Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
728
116.708.838
 
Cầm Đồ
Phan Ngọc Danh

 

Hôm ấy là một buổi chiều cuối tuần, khách vãng lai trong bệnh viện thị trấn thưa thớt hơn mọi ngày. Mặt trời sắp lặn bên kia đỉnh núi nên nắng dịu hẳn; bóng của căn nhà hồi sức trải dài lên trên bãi cỏ, liếm dần ra tới cuối sân.

 

Trên một chiếc giường trong căn phòng B1 ông Xây nằm bất động, mắt lờ đờ nhìn vẩn vơ ra ngoài hành lang. Tuổi ngoài 40, ông có dáng người tầm thước, nước da xanh xao, má hóp, mũi khoằm, mái tóc lưa thưa với hai cọng râu mép uốn cong trông như râu ông Táo. Đầu óc ông đang rối bù vì tiệm cầm đồ phải đóng cửa hơn một tuần nay. Ông đang lo, ‘Nếu cứ phải đóng mãi như thế này thì lấy tiền đâu để nộp thuế thổ trạch, trả hụi hè, điện nước và mấy thứ linh tinh khác?’ Đang nghĩ ngợi bâng quơ, chợt ông nhớ đến cô Thêm, ‘Tuy mình đã khóa chặt cái tủ sắt, nhưng cô này tinh mắt lắm. Nó mà biết được mình giấu chìa khóa chỗ nào thì… tan gia bại sản.’ Để tự trấn an rằng cô không thể nào biết được chỗ giấu chìa khóa, ông lấy tay bóp trán, cố nhớ lại từng giây phút, từng cử chỉ, vị trí của cô kể từ ngày cô bước vào cửa tiệm cầm đồ của ông, cách nay gần ba tháng.

 

*

 

“Chào cô Thêm! Gánh nước xong rồi hay sao mà đến đây chơi vậy?”

 

“Đâu đã xong! Trời nóng quá, mới mười giờ sáng mà nóng cứ như một hai giờ trưa, chịu không thấu! Anh cho em vào đây nghỉ mát một chút được không?”

 

“Trời ơi! Cô nói gì kỳ cục vậy. Khi nào rảnh cô cứ vào đây chơi, chỗ quen biết với nhau cả mà! Mời cô uống miếng nước.” Vừa nói ông vừa rót ly nước đưa cho cô. Trong khi cô đang uống ông quan sát cô từ đầu đến chân rồi nghĩ thầm, ‘Mặt mày cũng không đến nỗi tệ lắm, chỉ có cái thân bồ tượng… lấy chồng thì mắn đẻ phải biết!’

 

Cô Thêm mới ngoài 30, mặt tròn quay như cái bánh đúc, da ngăm đen với cặp môi dày và cái mũi đã hở lại còn tẹt. Người cô thấp nhưng đẫy đà với hai gò ngực tròn lẳn, hai bờ vai chắc nịch. Vì quen gánh nước nên hai tay cô đánh đong đưa theo mỗi bước đi và đôi chân lạch bạch như vịt sắp nằm ổ. Dân buôn xung quanh thị trấn này đều biết cô gánh nước mướn. Người nào cần nước chỉ nhắn một tiếng là cô tới ngay. Trung bình mỗi ngày cô gánh khoảng hơn mười thùng từ cái máy nước công cộng sát cổng chợ. Giá cả cô tính tùy theo xa gần; gặp nhằm bữa cơm, nếu chủ nhà mời ăn thì cô lấy công rẻ hơn hoặc gánh dôi thêm cho một hai thùng. Lâu nay ông Xây biết cô nhưng chưa bao giờ có dịp thuê cô gánh nước cả.

 

Uống xong nước cô Thêm trả lại ly rồi quan sát mấy thứ hàng bày biện trong tiệm. Cô thấy một chiếc xe đạp xẹp bánh dựng sát tường, vài cái nồi đồng thật lớn dùng để nấu cỗ được treo trên trần nhà. Phía sau quầy, sát chỗ ông Xây ngồi, là vài chiếc đồng hồ treo tường và những thứ vặt vãnh khác. Trong các thứ người ta đem đến cầm ông thích nhất là cầm vàng, bởi vì vàng dễ cất giữ, không choáng nhiều chỗ, mà lại có giá nếu phải bán và tiền lời lại cao.

