Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
894
116.650.298
 
Ban bè một thuở
Nguyễn Đức Thiện

( Tuởng nhớ hương hồn Chu Hồng Hải )

 

1.

Bà Ba thức giấc vào lúc nửa đêm về sáng. Bà rón rén bước xuống đất, tránh gây tiếng động để giữ yên giấc ngủ cho thằng con trai và đứa cháu nội. Tội nghiệp, giường ván hẳn hoi kia mà chẳng chịu nằm, đêm nào hai đứa cũng phải trải chiếu dưới sàn, cạnh chiếc giường đơn của bà. Bà khe khẽ tém lại cái mền và xếp lại chân thằng cháu nội đã xoạc cả ra sàn nhà. Lấy giỏ trầu cau, bà lẳng lặng ngồi xuống phía đuôi chiếu. Biết mấy đêm rồi như thế, bà ngồi giã trầu, móm mém nhai và say sưa ngắm con, nhìn cháu. Có hôm bà ngồi vậy cho tới sáng bạch.

 

Bao năm trời, con bà sống ở Biên Hòa, còn bà vẫn ở Tây Ninh. Thỉnh thoảng bà mới xuống với thằng con được vài tháng. Bà có tới bốn đứa con, nhưng bà thương thằng con trai nhất. Cũng đúng thôi, nó là con trai độc nhất và đứa cháu nội độc nhất. Con vợ nó thiệt tệ. Ngày còn ở trên "R" chẳng có sao. Giải phóng về thành phố, bầy đặt đi buôn, đi bán, rồi cặp bồ với người khác, để bây giờ  con bà  phải gà trống nuôi con. Trước, hồi nó còn đi hoạt động, bà thương nó gian nan khổ cực, giờ bà thương nó đơn chiếc một mình. Bà muốn đưa nó lên Tây Ninh với bà, nó lại muốn kéo bà xuống Biên Hòa với nó. Nhưng rồi, bà không xuống, mà nó cũng chẳng lên. Mẹ con vẫn mỗi người mỗi chốn. Lâu lâu bà xuống với nó, để đêm đêm ngồi ngắm con nhìn cháu.

 

Đêm nay bà thức với nó một đêm nữa, để mai bà về Tây Ninh. Bà lục trong trí nhớ, xem còn việc gì phải làm. Gạo có rồi, củi có rồi, đồ ăn khô cho ba con nó cũng đủ rồi. Cái mền rách bà cũng đã nhíp lại cho nó . . . Nghĩa là đã đủ để bà có thể xa con cháu vài tháng. Hồi tối nó đã gắt lên với bà :

- Má lên đó làm gì nữa chớ ! Nhà thì má giao cho thằng Tư con chị Hai đi. Về đây má lo con không nuôi nổi má sao ? Hay má lo cho chị Sáu ? Trời đất, con chỉ cả bầy, đứa nào cũng lớn gộc cả rồi, lo gì nữa chớ ?

- Tao còn nhang khói cho ba mày … Bà chống chế .

- Bộ má không nhang khói cho ba con ở đây được sao ? Nói hoài mà má không chịu. Hễ xuống vài bữa lại tao về, tao về …

Nói đến đây mắt nó đỏ hoe, muốn khóc. Thiệt khổ, gần bốn chục tuổi đầu rồi mà vẫn như con nít. Nó đâu có hiểu, hơn ba chục năm rồi bà đã nhang khói thờ chồng ở căn nhà trên đó, bà chẳng muốn dời bàn thờ đi đâu hết. Thời còn giặc giã, cái bàn thờ chỉ có bình nhang. Tấm hình của ông, bà đã khâu vào một cái bao vải nhỏ đeo trước ngực. Tới hồi giải phóng, bà mới lấy tấm hình ra, rọi lớn, đặt lên bàn thờ. Tấm hình thấm mồ hôi của bà có hoen đi chút ít, nhưng vẫn còn rõ khuôn mặt ông. Ngày ông mất, thằng con mới năm sáu tuổi gì đó. Ông mất rồi, bà xuống tóc, thờ chồng nuôi con trong căn nhà bây giờ. Mấy chục năm trời, bà sống thế với bàn thờ ông, chẳng muốn đi đâu. Bà muốn nói cho nó hiểu điều đó, nhưng hễ định nói là nó la át đi …

