Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
855
116.639.264
 
Cái nợ đồng lần
Nguyễn Đức Thiện

Quán cà phê cạnh ngã ba đường. Vắng teo. Chỉ có bốn người. Cô chủ quán mập ú. Một ông khách không mập, không ốm, không thấp, không cao, có khuôn mặt ngựa , dài đuột. Một người không phải khách mà là một thợ sửa xe đạp, Không ai sửa. Ông ta kéo ghề quán ra ngồi cạnh đống đồ nghề. Một thân hình lực lưỡng, khoẻ mạnh. Cuối cùng là thằng bé bán vé số không đoán được tuổi vị mặt thì xạm đen, răng cỏ phô ra vàng khè, ở trần, ngực lép và chiếc tà lỏn phô ra cặp chân như cọng sậy.

 

Tập vé số chìa vô mặt ông khách ngồi trong quán:

-Mua vé số anh, còn có muời một tấm anh mùa giùm.

- Sao chỉ còn có mười một tấm…- Ông khách nhấm nhẳn.

-Dạ con bán gần hết rồi. Suốt sáng đến giờ chạy nháo nhào mới bán được đó thưa chú . Chú mua giùm nghe.

- Cô Cúc nè. Còn mười một tấm vé số. Số gánh không hè. Mua không , cô năm tấm, tôi sáu tấm. Mua không?

- Thôi dành hết cho anh đi, anh Qúy . Em chưa tới số đâu.

- Rồi. Chiều nay xổ trúng đừng có ân ận nghe. Nói thiệt với cô, tôi mà trúng số, tôi đốt quách cái quán cà phê này của cô, dựng cho cô cái qúan mới. Chịu không?

- Dóc tổ không hà. Trúng số anh lo cho anh đi. Một thân, một mình, bày đặt.

- Ê , một thân một mình cho sướng. Tay làm, hàm nhai, chẳng phải lo toan gì cho ai hết, thế không sướng hay sao. Mà thôi, đi đi mày, tao không mua nữa. Tạ từ những hy vọng hão huyền.

- Chú, chú mua giùm con đi mà.

- Tao đã nói không là không.

 

Thằng bé bán vé số nhận lại tập vé số và thủng thẳng quay ra đường. Hai chân như cọng sậy của nó cuốc trên đường vẻ như mệt mỏi.

Đuổi được thằng bé bán vé số đi rồi, Qúy lấy thêm chiếc ghế bỏ không,đặt ra trước mặt, duỗi thẳng hai chân lên chiếc ghế ấy và ngửa cổ nhìn đâu đâu ra ngã ba đường trước mặt. Gã muốn im lặng, nhưng cái miệng gã giống như có một sơi dây thần kinh kích động khiến gã lại phải lên tiếng:

 - Này, ông sửa xe đạp. Không có khách, vô uống cà phê nói dóc chơi.

- Anh gọi tôi là Tám. Còn anh là Qúy phải không?

- Phải. Ai không biết ông là Tám. Nhưng ông coi , cái xứ Nam bộ này có bao nhiêu người thứ Tám như ông. Kêu Tám nó lộn nhào hết lên, cứ ông sửa xe gọi cho tiện. Tôi hỏi  ông, như ông và tôi bây giờ ai sướng hơn ai. Ông nói thử coi.

- Ông nói chuyện tào lao đâu. Tôi biết ông sao, ông biết tôi sao mà so sánh.

-Thì ông có vợ có con. Nghèo túng nên mới phải ngồi sửa xe kiếm tiền mà lo cho vợ cho con. Còn tôi hả. Một mình. Làm cái tiệm vẽ quảng cáo. Trúng một tấm biển, cắt được mấy tấm can đủ sống mấy ngày. Một mình có sướng không nào.

- Tôi cũng một mình.

