Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.427 tác phẩm
2.747 tác giả
634
116.939.394
 
Vườn xoài ngoại ô
Phong Hân

Khu vườn nằm trên gò đất cao của vùng ngoại ô thị xã, rộng hơn hai nghìn mét vuông. Nhiều năm về trước, xung quanh còn hoang vắng, lác đác vài ngôi nhà nép mình yên bình dưới vườn tược xanh tươi. Bây giờ, thị xã mở rộng, chuẩn bị lên thành phố, dân đổ về thành thị học hành, sinh sống càng nhiều, nhà cửa đua nhau mọc lên san sát, vùng ngoại ô bỗng chốc trở nên ồn ào, náo nhiệt, chỉ còn khu vườn với những cây xoài cổ thụ thì vẫn như xưa.

 

Thoạt nhìn, cứ ngỡ những cây xoài không được trồng cùng một lượt. Cây thì tươi tốt, cành lá sum suê, thân người ôm không giáp. Có cây gầy đét, cụt đọt, gãy cành, đứng chơ vơ, lá vàng hoe nhạt nhòa trong gió. Kỳ thực, tất cả, chúng đều bằng tuổi nhau, được trồng khi ngôi nhà gạch nhỏ cuối vườn vừa xây xong. Điều thú vị là những cây xoài cho trái quanh năm, cây nọ rồi đến cây kia, mùi trái chín theo gió thoang thoảng. Ban ngày, chim chóc tụ về tranh nhau ríu rít. Đêm, dơi lượn lờ, sóc chuyền cành kêu vang vọng. Ba phía khu vườn được bao bọc bởi hàng rào kẽm gai, dây leo quấn um tùm. Phía giáp với con lộ là bức tường cũ kỹ, ẩm mốc rêu phong. Chiếc cổng có giàn hoa giấy nhô cao, ngợp sắc màu đỏ trắng. Cánh cửa với những song gỗ sơn xanh, thường đóng im lìm, vòng dây xích vắt ngang ổ khóa.

 

Trên tầng hai của căn nhà đối diện khu vườn của một quan chức cũng khá khá thuộc dạng nhà giàu mới phất, dành cho những cô cậu học trò nhà quê ra tỉnh học với giá cực rẻ. Chủ nhân coi đó là cách giúp đỡ cho những người đồng hương có chí hướng tiến thân và cũng để có dịp gợi nhớ lại một thời đèn sách khốn khó của mình như một tấm gương sáng. Không như những năm trước thường thì có từ bốn đến năm người chia nhau ở hai căn phòng rộng rãi, thoáng mát, năm nay, chỉ có hai người: một cũ, một mới. Hữu đã ở hai năm, Phan vừa đến mấy chiều hôm trước.

 

Đối với những cư dân khu phố mới này, ở lâu hay mới, ít khi chú ý đến khu vườn dù cho nó có dáng vẻ khác biệt, bởi có rất nhiều thứ để lo toan. Nếu có ai đó nói về nó thường bắt đầu từ bức tường mặt tiền dài gần năm mươi mét bỏ không thật là một sự lãng phí lớn giữa thời buổi tấc đất, tấc vàng. Mấy cậu học trò cũng vậy, mỗi chiều ra đứng ban công đón gió, mắt dõi xuống con đường có dòng người đang cuộn chảy trăm sắc màu hơn là phải nhìn sang khu vườn, chẳng thấy gì ngoài tán lá đan xen nhau kín bưng, vài tổ sóc bù xù trên ngọn.

Riêng Phan, mặc suy nghĩ đang ngập tràn những hồi hộp, âu lo về việc ngày mai vào lớp mới, cậu vẫn để tâm đến khu vườn ngay ngày đầu mới đến, dường như có điều gì bí ẩn kích thích tính tò mò, đang nấp dưới những vòm lá xanh. Sự tò mò càng tăng thêm khi nghe Hữu bảo rằng đây là khu vườn "độc nhất vô nhị" trong thị xã này, chẳng có người lạ nào bước chân vào trừ chủ nhân của nó.