 

 Đúng, ở Biên Hòa này, thằng con bà cũng đã làm một cái bàn thờ lớn để thờ cha nó. Nó choán gần hết bức tường giữa nhà, những tấm ván ghép được chuốt và chạm trổ thật cầu kỳ, vậy mà sao bà vẫn thấy có cái gì đó không được như ý. Phải chăng cái mùi ẩm mốc của bàn thờ ông ở Tây Ninh, với những vết cộm của gỗ mộc và những vết sứt sẹo đối với bà nó đã quen, gần như không thể thiếu trong đời bà.

 

Bà Ba ngồi như người nhập thiền. Ở tuổi hơn sáu mươi bà vẫn còn khoẻ mạnh và rắn rỏi. Trong nhà chỉ có một ngọn đèn bàn thờ. Bóng bà đổ dài trên nền nhà, im phắc. Bà ngồi thế và nhìn như thôi miên lên bàn thờ, không biết bao lần rồi. Bà có cảm giác ông đang về bên bà, để tâm sự, để sớt chia những niềm vui, nỗi buồn cùng bà. Lúc này bà cũng vậy, bà như thấy có ông bên cạnh, nên bà thầm thì " Ông ơi , con nó muốn tôi rời Tây Ninh về đây với nó, ông tính sao ? Có nó tôi cũng đỡ cô quạnh bao nhiêu. Để cha con nó sống vầy, tôi cũng không muốn. Nhưng mà ông còn ở trển , tôi dứt đi không đặng. Từ giải phóng đến giờ, tôi muốn đi tìm nơi ông nằm lại, mà vẫn chưa làm sao đi được. Các con đứa nào cũng nhà cửa đàng hoàng. Chỉ có ông là nằm lại trong rừng, biểu tôi bỏ Tây Ninh mà về đây với thằng Út, sao mà đi cho được.  Ông biểu tôi phải làm gì bây giơ. Đằng chồng, đằng con … "

 

Bà cứ thầm thĩ như thế. Đôi mắt bà nhòa đi. Bỗng bà thấy tấm hình ông hôm nay khác hẳn. Ông động cựa. Ban đầu là một cái bóng. Cái bóng tròn lu như trái bưởi, lăn tròn trên bàn thờ, rồi nhấp nhóa biến thành hình ông. Ông bước khoan thai chậm rãi như ngày xưa. Chiếc nón tai bèo. Cái áo xi-ta xanh lá cây. Chiếc nịt to bản có cái khóa bằng đồng sáng bóng. Ông chậm rãi đến bên bà. Không một lời nói, không một cái mỉm cười, cũng không hề vồ vập, ông lẳng lặng nhập vào bà, ngay trên ngực trái, khiến bà run lên. Những bông cúc trên bàn thờ bỗng xòe ra, nở bừng, hương thơm tỏa ngan ngát. Khói nhang cũng bốc lên thành từng cụm như mây, trắng xốp, bồng bềnh. Từ ngực bà, ông bay ra thấp thoáng trong bóng mây. Bà dang tay ra, chới với :

- Ông ơi , đợi tôi đi với , ông ơi !

Sáng sớm, bà nói với con :

- Vân nè! Mai con lên Sài Gòn kêu chị Hai, chị Tư con qua đây má biểu. Lần này, bây đừng giữ má nữa. Để má đi tìm mộ ba bay môt lần nữa. Khó mấy má cũng đi. Má không đành để ba con ở mãi trong rừng được. Đưa ổng về rồi má ở đâu cũng được.

*

*     *

Bến xe Bà Quẹo đông nghẹt người. Những chiếc xe đò kềnh càng rước hết đợt khách hàng này sang đợt khách hàng khác mà vẫn không hết người.