- Trời đất. Xin lỗi ông nghe. Cô Cúc. Cô cho tôi ly cà phê đen nữa coi. Cho ông anh tôi một ly để tụi tui trò chuyện với nhau một bữa cho đã coi. Thiệt tình trời chẳng có mắt chút nào hết. Người như ông và tôi sao phải cô đơn chớ. Ông trỗ trượng, cao ráo , đẹp tướng thế kia mà một thân một mình thì lạ thiệt. Như tôi, ốm nhách, răng chìa thế này biểu gái nó chê không lấy làm chồng thì đã đành, còn ông thế kia. Thì lạ thực…

- Có gì đâu mà lạ anh Qúy.- Cô chủ quán xía ngang- Đời trước mấy người không nợ ai, thì kiếp này mấy người cũng chẳng nợ ai, có gì đâu lạ…

- Không phải vậy đâu cô chủ quán ơi.- Ông Tám cãi lại - Có người muốn mắc nợ mà không nợ được đó. Cô hiểu không?

-Nè, ông anh. Ông anh nói cái gì nghe lạ vậy. Trên đời này ai mà ngu tính đến chuyện mắc nợ chớ. Như tôi nè, tôi vô tư, sống chẳng nhờ ai, chẳng phải lo cho ai. Mà ông nữa. Mắc mớ gì mà phải đầy cái thân ngồi ven đường sửa xe vầy nè. Mỗi miếng vá ruột mấy đồng. Xiết con ốc mấy đồng? Ôi da…thà nghỉ nhà cho khỏe. Ông làm riết rồi được gì chớ. Trong lúc xe máy người ta chạy ì xèo, ông lại đi sửa xe đạp. Nghèo kiết là phải.  Tôi thèm được học một lớp huấn luyện tham những quá. Ai mà mở lớp đó tôi theo học liền. Một cú thôi là sống cả đời…

- Học ngay tôi nè.

- Học ông?

-  Không đáng để học sao?

- Cô Cúc , ổng nói vậy là sao?

- Thì ổng nói vậy là vậy chớ sao? Ổng mới ra khỏi nhà tù về cái thứ mà anh muốn học đó.

Qúy chợt hạ giọng, nói khẽ:

- Trời đất, có chuyện ấy sao. Mà sao cô không nho nhỏ cái miệng , cứ ong ong nói cái chuyện nhục nhã khổ sở của người ta ra chớ…

- Có sao đâu. Lúc Anh Tám ra ngồi nhờ  trước quán cà phê này của em mà sửa xe, ảnh nói rõ rồi mà. Anh còn định làm cái biển: " hiệu sửa xe của kẻ tham nhũng đi tù về " nữa kìa. Em gàn hòai, ảnh mới thôi đó…

- Lạ thực, lạ thực. Anh Tám, anh tính làm vậy thiệt sao. Mà làm vậy để làm gì chớ.

-Để thiên hạ biết tôi là người như thế nào.

Ông Tám cười ngất, cười đến trào nước mắt, tiếp:

- Mà còn để nói với thiên hạ tôi là thằng ngu nhất xứ nữa kìa.

- Trời đất. Thiệt không ai như anh đó.

- Phải rồi. Đúng là không ai như tôi thiệt. Hết chiến tranh thì làm kinh tế. Làm kinh tế theo kiểu  chiến tranh. Chiến tranh không dính miếng đạn nào. Làm kinh tế, thương trường bắn cái ẹo. Chết ngắc…

Cô chủ quán cà phê chen lời

- Thì cũng tại anh Tám chớ tại ai?

-Thì tôi có tránh ai đâu.

           

Qúy ngồi nghe mà hai mắt trố tròn, chẳng hiểu cái gì. Gã gặng hỏi:

-Anh nói chuyện gì đâu đâu, tôi chẳng hiểu chút gì cả. Nói kỹ kỹ tôi nghe thử coi. Xem tôi có học anh được trang nào không?

