Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
704
116.675.809
 
Hàng xóm
Nguyễn Đức Thiện

Mới sáng ra mà nhà tôi có chuyện, vợ tôi tấm tức :

- Cái nhà này kỳ thiệt. Nuôi gà, ai cấm, nhưng mỗi ngày kêu người ta đến hốt phân đi. Hôi thối muốn chết được.

Tôi gàn :

- Thôi mà, ở đâu ra người mỗi ngày hốt phân cho người ta ?

- Trước đây chị Hai cũng nuôi gà, sao chị Hai mỗi ngày mỗi hốt được. Chẳng qua ông ta muốn bán một lần gom một cục tiền chớ gì.

- Thôi mà, em. Em muốn nói thì điện thoại nói với người ta . Em cẳn nhẳn, cằn nhằn chỉ anh nghe. Mệt chết.

- Vui chuyện nói nghe chơi vậy, anh nghe lỗ tai này cho qua lỗ tai kia đi. Nhớ làm gì cho mệt…

Đúng là nhớ làm gì cho mệt. Tôi về mảnh đất này ở đã được vài năm nay. Ngày mới về, mấy người xung quanh gặp ai cũng nói : may quá là anh về. Dẫu sao hàng xóm toàn người làm cơ quan cả, hiểu nhau dễ hơn. Có gì còn trông coi cho nhau. Chủ căn nhà này trước đây là một người đàn bà không có chồng. Bà ta nuôi một đứa con lai Mỹ đen. Khi bà ta sang Mỹ theo diện nuôi con lai, tôi tiếp quản căn nhà, rách còn hơn cái tổ đỉa. Khi mới về ở, tôi nghe người ta nói đủ điều về người chủ cũ. Ông bên này thì phàn nàn; bà ta ở bầy hầy, nhắc bà ta, bà ta đốt phong long, ném gạo, ném muối xả xui sang nhà mình. Cô nhà bên kia kêu ca : Đàn bà con gái gì mà nhậu nhẹt say sưa tối ngày. Khách khứa đâu không biết, giống như cái đám tụt tạt, đầu đường xó chợ, thấy mà ghê. Có nghĩa là nhà cũ của tôi là một người rất đáng ghét đối với bà con lối xóm ở đây. Và tôi coi những lời mách bảo ấy, giống như một lời răn đe, phải sống cho biết điều.

Sống cạnh tôi có tới bốn nhà. Hông bên phải nhà là hai gia đình viên chức ở Uỷ ban thị xã. Cả chồng, cả vợ cùng làm viên chức. Sau lưng nhà tôi là một anh nhà báo có bà vợ  làm cô giáo. Hông bên trái nhà là một cán bộ thương mại. Trước anh ta làm trưởng trạm ở một trạm cửa khẩu biên giới, nay về làm ở Công ty xuất nhập khẩu. Xét ở một góc độ nào đó thì kể cả tôi nữa, góc xóm này là một góc toàn những công chức, thật dễ sống với nhau, nếu biết điều.

Người biết điều thứ nhất là một ông hàng xóm hông bên phải nhà. Ông không sang nhà tôi chơi, nhưng một hôm, khi đi qua, thấy tôi đang lui cui trồng mấy cây kiểng, ông dừng lại và kêu

- Chú hôm nay không đi làm sao ? Việc như chú sướng thực. Thích làm giờ nào thì làm. Không thích, ở nhà. Tôi ước được như chú quá. Từ hôm chú về, đã tính sang chú nói chuyện, nhưng bận quá, không sang được. Nhân tiện gặp chú đây, tôi nói chú nghe chuyện này và chú thông cảm dùm tôi. Chú biết cánh viên chức tụi này lương lậu bết bát lắm. Tôi có nuôi thêm bầy heo. Mà nuôi heo thì chú biết đấy, thôi thì trăm sự mong chú thông cảm chịu đựng một thời gian, khi kha khá lên tôi chuyển việc khác…

Khi người ta đã lên tiếng như vậy lẽ nào còn làm khó dễ cho người ta. Tôi ngậm miệng, ngậm ngùi gật đầu, mặc dù trong thâm tâm chẳng muốn một chút nào.