 

“Anh Xây à, hồi này giá vàng lên hay xuống hả anh?”

 

Ông trợn tròn mắt, ngạc nhiên sao ‘con nhỏ gánh nước mướn’ này lại hỏi một câu láo lếu như vậy. ‘Nó cả đời kiếm không đủ ăn, chưa bao giờ thấy vàng là gì mà dám hỏi giá cả. Hay nó muốn giỡn mặt mình?’

 

“Vàng à? Giá chuộc thì lên, giá cầm thì xuống.”

 

Ông nói rắc rối quá, cô không hiểu nổi. Với dáng rụt rè cô bước đến gần quầy rồi nói vừa đủ nghe, “Anh Xây, em… cần một ít tiền.”

 

“Cô có gì cầm thế không?”

 

Cô Thêm không trả lời ngay, chỉ lần mò trong túi áo lấy ra một cái bọc vải. Cô cẩn thận tháo sợi dây cột và mấy lớp vải bọc rồi liếc quanh xem chừng có người nào theo dõi không. Sau cùng cô trịnh trọng cầm cái nhẫn vàng, hai tay run run đưa vào cho ông.

 

“Ồ… cô cũng có vàng à?”

 

“Dạ, mẹ em cho em trước khi bà mất để làm của hồi môn.”

 

Tay trái ông cầm chiếc nhẫn, tay phải nâng cái ống kính hiển vi bé tí lên kẹp vào mắt để quan sát.

 

“Khoảng hai chỉ, 24 ca ra.”

 

Theo thói quen nghề nghiệp, ông cầm trả chiếc nhẫn lại cho cô ngay để cô tin cậy là ông không có ý tráo trở. Còn cô, khi đưa nhẫn cho ông thì sợ bị giựt vì không có ai đứng cạnh làm chứng, nhưng khi ông trả lại thì cảm thấy không vui, sợ chiếc nhẫn là vàng giả, ông chẳng thèm cầm cho.

 

Trong khi cô đứng chờ đợi, với ngón tay lần mò trên cuốn lịch tam tông miếu treo sát cạnh, ông Xây vừa nhìn vừa lẩm nhẩm phần bói toán, điều kỵ húy, giờ trùng, sao hạn, vân vân. Xem lịch xong ông dùng ngón tay cái bấm đốt vào mấy ngón tay kia, miệng lẩm bẩm tính toán rồi thở dài, “Xui quá cô Thêm ơi! Giá vàng bây giờ xuống lắm, tôi sợ không cầm được cao đâu!”

 

“Dạ, thì đã biết vậy. Em chỉ nhờ anh giúp cho… được chừng nào hay chừng nấy.”

 

“Cô làm gì mà cần tiền gấp dữ vậy?” ông Xây dò hỏi để ước lượng tâm lý khách hàng.

 

“Chẳng nói giấu gì anh, em… vỡ một bát hụi vì… đánh số đề.”

 

“À… thì ra vậy. Nhưng lỡ có tiền rồi cô thua nữa thì sao? Lấy đâu ra tiền để chuộc chiếc nhẫn?”

 

“Không, anh đừng lo. Bây giờ em đã biết cách đánh. Vả lại, người ta còn nợ em hơn hai mươi thùng nước chưa trả. Cuối tháng này em sẽ có tiền chuộc, anh tin em đi!”

 

Cô Thêm đứng tần ngần, tay cầm cái nón, quạt phành phạch lên khuôn mặt đang đỏ ửng. Cô hồi hộp theo dõi từng cử chỉ, nét mặt của ông Xây, hy vọng ông cho giá cao.

 

“Đâu? Cô đưa cho tôi coi lại xem sao?”

 

Ông đưa chiếc nhẫn lên sát mắt, quan sát một hồi thật lâu rồi đặt lên bàn cân để đo. Sau đó, ngước đầu nhìn chăm chú vào mặt khách hàng, ông quả quyết, “Cái nhẫn này… khá lắm thì chỉ được một triệu hai.”

