Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
781
116.692.743
 
Trả lại tôi mùa đông
Trần Kim Trắc

Ông họ Trần chưa già, chỉ đứng tuổi, cái tuổi bắt đầu mơ ước một cuộc sống êm ả tại gia vợ chồng hòa thuận, con cái chăm ngoan.

 

Trước đây, ông là một cây bút toàn năng viết phục vụ kịp thời xuất sắc, sáng tác dài hơi cũng cừ. Khả năng của ông hồi ấy, ngồi trên tòa soạn, nhà in báo cáo còn khoảng trống cần phải lấp vào bản in, hai mươi phút ông đã viết xong một bài thơ, hoặc một tiểu phẩm trao tay ngay cho người đưa thư cầm về sắp chữ. Các ông đạo diễn ngay trên sàn tập, yêu cầu bổ sung kịch bản bài ca hoặc đoạn thoại nào, hút chưa tàn điếu thuốc ông có ngay giữa cảnh đàn, trống ồn ào.

Từ ngày ông được phân công trách nhiệm quản lý, nhiệm vụ lãnh đạo, sự vụ giấy tờ, nhất là ôm một khối tiền nong phải phân bổ thu chi, rồi sơ kết tổng kết, một năm bao lần phải ngồi giám khảo bình chọn hết giải thưởng này đến giải thưởng khác, nào tài năng trẻ, nào giọng ca vàng, kịch bản hay, nào hoà giải thắc mắc giữa các đoàn lôi kéo ca sĩ, kêu cứu kinh phí, nào phải sẵn khăn giấy cho em cháu diễn viên giận hờn lau nước mắt, ông không còn đầu óc mà sáng tác, đành xót xa gác bút, hạn hữu, nhớ văn chương quá, ông tranh thủ viết lời bài ca gọi là để anh chị em xa gần biết rằng ông vẫn tồn tại.

 

Có ngờ đâu cái gọi là ấy lại gây sóng gió.

Lời bài vọng cổ ông tranh thủ thời gian sáng tác nói về cuộc tình của thuở ban đầu được một ca sĩ lớn hát trên chương trình ca cổ đài truyền hình thành phố, trình diễn trên nền phong cảnh có Tháp Rùa Hồ Gươm, có lung linh ánh sao trên cành hoa sữa. Lời ca còn được đăng trên báo "Sân khấu" có minh họa hai bóng hình bên nhau trên chiếc ghế vườn hoa. Ông phấn khởi cầm tờ báo thơm phức mùi mực mới và một trăm năm mươi ngàn đồng tiền nhuận bút lái xe về nhà sớm hơn giờ hành chính.

 

Lúc mới tìm hiểu, ông đã hứa với bà hồi ấy là một thiếu nữ dịu hiền rằng sau này yên bề gia thất ông sẽ giao cho bà chức "Bộ trưởng tài chính" của gia đình, nghĩa là lương bổng tiền nong làm ra được bao nhiêu, chân "Bộ trưởng Văn hóa" như ông sẽ nộp tất cho tài chính quản lý, nếu cần mua thuốc lá, cà phê ông sẽ xin tạm ứng. Lời ước nguyện để đời ấy đến nay ông vẫn giữ đúng.

Ông cầm tiền nhuận bút hớn hở đi thẳng ra sau bếp mong chia sẻ với vợ niềm vui: "Có tiền chợ rồi mình ơi…" Ông nâng tay bà đặt xấp tiền năm nghìn xanh dày cộm lên.

Không lời đáp, một tay bà nâng ấm nước đang sôi lên, một tay bà ném đống tiền vào ngọn lửa bếp dầu, ấn cái đáy nồi lên đấy:

- Bà làm gì vậy, điên à?

Ông đẩy bà ra, không sợ phỏng, giằng lấy bó tiền ném xuống đất, dẫm đạp gót giày lên cho tắt lửa.

Thế là to tiếng, ông cố sức nhịn, nhưng càng nhượng bộ, bà càng sôi sục lên. Mãi đến trưa các cháu đi học về, cuộc chiến phải tạm thời lắng dịu.

