Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.389 tác phẩm
2.747 tác giả
699
116.715.066
 
Ánh lửa Chông Nô
Anh Động

Xóm Mới nằm kẹp giữa đồn Ngã Tư và ấp chiến lược Chông Nô. Đó là một khúc xóm nghèo tả tơi, dài không bao nhiều đường mà đoạn giữa có đến ba cái tháp canh. Ban ngày, đứng phía ranh vườn Đường Đứt nhìn vô, thấy một dãy nhà nằm trơ trọi, lồi lõm gút mắc tựa gốc tre khô. Đêm. Khi hơi mù nhẹ áp xuống cánh đồng, thì cái xóm lụp xụp ấy lại càng thêm im lìm chẳng khác một bãi nhị tì. Bây giờ không một tiếng chó sủa hay gà gáy, họa chăng chỉ thỉnh thoảng bật lên đâu đó một tiếng mèo hoang động đực hay vài cánh dơi muỗi bay vút âm thầm. Cả đến con người ở nơi đây, dù trong lòng họ chứa chất bao điều căm uất, sầu muộn, đêm về họ cũng phải cắn răng ghìm chặt không để cho một lời nói nào được bật thoát ra khỏi vành môi. Im ắng lắm! Con thằn lằn trên đầu hồi còn được quyền tặc lưỡi thở than, chớ con người ở đây suốt đêm dài cứ trằn trọc, im ỉm mà trăn trở.

 

Tiếng ồm ồm của mấy chiếc loa phóng thanh đằng đồn Ngã Tư, tiếng lóc cóc của mấy chiếc mõ ngoài tháp canh báo giờ đổi gác của các đội phòng vệ dân sự, tiếng giày lạo sạo của tốp lính biệt kích tuần tiễu cạnh vỉa hè nó như tra tấn, như tẩy não, như đục khoét, như đay nghiến lòng dạ con người. Dù có những âm thanh ấy nhịp điệu gì bất thường hơn các thứ đó, người ta cũng chỉ khe khẽ nhóng đầu lên khỏi gối để mà âm thầm phán đoán… chỉ vài tiếng súng nổ rời rạc thôi, chỉ môt giọng la khẩu lệnh thôi, chỉ đôi người đâu đó nỉ non khóc lóc thôi, những cái thứ đó đã quen lắm rồi. Những cái thứ đó nhàm chán lắm rồi, không ai buồn bước ra hé liếp cửa nhìn vào bóng đêm đen sệt đầy nguy hiểm ngoài kia làm gì. Những chuyện bình thường xảy ra, ai đó nếu không muốn thành ma thì xin đừng bước ra khỏi cửa.

 

Nhưng mới đây, người ta cũng có đôi lần tung cửa lao ra rồi kia. Những lần ấy thì không khí của đêm khác biệt phi thường: tiếng phát loa Giải phóng vang vang, tiếng súng nổ tựa bắp rang, tiếng chân chạy huỳnh huỵnh xen lẫn tiếng reo hò… Rồi bờ thành đất đổ ùm ụp xuống mương hào, rào kẽm gai, bảng "tị nạn" thi nhau làm mồi cho những đống lửa. Rồi cờ Mặt trận tung bay, truyền đơn Giải phóng đến với mọi nhà… Cửa nhà tung ra tựa vỡ đê, dòng người cuồn cuộn chật đường như sông…

 

Bây giờ, những lần ấy đã qua rồi! Những cảnh tượng ấy chỉ còn giấu kín trong ký ức của mỗi người, trong niềm chờ đợi khắc khoải. Vì bây giờ, ở đây đã bị giặc đôi lần tái chiếm, đôi lần bừa nát mảnh đất, bờ kinh, dẫm bừa lên khát vọng, xé rách nỗi mong chờ. Bây giờ chỗ Ngã Tư chôm chổm ba đồn cái, khúc kinh lêu nghêu sáu tháp canh. Xóm thì ngắn, chòi gác lại dày đặc đến nỗi hai đường đạn của người lính gác trên tháp canh bắn chéo nhay đan thành hình chữ X.

 

Lính áo rằn qua, hố bom chưa phai màu khói xạm thì lực lượng bảo an kéo đến cắm đồn. Cây vườn bị đốt, lá chưa héo, kế tiếp bọn mặc áo đen vạt hò, mắt đeo kính mát lục đục kéo tới. Người ta dùng mỹ từ để gọi nhiệm vụ chính của đám người ấy là quân chủng "trồng hoa che vết máu". Họ đến làm những chuyện, nói những điều cố mong cho con người ở đây nhìn theo cặp mắt của họ: cặp mắt đeo kính mát; nghĩa đen trong từ ngữ gọi là "mị dân". Họ giữ cho những dề cỏ đã bạc màu xanh đang thẫn thờ này còn lại màu xanh đôi chút. Thế là ngày lại ngày qua người dân Xóm Mới phải sống một cách lầm lì như kháp rượu được kê trên miệng lò lửa, lòng chứa căng nhiệt lượng nhưng chỉ được chảy ra rỉ rả chất đắng cay.

 

"Cẩu trệ thực nhâm thực, nhi bất tri kiểm, đổ hữu ngã biểu, nhị bất tri phát. Nhân tử tắc viết: Thi ngã giã ngã giả binh giả". Câu nói của Thầy Mạnh bàn trong "Lương Huệ vương, hạ" mà những buổi chiều gần hết nắng, bác Đồ Văn đứng thẫn thờ treo tay trước cửa nhẩm đi nhẩm lại hoài. (Mà thật vậy: "Thời buổi này, không xót, dọc đường họ thấy có những thây người chết mà họ cứ làm ngơ, còn nói rằng: Có phải chánh phủ giết dân đâu, tại chiến tranh đấy! Nói vậy đó khác gì cầm dao đâm người ta chết rồi bảo: Có phải quân đội bắn giết dân đâu, tại gươm súng vô tình đấy !". Bác Đồ Văn chỉ nói một mình để một mình nghe. Ở xóm nầy có ai dám tụ tập lại chuyện vãn cùng ai đâu, dù có chăng thì hiếm người biết chữ để bàn bạc ra cái ý nghĩa "cao siêu" của bác.