- Anh có muốn ngu thì học. Nhưng không sao. Để tôi nói cho ông nghe. Ông có biết cái lúc mủ cao su bị hạ giá đến mức chót không? Từ hai ba ngàn một lít xuống không còn nổi một ngàn đồng một lít đó. Mà thôi, anh  làm sao mà biết được. Lúc đó, không ai ngừơi ta đến xứ này mà mua mủ cao su hết. Phải mang bán sang Trung Quốc. Bán chui, ông hiểu không. Đi đường tiểu ngạch. Được cả chục chuyến chớ it a. Đùng một cái, bên Trung Quốc nó cũng từ chối không nhận hàng nữa. Bạc tỷ trên một chuyến tầu biển. Công ty chết đến nơi chỉ vì một chuyến hàng đó thôi. Ông hiểu không? Làm sao mà ông hiểu được. Thua lỗ một chuyến đó nó sẽ lòi ra cả đống chuyện thua lỗ khác. Bao nhiêu năm. Năm nào công ty cũng hòan thành nhiệm vụ. Năm nào cũng có lãi trong kinh doanh. Mà tòan lãi trên sổ sách không hà. Lỡ mà mất chuyến hàng kia, thì nó bung hết mọi chuyện ra. Chết cả đám. Chuyện làm ăn buôn bán của công ty tôi diễn ra phức tạp lắm. Món hàng nào lời thì là hàng của cá nhân. Cứ dán cái mác công ty mà buôn bán. Món hàng nào không lời thì của công ty. Công ty nhà nước mà. Lỗ đã có người bao. Nên, chuyến cao su đó không thể lỗ, cũng không được để tồn kho. Mẹ kiếp, tự nhiên cái đùng, tàu chìm… Chìm vì sao, tôi làm sao biết.

- Ông nói dóc. Thì nó không bị sóng đánh , cũng bị húc phảu đá ngầm , chớ tự nhiên tầu chìm được ha?

- Nói dóc với anh làm gì chớ. Tàu nó chìm nghỉm dưới đáy biển đàng hoàng, dấu đi đâu được. 

 

Tôi mắc chuyện cái tầu chìm. Tôi được lệnh về ngay để xử lý. Xử lý gì đâu. Kêu tôi đi lo thủ tục bảo hiểm. Lo làm việc với thanh tra. Nhậu, nhậu liên miên. Những cuộc nhậu bạc triệu. Những chiếc phong bì mỏng tang, nhưng chất lượng cao. Mẹ kiếp thế là tôi vào dọ. Ba tội tất cả. Một: phó giám đốc kinh doanh , vô trách nhiệm làm chìn tầu. Hai, đưa hối lộ và ba, phi tang chứng của việc chìm tầu. Tội nào cũng ghê cả. Họ biểu tôi thế này:" Anh Tám. Anh hãy cứu lấy công ty, cứu lấy chúng tôi. Chúng tôi không để anh thiệt thòi đâu." Thì cứu, mã thựơng mà. Ra tòa nhận ráo trách nhiệm về mình. Tám năm. Ông chánh án tuyên một câu thôi, tôi bị cách ly với cuộc sống xã hội tám năm trời. Buồn lắm. Nhưng không buồn bằng chuyện nhà. Vợ tôi lên thăm tôi ba lần. Lần thứ nhất đầy nước mắt. Lần thứ hai nhiều nước mắt hơn một chút. Đến lần thứ ba nước mắt tràn trề. Ở trại giam hôm ấy…

Ông Tám ngậm ngùi nhớ lại buổi sáng hôm ấy ở trại giam Cây Cầy. Có lẽ trong đời, chưa bao giờ Tám thấy người đàn bà có nhiều nước mắt đến như  vậy.

Tám năn nỉ:

- Oanh, đừng khóc nữa em. Rồi anh sẽ được ra tù mà. Không lâu đâu. Anh sẽ cải tạo thực tốt để về với em. Với các con.

            Oanh càng nức nở hơn:

- Anh có biết là em khổ lắm không?

- Biết, anh biết mà.

- Mà anh có biết là anh đã làm khổ em không ?

- Anh biết. Nhưng cũng đã có một thời gian anh cho em một cuộc sống sung túc kia mà.

- Cám ơn anh. Nhưng cuộc sống ấy nó giống như một giấc mơ. Vụt đến. Vụt đi. Anh có biết bây giờ ở nhà người ta nhìn em bằng con mắt ra sao không? Khinh rẻ và miệt thị. Có người nói ngay sau lưng em: "An cho đã vào bây giờ thế mới đáng"," Ngày xưa vợ thằng phó giám đốc , nay là vợ thằng tù"…Thế đấy, nhục nhã lắm…

- Thôi mà em. Em ráng chịu đựng một thời igian nữa đi. Anh về, ta sẽ làm lại mà…

 - Chịu đựng? chờ đợi ? Làm lại…Liệu em còn sức không anh Tám?

- Vậy biết làm sao bây giờ.

- Anh tha cho em đi.

- Em nói gì anh không hiểu?