Năm năm liên tục, nhà tôi phải chịu đựng những cảnh mà mình không hề muốn. Tiếng heo rức lác tối ngày. Nhưng tiếng heo còn đỡ khổ. Nó có rức lác thì cũng có giờ. Còn mùi phân heo thì chẳng câu nệ giờ giấc gì cả. Bất cứ lúc nào cũng có thể tràn ngập khoảng không gian, vốn rất phóng khoáng tự do kia. Cho đến một hôm, không còn chịu đựng được nữa, tôi mới viết một bức thư. Nói viết thì không đúng, là tôi ngồi vào máy vi tính, giở ngón nghề ra, trình bày một văn bản được xem là dễ coi và biết điều nhất. " Kính gởi anh Nhâm ! ( Tên của ông ta là như vậy ). Kính thưa ông, cách đây năm năm, khi tôi mới về đây, ông có nói rằng hoàn cảnh của ông quá khó khăn, nên phải nuôi heo. Ông cũng có nói với tôi là : thông cảm chịu đựng giúp ông một thời gian, đợi khá khá lên ông chuyển làm việc khác. Đã năm năm rồi thưa ông. Nhất là bây giờ, thằng con tôi đã lớn, nó đã ngủ riêng một phòng. Cái phòng ấy nó lại quá gần với dãy chuồng heo nhà ông. Mỗi lần mở cửa, hơi phân heo bốc lên, xộc thẳng vào phòng nó. Tội nghiệp nó quá phải không ông ?…"

Không thấy ông trả lời, nhưng mấy ngày sau, thấy lái heo chạy mấy cái xe lôi vào nhà ông. Bên này, nghe tiếng heo la mà tôi mừng. Chao ơi, thoát nợ rồi. Thoát nợ rồi. Nửa tháng trời sau đó không tiếng heo rức lác, không mùi phân heo nồng nặc, cũng thấy thiếu thiếu một cái gì. Ở ngoài Trảng Dài có một dãy lò làm củ mì. Đến mùa là cả khu vực ấy thúi rùm vì nước thải từ lò củ mì chảy ra. Nói không ngoa, thúi không khác gì phân người. Cách đây ít lâu, nhà nước buộc mấy lò mì ấy rời đi nơi khác. Nghe nhiều người nói lại, cả dãy nhà ấy mấy tháng trời không ai ngủ được.

 

 

Hỏi thì họ bảo, đêm không nghe cái mùi thúi thúi  kia, ngủ không ngon. Hôm nay, có thể chứng minh được tí chút. Hơn năm năm chịu đựng mùi cứt heo, bỗng nhiên mất đi, đúng là cũng thấy thiếu vắng, hơi lạ.

Một hôm ông chủ nhà hông phải lại qua cửa nhà tôi, lại thấy tôi đang chăm mấy cây bông kiểng, ông đứng lại và gọi tôi :

- Hôm nay chú không đi làm hả ? Chú sướng quá ta. Tôi thèm được thảnh thơi như chú quá. Nhưng hoàn cảnh tôi nó kẹt. Chú thấy đấy, ba đứa con, nó ăn, nó học. Hôm nhận được thư chú tôi xúc động. Ăn ở như chú thực hết chê. Nên tôi rã hết bầy heo, dồn vốn làm việc khác.

-  Chứ anh tính làm gì bây giờ

Tôi hỏi mà ái ngại cho anh. Sống ai mà chẳng có hoàn cảnh éo le. Vài chữ thôi mà làm cho người ta mất cái nghề kiếm sống, liệu tôi có quá nhẫn tâm ?

Anh cười rất tươi :

- Tôi nuôi gà, chú ạ. Gà công nghiệp. Rã bầy heo được gần ba chục triệu…

Nghe anh nói đến đó tôi há hốc mồm kinh ngạc. Trời đất ! Những gần ba chục triệu, bằng sáu năm lương của tôi, bằng tám năm lương của vợ tôi. Tôi tự gằn mình; không được ghen tỵ. Anh ta siêng năng, giỏi giắn thì anh ta được. Mình kém thì mình thua.

Anh ấy vẫn đang cười :

- Tôi tính nuôi khoảng nghìn con gà đẻ, thêm nghìn con gà thịt, mới hết hơn chục triệu tiền vốn. Nuôi thế thôi. Còn dành tiền mua cho các cháu của chú cái ti vi, mua cho mẹ nó cái Hon-da bèo bèo, nay mai đi bỏ trứng gà…

Tôi giả lả nói cười với anh cho vui, còn trong bụng cứ nghĩ : không biết mình làm gì ra được tiền nhiều nhiều một chút như anh.

Nửa tháng nữa lại trôi qua. Nhà ông hông bên phải quả là không làm phiền tôi bằng những tiếng động nhức tai nữa. Nhưng cái khoảng không phóng khoáng kia lại ngập tràn một hương vị khác : cái mùa tanh tanh, nồng nồng, khen khét….không lúc nào dứt, không lúc nào hết, giờ ăn, giấc ngủ, mùi phân gà lúc nào cũng vương vấn, phải hôm trời mưa, mùi nó xộc lên, dọng vào lỗ mũi, xốc vào tân phổi, mắc ói. Cũng đành nhắm mắt làm ngơ, biết sao giờ. Anh đã báo trước cho tôi rồi còn gì. Chắc lại phải một kế hoạch năm năm nữa chịu đựng….

