Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.313 tác phẩm
2.745 tác giả
481
115.866.549
 
Mượn rìu để múa . . .
Dư Thị Hoàn

( Trao đổi với Nguyễn Chí Hoan về bài “Thân ốc với cọc không rêu hay là ảo ảnh văn chương sáo rỗng      “ đăng trên báo Người Hà Nội số 40 , ra ngày 7/10/2005 )                                                                                                                                                                                           

I) ... qua mắt một nhà phê bình nọ

 

Không hiểu “Một nhà phê bình nghệ thuật” nọ danh tính thế nào, qua cách dẫn luận trong bài viết  Thân ốc với cọc không rêu hay là ảo ảnh văn chương sáo rỗng* của Nguyễn Chí Hoan (NCH) cho thấy câu nhận xét của nhà phê bình đó đã trở thành trọng lực cho nhát dao NCH mổ xẻ tập truyện ngắn Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu 

 

Câu nhận xét như sau:  Nghệ thuật ngày nay hình như không cao quí như người ta vẫn cho là thế, mà phần nhiều nó chỉ tạo ra những ảo ảnh và bằng cách đó nó tránh đụng chạm đến những vấn đề thực tế thực tại.

Theo tôi, sẽ không có ai gán ghép quan niệm trên với hai chữ cực đoan như NCH lo toan, vì nó chưa đi đến cùng kỳ lý, vì nó còn lừng khừng, nhân nhượng qua những từ hình như, cho là, phần nhiều... không hợp với nghĩa đen của từ cực đoan là chỉ đầu mút của một con đường, và nghĩa bóng là chỉ những quan niệm, tính cách, hành vi thẳng băng một chiều đến cùng, không phân vân, dắn đo, nghiêng ngó... đó là lý do đầu tiên tôi muốn múa rìu qua...

 

Thứ hai, quan niệm trên rất dễ bác bỏ vì chính sự non nớt và phiến diện ( bởi chưa được cực đoan ) của nó:

Ví dụ họ chê bai nghệ thuật ngày nay không cao quý chỉ vì phần nhiều nó tạo ra ảo ảnh... Tôi không hiểu ảo ảnh có tội vạ gì? mà khiến cho nghệ thuật bớt cao quý?

 

Tạo ra ảo ảnh là đồng nghĩa với sáng tạo đấy chứ ! hình ảnh càng ảo chứng to sức tưởng tượng càng phong phú, hình ảnh càng huyền chứng tỏ nội lực càng dồi dào. Thực tế và thực tại là tài sản lộ thiên, ai cũng có thể đào bới, mà ảo ảnh là nội thất tâm linh được trang trí, chỉ có tác giả của nó sở hữu chìa khoá, không một ai có thế đặt chân vào nếu chủ của nó không muốn chia sẻ.

 

Khi tạo ra ảo ảnh bằng tác phẩm nghệ thuật ( âm nhạc, văn chương, hội hoạ, sân khấu, điện ảnh...) là tạo ra dấu ấn không giống ai của tác giả.

 

Aỏ nghĩa là không phải thực ! thậm chí có lúc nó muốn đối lập, muốn tứ trối cái thực, nhưng nó không hề có khả năng né tránh thực tế và thực tại, vì nó chính là con đẻ của bố thực tế và mẹ thực tại , là hình ảnh huyễn tưởng phóng ra từ cái bệ được tích tụ bởi thực tế và thực tại. ở một trình độ nào đó , nó còn là hệ quả chưng cất, thăng hoa của giá trị thức tế và thực tại.

 

Xưa nay trong tác phẩm văn học, chưa có một chữ ảo, một câu ảo, một đoạn ảo, một chương ảo nào mà không có xuất xứ thực tế. Mọi sự mầu nhiệm đều có lai lịch của nó, nếu không thể truy tìm được là do hạn chế của hiểu biết nơi chúng ta mà thôi.

Tôi hình dung ra Nguyễn Chí Hoan đang leo lên một chiếc thang ọp ẹp chữ nghĩa, tựa vào một câu nhận xét vu vơ của nhà... nọ, để gây hấn với Bóng đè.

 

II) ... qua mắt ông Nguyễn Chí Hoan

 

Một bài phê bình văn học ở dạng nghệ sĩ hay dạng bác học mà có thế đứng, đều dựa trên lập luận chặt chẽ, lô gích, hoặc ví von, hình tượng sinh động xác đáng; đều viện đến những khái niệm kinh điển hoặc có gốc gác vững chãi.

 

Đọc bài phê bình của NCH mà tôi phải nín thở liên tục vì phải theo câu chữ lên thác xuống ghềnh, theo đến cuối bài mà vẫn không khỏi cảm giác chênh vênh.

