Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
643
116.670.651
 
Từ BẾ KIẾN QUỐC đến ĐỖ BẠCH MAI ,từ đất hứa đến một mình đi trong mưa .
Nguyễn Đức Thiện

Nhận lời với Đỗ Bạch Mai, tôi chuyển tập ĐẤT HỨA của Bế Kiến Quốc cho nhà thơ Cảnh Trà, người cùng học lớp Việt Văn khoá 5 của Hội Nhà văn. Tất nhiên, trong tay tôi cũng có một cuốn của nhà thơ đã quá cố này. Tôi chưa kịp đọc thì khi gặp lại, nhà thơ Cảnh Trà ngậm ngùi nói: “ Quốc nó yêu Mai mãnh liệt thật. Cả trăm bài thơ viết trong vòng chỉ một năm, cho Mai. Làm thơ tặng phụ nữ, tặng người đẹp, nhà thơ nào chẳng có. Nhưng chỉ để tặng một người, viết trong một năm, cả trăm bài, thì ở Việt Nam này, chắc chỉ có mình Quốc.”

           

Thật thế ư? Tôi về nhà và mang ngay ĐẤT HỨA ra đọc. Quả là như thế. 116 bài! Cho một người! Bắt đầu từ tháng 7, tháng Tám 1975, đến ngày 9 tháng 5 1976, tập ĐẤT HỨA khép lại, sau ngày cưới Bế Kiến Quốc- Đỗ Bạch Mai 8 ngày. Tháng 5 năm 1975 quốc viết 26 bài, có ngày viết tới 3- 4 bài. Tháng 10-1975 cũng 26 bài. Riêng ngày 6-10 viết tới 6 bài… Trong đó có một bài ghi rằng: “ Một tháng tròn yêu nhau” ngày đó là ngày 15-10-1975. Có nghĩa là ta có thể suy ra, hai người đính hôn vào ngày 15-9-1975. Tính thử sơ sơ như vậy để có thể thấy rằng: những ngày tháng yêu nhau Quốc đã dành trọn tâm tưởng cho Mai. Và có thể coi ĐẤT HỨA là một tập nhật ký tình yêu bằng thơ. Tháng 7 năm 1975, những ngày họ chưa đính hôn, nhưng ngay ngày đầu gặp gỡ:

            Có thể tôi sẽ thay đổi đời tôi

Có thể em sẽ thành thơ trẻ

Nhưng chuyện ấy hiện giờ đang bỏ dở

Chưa có gì để chúng mình yêu nhau.

 

Những lời thú nhận thật thà mới đáng yêu làm sao. Đến ngày 13-9-1975 họ đã có những lới hẹn hứa:

 

Em cho anh chỉ một

Anh đền lại gấp mười

Em chờ anh một lúc

Anh yêu em trọn đời

Bởi cũng ngày ấy:

Trong mơ em đến cùng tôi

Tôi đi tìm, giữa cuộc đời gặp em…

 

Và trong ba ngày 15,16,17-9 –1975 họ đã được trời ban cho ba đêm trăng sáng mùa thu, đời cho những con đường, những bóng cây, để họ:

Chuyện trò câu lại nối câu

Nhìn nhau rồi lại nhìn nhau, lại nhìn

 

Ba ngày chất chứa yêu tin

Đủ cho ta sống trăm nghìn ngày sau.

 

Say đắm đến thế thì còn có say đắm nào hơn. Rồi sau đó là một năm trời có nhớ thương, có mong đợi, có ngày xa, có ngày gần, có cả những giây phút hờn giận làm duyên, thỉnh thoảng có cả những giọt nước mắt, giống như bao nhiêu cặp gái trao yêu nhau khác. Chỉ khác tất cả được Bế Kiến Quốc viến thành thơ, cho Đỗ Bạch Mai.

Này là đợi chờ:

 

Đợi chờ em-  trong tất cả muôn chiều

Đợi chờ em-  mỗi ngày em lại tới

Qua năm tháng em luôn là mới

Luôn sáng tạo ra mình và sáng tạo ra anh.

Này là nhớ thương:

Đêmcuối tuần trăng em vắng rồi

Đêm mang buồn nhớ chất lên tôi

Nhất là khi người yêu  từ phương trời xa hẹn ngày gặp mặt:

 

Anh thành trẻ nhỏ

Đứng ngồi không yên

Nhanh lên trái đất

Tàu ơi, nhanh lên.

