như tay mặt với tay trái, quấn quýt như cây phảng với cù nèo. Năm sau, vợ người Khmer sanh được một đứa con gái. Năm sau nữa, cái đồn dân vệ chỗ chợ Ba Chúc có một thằng tên Kim Sôl đổi lại. Thằng nầy mắt bự, râu rìa, hung dữ như chằn tinh. Nó ăn gan người nhắm rượu biết ngon, uống máu người dính râu đỏ chóe. Dưới quyền nó có mấy chục tên lính Khmer có tổ chức xằn-cụm. Mới về đây có mấy tháng mà chúng nó bắt giam, chặt đầu, mổ bụng hơn ba chục người dân trong làng Ba Chúc. Chúng bao nhà bắt hụt ông Hùng mấy lần, làm ông phải trốn lên núi ẩn mặt. Thằng Kim Sôl bảo ông Hùng là “chi ủy Việt cộng”, cái đầu ông giá cao tới năm ngàn đồng. Còn nếu ai bắt sống được ông thì chánh phủ Quốc gia thưởng cho mười ngàn đồng. Một tháng sau cũng chẳng thấy ai bắt sống ông giải về nộp. Thằng Kim Sôl tức giận gầm gừ như con cọp đau bụng. Lúc đó có người Khmer tên Sa Ngôl có gặp ông Hùng mấy lần nhưng không bắt đi nộp, mà bắt ông phải cầm thêm lon gạo, cái nóp...

 

Một đêm, trời mưa lớn cũng như đêm nay. Khi ễnh ương no nước kêu ồm ộp ngoài nương, con bò lạnh gió rống ụm oà trong chuồng thì lỗ tai người dân bên sóc Tức nầy bỗng nghe nhiều loạt súng nổ bên xóm An Đinh. Lát sau, một ngọn lửa bốc cháy nhà ai cạnh hàng cây sầu đâu.

 

- Ối trời ơi! Thằng Kim Sôl dẫn bọn chằn tinh bao bắt ông Hùng, đốt nhà bà Hùng rồi.

 

Ông Sa Ngôl kêu lên như vậy nhưng đành ngồi chết lặng mà nghe hột mưa đánh lộp độp trên mái nhà, và nghe bà Sa Ngôl khóc rấm rứt trong mùng ngủ. Sa Ngôl ngồi hút hoài những điếu thuốc lớn bằng ngón tay. Những ngày ấy dân làng Ba Chúc nầy bị thằng Kim Sôl cấm ngặt, ban đêm có động chuyện gì, ai bước ra ra khỏi cửa thì chúng bắt mổ bụng. Đến lúc Sa Ngôl bỏ cuống điếu thuốc gần đầy một mủng dùa thì nghe có tiếng ai búng vào cửa lọc cọc. Ông bước nhè nhẹ, ghé mắt nhìn ra và mở nhanh tấm liếp cửa. Một người đàn ông đang ẵm trên tay một đứa nhỏ, lách mình bước vô. Sa Ngôl ôm chặt người ấy mà khóc không ra tiếng.

 

Người đàn ông ấy thì thào :

 

- Bọn nó bao nhà bắn hụt tôi nên nổi giận bắn chết vợ tôi rồi bỏ xác đốt luôn. Thằng nhỏ nầy chun trốn trong kẹt lu mắm mới còn sống đây. Tôi phải đi xa, vợ chồng bòn có thể nuôi giùm nó được không ?

 

Sa Ngôl kéo ông Hùng vào buồng, nói hơi giận :

 

- Anh là cha đẻ ra vợ chồng tui một lần, anh hỏi sao kỳ vậy? Thằng nhỏ con của anh cũng là con của tui đó mà - Sa Ngôl bồng lấy thằng nhỏ.  Qua bóng tối lập lờ, ông thấy tóc nó bị cháy sát da đầu, mặt mũi ám khói tèm lem. Sau một lúc ngập ngừng, rụt rè, ông nói thêm - Tui nuôi nó, mà tui giao trước là tới lớn tui cho nó với con Sa Rin nhà tui làm cha làm mẹ bầy cháu của tụi mình, anh chịu không ?

 

Ông Hùng gật đầu cười, siết tay bạn rồi ra đi. Sau đó nghe ông đi xuống tận miền Tây rồi lên tận Đông. Ông hy sinh vì nước...

 

Vấn thêm một điều thuốc lớn bằng ngón tay, ông Sa Ngôl bập bập rồi nhả ra một cuộn khói như bụi hành. Giọng ông nói âm âm trong lồng ngực :

 

- Bây giờ thằng nhỏ nó cũng ra đi, dù đi tới miền Tây hay miền Đông, đó là đi theo con đường của cha nó. Các con đừng buồn làm cái chân nó yếu, các con đừng khóc làm cái bụng nó mềm !

