Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
722
116.706.575
 
Vợ Hiền
Phan Ngọc Danh

 

Hôm ấy là một buổi chiều thứ bảy, nắng dịu và gió mát. Nhân dịp bà xã về nước thăm gia đình tôi nảy ra ý đi dạo bởi lâu nay quá bận rộn, không có thì giờ để ngắm cảnh dọc bờ sông Seine. Khi đi lững thững gần chân tháp Eiffel, vừa ngồi xuống nghỉ mệt trên một tảng đá tôi để ý thấy có vật gì lay động trong bụi rậm, phía sau hàng cây dương liễu. Hiếu kỳ, bước đến gần tôi mới hay đó là một ông già, nói đúng hơn là một tên ăn mày, má hóp, râu ria lởm chởm, đang nằm co ro trong tấm vải dơ bẩn, rách rưới. Nhìn khuôn mặt da vàng, mũi tẹt tôi đoán ngay ông ta là người Việt Nam.

 

"Ông có đói bụng không?"

 

Ông ta gật đầu rồi há hốc mồm, ngạc nhiên sao một người ngoại quốc, mắt xanh mũi lõ, cao lêu khêu như tôi lại có thể nói tiếng Việt rành rẽ đến như vậy. Tôi lấy cho một miếng phó mát rồi đứng nhìn ông ta ăn ngấu nghiến như thể đã đói cả mấy ngày.

 

"Merci beaucoup, parlez vous... tiếng Việt?"

 

"Vâng,” tôi mỉm cười hãnh diện. “Tôi nói và đọc được tiếng Việt vì vợ tôi là người Việt Nam."

 

Tôi lấy thêm cho ông ta cốc rượu vang rồi đến ngồi bên cạnh để trò chuyện bởi tôi rất thích sử dụng số vốn liếng ngoại ngữ của mình. Tôi khen, "Đàn ông Việt Nam như ông may mắn thật! Các ông may mắn hơn người Pháp chúng tôi rất nhiều bởi vì đàn bà Việt Nam hiền từ, thương chồng, lo lắng cho gia đình mà lại nấu ăn ngon..."

 

"Ông nghĩ như vậy à?"

 

"Chắc chắn là vậy rồi! Ông thử nghĩ xem, trên quả đất này người nào không mơ ước lấy được vợ Việt Nam?"

 

"Ông nghĩ như vậy bởi vì ông không biết sự thật mà thôi. Khách quan mà nói, đa số đàn bà xứ chúng tôi chỉ biết có tiền. Tiền là tiên là Phật đối với họ và, nếu cần, họ có thể vì tiền mà hy sinh mọi thứ, kể cả chồng con."

 

"Làm gì có chuyện đó!" Tôi lớn tiếng phản đối ngay.

 

"Ông không tin ư? Nếu ông có thì giờ, tôi xin kể cho ông một câu chuyện.” Ông ta ngừng giây lát khi thấy tôi tỏ vẻ hiếu kỳ, nhích người để ngồi gần hơn. “Câu chuyện này thật ra chẳng hay ho gì… bởi nói ra chỉ làm nhục nhã thêm cho người Việt Nam chúng tôi mà thôi.”

 

Thế rồi ông ta ngồi tựa lưng vào một thân cây, bắt đầu kể...

 

*

 

Sau khi trốn khỏi vùng kinh tế mới, ông Minh, chừng 40, da ngăm đen, trán cao với hai con mắt sáng quắc, lần mò đi về nhà trong một đêm khuya.

 

"Ông hỏi ai?" Cô Hoa, đứng chắn ngay cửa, ngước mắt hỏi.

 

"Có phải đây là nhà của bà Mai không?"

 

"Không. Bà Mai đã bán lại cho tôi mấy năm nay rồi."

 

Qua ánh sáng tù mù của chiếc đèn con trong tay, cô thấy toàn thân ông Minh run lẩy bẩy như bị ma nhập, chân tay ông rã rời muốn quỵ. Chiếc áo cánh hôi hám của ông đã rách hai bên vai và chiếc quần kaki bạc màu bám đầy đất cát. Ông tháo cái bao vải trên vai xuống đất rồi lấy tay lau mồ hôi đang lấm tấm trên mặt. Miệng ông lắp bắp, nói không nên lời,

 

"Bà Mai… dọn đi đâu... cô có biết không?"

