Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
826
116.684.471
 
Gốm đỏ vĩnh long
Nguyên Ngọc

Dòng Cửu Long trĩu nặng phù sa, đổ về hạ lưu bằng hai nhánh sông Tiền, sông Hậu và thoát ra biển với 9 cửa sông, hàng năm mang về cho bình nguyên Nam Bộ 5 triệu mét khối phù sa. Những hạt phù sa đỏ ối, nhẹ nằm ở phần trên bổ sung nguồn dinh dưỡng những cánh đồng lúa ngàn, cho những vườn cây bốn mùa hoa trái; những hạt cát rắn nằm lại giữa dòng tạo ra những cồn bãi, thành “kho” vật liệu xây dựng; có những phù sa mịn, chìm sâu vào lòng đất hình thành những mỏ đất sét. Những hạt sét mịn màng nhất, cần cù nhất đã vượt hàng ngàn cây số từ thượng nguồn về tụ lại ở nơi trung đồng bằng Nam Bộ để hình thành những mỏ đất sét quý, ban tặng cho người Vĩnh Long.

 

Trăm năm... gạch ngói

 

Hơn thế kỷ rưỡi qua người Vĩnh Long đã tận dụng đất sét để tạo ra một làng nghề lớn nhất vùng đồng bằng này: làng nghề gạch ngói, thu hút trên 2 vạn lao động. Dân gian thường gọi là “Vương quốc gạch ngói”. Từ cầu Mỹ Thuận nơi sông Tiền tách dòng Cổ Chiên, kéo dài 30 cây số đến vàm sông Mang Thít, trên 1.000 lò gạch mọc lên như một thành phố cổ.

 

Lò gạch xuất hiện trên thế kỷ. Theo tài liệu chép tay của một người Pháp tên Bataillel có tựa đề “Notice sur L’arrondissement de Vinh Long” (Ghi chép về Hạt Vĩnh Long) đề ngày 11-6-1887, phúc đáp cho Ngài Giám đốc Nội chính, có ghi lại như sau: “Có 1 lò gạch ở thôn Tân Hoa,

tổng Bình An (nay là xã Tân Hòa, thị xã Vĩnh Long) và 2 lò ở thôn Thanh Mỹ Đông (nay là phường 5, thị xã Vĩnh Long). Lò hình vuông hay hình tổ ong, mỗi mẻ lò chỉ sản xuất khoảng 1.000 viên”.

 

Từ xuất phát ấy đến năm 1995, Vĩnh Long có hơn 900 lò gạch tròn năng suất 20.000 viên gạch ngói qui chuẩn cho một chu kỳ 2 tháng, với tổng sản lượng 500 triệu viên/năm. Làng gạch trải dài 30km thuộc thị xã Vĩnh Long, huyện Long Hồ và huyện Mang Thít, ven sông Cổ Chiên (một nhánh sông Tiền). Năm 1995, làng gạch ngói có thêm Nhà máy tuynen sản xuất theo dây chuyền công nghiệp hiện đại, nhiên liệu đốt bằng dầu DO. Suốt thập niên 90 của thế kỷ trước, làng gạch ngói bùng phát dữ dội hình thức lò un, lò bắc, chất lượng gạch không tốt, phát triển không theo quy hoạch, gây ô nhiễm môi trường. Điều này có lý do của nó: thời kỳ đổi mới diễn ra, kinh tế phát triển nhanh, nhu cầu xây dựng lớn. Chuyện chạy theo lợi nhuận, cạnh tranh không lành mạnh như kiểu lò un, lò bắc làm làng nghề gạch ngói lao đao.

 

Những ý tưởng đầu tiên về gốm

 

Năm 1978 Vĩnh Long có HTX gốm dân dụng ở Tam Bình, nhưng do chất đất không thể cạnh tranh gốm Lái Thiêu nên chỉ tồn tại vài năm. Người viết còn giữ một kỷ vật của họa sĩ Lê Triều

Điển tặng, đó là tượng gốm bán thân của nhà soạn nhạc vĩ đại Môda. Lúc ấy anh sáng tác rất nhiều mẫu gốm đẹp và nung ở lò của ông Bùi Công Phiệt.