 

***

 

 

Thằng Dũng đi khỏi nhà ông Sa Ngôl vừa tròn ba cái tết Chô-sơ-nam thì đến ngày miền Nam toàn thắng. Cả nhà ông Sa Ngôl đổ ra đường mà đón, mà chờ nó. Sa Rin thì giữ nhà, nhưng nghe tiếng ai ngoài sân nó cũng đè bàn tay lên ngực, thập thò nhìn qua khe cửa. Tới ngày thứ năm có một người bộ đội “địa phương quân” đầu đội nón tai bèo, vai quàng súng AK, chạy xổ vào nhà, kêu lớn :

 

- Âu me ơi! Sa Rin, Sa Đun ơi !

 

Ông Sa Ngôl ngồi im như cái cối trên vạc, bập bập điếu thuốc lớn bằng ngón tay. Ông cười khà khà :

 

- Cái thằng... Âu me mầy! Sao không giỏi đi biệt đi, a con ?

 

Bà Sa Ngôl ngồi ỉu xìu trên võng lúc Dũng chạy đến nắm tay và sụm xuống bên bà. Bà vuốt lưng, nắn bắp tay Dũng :

 

- Lâu nay mầy được gì ăn mà cái vai mầy bự như con bò, cái thịt mầy chắc như cục đá núi Dài vậy, hở con - Bà chặm nước mắt, nói tiếp - Con Sa Rin nó trông mầy đến mòn cái đỉnh núi Tô, thằng Sa Đun nhắc mầy như con gà nhắc buổi sáng vậy, con ơi !

 

Thằng Sa Đun chạy lại câu ngang hông Dũng như dây trầu bám cây cau. Sa Rin đứng lựng bựng chỗ đầu võng mà nhìn Dũng đến nước mắt tuôn ra. Thằng Sa Đun lột nón, lấy súng của Dũng mang vào.

 

Dũng đến ngồi bên ông Sa Ngôl trên bộ vạc :

 

- Sa Rin! Cái miệng em cười sao con mắt em lại khóc? Nín đi !

 

Sa Rin cười, hai má bóng lên như hai trái măng cục chín, cái miệng bày ra hai hàm răng trắng hột bắp đều bân. Cái vai, cái vóc Sa Rin đã đủ sức con gái rồi. Dũng thấy Sa Rin đứng nhìn anh như một con sóc nhìn vào buồng chuối chín vậy. Dũng nghe trong ngực mình có cái gì cựa quậy êm êm...

 

***

 

Có một cánh bộ đội địa phương của Dũng lẩn quẩn trong xã Ba Chúc nầy. Anh thường tới lui xóm nầy. Có một lần Dũng về nhà chơi, ông Sa Ngôl bảo anh sửa soạn để bữa nào ông làm đám cưới cho. Dũng đỏ mặt, nhưng cầm tay ông, anh nói nghe rành rọt :

 

- Tụi con còn bận truy lùng tàn quân nguỵ, âu à. Để qua Chô-sơ-nam năm tới vậy.

 

Chuyện đó bay lọt vào tai Sa Rin trong lúc nó đang đứng nấu cơm, kho mắn cạnh giàn bếp... Rồi đến tết Chô-sơ-nam năm sau, nhà chưa kịp làm đám cưới thì súng lại nổ dữ dội. Súng nổ ngoài các xóm Lạc Quới, Vĩnh Gia, Vĩnh Điều... Dũng phải dẫn anh em đi chận giặc từ bên kia biên giới tràn qua xâm phạm.

 

Đến tết Chô-sơ-nam năm nay thì gia đình ông Sa Ngôl quyết định làm cái đám cưới cho rồi. Ông lợp lại mái nhà trước. Thằng Sa Đun bông mấy cây đèn gió. Sa Rin thì đi nhổ loại bàng thật mịn đem về giã nhuyễn, đươn một đôi đệm lẫy thêm hoa; mua một chiếc khăn thật trắng thêu thêm chữ. Cả nhà vui vẻ, rộn ràng như đón ngày hội...

 

Đêm nay, Dũng về chơi, ông Sa Ngôl bảo anh ngày mười sáu âm lịch tháng ba năm bảy tám nầy dẫn bộ đội về nhà ăn đám cưới, ông có vật bò. Dũng giật mình, nhớ lại nay là ngày mười bốn rồi. Anh liếm môi suy nghĩ rồi lại cũng cầm tay ông, nói giọng chắc chắn :

 

- Giặc nó đang chiếm Lạc Quới, ngày đêm chúng đánh vô Đầu Lộ, Lương Phi. Chúng con không được rảnh tay. Để chờ bộ đội lớn về tiếp, đánh bật chúng qua bên kia kinh Vĩnh Tế, chừng đó làm đám cưới sẽ vui hơn, âu à.