*

*              *

 

 

Chưa bao giờ  tôi chứng kiến một cuộc cãi lộn dữ như thế giữa hai người đàn bà. Một người ở kế hông trái nhà tôi. Bà kia ở  nhà đối diện con hẻm chạy qua trước nhà tôi. Tôi quên chưa kể. Cái nhà tôi ở nằm trong hẻm. Thì người yếu đâu có dám ra gió. Mặt tiền đường lớn, tấc đất tấc vàng, loại công chức hạng tầm tầm như tôi, ra mặt tiền chỉ là mơ ước. Những người ở góc xóm tôi cũng giống như tôi vậy, sau này không biết ra sao, chứ khi dọn về đây ở toàn là những người không dám với cao. Với lại ở hẻm ngoài thị xã là tốt lắm rồi. Cho nên, dãy nhà mà chúng tôi ở, tất cả đều nhìn vào lưng của dãy nhà ngoài con lộ lớn, trung tâm thị xã. Nhà kế hông trái nhà tôi cũng nhìn vào lưng một nhà ngoài lộ lớn.

Một nhà chuyên nghề rửa xe, vô dầu nhớt. Phía sau lưng nhà đó lênh láng nước. Nhà cầu xí, nhà bếp….thảy đều chìa lưng vào nhà hông trái nhà tôi. Có một hàng rào được che bằng những tấm lợp xi măng cũ, cũng giấu đi được phần nào những thứ tạp nhạp của mặt hậu. Có lẽ vì thế mà nhà kế hông trái nhà tôi khó chịu vì cái thế ở phía sau, nên lâu lâu hai nhà lại chửi chó mắng mèo, nghe cứ tức anh ách. Nhưng lần này thì không phải chửi chó mắng mèo nữa, mà là chửi thẳng vào mặt nhau. Cả hai đều thành mặt chó, mặt mèo hết.

Chuyện từ sáng sớm đã bắt đầu. Số là, ngay góc đường chỗ tiếp giáp hàng rào giữa nhà tôi và nhà hông trái lâu nay hình thành một đống rác. Toàn là rác nhà bên ấy đổ ra. Hai ba ngày, sáng sớm bên nhà ấy lại có một đứa con gái chừng mười bảy, mười tám ra đốt. Con nhỏ ấy đốt khá cẩn thận. Hình như nó biết nó làm cái việc ấy không mấy tiện, nên nó ngồi đốt cho xong đống rác mới vào nhà. Nó cơi lửa cho bốc cao, cho cháy lớn ngọn, khói không bốc lên được. Nên không ai phiền lòng. Hoặc có phiền, cũng chỉ trong giây lát. Nhưng hôm nay, hình như con nhỏ đi vắng, việc đốt rác dành cho bà chủ nhà, nên mới có chuyện. Nhà bên ấy mới sửa xong. Có lẽ vì không muốn nhìn mãi vào cái hậu nhà phía trước, nên bên ấy làm thêm một gian nữa ra góc bên kia. Nói cho ngay, khi bên ấy làm gian nhà kia, tôi cũng mừng mừng. Tuy ở trong hẻm nhưng nhà ấy cũng làm theo kiểu nhà ống, dài thượt từ trước về sau. Phía sau cùng là bếp ăn. Chỗ ấy có một cọc rào, bao nhiêu thứ vỏ tụ vào đó. Vỏ trái cây, vỏ hộp lon. Trăm thứ vỏ, và rác khi chưa kịp mang đổ ra ngoài. Thứ treo trên, thứ ném xuống đất, tiện thể có khi còn rớt sang nhà tôi. Mấy con chó nhà tôi còn nhỏ nghịch phá, lôi ba cái thứ rác rến ấy về nhà làm vợ tôi cẳn nhẳn, cằn nhằn khó chịu.

 Mà không cằn nhằn không được, nhiều khi nó tha cả về  một cục Softina ai đó đã dùng, quăng ở giữa sân. May mà chỉ vợ tôi thấy, nếu phải tôi, chắc vài ngày tôi không dám đụng đến chén cơm. Gian giữa chắc là gian dành để ngủ , có một cái máy điện thoại. Bà chủ bên ấy nói chuyện điện thoại có cách lạ lắm. Không la lên không được. Sao xe về tới đây rồi ? Chậm rì hà. Anh còn muốn lái xe cho tôi nữa không thì biểu. Làm ăn thế này chết cha người ta rồi. Sao, bà nói vậy là sao ? Bữa bà đến vay bà đâu có nói vậy ? Tôi không biết.  Đúng ngày tôi cho người đến nhận. Không có, bà biết tôi sẽ làm gì chớ. Alô. Dạ anh hỏi ông xã nhà em ạ. Dạ ảnh đi công tác. Chuyện ấy anh khỏi lo. Ông xã nhà em biết chơi mà… Cứ thế, nhà tôi nghe đủ. Chuyện làm ăn, chuyện giỡn chơi, chuyện cáu bẳn…Gian ngoài cùng đúng là gian giải trí. Trước đây thì cái Radio cassette. Đúng mười hai giờ trưa hầu như tất cả các đài phát thanh địa phương ở các tỉnh Nam Bộ đều rỉ rả những câu cải lương. Cái loa công suất lớn bên ấy ít nhất cũng mở ba phần tư, oang oang, lói chói.