 

Sau đó, Long Hồ cũng có xí nghiệp gốm mỹ nghệ... nhưng cũng không tìm được thị trường, tiếp tục phá sản. Khoảng năm 1990, một công ty của Đức liên doanh với Xí nghiệp Gốm mỹ nghệ thành lập liên doanh UP (United Poterie s), sản xuất gốm đỏ theo công nghệ Đức. Công nghệ họ giữ rất kỹ, không có người Việt Nam nào có thể tiếp xúc được.

 

Đến năm 1997, ba người bạn Nguyễn Tấn Nghĩa, Nguyễn Phước Lộc và Tư Khiêm thử đem gốm mỹ nghệ nung trong lò gạch truyền thống và họ đã thành công. Anh Nguyễn Tấn Nghĩa kể lại: “Phải nói rằng tôi làm nghề gốm cũng có cái “duyên” với đất. Hồi ấy, tháng 5 năm 1997, làm gạch ngói lao đao vì giá quá thấp. Lò un, lò bắc cạnh tranh không thể chịu nổi. Cái thời

“Vương quốc gạch ngói” chiếm lĩnh thị trường đồng bằng không còn. Các tỉnh trong khu vực có nhà máy tuynen. Ba anh em chúng tôi là những người trong Ban chấp hành Hiệp hội gạch ngói, vừa có trách nhiệm với chính bản thân mình và đồng nghiệp. Trăn trở lắm nhưng không có lối ra. Có lúc chúng tôi có ý định chuyển nghề. Chúng tôi đi miền Đông, Tây Nguyên, rồi Sóc Trăng tìm hướng làm ăn. Thế nhưng có một người bạn làm gốm ở Bình Dương khuyên chúng tôi làm gốm, ông sẽ bao tiêu cho. Nhưng đất và lò của người ta khác, đất và lò của mình khác. Thôi thì về mày mò nghiên cứu mà làm”. Mẻ đầu tiên thành công. Chỉ dùng đất làm gạch mà sản xuất gốm. Loại đất ấy chỉ ra gốm đỏ, thị trường Ôxtrâylia và châu Á tiêu thụ loại gốm này, nhưng châu Âu lại thích gốm vàng sáng màu phèn lam... đất sét vàng cho màu gốm đỏ, đất sét đen cho màu gốm vàng...

 

Anh Nguyễn Tấn Nghĩa kể lại một thất bại rất... dễ thương. Số là sau khi nung gốm đỏ thành công trong lò gạch truyền thống. Loại lò này có độ cao hơn 7m, dung tích trên 2.000m3, nhưng sản phẩm gốm thì nhỏ và thấp, do đó khi vô lò khoảng trống phần trên là rất lớn. Như vậy thì lãng phí nhiên liệu quá không? Nghĩ vậy anh bắt đầu phá thử một lò cũ, xây lại một lò nhỏ hơn, kết quả là thất bại thê thảm. Anh lại xây lò khác, cũng thất bại và lần thứ ba xây lại cái lò như cũ. Bây giờ nhắc lại chuyện này anh rất thấm thía, bởi lẽ những lò gạch xuất hiện đầu tiên ở làng Tân Hòa, Thanh Mỹ như ở đầu bài viết là lò nhỏ, dạng hình tổ ong. Hơn thế kỷ, người làm gạch Vĩnh Long đã cải tiến không biết bao nhiêu lần để có hình dạng như hiện nay. Bí ẩn là ở chỗ, chỉ ở kích thước này, với nhiên liệu trấu mới có thể đưa nhiệt độ lò lên 9000C, và ở nhiệt độ ấy, đất Vĩnh Long mới có thể kết khối thành gạch, ngói, gốm...

 

Làng gốm hình thành ấy là do người Vĩnh Long hiểu đất Vĩnh Long.