 

"Không. Nhưng ông là ai? Liên hệ gì với bà ấy?"

 

"Tôi... tôi là... chồng bà ta."

 

Ngẫm nghĩ giây lát cô Hoa nói, "Chuyện đó là chuyện của vợ chồng ông. Tôi rất tiếc. Xin ông tránh ra cho tôi đóng cửa, gần hai giờ sáng rồi còn gì!"

 

Nói xong, cô đóng cánh cửa, cài then. Ông Minh đứng trơ, nhìn cửa nhà mình mà mình không mở được mới thấy chua xót làm sao!

 

Bởi vì trốn trại nên ông chỉ dám di chuyển vào ban đêm, mà trời lại sắp sáng nên ông định xin ẩn náu ngay trong vườn nhà mình. Ông bước đến ngồi xuống một góc dưới mái hiên, bên cạnh cái cột nhà. Sau chừng năm mười phút, ông đã nằm cong người, nhắm mắt ngủ thiếp trong cơn đói rã, lạnh cóng.

 

Ông Minh giật mình mở mắt khi cảm thấy có người vỗ vào vai. Mới đầu hoảng hốt bởi vẫn quen cảnh bị công an thức dậy lúc nửa đêm, ông lấy lại bình tĩnh sau khi thấy cô Hoa đang đứng nhìn.

 

"Ông có đói bụng không?"

 

Thấy ông gật đầu cô liền đưa cho củ khoai luộc đang cầm trong tay. Ông cám ơn rồi cầm khoai ăn ngấu nghiến.

 

"Ông có lạnh không?"

 

Không đợi ông ta trả lời, cô quay vào nhà lấy ra cái áo dạ. Ông mặc xong, cô phá ra cười như nắc nẻ. Thì ra cái áo quá ngắn và chật; hai cánh tay ông thò ra gần tới cùi chỏ và áo chỉ che được tới nửa lưng. Nhìn vào tay, vào bụng, ông sực nhớ đến mấy chiếc áo mà bọn nhà giàu hay mặc cho chó, cho mèo của họ. Nhưng khi nhìn lên, nụ cười của cô Hoa khiến ông ấm lòng, chẳng còn biết lạnh biết đói là gì nữa.

 

"Ông không có bà con ở gần đây à?"

 

"Không. Tôi đâu có ai... ngoài bà ấy."

 

"Có phải ông vừa trốn về từ vùng kinh tế mới?"

 

Ông gật đầu rồi lấy ngón tay lên che miệng, như thể muốn cô giữ kín đáo cho ông. Thấy tình cảnh khó khăn, cô động lòng trắc ẩn, "Thôi, ông vào trong này nghỉ tạm. Sáng mai hẵn tính!"

 

Lúc bấy giờ mặt trời bắt đầu ửng hồng. Sương mù bay là đà trên cánh đồng cỏ bên kia đường. Ánh nắng ban mai dần dần rọi sáng những mái nhà tranh, mấy bụi tre và hàng rào dâm bụt dọc theo con đường đất của thôn Mỹ Lý. Tiếng gà gáy sáng chen lẫn với tiếng chim muông rộn rã, nghe văng vẳng, vọng về từ khắp nơi.

 

Cô Hoa bước vào nhà, mở rộng cánh cửa sổ; ông Minh lẽo đẽo đi sau. Theo hướng chỉ của cô ông ngồi vào một chiếc võng treo giữa hai cái cột nhà.

 

"Ông nằm vào đó đi! Tôi phải đi nấu cám."