 

"Mà chủ nhân nó là ai, chắc hẳn phải là một người giàu lắm?" - Phan định hỏi nhưng chưa kịp, Hữu đã lên tiếng: "Mày được sắp lớp nào vậy?" khi hai người vừa ngồi trên ghế ngoài ban công. "12A4". "hên cho mày đó!". "Chuyện gì?". "Thì được học chung với nàng công chúa vườn xoài chứ gì". "Công chúa vườn xoài? Ai vậy!" - Phan hỏi, giọng ngạc nhiên. "Con bé bên khu vườn kia chứ ai. Con nhỏ đẹp lắm mày à, nhưng nhớ là đừng có đặt bất cứ hy vọng gì nhé. Nổi tiếng toàn khối bởi khuôn mặt lạnh như tiền, chỉ mới nhìn thôi đã muốn phát run. Đừng hòng được nói chuyện với nàng quá ba câu!". "Kiêu lắm à!". "Không phải vậy đâu. Tao không biết diễn tả sao cho mầy hiểu được. Mai mốt mày gặp thì biết liền hà". "Mày bản lĩnh lắm mà, sao hôm nay lại nói vậy!". - Phan cười khì có ý trêu chọc. "Cũng tùy người chứ mậy. Mày có ngon thì trổ tài đi. Đánh cá với mầy đó. Nhất là làm sao vào được nhà chơi thì thua gì tao cũng chịu". "Đơn giản vậy thôi sao, hứa nhớ giữ lời nhe!". "Quân tử đã hứa thì khỏi phải lo!". "Mà nàng tên gì?". "Thủy Trúc" - Hữu đáp gọn lỏn, giọng đầy tự tin.

 

Học sinh lớp 12A4 đã quen thuộc nhau do học chung từ những năm  trước. Duy chỉ có Phan là học sinh mới, thế nên ngay từ buổi đầu vào lớp, sau lời giới thiệu của thầy chủ nhiệm, mọi ánh mắt trong lớp đều đổ dồn vào cậu. Trong những cái nhìn chào hỏi xã giao đó, Phan dễ dàng nhận ra người có đôi mắt khiến Hữu phát run. Thật tình cờ hay có duyên nhau chẳng biết, Phan được thầy giáo sắp vào chỗ ngồi sau lưng Thủy Trúc. Cậu nhanh chóng hòa nhập với bạn bè cùng lớp, ngay cả người hàng xóm phía trước nổi tiếng lạnh lùng. Không khó khăn lắm để trao đổi chuyện học hành, bài vở. Chẳng những thế, cô còn tỏ ra thích thú khi biết Phan trọ ở gần xa. Điều này khiến đám con trai cùng lớp lấy làm lạ. Hữu càng ngạc nhiên hơn khi thấy cả tháng qua Phan và Thủy Trúc thường đi về chung, hai người còn tỏ vẻ thân thiện nhau.

Phan vẫn không quên điều đã hứa với Hữu, cậu đinh ninh mình sẽ không là kẻ thua cuộc. Điều quan trọng là phải làm sao để khẳng định trước Hữu một cách thuyết phục. Cơ hội đã đến sớm hơn Phan dự định khi Thủy Trúc nhờ Phan đợi cô trước cổng nhà vào lúc năm giờ chiều để cùng đến trường xem văn nghệ mừng ngày Nhà giáo. Phan không ngần ngại rủ Hữu cùng đi với niềm vui chiến thắng dâng đầy.

 

Đúng năm giờ chiều, phía bên này Phan hớn hở nhìn sang. Hữu đứng bên cạnh với tâm trạng người thua cuộc, mắt không dám nhìn về cánh cổng khu vườn. Chỉ đến lúc cây kim gió quây hết vòng thứ bảy, sự tự tin phục hồi chút ít, giúp Hữu lên tiếng: "Có hẹn thật không, sao chẳng thấy ai hết vậy?". Phan chậc lưỡi, giọng biện hộ: "Dóc mày làm chi. Mà việc gì phải vội. Mày quên giờ giấc con gái là dây thung hay sao?". "Tao không biết sợ dây thung to cỡ nào. Năm giờ hai mươi không có là đi. Tụi nó chờ lâu lát vô không có chỗ ngồi chửi lo mà nghe!". Phan bắt đầu lộ vẻ sốt ruột, nôn nóng, nhưng vẫn cố trấn tỉnh đưa ra giải pháp nhằm cứu vãn tình thế: "Hay là để tao vô trỏng xem sao?". Chuyện đó tùy mầy. Mà tốt nhất là không nên, tao nghe dì Ba chủ nhà bảo thế". Phan ngập ngừng một lát rồi nói: Hổng ấy mày đi trước đi, xem như bữa nay thua cuộc. Tao phải đợi thôi!".