 

Đi dọc Tỉnh lộ 31, tôi không tìm đâu ra một chỗ khai thác đất như những năm trước đây, vì vùng khai thác đất sét đã hết, đến cánh đồng của xã Mỹ Phước (Mang Thít) mới tìm được một lô đất mà ông Đặng Văn Hai (Hai Đạo) đang khai thác. Ông mua một lớp đất sét dày 40cm với giá 3,5 triệu đồng một công. Đây là vùng đất gò, nổng rất khó lấy nước trồng lúa. Công nhân khai thác phải dùng nề gạt lớp đất mặt (tầng canh tác) dày 30cm bỏ qua một bên trả lại cho chủ (nếu có lấy thì cũng không làm gốm được) sau đó thì dùng nề xắn mỗi cục 30cm2 . Nề là

cái cung hình chữ U, hai đầu chữ U có căng cọng dây thép cỡ 3mm thay cho lưỡi leng xắn đất. Những công nhân đẩy trẹt sức chứa cỡ nửa mét khối đất vào ruộng. Họ xắn những khối đất cỡ

20kg, rồi đưa ra bờ kinh. Ở đây có một cối ép gạch thành “mê” mỗi cục 6kg. Công nhân làm từ 5 giờ đến 9 giờ thì nghỉ. Chỉ tiêu mỗi người 3 trẹt. Chiều làm 3 giờ nữa. Thu nhập mỗi ngày 40.000đ. Đất sét khai thác trên đồng có 3 màu rõ rệt: đất gò, nổng sâu trong đồng có màu vàng đậm rất dẽ dặc, đây là đất làm gạch truyền thống, cho sản phẩm có màu đỏ đậm; đất mỡ gà ít vàng hơn, cho sản phẩm có màu vàng đỏ; đất sét đen cho sản phẩm có màu vàng sáng... Mấy anh công nhân khai thác nói đùa: “Hồi xưa ông bà dạy chúng tôi, ráng học hành, không thôi sau này “cạp đất mà ăn”. Bây giờ chúng tôi đang cạp đất!” Cạp đất mỗi ngày 40.000đ. Chiều còn rảnh làm việc nhà thì cũng nên quá đi chớ. Nói như ông Hai Đạo, hết thửa đất này tôi đi mua đất khác khai thác quanh năm thì hàng tháng ông cũng vô bạc triệu.

 

Pha đất

 

Nhiều ghe khai thác đất như kiểu ông Hai Đạo, bán đất mê, đậu kín bên sông của Công ty trách nhiệm hữu hạn Năm Vàng. Đất chuyển lên kho bằng thanh truyền và được một chuyên gia phân loại, ra giá và xếp thành khối riêng theo màu sắc. Lại một chuyên gia khác, chuyên pha đất có nhiệm vụ chỉ cho công nhân xếp từng chồng đất đủ màu bên cối ép để nhào đất cho thật mịn. Tùy theo sản phẩm mà người ta pha đất theo kinh nghiệm riêng. Công đoạn này rất quan trọng, theo anh Đường một chuyên gia loại này cho biết: độ nhót (co giãn giữa sản phẩm mộc và thành phẩm), độ cứng, màu sắc đều phụ thuộc vào công đoạn pha đất. Pha xong phải nhào nặn 4 lần cho thật mịn, đến nỗi sờ tay vào không dính thì mới đạt. Từ đây người ta chở từng khối lên cho công nhân in.