 

Chị Hai, người con gái điềm đạm nhất nhà đã leo lên xe tìm cho bà Ba một chỗ ngồi. Vân lao vô cửa bán vé, đứng xếp hàng. Người đứng dưới sân xe với bà Ba là chị Tư và mấy đứa con. Chị Tư là người giống ba nhất. Sống mũi thẳng và cao, cái miệng rộng, cặp mắt sáng và sắc. Vóc dáng đậm đà và chắc lẳn, khác hẳn chị Hai, người ốm và cao, mặt xương xương, và cũng khác Vân, người con trai giống cha như tạc ở dáng đi đổ về trước, khuôn mặt dài, cái cằm nhọn và râu mọc lún phún. Câu chuyện mà má con bà soạn với nhau từ hôm trước còn lai rai đến tận bến xe này. Giọng chị Tư ấm và dịu :

- Tụi con đã nói hết lời với má rồi. Sau ngày giải phóng, anh em đồng chí ở trển đã rước vong hồn của ba về nghĩa trang rồi, má còn áy náy gì nữa. Đành rằng chỉ có cái quách không, nhưng ăn ở vậy là là có nghĩa có tình rồi. Bây giờ biết ba con ở đâu mà kiếm ?

- Thôi mà, má đã biểu mấy đứa đừng cản má mà.

 Bà Ba ngắt lời chị Tư. Chị Tư ráng nói thêm :

- Tụi con đâu có cản má ! Nhưng để má lặn lội trong rừng tụi con làm sao yên tâm được ?

- Thì tao đã nói, tao sẽ kêu thằng  Tư con con Hai, thằng Ba con con Sáu cùng đi rồi mà … Mà thôi, tao đã biểu không được đứa nào nói thêm một câu nào nữa. Cùng chẳng đặng, tao nhờ lại mấy anh cùng làm việc với ba bây hồi đó. Chắc mấy ảnh không bỏ tao đâu. Bay cứ yên tâm đi …

Xe chạy một đỗi đường Bà Ba vẫn nhớ về đêm hôm trước với hình ảnh của chồng. Nhớ lúc bà kể chuyện cho chị em chúng nghe, tụi nó cười bà, trách bà lẩm cẩm, hay tưởng tượng, rồi thần thoại … Chúng làm sao hiểu nỗi bà ! Có nói chúng cũng chẳng làm sao hiểu được ! Bây giờ chúng mời bà về Sài Gòn, về Biên Hòa ở, chắc chúng nghĩ bà ham. Chúng có biết đâu rằng bà đã có một thời vàng son dưới đó. Mỗi lần nhớ lại, bà cứ ngỡ mình nằm mơ, một giấc mơ kéo dài hơn nửa thế kỷ.

 

Thuở đó, bà mới mười bẩy, còn ông mới hăm mốt, hăm ba gì đó. Con nuôi một gia đình giầu sang, được đưa học bên Nhật về, ông mau chóng trở thành người giầu có ở cái tuổi chưa đáng được giầu. Một hãng chuyên  sửa xe hơi, một hãng nữa chuyên bán phụ tùng xe, xăng, nhớt. Ông hốt bạc như rác giữa Sài Gòn. Lấy ông, bà sống như bà hoàng. Sanh con ra đã có vú nuôi. Cơm nước, giặt giũ trong nhà đã có người ở. Bà sống ung dung, nhàn nhã cho tới Cách mạng tháng Tám, mới được biết ông, một Đảng viên cộng sản, một đầu mối quan trọng của Xứ ủy Nam Kỳ. Tất cả những cái mà ông có là do cách mạng cấp để hoạt động. Pháp quay lại Sài Gòn, miền Nam đứng dậy cầm súng đánh Pháp. Ông chạy vội về gặp bà một đêm, hôn vội sắp nhỏ và ra đi. Tại họa liên tiếp giáng xuống đầu bà. Lần đầu bà đi chợ về, Pháp đến bắt và giết mất hai đứa con trai đầu. Chưa kịp hết điên khùng vì mất con lại bị niêm phong, tịch thu tài sản và nhà cửa. Bà gánh  con gởi về quê và lên đường tìm chồng. Ông đi không một lời nhắn lại, không một địa chỉ, chỉ  nghe phong thanh, ông lên Tây Ninh và làm ở một xưởng quân giới. Chưa biết mình sẽ đi tới đâu, nhưng bà cứ đi. Trên đôi quang gánh, bà chỉ mang theo mấy ổ bánh mì ăn đường, bọc quần áo, vài chục hột vịt lộn, bà tính mang theo cho ông vì biết ông rất thích. Phố xá lùi lại phía sau, núi rừng bày ra trước mặt. Rừng, trăm ngả đường rừng, biết đi ngả nào mà tìm ông ! Ngồi nghỉ ở một quán ven đường, bà nghe người ta kháo nhau Tây đốt rừng tìm du kích, bà mới nghĩ ra cách: cứ bám theo vệt rừng Tây đốt mà đi. Đêm ráng leo lên chạc cây mà ngồi. Ngủ làm sao được ! Cọp, beo gầm, bầy khỉ đuổi nhau chí chóe, gió rừng ù ù, vượn hú, nai tác … Đôi lúc mệt muốn lả người mà bà không dám ngủ. Mấy chục hột vịt nở con dần. Bà thả đi con cuối cùng và khóc. Thương vịt con, thương chồng , thương con và tủi thân bởi bao ngày lặn lội, đơn chiếc .