 

Ông Sa Ngôl gật đầu, nhưng mặt buồn hiu. Câu nầy cũng lọt vào tai Sa Rin. Lúc Dũng đi, Sa Rin đón ngoài cửa, bảo :

 

- “Con sáo” đậu lại dồ đá bên hàng cù oanh cho Sa Rin nói cái nầy !

 

Sa Rin vô buồng rồi trở ra dồ đá, ngồi bên Dũng. Sa Rin bảo :

 

- Dũng đưa chiếc khăn cũ lại đây cho Sa Rin !

 

- ... ?

 

- Sa Rin có thêu một chiếc khăn mới rồi, mai về lấy.

 

Dũng móc túi trao chiếc khăn bạc màu lại cho Sa Rin. Mới đây mà chiếc khăn đã theo anh hơn năm cái tết Chô-sơ-nam rồi. Sa Rin hai tay run run đỡ lấy khăn, đưa lên môi hôn thật sâu. Dũng cảm động quá, choàng tay qua vai Sa Rin, thì thào :

 

- Ôi, xa lal bòn tê ?(Em có yêu anh nhiều không ?)

 

Tiếng nói của Sa Rin mỏng mảnh như hơi gió :

 

- Nhiều... Nhiều lắm! Sợ Dũng ít yêu Sa Rin đó.

 

- Tại sao Sa Rin nói vậy ?

 

- Tại Sa Rin chưa được làm vợ Dũng. Tại Sa Rin thấy Dũng hay cười với mấy cô bộ đội người Kinh. Mấy cô có giặt quần áo cho Dũng, Sa Rin thấy hết. Thấy vậy Sa Rin buồn, làm cái bụng nó đau, nước mắt nó chảy. Phải chi Sa Rin biết đi bộ đội...

 

Dũng vuốt tóc Sa Rin :

 

- Sa Rin đừng nghĩ quấy. Mấy cô bộ đội là đồng chí.

 

- Đồng chí rồi không thương nhau được sao ?

 

- Được, nhưng thương nhau kiểu khác.

 

- Khác gì ?

 

- Khác hơn kiểu thương Sa Rin.

 

- Dũng thương Sa Rin kiểu nào ?

 

- Kiểu âu thương me vậy.

 

Sa Rin mắc cỡ, nhủi đầu vào ngực Dũng. Gió. Lá cù oanh lăn tăn rơi. Sa Rin biết Dũng khỏi phải gỡ giùm những chiếc lá bám trên tóc mình, vì anh đang đậy cái má bên trên. Sa Rin nghe hạnh phúc dâng lên cay cay đôi mắt. Trăng cười. Trăng rải mặt kiếng lốp chốp trên hàng cây cù oanh...

 

Rồi ngày sau Dũng không về được. Cái ngày rằm tháng ba nầy súng nổ dữ dội hơn bất cứ ngày nào từ dầu năm đến nay. Đại bác 105 ly của giặc bắn vô khu vực núi Tượng không còn ai đếm kịp tiếng nổ. Đến hai giờ đêm thì lửa bừng lên rực trời ở sóc Tức và xóm Lương Phi. Rồi lửa lan qua Bình Di, An Định. Đến chín giờ sáng ngày mười sáu tháng ba âm lịch thì hết thảy khu vực xã Ba Chúc đều chìm trong biển lửa. Giặc tràn quân lấn chiếm tới nửa phần núi Dài. Một phân đội của Dũng lọt vào giữa vòng quân giặc,họ vừa luồn lủi qua từng hang đá để đánh giặc vừa tìm cứu những bà con còn sống sót, dẫn dắt đưa ra. Trong số những người được cứu thoát có thằng Sa Đun. Sau trận hụt chết, chẳng những thằng Sa Đun không sợ hãi mà nó còn nghiến răng trèo trẹo, xin lãnh súng theo bộ đội đánh giặc. Sa Đun cho biết là lúc cả nhà gom lại chùa thì giặc tràn tới. Âu nó bị giết tại chùa, còn me với chị Sa Rin chạy tháo về nhà, không biết sống chết ra sao. Đã hai giờ đêm rồi, Dũng cùng phân đội mò mẫm tìm kiếm từng hốc đá cứu thêm được nhiều bà con, nhưng họ vẫn chưa gặp bà Sa Ngôl và Sa Rin. Nhiều lần họ bám về chỗ nhà cháy, nhưng chưa tới thì họ đụng phải bốn thằng giặc ngồi gác trên dồ đá bên hàng cù oanh.