 

Bác Đồ tên thật là Nguyễn Tri Văn, nghe nói là từ xứ Nghệ vào đây, và đi lang thang nhiều chỗ hồi thuở con trai. Đến Xóm Mới nầy cư ngụ vào thuở sơ khai xóm mới lập; có nghĩa là vào thời chánh quyền Ngô Đình Diệm mới thiết lập, kể đến nay đã ngót nghét mười lăm năm rồi. Ở miệt đàng trong này, người ta tôn trọng những người lớn tuổi, thường gọi họ bằng thứ trong nhà. Nhưng với bác Đồ Văn thì không ai biết là ông thứ mấy, bởi vì bác không chịu cho gọi thứ bao giờ. Bác bảo bà con chòm xóm cứ gọi bằng "Đồ Văn".

 

Ngôi nhà bác Đồ Văn nhỏ bằng cây rơm cỡ trung, ở chặng giữa Xóm Mới. Nhà bác lợp đưng, vách dừng chung quanh cũng bằng đưng, chỉ chừa độc có cửa trước. Bác Đồ chỉ sống một mình. Bây giờ bác đã phát âm giọng Nam bộ thật giống, chỉ còn một số tiếng hơi cứng một chút làm người mới nghe ngỡ là có âm hưởng của người Việt gốc Khmer. Dáng dấp bác Đồ Văn nhỏ thó, thân hình gầy gò, nước da đen trạy. Vì quá gầy nên trông bác không lùn lắm. Bác rất ít râu, nhưng cũng cố chừa dưới cằm một dúm lưa thưa màu hoe chạch trông buồn cười, tựa ai dán mớ râu bắp khô vào đó. Bác Đồ để tóc dài búi thành một cục tròn màu muối mè ở sau ót trông tựa một trứng cúm núm. Bác thường mặc một chiếc quần vải hột dền đen, lưng trắng bằng bàn tay, vận dài quá gối một đỗi. Người ta cũng thấy bác có sắm áo, nhưng chiếc áo của bác chắc sắm để vắt vai cho vui chớ không ai thấy mặc bao giờ. Từ sáng tới chiều không biết mắc công chuyện gì trong nhà, rất ít ai thấy bác bước ra ngoài. Người nào có tinh ý lắm, vào lúc chiều chiều mới thấy bác ra đứng treo tay trước cửa. Bác rảo đôi mắt già nua uể oải nhìn theo mấy dề cỏ tâm bấc trôi lững lờ dưới kinh. Rồi bác quan sát chân trời có nhiều đám mây tím bầm xa xa, bác chầm chậm đảo một vòng bao quát cái Xóm Mới của Bác. Sau đó đôi mắt bác dừng lại, dường như đang lóe lên một cái gì ấm ức, một cái gì thương hại nhìn sang ngôi nhà lá ba gian bên cạnh. Ngôi nhà lá kia tuy lớn nhưng rất tồi tàn, đứng sùm sụp đổ nát bên cạnh nhà bác. Vách này sang vách đó chỉ cách một con mương nhỏ, vừa nhảy qua một phóng thẳng tầm. Những lúc ấy, bác nói một vài câu chữ nho vu vơ, hoặc bác lắc đầu khe khẽ. Cũng là lúc bác chíp môi, cau mày tỏ ý đau xót một điều gì. Ấy là lúc từ bên trong ngôi nhà tùm sụp kia vọng qua tiếng ru hời giọng trầm đặc sệt của một người đàn ông. Tiếng ru nghe trầm buồn và chua chát làm sao! Âm hưởng phát ra vừa nghẹn ngào vừa tức tưởi vì nó bị khỏa ngập trong nước mắt, chìm sâu qua lớp ưu tư: "Ầu ơ… Ví dầu tình bậu muốn thôi…".

 

Lúc ấy đôi môi bác Đồ Văn mín lại, rèm mi âm thầm buông xuống, ánh mắt tối sầm dán chặt vào những đám mây hoàng hôn bầm tím chân trời xa. Sau mỗi lần như vậy, bác lắc đầu, lấy chiếc áo trên vai xuống giũ giũ, lại vắt trở lên. Bác bước từng bước vào nhà. Người bác hơi nảy lên, dường như đang có một mảnh xương hoặc một thỏi sắt gì đó cứ lói thúc trong lồng ngực. Thế rồi, nếu có ai muốn nhìn thấy bác nữa thì xin hãy chờ đến buổi chiều ngày sau vậy.

 

Ngôi nhà lớn, tối tăm bên kia nhà bác Đồ Văn là của ai? Mái lá của nó đã đổ nát. Bộ cửa ván sơn xanh đã mục rỗng, lỗ chỗ nhiều đám mối mọt ăn nham nhở sần sùi. Chúng ta hãy dừng lại đôi chút để quan sát một lượt bên trong của nó. Từ ngoài bước vào, phía tay trái có kê một chiếc tủ thờ bằng gỗ cẩm lai nhưng đã bể nát nửa bên mặt, trong tủ không có chứa một món gì quan trọng ngoài mấy cái vỏ bia gãy cổ và năm ba vỏ lon đồ hộp móp méo. Xê về phía phải, một khuôn bếp lót gạch tàu mặt phủ đầy tro và trấu, trên bếp có cái cà ràng bằng đất nung gãy mất một đầu ông táo, được thay vào đó bằng nửa viên gạch tiểu. Bên cạnh, vai cái soong miệng mồn móp vếu, một chiếc bình tích kiểu đựng muối gãy vòi và năm bảy cái chén sành mẻ miệng lẫn khu. Qua tấm vách buông bằng giấy các-tông rách nát, xập xệ ta thấy có một manh đệm rách trải trên đất, có hai đứa trẻ tuổi dưới mười, trần truồng như nhộng, thường ngày nằm ngửa đưa hai cái bụng chang bang đầy cáu bẩn, lươn quẹn, nằm ngủ há họng nước dãi chảy đọng có quầng. Cạnh đầu chiếc võng căng ngang, có một con mèo mướp ốm tanh, nhảy lững cững, tay với với theo đầu chéo chiếc khăn bàn màu cháo lòng rách te tua cột lòng thòng theo nhịp võng đong đưa. Nằm trên võng, một đứa bé và một người đàn ông: đứa bé độ ba tuổi, chẳng có gì đặc biệt lắm. Nhưng điều đáng chú ý là gã đàn ông! Hắn là giống người hay giống quái vật? Hình thù của hắn vô cùng kỳ dị: đầu tóc sồm soàm, bộ râu tua tủa của một con sư tử, đôi tay chắc khỏe, thân người đẹp, bụng thắt, ngực phồng đúng là của một con người, nhưng quái lạ vô cùng ở chỗ từ bàn mông trở xuống, nó chỉ còn là đôi máng cụt ngút, cặp chân rụng đến gần sát háng, quả là một con bánh ít. Hắn là người chủ nhà nầy đây! Không. Nói đúng hơn là hắn mới cướp được ngôi nhà nầy chừng và năm nay. Thuở ấy hắn còn là một viên thượng sĩ, từng làm mưa làm gió trong đại đội bảo an "một chín tám" kia. Hồi ấy người ta còn gọi hắn là "ngài thượng sĩ Khoa" một cách kính nể. Bởi vậy hắn mới tước đoạt dễ dàng ngôi nhà của một gia đình lương thiện mà theo hắn bảo đó là gia chủ có thân cộng. Nhưng trời bất dung gian đảng, hắn về làm chủ ngôi nhà này chưa được bao lâu thì đã trở thành một con quái vật như chúng ta đã thấy. Bây giờ nhìn hắn không ra người ra thú nữa, người ta cứ gọi tắt hắn bằng "Hắn" cho nó gọn. Ai  hơi sức đâu dư lời gọi thượng sĩ này, trung sĩ nọ cho dài dòng, và dù ai có lỡ mồm lỡ miệng quen gọi theo như kiểu cũ thì chánh quyền ở đây người ta cũng đính chánh lại.