 

Tạo mẫu, làm khuôn in và xu

 

Công đoạn này là công việc của những họa sĩ. Các mẫu gốm của khách hàng nước ngoài thường đặt theo catơlô. Từ Catơlô họa sĩ tạo ra một mẫu bằng thạch cao y như mẫu thật. Thực ra mẫu này thường lớn hơn sản phẩm; lớn hơn bao nhiêu phải tính toán theo độ nhót của đất sau khi nung, hoặc 5%, 6% gì đó. Có mẫu rồi thì đổ khung thạch cao làm khuôn. Thợ in dùng đất pha sẵn ép vào khuôn. Khuôn có thể có nhiều mảnh ghép lại. Người thợ phải ép đất vào từng mảnh, cuối cùng ghép lại thành một tổng thể sản phẩm. Sản phẩm thường rỗng ruột, người thợ in phải dùn g nề cắt đất ra thành một miếng “bánh da lợn” dày cỡ một vài phân tùy

yêu cầu, trước khi ép khuôn. Người mới vào nghề cắt “bánh” dính tay nên phải dùng một cái bao để di chuyển “bánh”, nhưng thợ  lành nghề họ cắt một miếng cỡ nửa mét vuông cầm không dính tay. Ép xong để cho ráo mới dở khuôn ra cho người xu. Thợ xu làm láng sản phẩm bằng cách nhúng nước cái “bông đá” học trò lau bảng chà lên sản phẩm, chỉnh lại các họa tiết cho sắc sảo. Anh Ba Nghĩa nói: “Nếu đào tạo công nhân lành nghề ở khâu này, tức là làm cho các chi tiết sản phẩm, các họa tiết tỉ mỉ hơn, sắc sảo hơn thì giá trị có thể nâng lên gấp 3 lần. Công nhân ở làng nghề của chúng ta tay nghề chưa cao!”.

 

Thợ lửa

 

Ba yếu tố sống còn của sản phẩm gốm: kích cỡ lò, pha đất và kỹ thuật nung. Thợ lửa xưa nay vẫn là nghề bí truyền. Tôi cố gắng lắm cũng chỉ tìm ra được nguyên tắc của nghề ấy mà thông tin cho độc giả. Nếu biết được thì chắc tôi cũng đã làm thợ lửa. Vô lò cũng là kỹ thuật, người vô lò biết vị trí nào “lửa hỗn”, chỗ nào lửa yếu, chỗ nào nhiệt độ lò ổn định mà bố trí từng loại sản phẩm lớn nhỏ khác nhau. Chỗ “lửa hỗn” quá thì chèn thêm gạch, ngói che lại... Quy trình nung gốm diễn ra trong 7 ngày. Bốn ngày đầu đốt lò từ từ, chủ yếu là hun hơi nóng cho hơi nước chứa trong sản phẩm ra khỏi lò, nói nôm na là làm khô sản phẩm thôi, nhiệt độ từ 100 -

2000C là được. Thực ra nếu ta lấy trấu đốt ngoài trời thì nhiệt độ chỉ 2000C là cùng. Ngày thứ năm tăng tốc, ngày thứ sáu tăng tốc để ngày cuối cùng đạt 9000C. Đối với những sản phẩm đặc biệt cần nâng cao nhiệt độ hơn thì người ta dùng xamốt (một loại ôxuýt sắt giống như đá

ong) rải trên sản phẩm trong lò. Khi đạt đến nhiệt độ cần thiết, sản phẩm gốm thường là 9000C thì sản phẩm kết khối, đất chuyển sang đá, người ta gọi đó là nhiệt độ kết khối, lúc này ngưng đốt, bít lò bằng đất sét cứ để cho lò nguội dần, rồi ra lò. Cái bí quyết của người thợ lửa là ở chỗ họ gạc lửa theo tầng suất nào, ta chỉ thấy lâu lâu họ gạc than để khêu cho lửa cháy. Họ làm theo thói quen mà chẳng cần đo nhiệt kế và có thể nhiều người trong họ chẳng hiểu gì nhiều cái nguyên tắc mà tôi viết dài dòng ra đây.