- Anh tha cho em đi…

- Là sao?

- Em đã làm đơn sẵn rồi. Anh ký cho em đi.

- Đơn gì?

- Đơn xin ly hôn.

- Trời đất ơi. Ly hôn?

         

Tám choáng váng , lặng đi ká lâu, mới lên tiếng được:

- Thôi được. Cơ sự này , anh cũng chẳng thể giữ  em được nữa rồi. Anh ký. Anh chỉ đề nghị em thế này: Tất cả những gì còn lại trong nhà là của em. Anh biết, sau khi kê biên tài sản vả thu nộp trả thất thoát sau vụ án, cũng con đủ để giúp em làm thành một cơ nghiệp. Em cứ lấy hết. Căn nhà của cha mẹ anh, đồ hương hỏa, em để đó để nay mai anh về thờ phụng những người đã chết. Còn đứa con. Nhất định em phải để nó cho anh nuôi khi anh về. Anh chỉ còn có nó làm nguồn an ủi. Trước mắt em gửi nó về bên anh Hai, hoặc chị Ba. Để nó sống ở đó. Nay mai anh về anh đón nó. Được không? Chắc em đã có người che chở rồi phải không?

-- Dạ. Anh thương em và rất thương thằng nhỏ con của chúng mình?

Tám la lên:

- Tôi cóc cần ai thương thằng nhỏ hết. Để đó cho tôi. Cô rõ không?

Anh công an giật mình, nhắc:

- “Một trăm tám lăm” ! Yêu cầu giữ đúng thái độ.

Tám bối rối:

Thưa cán bộ. Em xin lỗi

Nhưng vẫn còn chút chua cay, Tám Nói tiếp với Oanh, giọng cay nghiệt:

- Đời chó đến thế là cùng. Thôi cô về đi. Đủ rồi. Nhớ không được đưa thằng con tôi đi đâu hết. Cô mà mang nó đi, tôi về coi chừng tôi. Nghe rõ chưa.

           

Mọi thất bại, Tám không mấy băn khoăn. Dẫu sao thì con tầu cũng đã chìm. Tòa án cũng đã mở tới hai phiên sơ thẩm và phúc thẩm. Không oan trái gì hết. Tội nào cũng đúng cả. Nhưng, khi thấy Oanh hết khóc, xếp gọn tờ đơn ly hôn, cất cẩn thận vào cái dỏ xinh xắn mang theo và quay ra khỏi phòng dành cho phạm nhân tiếp người nhà thì lòng dạ Tám như trống rỗng.

- Tôi về. Chiếc khoá cửa nhà sét rỉ vì lâu ngày không ai mở. Mở cửa vào. Trong nhà trống bóc không còn bất cứ một thứ gì ngoài một chiếc giường con, mấy cái nồi con và chiếc nệm mốc meo. Còn những chiếc vỏ chai rượu ngoại, những vỏ lon bia, dấu vết  của một thời hoàng kim đã mốc meo. Cô ta lấy sạch sẽ mọi thứ. Cả đưá con cô ta cũng mang đi luôn. Tôi tìm, nhưng biết tìm ở đâu. Những địa chỉ vu vơ người ta mách tôi đều kiếm, nhưng không thấy. Buồn và chán. Nhưng phải sống chớ. Tôi tìm về cơ quan cũ. Vẫn thằng cha giám đốc ấy. Hắn cố ý để lộ ra trước mặt tôi một cái thông báo tuyển dụng. Trẻ nè. Có bằng đai học nè. Có ngoại ngữ nữa. Một anh bộ đội kháng chiến tuổi ngoài bốn mươi. Lúc đó mà thành nhà văn có khi còn được gọi là nhà văn trẻ. Chớ với tấm thông báo tuyển dụng kia thì tôi thành một lão khọm già. Tôi làm gì có bằng. Đi đánh giặc rồi về làm kinh tế, đâu có kịp học hành gì. Ngoại ngữ , may ra biết được vài tiếng Miên. Không, nhiều là đằng khác. Mấy năm trời làm quân tình nguyện bên đó, chữ viết được, tiếng nói được. Nhưng có ai xếp tiếng Miên là ngoại ngữ cần dùng đâu. Tôi biết thân phận tôi, nên chẳng dám ngỏ lời xin trở lại làm việc nữa. Thằng cha giám đốc còn lấy ra một xấp tiền. Giọng hắn giả lả: " Dẫu sao chúng tôi cũng vẫn phải cám ơn anh. Anh đã hy sinh để cứu cho công ty còn tồn tại đến hôm nay. Thôi anh cầm số tiền này về làm vốn lo làm ăn…" Mẹ kiếp, cứu công ty nào, cứu hắn thì có." Hắn vẫn ngồi đó ung dung. Trong khi đó, chìm tàu cũng hắn, bày đặt chuyện hối lộ cũng hắn…Tôi cầm xấp tiền quăng vào mặt hắn và về…

