Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
853
116.687.767
 
Đọc “kháT/kháC” *của 18 Tác giả
Như Quỳnh de Prelle

 

 

Tôi gặp những người thơ ở đây, trong không gian của những cá tính khác nhau, hoàn toàn khác biệt. Thế hệ của tôi, thế hệ của những nhà thơ trước đó. Chúng tôi gặp nhau bằng tình yêu và thi ca, sự kết nối. Chưa một lần. Con đường duy nhất là thơ và chữ của thơ. Tinh thần của thơ. 11 tác giả nam và 7 tác giả nữ. Thế hệ 8x có 5 tác giả. Thế hệ 7x có 2 tác giả. Thế hệ 5x và 6x có 8 tác giả. 9x có Pháp Hoan, Vũ Nhật Lập. 4x có Nguyễn Thanh Hiện, người luôn đọc chúng tôi và chúng tôi đọc ông rất nhiều.

Tôi đọc bản thảo online trước vài tháng khi có sách giấy nhưng phải đến khi chạm vào cuốn sách truyền thống tôi mới nhận ra những âm giọng và khí hậu khác nhau ở mỗi gương mặt, mỗi tinh thần thi ca.

 

Tập thơ mở đầu bằng giọng thơ của Lê Minh Chánh, tác giả đến từ Đồng Tháp đang sống tại Sài Gòn. Tôi đọc Chánh trên facebook, nhận ra nhịp điệu của anh, nhịp điệu của những khúc khỉu, tâm tư không phải sự đổ vỡ đầy lãng mạng mà sự trói buộc trong những tư tưởng như đang bưng bít trên đường của tự do. Lê Minh Chánh hay nói về thế giới, những điều to tát và bi quan, các vĩ nhân như những cái bóng lớn chìm vào anh. Rồi chìm vào xanh thẳm, rác, chiếc dương cầm im lặng…. Tôi nhận ra những thay đổi ở người đàn ông này, dường như anh đang muốn lột xác và nhận ra chính bản thân mình, khiêm nhường và ẩn náu. Tôi tin là có nhiều bạn thơ đang hy vọng ở anh, một tương lai dài lâu với thi ca chứ không phải những ngã rẽ khác.

 

Lần đầu tiên tôi đọc Nguyễn Thị Ánh Huỳnh. Chị viết với nhiều không gian khác nhau của Đà Lạt, Nha Trang, miệt vườn và các miền quê …. bài Khác của chị làm tôi nhớ đến Cái tôi khác và Thế hệ khác của chính tôi, và có lẽ trong nhiều người viết luôn tìm đến trên con đường viết này. Ánh Huỳnh viết về tình yêu như bao người đàn bà khác yêu, như nô lệ và yếu đuối, tưởng như rất bạo liệt mà chịu đựng. Phải chăng nữ quyền ở phụ nữ Việt vẫn là thứ xa lạ, niềm khát vọng đớn đau. Thơ của chị như biểu tượng của những âm tính, bóng tối và tuyệt vọng của phụ nữ, có lẽ không riêng gì nữ Việt ở bìa vực thế giới mà những người đàn bà cần nương tựa, chỗ trú ẩn là tình, là hơi thở của đàn ông để cứu vớt, cân bằng… và cứ tin rồi lại đổ vỡ tan tành…. trong chịu đựng.

 

Nguyễn Quang Thiều với chùm thơ Hồi tưởng về thời gian của năm, 12 tháng. Đây có lẽ là nhà thơ quen thuộc nhất với tôi từ nhỏ, từ những truyện ngắn của anh, từ Sự mất ngủ của lửa trên báo văn nghệ thời thế hệ chúng tôi lớn lên. Nguyễn Quang Thiều miệt mài viết từ cái gốc Làng Chùa nơi anh sinh ra lớn lên và sinh sống, từ văn hoá truyền thống đậm đặc của vùng Bắc Bộ. Thơ Nguyễn Quang Thiều có những chuyển động mới mẻ từ lúc người người vẫn đang quen giọng điệu cũ, câu ca xưa…

Trong khi đó một không khí Sài Gòn của Trần Hữu Dũng hoàn toàn khác lạ một Sài Gòn hiện tại hay không khí của toàn nhân loại và lịch sử trong thơ của Nguyễn Thanh Hiện. Với tôi Nguyễn Thanh Hiện ông là một nhà tư tưởng, người của những suy nghĩ bốn bề bao la về nhân loại, về mọi sự mơ hồ, không cắt nghĩa, không ngưng nghỉ…. Nghĩ và để viết ra, như thi ca còn tồn tại hay văn chương là đường đi độc hành.

Đinh Thị Như Thuý viết về hoa, qua những giọng điệu buồn của người đàn bà như lạc ở đâu đó xứ sở này. Chị lúc nào cũng như ở đâu đó, một cõi riêng, rất riêng. Thi ca ở chị thường trực đến mức mộng mị mà không tách biệt cái đời thường giản dị. Sự hiếm hoi của một người viết, thầm lặng, không ồn ào nhưng đủ một góc mạnh mẽ trong lòng bạn đọc, trong những dòng chảy của thi ca đương đại Việt lúc này. Tôi thấy chị phảng phất mà có thật, một người đàn bà thơ như có nhiều mất mát đến lặng im. Lặng tim khi viết.