 

Hữu đi khuất rồi, Phan vẫn tần ngần đứng hồi lâu, đầu óc lộn xộn bao ý nghĩ. Sẽ đợi đến bao lâu hay là cứ vào đại bên trong? Một người như Thủy Trúc chẳng lẽ lại để cho người khác leo cây, hay có chuyện gì bất thường xảy ra phía bên kia bức tường? Vì sao Hữu lại cảnh báo không cho vào? Phan chợt nhớ có lần đang trò chuyện vui vẻ cùng Thủy Trúc, cậu có vờ hỏi về khu vườn và hiện giờ cô đang sống với ai. Thủy Trúc bỗng buồn bã, khẽ đáp là ở với bà. Thấy vậy, cậu không muốn hỏi thêm nữa.

 

Sáu giờ kém mười, lòng kiên nhẫn không còn nữa, Phan quyết định băng qua đường, mặc lời khuyên của Hữu, bất chấp cái nhìn khó chịu của một vài người xung quanh. Cậu đưa tay đẩy nhẹ cánh cổng màu sơn xanh, sợi dây xích tuột ra, cánh cổng bật mở. Không chút đắn đo, Phan bước vào trong và không quên xoay lưng khép cửa lại. Đi được vài bước, bất giác cậu chợt rùng mình trước cảnh vật tĩnh mịch khu vườn. Lối vào được trải sỏi trắng, có lẽ được quét hằng ngày nên trông rất sạch sẽ, lác đác vài chiếc lá rụng còn tươi rói, lượn ngoằn ngoèo quanh những góc xoài cao lớn. Vài bụi hoa dại nở hờ hững hai bên. Mặt đất khu vườn lá rụng phủ kín nhiều năm rồi, và lớp lá dày lắm nên cỏ không mọc được, chỉ lưa thưa mấy cây me đất, cải trời thiếu nắng, thân gầy gộc. Trời bắt đầu sẫm tối, Phan đảo mắt khắp khu vườn, không phát hiện bất cứ điều gì khiến phải sợ hãi ngoài tiếng lịch bịch của mấy trái chín rơi rụng, cậu mạnh dạn tiến về phía ngôi nhà nằm cuối góc vườn đã thắp sáng ánh đèn.

 

Bộ băng ghế đá đặt trước hiên nhà. Ánh điện từ bên trong hắt ra soi rõ đóa hồng nhung được bọc trong tờ giấy kiếng trên chiếc bàn đá. "Thủy Trúc đã chuẩn bị sẵn sàng rồi sao lại bỏ cuộc không đi?" - Phan thầm nghĩ và địch cất tiếng gọi. Chợt phía trong vang lên tiếng thì thào của người già: "Bà lo quá con à!. Không biết bà có còn sống đến ngày đó không nữa. Đâu con đọc lại cho bà nghe coi!". "Để cháu đọc cho bà nghe - giọng âu ếm Thủy Trúc đáp lại. Tin khoa học sức khỏe. Một nhóm các nhà khoa học Anh và Autralia vừa công bố kết quả sau hơn mấy thập niên nghiên cứu. Những người bị rụng tóc và những chứng bệnh liên quan đến việc rối loạn quá trình sản xuất chất sừng trong cơ thể vì bất cứ nguyên nhân nào sẽ được điều trị khỏi trong tương lai gần đây". Bà vui lắm con à - giọng nói cố lắm, và kèm theo tiếng cười mệt nhọc. Bà đã đợi mấy mươi năm rồi cũng không có phí công phải hôn con. Bà vui lắm, vui lắm con à!". "Dạ. Để con đỡ bà nằm nghỉ cho khỏe!".

 

Bên ngoài, Phan nghe rất rõ lời hai bà cháu, nhưng chẳng hiểu chuyện gì. "Khoan đã, đâu con nhìn bà coi còn giống trong hình không?". Đến lúc này, cậu không kiềm chế nỗi sự tò mò, nhón gót đứng lên đưa mắt nhìn vào cửa sổ đang để trống. Cảnh tượng lạ lùng đập vào mắt cậu: Bà cụ già ngồi trên chiếc ghế bành. Đeo kính đen và mái tóc dài đen mượt nên rất khó đoán tuổi. Hai bàn tay được bao cẩn thận đặt trước bàn trang điểm. Dựng tựa vào tấm gương soi là bức hình trắng đen đã ngả màu chụp bức chân dung người thiếu nữ, bàn tay những ngón thon dài, suối tóc đen mượt xõa bên vai, nụ cười tươi trên đôi môi tràn đầy sức sống. Lúc Phan đang chăm chú nhìn vào, Thủy Trúc vừa từ bàn học đứng dậy đến bên vuốt tóc bà: "Bà vẫn như xưa, con đỡ bà nằm nghỉ cho khỏe". "Được, được mà. Con khỏi lo cho bà". Thủy Trúc mệt mỏi thở dài, mắt buồn bã nhìn ra khung cửa sổ. Bắt gặp Phan, cô khẽ thảng thốt giật mình. Cậu ta đang đứng chết trân.