Sau này, khi karaoke trở thành mốt, thì bên ấy cũng sắm một dàn, dành để chơi trong nhà. Có một cậu con trai, có thể ngồi vài tiếng bên máy để chỉ hát  có một bài :

Cắt nửa vầng trăng

Tôi làm con đò nhỏ

Bẻ đôi câu thơ

Chặt đôi câu thơ

Tôi làm mái chèo lướt sóng

Nghe đâu có lúc cậu ta đã mang bài hát này đi thi Karaoke của thị xã, nhưng rớt. Còn một bầy con nít chừng mười mấy tuổi, thích làm Phương Thanh, cũng gào thét và chắc gân cổ cũng cuồn cuộn nổi như vận động viên thể dục thể hình vào trận chung kết …

Nay tất cả những cái đó sẽ được chuyển sang góc bên kia, đỡ biết mấy. Xin trở lại với chuyện hai người đàn bà đại náo xóm tôi. Khi sửa nhà xong, bao nhiêu những thứ loại ra có thể đốt được đều được nhà hông trái nhà tôi tuồn ra đống rác quen thuộc góc đường. Thôi thì đủ thứ. Chổi cùn, giẻ rách, cành cây tỉa ra, giấy lộn…Tất cả những gì không thể xài được nữa đều được dồn ra đó. Người nổi mồi lửa đốt là bà chủ. Lúc ban đầu lửa cháy cũng dữ dội lắm. Tưởng như có thể lan sang cả mảnh vườn bỏ hoang kế bên, nhưng, sau đó những thứ hổ lốn trong đó không đủ khô cho lửa  bén. Thế là nó âm ỉ, âm ỉ hoài không bốc lên được. Có lửa thì có  khói.

Khói bốc lên trắng xoá và thật xui rủi, ngọn gió hôm nay cứ mang khói lùa sang nhà có mặt chìa ra mặt tiền. Đầu tiên thì cũng tử tế lắm. Bà chủ nhà bên kia gọi vọng sang :

- Chị Thoa ơi. Chị làm ơn coi dùm đống lửa. Khói quá hà…

Bà chủ bên này làm ngay một câu :

- Đốt lửa thì có khói. Coi cái gì bây giờ…

Bắt đầu chỉ là như vậy, nhưng rồi dây cà ra dây muống, chẳng biết ai đụng ai trước mà thành lớn chuyện. Mày đừng cậy mày có tiền mày khi dễ người ta nghe. Tao đốt đây là đốt ngoài đường, ngoài xá, chớ có đốt nhà bay đâu mà bây làm dữ. Chớ mày tưởng mày có ô có dù mà tao sợ mày ư. Cái thứ làm cách mạng ba mươi tháng tư như nhà mày ăn hiếp được ai. Mày tưởng người ta không biết mày làm gì có tiền hả. Mày buôn bán đường biên giới, làm cho nhà nước thì ít, làm cho riêng mày thì nhiều. Cái gì có lời thì làm cho mày, còn cái gì lỗ lã, dành cho nhà nước. Tao nói, sẽ có ngày trời có mắt. Còn mày, mày tưởng mày hay hả ?. Với mày đồng tiền có nhỏ đâu. Mày ỷ y, mày cậy quyền cậy thế, mày khinh rẻ người ta. Ai, chứ tao khỏi có sợ đi. Ờ thì tao buôn lậu, tao cho vay nặng lãi, tao lợi dụng nhà nước kiếm ăn. Không thằng nào con nào biết tao đâu có sợ. Còn mày, mày ăn thực làm dối. Tội lòi con mặt ra đó nghe con. Mày tưởng mày giấu như mèo giấu cứt mà người ta không biết hay sao. Người ta chớ có phải trâu chó đâu mà sống chẳng biết gì đấy ai vậy chớ…

Quả thực, tôi ít tiếp xúc với cánh phụ nữ, nên chẳng biết giọng  bà nào với bà nào, nhưng cứ lọc trong mớ hổ lốn những câu rủa xả kia là có thể biết ai đang chửi ai. Hình như có một ai đó hụt hơi không còn tiếp tục cuộc khẩu chiến nữa. Im lắng đến nhẹ người. Có tiếng điện thoại reo trong nhà tôi. Tôi lật đật chạy vào :

- A lô , ai đó ?