 

ở đây, tôi chưa muốn tranh luận về cái được, cái thua ở tác phẩm Đỗ Hoàng Diệu. Thật tình tôi muốn một lần nữa nghe NCH chỉ giáo về những khái niêm, những luận điểm mà ông tung ra, quả là khó hiểu, tối nghĩa, rối ren, ít ra đôi với một độc giả vốn coi trọng tư duy mạch lạc, lôgích trong học thuật như tôi:

Ông đồng thanh với nhà phê bình nọ rằng: có một thứ { nghệ thuật salông } - theo nghĩa tiêu cực - đang lan tràn. Tôi biết rằng nghệ thuật salông đã từng xuất hiện, từng rầm rộ, từng gián đoạn, nay được dần khôi phục lại theo chiều hướng tích cực đấy chứ. Nó tạo dựng nhiều không gian linh động cho sự hưởng thụ văn hoá, đáp ứng nhu cầu thưởng ngoạn, giao lưu cởi mở của số độc ( khán, thính ) giả có kiến giải hoặc chung sở thích. Đồng thời bù đắp được những khiếm khuyết, bất cập, sơ cứng của một số hội, cơ quan nghề nghiệp chuyên ngành. Vậy theo ông, nghĩa tiêu cực là sao ?

 

Aỏ ảnh không phải hiện tượng vật lý. Aỏ ảnh hình thành, nhận biết bởi ảo giác hoặc trí tưởng tượng của con người, là hiện tượng tâm sinh lý thì đúng hơn...

 

Hơn nữa Hiện tượng vật lý không có nghĩa đen và nghĩa bóng như ông tưởng, nó chỉ có định nghĩa  đơn giản là hiện tượng khách quan mà nhận biết bằng thị giác, khứu giác, xúc giác, thính giác; được sử dụng như một thuật ngữ, vậy thôi.

 

Suy nghĩ cảm tính ” là thế nào ? Hình như NCH ghép liều hai cụm từ vào nhau thì phải. Cảm tính là chỉ trạng thái hành sử theo xúc cảm bột phát, thiếu suy nghĩ, thiếu soi xét . Sự vật mà đã lọc qua bộ não, tức là suy nghĩ rồi, thì không còn là cảm tính nữa. Đơn giản thế thôi mà. Cảm tính có thể ghép với từ ngòi bút, chất liệu, hay từ phô diễn... Nếu ghép hai từ suy nghĩcảm tính đứng sát nhau, thì cả câu văn bị vô duyên hóa rồi còn gì!

 

Trí tưởng tượng tuỳ tiện...” câu này khồng còn ý gì khác ngoài ý chê bai sự dụng công của tác giả Bóng đè. Tiếc rằng NCH đã tiền hậu bất nhất - ở những dòng sau ông lại thừa nhận Đỗ Hoàng Diệu đã chứng tỏ một sức tưởng tượng hư cấu mạnh mẽ ... có thể nói rằng ý đồ tưởng tượng hư cấu ở đây quả không tồi. Tôi nói “tiền hậu bất nhất” chẳng qua là trung thành với hiện trạng của văn bản NCH. Nếu khơi vào bản chất tôi phải trình bầy cho có ngọn ngành : NCH như một quan toả ngẫu hứng áp đặt một bản án “tuỳ tiện” cho vô can “trí tưởng tượng” của cây bút Đỗ Hoàng Diệu. Chứ sao, Trí tưởng tượng là vốn liếng giàu có và vô thường của não trạng, tuỳ tiện làm sao có chỗ mà chen vào ! Viết mây vẽ gió cũng có nguồn cơn của nó chứ. Vị nào mà thẩm thấu nghệ thuật theo thiên hướng của quan tòa này nên tự kiềm chế mình trước khi bước vào phòng triển lãm tạo hình hội hoạ để yết kiến các trường phái lập thể, trừu tượng, siêu hình vân vân và vân vân, nếu không, sẽ phải gào to : “tuỳ tiện hết chịu nổi !” Mà ông NCH cũng buồn cười thật đấy: đã thú nhận người ta tưởng tượng ý đồ rồi thì thôi, đừng cố đẩy người ta vào rọ trí tưởng tượng tuỳ tiện mà làm gì cho phí sức ! Đùa vậy thôi, duy có một điều tôi phải khẳng định là NCH còn một chút tỉnh táo , khi nhận biêt mệnh đề trí tưởng tượng tuỳ tiện không ổn, đã kịp thời chuyển hướng, thế vào đó những câu tán dương: Sức tưởng tượng hư cấu mạnh mẽ . Nhưng vẫn không quên một cái vuốt đuôi : chừng đó là không đủ.  ?