 

Hắn có vợ, ba đứa con. Vợ hắn vì bận đi "kiếm ăn" nên luôn vắng nhà. Hắn ở cạnh bác Đồ Văn như vậy nhưng hai đàng không bao giờ qua nhà nhau chơi lần nào. Mối quan hệ lân cận nầy chỉ có một mình thằng Bằng, đứa con trai lên chín của hắn làm chiếc gạch nối thôi. Thỉnh thoảng nó qua nhà bác Đồ Văn, bởi vì những lúc đó cái bụng nổi gân xanh của nó bị lãi quậy sôi ồng ộc đòi cơm. Nó chạy sang, đứng ôm gốc cột, đôi mắt thau láu nhìn chăm lên cái om nấu cơm để trên giàn chén của bác Đồ Văn, môi nó chép chép tựa đang ăn một món gì ngon lắm trong mơ và chốc chốc nuốt nước dãi đánh ực một cái. Bác Đồ Văn thấy thằng nhỏ đứng mãi cũng thương tình, bác tìm một củ khoai luộc hoặc một miếng cơm cháy nguội gì đó đưa cho nó. Được món ăn, đôi mắt thằng nhỏ sáng rực, chộp lấy và chạy ù về nhà không phải giã từ.

 

Hai năm trước, lúc đồn bảo an đến đóng tại Ngã Tư, có thượng sĩ Khoa là một viên trung đội trưởng xông xáo nhất của đại đội "một chín tám". Lô cốt vừa đội nón, tháp canh mới đặt đít chưa ấm hơi người, thì thượng sĩ Khoa lập được hồ sơ của một gia đình gọi là "có thân cộng". Hắn thừa lệnh đại uý Hà, người chỉ huy liên đội bảo an, đến trưng thu ngôi nhà nầy cho vợ con hắn ở. Thím Năm Hạ, người chủ nhà, chỉ được dẫn bốn đứa con ra cùng một túi xách đồ dùng. Không biết thím dẫn con đi đâu, nhưng lúc lên đường thím Năm cùng bác Đồ Văn nhìn nhau một hồi lâu và hai người rơm rớm nước mắt. Kể từ đó, vợ chồng hắn nghiễm nhiên làm chủ ngôi nhà lá ba gian, cửa ván sơn xanh và bên trong có chiếc tủ thờ bằng gỗ cẩm lai ấy.

 

Vợ hắn rất mực yêu chồng. Mỗi lần hành quân về hắn được vợ đến đón tiếp tận cửa đồn. Hắn được vợ lau mồ hôi và mỉm cười liếc yêu khi thấy trên tay hắn xách nặng trĩu những món đồ cướp giựt được trong vùng giải phóng. Rồi hai vợ chồng cười nói hả hê, khuân vác "chiến lợi phẩm" về nhà riêng. Hai vợ chồng hắn hạnh phúc đến ngây ngất với những món lãi của nhiều mặt hàng không vốn. Cứ ngày lại ngày qua gia đình hắn sống phè phỡn bằng máu xương của người khác như vậy.

 

Đến một hôm người ta thấy vợ hắn nhào lăn chết giấc trước cửa đồn Ngã Tư. Chị ta vật vã bứt đầu đấm ngực mà khóc la thảm thiết:

 

- Hồi nào đến đón chồng đi càn về, đồ đạc tay xách nách mang, bây giờ chồng tôi đâu? Anh ơi là anh !…

 

Tiếng khóc của chị ta mỗi lúc một nhỏ đi trở thành một giọng rên rỉ nghe tựa tiếng chim cà cuốc kêu lạnh vào buổi sáng. Chị ta kêu khóc và kể lể bằng tất cả nỗi đau của mình, làm cho kẻ qua người lại ai cũng thấy xúc động, ngoảnh mặt nhìn nơi khác. Đại uý Hà, viên chỉ huy trưởng liên đội bảo an đang ngồi làm việc ở phòng trong nghe nỗi thương tâm của chị ta mà động lòng, bước ra an ủi. Đại uý Hà thấy gương mặt sáng rỡ của chị ta đang bị những món tóc xõa xượi phủ đầy, đôi mắt đen long lanh cứ ràn rụa nước mắt và cặp môi đỏ mọng hình trái tim luôn bầu bậu mếu máo buồn thảm, ông ta cảm động khôn cùng. Ông ta đến bên chị vuốt ve món tóc lòa xòa, lấy khăn lau mặt và dỗ dề an ủi người thiếu phụ đang gặp cảnh không may. Rồi sau đó đại uý Hà dìu chị ta vào phòng. Ông cho biết là hắn ta rượt bắt gà của một nhà nông dân trong vùng Đường Đứt nên bị mìn nổ. Ông khuyên chị ta hãy nguôi ngoai để bảo vệ sức khỏe và nuôi con, tuy chuyện ngoài ý muốn, nhưng dù sao hắn cũng kể như chết rồi. Đại uý Hà móc cho chị ta hai ngàn đồng bạc gọi là…

