Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
834
116.663.259
 
Tản mạn chuyện nhà văn.
Nguyễn Đức Thiện

Viết cho RUBIC.

 

1. Hồi đó tôi mới bập bỗng bước vào nghề văn chương. Tôi có ngay một diễm phúc là được Nhà thơ, Nhạc sỹ Văn Cao “ thưởng” cho hai mức minh hoạ. Ông già người Vân Kiều trong truyện ngắn MẸ CỦA KAN LIÊU và ông già người Tàu trong truyện ngắn BÁC GOÒNG. Được thế là sướng lắm. Nhân báo Lao Động mời tham dự một cuộc kỷ niệm thành lập Báo và rất vinh dự tôi gặp được Văn Cao. Ông ngồi trầm mặc dưới một gốc cây xà cừ. Tôi mon men đến và hồi hộp nói lời cảm ơn vì đã được ông vẽ cho hai bức minh hoạ kia. Ông khen chè Thái nguyên ngon, gái Thái nguyên đẹp và quở mắng tôi sao lại gọi ông bằng bác. Tôi làm như có vẻ thông thạo thời sự lắm mới hỏi ông: “ Thưa anh ( tôi chuyển xưng hô ngay sau khi bị ông mắng), người ta đang tổ chức thi viết quốc ca, anh có tham gia viết bài nào không ạ”. Chẳng biết ông có giận tôi không, chỉ thấy ông vuốt nhẹ bộ râu của mình, hai mắt nhìn tôi vẻ thương hại: “ Này tôi hỏi cậu, cậu có thấy ai tự đào hố chôn sống con mình chưa?”. Tôi lặng người và muốn tự vả vào miệng mình, sao lại hỏi một câu ngu đến như thế.

 

2. Tôi ngu là như vậy, nhưng cậu nhỏ đàn em của tôi lại gan cùng mình. Ay là hồi ở Thái Nguyên, tôi có một lần được Nông Phúc Tước một người làm nghiên cứu  Hán Nôm của Thái nguyên mời lên nhà để tiếp kiến nhà thơ Phùng Quán. Trong số những văn nghệ sĩ bụi bặm thì Phùng Quán tôi cho là siêu bụi bặm. Tóc để dài, sợi nào sợi ấy phô ra khô cứng. Râu ông chưa dài như sau này. Chiếc áo chàm bó lấy thân hình gày gò của ông. Đôi guốc dưới chân ông là một gốc tre bổ làm đôi. Quai guốc là những chiếc lạt giang bện lại và bị da thịt ông mài cho nhẵn bóng. Chuyện vui tôi hỏi: “ dạo này anh còn làm thơ không, anh Phùng Quán” . “ Không làm thơ để mà chết hả?”. Anh không trả lời mà hỏi lại như vậy. Nhân đó anh kể: sau Nhân văn giai phẩm, nghe tin Liên Xô ( cũ) phát động thi truyện ngắn viết về Lê Nin, anh viết truyện ngắn NHƯ CÁNH CÒ TRONG CỔ TÍCH. Anh mượn tên em mình ký dưới bài viết. Bài viết được giải. Anh nhờ em mình đi lãnh hộ. Trong lúc hồi hộp ngồi trước Đại sứ quán Liên xô, anh thấy mấy người công nhân đang đào một hốc cây. Ban đầu họ còn trên mắt đất. Nhưng gốc cây qua lớn, những người công nhân phải chui cả xuống đất để đào. Bỗng ai đó trong số công nhân dóng lên một câu: TA NHƯ CON DẾ MÈN CHUI TRONG LÒNG ĐẤT. Phùng Quán vụt reo lên: tuyệt vời. Bài thơ một câu tuyệt vời. Anh nhâm nhi sự tuyệt vời ấy đến nỗi khi người em ấn chiếc xe đạp Liên xô mới toanh vào tay  anh và bảo: “ Phần thưởng cho cánh có của anh đây”, anh ngạc nhiên một lát rồi mới thấy sướng. Kể đến đấy anh bảo: “ Cậu nào có thơ đọc nghe chơi”. Câu bạn nhỏ của tôi hắng giọng, vác bài thơ như vè của tôi ra đọc. Tôi ngượng chín người trước một nhà thơ lớn. Nghe xong anh bảo: “ Được đấy, nhưng giống như người thợ đẽo chữ vậy”. Đến giờ tôi vẫn nhớ dáng anh quỳ hai đầu gối khi đọc thơ anh cho chúng tôi nghe.