 

“Một triệu hai?” cô Thêm há hốc mồm ngạc nhiên. Ngừng giây lát để lấy lại bình tĩnh cô năn nỉ, “Người ta nói với em là thế nào cũng hai triệu bảy, anh thử tính lại xem…”

 

Ông Xây ngồi yên lắc đầu, mặt lạnh như tiền, không nói gì thêm mặc cho cô van lơn,

 

“Anh Xây à, cái nhẫn này vàng thật đó. Anh nhìn xem, nước nó bóng lộn như thế kia! Mẹ em dặn mãi, khi nào đi lấy chồng mới đem ra dùng chứ nhất định không được đem… đi cầm.”

 

Nói đến đó mắt cô đỏ lên như muốn khóc, không hiểu cô khóc vì làm trái ý mẹ hay vì ông Xây cho giá quá hời. Trước khi vào tiệm cô đã nghĩ thế nào cũng cầm được ít nhất là hai triệu rưởi hoặc tệ lắm là hai triệu ba, nào ngờ chỉ được một triệu hai, không tới một nửa.

 

“Anh… anh làm ơn làm phước giúp em. Bất cứ giá nào cuối tháng này em cũng phải chuộc lại. Anh đừng lo… em…”

 

Thấy tình cảnh cô Thêm khó khăn, vả lại cầm vàng chứ cầm gì mà phải sợ nên ông Xây nhượng bộ chút đỉnh,

 

“Thôi, nể tình cô, tôi cầm cho triệu rưởi. Tôi vốn ăn ngay nói thiệt, bà con mình với nhau cả, giúp được cái gì thì mình giúp chứ nhiều lời để làm chi! Đó, cô tính kỹ đi, một triệu rưởi. Được thì làm giấy tờ, còn không thì thôi. Chỗ tôi với cô… quen biết nên tôi không nói thách, không tin cô cứ hỏi thử bọn bạn hàng xung quanh đây mà xem...” Vừa nói ông vừa đưa trả chiếc nhẫn cho cô.

 

“Anh cho em triệu bảy… thêm chỉ một chút thôi! Tin em đi… cuối tháng em chuộc lại ngay.”

 

Suy nghĩ một lúc ông Xây rút tờ giấy giao kèo dưới gầm bàn lên để viết. Viết xong ông bảo cô ký vào rồi đếm tiền giao cho cô.

 

*

 

Hai tuần sau đó cô Thêm lại bước vào tiệm cầm đồ của ông Xây một lần nữa. Lần này tóc tai cô bơ phờ, mặt tái như miếng thịt luộc ba chỉ, cái áo cánh rách một bên nách, để lộ một mảng da trên vai. Cô cẩn thận đặt cái đòn gánh lên trên hai cái thùng không sát ngoài cửa rồi đẩy nhẹ, bước vào. Vì đã quen với lần trước, cô bạo dạng bước đến sát quầy.

 

“Chào cô Thêm, cô đến chuộc chiếc nhẫn à?”

 

“Dạ… không! Em kẹt tiền quá anh Xây ơi!”

 

“Vậy à? Lạ… quá nhỉ!” Ngẫm nghĩ một lúc ông tiếp, “Nếu cô kiếm được một người nào trong thị trấn này mà không kẹt tiền tôi trả cho cô một triệu.” Nói xong, ông Xây nhe răng cười, cảm thấy hãnh diện cho câu nói châm biếm của mình.

 

“Em khổ quá… chỉ muốn chết mà không cách nào chết cho được. Người ta đã dặn là đánh hai đầu cho chắc, lỡ hụt đầu này còn có đầu kia. Đã vậy, cái con số 10… mua nó làm gì không biết nữa?”

 

Trong khi cô đang than thân trách phận thì ông Xây lại mỉm cười, sung sướng. Không sung sướng sao được khi mà khách hàng túng bấn, làm ăn thua lỗ, không có tiền chuộc thì thời gian cầm đồ lại kéo dài để tiền lời tăng vọt lên. Ông ấn định mức lời tùy theo hoàn cảnh mỗi người; lời cao quá người ta không chuộc nổi thì ông mất công đem đi bán, mà lời thấp quá thì lấy gì để ông được rủng rỉnh như ngày hôm nay. Chính vì vậy, để làm giàu trong nghề này, ông phải cẩn thận, xét đoán người và vật một cách tinh tế, lẹ làng chứ không ỷ y được.