 

Thủy Trúc mời Phan ngồi xuống băng ghế đá đối diện mình sau một hồi thuyết phục bà mình nằm nghỉ: "Trời ơi, bạn vào đây chi vậy?". "Đợi hoài không được đành liều thôi!". "Mà sao vào được?". "Cửa không khóa". "À, nhớ rồi, hồi nãy vú đi Trúc dặn để cửa. Định đi thì bà than mệt nên để bạn chờ. Cho mình xin lỗi". "Không có gì đâu. Bà bạn bệnh gì vậy?". "Bà bệnh lạ lắm!". "Sao không nghe bạn nói nói gì hết vậy". "Nói làm gì. Mấy mươi năm rồi không chữa khỏi!". "Mà bệnh gì mới được chứ, không thể nói cho mình nghe được sao. Nhất là những điều Trúc và bà nói, Phan chẳng hiểu gì hết!". "Thôi thì bạn đã vô đây thì cũng không giấu làm gì. Nhưng bạn hứa là không kể cho ai nghe". Thủy Trúc cất giọng buồn buồn sau cái gật đầu có vẻ thành thật của Phan. Câu chuyện bắt đầu cách đây mấy mươi năm...

 

Ông nội có người em gái duy nhất là bà. Ông bà cố qua đời, hai anh em rất thương yêu và lo lắng cho nhau, sống thật hạnh phúc trong cùng chung mái nhà, dù ông anh đã yên bề gia thất, nhưng không hề xảy ra cảnh chị dâu em chồng. Năm ba Trúc lên sáu tuổi, cũng là lúc cả nhà chuẩn bị cho bà bước lên xe hoa. Chẳng may tai họa ập đến: Bà sốt mê man, nằm liệt chiếu liệt giường. Bao nhiêu thầy thuốc tây y, đông y nổi danh tài giỏi ông khổ công tìm kiếm rước về đều bó tay. Đến lúc ai cũng tin chắc rằng thần chết sẽ mang bà đi thì thật kỳ lạ, bà đột ngột tỉnh dậy sau gần hai tháng trời bất động. Có điều hậu quả bà gánh chịu quá đau đớn: tóc rụng không còn sợi nào, bàn tay, bàn chân co quắp lại, móng rụng hết. Đau khổ cứ đổ xuống dồn dập, vị hôn phu từ hôn, đã đánh quỵ tuổi đôi mươi của bà. Không màng chuyện ăn uống, âm thầm khóc bất kể ngày đêm, đến nỗi đôi mắt dần dần không còn nhìn thấy cảnh vật xung quanh. Ông nội đã tìm mọi cách an ủi, mua đất ngoại ô cất nhà để bà được yên tĩnh nhưng đều không giúp được bà. Đến một ngày nọ, tình cờ lúc ông ngồi đọc báo cho cha nghe, bà lên tiếng: "Không lẽ bệnh em đã vô phương cứu chữa rồi hả anh Hai. Đâu anh tìm thử trong báo xem có thấy tin tức gì về căn bệnh của em không?". Ông nội chợt nẩy ra cách giúp bà vượt qua đau khổ bằng việc đọc cho bà nghe tin khoa học sắp tìm ra phương thuốc chữa căn bệnh quái ác mà bà mắc phải. Điều này chính tự ông nghĩ ra chứ báo không hề đăng. Không ngờ, bà vui vẻ hẳn, không còn khóc than nữa".

 