Du  kích bắt được bà nằm vật ven bờ một con rạch. Họ chỉ nghe được những tiếng lào thào thoát ra từ cái thân hình tiều tụy, hốc hác và đói lả :

- Chồng tôi là Trần .. Văn …Tỵ …

Tỉnh dậy bà thấy ông ngồi kế bên. Bà khóc nấc lên và lại ngất xỉu đi.

Ít lâu sau, tổ chức đón được đàn con lên với ba. Con Hai, con Tư đã lớn, ông đưa vào đoàn " Chim Việt ", để con Sáu ở lại với bà. Từ đó, không còn ai nhận ra người đàn bà quý phái Sài Gòn xưa. Bắt đầu phát rẫy, trỉa bắp, trồng củ mì , cắt lúa … Bà làm tất cả nuôi chồng , nuôi con đi kháng chiến . Thằng Út Vân đã ra đời trong thời gian vất vả đó . Cái nụm cưng đó an ủi được phần nào nỗi đau của hai vợ chồng vì đã mất đi hai thằng con trai trước.

Thằng Út Vân được bốn tuổi .

 

Một buổi chiều, đi rẫy về, bà chợt nhận ra sự khác thường ở cái chòi của mẹ con bà. Anh em trong công binh xưởng kéo nhau ra đông quá. Mỗi người mỗi góc, trên những chạc cây, ngoài bờ hiên, trước chuồng gà, cạnh giếng nước, không ai nói với ai một lời. Thấy bà về, đoàn người lặng lẽ đến bên bà. Linh tính báo cho bà biết một cái tin gì đó rất khủng khiếp. Bà ráng chịu. Có ai đó nói với bà:

- Chị Ba , chị ráng bình tĩnh nghen …

Thì bà cũng đang bảo mình phải thực bình tĩnh .  Nhưng hai chân bà không chịu nghe bà. Cái đầu bà cũng không chịu nghe bà, rồi cả thân xác bà cũng không chịu nghe bà. Bà đổ vật xuống khi nghe tin: ông trực tiếp cho thử một quả địa lôi mới tạo. Nó nổ bất chợt. Ông đi …

Tỉnh dậy, bà không gào thét như bao người phụ nữ khác mất chồng. Bà chỉ nghẹn nấc lên:" Ông ơi, con còn non dại quá…" và chỉ một câu ấy thôi. Bà dắt sắp con lên mộ ông lút trong rừng sâu, lạy đủ ba lạy, thắp đủ ba tuần nhang, gởi lại ba đứa con lớn cho kháng chiến, cõng Út Vân về Thị Xã Tây Ninh, gác chòi ở ấp Thái Vĩnh Đông, và lại bắt đầu chuỗi ngày đi gặt thuê, cuốc mướn. Đoạn tang, bà làm mâm cơm cúng, và khấn chồng :

-Ông ơi, ông sống khôn, chết thiêng, phù hộ độ trì để tôi nuôi thằng Ut Vân cho khôn lớn. Nay mai nước nhà yên lành tôi sẽ đưa ông về với mẹ con tôi …

Bà xuống tóc. Lúc đó bà mới ba mươi sáu tuổi.

*

*    *

2.