 

Đưa công nghệ vào gốm

 

Đến doanh nghiệp Nam Hưng tôi bắt gặp những sản phẩm gốm đen, gốm nâu, gốm trắng như gốm mộc. Các sản phẩm có thể pha trộn nhiều chất liệu đen, đỏ, vàng, nâu, điểm men... Sáu

sản phẩm của Nam Hưng đạt danh hiệu sản phẩm tiêu biểu 30 năm theo môtuýp như vậy. Anh Nguyễn Phước Lộc nói với tôi: “Từ chất liệu gốm nâu, đen tôi có thể bắn cát cho nó “phong hóa” như đã trải qua ngàn năm tồn tại của gốm cổ Phù Nam. Người Vĩnh Long hiểu đất, làm chủ chế độ nung bằng công nghệ nung thì có thể tạo ra bất cứ sản phẩm nào mà khách hàng yêu cầu!”. Sở Công nghiệp cũng đã có công trình nghiên cứu điểm men trên nền gốm đỏ. Bản thân doanh nghiệp Nam Hưng cũng đầu tư công nghệ tạo bước đột phá cho gốm Vĩnh Long.

 

Họa sĩ và gốm

 

Họa sĩ Lê Triều Điển xuất thân từ sơn dầu, nhưng thành công nhất là gốm. Đó là nhận xét của đồng nghiệp về anh. Người mời nghệ sĩ cộng tác đầu tiên là anh Ba Nghĩa. Các nghệ sĩ Vĩnh Long như Thế Đệ, Đặng Can, Đình Vĩnh, Bửu Lộc... đã làm việc ở đây và sau đó cộng tác với nhiều doanh

nghiệp khác. Anh Điển vận động nhiều trại sáng tác của các họa sĩ thành phố Hồ Chí Minh, Tiền Giang và có rất nhiều các cuộc triển lãm ở thành phố Hồ Chí Minh trên chất liệu gốm Vĩnh Long. Hiện nay các họa sĩ Tiền Giang đang mở trại sáng tác ở lò Nam Nhiên (Thanh Đức).

Các anh cho chúng tôi biết, sáng tác để mở triển lãm tại Mỹ Tho, Tỉnh ủy Tiền Giang rất quan tâm. Ngày 12-7, một cuộc triển lãm gốm mỹ thuật Vĩnh Long qui mô lớn tại Khu du lịch Văn Thánh, thành phố Hồ Chí Minh.

 

Làng nghề chúng ta đang phát triển theo những đơn hàng đặt từ nước ngoài. Chất xám của họa sĩ chỉ tham gia vào tạo mẫu, tạo họa tiết trên sản phẩm, cần có thêm sản phẩm gốm theo văn hóa của chúng ta, trên cái hồn đất vốn có của nó. Đó chính là phát huy sắc gốm không thể trộn lẫn. Vì thế, trong tương lai, họa sĩ, nghệ nhân, công nhân mỹ thuật đóng vai trò rất quan trọng.

 

Sắc gốm Vĩnh Long

 

Có người hỏi gốm Vĩnh Long có gì đẹp hơn gốm Bình Dương, gốm Bát Tràng, gốm Giang Tây? So sánh như vậy là khiên cưỡng, vì mỗi chất liệu có vẻ đẹp riêng. Cũng không nên so sánh giữa gốm mỹ thuật với gốm dân dụng.

 

Anh Lê Triều Điển nói: Thiên nhiên ban tặng cho người Vĩnh Long một tài nguyên đất sét và dĩ nhiên là nó không giống ai, không vùng đất nào có nó. Người Vĩnh Long sống với đất và đẻ ra làng nghề gạch ngói. Bao thế hệ sáng tạo và đúc kết thành một kỹ thuật nung đất tuyệt vời: lò gạch. Nhiên liệu nung từ sản phẩm đặc trưng của vùng lúa nước: trấu. Người Vĩnh Long có

nền văn hóa đặc thù đồng bằng. Màu đặc trưng của gốm Vĩnh Long là màu của rơm rạ. Điều thật kỳ lạ hay nói đúng hơn là một phát minh thầm lặng của bao thế hệ: lò gạch Vĩnh Long, đốt trấu quê mình, và đất Vĩnh long chỉ kết khối ở nhiệt độ 9000C. Kỳ lạ vì nó có vẻ ngẫu nhiên, nhưng đó là quá trình tìm tòi và khám phá. Đó là hồn gốm Vĩnh Long. Nói về gốm Vĩnh Long anh Ba Nghĩa tóm thật gọn trong câu: “Người hiểu đất!”