 

Chị ta gạt nước mắt về nhà. Hôm sau mướn người bơi xuồng vào vùng Đường Đứt để tìm chồng, vì chị ta đinh ninh rằng hắn còn sống, hay dù có chết thì cũng tìm gặp thây thi để mà chôn cất cho yên nơi yên chỗ, cho tròn nghĩa vợ tình chồng. Người ta đi đến chiều mới chở về một xác người dở chết dở sống giao cho chị ta. Thế là chị ta mới biết, trong lúc chồng chị bị mìn nổ, đồng đội của anh bỏ chạy về đồn, lại còn hô là bị du kích tấn công. Chồng chị ta bị gãy nát hai chân, nằm lại trong kẹt chuồng gà mà chịu trận. Bác nông dân chủ nhà, vì tình đồng loại, bác cũng thương tâm, đến băng bó giùm và tiếp khiêng hắn xuống xuồng, giao trả về đây.

 

Người ta đồn rằng, sau khi vợ thượng sĩ Khoa tìm chồng về rồi, chánh quyền Quốc gia không ngó ngàng gì tới. Họ bảo rằng: "Đồ ăn trộm gà khỏi phải lo gì cho hắn, vì hắn đã làm mất thanh danh của quân đội Việt Nam cộng hoà". Bởi đau chân đành há miệng. Vợ hắn phải lần lượt tém vét bán hết món nầy đến món khác trong đống đồ mà hắn đã cướp giựt được lâu nay, để chạy chữa thuốc thang. Một mình tất bật vừa nuôi chồng nằm nhà thương tận ngoài tỉnh, vừa chăm sóc ba đứa con nhỏ dại ở nhà trong khu đồn Chông Nô, biết bao vất vả và tốn kém. Chị ta lần lữa bán sạch sẽ của cải trong nhà, chỉ trừ có cái tủ thờ bằng gỗ cẩm lai bể mặt nên không ai thèm đấu giá.

 

Hắn nằm nhà thương tỉnh ngót mấy tháng, gởi lại trên ấy hai cái chân gãy nát bầy nhầy. Khi về hắn chỉ còn mang tấm thân cụt núc tựa con chim bánh ít. Gia đình lâm vào cảnh nghèo túng, hai vợ chồng hắn bàn nhau đến đại uý Hà để xin làm thủ tục trợ cấp thương phế binh, đại uý Hà tiếp xúc với vợ chồng hắn một cách lạnh nhạt, và ông ta hứa hẹn ấm ớ cho qua… Nhưng mấy lần sau, chị ta để chồng ở nhà, đích thân đến tận phòng riêng của đại uý Hà bàn bạc thì… ông ta đón tiếp niềm nở. Trong phòng đại uý Hà vang lên những tiếng nói, những giọng cười vui vẻ (mà dường như không phải là cười nói, bàn bạc về nội dung làm thủ tục thương phế binh):

 

- Coi kìa, giận à ? Cặp mắt ấy mà liếc yêu thì phải nói là chim sa cá lụy đó nghe.

 

- Ơ, ông đại uý còn bà lớn kia.

 

- Mái tóc quăn quăn này, mụ cười có lúm đồng tiền này, hàm răng trắng muốt này, đôi mắt mộng thắm này… Ơi, bậc siêu đẳng của các xứ Chông Nô, em ạ.

 

- Ý chết, đại uý đừng làm vậy… người ta cười…

 

- Cười thì vui có sao, khóc mới sợ. Nào…

 

- Đại uý nè! Việc em yêu cầu là mục đích chính. Xin đại uý cố nhớ cho…

 

- Anh nhớ và rất nhớ, cưng ơi… Bởi vậy những cái râu ria ta giải quyết trước…

 

Như vậy đó! Việc vợ hắn đi làm thủ tục thương phế binh cho chồng là đại sự, còn phải lo dài dài, trước mắt bây giờ chị ta buộc lòng cùng đại uý Hà giải quyết chuyện "râu ria"… Từ đó về sau, chị ta cứ tới lui với đại uý Hà mà giải quyết chuyện "râu ria" mãi, còn chuyện cốt lõi là thủ tục thương phế binh vẫn cứ mịt mờ.

 

Một buổi chiều, vợ hắn bảo đại uý Hà nhắn lên đồn làm việc (dĩ nhiên chị ta bảo với chồng là về việc làm thủ tục thương phế binh). Trước khi đi, chị ta trang điểm cẩn thận, ăn diện đúng mốt, vì dù sao với tính cẩn thận của phụ nữ, dù gặp khó họ cũng dành lại tối thiểu một ít tư trang của mình. Hắn ở nhà trông đứng trông ngồi, cứ chỏi tay xuống mặt nhà lê cái bàn mông cụt núc tới lui mà ngóng mong ra cửa. Trời mỗi lúc một tối, vợ hắn vẫn chưa về. Bàn chuyện gì mà "cạn tàu ráo máng" dữ vậy ? Hắn tự hỏi và cứ băn khoăn. Đằng tháp canh đám phòng vệ dân sự đã bắn ba phát súng đì đẹt để báo không giờ mà đổi gác rồi. Sao vợ hắn vẫn chưa về ? Đến giờ này hắn cũng có thể đoán biết được tại sao vợ hắn chưa về rồi, nhưng hắn cố bậm gan xua đuổi ý nghĩ ấy đi. Hắn cố chối bỏ nó, hắn cố không tin nó, mặc dù nó mỗi lúc một hình thành rõ rệt, không còn phải là một điều nghi vấn nữa. Vậy mà cho mãi đến lúc gà từ xóm Chông Nô gáy rộ vọng sang, hắn mới chịu bàng hoàng và cắn môi, ôm mặt tức tưởi.

 

Nhưng sau đó vợ hắn có lãnh tiền mang về mua gạo và sắm chút ít vật dụng trong nhà. Chị ta bảo mặc dù thủ tuc chính thức chưa xong nhưng đại uý Hà cho vay trước, sau sẽ trừ lại chỗ khoản tiền trợ cấp được truy lãnh. Rồi thỉnh thoảng vợ hắn lại đi lên đồn Ngã Tư để tiếp tục "làm thủ tục" suốt cả đêm như vậy, và lần nào cũng có mang về một món tiền "được ứng trước".