Yêu say đắm, nhưng cũng có lúc lý trí vượt lên:

Dù phía trước còn nhiều điều gian khổ

Dù lửa hồng còn buổi mới nhen

Dù những gì đã qua còn mong quay lại nữa

Nhưng tương lai là đẹp chúng ta tin

 

Cho đến ngày cưới ( 1-5-1976) suốt cả tập thơ cho ta thấy cặp tình nhân này không được gần nhau. Thì cứ coi là chân trời góc bể đi, xa lắc xa lơ đi, nhưng những vần thơ của Bế Kiến Quốc đã kéo họ gần nhau lại bằng chính tình yêu chân thành. Những bài thơ còn cho thấy, những ngày ấy, Bế Kiến Quốc là người luôn dịch chuyển. Những chuyến dịch chuyển của anh  dù ở đâu thì bên anh vẫn có người tình của mình. Ở Hà Nội, ở Nam định, vô Sài Gòn, vào Nha Trang, mỗi một miền đất anh qua không chỉ có anh mà còn có cả Mai đi cùng. Hình như bài thơ nào của anh cũng có thể bắt đầu bằng hai tiếng: “ Mai ơi”, để cuối cùng;

 

Trái tim em tôi bước vào tôi ở

Yêu và thương em đã tặng đời tôi

Và để an ủi người yêu cứ phải vò võ chờ mong, anh viết:

Hãy nhìn anh như nhìn một dòng sông

Luôn luôn chảy và luôn đi tới…

 

Dòng sông Bế Kiến Quốc luôn chảy thực, luôn đi tới thực, vì thế mà thơ anh mới đọng được trong bạn bè, tình anh đọng trong bạn bè, và nhất là đọng lại trong người bạn đời chung thuỷ cùa anh: Đỗ Bạch Mai. “ Cầu mong lời tôi ca ngợi em sẽ ngân dài suốt hai mươi lăm năm sau cùng của thế kỷ hai mươi, và sẽ còn vang vọng sang nửa đầu thế kỷ hai mươi mốt-  nếu thời gian ban cho tôi được dài lâu như thế.”

 

Điều mà Bế Kiến Quốc mong muốn ấy chỉ được có một phần. Một ngày tháng 7 định mệnh đã cướp Quốc đi, cướp mất Quốc của Mai. Chợt giật mình: bài thơ đầu trong tập ĐẤT HỨA: “Vô ý”, được Bế Kiến Quốc làm vào tháng 7-1975. Thôi thỉ bỏ đi những ngày nhuận, bỏ đi những ngày thừa giờ, thiếu gìơ, tính tròn, từ lúc họ gặp nhau, yêu nhau, thành vợ, thành chồng và có Song An, họ có vừa chẵn 27 năm có nhau. 27 năm hạnh phúc sống bằng tin, yêu.

 

Bởi thế mới có 20 bài thơ trong tập MỘT MÌNH ĐI TRONG MƯA của Đỗ Bạch Mai. Hai mươi bài thơ là hai mươi khúc tâm tình của Mai với Quốc. Không thể không nói đến sự hẫng hụt khi mất đi người mà mình yêu  nhất, tin nhất:

 

Em ở lại anh đi vế phía trước

Cột mốc thời gian biến thành cây thập ác

Em như  biến thành tông đồ chúa Giesu bị đóng đinh câu rút

Có hình phạt nào nặng hơn, có đau đớn nào lớn hơn.

 

Cái lẽ tất nhiên của sự mất mát là thế. Mất mà không tin rằng mình đã mất. Nỗi đau là có thật, còn bóng hình người thương yêu thì chợt nhoà, chợt hiện trong tâm tưởng nên mất còn cứ lẫn lộn trong tâm tưởng con người.

Thật nao lòng khi đọc câu:

 

Ngủ ngon con của mẹ ơi

Mẹ gom phần chót cuộc đời ru con.

Bởi vì:

“ Bắt đầu từ nay không có anhem sẽ phải đương đầu với mọi nỗi buồn, với mọi nỗ khổ đau, với cả sự cô đơn và tuyệt vọng. Bắt đầu từ hôm nay em sẽ phải một mình đi trong mưa mà không có anh dõi theo”

 

Mới hiểu thấu được tiếng ru con đơn lẻ của người thiếu phụ mãi mãi vắng chồng. Trong MỘT MÌNH ĐI TRONG MƯA có khá nhiều bài mang tâm trạng như bài “ Lời hát ru con.”

 

Lặn lội thân cò

Bước thấp bước cao

Một mình một lối

Một mình trong mưa

Hay :

Tiếng ve lạc một thôi đàng

Tiếng ve lạc một nhỡ nhàng mùa thu

Người đi chới với sương mù

Tiếng ve nghẹn giữa mùa thu khóc người

 

Đọc Bế Kiến Quốc, rồi đọc Đỗ Bạch Mai. Đọc Đỗ Bạch Mai rồi đọc Bế Kiến Quốc. Càng đọc càng thấy sự đồng cảm thật sâu sắc trong hai con người này. Trước ngày thành chồng vợ, Quốc đã dành trọn vẹn tình cảm mình cho Mai bằng 116 bài thơ tình. Quốc đi xa, Mai dành cho Quốc tất cả những lờn khẩn cầu tha thiết nhất: “ Bây giờ bàn tay em chết lặng, chới với cô đơn/ Em vẫn không thể nào tin rằnga(ã không có anh trong cuộc đời này nữa? Anh mãi còn hiện hữu trong em và trong cả thế gian này”.

