Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.405 tác phẩm
2.747 tác giả
466
116.800.021
 
“Anh đi anh nhớ quê nhà…”
Minh Trí

Tôi không thể quên hôm ở Hàn Quốc về đến Hà Nội. Bay chuyến tối. Đến tận mười hai giờ khuya mới tạm xong cái khoản chuyển đồ đạc lên phòng nghỉ. Dù mệt mỏi với chuyến bay đường dài tôi vẫn cùng vài bạn thân tranh thủ sà xuống hàng phở rong trên đường Lê Thánh Tông làm mỗi đứa một tô. Hổm rày toàn thực đơn Hàn Quốc, rồi Tây, rồi Tàu thật đáng chán bởi khẩu vị không hợp. Bây giờ về Hà Nội làm một tô phở Bắc chính hiệu thật tuyệt vời. Thảo nào bậc thầy về viết tùy bút Nguyễn Tuân chẳng hết lời ca ngợi.

 

Nói đến ẩm thực cũng chính nói đến những nét đẹp văn hóa riêng. Mỗi một đất nước, mỗi một dân tộc, mỗi một quốc gia có một bản sắc văn hóa đặc thù. Tôi đã có cơ may đi không ít nơi. Điều dễ nhận thấy nhất là mỗi vùng, mỗi miền trên đất nước ta (chưa nói chuyện ra nước ngoài) đều có những món ăn đặc sắc. Món ngon của mỗi nơi không cốt ở cao lương, mỹ vị mà nhiều khi dân dã, bình dị, mộc mạc, ăn rồi bắt người ta nhớ mãi dù có đi đâu về đâu. Chỉ nhắc đến tên món ăn ta có thể gọi ngay địa danh xuất xứ, cách thức chế biến, nên ăn vào buổi chiều hay buổi sáng… Ví dụ nói đến món Nhút người ta nhớ đến Thanh Chương, Nam Đàn, xứ Nghệ, cơm Hến đặc thù xứ Huế, bánh Pía, bún nước lèo thì độc quyền của Sóc Trăng - miền Tây Nam bộ.

 

Bạn bè tôi đa phần sống xa nhà. Mỗi khi nghe ngọn gió lạnh phương xa thổi về hanh hao gợi nhớ ngày Tết, dưa hấu, mùa gặt, bữa tiệc cuối năm đoàn tụ sum họp bên bếp lửa hồng hay lẩm nhẩm mấy câu thơ:

 

Anh đi anh nhớ quê nhà

Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương

 

Canh rau muống, cà dầm tương với tôi không phải quá đỗi xa vời. Thế nhưng nhắc đến quê hương Tiền Giang nhiều thương mến tôi lại thấy thèm da diết món hủ tiếu Mỹ Tho. Mỹ Tho vốn là một trong những cái nôi văn hóa ở đồng bằng sông Cửu Long. Nơi đây có nhiều di tích đáng tự hào. Có thể kể ra: chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút tháng 1/1785, chiến thắng Ấp Bắc 2/1/1963, trường Nguyễn Đình Chiểu - ngôi trường xưa nhất Nam kì… Hủ tiếu Mỹ Tho được xếp vào hàng món ăn ngon đặc trưng của miền đất từng đi vào văn học “Trên Sài Gòn, dưới Mỹ Tho - Đâu đâu thiên hạ cũng nhường cho”.

 

Nhớ ngày còn ở Tiền Giang tôi từng đọc một bài viết về hủ tiếu Mỹ Tho trong đó tác giả kể hết sức tỉ mỉ cách thức pha chế, nấu nướng, trình bày… Tôi vốn là người ngoại đạo trong chuyện bếp núc nên đành chịu không biết tô hủ tiếu Mỹ Tho có từ bao giờ và cách thức như thế có đúng hôn? Bây giờ tôi đâu còn ở Mỹ Tho. Thôi đành đứng từ xa mà nói chuyện quê hương vậy. Nếu so với toàn vùng đất Nam bộ trước đây và đồng bằng sông Cửu Long ngày nay thì Mỹ Tho, Tiền Giang có thể xem là miền đất khai phá từ rất sớm. Thời trước đường sá còn trắc trở, gian nan, đất đai hoang vu ngút ngàn, dân cư thưa thớt, Mỹ Tho nằm ngay đầu mối các tuyến đường thủy bộ huyết mạch nối liền Sài Gòn - Gia Định với vựa nông thổ sản miền Tây Nam bộ thì chuyện phồn thịnh trên bến dưới thuyền là lẽ tất nhiên.

 

Bản thân Mỹ Tho cũng nằm trung tâm một vựa lúa lớn, vựa lúa ấy trải ngút ngàn từ Gò Công Đông, Gò Công Tây lên Chợ Gạo và xa về phía Tây: Cai Lậy, Cái Bè, Châu Thành rồi hòa vào Đồng Tháp Mười mênh mông. Đặc biệt, vùng Gò Cát bao gồm các xã Mỹ Phong, Tân Mỹ Chánh (ngoại thành Mỹ Tho), Thanh Bình, Đăng Hưng Phước (Chợ Gạo) nổi tiếng gạo ngon. So với Nàng Thơm Chợ Đào (Long An) thì gạo Gò Cát (Mỹ Tho) thời trước xem ra cũng không kém chị kém em là bao. Nghề làm bún, làm hủ tiếu cũng có truyền thống từ lâu đời. Ngoài lúa gạo, Mỹ Tho xưa cũng là nơi lắm sản vật quý: tôm cá, hải sản ở vùng biển Gò Công, heo Thuộc Nhiêu, rau cải tươi ngon ngoại thành Mỹ Tho… Gạo ngon làm ra bánh hủ tiếu ngon cùng với các vật liệu cần thiết rất sẵn, rồi tài nghệ, bí quyết của những đầu bếp lão luyện đất Mỹ Tho. Tất cả đã tạo nên danh bất hư truyền cho món hủ tiếu nổi tiếng nơi đây.

 

Tôi không biết ngày trước tại Mỹ Tho có quán hủ tiếu nào tăm tiếng nhất. Còn ngày nay ở đây tôi nhớ vẫn còn nhiều điểm bán hủ tiếu ngon. Đó là các quán nằm trên tuyến đường Nam Kì Khởi Nghĩa, Trưng Trắc, Hùng Vương, Ba Mươi Tháng Tư và ven đô. Tôi không có ý so sánh hủ tiếu Mỹ Tho với hủ tiếu Nam Vang, bún nước lèo Sóc Trăng, bún bò Huế, phở Bắc xem ai hơn ai kém. Thế nhưng dù đi đâu về đâu tôi vẫn không quên món hủ tiếu Mỹ Tho. Trong hương vị đậm đà của nó là cả hình bóng quê nhà thương nhớ.

Minh Trí
Số lần đọc: 5275
Ngày đăng: 24.01.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thằng Đức - Trần Hà Lý Thái Bạch
Điều không đơn giản - Hoàng Thu Dung
Tòng Phu - Hoàng Thu Dung
Mùa bông điên điển - Phương Nam
Thổi quốc - Phương Nam
Bông súng trắng - Phương Nam
Đâu phải xuân về mai mới nở - Thanh Nghiêm
Một cái Tết ở Hà Nội - Thảo Bích
Một khán giả - Lê Ái Siêm
Nổi đau - Mai Bửu Minh
Cùng một tác giả
Vào ca (nhiếp ảnh)