Qúy la lên:

- Lại sĩ diện nữa. Kệ mẹ nó, cứ cầm về ngu gì ném lại. Tiền chớ giấy lộn sao?

- Nhục lắm, ông hiểu không? Đã chôn vuì được thì chôn vùi cho xong. Nhưng nghĩ ức quá, tôi mới ra đây ngồi sửa xe đạp nè. Ngày chỉ cần hai lần thôi, đủ mua gạo ăn rồi. Khỏi cần.

Cô Cúc chủ quán lại xen chuyện:

-Khỏi cần, anh nói dóc, anh Tám. Anh còn độc địa hơn người ta tưởng nhiều. Chỗ này là con đường ra vào nhà của lão giám đốc cũ của anh phải không? Mỗi ngày laõ giám đốc đi làm qua lại đây ít nhất là bốn lần đúng không? Mỗi lần lão đi qua là anh ngả mũ chào lão. Có đúng không nào? Rồi anh làm lão phát điên vì sự giả dối của lão cho mà coi. Xem ra lão còn nợ anh nhiều lắm đó?

            Tám nhếch mép cười:

 - Nợ đồng lần mà cô.

Qúy bỗng co rúm người lại. Nợ đồng lần, có phải vậy không? Ông Tám ơi, xem ra ông còn thảnh thơi hơn tôi nhiều. Hôm nay, cái miệng ngựa của tôi cứ phải kiếm chuyện để nói. Tôi sợ những phút lặng câm. Dẫu sao ông cũng là người có tội với dân với nước. Những ông đã đền tọi bằng những năm tháng tù đầy. Còn tôi nè. Nghe chuyện ông mà tôi thấy mình thiệt tội lỗi. Hễ cái miệng tôi không nói là trong tôi lại vang lên những tiếng gào thét đòi nợ. Ông Tám nghe thử , liệu như ông, ông sẽ thế nào?

Tiếng vọng của người đàn bà thứ nhất:

- Anh Qúy. Ngày còn sinh viên, tôi mê những vần thơ của anh. Tôi đã phải dối lừa cha mẹ tôi lấy tiền cho anh in thơ. Cái thời ông hàng thịt muốn thành nhà thơ thì bỏ tiền ra in thơ, thì những vần thơ tình ái của anh cũng còn sạch sẽ lắm. Tôi cho anh tiền in thơ. Anh muốn mời bạn bè để ra mắt tập thơ. Tôi lo. Anh uống bia đến xỉn quắc cần câu. Anh lăn xả vào tôi, vần tôi như vần một con heo. Tôi mang cả tấm thân trình trắng của tôi dâng hiến cho anh. Anh tưởng anh thành nhà thơ thưc nên anh ruồng rẫy tôi. Anh ói đến mật xanh, mật vàng. Nhớt dãi vấy vá lên cả cái thân xác trần truồng của tôi. Tôi hỏi, anh biểu: Anh kinh tởm thơ anh. Anh đã cưỡng hiếp thơ , còn tôi anh bảo là đã cưỡng hiếp anh. Anh trả tôi tấm thân trình trắng kia đi. Trả được không, trả được không anh Qúy?