 

“Anh Xây, anh có thể cho em vay… ba triệu được không?”

 

“Ba triệu? Cô nói đùa hay nói thật hả?” ông Xây lớn giọng.

 

“Dạ, em nói thật mà!”

 

Nghe vậy ông Xây liền xoay người, ngồi nhổm dậy rồi nghiêm nét mặt, “Cô có gì để cầm không?”

 

“Dạ, em tính… nếu gánh nước chừng sáu tháng thì có đủ tiền trả cho anh.”

 

“Thôi, chỗ làm ăn lương thiện với nhau, vả lại tôi mới mở hàng, cô đừng có đùa dai nữa. Lỡ cô bỏ trốn đi xứ khác thì lấy gì tôi đòi? Người ta vào đây cầm đồ phải có một cái gì đưa cho tôi để thế chân, chứ còn cô, đưa tiền cho cô thì tôi cầm lấy cái gì?”

 

Cô Thêm suy nghĩ mông lung, không biết trả lời như thế nào. Chợt cô nghĩ ra một cách,

 

“Hay anh cầm… em?”

 

Ông Xây trố mắt, há hốc mồm, “Cái thân cô tôi ôm còn không xuể nói gì đến cầm… Cô tính tôi cầm cô là cầm  làm sao?”

 

“Thì anh cho em mỗi tối về đây để anh… cầm… còn ban ngày em đi gánh nước cho người ta. Khi nào kiếm đủ tiền em lại chuộc lấy thân em.”

 

Ông Xây không ngờ cô Thêm đề nghị một giải pháp táo tợn; nếu người ngoài biết được ông phải giải thích làm sao? Vì chưa bao giờ cầm thế một mạng người để sinh lời nên ông ái ngại, đắn đo hơn thiệt. Ông tự hỏi, cô Thêm này, vai u thịt bắp với hai bộ ngực như hai quả bưởi, đáng giá thị trường bao nhiêu? Nếu sau này cô không có đủ tiền để chuộc lấy cái thân của cô thì ông phải xử trí ra sao? Nuôi cơm suốt đời? Đem ra chợ bán? Nếu bán theo cân ký chắc chắn là có lời nhưng… thôi rồi, ông bán… nô lệ. Mới nghĩ vậy ông đã hãi quá, nói ngay như ma đuổi,

 

“Không được, nhất định là không được. Tôi mà cầm lấy thân cô thì có nước ở tù; sau này, nếu phải đem cô ra chợ để bán công an còng tay tôi ngay. Mà cầm lấy thân cô biết bao giờ cô trả nổi tiền cho tôi? Vả lại, khi thân cô đói hoặc đau ốm tôi phải nuôi cơm, thuốc thang… nếu không, đến khi cô đến chuộc lại tôi lấy đâu ra cái thân cô lành lặn để mà trả, mà hủy giao kèo?”

 

Nghe ông Xây giải thích cô Thêm không hiểu gì cả; cô chỉ nghĩ đơn giản là cầm lấy tiền, một nửa để đóng hụi chết, một nửa đánh số đề rồi khi nào kiếm đủ tiền thì chuộc lại cái thân. Đơn giản như vậy mà tại sao ông này cứ nói lòng vòng?

 

“Anh cho em cầm thế tạm thân em. Em hứa là em không bỏ trốn đi đâu cả. Anh biết mà, nhà em ở ngay trong chợ, quê em là thị trấn này, anh tính em bỏ trốn đi đâu?” Nói xong cô đảo mắt tìm một góc nào thuận lợi ở trong tiệm để có thể nằm ngủ được. “Mỗi tối anh chỉ việc cho em trải chiếc chiếu, ngủ vào cái góc này… rồi sáng dậy em sẽ dọn dẹp đàng hoàng mọi thứ trước khi đi ra chợ. Em hứa…”

 