 

Một hôm, nghe bà con nói có hai cố vấn người Mỹ từ Trà Vinh xuống khu Chông Nô để làm việc chi đó với đại uý Hà. Và nghe đâu hai cố vấn người Mỹ kia còn phải bận nhiều việc nên ở lại đến hôm sau. Thế là chiều hôm ấy đại uý Hà sai lính đến bảo vợ hắn trang điểm cho bảnh để lên đồn, nhân dịp có cố vấn người Mỹ vô yêu cầu họ hỗ trợ làm cái thủ tục thương phế binh cho chồng. Chị ta dần dừ, miễn cưỡng nhưng rồi cũng trang điểm, ra đi.

 

Sáng hôm sau, hắn thấy vợ về với dáng đi thiểu não, mặt mũi phờ phạc. Vợ hắn cứ ngồi lặng lẽ trên chiếc võng xiêu vẹo, cắn môi ra vẻ ấm ức nhưng tuyệt đối không mở lời. Hắn vừa nghi ngại vừa đau khổ, lết đến ngồi bên chân vợ, ngước mắt nhìn lên bằng ánh mắt của con chó lúc nhìn chủ trong cơn bệnh nguy kịch. Có lẽ vợ hắn chịu hết nổi cái ánh mắt ấy mỗi lúc một xoáy riết vào mặt mình, chị ta ôm mặt quay đi nơi khác.

 

Hắn kêu lên như người bị sặc nước:

 

- Mình !

 

Vợ hắn oà khóc và quay lại móc túi ném trước mặt hắn một cuộn giấy bạc còn thẳng nếp. Hắn vớ lấy bó giấy bạc, ánh mắt sáng rực, chồm đến bên gối vợ hỏi dồn dập, hổn hển:

 

- Sao? Họ đã cho truy lãnh tiền…

 

Vợ hắn khoát tay, cướp lời hắn. Chị ta nói giọng như quát:

 

- Đồ ăn trộm gà, còn đòi thương binh, liệt sĩ cái gì ?

 

Câu nói bất ngờ của vợ chạt vô đầu hắn một cái quá mạnh, hắn tưởng chừng còn mạnh hơn sức quật của quả mình mà hắn bị nổ ở chuồng gà thuở nọ. Người hắn từ từ xìu xuống, ĩu ra mềm nhũn, chiếc đầu hắn  rụng xuống một bên vai. Đôi mắt dần dần u tối, thấy toàn bộ bầu trời đang quay chuyển, hắn nằm úp mặt xuống mặt nhà mấy phút, người ta thấy thân thể hắn động đậy lại. Và tiếng nghiến răng trèo trẹo từ đôi quai hàm hắn bật ra. Hắn chồm lên chụp hai tay vào gối vợ, thở hồng hộc:

 

- Sao? Mình bảo sao ?…

 

Vợ hắn vội sà xuống ôm lấy hắn, vuốt ve mớ tóc bờm sờm của hắn. Chị ta vừa khóc sướt mướt vừa ấm ức nói đứt quãng:

 

- Mình ơi! Từ lâu mình đã bán máu nuôi mẹ con tôi… bây giờ tôi… phải…

 

Hắn lồng lên, xô vợ bật ra. Nhưng rồi hắn lại chồm theo, chụp hai tay vào cổ họng vợ, siết cứng. Hắn gầm lên như người ngộ độc:

 

- Nghĩa là... nghĩa là…

 

Đôi mắt của vợ hắn cứ ráo hoảnh trân trân nhìn hắn như mỉa mai, như cười cợt. Đôi tay hắn bỗng nhiên rụng rời, buông xuôi xuống. Hắn ôm mặt, rồi ôm ngực, rồi hắn bịt lấy hai thái dương. Dường như toàn cơ thể của hắn đều bị chấn thương, nơi nào cũng nghe nhức nhối. Chiếc đầu hắn lại từ từ rụng xuống một cách nặng nề, mà cả hai tay hắn cố nâng lên vẫn không nổi.

 

Mấy hôm sau hắn ngồi khóc thút thít với vợ:

 

- Mình ơi, sao mình không nhớ hồi mình còn ở nhà "chứa" của con mụ Mão Xíu trên Trà Vinh ? Tôi vốn là một tay bụi đời từ Sài Gòn xuống, hai đứa mình lần đầu gặp nhau giống như Từ Hải gặp Thúy Kiều. Duyên nợ gì đâu mà khiến xui hai đứa mình thương nhau dữ vậy ? Mình bỏ nhà chứa trốn theo tôi. Cũng vì thương mình tôi đâu ngại nguy hiểm. Đây, nầy vết thẹo của con mụ Mão Xíu phục thù sai đàn em nó ghi đậm vào thân thể tôi còn rành rành đây. Mối tình của chúng ta nó bắt đầu  bằng máu, mình có nhớ không? Ôi, có phải hôm nay nó đã đến đoạn chấm dứt hay không mà lại chìm trong nước mắt vầy nè? Trời ơi, ngó xuống mà coi ! - Hắn rống lớn lên - Tôi cũng là con người chớ đâu phải hình cây tượng gỗ ? Tôi cũng biết ghen tương, đau khổ nữa chớ! Tại sao cuộc đời dồn đẩy tôi ra đến nông nỗi nầy? Rồi hắn xìu giọng xuống nghe như rên rỉ - Phải chi lúc tôi bị thương trong Đường Đứt, mình cứ làm ngơ bỏ đi. Tìm kiếm về, nuôi dưỡng chi cho tàn gia bại sản, kéo dài thêm kiếp sống làm chi để chứng kiến cái cảnh quá ê chề nầy ? Chắc tôi không thể sống nữa được đâu, mình ơi !…

 

Hắn cứ gục đầu mà khóc rấm rức. Vợ hắn đứng soi gương bên chiếc tủ bằng gỗ cẩm lai bể mặt. Ban đầu xem chị ta ra vẻ thản nhiên trước lời nói của chồng. Nhưng khi chỉ còn nghe tiếng khóc sụt sùi của hắn, đôi tay chị ta từ từ run lên làm cây son vẽ nguệch ngoạc thành nhiều vệt đỏ bầm trên gương mặt. Những giọt nước mắt của chị ta cứ lăn tròn xuống má làm lớp son phấn vừa tô chảy thành sọc đến tận cằm. Chị ta ngồi xuống chiếc chõng, thở ra một hơi dài:

 

- Bây giờ chúng ta còn biết sống làm sao, hở anh? Em còn chút máu đem bán nốt để nuôi anh với các con cầm hơi…

 

Bỗng dưng có tiếng máy bay trực thăng quần đảo bình bịch ngoài đồn Ngã Tư, chị ta vội vã trở lại bên chiếc tủ để tiếp tục cuộc trang điểm. Rồi chị ta ra đi…

 

Hắn nằm bất động trên nền nhà ghé mắt nhìn theo. Hai gót chân thon nhỏ trên đôi guốc cao nghiến sào sạo xuống mặt đất mỗi lúc một xa hơn. Hắn nghe đau nhói ở lồng ngực, mỗi cái ấn của đế guốc kia xuống đất, hắn tưởng chừng đó là nhát dao đâm mạnh vào trái tim mình. Hắn rùng mình, quay mặt vào vách không dám nhìn theo bước chân của vợ nữa. Bởi vì hắn biết rằng tiếng trực thăng hạ cánh đằng đồn Ngã Tư Chông Nô kia là chúng đang đổ hai tên cố vấn người Mỹ xuống "làm việc đêm" với những người, mà trong đó không thể thiếu mặt vợ của hắn. Tấm vách lá te tua trước mặt hắn bị che mịt mờ một tấm màn nước. Rồi sau đó hắn nằm úp mặt mà rên rỉ một mình. Hắn nghĩ ngợi miên man với cuộc đời hiện tại. "Mình còn sống thêm nữa không ? Thôi đủ rồi. Chết ư ? Mình đã chuẩn bị sẵn cái chết cho cả mấy cha con lâu nay rồi kia". Hắn liếc mắt ngó chừng vào chỗ mé đầu võng - "Bán máu để nuôi cha con anh sống cầm hơi ? Không ! Cha con tôi không cần miếng ăn bẩn thỉu đó". Hắn bỗng nhiên bật lên một chuỗi cười sằng sặc - "Không cần! Cha con tôi không cần…".

 

Rồi hai tay hắn ôm ghì lấy bộ ngực, ghịt siết vào một chỗ dường như đang có thỏi sắt đang quậy lói bên trong. Hắn vịn tay bườn người lên chõng. Người hắn chao đảo, run rẩy. Hắn gục đầu xuống mép giường, hai tay ghì cứng, thở hồng hộc. Rồi sau đó hắn thở ra những hơi dài thườn thượt.

 

Nằm gù người như vậy, không biết hắn đang tỉnh hay mê. Mãi đến khi ngửa mặt nhìn lên hắn thấy qua những mảng lá rách trên nóc nhà có mấy vì sao rưng rưng nhìn trả lại, hắn mới cố chõi tay ngồi dậy. Gió đêm thổi mạnh rát da, xô vách lá rách kêu lào xào. Màn đêm đen tựa một biển lọ nghẹ. Hắn ngẩng đầu hít vội mấy hơi không khí đen sệt vào buồng phổi. Và bây giờ hắn mới cảm thấy trong người hơi nhẹ nhàng dễ thở. Hắn lại tiếp tục thở dài mấy hơi. Hắn nằm sải ra để tìm sự dễ chịu mà dường như nó đã xa lánh hắn luôn suốt mấy hôm rồi. Hắn nghe trong lòng có cái gì khoan khoái, như vừa bắt được một vật vô hình quí giá nào.

 

Nhưng sự bình yên trở lại với tâm tư hắn chưa được bao lâu, nỗi trăn trở  liền tiếp tục kéo về giày vò "Cuộc đời đến thế là cùng? Nó đã dồn mình tận chân tường, xuống tận đáy vực rồi đây? Kiếp con người sống giữa chế độ này, ai muốn nuôi sống được cái phần xác thì phải bán đứt phần hồn ư ?" - Những cảnh hãi hùng, điên loạn vụt hiện ra trước mắt hắn… Những cánh tay lông lá của mấy tên cố vấn người Mỹ đang sành soạn, sờ nắn… thân hình trần trụi của một người đàn bà mảnh khảnh… Ơi, vợ hắn! Vợ hắn co rúm, dụ dự, miễn cưỡng…

 

Hắn nhắm nghiền đôi mắt lại. Nhưng mắt càng nhắm bao nhiêu thì những hình ảnh khủng khiếp ấy càng hiện rõ rệt bấy nhiêu… Vùng vằng, co rúm… miễn cưỡng… Cuộc sống vật lộn nhau như vậy đó ? Ơi, hắn không thể sống nhờ vào những giọt máu tanh tưởi cuối cùng trên thân thể của vợ hắn như vậy được. Hắn trừng trừng đôi mắt nhìn vào bóng đêm. Hắn cố tìm thấy cái gì ngược lại: Cái bộ mặt thật của cuộc đời. Ơi, cuộc đời đâu chẳng thấy, mà chỉ toàn là bóng đêm đen sệt. Có phải tiền đồ của hắn đó chăng? Hắn hít mạnh vào ngực một luồng không khí. Hắn có cảm giác cái màn đêm đen sệt đang ngấm vào lồng phổi, lá gan hắn. Màn đen khỏa đầy hố mắt, chui vào hốc mũi, luồn theo hơi thở, ngấm đậm vào từng tế bào của hắn rồi. Hắn thấy màu đen của đêm dường như đặc sánh có thể sờ tay vào đó sẽ nắm bắt được một vật gì. Và hắn đinh ninh sự tưởng tượng của mình là có thật. Đúng! Sẽ có một vật gì ngay trước mắt hắn đây, nó có thể nắm được, bấu được để làm điểm tựa cho đôi tay. Nghĩ ngợi một lúc, bỗng nhiên tim trong người hắn trỗi dậy. Và hắn cố sức cân đôi tay đã rã rời lên sành soạn vào màn đêm cố mong tìm điểm tựa cho nó. Hắn mò tìm nhè nhẹ vì sợ rằng cái điểm tựa vô hình kia chạm mạnh nó sẽ tan biến đi. Đêm thì cứ đen sệt nhưng vẫn trống không. Cuối cùng, đôi tay nặng nề của hắn đành buông xuội xuống một cách uể oải. Lại ác nghiệt thay, bàn tay hắn rơi đúng vào đầu một đứa con đang chui sát vào chỗ khúc đùi cụt núc của hắn. Hắn bàng hoàng sực tỉnh. Cái hiện thực là thế này đây! Những cái mà cuộc đời dành lại cho hắn làm điểm tựa là vậy đó. Hắn mỉm cười chua chát trong đêm…