- Dạ em, Thêu đây ạ.

Chết cha, bà chủ nhà ngoài mặt tiền. Lạy Chúa, đừng có kéo tôi vào cuộc nghe. Có gì không Thêu ? - Tôi hỏi.

- Em tức quá anh Tiệm ơi. Đường qua lại mà nó xem như hố rác nhà nó không bằng. Nhìn cái mặt câng câng của nó em không chịu nổi. Thôi anh tính sao thì tính. Cái đường nước qua nhà em đó một mình anh đi thôi. Em không chịu để nó đi chung với anh. Anh còn để đường nước chung với nó em đào lên em bỏ đi đó…

Khổ rồi trời ơi. Cái nhà rửa xe ấy mới về ở đất này thời gian gần đây. Cái đường nước có từ trước.

Lúc Xí nghiệp Cấp thuỷ kêu tôi vô nước máy để xài, không đủ tiền, tôi mới kêu nhà kế bên hùn vào, cùng đi. Lúc kéo, đường nước của chúng tôi qua khu đất trống, nên hỏi xin qua cũng dễ. Khi nhà rửa xe về lập nghiệp, họ xây nhà, xây tường ngăn các lô nhà, thế là dính đường nước của chúng tôi. Điều đình hoài, nhà ấy cũng đồng ý cho qua với điều kiện thay toàn bộ đường ống mới và đi sát cặp bờ tường. Cũng đành phải làm chớ sao. Nay đùng một cái, cho một người không cho người kia. Tôi bèn giở hết vốn nghề ăn nói ra, xin lỗi cũng phải xúc phạm nhà bên cạnh một chút, chỉ mong được việc cho mình. Làm lại đường ống nước, bảy tám trăm nghìn, chứ ít gì…

- Thêu này. Theo anh ấy mà, mình chấp làm gì. Nó đã không biết điều, mình chấp nó, chẳng hoá ra mình còn không biết điều hơn sao.

- Nhưng mà em tức lắm. Em góp ý cho nó thôi, chớ có ăn thua gì với nó đâu mà nó…

- Thôi mà. Chớ bây giờ em đòi đổi đường nước không chết nó, mà chết anh…

Bỗng có tiếng la chỏi trời làm tôi thất kinh :

- Cắt đi, cắt đi…. Các người tưởng tôi cần lắm hả. Không có nước máy, khoan một cái giếng, vài triệu bạc là cùng chớ gì. Mấy hồi…

Cứ cái đà này chắc là tôi phải vào cuộc quá. Lần đầu tiên, tôi hiểu thế nào là : im lặng là vàng. Tôi hạ cái máy điện thoại xuống, thật khẽ, sợ bên kia nghe thấy, lại tưởng tôi dằn dỗi, tỏ thái độ. May quá, không ai kêu tôi nữa. Nhưng tôi cứ canh cánh lo. Lỡ bên bà chủ nhà ngoài mặt tiền làm thật, đòi tôi bới móc đường nước lên, thay đường nước khác thì gay.

Chuyện ấy cứ ám ảnh tôi tới mấy ngày, nhưng rồi cũng không thấy ai nhắc đến nữa, tôi cũng thấy  yên lòng.

*

*              *

Một buổi chiều , tôi bỗng nghe tiếng gọi :

- Ông Tiệm ơi.

Tiếng gọi từ phía sau nhà. Tôi thưa và chạy ra. Anh Hàn, người chủ nhà ngay sau nhà tôi đang đứng ở bờ rào chờ tôi. Anh đưa sang cho tôi một nải chuối già :

-Cho mấy đứa trẻ. Chuối nhà trồng. Sao, độ này có gì mới không ?

- Cũng chẳng có gì. Còn anh. Mấy hôm rồi thấy anh trên truyền hình. Cực quá hén, anh Hàn. Chuyện toàn chuyện thiên hạ mà cứ phải đi hoài…

- Cũng là cái nghiệp mà anh.

- Chớ mỗi lần anh lên truyền hình như vậy được bao nhiêu tiền ?

- Làm gì có tiền.

- Không có tiền ?