 

Tâm tình của người quản lý

 

Ông Trần Văn Rón – Giám đốc Sở Công nghiệp trong cuộc tiếp xúc báo chí đã nói: Nhiều doanh nghiệp thu hút được đội ngũ trí thức, họa sĩ gắn bó với làng nghề là tín hiệu phát triển đúng hướng. Tài nguyên, lao động, công nghệ và chất xám, chính là những yếu tố cơ bản, bền vững để làng nghề hội nhập kinh tế thế giới trong tương lai. Nhiều làng nghề truyền thống mất đi vì không đưa được công nghệ mới vào, không tận dụng chất xám để hiện đại hóa.

 

Tuy nhiên, vẫn còn những bất cập mà làng nghề gốm Vĩnh Long phải phấn đấu vượt qua. Chẳng hạn như vấn đề thương hiệu: gốm Vĩnh Long chưa có thương hiệu mạnh. Công nghệ nào cho đất; là vấn đề nóng hổi hiện nay cho làng gốm Vĩnh Long; vì công nghệ sản xuất “chỉ thường thường bậc trung” và không đồng đều ở các doanh nghiệp, nên khi xuất ra nước ngoài, giá bán rất thấp so với gốm Ý, trong khi nguyên liệu tương đương nhau. Vấn đề xúc tiến thương mại, thị trường gốm chủ yếu là xuất khẩu, thế nhưng các doanh nghiệp sản xuất có rất ít thông tin về thị trường, chưa có hệ thống tiếp thị tốt... Vấn đề xuất khẩu trực tiếp, hầu hết doanh nghiệp gốm Vĩnh Long chỉ xuất khẩu qua trung gian nên không biết sản phẩm của mình bán ở đâu, hiệu quả kinh tế rất thấp. Xúc tiến Thương mại và Đầu tư đã mời một công ty tư vấn nước ngoài EUROBI khảo sát và lập dự án cho 14 doanh nghiệp liên kết xuất khẩu trực tiếp. Hiện tại một số doanh nghiệp mạnh cũng đã tiếp thị nhiều nước và cũng đã xuất khẩu trực tiếp với một tỷ lệ 10 - 20%. Tỉnh cũng hết sức quan tâm đào tạo nhân lực chất lượng cao

cho việc hiện đại hóa làng nghề như đào tạo ngoại ngữ, đào tạo mỹ thuật...

 

Trong tương lai không xa, làng nghề gốm đỏ Vĩnh Long sẽ sánh vai với các làng gốm trong cả nước sẵn sàng hội nhập kinh tế quốc tế, mang nét tài hoa, mang tâm hồn Việt, mang nét văn

hóa phương Đông đến với bạn bè trên thế giới.

Nguyên Ngọc
Số lần đọc: 3979
Ngày đăng: 01.11.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nhà văn Nguyên Ngọc: - Minh Thi
Hoàng Thu Dung và những "Điều không đơn giản"(*) - Cỏ May
Thân ốc với cọc không rêu hay là ảo ảnh văn chương sáo rỗng - Nguyễn Chí Hoan
Thu tế làng AN TRUYỀN - Tiểu Kiều
Cái hoang đường như là một toát yếu về cõi nhân sinh - Nguyễn Chí Hoan
Đinh thị Thu Vân : Những câu thơ em viết mất linh hồn - Trần Mạnh Hảo
Mộc Dục Luận & Thiền - Đặng Thân
Trần Ninh Hồ - quên và nhớ với thơ - Võ Thị Xuân Hà
Tổng hợp Cuộc thi “Sáng tác thơ haiku Việt – Nhật” - Nhiều Tác Giả
Nhân HTV 7 chiếu bộ phim TIẾNG CHUÔNG TRÔI TRÊN SÔNG (*) - Nguyễn Võ Khang Hạ
Cùng một tác giả