 

Vừa chạng vạng đêm thứ ba, Dũng cùng Sa Đun cũng ôm súng bò tới bên dồ đá. Nhưng không kịp, cũng có bốn tên giặc từ phía đầu lộ đi tới chiếm dồ đá trước họ. Mặt trăng lên khỏi núi Cấm thì bốn tên giặc mới chịu bỏ đi.

 

Nằm lại xem xét, nghe ngóng một hồi nữa, Dũng và Sa Đun nghe có tiếng chó kêu thảm thiết bên hàng cù oanh. Hai người bò đếm xem. Một vật gì đen đen dài có phát ra tiếng chó. Sa Đun nhìn kỹ, nó bật ngửa ra kêu “Me ơi !”. Xác me nó đã sình lên, bụng bị mổ thòi hết ruột gan ra ngoài. Con chó mực của nhà nó nằm bên, bốn chân bị dập nát, cứ kêu la... Dũng lại thấy trong bóng tối sát bên gốc cây cù oanh có một vật gì vuông vuông, trắng toát. Anh chồm tới, sờ thử. Chiếc khăn tay đang dán lất phất bên một xác người. Sa Rin đây rồi! Dũng xốc vội Sa Rin dậy, bê ra ánh trăng. Thân thể Sa Rin trần trụi, chiếc khăn trắng hôm nào còn nằm tấp bên cạnh. Có một gộc tre tầm vông đâm từ dưới thân xuyên lên cạnh cổ Sa Rin...

 

Bữa sau nữa, Dũng dẫn phân đội đến nằm vùi mình trong cát, trong những hốc đá chung quanh dồ đá bên hàng cù oanh. Họ nằm từ lúc mặt trời còn đứng bóng để chờ giặc đến. Đúng như dự định, lúc màu núi vừa chạng vạng thì họ thấy từ phía đầu lộ có bốn tên giặc đi lại. Tên đi đầu vác khẩu B40, ba tên sau đều cầm súng AK. Bọn chúng đều ở trần, bận quần cụt, đầu có cột vòng một miếng vải đỏ. Lưng tên nào cũng có mang một chiếc ba lô Trung Quốc màu cỏ úa, bên trong đựng những thứ gì tùm sụp. Trong bốn tên chỉ có thằng vác B40 là trọng tuổi, còn ba tên kia, vóc vạt, tuổi tác xem chừng còn nhỏ hơn thằng Sa Đun.

 

Nằm chung với Dũng một hang, Sa Đun nhìn bọn giặc gần tới mà nó giận đỏ mặt lên. Nó muốn nhảy ra bắn liền, nhưng bị Dũng kềm lại. Đến lúc có ba tên giặc xúm nhau ngồi chùm nhum trên dồ đá, còn một thằng đứng vẩn vơ bên hàng cù oanh, thì Dũng chồm dậy quét cho chúng một băng. Anh em Sa Đun, mỗi người đều bồi thêm một băng đạn nữa. Ba tên giặc ngồi trên dồ  đá quăng súng B40 và AK lăn ra giãy tê tê. Còn tên giặc đứng đằng hàng cù oanh bị gãy một chân, văng cây súng AK, cố bườn lại ôm gốc cây cù oanh mà xoay tròn như cầu khẩn sự tiếp cứu. Dũng giương lê đánh rốp, lao vút lại bên nó, nạt :

 

- Úp mặt vô gốc cây để đi theo bọn kia, đi !

 

Dũng mín chặt môi, đưa lê tới. Tên giặc sụp đổ xuống, kêu khóc :

 

- Lạy Lục pu (ông lớn), xin tha cho em một lần !

 

- Mày giết hơn hai ngàn đồng bào tao, giết hết cha, mẹ, vợ con tao rồi, đền một mạng còn gì oan ức gì ?

 

Tên giặc vẫn nằm vật vã bên hàng cù oanh, kêu van, khóc lóc :

 

- Không oan cái mạng nầy đâu. Nhưng em chết mất rồi, mấy ông ăn-ca (cán bộ) bảo với chỉ huy là em theo bộ đội Việt Nam, họ sẽ giết cha, mẹ em.