Phan Huyền Thư xuất hiện trở lại với những dấu chấm trên tiêu đề các bài thơ của chị. Sau một thời gian dài im lặng, chị trở lại với Đạo thơ đầy kiêu ngạo như ngày nào. Tôi có dịp đọc Đạo thơ trước khi có tập 18 tác giả trong tay. Giữa những thế hệ trước, Phan Huyền Thư như những người rất mới. Giữa những thế hệ sau này, Phan Huyền Thư đứng một góc riêng, không khí riêng. Vẫn là cô ấy, một ngôi sao của lịch sử và thân phận riêng biệt. Chị sẽ không bao giờ dừng lại. Có lẽ là một tiền kiếp với chị, con đường của thi ca.

Lê Vĩnh Tài chùm thơ về biển, các chùm thơ cầu nguyện, những bài thơ màu xanh không có chữ biển…. Lê Vĩnh Tài kết hợp chữ và ý, những biểu tượng trong thơ để nhìn thấy những trập trùng, những lớp sóng… Kết hợp trữ tình để nói về xã hội, chính trị, đó là thành công lớn của cây bút tài năng này. Rất hiếm các nhà thơ Việt giữ được phong thái như anh một cách bền vững, thẳm sâu và không kém phần mode thời thượng… Anh ý thức về nghiệp thơ hay nghề viết, hay đó như một công việc anh thích, anh đùa nghịch với nó một cách thông minh, đủ sự sâu sắc không kém phần tỉnh táo.

Mai Văn Phấn đầy đủ phong cách ở đây, từ thơ 3 câu đến những chuyện còn dài, chỉ là giấc mơ, cái miệng bất tử….. Ở tập thơ mới nhất của anh Thời tái chế, một Mai Văn Phấn khác của Thẫm đỏ, đao phủ, vừa mạnh mẽ bạo liệt vừa ngượng ngập, điều gì đó anh chưa thể nói hết trong thơ, trong chữ của anh, vẫn còn ngập ngừng… Tôi chờ đợi tiếp, anh sẽ đi đến đâu và dừng lại ở lúc nào…..

Từ tập thơ đầu tiên Lịch mùa đến những bài thơ trong Khát Khác, Pháp Hoan như đang hoàn thiện và đi tìm bản thể mới, cách nhìn thế giới mới tự do hơn, rộng mở hơn.

Lần đầu tiên tôi đọc Trần Tuấn. Dường như các nhà thơ Việt thích đối thoại, chia sẻ với những trạng thái cùng ai đó. Phải chăng chúng ta không chịu đựng được cô độc, phải chăng phải giao thoa….. phải nghĩ về một vấn đề chung…

Một Vũ Trọng Quang như một người rất lâu tôi đã gặp, đã thấy. Thơ của anh như một người mới dù anh viết đủ thời gian trở thành gạo cội. Chữ trong anh luôn ẩn rồi hiện. Như tôi đang đọc những đường gân rồi tôi đi tiếp, không biết sẽ ở không gian nào. Quang luôn có những câu chuyện thời đại, cách nhìn rộng rãi bên ngoài hình chữ S, như bản chất phóng khoáng của anh.

Một Kiều Maily nhiều trải nghiệm và dịch chuyển của nội tâm. Có lẽ công việc hoạt động cộng đồng và bảo tồn văn hoá Chăm của chị đã giúp cho chị những cái nhìn đa diện về đời sống có thật chứ không phải những ẩn hình của chữ. Thơ của chị vừa rõ vùng không gian vừa thoát khỏi ra nó và hiện lên những giá trị của di sản, sự dịch chuyển và đời sống của một dân tộc như cội nguồn trong máu và đất mẹ sinh ra. Tôi thích các hình ảnh cừu, đàn cừu và bầy cừu trong thơ của Maily ở tuyển tập này. Cô gái Chăm như một sự độc lạ của khí hậu thi ca đương đại. Cô là nghệ sỹ biểu diễn đầy chất thi ca và văn hoá truyền thống Chăm không ai dễ có được như cô.

Lưu Mêlan, tôi chỉ đọc chị, chưa từng thấy chị ở đâu cả, ngoài chữ. Tôi không có thông tin nào về Lưu Mêlan của cuộc đời thật. Ở Khát/Khác, Lưu Mêlan như lạc lõng giữa những vùng khí hậu khác biệt, đậm đặc. Hình như từ lâu tôi không thấy sự xuất hiện của cô ở đâu nữa.

 

Vũ Nhật Lập, tôi mới đọc gần đây. Có lúc tôi nhầm anh với vài pháp sư nào đó, thật buồn cười. Tôi đọc thơ của anh ấy trong mơ trong một vài sự kiện. Tôi hay mơ và luôn nhìn thấy thơ trong trạng thái của trăng, đêm và thời gian luân chuyển của vũ trụ. Vũ Nhật Lập có lẽ là một trong những người viết vượt ra khỏi không gian sống của mình các câu chuyện. Tôi nghĩ rằng, anh ấy ở trong bản đồ hình chữ S. Với một người như thế, tôi tin rằng, thơ của anh ấy còn tiếp tục đi nữa và sẽ chưa dừng lại.