           

Còn đây nữa nè, ông Tám:

Tiếng vọng của người đàn bà thứ hai:

-Tôi thương anh trốn chui , trốn nhủi về nông thôn để tránh né pháp luật. Tôi biết anh đi làm báo nhưng chuyên làm quảng cáo. Anh nhận tiền của những kẻ llừa đảo để quảng cáo cho họ. Họ vào tù còn anh trốn lên quê tôi kiếm sống. Cha tôi thấy anh có học, cho anh làm công tác văn hoá. Ai biểu anh đọc thơ hay để lòng tôi xao xuyến. Để tôi chẳng tiếc gì hết. Cho anh từ đồng vốn ít ỏi của người con gái lỡ thì. Cho anh cả cái thân xác không còn bốc lửa nhưng vẫn sạch sẽ của tôi. Vậy mà anh đang tâm bỏ trốn khỏi tôi. Anh có trả được tất cả những gì tôi đã cho anh không? Trả được không, anh Qúy.?…

 

Bỗng nhiên Qúy gục đầu xuống, nhẫn nhục. Những tiếng vọng kia lâu lâu lại trỗi dậy trong đầu gã. Gã đã có vợ. Ngaỳ ấy, khi thấy mình không thể theo nghiệp thơ phú được. Gã đã chọn nghề làm báo. Gã chẳng viết được một bài báo nào cho ra hồn. Nhưng với cái miệng của gã, gã có thể moi tiền từ túi các ông chủ cho những trang quảng cáo. Không ai thoát được gã. Chỉ cần những ông chủ mở cửa phòng khách cho gã là gã có thể moi móc được cả chục triệu đồng cho những trang quảng cáo. Gã làm tất cả miễn là có tiền. Ngày ấy, gã đã có nhiều tiền. Gã cươi vợ. Một cô vợ xinh xắn làm nghề vẽ các loại nhàn hiệu. Gã mua nhà, và bắt cô ta ở nhà phục vụ gã. Gã biến một cô hoạ sĩ đồ họa công nghiệp thành một thứ con ở. Gã có tiền mà. Vụ án lừa đảo huy động vốn mấy chục tỷ đồng ở thành phố làm chấn động dư luận cả nước, gã cũng có tên trong danh sách điều tra. Vây mà cho đến ngày kẻ lừa đảo bị bắt rồi, gã vẫn lấy được của hắn mấy chục ngàn đo-la tiền thuê cải chính cho hắn, bằng quảng cáo. Hắn bị bắt, sợ quá, gã nộp toàn bộ số tiền đã nhận của hắn và bỏ trốn đi. Lên tận một vùng quê biên giới. Được nghe gã tự giới thiệu đã từng là một nhà báo, chính quyền xã cho hắn một chân trực trạm truyền thanh với những đồng trợ cấp ít ỏi. Ở đấy, gã đã gặp cô con gái của ông phó chủ tịch xã. Cô gái lỡ thì ấy thì thương gã thực lòng, còn gã thì chờ thời. Vụ án êm đi. Kẻ bị lừa đảo đã ngồi gỡ lịch ở trại giam. Gã tìm về nhà, bằng những đồng tiền của cô gái con ông phó chủ tịch xã kia.

Tiếng gõ gõ cửa, ban đầu nhẹ nhàng ba bốn tiếng. Sau mạnh hơn. Càng sau càng mãnh liệt. Gã gọi:

- Kim ơi. Kim. Mở cửa cho anh. Mở cửa cha anh. Anh về nè. Qúy, chồng em đã về nè.

 Có tiềng xì xào trong nhà.

Tiếng đàn bà:

- Chết rồi anh ơi. Hắn về

Tiếng đàn ông:

- Hắn nào? Hắn là ai?

Tiếng đàn bà:

- Qúy, chồng em chớ còn ai nữa?

Tiếng đàn ông:

- Cái thằng lừa đảo trốn tránh đó mà em còn gọi nó là chồng sao?

Tiếng đàn bà:

- Thì em biết gọi là gì bây giờ. Dù sao trước pháp luật, hắn vẫn là chồng em mà. Chúng em đã ly dị đâu.

Tiếng đàn  ông:

- Không cần em phải nói đến chuyện đó. Từ khi anh đến với em anh đã biết đến chuyện đó rồi. Nhưng anh chấp nhận. Mặc kệ hắn. Hắn chẳng qua cũng chỉ là kẻ hèn nhát mà thôi. Hắn đã cho em được cái gì nào. Hay hắn biến em thành một thứ búp bê xinh xắn. Một  thứ búp bê biết gọi dạ, bảo vâng. Biết nấu cơm quét nhà. Biết lau mặt rửa chân cho hắn. Hắn có còn coi em là con người hay không?