Chiếc xe du lịch hiệu " Maxcovis" mang biển số Hà Nội từ từ tiến vào cổng của cơ quan tỉnh. Anh công an xem xong giấy tờ, vội vã mở toang cánh cổng bằng sắt cho xe chạy thẳng vào phía trong. Chiếc xe dừng lại ở tiền sảnh của phòng tiếp khách. Bước xuống là một người đàn ông, thấp, mập, và chân hơi khập khiễng. Cô thường trực nhanh nhẹn đến bên ông :

- Dạ thưa, chú cần gặp ai ?

Ông khách thân mật nắm lấy tay cô gái :

- Cô báo anh Sáu bí thư,  có Chín Đô ở Hà Nội vô nghe.

- Dạ .

Ông Chín Đô có vẻ bồn chồn. Ông không ngồi xuống chiếc ghế cô thường trực đã phủi kỹ mà cứ đi đi lại lại trong phòng. Khi có tiếng bước chân ngoài cửa, ông vội vã chạy ra :

- Anh Sáu !

- Trời đất, đúng chín Đô đây mà …

Hai người ôm choàng lấy nhau. Rõ ràng đã lâu lắm rồi họ mới gặp nhau. Ông Sáu bí thư cao hơn ông Chín tới một cái đầu. Gương mặt ông thực hiền hậu. Hai mắt một mí, lúc nào cũng nằng nặng như vừa mới ngủ dậy. Ông trắng, nhưng xanh, vì thế tuy ông to mập, song cũng dễ nhận thấy ông không được khỏe khoắn lắm. Một bên tay teo nhỏ, dấu vết của một vết thương hồi chiến tranh. Kéo ông Chín ngồi xuống bên, kêu cô thường trực lấy hai ly nước, ông hỏi ông Chín :

- Về Tây Ninh lần này ở lâu lâu một chút nghen !

- Đâu có được, tính chiều tối về, anh Sáu !

- Ai cho ông về ! Tôi lệnh đóng cửa, ông có bay cũng không thoát !

Hai người cười sảng khoái . Ông Chín bỗng trầm giọng :

- Kỳ thiệt anh Sáu ! Lần nào về Tây Ninh tôi cũng cứ hồi hộp sao đâu ấy ?

Ông Sáu cười :

- Duyên nợ nhiều quá, phải không ?

- Có thể …

Hai ông lại cười.

Ông Sáu hỏi :

- Nhận được thơ tôi chớ ?

- Sao không ? Nhận mới lên đây mà . Vô Sài Gòn ba bốn bữa rồi , công việc nhiều quá , hôm nay mới bứt ra lên đây được đó . Mà lên rồi , xem công việc ra sao , lại về luôn dưới , mai tính ra Hà Nội luôn.

 

Họ là bạn chiến đấu một thời ở chiến trường Tây Ninh này. Có lúc, một ông là sư đoàn phó, còn ông kia là chính ủy sư đoàn. Hết chiến tranh, ông Sáu về làm bí thư tỉnh ủy , còn ông Chín trở ngược ra Bắc, học thêm một lớp nữa rồi là phó ban kinh tế trung ương. Cũng là một sự hợp lý. Ông Chín tập kết hồi 1954 , ra Bắc mới lấy vợ, rồi trở ngược vào Nam chiến đấu, trở vào chiến trường quen thuộc hồi chín năm. Cách đây hơn một tháng, ông nhận được thơ của ông Sáu. Thơ ngắn, đủ để thông tin một việc : "Anh Chín. Anh còn nhớ anh ba Tỵ không ? Anh Ba giám đốc công binh xưởng 91 hồi đầu đánh  Pháp đó. Có việc phải phiền anh. Mới rồi chị Ba có lên gặp tụi này, nhờ ráng giúp tìm dùm mộ anh Ba cho chỉ. Tụi này đã cử một số anh em đi làm việc đó mà không kết quả. Tư Hiếu bên nghiên cứu lịch sử Đảng có nói, chắc là anh còn nhớ. Anh ráng vô giúp tụi này ! Cần lắm ! Chắc khỏi phải nói ý nghĩa của công việc. Mong anh".

Hôm nay ông Chín có mặt tại Tây Ninh, chính vì vậy, khi nghe ông Sáu hỏi đến bức thư, ông Chín hỏi ngay :

- Sao, việc anh Ba Tỵ sao rồi ?