 

NCH đã khái quát tập truyện ngắn : Bao gồm 8 truyện, nhưng ngoài Bóng đè và Vu quy, 6 truyện còn lại trong tập này đều còn rất non yếu, lộ hồn lộ cốt, mà với một người viết có lòng thận trọng sẽ phải hết sức cân nhắc khi cho công bố. Tuy nhiên những nhân vật nữ được phác họa trong 6 truyện này cho ta thấy giống như những đồ án tiền thân của nhân vật nữ trong Vu quyBóng đè ... ý nói rằng những nhân vật nữ ở hai truyện “Bóng đè” và “ Vu quy” chững chạc hơn, chín chắn hơn tiền thân của nó ! Nhưng ở đoạn sau NCH bỗng xét lại : Những điểm yếu trong các đồ án nhân vật truyện đó đều thể hiện tập trung ở hai truyện Bóng đèVu quy, Đây là điều hết sức đáng tiếc...  NCH chấp nhận 2 truyện, đào thải 6 truyện trong tập, bàn luận về đồ án nhân vật trong 2 truyện đó qua so sánh, lúc thì khen ? lúc thì chê ? rồi xổ toẹt ! Chẳng biết đâu mà lần .

 

Tu từ – một phương pháp sử dụng với tần số cao theo ông NCH là điểm yếu cốt tử của tất cả các truyện trong tập Bóng đè này. NCH đã không che dấu thái độ khó chịu với bút pháp tu từ của tác giả qua những đánh giá như sau : Toàn bộ các tình huống, hành vi tình yêu và tình dục đó đều được tô điểm cho thơ mộng hay cuồng nhiệt, thậm chí gán cho một sắc thái cao siêu, thông qua một cách duy nhất là tu từ. Dường như người viết không biết đến những biện pháp nào khác để mô tả những xúc cảm cốt yếu đó của bản năng sinh tồn, chẳng hạn như cách gợi tả mà các cây bút bậc thầy đã làm. Chỉ dựa vào việc tu từ là điểm yếu cốt tử của tất cả các truyện trong tập này. Nó phơi bày một từ vựng hạn hẹp, cách thuật chuyện thô sơ đơn điệu dẫn đến bố cục dàn trải rối rắm.

 

Tôi tin rằng không ai không hiểu tu từ là tu sửa, gọt rũa, nhuận sắc tứ ngữ. Ngưòi cầm bút chú trọng về phép tu từ chứng tỏ một thái độ lao động trí óc nghiêm cẩn. Kiếm được một từ để đặt đúng văn cảnh, thấu tình đạt lý quả là phải lao tâm khổ tứ, dầy công khổ luyện mới nên. Chả thế mà câu chuyện thôi xao của nhà sư bên Tàu xa xưa, còn truyền tụng đến tận bây giờ, sang cả bên ta. Nếu chỉ dựa vào phép tu từ mà tất cả các tình huống hành vi tình cảm tình dục được lột tả đến mức thơ mộng và cuồng nhiệt, thậm chí còn mang vác được sắc thái cao siêu như NCH đánh giá thì cây bút nữ này quả là độc đáo, quả là tài năng. Vốn rất nhiều con đường đi đến La Mã, Đỗ Hoàng Diệu lựa chon con đường độc đạo để hoàn thành sứ mệnh của văn chương là thể hiện bản lĩnh đấy chứ. Cần quái gì phải liếm gót các bậc thầy tiền bối để nô lệ ngòi bút của mình ? Còn tìm tòi những biên pháp nào khác để mô tả... là mục tiêu bất tận của nhà văn, NCH đừng nên quá hà khắc để kết luận: Dường như người viết không biết đến những biện pháp nào khác để mô tả những xúc cảm cốt yếu đó của bản năng sinh tồn về một cây bút mới nhú này. Tôi còn chưa kể đến cách tu từ của Đỗ Hoàng Diệu không đến nỗi thô thiển, đơn điệu, sáo rỗng, lạm phát như định kiến của NCH. Ngược lại tu từ của cây bút luật sư tương lai này được vận dụng trong văn học một cách đắt giá, chín mọng, linh hoạt, táo bạo. Tạm gạt đi những truyện non tay như NCH đã sàng sẩy, hai truyện “ Bóng đè” và “ Vu quy” khiến các bậc trí giả đầu bạc mở trang là phải đọc một hơi, đã nói lên được nhiều điều khác với NCH.

 

Điều cuối cùng tôi muốn tìm đến hệ quy chiếu khi đọc một văn bản nghệ thuật.