 

Khi cô Hoa đi khuất vào sau bếp, qua ánh sáng lờ mờ của buổi rạng đông, ông định thần quan sát lại căn nhà mà ông xa cách bao nhiêu năm trời. Vật dụng trong nhà chẳng còn gì nhiều, có lẽ vợ ông phải bán đi để có tiền mưu sinh. Nhà còn lại hai cái ghế đã gãy chân, cái tủ gỗ thông đã biến mất. Tường vôi loang lổ, xám xịt, có nơi tróc ra cả mảng lớn. Nằm co ro dưới chân tường là một con chó già, quá già để sủa khi ông đi vào sân hoặc bước tới gần. Nhìn nó, ông liên tưởng đến thân phận ông, cũng nằm như vậy chỉ mới năm mười phút trước đây…

 

Quan sát phòng khách nhà mình một hồi ông liền nghĩ đến cô Hoa. Cô thua ông chừng mươi tuổi, mặt tròn như cái bánh đúc, mũi tẹt, môi dày, vóc người thấp nhưng khỏe mạnh, có lẽ nhờ lao động tốt. Nghe tiếng kêu ụt ịch sau nhà vọng lên, ông đoán ngay cô sinh sống bằng nghề nuôi lợn. Ông đang suy nghĩ vẩn vơ thì cô bước vào, toàn thân toát ra một mùi cám lợn. Cô trao cho ông bát cơm độn sắn, dường như ăn thừa từ hôm trước. Ông cám ơn rồi vừa ăn vừa tìm cách hỏi chuyện gia đình cô.

 

Thế là từ ngày ấy, thấy cô Hoa đơn chiếc, ông xin ở luôn trong nhà để vừa tá túc vừa giúp cô nuôi lợn. Dần dần tình cảm nẩy nở giữa hai người rồi chẳng bao lâu sau họ kết nghĩa vợ chồng.

 

*

 

Sống với vợ mới khoảng chừng nửa năm ông Minh nhận được thư của người vợ cũ.

 

'Anh Minh,

Em xin anh tha thứ cho người vợ tội lỗi này. Vì hoàn cảnh khó khăn em buộc lòng phải ra đi, bỏ lại sau lưng người chồng quý mến. Nay em đã ăn nên làm ra, có chút ít tiền gởi về để anh tiêu dùng trong khi em làm giấy tờ bảo trợ cho anh. Nhận được thư này, xin anh nhắn cho bà N… để bà ấy đánh điện gấp qua cho em.

Mai.'

 

Đọc thư xong ông điên tiết lên, nghiến răng định xé. Ông chửi lầm bầm, ‘Cái đồ phản bội, vô ơn bạc nghĩa, lại còn dám thư với từ!...’ Nhưng nhìn anh đưa thư đang đứng dò xét, chờ đợi, ông dằn lòng lại.

 

“Số tiền…”

 

“Vâng, bà ấy có gởi 2 chỉ vàng… đây này!”

 

Ông cầm ngay lấy, mặt tươi tỉnh, chẳng còn giận hờn gì nữa. Sau khi anh đưa thư ra về, ông lại lấy thư ra đọc rồi cầm hai chỉ vàng trong tay, cố đoán có đúng là hai chỉ hay không, vàng thật hay giả?

 

Vào lại trong bếp ông tiếp tục khuấy nồi cám vừa ngẫm nghĩ, ‘Cái đồ bạc nghĩa! Khi mình tù tội, đói rách thì nó bán nhà bỏ trốn, chẳng chịu tiếp tế cho một thẻ đường hay lọ nước mắm. Bao nhiêu lần suýt chết đói trong trại, bao nhiêu đêm bị bệnh tưởng phải đi theo ông bà, thế mà nó nỡ nào bỏ đi! Không nhờ Hoa thương tình, bấy lâu nay mình biết chui rúc nơi đâu?’ Định ném bức thư vào bếp lửa nhưng nghĩ sao ông lại thôi, chỉ vò nát rồi cho vào túi.