Tôi ngạc nhiên, thốt lên và nhìn anh. Một thân hình không lấy gì làm khoẻ mạnh lắm. Mái tóc đã bạc. Hai mắt chỉ còn bóng dáng của cái vẻ tinh anh. Tôi đã từng thấy anh lặn lội trong rừng sâu. Thấy anh trong một xóm nghèo trên biên giới. Thấy anh giữa một cuộc cưỡng chế thi hành án mà người ta lăn xả vào nhau, đòi sống chết. Là thấy trên truyền hình. Anh đến những nơi ấy, để nói lại với những người chưa từng đến đấy biết rất nhiều chuyện. Nỗi oan của người này, nỗi khổ của người kia. Toàn là những chuyện đụng chạm, không đụng chạm tới người này cũng đụng chạm đến người khác. Nghe anh phê phán cánh xe đò, lo cho anh bị đám cò mồi chặn đường. Nghe anh vạch vòi chuyện sai trái của chính quyền nơi này hay nơi khác, lo anh bị trù dập. Thấy anh chỉ ra những thói hư tật xấu của người này, hay người kia, nhiều khi đụng chạm cả đến những thành phần bất hảo trong xã hội, lo có một ngày nào đó thân xác anh bị xúc phạm. Vậy mà không có tiền….Anh chỉ cái hàng rào biểu tôi :

- Có lẽ hôm nào mình phải tính đến cái ngã ba biên giới này quá.

Không phải ngã ba, mà là ngã tư. Đó là nơi tiếp giáp của những hàng rào của bốn nhà. Trong đó có hai nhà tiếp giáp với tôi, một nhà chỉ dính với tôi một cái đỉnh góc vuông của hàng rào. Ngay tại góc đó có thể ghi nhận được một sự tranh đấu thầm lặng. Trước hết là bên nhà tôi, tôi xây một cái hồ cái gần sát bờ rào. Rẻo đất còn lại không đầy nửa mét, tôi trồng vào đó một cây sa ri. Thêm một cây trứng cá. Cây trứng cá lớn nhanh như thổi xoè tán sang cả nhà bên. Góc bên nhà anh Hàn, có một cây me. Cây me lớn không thua gì cây trứng cá nhà tôi và cũng xoè tán sang cả nhà tôi. Bên nhà anh viên chức thị xã trồng tới hai cây dừa và thêm một cây vú sữa thì hết chỗ vươn, chỉ có cái gốc nằm nhà bên ấy, còn toàn bộ tán cây che mát nửa cái sân nhà tôi.

Đến mùa chín, những trái vú sữa bên kia không hái được, còn tôi thì không dám hái, rụng đầy sân nhà tôi. Anh Hàn nói tính cái ngã ba biên giới này thì phải tính hết hai cây dừa, một cây vú sữa, một cây me, cây trứng cá, cây sa ri, chưa kể đến cái chuồng gà của cái nhà thứ tư, không  liên quan đến nhà tôi, nhưng lại sát nhà anh Hàn. Chà, xem ra phải làm một cuộc cách mạng chứ không chơi. Tôi hỏi Hàn :

- Vậy anh nói với những nhà kia chưa ?

- Chưa - Anh ngao ngán lắc đầu- Tại mình sống cứ biết điều với nhau hoài, một cành cây cũng không dám đụng đến, nên mới có cái ngã ba này.

- Này hay là anh làm một chương trình chuyên nói về những  ngã ba trên truyền hình coi- Tôi nói với anh.

Anh cười :

- Ăn nhằm gì chớ. Mình lo đi dọn cái ngã ba người ta, còn cái ngã ba nhà mình, ai dọn, khi chính mình không chịu dọn. Anh tưởng tôi nói những chuyện ngang trái trên truyền hình, cái gì cũng có người để ý, có người lo xử lý hay sao. Đùa. Mình nói, mình nghe. Khi nào nói ráo riết lắm mới có người hứa hẹn. Thôi nói ba cái chuyện ấy làm gì, đụng chạm chết. Này, cái ngã ba biên giới này, có lẽ phải bắt đầu từ tôi với anh trước. Tôi tính, cắt bỏ hết cái hàng rào này, xây cái chân lên chừng sáu, bảy tấc, mua kẽm gai khác, dăng cho nó thẳng thớm lại, anh tính sao?

- Được, chớ có sao đâu. Anh cứ chủ động làm đi, nay mai rồi mình tính…

Tôi giật mình.  Hình như tôi vừa nói cái câu của ai đó đã từng nói. Phải rồi, của cái ông nhà hông phải. Sau khi ông rã bầy heo, ông mua gà về nuôi thực. Cái mùi hôi hám từ cái chuồng gà nhà ông tuồn sang nhà tôi. Đã khó chịu, ông lại còn làm một cái thùng chứa phân gà ở góc vườn nhà ông. Khốn khổ khi làm cái thùng phân ấy sao ông không nhìn sang nhà tôi một chút, cái thùng phân ở góc vườn nhà ông thực, nhưng nó lại xéo ngay trước cửa nhà tôi.Tôi nhắc khéo ông. Ông lấy mấy cái vỏ bao đựng phân u-rê che lại. Nhưng thà đừng che. Mùi hôi phân gà đã không mất, lại thêm cái cảnh che che, đậy đậy, rách rưới, xộc xệch bầy ra trước mắt tôi hằng này, và cũng không giấu được những cặp mắt của các ông khách  của tôi. Nhiều ông thốt lên : Kỳ cục thấy mẹ, ông đi kêu môi trường đến nhờ người ta xử lý. Ở thế này, chịu sao nổi…Tôi lắc đầu : Hàng xóm với nhau, làm vậy kỳ chết. Để ít bữa nữa rồi tính. Ít bữa sau, tôi có gặp ông ta thực. Tôi đề nghị ông xây chung một bức tường, cao cao lên rồi ông muốn nuôi gì thì nuôi. Ông ta cười khì khì :