Đêm đến, bà nằm úp mặt vào vách. Ông khẽ khàng lên giường nằm ở phía ngoài, im như thóc. Thời gian nặng nề trôi qua, tiếng xế nổ ngoài đường thưa dần, chỉ còn tiếng cười của đám ăn sương đi chơi tìm chỗ ngả lưng bô bô cười nói.

 

Cảnh và tình trong này ngoài kia, kẻ có tâm hồn nhạy cảm như ông sao khỏi so sánh. Ông từng rút kinh nghiệm vợ chồng giận nhau, nghìn lời giải thích chẳng ăn thua, có khi chờ đúng lúc mỏi mệt nụ hôn giải tỏa được tất cả. Ông thử đưa tay thăm dò, không dám sờ vai mà khẽ chạm cái eo bụng. Lập tức như điện giựt, bàn tay bị bàn tay cầm ném đánh bộp xuống giường.

 

Gạt tay còn hơn đoạn tuyệt, ông tức giận tung màn xỏ dép: "Được, cây muốn lặng mà gió chẳng dừng…" Cánh cửa sắt rít lên rồi đóng sầm lại - Ông nổ máy phóng xe đi trong đêm, đi đâu đố biết. Quán xá nhà ai còn mở cửa trong giờ này? Xe vượt qua cầu Sài Gòn, ra xa lộ, qua những quán gió bán bánh bèo. Đến đồng trống, ông dừng xe, bầu trời mờ ảo, hàng bạch đàn một bên, ruộng lúa một bên. Hút tàn bao nhiêu điếu, ngồi lâu thấm dần mỏi lưng, có vài chiếc võng treo theo gốc cây, nhưng ông không dám nằm vì sơ mi cờ rớp. Ông tự bảo: Dứt khoát! Nhất định phải cắt đứt đường tơ, cả đời người, ông tận tụy hy sinh vì ai? Nếu không phải là để trung thành với bà, làm người chồng mẫu mực. Trẻ con kia, nếu tỏ ra thiếu tin cậy với chúng còn tự đánh mất lòng tin sinh ra chán nản huống chi là người lớn. Vậy mà bà dám tỏ ra bất tín nhiệm ông, cảm nhận ấy còn đau đớn hơn bị bỏ đói. Phải đi! Đi cho khuất mắt, ông bỏ mặc nhà cửa cho bà ở đó mà ghen với cái bóng. Còn ông, thân già này sá gì, ông sẽ đi luôn vào cơ quan ở cho đến hết những ngày cuối đời. Dưới gần cầu thang của cơ quan có một gian xếp làm kho bỏ không. Ông sẽ dọn dẹp ở đó. Một chiếc giường đơn bảy mươi phân, một chiếc chiếu và một cái bàn uống nước là đủ để hít thở không khí tự do, nhất định không để tiếp diễn cảnh từng tuổi này còn phải chịu nay hờn mai dỗi.

 

Sao trên trời giăng giăng nhấp nháy, hình như chúng cũng biết tâm sự tỉ tê. Gió mát từ ngoài đồng thổi lên xua tan không khí bề bộn của phố phường, lâu lâu có chiếc xe hàng vút qua, pha đèn chiếu sáng. Ắt hẳn tài xế hoài nghi tại sao giờ này có ông già đứng một mình ngoài đồng vắng.

 

Đêm dài lặng lẽ, khí lạnh se se thấm dần vào lòng nỗi cô quạnh, cơn giận nhường chỗ cho phân vân. Ông bắt đầu lo ngại nghĩ đến gian buồng tưởng tượng dưới gần cầu thang. Nhân viên cơ quan sau giờ làm việc ai về nhà nấy, chỉ còn mỗi lão thường trực ở tận ngoài cổng. Tuổi già còn có khi đau ốm, nghĩ đến thảm cảnh của một người bạn cũ cách đây không lâu cũng giận vợ bỏ nhà vào cơ quan ở để tìm "tự do", ngủ một đêm đến sáng không thấy bước ra nhiệm sở. Mọi người sinh nghi phá cửa vào phát hiện ra cái tử thi lạnh ngắt, khám nghiệm bảo ông ấy bị tăng máu, nếu có người biết bất hạnh không xảy ra. Hồi tưởng lại ông cảm thấy chương trình tị nạn coi bộ không ổn.