 

3. Nhắc đến thợ lại nhớ nhà văn Xuân Cang. Hồi đó anh còn làm công đoàn ở Khu Gang thép Thái Nguyên. Anh được phân công làm trại trưởng một trại sáng tác toàn là những người thợ gang thép. Thông thường ban ngày anh làm công việc của một cán bộ công đoàn. Tối đến anh ngủ sớm. Khoảng ba, bốn giờ sáng anh dậy làm công việc của nhà văn. Hồi đó anh không viết văn mà viết kịch. Anh đã có một vở kịch dài với cái tên rất kêu: LỬA HỒNG. Đoàn kịch nói Gang thép mang đi hội diễn toàn quốc và biểu diễn phục vụ công nhân rất nhiều ngày. Lần này anh viết một cái kịch khác. Sau này Lưu Quang Vũ mới viết : Hồn Trương Ba, da hàng thịt. Chứ ngay từ ngày đó, Xuân Cang đã dùng chuyện cổ tích mà viết kịch hiện đại rồi. Anh muợn chuyện ông khổng lồ đúc chuông để viết thành kịch. Đại khái chuyện là thế này: một người phụ nữ có chồng bị chết oan. Kiện đâu cũng thua. Ông khổng lồ bèn nghĩ ra một cách: đúc cho chị ta một người chồng y hệt người chồng của chị ta, để thổi hồn cho anh ta sống lại. Mọi cái đúc được hết. Nhưng đến cái đoạn đúc “ cái ấy” của anh ta, thì ông khổng lồ chẳng biết làm thế nào đúc được. Sáng hôm sau, anh Xuân Cang kể chuyện kịch của mình cho anh em trong trại nghe. Đến đoạn đó, anh nhắm mắt cười như nắc nẻ, cười nói không ra hơi: “ Các cậu bảo ông ấy đúc thế nào đây. To quá cũng không được, nhỏ quá cũng không được, mà hỏi chị ta thì không dám, thế mới chết chứ. Mà cái ấy với người đàn bà nó quan trọng lắm, quan trọng lăm lắm ấy…”. Anh cười ra nước mắt: “ Mà đúc không giống cái ấy của chồng chị ta, chắc chị ta tự vẫn ấy chứ… hà, hà, hà…”

 