Nhà ông Xây chỉ có hai phòng sát mặt đường cái; phòng dưới dùng làm tiệm cầm đồ, phòng trên gác để cho ông nghỉ ngơi. Theo thói quen nghề nghiệp, tính toán điều hơn lẽ thiệt, ông thấy chỉ bỏ ra ba triệu mà có người canh gác không công cho mình thì còn muốn gì hơn nữa? Thêm vào đó, sau một thời gian, ba triệu thành ba triệu mốt, ba triệu hai rồi cứ vậy, nhiều lên mãi. Ban đêm ông lại được ngủ yên giấc, không phải lắng nghe có người nào cạy cửa, trộm cắp ở dưới nhà. Ông nghĩ thầm, ‘Cái mối này đúng là của bở, một vốn mười lời chứ chẳng sai!’

 

“Thôi, nghe cô nói như vậy tôi thấy cũng tạm ổn. Nhưng mà tuyệt đối cô phải kín miệng, không được nói cho ai hay chuyện này.” Nói xong ông thò tay vào dưới gầm bàn rút ra  tờ giấy giao kèo. Viết được vài chữ ông chợt khựng lại, nhìn chăm chăm vào cô, “Tôi phải viết, cầm thế cái gì đây?”

 

Cô Thêm cũng hoảng vía, sợ rắc rối giấy tờ nên nói đại, “Thì anh cứ viết cầm cái thân của Nguyễn thị Thêm cũng được. Chỉ có anh với em đọc thôi mà!”

 

Suy nghĩ giây lát ông viết, ‘thân của cô Nguyễn thị Thêm, khoảng chừng 60 ký thịt’ vào mục vật dụng thế chấp. Trong phần lãi xuất ông ghi một trăm nghìn mỗi tháng và hạn định một năm sau phải trả cả vốn lẫn lời. Khi mọi thứ đã điền xong ông đếm tiền rồi đưa tờ giấy cho cô ký vào.

 

Từ đó, mỗi tối trước khi ông đóng cửa tiệm cô Thêm lại gánh hai cái thùng không đi vào. Đợi cho ông khóa xong cửa ngõ và leo lên gác cô liền trải tấm chiếu ra một góc rồi nằm ca cải lương, ru giấc ngủ.

 

*

 

“Bác Xây, xin bác cho cháu lấy máu để thử,” cô y tá nói lớn sau khi bước vào phòng B1.

 

Đang nghĩ ngợi miên man về chuyện cô Thêm mò lên gác để tìm chìa khóa tủ sắt, ông Xây giật mình khi nghe gọi tên. “Cô định lấy bao nhiêu? Lấy đủ dùng thôi nghe không! Đừng lấy dư quá, phí đi mất.”

 

“Vâng ạ!” Cô trợn tròn mắt trả lời, bước đến vén tay áo của ông rồi hút ra đầy một ống tiêm. “Xong rồi. Bác có mệt lắm không?”

 

“Không. Cám ơn cô. À, mấy giờ thì có cái để ăn?”

 

“Dạ, hồi nãy nhà bàn đem đồ ăn vào nhưng thấy bác mê man nên họ đem về.”

 

“Như vậy đâu có được. Mê man là chuyện khác, phần ăn của tôi vẫn phải để cho tôi chứ?”

 

“Dạ, bây giờ thì trễ quá rồi. Hay là thế này… trưa mai cháu bảo họ đem vào cho bác… hai phần ăn, bù cho tối hôm nay.” Vừa nói cô vừa ghi vội mấy chữ vào cuốn sổ bệnh trạng treo trên đầu giường rồi bước ra cửa.

 

Trời tối dần, một vài hàng quán bên ngoài bệnh viện đã lên đèn. Tiếng ca Út Trà Ôn trong bài ‘Tình anh bán chiếu’ vọng ra từ đâu đó trong khu nhà ăn. Thỉnh thoảng người ta lại thấy một vài chiếc xe máy, xích lô chạy vội vào cổng. Trong trạm, anh gác dan uể oải ngồi nhìn bâng quơ; một tay anh cầm lá cờ hiệu màu đỏ còn tay kia cầm điếu thuốc đang hút dở. Khung cảnh bệnh viện chiều thứ bảy vắng lặng, đìu hiu.