 Tiếng đạp cửa mạnh, tiếng người đàn bà rú lên.

Gã nhảy vào nhà, miệng hét lên:

- Thằng khốn nạn. Mày vừa nói cái gì đó, máy nói lại tao nghe coi.

Người đàn ông, gân guốc, ở trần nhìn gã lo, lom:

- Thì ra anh cũng có gan đạp cửa mà vào hả? Anh muốn tôi nhắc lại phải không? Mà thôi, tôi không cần phải nhắc lại làm gì. Anh thế nào tự anh biết. Vì sao anh còn về đây?

- Đây là nhà tao. Tao có quyền về.

- Thế còn đây là ai ?

- Vợ tao.

- Vợ anh. Hay là con ở của anh. Hay anh đã biến cô ta thành thần giữ của cho anh. Vợ anh. Vậy từ mấy năm nay anh biết vợ anh sống ra sao không? Thất nghiệp. Không xin được việc làm. Đi lượm bọc mủ kiếm sống. Anh biết không? Thôi được anh biểu nhà này là của anh. Thì trả cho anh. Còn em. Em đi theo anh. Mặc kệ hắn với căn nhà của hắn. Đi em.

- Không. Tao cấm không được đứa nào bước ra khỏi cửa. Kim. Em trả lời anh đi. Em sẽ thế nào hả?

-Anh có cho em chọn không?

- Được em chọn đi.

 - Anh cho em nói thực chớ?

- Nói.

- Em không thể nào sống với anh được nữa. Dù có sống với anh thì em cũng suốt ngày thui thủi một mình. Anh giết chết em kể từ khi anh bắt em ở nhà hầu hạ anh rồi. Từ ngày anh trốn đi. Em thanh thản lắm. Thì ra em chẳng cần đến anh một chút nào cả. Anh lo kiếm tiền. Anh lo phủ tiền lên người em. Nhưng con người em chẳng còn là cái gì hết. Anh cho em chọn phải không? Em chọn em. En chọn cho em cái gì em thích. Thế đấy. Bây giờ thì em đi. Anh hãy ở lại đây. Ở lại thử coi, xem thử cô đơn nó khổ sở như thế nào…

- Khoan. Em đừng đi. Em cứ ở lại đây. Anh … anh mới là người phải ra đi. Đúng rồi. Bấy lâu này anh chỉ biết có anh thôi. Anh đi là đúng hơn cả. Còn anh, anh phán xét tôi như vậy đúng đó. Để tôi đi… Ít nhất cũng để trong đời tôi có được một hành động dũng cảm. Kim, anh mắc nợ em nhiều quá. Em coi đây là một sự trả nợ cho em được không, Kim. Được không Kim…

*

Cả hai gã đàn ông sau khi kể xong hết mọi chuyện đời mình rồi, bỗng nín lặng. Cô chủ quán buồn tình, nhớm giọng:

 -Nè hai anh. Khi không hai anh bầy đặt kể khổ, kê sướng ở quán em là sao?

Qúy nói như nhá từng chữ một:

- Mấy khi có người chịu nghe chuyện mình đâu cô. Giả như anh Tám không muốn nghe chuyện tôi, tôi nào dám kể. Mà khi tôi không nghe, hỏi anh Tám kể với ai. Nói thiệt kể ra được, tôi nhẹ cả người.

- Nhưng anh bỏ nhà đi thiệt hả. Không lẽ anh không đuổi được tình nhân của vợ mình ra khỏi nhà hay sao?

- Cô tính đuổi được không? Đuổi nhất định là hắn đi rồi. Nhưng nhất định vợ tôi sẽ cùng đi với hắn. Mà vợ đã đi rồi thì tôi còn nghĩa lý gì khi sống trong nhà ấy. Thôi thì mình rút đi. Để cuối cùng cô ấy có chỗ mà sống. Tôi cho đấy là một lần trả nợ thôi mà.

- Anh thiệt chẳng hiểu quái gì về nợ cả. Anh có thể trả tất cả mọi thứ nợ về tiền bạc. Nhưng nợ tình, anh chết cũng không trả hết được đâu anh Qúy ơi.