Ông Sáu trầm ngâm, gõ gõ ngón tay xuống mặt bàn :

- Chưa tìm thấy, anh Chín. Bên Tư Hiếu đã xoay mọi cách,  ló đôi chút hy vọng nhưng sau đó lại mất dấu vết . Có tìm được vài người hồi đó ở chung với anh Ba, song họ cũng quên hết. Bà Ba với mấy đứa cháu ngoại cũng đã tìm lên trển, nhưng cũng không thấy. Anh còn nhớ một chút nào nơi chôn cất anh Ba không ?

Khác hẳn lúc mới gặp nhau, ông Chín ngồi im phắc, đắn đo một hồi rồi mới nói :

- Hồi ảnh làm giám đốc mình mới là lính học việc. Mà mình đâu có thích làm việc ở đó ! Cứ khơi khơi đòi cầm súng ra trận. Bữa ảnh hy sinh, mình có đi chôn cất ảnh. Anh Bẩy Lý, phó giám đốc có vẽ sơ đồ mộ chí hẳn hoi . Mấy tháng sau , công binh xưởng bị máy bay oanh tạc , anh Bẩy Lý hy sinh . Thành ra mất luôn sơ đồ mộ của anh Ba . Rồi công binh xưởng chuyển hết nơi này đến nơi khác . Giữa rừng, không biết làm sao mà nhớ được. Tôi còn nhớ được thế này : mộ anh Ba chôn cách cây bằng lăng cổ thụ chừng sáu mét về phía đông.

- Chỗ đó bây giờ bằng địa rồi - Ông Sáu cướp lời - Thành ruộng, thành rẫy hết ! Tụi mình đang rầu muốn chết vì rừng bị phá khủng khiếp đây …

Ông Chín vỗ vỗ tay lên trán :

- Vậy biết làm sao bây giờ ? Ba chục năm có dư rồi !

- Tụi mình đã làm lễ rước linh hồn ảnh về nghĩa trang liệt sĩ. Vậy mà bửa rồi chị Ba lên tìm tụi mình. Chị biểu : "Ông về, ông kêu tui đón ổng , kẻo ổng đơn chiếc lạnh lẽo quá". Tội nghiệp, hiếm có người vợ nào như chỉ. Gần bẩy chục tuổi rồi vẫn lọ mọ đi kiếm mộ chồng. Không lẽ mình để vậy ! Mình đâu được phép quên những người đã khuất …

Cuộc gặp gỡ ban đầu vui vẻ bao nhiêu thì bây giờ lại đượm buồn bấy nhiêu . Họ có biết bao nhiêu kỷ niệm, song làm sao có thể nhắc đến kỷ niệm vào lúc này. Cả hai ly nước còn nguyên chưa ai nhấp một miếng . Ông Sáu nhìn vào mắt ông Chín :

- Vậy là anh không thể giúp ?

Ông Chín xua xua tay :

- Khoan , để tôi nghĩ một lát đã !

Cả hai cùng yên lặng. Cái nóng từ ngoài sân dội vào làm không khí trong phòng thêm ngột ngạt . Bỗng như nhớ ra một điều gì , ông Chín chợt hỏi :

- Bên Tư Hiếu tìm đến Bẩy Bắc chưa , anh Sáu ?

- Bẩy Bắc nào ?

- Ờ, ờ … Có lẽ anh không biết chả đâu. Vậy anh nói Tư Hiếu ráng kiếm cho được Bẩy Bắc. Ảnh là một trong những người đắp mộ cho anh Ba đó. Nghe đâu Bẩy Bắc còn ở công binh xưởng đến dạo "sáu mươi", sau đó mới chuyển sang vận tải đường sông, chuyễn vũ khí vào Sài Gòn. Cố dò cho ra Bẩy Bắc là một . Anh còn nhớ Tư Sử không ?

- Phải Tư Sử đoàn trưởng " mười bốn " không ?

- Ừa chả đó ! Ảnh cũng ở công binh xưởng đến dạo "sáu mươi ", cũng là người rước anh Ba đi chôn cất đó !

- Tư Sử giờ đang ở bên Cao Su.