 

Hơn hai tuần nay, bệnh tình ông Xây mới đầu tưởng chỉ cảm sốt nhẹ vì thời tiết thay đổi, không ngờ lại nặng hơn khiến ông phải đóng cửa tiệm. Hàng xóm sang thăm, thấy ông nằm co quắp, run cầm cập trên gác xép nên khuyên đi khám. Nhưng ông khất lần, viện lẽ, ‘đi bác sĩ, nhà thương chỉ tốn kém chứ được ích gì! Xưa nay, người ta vẫn khuyên ăn cháo trắng, vừa đỡ tốn tiền vừa trị được bá bệnh.’

 

Thế là ông nhờ cô Thêm nấu cho ông một nồi cháo trắng thật lớn để ăn dần. Ăn được vài hôm ông nuốt cháo không nổi, môi ông lạt, cổ đắng chát và đầu nhức như búa bổ. Nằm một mình trên căn gác xép, ông cảm thấy một nỗi cô đơn mà cớ sao những lúc khỏe mạnh ông lại không nghĩ đến. Bây giờ, gặp lúc phải nằm trong bệnh viện như thế này, ông mới thật sự thấy cần một người đàn bà trong cuộc đời của mình, dẫu đó là một người mẹ, chị hay em hay tốt hơn cả là một người vợ.

 

Lấy vợ tốn hết bao nhiêu? Ông tự hỏi rồi tính nhẩm, ‘Bao nhiêu thì không biết, nhưng chắc chắn là phải tốn. Mà tốn kém thì không ai muốn cả.’ Chính vì sự tốn kém này mà bấy lâu nay ông khất lần, mặc cho mẹ ông năn nỉ là bà muốn có một đứa con dâu và vài đứa cháu. Ông thoái thác mãi, khi thì viện cớ chưa gặp được người hợp ý, khi thì buôn bán bận rộn, không được giao tiếp nhiều. Cho đến ngày mẹ ông mất mấy năm về trước ông thấy mình cũng đã lớn tuổi; sợ cảnh 'cha già con mọn' nên ông thôi, không nghĩ đến chuyện vợ con nữa. Tuy vậy, cũng có những lúc ông xót xa cho thân phận hẩm hiu của mình: Phải chi mẹ đừng mất để ông vừa có một người đàn bà trong nhà mà lại không phải tốn một đồng xu nào cả.

 

Đang suy nghĩ bâng quơ về cuộc đời, về cảnh tuổi già đơn chiếc sau này, ông nghe một vài tiếng sấm nổ đì đùng như súng đại bác vọng về từ hướng tây nguyên. Một lúc sau gió ngoài sân bắt đầu thổi mạnh hơn, tạt vào phòng khiến ông cảm thấy ớn lạnh. Mưa phùn cũng bắt đầu rơi lộp độp lên trên mái tôn, văng vào hiên và tiếng người chạy rầm rập dọc theo hành lang khiến ông nao lòng, chán nản. Ông thấy đầu nóng phừng như lửa đốt, mồ hôi vã ra như tắm, tay chân lại lạnh cóng, không cử động được. Ông bắt đầu nói lảm nhảm những câu vô nghĩa, nhìn ở đâu cũng thấy đom đóm quay lòng vòng. Cơn sốt đến thật bất ngờ, hành hạ ông quá tàn nhẫn khiến ông sợ hãi, cảm thấy bất lực, tin chắc rằng mình sắp chết. Như thể có chết trôi mới thấy cần mảnh ván, ông biết ông không có can đảm để tiếp tục cuộc sống đơn chiếc như thế này được nữa.

 

Khuya hôm ấy, khi mưa gió đã ngưng và cơn sốt đã hạ, ông quyết định sẽ ngỏ lời lấy cô Thêm. Nhưng rồi theo bản năng nghề nghiệp, ông lại bắt đầu tính toán, ‘Với món nợ ba triệu, cộng thêm tiền lời mỗi tháng, nếu không lấy mình biết bao giờ cô ấy trả nổi?’ Ông tin nếu ngỏ lời cô ấy sẽ đồng ý ngay, bởi ‘chỉ một bước mà cô trở thành bà chủ tiệm cầm đồ, khỏi phải còng lưng gánh nước, vất vả suốt đời.’ Còn về phần ông? ‘Mình lấy vợ mà không hao hụt một cắc nào cả.’