 

Ông nhớ tới mấy đứa cháu nội, tội nghiệp, vắng ông cháu nhớ. Rồi đây ai dỗ cháu khi cha mẹ chúng bận việc, ai đưa cháu đi Đầm Sen, Kỳ Hòa, Sở thú… Gẫm lại, chúng có tội tình gì phải chịu cảnh cơm chẳng lành canh chẳng ngon do người lớn gây ra?

 

Rồi ông nghĩ tới bà, có lẽ giờ này bà ấy vẫn thức. Thế gian lúc về khuya là thế gian hiền hòa nhất, nó dẫn dắt cái tâm của con người từ suy đi đến nghĩ lại… Gẫm ra, ngoại trừ lâu lâu tỏ ra ít tin tưởng vào ông (dẫu rằng, bị thiếu tin cậy đấng mày râu nào không tức ?) Bà ấy có gì đáng để ông chê trách đâu? Một tàn thuốc ông vô ý để rơi xuống đất lập tức có nhát chổi theo ngay, quần áo ông mặc qua một ngày bà đã giục thay ra cho bà giặt ủi. Thấy ông ăn ít một chút (dù nguyên nhân là bạn bè kéo đi khao) bà đi chợ đổi món ngay, đêm đêm ông dài lưng ra trước màn hình ti vi, luôn luôn có sẵn hoặc chiếc bánh bao hoặc chén chè, tô cháo… sợ ông đói ngủ không được. Hồi mẹ ông còn sống bà thường nói: "Anh chị sui gia ở bển có công nuôi dạy con nhưng má được, được là được con dâu hiền thảo vậy con phải ăn ở với con dâu của má sao cho anh chị dưới Đồng Tháp vui lòng."

 

Nhớ tới lời dặn dò thiêng liêng của mẹ, bao nhiêu "ý chí vùng lên" của ông như cánh diều mất gió, ông lập tức nổ máy hồi gia, không đợi trời sáng. Ông mở khoá thật khẽ, vừa nâng vừa đẩy không cho cửa sắt rít lên, đưa xe vào nhà, ông lọm thọm đi đến bên giường, kề tai vào vải màn lắng nghe động tĩnh - ông khẽ khàng đặt lưng xuống - Bà ấy đang ngon giấc, đối phương phớt tỉnh dù có kẻ bỏ nhà ra đi…

 

* * *

Sáng sớm đến sở làm.

Ông đồng nghiệp họ Dương kéo ra quán cà phê bên trong cơ quan:

- Sao trông bèo nhèo quá vậy? Thức đêm hả?

- Hừ! Sung sướng gì? Cay, đắng, ngọt, bùi có đủ! Con người ta ai chẳng thích ăn ớt, ăn khổ qua, ăn chè, ăn sầu riêng.

- Sóng gió nữa rồi phải không?

- Phải ghen chuyện bây giờ không tức. Mà bây giờ chay tịnh có quái gì để ghen. Cái chuyện hồi thời ông cố hỷ xa lắc tí tè cũng ghen. Chịu hết nổi! Cho hai ly cà phê! Một ly đá nghen! Uống nóng nữa có mà điên. Tôi dỗ bả! Có gì từ từ nói, có ghen cũng phải tế nhị. Chỉ có vậy mà bả tru tréo lên: "Ghen là ghen! Cái kiểu gì gọi là "ghen tế nhị"…?

Ông họ Dương vội nhìn chỗ khác để giấu nụ cười và xem bàn bên có ai nghe thấy không?