 

Mai tin thế, bạn bè Mai cũng tin thế. Nên Mai đã cho in 116 bài thơ tình mà Quốc tặng Mai và mong tất cả những bài thơ đó thành quà tặng cho những người đang yêu nhau. Tôi lại mong đến một lúc nào đó, ĐẤT HỨA1 và những bài thơ trong MỘT MÌNH ĐI TRONG MƯA2 Mai dành cho Quốc sẽ được in chung thành một tập cũng làm quà tặng cho những người đang yêu nhau, để mọi người thấy được một mối tình đẹp, chung thuỷ trọn đời.

 

Viết đến đây, tôi lại nhớ đến một chuyện. Hồi năm 1977- 1978, khi tôi bắt đầu có những truyện ngắn đầu tiên in trên báo Văn Nghệ. Là một anh viết mới toanh, tôi mon men đến báo để làm quen. Người tôi muốn tìm là các anh: Trần Hoài Dương, Trần Ninh Hồ, vì nghe tin các anh là người biên tập truyện ngắn của tôi. Tôi hy vọng nhận được các anh những lời chỉ bảo. Nhưng thật thất vọng, cả hai anh đều đi vắng. Đang ngẩn ngơ thì có một người bước tới nắm tay tôi và bảo: “ Mình là Bế Kiến Quốc biên tập thơ. Nhưng không sao, đi uống nước với mình, có gì ta trao đổi…”. Không ngờ, hai chúng tôi ngồi được với nhau cả tiếng đồng hồ. Bao nhiêu sôi nổi Quốc truyền sang tôi, khiến tôi quên đi những bỡ ngỡ ban đầu. Sau này tôi còn gặp được nhiều nhà văn, nhà thơ khác ở báo Văn nghệ. Nhưng những cái tên gắn với tôi trong những ngày đầu sa vào lưới văn chương như Trần Ninh Hồ, Trần Hoài Dương, sau đó là Phạm Đình An, rồi thêm Bế Kiến Quốc nữa không thể nào phai trong tôi. Mong Quốc coi những dòng chữ này của tôi là nén nhang tưởng nhớ trong ngày giỗ Quốc.

Tây Ninh tháng 5- 2006



1 ĐẤT HỨA – BẾ KIẾN QUỐC- NHÀ XUẤT BẢN HỘI NHÀ VĂN 2002

2 MỘT MÌNH ĐI TRONG MƯA – ĐỖ BẠCH MAI - NHÀ XUẤT BẢN HỘI NHÀ VĂN 2004

 

 

 

Nguyễn Đức Thiện
Số lần đọc: 3895
Ngày đăng: 04.08.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thơ Trịnh Công Sơn - Thai Sắc
Lê Xuân Đố và tiếng thơ giọng muối tìm thấy. - Inrasara
Những ảo ảnh và giấc mơ từ chối tỉnh táo - Lê Anh Hoài
Thử khảo sát hai thái độ với truyện ngắn của Đỗ Hoàng Diệu - Lê Anh Hoài
Mượn rìu để múa . . . - Dư Thị Hoàn
Cái cũ trong một truyện ngắn mới đoạt giải - Lê Anh Hoài
Khi những quả mìn ý tưởng phát nổ - Lê Anh Hoài
Rộn ràng ơi , những ý nghĩa rời : Đọc tập thơ “Vạn Xuân” của Trần Hữu Lục – NXB Trẻ 2006 - Lê Thiếu Nhơn
Nghe ấm một tình yêu : Đọc tập thơ Phía sau tôi của Nguyễn Đông Nhật - Huỳnh Minh Tâm
Nhà văn Đồng bằng sông Cửu Long đang cần liên kết lại - Tường Vi
Cùng một tác giả
Không thể đùa (truyện ngắn)
Ban bè một thuở (truyện ngắn)
Tấm kiếng rạn nứt (truyện ngắn)
Hàng xóm (truyện ngắn)
Mẹ (thơ)
Kịch (truyện ngắn)
Bến cây ổi (truyện ngắn)
Lu Lu (truyện ngắn)
Gío (thơ)
Một khoảng xô bồ (truyện ngắn)
Ông lão bán chim (truyện ngắn)
Cái nợ đồng lần (truyện ngắn)
Giữa vòng vây (truyện ngắn)
Chuyện con ruồi (truyện ngắn)
Tiếng gõ cửa (truyện ngắn)
Đêm (thơ)
Bàn về Thơ (tiểu luận)
Mái tóc ngày xưa (truyện ngắn)
1111 (thơ)
Sông em (thơ)
Trăng cuối tháng (truyện ngắn)
Góc Rừng (truyện ngắn)