Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.405 tác phẩm
2.747 tác giả
513
116.800.670
 
Nẻo về của tình bạn
Phương Nam

Minh Tâm và Minh Trí là đôi bạn học tập đã gắn kết nhau từ thời những năm còn học chung ở lớp bảy, lớp tám.

Trong danh sách lớp, nếu chỉ xem qua họ tên và ngày tháng năm sinh, nhiều giáo viên đã nhầm tưởng rằng Tâm, Trí là anh em ruột và sinh đôi trong một gia đình khá giả nào đó. Nhưng nếu đọc kỹ hơn thì sẽ nhận ra sự khác biệt, Minh Tâm sinh ra ở thành phố này, còn nơi sinh của Minh Trí là một xã xa thuộc vùng nông thôn sâu phía Tây thành phố.

Nghĩ cũng lạ, có lẽ sự tương đồng về tên họ đã gắn kết đôi bạn Tâm-Trí  thành tương hợp. Tâm nhớ lại những ngày đầu vào học của Trí, cô giáo chủ nhiệm đã xếp Minh Tâm, Minh Trí ngồi gần nhau chung một bàn học. Tội nghiệp cho cái vẻ nhà quê, bở ngỡ của Trí, Tâm đánh tiếng làm quen trước:

- Bạn là bạn Trí phải không? Tôi là Tâm học ở đây từ lớp sáu tới giờ, trước đây bạn học ở đâu?

- Ừ! Mình là Trí, trước đây mình học ở dưới quê ở chung với cha mẹ. Ông nội mình về hưu có nhà ở thành phố này. Năm nay ông nội bắt mình phải về trên này học, ông sợ ở quê mình đi chơi học dở.

Minh Tâm, Minh Trí được cô giáo xếp chung một tổ trong sinh hoạt lớp, là đôi bạn trong học tập. Những lần thi, kiểm tra lại được xếp gần nhau theo số báo danh vì cùng vần T và cứ như thế họ thành đôi bạn học thân nhau.

Về học lực Tâm, Trí là học sinh khá, giỏi nhưng Tâm có ưu thế hơn Trí ở các môn Anh văn và Toán, Trí lại giỏi hơn Tâm ở các môn Lý, Hóa Sinh, Sử, Địa. Điều đó cũng dễ hiểu, ở thành phố Tâm học thêm rất nhiều, nhất là các môn Ngoại ngữ, Toán và cả Tin học nữa. Trí thì chú ý về  việc tự học và lấy thực tế để khắc sâu kiến thức từ sách vở.

Những khi học tập theo đôi bạn, Tâm và Trí thường đưa ra nhiều thắc mắc, hỏi nhau để giải đáp hoặc cùng phân tích tìm ra lời giải chung. Lâu dần, việc học tổ đã làm cho học lực của Tâm và Trí tương đồng nhau thực sự. Hạnh kiểm và học lực của cả hai luôn ở hàng “top ten” của lớp.

Là một học sinh dưới quê lên tỉnh sống cạnh ông bà nội đã già, Trí phải tự lực rất nhiều thành thói quen tự lập. Đến năm lớp chín sắp đến kỳ thi, ông nội của Trí bất ngờ bị bệnh nặng và qua đời. Trí bị xốc và kết quả thi tốt nghiệp bị tụt xuống thấp kéo theo việc Trí phải vào học lớp mười trường bán công, trong khi Tâm được xét tuyển vào trường công lập lớn nhất tỉnh.

Thế là đôi bạn học tập phải tách ra. Trong khoảng thời gian đầu, Tâm và Trí vẫn còn đến nhà của nhau để trao đổi học tập theo thói quen nhưng Tâm lại dần bộc lộ tính tự mãn và xem thường Trí vì Trí là học sinh trường bán công. Việc học chung thưa dần. Một hôm, Tâm lấy cớ đề nghị:

- Trí ơi! Hay là mình thôi học chung đi, hai trường khác nhau khó học quá, với lại bây giờ mình bận đi học thêm cũng nhiều rồi. Vậy nhá!