- Chuyện bé xé ra to, chỉ tại ông chủ bút bảo tôi viết lời bài vọng cổ đăng báo Sân Khấu. Anh nghĩ coi, già hết xí quách như tôi đây lại bảo viết lời ca về tình yêu cho tuổi trẻ bây giờ. Tất nhiên phải lấy cảm xúc từ thời mình còn trẻ, mối tình đầu mới ướt át chứ! Còn yêu kiểu có gai có góc ở tuổi của mình, đối tượng trẻ làm sao chấp nhận? Phải yêu có chút mượt mà, anh nghe:

" …Nhớ buổi bên nhau trên bờ Hồ Gươm

 Nhìn ánh đèn lung linh đáy nước, gió heo may thoang thoảng mùi hoa sữa…

… Mùa đông ấy nay còn đâu nữa… Xuân đến đã cuốn đi mùa đông… Xin hãy trả lại cho tôi mùa đông… trả lại đây mùa đông ! Để đôi tim bé bỏng sưởi ấm cho nhau, mộng đẹp đến muôn đời …ờ… ờ…"

Ông họ Dương cười khà khà.

- Trời ơi! Ông viết như vậy, là đàn ông đây tôi cũng ghen, trách chi bà ấy chẳng tức lên vì ông còn tiếc của đời.

- Thì kỷ niệm, lâu lâu hồi tưởng một chút vậy mà!

- Chịu khai rồi phải không? Ố hố! (Cười nhưng cái tâm vốn thương bạn, ông họ Dương thấy cần phải cứu bồ).

- Tôi góp ý với ông nghe! Đừng cho rằng tôi muốn làm chuyên gia ái tình ! Đàn lỗi nhịp thì cầu viện cái song lan. Bây giờ ông phải viết một bài vọng cổ khác, tả lại thuở bình minh của ông với phu nhân, nhớ viết cho thật mùi, tôi sẽ nhờ nghệ sĩ M. hát trên đài giùm ông… nhờ họa sĩ của tòa soạn mình họa người đẹp giống như phu nhân hồi còn trẻ in kèm theo bài đăng báo… Phải giải quyết tình cảm theo lối thanh đông kích tây cho phu nhân ông mát bụng.

- Có lý! Nói hay đấy!

 *

Thức khuya hai đêm, viết rồi xóa, lại xóa - văn chương tự áp đặt tưởng dễ mà khó.

Ông Trần than:

- Tôi thức hai đêm rồi! Viết không nổi, đọc trúc thắc thế nào ấy. Hay là tôi kể lại sự việc hồi ấy, anh viết giùm tôi!

Thương tình, ông họ Dương bèn nhận lời, dù sao gợi ý chuyện này cũng từ đề xuất của ông.

Lời ca ông Dương viết giùm kể về một mối tình sông nước, có con kinh xanh xanh, có mùa sen nở, có tiếng giã bàng, có hồng hạc và đàn cò trắng tung cánh trên cánh đồng bao la. Bài đăng trên báo lấy bút danh tác giả của ông họ Trần. Báo đem về nhà, có đóng mộc đỏ hai chữ "Kính Biếu" ý muốn qua hai chữ son ấy thông tin cho bà biết trong báo có bài của ông sáng tác.

Sau giấc ngủ trưa, ông nằm trong giường nghe tiếng bà với cháu cười với nhau ngoài phòng khách.

Vốn tính sòng phẳng, ông đem số tiền nhuận bút đến nhà ông Dương.

- Chị làm ơn nhận giúp tiền nhuận bút và nói tôi rất cảm ơn ảnh. Chị nói với ảnh là cây đã lặng và gió đã dừng.

- Nhưng nhà em có đăng báo nào đâu mà có nhuận bút?

- Bài đăng số 888 đó! Mang tên tôi, nhưng thực ra là anh ấy viết.

 

* * *

Sáng ngày sau, tại quán cà phê, ông họ Dương chưa kịp ngồi đã trách:

- Ông hại tôi rồi! Có mấy đồng tiền, ông đưa cho vợ tôi làm chi?

- Thì công của anh sáng tác, nhuận bút tất nhiên là của anh…

- Nhưng mà lịch sử lặp lại rồi, không phải trong nhà anh mà ngay trong nhà tôi. Chuyện của tôi hồi xưa, tôi lấy ra cho anh mượn xài đỡ, anh lại lộ bí mật với vợ tôi, nói cho bả biết tôi viết làm chi, tùm lum hết trơn.