- Chú thông cảm , hoàn cảnh tôi nó quá khó khăn. Nếu chú thấy cần thì chú cứ xây đi, nay mai rồi mình tính với nhau…

Còn nói được gì nữa bây giờ. Ông ta không xây, không lẽ tôi bỏ tiền ra xây một mình. Mình làm cho cả ông ta hưởng, dại gì.

Vì thế mà cho đến nay tôi vẫn cứ phải chịu cái mùi tanh tanh, nồng nồng, ngay trước cửa nhà mình.

Và hôm nay, tôi nói lại đúng cái câu mà nhà ông hông phải nhà tôi đã từng  nói với tôi. Có điều khi tôi nói xong, anh Hàn không quày quả đi luôn như hôm ông hông phải nhà tôi trả lời trớt huốt với tôi mà còn nán lại chuyện thêm với tôi :

- Tôi đang nghiên cứu tâm linh anh Tiệm ạ.- Anh nói với tôi.- Thì ra chẳng có tâm linh tâm liếc gì cả. Sống hèn nhát quá phải trông cậy vào thần linh. Nhiều khi quá sợ sự thật, bèn trốn vào thần linh, rồi bảo đó là tâm linh. Toàn chuyện vớ vẩn. Anh có tin người ta sống chỉ có một phần là dũng cảm và thực tà, còn chín phần kia là giả dối và hèn nhát không? Anh tin không? Để tôi chứng minh cho anh coi. Bữa hai nhà cô Thoa và cô Thêu cãi lộn tôi mới chợt nghĩ đến chuyện này đây. Gặp nhau thì giả lả cười. Đến lúc gặp chuyện, chẳng tha chuyện gì mà không moi móc ra. Anh có công nhận với tôi, nhiều khi sống với nhau bực mình muốn chết, thậm chí muốn nhổ vào mặt nhau kìa, vậy mà vẫn cứ phải giả lả cười, vớ vẩn thật. Mà thôi, chứng minh khó lắm. Anh cứ tự ngẫm mà coi.

Nói đến đấy anh mới chào tôi và quay lưng vào nhà. Trên tay tôi, nải chuối anh cho bỗng nặng trĩu. Anh nói cái gì mà kỳ quá vậy ? Lại bắt tôi tự ngẫm mà coi nữa. Nhưng thôi, ngẫm mà làm gì . Mệt. Còn cả đống công chuyện, hơi đâu mà nghĩ đến  ba cái chuyện linh tinh . Ơ mà không linh tinh chút nào. Tôi bỗng nhớ đến chuyện cơ quan. Cơ quan tôi có thằng cha Phó giám đốc, ăn ở bầy hầy. Đi đâu gặp khách người ta tưởng lái heo. Chuyện ấy thôi không trách được, bản tính người ta vậy. Chuyện công việc kìa, bữa cậu thư ký đưa lên cho ông ta duyệt một số văn bản, trong đó có lá thư vợ của anh ta gởi lên lộn vào. Vậy mà khi nhận đám giấy tờ về, cậu ta phát hiện cả lá thư ấy cũng có chữ "duyệt" ở mộc góc. Hồi ông Giám đốc đi học, ông ta làm một bản tố cáo dài thượt, trong đó đủ mọi thứ tệ hại, rồi đi kêu gọi người này người kia ký ủng hộ. Ai dè, không ai ủng hộ giả. Ông giám đốc lại về nguyên vị. Thấy giã lại ra vào phòng Giám đốc và giả tuyên bố xanh rờn : Cơ quan này không có ông Giám đốc ấy không được… và thế là giả sống nhăn. Đâu có ai hỏi gì đến giã. Thì ra không phải người ta sợ giã, mà người ta  ngán cái ông trưởng phòng tổ chức Chính quyền có họ gần với giã đang tại chức. Giã làm ăn phát khiếp, có lúc nợ tới năm trăm triệu. Rủ rê bạn, lấy giấy tờ đất của ông già bạn thế chấp vay tiền ở ngân hàng, đến lúc đáo hạn, xém chút nữa thì người ta phát mãi nhà ông già bạn, và cũng xém chút nữa người ta đưa giả ra Toà vì can tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân. Chẳng biết cách nào giả thoát tội. Ngần ấy chuyện làm náo loạn dự luận, vậy mà khi bình xét, giã vẫn cứ là đủ tư cách đảng viên. May mà giả hết khả năng chi trả ba cái chuyện nợ nần, chớ không, không biết giã còn đủ tư cách đến bao giờ, và còn làm Phó giám đốc đến bao giờ. Đấy, chuyện lại vận vào tôi rồi. Suốt dạo đó tôi cũng rành những chuyện làm ăn bê bối của giả lắm, khi vào họp, đâu có giám nói năng gì.