 

Trong khi chờ đợi trời sáng ông khám phá một điều, ‘Mình vớ phải người vợ cờ bạc, hụi hè mà không biết! Nếu cô ấy đánh số đề, nợ nần ngập đầu thì sao?’ Không phải lo, ông đã có cách. ‘Nếu không có một đồng xu dính túi cô ấy lấy đâu ra mà cờ với bạc?’ Lấy nhau xong ông định sẽ giao tiền chợ cho cô mỗi ngày, cho thêm tí đỉnh để ăn quà vặt vãnh, còn ngoài ra chuyện tiền bạc ông sẽ tuyệt đối không cho cô ấy đụng vào. Nếu cần, ông sẽ thường xuyên nhắc nhở cho cô biết rằng, tuy đã là vợ chồng nhưng ông vẫn còn giữ cái tờ giấy giao kèo là cô nợ ba triệu, cộng thêm tiền lời mỗi tháng.

 

Khi trời vừa hừng sáng, ánh bình minh phủ ngập lấy căn phòng B1, ông hớn hở ngồi dậy để làm thủ tục xuất viện. Chừng hơn một giờ sau đó chiếc xích lô đạp chở ông về tới cửa tiệm. Cô Thêm bước ra đón, “Khỏe rồi hả anh Xây? Anh làm em chờ đợi mãi mấy hôm nay.”

 

Nghe cô nói ‘chờ đợi mãi’ ông cảm thấy thương cô nhiều hơn, không ngờ cô cũng có ‘tình ý’ với ông mà sao bấy lâu nay ông không biết. Ông muốn ôm choàng lấy cô để báo cho một tin vui, rất quan trọng, có ảnh hưởng đến tương lai của cả ‘hai đứa.’ Sau khi dìu ông vào tới trong tiệm cô Thêm nói ngay,

 

“Anh Xây à, mấy bữa nay em đợi anh về tại em đã có đủ tiền để chuộc lại… thân em.” Nói xong, cô đưa cho ông một gói bạc bọc trong tờ giấy dầu màu vàng đục. “Anh đếm đi, ba triệu cộng với tiền lời hai tháng rưỡi, vị chi là...”

 

Ông Xây không còn nghe được gì nữa, hai tay run lẩy bẩy cầm lấy gói bạc, miệng lắp bắp không nói nên lời. Vói tay vịn vào vai cô Thêm, ông bước khập khiễng, lết bết đến ngồi vào một chiếc ghế sát tường. Mặt ông tái hẳn lại, mồ hôi vã ra trên trán và ông cảm thấy chóng mặt, choáng váng như người say rượu. Sau khi cô Thêm chào và gánh hai cái thùng không bước ra cửa ông vẫn ngồi thẫn thờ, nhìn theo bóng cô khuất dần bên kia đường rồi nhìn lại gói bạc trong tay mà cảm thấy mình bất hạnh.

 

Đêm hôm ấy người ta lại thấy ông nằm buông xuôi trên một chiếc xích lô và anh tài cong lưng, đạp thật nhanh về hướng bệnh viện./.

 

Phan Ngọc Danh
Số lần đọc: 1554
Ngày đăng: 03.05.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Câu Chuyện Ở Lạc Dương - Võ Anh Cương
Nhân vật không biết nói dối II - Hòa Văn
Không là truyện cổ tích - Hòa Văn
Bước Ngoặt - Văn Công Mỹ
Bọt Biển - Diệp Hồng Phương
Lời Thú Nhận Cuối Cùng - Đặng Hồng Quang
Bọn Bốn Đứa - Võ Xuân Phương
Nhân vật không biết nói dối - Hòa Văn
Quán Bên Sông - Mang Viên Long
Tình Quê Xa Khuất - Lê Văn Thiện
Cùng một tác giả
Cầm Đồ (truyện ngắn)
Vợ Hiền (truyện ngắn)
Mộng Và Thực (truyện ngắn)
Hy Sinh (truyện ngắn)
Bức Thư Tình (truyện ngắn)
Bên Hàng Dậu (truyện ngắn)
Vâng! (truyện ngắn)