 

Nghe nó nói câu nầy, mũi lê của Dũng hơi chúc xuống. Anh nghĩ: “Cha mẹ, vợ con người nầy bị giết rồi, cha mẹ, vợ con người kia sẽ bị giết nữa vì cái tội đã đền tội? Sao bè lũ Pôn-pốt nầy ham xúi người tàn sát lẫn nhau dữ vậy ?”. Dũng nghe lòng bàng hoàng. Anh cảm thấy như có một viên chì chạy lên xuống trong cổ.

 

Đôi tay tên giặc chới với, run rẩy sờ soạng quanh gốc cây cù oanh,  dường như hắn cố tìm một điểm tựa nào đó để bấu vào mà đứng dậy. Đôi bàn tay sần sùi, khô đét và man rợ ấy đã mấy lần cầm cây búa có móc bổ vào đầu, vào ngực những người thân của Dũng? Nó đã lôi bao nhiêu óc, bao nhiêu gan người Việt Nam ra khỏi mạng sống rồi? Chính những bàn tay nầy, nó đã từng cầm những gộc tre tầm vông đâm xuyên từ cửa mình lên đến cổ Sa Rin của Dũng và hàng trăm cô gái trong làng Ba Chúc nầy. Những bàn tay của loài mãng xà, của loài chằn tinh thời đại. Nó! Nó đã mò dần lên theo thân cây cù oanh, nó bấu vào những mầm cây non làm cho cành lá li ti đang giập nát và rơi rụng! Hãy dừng lại! Dũng nghe máu trong lồng ngực mình sôi sùng sục lên đầu. Hàng cù oanh của anh không phải để cho chúng nó tự do giày vò như vậy được. Hàng cù oanh của anh để cho dân làng đêm đêm ngồi quanh đốt lửa bập bùng mà hát à-day, mà múa lâm-thôn; để cho trăng lên, con trai, con gái đến ngồi dưới bóng mà nói chuyện tâm tình; để cho ngày ngày giương tàng che bóng mát làm chỗ êm cái chưn cho con sáo nó đậu...

 

Dũng bậm môi, cúi xuống cầm ngang họng cây súng AK của tên giặc lên, trong lúc hai tay hắn bấu được vào một cành cây cù oanh định gượng người trỗi dậy. Dũng cắn chặt răng một lần chót, trở bá súng định đập đúng vào nó để kết liễu nốt những tên gây chiến tranh diệt chủng vô loại nầy. Nhưng anh chợt thấy trên báng cây súng có một hàng con số ghi vàng vàng. Anh dừng lại, nhìn cho rõ. Rành rành là con số “800”. Dũng biết hắn tràn sang Việt Nam là đinh ninh có con số 800 nầy (tám trăm triệu dân số) đứng phía sau.

 

Dũng nhìn tên giặc mới vị thành niên đang nằm bèo nhèo bên hàng cù oanh, nhìn cây súng AK có mang con số tám trăm, anh nghe một nỗi căm giận sục sôi và sâu thẳm. Nắm chặt họng súng, Dũng đập mạnh vào dồ đá. Cây súng gãy đôi. Tên giặc hoảng hốt chồm dậy, trợn trừng đôi mắt trắng dã, ngơ ngác nhìn anh.

Anh Động
Số lần đọc: 3285
Ngày đăng: 28.01.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Trúng số - Hoàng Thu Dung
Không phải là trò chơi - Hoàng Thu Dung
Tóc ngắn - Minh Châu
Bạn đồng hành - Minh Châu
Cây thước kẻ của thầy Hiệu trưởng - Phương Nam
Chim trời cá nước - Phương Nam
Thiêu thân truyện - Nguyễn Trọng Nghĩa
“Anh đi anh nhớ quê nhà…” - Minh Trí
Bên khung cửa mùa xuân - Minh Châu
Mối tình của cây dạ lan hương - Thu Trang
Cùng một tác giả
Ánh lửa Chông Nô (truyện ngắn)
Mũi lấn (truyện ngắn)
Tiếng bước chân (truyện ngắn)
Chung kết (truyện ngắn)
Tiếng đàn (truyện ngắn)
Thuốc đắng (truyện ngắn)
Chớp lửa đêm giông (truyện ngắn)
Cách chim không mỏi (truyện ngắn)
Đường còn xa (truyện ngắn)
Qua sông (truyện ngắn)
Khói lam vắt vẻo (truyện ngắn)
Trăng tháng chạp (truyện ngắn)
Hàng rào sậy (truyện ngắn)
Bến cũ (truyện ngắn)
Khai đập (truyện ngắn)
Qua cơn bịnh (truyện ngắn)
Suối nắng (truyện ngắn)
Khơi mạch (truyện ngắn)
Bên hàng Cù Oanh (truyện ngắn)
Tiếng trống Sampô (truyện dài)