4. Nhà văn quá cố Chu Hồng Hải đã có lần doạ chúng tôi là sẽ tự vẫn bằng một giọng bỡn cợt. Chuyện là thế này: ngày ấy Chu Hồng Hải còn là công nhân lái tàu hoả chở quặng sắt từ Trại cau về lò cao luyện gang Lưu Xá, Thái nguyên. Hễ bước xuống là anh chạy vội về nhà, tắm rửa xong rối ngồi ngay vào bàn viết. Bàn viết của anh là một tấm ván kê trên đầu chiếc giường một ở khu tập thể. Mỗi khi viết anh phải vẹo cả người sang một bên. Thế mà những tác phẩm của anh cứ lần lượt ra đời trên cái bàn viết đó. Một hôm, đêm đã khuya, anh bỗng gõ cửa phòng ngủ của tôi ở nhà Văn hoá Gang thép. Vừa bước chân vào anh đã bô bô:” tôi vừa viết xong một truyện rất ngắn, chỉ hai trang, tuyệt vời. Để tôi đọc anh nghe!” Rồi chẳng cần tôi có sẵn sàng nghe hay không anh đọc oang oang. Nghe xong tôi bảo: “ Thế mà là truyện ngắn hả?”. Anh trố mắt: “ Dở hả? Dở lắm hả? Tôi không tin.”. Anh xồng xộc chạy xuống. Hôm ấy nhà thơ Trịnh Thanh Sơn có vợ ở quê ra, ngủ ở gain dưới. Chu Hồng hải đập cửa nói oang oang:” Chị Lý ơi, chị cho tôi mượn anh  Sơn nhà chị mười lăm phút thôi”. Anh kéo Trịnh Thanh Sơn lên phòng tôi và lấy thuốc lào cho Sơn hút, rót nước cho Sơn uống rồi lại đọc oang oang. Trịnh Thanh Sơn không nói không rằng đưa tay đón hai tờ giấy của Chu Hồng Hải, lặng lẽ châm lửa đốt. Chu Hồng Hải nhìn ngọn lửa. Buồn. Anh đứng dậy bảo: “ Này, ngày mai các anh thấy quạ kêu ở chỗ cái cống của Xưởng Đường sắt có nghĩa là tôi ở đó đó nghe”. Anh ra khỏi phòng và bước chân anh lịch kịch, lịch kịch vang rất xa.

 

5. Cái tiếng lịch kịch, lịch kịch của bước chân Chu Hồng Hải đêm ấy cứ hằn sâu vào tâm trí tôi. Sau này khi anh mất tôi có viết một bài về anh và kể lại với một tâm trạng buồn và tiếc nuối. Nhưng chuyện sau đây lại là chuyện thật vui cũng vì những tiếng kịch kịch. Hồi đó ở trại viết của Hội nhà văn tại Vũng Tàu. Nhà văn Anh Đào ở Kiên Giang là nữ nên được xếp ở tầng dưới. Ngay phòng lầu trên được bố trí một nhà văn nam. Anh này tối đến là đi nhậu. Nhậu về đến nơi áo quăng một nơi, quần quăng một nẻo. Cuối cùng là hai chiếc giầy. Anh ta đạp vào gót chân cho giầy tụt ra và hất cho mỗi chiếc bay đi một nơi. Hai chiếc giầy nặng trịch văng vào tường, rớt xuống nền nhà lịch kịch. Một buổi sáng, các nhà văn đưa nhau đi uống cà phê. Nhà văn Anh Đào trong lúc vui chuyện quay sang anh nhà văn kia bảo: “ Đêm qua anh làm em mất ngủ”. Anh nhà văn kia sáng mắt lên. Được một nữ sĩ miệt sông nước Cửu Long mất ngủ thì còn gì bằng. Nhà văn Anh Đào tiếp: “ Em ở tầng dưới. Mấy đêm đầu không ngủ được vì những tiếng lịch kịch ở phòng trên. Sau này phát hiện, hễ sau hai liệng lịch kịch là tất cả im ắng. Bao giờ em cũng chờ cho đủ hai tiếng lịch kịch rồi mới lên giường ngủ. Nhưng đêm qua, chỉ thấy có một tiếng lịch kịch. Em chờ hoài tiếng lịch kịch thứ hai mà không thấy. Chờ đến sáng cũng không thấy. Thế là mất ngủ luôn”. Báo hại, đêm qua, anh nhà văn tầng trên bỗng thấy mình không phải lắm khi đêm khuya mà cứ ném giầy ầm ầm, làm ảnh hưởng đến người khác. Quăng chiếc giầy  thứ nhất xong, anh bỗng thấy mình phải lịch sự. Bèn cúi xuống gỡ chiếc giầy ra và nhẹ nhàng để xuống. Anh dè, sự tĩnh lặng kia cũng làm nhà văn Anh Đào mất ngủ.