Qúy quay sang ông Tám:

- Anh Tám , có phải thế không anh Tám.

Không có tiếng trả lời.

Cô chủ quán nói khẽ với Qúy:

-Đừng hỏi anh ấy lúc này. Sắp đến giờ lão giám đốc về qua đây rồi đó. Bao giờ cũng vậy, hễ lão giám đốc về qua đây anh Tám cũng như vậy. Đợi cho đến khi chiếc xe hơi đưa lão giám đốc qua là anh ấy bước ra, đứng ở ven đường. Chiếc xe của lão giám đốc trờ tới, bao giờ anh ấy cũng dơ tay chào và mỉm cười. Lát nữa anh sẽ thấy. Nụ cười anh á6y khác người lắm. Nó nhạt nhẽo và chua xót. Nó châm biếm và xoi mói. Nó cay nghiệt và đau khổ. Chỉ một cái nhếch mép thôi mà thấy được tất cả. Anh Qúy ạ.

Quý buông một câu như lời phán xét:

- Cái lão giám đốc ấy mắc nợ rồi. Không nợ tiền , không nợ tình như tôi mà nợ cả nhân phẩm của một con người. Nợ này lão làm sao trả được đây.

 

Tiếng của hai người nghe rất khẽ, nhưng cũng không lọt qua tai của ông Tám. Cô lầm rồi cô Cúc ơi. Anh cũng lầm rồi anh Qúy ơi. Kể xong được câu chuyện trớ trêu của đời mình , lòng tôi đã thanh thản trở lại. Tôi chẳng còn ghét ai, giận hờn ai nữa. Ở đời, chuyện gì mà chẳng có. Tôi nợ người này, người khác nợ tôi, cái nợ đồng lần đâu có thể tính chuyện vay trả, trả vay. Nếu cứ nuôi mãi trong lòng mình những nỗi ám ảnh thì làm sao sống được. Anh Qúy biểu lão giám đốc còn nợ tôi ư. Có thể? Nhưng liệu có đòi được không? Lão biết lấy gì mà trả cho tôi. Tôi đang nhớ đến một thời đẹp nhất của đời mình. Đó là thời súng khóac trên vai dấn thân vào cuộc chiến đấu. Cái thời mỗi bước chân là thấy máu rơi. Nhưng chẳng ai tính tóan, lo toan gì cho riêng mình. Tất cả chỉ có phía trước. Chỉ mong cho đất trời này không còn tiếng súng chiến tranh. Cho tôi nấp vào quá khứ một chút để thấy mình được tĩnh tâm.

Nguyễn Đức Thiện
Số lần đọc: 3519
Ngày đăng: 28.10.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Niềm Hạnh Phúc Nhỏ Bé - Nguyễn Nguyên An
Cánh bèo trôi ngược nước - phần 1 - Trương Hoàng Minh
Cánh bèo trôi ngược nước - phần 2 - Trương Hoàng Minh
Những giấc mơ không thành - Lê Nguyệt Minh
Tình yêu của đá - Trần Thị Ngọc Lan
Kẻ mất bóng - Đào Bá Đoàn
Miệt Mài Sông Trôi - Nguyễn Một *
Gánh xiếc chó - Lê Xuân Quang
Tri kỷ - Lương Minh Vũ
Mùa chim ngói - Đặng Thị Thúy
Cùng một tác giả
Không thể đùa (truyện ngắn)
Ban bè một thuở (truyện ngắn)
Tấm kiếng rạn nứt (truyện ngắn)
Hàng xóm (truyện ngắn)
Mẹ (thơ)
Kịch (truyện ngắn)
Bến cây ổi (truyện ngắn)
Lu Lu (truyện ngắn)
Gío (thơ)
Một khoảng xô bồ (truyện ngắn)
Ông lão bán chim (truyện ngắn)
Cái nợ đồng lần (truyện ngắn)
Giữa vòng vây (truyện ngắn)
Chuyện con ruồi (truyện ngắn)
Tiếng gõ cửa (truyện ngắn)
Đêm (thơ)
Bàn về Thơ (tiểu luận)
Mái tóc ngày xưa (truyện ngắn)
1111 (thơ)
Sông em (thơ)
Trăng cuối tháng (truyện ngắn)
Góc Rừng (truyện ngắn)