 

Thì ra đó là một cô gái trẻ, giọng thơ mà tôi thích nhất ở tập này, bởi sự thường trực chữ nghĩa, sự mơ mộng của sáng tạo, không có những nhiễu điều xung quanh. Tôi hy vọng ở tác giả trẻ trung đầy năng lượng và luôn chuyển hoá như Lập.

 

Tôi đọc Nguyễn Bình Phương đúng lúc ngồi trên metro đi về nhà vào một buổi chiều lạnh. Nhà số 4 của anh. Hoa Quỳnh. Tôi giật mình. Nhớ lại 10 năm trước, bạn thân tôi gửi thơ cho anh biên tập ở nhà số 4. Gần đây do tình cờ đọc tài liệu tôi phát hiện anh là con của Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến…. những mông lung, sự nhạy cảm của tôi làm tôi phải lật lại những gì đọc về Nguyễn Bình Phương mà tôi biết về văn xuôi. Với tôi, đó là một trong những tác giả đang tồn tại có những bí mật trong hầm sâu bừng sáng, góc riêng của anh mà không ai hề hay biết. Đọc thơ anh ở đây, tôi không nhìn thấy người đàn ông mặc đồng phục đầy sao mũ, tôi thấy một người lặng lẽ đếm nhịp điệu đi qua không thể nói cùng ai. Trôi đi trôi đi….

Nguyễn Anh Vũ, thế hệ của 8x đầy sôi động từ sân thơ trẻ, các hoạt động thơ của Hà Nội một thời, không thể lẫn đi đâu được không khí, màu sắc trong thơ của anh, trong vùng nhiệt đới của miền bắc và Hà Nội… Vũ không viết nhiều, ít xuất hiện gần đây. Có lẽ đời sống và những khúc quanh của thi ca, nghệ thuật khiến anh chững lại và làm công việc khác say sưa hơn. Sự lảng vảng ấy cho chúng ta thấy giữa những đậm đặc và không gian thi ca tuôn trào, những khác biệt của 18 tác giả… như sự kết tụ lại và lan toả.

 

Mùi của lạnh, của đất ươt cuối mùa thu, của gió và những mơ hồ. Của những tìm kiếm, sự bấp bênh hay những câu chuyện cần kể ra, ghi lại, hay những nghĩ suy không ngưng lại…. Đó là những gương mặt thơ ở trong Khát/Khác…. tôi đọc trên những chuyến tàu, trong sự chờ đợi ở những sân gare khác nhau, tôi nhìn những gương mặt khác nhau và họ nhìn tôi, đọc tiếng Việt, lướt thật nhanh hoặc dừng lại thật lâu, nghĩ về ai đó, về thi ca, về chữ của các tác giả tôi chạm vào…. Có lẽ lần đầu tiên tôi đọc những chùm thơ độc lạ của những ngòi bút bền vững nhất của thi ca đương đại ở các thế hệ còn giao thoa, kết nối với nhau, không khoảng cách, không bệ đài phóng đỡ. Chúng tôi đọc nhau. Hiểu nhau. Trên từng nhịp điệu của chữ, những logich từ bên trong lòng chữ. Những khoảng rời riêng biệt mà thống nhất. Bởi tư duy của tự do. Bởi lòng bao dung tha thứ mong muốn dù chật hẹp hay mở toang ra. Chúng tôi viết như thế. Đi trên những ranh giới, đường tơ mỏng mảnh hay những dây cáp rắn chặt hay chỉ là những wifi không giây…. trong một cái hộp đen luôn nhấp nháy.

 

 

*Nhà xuất bản Hội nhà văn, tháng 10/2018

 

 

 

Như Quỳnh de Prelle
Số lần đọc: 1382
Ngày đăng: 17.12.2018
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Holderlin (II) ”Những vần thơ trữ tình và bi khúc” - Võ Công Liêm
Mùa Xuân và những khúc hoan ca trong thơ Xuân Diệu thời thơ mới - Yến Nhi
Holderlin “Thi ca tư tưởng” - Võ Công Liêm
Nhất thể đa dạng văn hóa thời toàn cầu hóa Về kế thừa phát triển sân khấu dân tộc - Tuấn Giang
Hồn tôi đã hóa con đò ấy - Hoàng Vũ Thuật
Puskin và Nguyễn Du – hai nhà tiên tri* của hai dân tộc - Nguyễn Anh Tuấn
Con ruồi trong chai nước ngọt hay Nguyên tắc “người láng diêng” - Phan Tấn Thiện
Nguyễn Minh Nữu và “Lời ghi trên đá” - Phan Trang Hy
Khái niệm Âm – Dương, Ngũ Hành - Lê Viết Yên
Chìa khóa giải mã thơ Đường của Thánh Thán - Mai Văn Hoan