 

Khi nhét bức thư vào túi ông lại thấy lộm cộm, thì ra hai chỉ vàng. Cầm lên xem, thấy sắc nước bóng lộn ông cảm thấy hể hả bởi từ bao nhiêu năm trời nay ông có biết vàng là cái gì đâu! Mân mê hai thỏi vàng lá trong mấy ngón tay, ông thấy đê mê, ngây ngất. Nỗi oán hận bà Mai mới vài phút trước đây dường như biến đi đâu mất. Ông nghĩ, ‘Nếu bà ấy không thương chồng thì… thì làm gì có hai chỉ vàng này? Tại mình vốn nóng tính nên trách móc mà thôi, chứ thật ra từ xưa đến giờ bà ấy vẫn lo cho mình còn hơn lo cho cha mẹ ruột. Nếu không, tại sao người ta lại lấy mình mà không lấy người khác? Đúng… tại sao lại lấy mình khi mình xưa nay chẳng có gì cả?’ Càng nghĩ ông càng thấy ông vô lý, hấp tấp, suýt chút nữa trách oan một người vợ hiền, chung thủy, đã đầu gối tay ấp với ông mười mấy năm trời nay.

 

Khi mấy con lợn kêu rống lên ông mới sực nhớ là đã nấu cám quá lâu. Ông bưng nồi khỏi bếp rồi ra sau vườn kéo một thân chuối đem vào. Ông cắt chuối để trộn bã vào nồi cám đang nóng, khuấy đều rồi đem ra trút vào mấy cái chậu đất trong chuồng lợn. Mặc cho mấy con lợn tranh dành nhau, kêu la ầm ĩ, ông thò tay vào túi quần để xoa nắn hai chỉ vàng bởi ông thích cái cảm giác mát lạnh của nó.

 

Vừa lúc ấy cô Hoa về tới đầu ngõ, hai tay khệ nệ xách hai hũ rượu ngô. Cô vào nhà, pha ngay ly nước chè xanh để uống rồi cầm cái nón lá quạt lên người. Cho lợn ăn xong, ông Minh cũng bước vào nhà. Thấy cô ông thò tay vào túi, lấy nắm giấy đã nhàu nát đưa cho cô.

 

"Cái gì thế này?"

 

"Mở ra đọc thì biết."

 

Cô mở cẩn thận rồi đọc vội vàng. Mặt cô đổi sắc, tái dần.

 

"Bây giờ anh tính sao?"

 

"Tùy em." Nói xong ông thò tay vào túi quần, lấy hai chỉ vàng đưa cho cô. Cô đẩy tay chồng qua một bên rồi nhìn tránh ra ngoài sân, nói dõng dạc,

 

"Không phải của tôi, tôi không cần."

 

Thế là không ai đề cập gì thêm về vấn đề này nữa. Suốt đêm hôm ấy, cả vợ lẫn chồng đều trằn trọc, không ngủ được. Mãi đến gần sáng, cô Hoa vừa khóc vừa nói lẫy,

 

"Anh về với bà ấy đi... người ta có tiền, còn em thì nghèo, lại... xấu xí!"

 

Ông Minh nằm suy nghĩ, không biết phải giải quyết ra sao. Khi tiếng ụt ịch của mấy con lợn đòi ăn vọng vào, ông đứng dậy ngay, muốn làm một cái gì đó để bớt nhức đầu. Một hồi sau, thấy vợ sắp xách giỏ đi chợ, ông đề nghị,

 

"Hay là... anh gởi trả hai chỉ vàng cho bà ấy rồi dặn bà ta đừng thư từ gì nữa?"

 

"Tùy anh!"

 

Chiều hôm ấy, sau khi đi chợ về, cô Hoa hỏi nhỏ vào tai chồng, "Hai cái chỉ vàng... anh… anh đã gởi trả lại cho người ta chưa?"

 

"Chưa, mà sao?"

 

"Em đang cần. Cho em mượn tạm được không?"

 

Ông không hỏi tại sao, cũng không nói gì thêm, chỉ lẳng lặng vào cái hòm rương lấy vàng đưa cho vợ.

 

Được hơn tuần, cô Hoa lại hỏi chồng, "Cái thư hôm trước... anh… anh đã trả lời cho bà ấy chưa?"

 

"Chưa, mà sao?"

 

"Em nghĩ anh không nên trả lời vội. Người ta đã... có lòng! Vả lại, chuyện đâu còn có đó, mình phải tính cho thật kỹ..."