Nghe qua, Phan bần thần hỏi: "Ngày nào cũng như thế à!". "Phải. Hơn bốn mươi năm qua, bà sống vui vẻ là nhờ liệu pháp tâm thần hết sức đơn giản ấy. Ông qua đời, ba làm thay. Ba mất trong một tai nạn năm mình học lớp chín. Trúc về ở cùng bà và làm công việc ấy mà không ai làm thay được, kể cả vú nuôi hay mẹ, do lúc trước Trúc thường cùng ba chăm sóc, trò chuyện an ủi nên bà rất thương và tin tưởng. Hàng ngày chuyện vệ sinh, ăn uống đều có bà vú lo. Trúc có nhiệm vụ tan học là phải về ngay để đọc báo cho bà nghe. Còn bức ảnh mà bà luôn mang theo bên mình? Đó là bức chân dung chụp bà năm mười tám tuổi. Ngày xưa và đẹp lắm nên mới đau khổ nhiều đến vậy" - giọng cô trầm ngâm giãi bày. "Thế Trúc có tin điều mình đã nói để an ủi bà sẽ trở thành sự thật không. Phan thấy rằng có gì đó hơi giả dối". "Ngày trước mình cũng nghĩ như bạn, sẽ vô cùng nhẫn tâm khi nói điều không thật đối với người tàn tật như bà. Cầm bằng ngược lại, sẽ tàn nhẫn gấp bội, bởi bà không thể sống vui vẻ nếu đã mất hết hy vọng. Thật lòng thì Trúc không hề ăn năn, hay bứt rứt việc mình làm. Trúc tin rằng với sự phát triển ngày càng cao của khoa học, bệnh của bà sẽ được chữa khỏi. Điều lo lắng thật sự là không biết bà có sống đến ngày đó để được mãn nguyện. Mấy ngày qua bà có biểu hiện lạ lắm. Nửa đêm hay ngồi dậy, khóc cười, nói chuyện vu vơ, cứ gọi tên ông nội và ba Trúc. Lúc trước đi học về an ủi bà một lần là xong. Còn hiện tại, thất thường lắm, mà mỗi lần khóc là mỗi lần phải dỗ dành, đọc cho bà nghe. Chiều nay chẳng hạn, Trúc đã chuẩn bị xong đâu đấy chợt bà khóc òa lên, Trúc không thể nào đi được".

 

Phan nghe lòng chùng xuống vô hạn trước cảnh ngộ thương tâm mà cậu chưa từng gặp. Những cảm xúc khó tả vây chặt lấy tâm tư. Cậu tự hỏi rằng không biết sự góp mặt của con người trên cõi đời này là để sống theo đúng nghĩa đích thực của nó hay chỉ là sự tồn tại mà thôi. Hạnh phúc và khổ đau do chính bản thân quyết định hay tùy thuộc vào cái nhìn của nhân gian.

 

Hai bạn trẻ ngồi im lặng. Ngoài kia, khu vườn cũng đồng điệu theo. Ngọn gió mang hơi ẩm của lớp lá mục rữa bốc mùi tanh nồng thổi vào từng cơn ớn lạnh. Thình lình có vật gì đó đánh bộp xuống nền nhà, kèm theo là tiếng vỡ thủy tinh kêu loảng xoảng. Trúc bật dậy chạy ào vào trong. Phan nối gót theo sau. Cả hai đứng sững, chết lặng: Bà gục đầu trên bàn trang điểm, mái tóc giả tuột khỏi đầu đang treo lòng thòng trên cạnh bàn. Dưới chân là khung hình vỡ vụn mặt kính. Trúc khóc thét lên, đưa tay lay bà: "Bà, bà ơi!...". Không tiếng đáp lại. Bà đã mang theo hy vọng lớn lao của đời mình sang thế giới bên kia.

 

Đoạn kết: Một tuần sau, Phan chuyển chỗ trọ mà không thể nói rõ nguyên nhân với chủ nhà. Hữu hiểu được vì sao, cậu đinh ninh rằng Phan đã bị "khu vườn bí ẩn" ám ảnh. Phần Phan, phải nhiều năm sau đó, thật khó khăn để giải thoát khỏi tâm trí hình ảnh buổi chiều oan nghiệt kia. Thủy Trúc sau đám tang của bà đã chuyển về ở với mẹ và thằng em trai học lớp chín trong căn nhà nội ô. Khu vườn cũng không còn nữa sau đó một năm. Thay vào là ngôi trường mẫu giáo hai tầng khang trang. Vết tích còn lại là vài cây xoài, cành lá vẫn sum suê, tỏa bóng mát rượi cho những cư dân nhỏ của khu phố mới nô đùa.

 

Bến Tre, cuối năm 2002

Phong Hân
Số lần đọc: 1883
Ngày đăng: 19.01.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Qua cơn bịnh - Anh Động
Suối nắng - Anh Động
Trên những con đường - Kim Quyên
Chuyện nàng Mimô - Trần Kim Trắc
Công an xã - Hồ Tĩnh Tâm
Miền hư ảo - Minh Châu
Song Sinh - Minh Châu
Bến cũ - Anh Động
Khai đập - Anh Động
Ừ đi! Ừ! - Trần Kim Trắc
Cùng một tác giả
Vườn xoài ngoại ô (truyện ngắn)