- Tùy thôi, nếu Tâm thấy khó khăn quá thì thôi cũng được.

Trí rất am hiểu Tâm trong đề nghị này nhưng với tính thật thà, cũng chẳng tự ti, mặc cảm gì nên Trí dễ dàng cho qua không bận tâm gì nữa, tập trung cho việc học tập.

Môi trường mới, với nhiều bạn bè, Tâm đang kết giao với những bạn mới và quên dần Trí, người bạn cũ từng gắn kết với mình. Mặt khác, trong lúc này trường và lớp của Tâm đang có sự sắp xếp lại. Có lẽ nhà trường có những thay đổi gì đó, Tâm chưa rõ nhưng Tâm lấy làm khó chịu, Tâm muốn phản đối.

Sau nhiều lần đắn đo, Tâm nói ý định phản đối với cha mình và đưa cho ông một tờ đơn đã đánh máy sẵn. Cha Tâm nhẫm đọc, trong đơn có đoạn viết:

… Chúng tôi là phụ huynh học sinh lớp 10A5 của quí trường, chúng tôi xin được trình bày và kiến nghị đến quí lãnh đạo trường một việc.

Chúng tôi được biết con của chúng tôi đang học lớp 10A5 là những học sinh được xét tuyển vào trường với điểm tuyển cao, việc học của con chúng tôi sẽ có nhiều thuận lợi.

Nhưng không biết vì sao, vừa qua quí trường lại sát nhập lớp 10A6 vào lớp 10A5 rồi tách ra làm hai lớp mà lớp 10A6 lại là lớp gồm những học sinh xét vớt, học lực kém cỏi hơn con chúng tôi, như vậy thì thiệt thòi cho con chúng tôi quá. Những học sinh thông minh, học khá giỏi lại học chung với học sinh kém, tuyển vớt thì làm sao con chúng tôi phát huy được.

Rất mong quí lãnh đạo nhà trường xem xét xếp lại lớp như cũ, chúng tôi rất cám ơn.

Đọc xong đơn, cha Tâm quay ra phản ứng gay gắt:

- Đơn này ở đâu có?

- Dạ! Tụi con trong lớp bàn với nhau soạn thảo ra đánh máy vi tính rồi copy mỗi đứa một bản y như nhau, mỗi bạn về nhà đưa cho cha mẹ ký tên để tập hợp lại gửi cho thầy Hiệu trưởng.

- Cha không ký đâu, nhưng cha giữ cái đơn này lại đây. Con nên nhớ trong trường phải có tôn ti trật tự, không phải con muốn gì, làm gì cũng được.

- Nhưng mà!...

- Không nhưng gì hết. Nên thôi đi con, phải lo học hành là chính. Đây không phải là việc của con.

Tưởng đâu chuyện như vậy đã qua nhưng bất ngờ cha Tâm quay lại:

- Lại còn vấn đề này nữa, lời lẽ trong đơn tại sao lại coi thường bạn học của mình đến thế. Con học được khá giỏi, là cành vàng lá ngọc còn những đứa bạn kém hơn thì đáng khinh à? Thì ra bấy lâu nay cha không thấy con với thằng Trí học chung với nhau là cũng vì con coi khinh nó chứ gì?

- Tại vì tụi con bây giờ học khác trường rồi cha ơi!

- Con ngồi xuống đây đi. Cha muốn nói với con một việc, thời gian qua cha để ý thấy con đã có những suy nghĩ và cách làm chưa đúng. Không nên quá đề cao mình và coi thường người khác như vậy, nhất là đối với bạn bè thân thiết. Hồi đó, cha còn nhỏ như con bây giờ...