 

6. Nhà văn mất ngủ là chuyện thường tình. Người ta thức để viết. Nhưng chuyện mất ngủ đêm của nhà thơ Trần Ninh Hồ thì chẳng có liên quan gì đến viết cả. Năm 2005, anh được Hội Nhà văn Việt Nam cử làm trưởng trại viết của hội tại Nhà sáng tác Vũng Tàu. Nhà sáng tác này chỉ có 16 phòng. Các trại trước, khi triệu tập hội thường chỉ triệu tập các nhà văn viết văn xuôi. Còn nhà thơ Trần Ninh Hồ thì… lãng đãng như thơ. Ông mời tất cả những ai có yêu cầu. Thành ra trại viết lên tới con số trên 20 mươi người. Trong đó có tới … trên mười nhà thơ. Người nhiều khiến nhà thơ Trần Ninh Hồ cuống, đành năn nỉ xếp hai người một phòng. Một nhà thơ ở với một nhà văn. Anh nhà văn thì phải “ cầy”.  Lặng lẽ mà cày. Trong khi đó các nhà thơ thì đâu có cần phải ngồi bàn nhiều. Lang thang để “ xuất tứ” và khi viết, khi không. Làm được thơ phải kiếm người đọc. Anh nhà văn đành trở thành nạn nhân “ nghe”. Chưa hết. Việc triệu tập quá số lượng quy định, khiến “ tài chính” của trại mất cân đối. Nhà thơ Trần Ninh Hồ đành phải thêm một lần năn nỉ: “ Thôi nhà văn nhà thơ chúng mình thông cảm với nhau, san sẻ cho nhau, xin các nhà văn, nhà thơ đừng hỏi đến tiền tiêu vặt ở trại, lấy số đó để bù vào chỗ thiếu”. Các nhà văn, nhà thơ cười xoà, thông cảm. Nhà thơ làm tổ chức mà. Lãng đãng như… thơ vậy. Khiến những ngày làm trại trưởng, khá nhiều đêm Trần Ninh Hồ trằn trọc không ngủ. Có đêm, còn phải thức để phân sử cả chuyện một nhà thơ xỉn quắc cần câu cứ lăn vào phòng một nhà văn nữ, đòi nằm vạ… ngủ.
Nguyễn Đức Thiện
Số lần đọc: 3662
Ngày đăng: 26.09.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chút tâm sự sau Bình Phong Long Mã . - Trần Kiêm Ðoàn
Nơi tôi gửi lại tuổi thơ... - Nguyễn Thị Hậu
Bến nước - Trần Xuân Linh
Đến hẹn lại…lũ . - Lê Duy
Câu thơ-yên ngựa - Lê Xuân Quang
Món nợ không thể đòi - Nguyễn Ngọc Tư
Thành phố tuổi thơ tôi... - Lê Vĩnh Tài
Văn hóa không phải bột nêm . - Trần Nhương
Sách “Đông Chu Liệt Quốc ” - NXB Văn Học 2005 – Một sản phẩm của... con buôn . - Phạm Lưu Vũ
Hỡi tờ xanh - ghê gớm – của ta ơi ! - Lê Xuân Quang
Cùng một tác giả
Không thể đùa (truyện ngắn)
Ban bè một thuở (truyện ngắn)
Tấm kiếng rạn nứt (truyện ngắn)
Hàng xóm (truyện ngắn)
Mẹ (thơ)
Kịch (truyện ngắn)
Bến cây ổi (truyện ngắn)
Lu Lu (truyện ngắn)
Gío (thơ)
Một khoảng xô bồ (truyện ngắn)
Ông lão bán chim (truyện ngắn)
Cái nợ đồng lần (truyện ngắn)
Giữa vòng vây (truyện ngắn)
Chuyện con ruồi (truyện ngắn)
Tiếng gõ cửa (truyện ngắn)
Đêm (thơ)
Bàn về Thơ (tiểu luận)
Mái tóc ngày xưa (truyện ngắn)
1111 (thơ)
Sông em (thơ)
Trăng cuối tháng (truyện ngắn)
Góc Rừng (truyện ngắn)