 

Để bàn tay trên chiếc đùi cụt hồi lâu, nghe lạnh quá, hắn mới đặt dần qua từng chiếc đầu của mỗi đứa con trẻ dại của mình. Hắn rờ rẫm, hắn vuốt ve ra chiều âu yếm trong bóng tối. Rồi hắn cúi xuống hôn thắm thiết vào đầu từng đứa con của hắn, cũng trong bóng tối. Chúng đang trông cậy vào hắn, gởi gắm vào hắn tất cả cuộc đời của chúng. Trách nhiệm này là của hắn, hắn phải đảm nhiệm lấy, không thể giao gởi cho ai được. Dường như có một quyết định gì ghê gớm trong hắn, nên hắn cứ ngồi thừ một lúc thật lâu. Sau đó hắn lết lại mé vách cạnh đầu võng, nơi mà hồi chiều có lúc hắn nhìn liếc vào đế guốc của vợ để tìm sự cứu cánh. Sau đó hắn trở lại ngồi bên ba đứa con, tiếp tục rờ rẫm, hôn hít chúng. Lâu lắm, hắn bật ra mấy tiếng nức nở trong bóng đêm:

 

- Cha con mình cùng đi… các con ơi…

 

Cũng trong đêm ấy, bên nhà bác Đồ Văn, có lẽ vì tuổi già ít ngủ, nên bác cứ thao thức mãi. Đêm ở nhà bác Đồ Văn cũng tối như bưng. Tối đến đỗi như ai quậy cà phê thật đặc đổ đầy nhà, đầy mùng của bác. Thỉnh thoảng bác ngồi dậy, sờ soạn tìm bao thuốc vấn hút. Mỗi lúc bác bật diêm quẹt lên là một lần màn đêm đen bị xé toạc ra một đóm. Khi que diêm tắt phụt, màn đêm ngoan cố ập lại một màu đen rất mịn màng. Cứ lục đục như vậy mãi, bác Đồ Văn không chợp mắt được.

 

Đến khoảng nửa đêm, bác Đồ Văn nghe bên nhà thượng sĩ Khoa có tiếng động đậy. Bác Đồ cứ nằm ngẫm nghĩ: "Chắc mấy đứa nhỏ bị đói nên rên rỉ đó thôi". Bác nằm im. Một lúc sau, tiếng động ấy lại nổi lên nhiều thêm. Bác bật ngồi dậy, lắng tai hướng về bên ấy. Tiếng động mỗi lúc một hỗn loạn. Tiếng hậm hự của đàn ông, tiếng giãy giụa, la thét của trẻ con, tiếng xô đẩy của giường chõng… Bác Đồ Văn đắn đo: "Thời buổi này… Hồi chiều có hai thằng Mỹ xuống… Lính tuần tiễu càng nghiêm ngặt hơn, ló đầu ra khỏi cửa biết đâu… Thôi, mặc…"

 

Nhưng rồi những tiếng động loạn xạ có vẻ khẩn cấp bên kia nó cứ dồi dội vào tai bác, có lẽ đang xảy ra chuyện chẳng lành gì đó. Tiếng hậm hực, tiếng kêu thét, tiếng giãy giụa nghe đến rợn người. Giọng tru tréo từ trong cổ họng người phát ra nghe rất man dã! Nghe giống tiếng sặc nước của một con chó, cũng giống tiếng ấm ớ của người kêu trong giấc mộng. Thôi, đúng rồi! Có tiếng trẻ con kêu khóc, la thét thê thảm kia! Chuyện gì? Chuyện gì đang xảy ra bên ấy? Bác Đồ Văn băn khoăn, nôn nao, bật dậy nghe ngóng. Không thể im lặng được nữa, Bác đánh bạo cất tiếng kêu:

 

- Thượng sĩ ơi! Chuyện gì vậy ?

 

Nhà bên kia cũng không có ai đánh tiếng trả lời. Bác Đồ Văn kêu luôn mấy lần, nhưng bên ấy vẫn không đáp, ngược lại tiếng giãy giụa càng nổi dậy hỗn loạn thêm. Bác Đồ Văn nghe sống lưng mình nổi gai, nhè nhẹ bước ra hé tấm liếp cửa. Giọng ú ớ bên kia còn vọng sang như người nào đó đang hấp hối kêu cứu thảm thiết! Phân vân, chần chừ… Nhưng không nỡ, bác Đồ Văn vớ lấy chiếc áo vắt lên vai, tuôn cửa nhảy phóc ngang mương. Bác đâm sầm chạy đại vào nhà hắn. Vừa bước vô cửa, bác chợt khựng lại như người đi đêm chạm phải hàng rào kẽm gai. Bác thất thần, kinh ngạc đứng chựng lại mất mấy giây. Dưới ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn con cóc, một con mèo mướp gần đó lom khom nhìn bác, đôi mắt nó phát ra hai luồng nhỡn quang xanh lè. Rồi con mèo quay ánh mắt nhìn về phía chiếc giường bề bộn kia. Bác Đồ Văn trông thấy, chực sụp hai đầu gối xuống vì một cảnh tượng quá khủng khiếp! Đây là cõi trần gian có thật hay là chốn âm ty địa ngục nào? Hai xác trẻ thơ để nằm sấp, mặt chúng bị bẻ vặn ngoái lại sau, miệng ộc lênh láng những máu tươi. Hai xác chết trẻ con không còn động đậy nữa. Thằng Bằng, thằng con trai lớn của hắn, đang bị hắn đè sấp, hắn cắn cứng vào gáy nó, nhai ngộm ngoạm, đôi tay thì cứ lần mò móc vào cổ họng nó. Hai cha con hắn cuộn nhau, lăn lộn trông như con trăn gấm quấn một con vịt. Từ chỗ kinh ngạc rã rời trong môt loáng, bác Đồ Văn dần dần tỉnh lai. Máu trên đầu bác áp xuống, máu dưới ngực dồn lên, máu sôi sùng sục nóng ran cả người. Là một nhà nho, đứng trước hoàn cảnh này bác chợt nghĩ đến câu "Kiến nghĩa bất di". Bây giờ bác Đồ Văn nghe trong người mình mạnh bạo và bình tĩnh lạ thường! Bác nhảy lên giường, giằng thằng nhỏ ra khỏi tay hắn. Bác bồng thằng nhỏ nhảy xuống đất lùi ra xa. Bác giận dữ, trợn xếch đôi mắt lên, hất hàm râu run run, nạt lớn:

 

- Mày làm giống gì vậy ?