Qua lời kể của cha, Tâm mơ màng nhận ra rằng vào những năm cuối của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, chiến cuộc trở nên ác liệt. Chính quyền Sài Gòn tăng cường bắt lính đôn quân. Những học sinh thời đó cùng trang lứa với cha Tâm nhiều người phải rời bỏ trường học tham gia kháng chiến, một số bị bắt lính. Cha Tâm và nhiều bạn bè đổi giấy tờ hộ tịch, bỏ trường công sang trường tư thục để tiếp tục việc học. Sau giải phóng, nhiều người học hành dang dở phải bắt đầu lại. Cha Tâm sau đó được nhà nước gửi đi đào tạo ở nước ngoài.

Bây giờ gặp lại, rất nhiều người cùng cảnh ngộ với cha Tâm thời đó nay đã thành đạt, nhiều người đã có học vị Thạc sĩ, Tiến sĩ vốn xuất thân từ trường tư thục, từ trong kháng chiến.

Cha Tâm kết thúc câu chuyện kể bằng một bài học:

- Do vậy, không việc gì phải coi khinh những bạn học của mình vì hoàn cảnh, vì khó khăn mà học hành dang dở hoặc sa sút trong một giai đoạn nào đó.

Ngừng một chút, ông lại nói tiếp:

- Cuộc sống sẽ chỉ cho con biết nhiều điều, nhưng đừng có tự cao, tự đắc. Hãy chú ý xây dựng tình bạn tốt con sẽ có những người bạn tốt. Thôi! Con đi học bài của con đi.

Thời gian trôi nhanh, ba năm học miệt mài ở bậc trung học rồi cũng qua đi, rồi thi tốt nghiệp, thi tuyển sinh Đại học... Mọi việc bây giờ đều ở phía sau. Tâm đang hướng về phía trước.

Ngày đầu tiên đến ký túc xá với bao bỡ ngỡ cũng là ngày Tâm gặp bất ngờ, Trí ở cùng phòng, học cùng lớp với Tâm.

Đêm đầu tiên xa nhà, cảm thấy khó ngủ, Tâm quay qua bắt chuyện với Trí.

- Này Trí! Bạn có nhớ nhà hay không? Mình mới đi khỏi nhà có một ngày mà đã thấy nhớ.

- Mình đi xa quen rồi, cũng có nhớ nhà nhưng mà ít thôi.

- Này Trí! Ngày trước cũng có lúc mình chơi không tốt với bạn, bạn có giận không? Nếu có mình xin lỗi.

- Cũng có hơi buồn nhưng không giận, tính mình vẫn thế. Thôi! Bỏ qua đi, bắt đầu từ ngày mai chúng mình đã trở thành sinh viên thực thụ rồi nhá!

Và một lần nữa, tình bạn của Minh Tâm, Minh Trí lại được gắn kết với nhau. Không biết rồi sẽ ra sao ngày sau? Mong rằng tình bạn của họ sẽ tốt đẹp.

Phương Nam
Số lần đọc: 2078
Ngày đăng: 04.03.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đứa con - Anh Đức
Cầu Thang - Nguyễn Thị Thu Huệ
Đá trắng - Nguyễn Thanh
Nhắp vịt - Phương Nam
Rút lại lời phê - Phương Nam
Con chim xanh định mệnh - Hồ Tĩnh Tâm
Tiếng bước chân - Anh Động
Chung kết - Anh Động
Cát đợi - Nguyễn Thị Thu Huệ
Mùa đông ấm áp - Nguyễn Thị Thu Huệ
Cùng một tác giả
Mùa bông điên điển (truyện ngắn)
Thổi quốc (truyện ngắn)
Bông súng trắng (truyện ngắn)
Chim trời cá nước (truyện ngắn)
Lương sư trăn trở (truyện ngắn)
Con ma chòm mả lạng (truyện ngắn)
Nhắp vịt (truyện ngắn)
Rút lại lời phê (truyện ngắn)
Thương con (truyện ngắn)