Nói, lúc biểu quyết tư cách của tôi, giả không giơ tay thì sao. Không những thế lúc đó giả còn là bí thư nữa. Nói ra chết như chơi… Đời có những chuyện có phải lúc nào cũng nói được đâu. Tôi tức lắm cái chuyện hôi thối của cứt heo, cứt gà, vậy mà cứ phải biết điều sống, nói, sợ cãi lộn. Tôi cũng giận lắm cái chuyện ngã ba biên giới hàng rào, đêm dừa rụng choang xuống mái tôn nhà tôi rầm rầm, hoặc vú sữa chín rụng đen sân nhà, tôi cũng đã chửi đổng không biết bao nhiêu lần; rồi cái loa Karaoke nhà bên kia, đống rác góc rào trước cửa, hố phân gà góc sân, toàn là chuyện chẳng đặng đừng, song cũng chẳng dám hó hé lên tiếng cùng ai. Nói ra, thấy hình như mình bị xúc phạm trước. Không lẽ tôi cũng là kẻ hèn nhát ?

*

*       *

Nhưng có lẽ, ít nơi  nào có cuộc sống yên ả như góc xóm này của tôi. Những chuyện như tôi kể ra trên đây chỉ là những ví dụ về những phức tạp vốn có của bất cứ xứ sở nào. Những cây dừa, cây trứng cá, cây me, cây vú sữa cứ trổ cành, nở hoa và kết trái ở góc của hàng rào. Sân nhà tôi mùa vú sữa có trái chín rụng nhưng không bị dập, có thể lượm mà ăn được. Mùi cứt gà vẫn lan toả, ngay cả vào lúc tôi đang viết những dòng chữ này. Cái dàn karaoke đã chuyển sang góc bên kia, không làm tôi nhức đầu vì cái cậu thanh niên cứ đòi "bẻ đôi câu thơ,chặt đôi câu thơ" nhưng biết đâu làm thích thú người tiếp giáp ở bên kia. Vẫn thấy anh Hàn đầu bạc tối tối lên Truyền hình : "Thưa quí vị và các bạn", thấy anh lý sự về giả dối và hèn nhát tưởng anh sẽ cho người xem thấy nhiều chuyện êm ái hơn, ai dè, cũng toàn là những chuyện dễ giận.

Thế mới biết cây đời đúng là xanh tươi thực.

 

 

Tây Ninh 7/2000

Nguyễn Đức Thiện
Số lần đọc: 3621
Ngày đăng: 08.11.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Góc vườn - Trần Thanh Giao
Người đàn ông đi tìm thần chú - Trần Thôi
Sông quê - Trần Thôi
Tiếng vọng ngàn xưa - Bùi công Ba
Bập bùng giai điệu - Hồ Tĩnh Tâm
Dòng sông tuổi thơ - Hồ Tĩnh Tâm
Có căn phòng sáng đèn - Nguyễn Đức Thiện
Hồi ức Xóm Nghĩa Địa - Ngữ Yên
Đêm đợi lũ - Hồ Việt Khuê
Xuân về, trên nhịp cầu Quay - Dương Ðình Hùng
Cùng một tác giả
Không thể đùa (truyện ngắn)
Ban bè một thuở (truyện ngắn)
Tấm kiếng rạn nứt (truyện ngắn)
Hàng xóm (truyện ngắn)
Mẹ (thơ)
Kịch (truyện ngắn)
Bến cây ổi (truyện ngắn)
Lu Lu (truyện ngắn)
Gío (thơ)
Một khoảng xô bồ (truyện ngắn)
Ông lão bán chim (truyện ngắn)
Cái nợ đồng lần (truyện ngắn)
Giữa vòng vây (truyện ngắn)
Chuyện con ruồi (truyện ngắn)
Tiếng gõ cửa (truyện ngắn)
Đêm (thơ)
Bàn về Thơ (tiểu luận)
Mái tóc ngày xưa (truyện ngắn)
1111 (thơ)
Sông em (thơ)
Trăng cuối tháng (truyện ngắn)
Góc Rừng (truyện ngắn)