 

Hắn chống tay ngồi dậy, chồm theo bác Đồ Văn. Mặt hắn đầy máu me. Đầu tóc bờm sờm của hắn dính đầy máu me; bộ râu như cánh chổi của hắn cũng dính đầy máu me! Hắn trợn tròn đôi mắt đỏ au, chõi tay ngồi thở hồng hộc trông như một con cóc tía khổng lồ đang lúc khát nước. Bác Đồ Văn hỏi lập lại một lần nữa. Hắn từ từ khụy xuống, nằm sấp trên giường, hai tay đập đập tựa một con chim non vỗ cánh, người hắn uốn cong cầu vồng, miệng nôn ra những vòi máu tươi ồng ộc. Bác Đồ Văn bồng thằng Bằng nhảy lùi thêm một bước nữa. Trong những ngụm máu hắn vừa nôn ra bốc lên nồng nặc mùi thuốc sát trùng cực mạnh. Hắn lại cong người lên nôn thốc nôn tháo một lúc nữa. Sau đó hắn ngẩng cái bộ mặt dính đấy máu lên nhìn bác Đồ Văn, bảo:

 

- Tôi… tôi phải đem các con theo tôi…

 

Đã hiểu hết sự tình, bác Đồ Văn xúc động quá định la lên gọi bà con chòm xóm đến cứu hắn. Nhưng bác vội ghìm lại: ban đêm, nhất là cái đêm có mặt hai cố vấn người Mỹ ở đằng đồn Ngã Tư, la lối om sòm đố khỏi bị chúng dập moóc-chiê lại chết cả đám. Rồi bác định ôm thằng Bằng chạy đến nhà bên cạnh để báo động cái chuyện khủng khiếp này. Bác dợm đi, nhưng cũng kịp ghìm lại: đêm tối, chạy ra đường là ăn đạn của bọn tuần tiễu ngay. Bác Đồ Văn lúng túng quá sinh bực bội. Tất tất cũng tại hắn, hắn gây ra bao tội ác, hắn làm nên bao chuyện bất bình, giờ hắn phải lãnh cái hậu quả này. Lẽ tất nhiên là hắn gánh chịu, bọn trẻ có tội tình gì mà hắn lại nhẫn tâm tàn sát một cách thê thảm như vậy? Bà con chòm xóm có tội gì mà hắn gây nên chuyện lôi thôi phiền hà như vậy?

 

Trong lúc bác Đồ Văn còn bực bội, lúng túng, thì hắn chờn vờn chồm lên chiếc bàn có để chiếc đèn con cóc, gầm lên giọng ấm ớ:

 

- Tôi… tôi nghe rõ tiếng cười của hai thằng Mỹ đằng đồn Chông Nô… chúng nó cười… chúng nó đó !

 

Từ ngày hai nhà sống gần nhau đến giờ, bác Đồ Văn không hề bắt chuyện với tên giặc ác ôn này một lời. Không biết tại sao bây giờ bác Đồ Văn cũng đồng cảm với hắn, bác cũng gầm lên đay nghiến như hắn:

 

- Ừ, luật trời như vậy đó! "Thiện ác đáo đầu chung hữu báo" mà. Mày hãy sáng con mắt lên mà xem luật trả vay.

 

Nghe bác Đồ Văn nói, hắn khóc rống lên hu hu. Hai tay hắn quờ quạng vớ lấy cây đèn con cóc, châm ngọn lửa vào tấm vách lá. Rồi hắn cười lên sằng sặc:

 

- Sáng con mắt lên! Sáng con mắt lên !

 

Bác Đồ Văn còn đang ngơ ngác, thì ngọn lửa đã chồm lên tới mái nhà. Bác hoảng quá, ôm thằng Bằng thụt dần ra sân. Còn hắn, thuốc diệt rầy đã ngấm sâu vào cơ thể, hắn đã kiệt sức lắm rồi. Hắn co quắp bên ngọn lửa, hắn cứ thở khừ khừ. Máu và nước bọt trào ra đầy miệng, đầy mặt hắn.

 

Ngọn lửa đã bốc cao tận nóc nhà. Ánh lửa ngôi nhà ba gian ở Xóm Mới xé thủng một mảng trời đêm đen, soi sáng tận đồn Ngã Tư của ấp chiến lược Chông Nô.

Anh Động
Số lần đọc: 3163
Ngày đăng: 21.12.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Vểnh râu - Nguyễn Quang Sáng
Lá rụng - Kim Quyên
Hàng xóm - Kim Quyên
Chị Nhẩm - Hàn Vĩnh Nguyên
Con chim chìa voi, chiếc lồng bỏ trống và thằng ăn hại - Hàn Vĩnh Nguyên
Thời gian thầm lặng - Hàn Vĩnh Nguyên
Có mưa trên núi - Lê Đình Trường
Qua sông - Anh Động
Khói lam vắt vẻo - Anh Động
Bến thần Kê - Hồ Tĩnh Tâm
Cùng một tác giả
Ánh lửa Chông Nô (truyện ngắn)
Mũi lấn (truyện ngắn)
Tiếng bước chân (truyện ngắn)
Chung kết (truyện ngắn)
Tiếng đàn (truyện ngắn)
Thuốc đắng (truyện ngắn)
Chớp lửa đêm giông (truyện ngắn)
Cách chim không mỏi (truyện ngắn)
Đường còn xa (truyện ngắn)
Qua sông (truyện ngắn)
Khói lam vắt vẻo (truyện ngắn)
Trăng tháng chạp (truyện ngắn)
Hàng rào sậy (truyện ngắn)
Bến cũ (truyện ngắn)
Khai đập (truyện ngắn)
Qua cơn bịnh (truyện ngắn)
Suối nắng (truyện ngắn)
Khơi mạch (truyện ngắn)
Bên hàng Cù Oanh (truyện ngắn)
Tiếng trống Sampô (truyện dài)