 

Bàn đến hệ quy chiếu là bàn đến các quy tắc chiếu rọi trong một hệ thống, nhằm giải mã một cách hàng lối, thông suốt các dữ kiện và mối tương quan dữ kiên được chiếu rọi. Khi hệ quý chiếu đã được xác định, thì đường hướng giải mã sẽ dịch chuyển một cách quy củ, vững chắc, ít sai sót... Trong bài viết của NCH khiên tôi phân vân là không hiểu ông soi rọi văn bản của Bóng đè ở phương diện nào ? Vì NCH cùng lúc đưa ra hai hệ quy chiếu trái chiều, tai vạ đáng kể là hệ quả này có tác dụng triệt tiêu hệ quả kia ! Tôi tạm dựng nên hai sơ đồ để dễ bề quy nạp :

 

Quy chiếu 1

Khai thác tình dục, từ đó phóng chiếu tham vọng, lạm bàn chuyện cao siêu .

Được thể hiện qua đoạn : Chỉ là trải nghiệm tình dục/ khoái cảm tình dục, và dường như thông qua chuyện ấy họ nhận thức mọi chuyện khác (-những chuyện rất to: tự do hay nô lệ, “Tôi là ai, từ đâu đến?”, tính cách dân tộc, bản sắc văn hóa, v.v). ...lấy những chuyện tình dục tình yêu làm môi trường bàn chuyện thân phận đàn bà, rồi từ đó phóng chiếu lên thân phận  lịch sử nòi giống, tính cách và bản sắc văn hóa, thậm chí là mơ hồ một chút gì đó về hòa hợp và hội nhập đương thời v.v...

 

Quy chiếu 2

Xây dựng một ý đồ cao siêu, rồi mượn thủ pháp tình dục để phô diễn.

Được thể hiện qua đoạn : Cái mô thức dẫn chuyện ấy và sự sa đà vào mô tả một cách thô thiển đơn điệu xung quanh cái khoái cảm trong đũng quần thực ra đã phá vỡ, làm hỏng cả hai đồ án “Bóng đè” và “Vu qui”.

... Cả hai đồ án truyện nói trên đã đổ kềnh đổ càng vào trận đồ những cái giường ngủ mà nó định sắp đặt để làm cái thang lên Trời.

Khoan hẵng bàn cãi sự thành công hay thất bại của một ca mổ sản phụ, khi còn chưa biết nên hy sinh con để cứu mẹ hay hy sinh mẹ để cứu con !

Mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng ít ra múa rìu thế này còn hơn khoanh tay trước trận đồ văn bản của Nguyễn Chí Hoan.

Những điều trao đổi trên đây hoàn toàn là thiển y của riêng tôi, không thâm uyên gì , chắc dễ hiểu, tôi cho điều đó sẽ giúp cho độc giả dễ bề căn cứ để tìm dẫn chứng ở các văn bản có liên quan. Chính vì tôi quan niệm việc đó đơn giản, nên nhiều chỗ tôi đã bỏ qua những luận chứng luận cứ tôi cho là hiển nhiên và tìm kiếm dễ dàng.

Mong được chỉ giáo của những người nghiêm cẩn.

 

Hà Nội   14/10/2005

Ghi chú : những chữ in nghiêng trong bài đều trích từ văn bản “Thân ốc với cọc không rêu hay là ảo ảnh văn chương sáo rỗng” của Nguyễn Chí Hoan

Dư Thị Hoàn
Số lần đọc: 2960
Ngày đăng: 27.07.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Khi những quả mìn ý tưởng phát nổ - Lê Anh Hoài
Rộn ràng ơi , những ý nghĩa rời : Đọc tập thơ “Vạn Xuân” của Trần Hữu Lục – NXB Trẻ 2006 - Lê Thiếu Nhơn
Nghe ấm một tình yêu : Đọc tập thơ Phía sau tôi của Nguyễn Đông Nhật - Huỳnh Minh Tâm
Nhà văn Đồng bằng sông Cửu Long đang cần liên kết lại - Tường Vi
Nỗi niềm tha hương, tha nhân trong thơ Đặng Ca Việt (*) - Thai Sắc
Hoa xuân Trong tĩnh lặng : Đọc tập thơ Trong tĩnh lặng của Trần Thị Huyền Trang . - Trương Tham
Dặm đường văn học: Nguyễn Lương Ngọc , sự sống hát lời lửa nước. - Nguyễn Thanh Mừng
Thơ là câu bắc bơ vơ - Phạm Lưu Vũ
Văn học trong - Tường Vi
Trần Đức Tiến trong nỗi mơ yên tĩnh Tuyệt đối - Inrasara