 

Thế là từ hôm đó, cứ mỗi tháng một lần vợ chồng ông lại nhận được thư và tiền. Và cũng từ đó, qua trung gian của chồng, cô Hoa xem bà Mai như con bò sữa.

 

Từ ngày có tiền do bà Mai gởi về vợ chồng ông Minh đỡ vất vả. Ông không phải thức khuya dậy sớm để nấu cám; cô Hoa cũng không phải lén lút mua rượu lậu cho lợn uống. Dần dần thấy nuôi lợn đã mệt mà không có lời như trước nên vợ chồng ông bán hết lợn, dẹp luôn chuồng, không nuôi nữa.

 

Nhưng sẵn có tiền cô Hoa lại trở chứng, đánh số đề, chơi hụi… mặc cho chồng đã nhiều lần can ngăn. Có những lúc hết tiền mà bà Mai chưa gởi về kịp, vợ chồng ông lại gây gổ, đổ lỗi cho nhau.

 

"Anh viết thư như thế nào mà bấy lâu nay bà ấy bặt tin vậy?"

 

"Em nói sao? Thì anh vẫn viết như thường lệ, có gì khác đâu! Vả lại... mình mới nhận được tiền hai tuần trước mà!"

 

Qua tháng sau ông lại nhận được thư, một số tiền lớn và luôn cả cái vé tàu bay để cho ông xuất ngoại. Có thêm tiền cô Hoa mừng lắm, nhưng thấy cái vé tàu bay cô lại không cầm được nước mắt. 

 

"Anh định bỏ em thật sao?"

 

"Không,” ông ngừng giây lát để dò ý vợ. “Nếu em muốn, anh sẽ không đi đâu cả."

 

Cô liền nghĩ ngay, nếu ông không xuất ngoại bà Mai sẽ cắt đứt liên lạc, có nghĩa là không gởi tiền về nữa. Mà bây giờ chồng con lại không quan trọng bằng tiền, bởi cô đã vỡ mấy bát hụi, nợ nần ngập đầu, trong nhà ngoài chợ, đi đâu cũng bị nợ đòi.

 

"Hay là anh đi đi rồi gởi tiền về nuôi em?"

 

"Ừ… cũng được, nếu… nếu em muốn." Ông ngậm ngùi trả lời trong tiếng thở dài.

 

Gần đến ngày lên phi cơ ông nhận được một bức thư khẩn cấp.

 

'Anh Minh,

Em yêu cầu anh hoãn xuất ngoại. Anh hãy hủy bỏ cái vé tàu bay, sau này em mua cho cái khác. Hiện thời bên này có nhiều việc xáo trộn mà sự có mặt của anh không thuận lợi một tí nào.

Mai.'

 

Đọc thư xong ông không hiểu bà Mai muốn nói gì. Ông đưa thư ngay cho vợ, chờ đợi sự mừng rỡ của cô. Nhưng cô đã không mừng rỡ mà lại còn cau mặt, tỏ ý bực tức vì lo sợ cho một tương lai đen tối. Nếu chồng cô không xuất ngoại thì cô lấy đâu ra tiền để trả nợ, hoặc lấy gì để mưu sinh sau này? Nghĩ đến ngày phải làm lại chuồng, nấu lại cám để nuôi lợn sao cô hãi quá! Ngồi thừ một lúc để suy tính, cô quyết định,

 

"Không thể như vậy được! Bất cứ giá nào anh cũng phải đi. Có qua bên đó mới biết bà ấy bị xáo trộn chuyện gì. Vả lại bà ta đang cần anh, anh nỡ nào làm ngơ?"

 

Tối hôm ấy, hai vợ chồng thảo một bức thư rồi nhờ bà N... gởi đi gấp.

 

'Em Mai,

Bao lâu nay, nghe lời em dặn, anh chẳng làm gì khác ngoài việc bồi dưỡng sức khỏe giống như mấy con lợn của anh. Không những vậy, anh ngày đêm mong mỏi được nối lại duyên xưa, để cùng em bách niên giai lão. Bức thư vừa rồi, em viết quá vắn tắt mà lại không kèm theo tiền như thường lệ khiến anh suy nghĩ mãi, không hiểu em có ‘sự cố’ gì bên đó. Còn vài ngày nữa anh lên phi cơ, mong em gấp rút nói rõ ý định của em như thế nào để anh tính toán. 