- Chị ấy cũng ghen à?

- Còn hỏi nữa! Bả vạch tội tôi là còn tơ tưởng đến cô tình đầu của tôi ở Đồng Tháp Mười.

- Trời đất!

- Tôi hỏi anh! Tôi thấy anh đắm thuyền tôi cứu bồ, đến phiên tôi chìm ghe sắp chết đuối rồi ai cứu tôi đây?

- Chị ấy đã làm gì với anh?

Ông Trần vừa nói vừa quan sát khắp người ông Dương xem có vết bầm nào không?

- Không! Nhà tôi bả ốm yếu, chẳng có đấm đá ngắt nhéo gì đâu mà còn hơn giết sống tôi. Phen này chắc tôi phải từ bỏ cái nghề viết lách, bỏ hẳn.

- Anh nói gì lạ vậy? Ba mươi mấy năm rồi cực khổ còn hơn lên núi tìm trầm đeo đuổi cái nghiệp văn chương, sao phút chốc bỏ được?

- Đành vậy chứ viết lách sao được nữa?

- Sao vậy?

- Bị kiểm duyệt! Kiểm duyệt từ trong trứng.

- Là sao?

- Bả buộc từ nay về sau muốn viết phải trình bày ý đồ sáng tác cho bả nghe trước, đồng ý rồi mới được viết, viết xong duyệt lại lần nữa mới đem ra xài.

- Eo ơi! Vậy còn hơn "kiểm duyệt bỏ" hồi thời Tây còn cai trị.

- Đó! Bây giờ anh sướng rồi! Anh ăn chè, ăn sầu riêng, còn tôi, tôi đang nhai ớt hiểm và khổ qua sống. Anh chuyển gánh nặng trên vai anh sang vai tôi…

Thương tâm quá, ông Trần bèn an ủi:

- Sếch-pia nói phải, không có ghen tuông làm sao có tình yêu đích thực. Biết đâu họa lại là phúc. Nhưng tôi dặn anh chớ có quẩn trí mà làm Ô - ten-lô nghe không?

- Làm sao tôi dám, với anh, đồng cảnh ngộ nói không sợ xấu hổ, suốt buổi chiều qua tôi phải tị nạn ở nhà Ba Trắc như anh di tản ra ngoài đồng một đêm để đời "trả lại cho tôi mùa đông" vậy.

Ông Trần hừ một tiếng:

- Chủ quán tính tiền!

Cô chủ quán hỏi:

- Sao tiền cháy xém góc hết vầy bác? Hỏa hoạn à?

Ông Trần giằng giọng:

- Không phải hỏa hoạn! Mà là cháy nhà…                   

 

 

Trần Kim Trắc
Số lần đọc: 2260
Ngày đăng: 18.11.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Lưới tình - Trương Hoàng Minh
Cái nhìn khắc khoải - Nguyễn Ngọc Tư
Những giọt nước mắt - Ngô Khắc Tài
Kiều Nương - Ngô Khắc Tài
Mơ thấy mùa đang tới - Nguyễn Ngọc Tư
Áo gấm đi đêm - Phạm Lưu Vũ
Cái tủ thờ - Trần Thôi
Ông chủ Mão hay truyền thuyết về loài mèo - Phạm Lưu Vũ
Hàng xóm - Nguyễn Đức Thiện
Góc vườn - Trần Thanh Giao
Cùng một tác giả
Cảm hứng (truyện ngắn)
Kẻ trộm tình (truyện ngắn)
Ông thối bà thiu (truyện ngắn)
Thư đi thư lại (truyện ngắn)
Nhà hiền triết (truyện ngắn)
Con cá bặt tăm (truyện ngắn)
Ừ đi! Ừ! (truyện ngắn)
Chuyện nàng Mimô (truyện ngắn)
Cảm hứng. (truyện ngắn)
Trực giác (truyện ngắn)
Con mắt thứ ba (truyện ngắn)