Anh.'

 

Tuần sau đó, sau khi bước xuống phi trường, ông Minh được người bà con của bà Mai ra đón để đưa thẳng đến nhà hàng. Đám cưới của bà được tổ chức rầm rộ, có cả Tây lẫn ta. Đứng lẫn lộn trong đám đông ông sững sờ nhìn lên sân khấu, nơi bà Mai, diễm lệ trong chiếc áo cưới màu hồng nhạt, đang tươi cười bên cạnh một người ngoại quốc, mắt xanh mũi lõ, lêu khêu, cao hơn bà gấp rưỡi. Sau phần giới thiệu cô dâu chú rể, bà Mai nhìn quanh quất vào đám đông, mong thấy mặt chồng cũ. Nhưng bà tìm mãi vẫn không thấy, rồi đến khi tiệc cưới tan cũng không ai biết ông Minh đã bỏ đi đâu.

 

*

 

Kể đến đó, vì quá xúc động mặt ông ta đỏ gay với hai hàng nước mắt lăn dài trên má. Tôi hiểu ngay ông ta chính là ông Minh của câu chuyện và thông cảm cho hoàn cảnh bi đát, oái oăm của ông. Đợi một lúc để ông lấy lại bình tĩnh tôi hỏi, "Rồi sau đêm đám cưới hôm đó, ông đi đâu?"

 

"Tôi liên lạc cho Hoa biết sự việc và quyết định về lại Việt Nam. Nhưng thủ tục hồi hương quá lâu, gần ba tháng."

 

Nghe vậy, tôi mừng cho ông ta đã chọn một quyết định hợp lý để giải quyết cái hoàn cảnh trớ trêu. "Nhưng tại sao ông còn ở đây?"

 

"Gần đến ngày lên phi cơ để hồi hương tôi lại nhận được một bức thư khẩn cấp." Nói xong ông Minh tìm trong túi xách, đưa cho tôi đọc một bức thư đã cũ, nhàu nát.

 

'Anh Minh,

Nợ đòi quá gấp em buộc phải bán căn nhà. Em yêu cầu anh hoãn về đây bởi vì mình không còn nơi nào để ở. Hiện thời bên này có nhiều việc xáo trộn mà sự có mặt của anh không thuận lợi một tí nào.

Hoa.'

 

Cũng như bức thư trong lần xuất ngoại mấy tháng trước, bài học chua cay từ câu 'nhiều việc xáo trộn mà sự có mặt của anh không thuận lợi' đã khiến cho ông ta hiểu thấm thía là có nên leo lên phi cơ để về nước hay không.

 

Trả lại bức thư cho ông, tôi vội vàng đứng lên cáo từ. Tôi bước đi thật nhanh như thể chạy trốn, bởi ý tưởng muốn biết bà Mai trong câu chuyện là ai đang làm tôi khó chịu./.

 

Phan Ngọc Danh
Số lần đọc: 1554
Ngày đăng: 12.05.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Mong Manh Đường Về - Ngô Văn Cư
Quá khứ - Phan Bích Thủy
Nơi Bắt Đầu - Hồ Thị Ngọc Hoài
Chạm Vào Giấc Mơ - Văn Công Mỹ
Ngụm cháo lú - Nam Dao
Dạo Bước Vườn Thiền, các truyện số 9,10, và 332 - Đỗ Đình Đồng
Cầm Đồ - Phan Ngọc Danh
Thung Lam - Hồ Thị Ngọc Hoài
Câu Chuyện Ở Lạc Dương - Võ Anh Cương
Nhân vật không biết nói dối II - Hòa Văn
Cùng một tác giả
Cầm Đồ (truyện ngắn)
Vợ Hiền (truyện ngắn)
Mộng Và Thực (truyện ngắn)
Hy Sinh (truyện ngắn)
Bức Thư Tình (truyện ngắn)
Bên Hàng Dậu (truyện ngắn)
Vâng! (truyện ngắn)