- Vậy hả ? Bây giờ vậy nè. Tôi sẽ ở đây với anh tới sáng mai, rồi tôi về thành phố, tính ra Hà Nội liền, nhưng hãy khoan đã. Tôi sẽ giải quyết một số việc nữa, chừng ba bốn ngày sau tôi quay lại. Anh nói anh Tư Hiếu ráng kiếm cho được Bẩy Bắc. Rồi mời Tư Sử về. Thêm anh và tôi, ta thử bàn vụ này xem sao. Được chớ ?

- Được !

Cả hai thở phào nhẹ nhỏm. Ông Sáu biết tính ông Chín . Rất ít khi nói ra những điều chưa nghĩ kỹ . Mà nói ra được rồi thì làm cho  được. Ông Sáu chợt hỏi :

- Anh đi mấy người, tôi bảo anh em họ thu xếp chỗ nghỉ bên khách sạn ?

Ông Chín xua tay :

- Khỏi cần ! Chỉ có tôi với cậu lái xe thôi. Về chỗ anh, kiếm con cá lóc, nướng trui, bóp sầu đâu nhậu chơi. Vẫn ở cái gian tập thể đó chớ ?

-Vẫn ở đó chớ đâu ! Bà nhà mình không chịu lên đây , cứ ở nhà với mấy ruộng rau muống !

- Ra tôi vẫn còn hên. Gần vợ, gần con. Chỉ vẫn dưới Long An chớ ?

- Ừa, bả không muốn xa quê. Mà tôi ở riết một mình cũng quen rồi. Vậy thế này nghe anh Chín. Anh về chỗ tôi nghỉ …

- Chết, nghỉ sao được ! Tôi muốn bàn với anh một chút về tình hình công nghiệp Tây Ninh đây.

Hai người đứng dậy, sóng vai bước vào phòng làm việc của ông bí thư tỉnh ủy. Lát sau, anh Hậu, thư ký của ông Sáu đã đứng bên máy điện thoại . Anh hết đặt máy xuống, lại nhấc máy lên. Chừng gần một giờ sau, mấy người lục tục kéo đến phòng làm việc của ông bí thư. Ông trưởng ban kinh tế, ông giám đốc sở công nghiệp , ông phó chủ tịch phụ trách công nghiệp. Trên trán ông Chín chưa ráo mồ hôi. Còn trên gương mặt ông Sáu vẫn nguyên nét trầm tư như khi nói chuyện về người đã khuất.

*

*    *

3.

Ba bà cháu bà Ba vào trọ trong một căn nhà lợp tranh, vách đất. Chủ nhà là một người đàn ông luống tuổi , ốm nhách và lúc nào cũng ậm ạch ho . Ngược lại , vợ ông ta là một người đàn bà còn khá trẻ và to khoẻ . Một đàn con . Đứa lớn chừng mười lăm , mười sáu tuổi . Em nó bẩy đứa choai choai hột gà , hột vịt . Hồi chiều , khi bà Ba tới , hai vợ chồng hiếu khách nhưng cứ ái ngại vì nhà quá chật chội , không biết sẽ bố trí cho bà cháu ăn ngủ ra sao . Nhưng ăn nhiều , ở hết bao nhiêu . Bà Ba ráng làm cho vợ chồng chủ nhà biết , với bà chỉ một cái võng là có thể qua đêm được rồi . Hai đứa cháu ngoại ăn vội miếng cơm nấu nhờ ở bếp chủ nhà , lăn kềnh ra bộ ván mà ngủ . Còn ba Ba mắc võng lên mấy cái cột nhà , nằm móm mém nhai trầu . Hai mắt bà ngó vào đêm tối ngoài xa . Nghĩ mà thương cho hai thằng nhỏ . Mấy bữa rày đi suốt , ăn uống thất thường , đứa nào đứa nấy mặt mày hốc hác . Thằng Tư còn khá , chớ thằng Năm coi bộ bết bát lắm rồi . Đi là đi , ăn là ăn , ngủ là ngủ , suốt ngày ngậm tăm không nói lấy một tiếng .

Bữa đặt chân từ Biên Hòa về Tây Ninh , bà Ba lên gõ cửa phòng làm việc của Tư Hiếu , trưởng ban nghiên cứu lịch sử Đảng tỉnh . Ở đây bà ít quen ai . Lớp cán bộ bây giờ vừa trẻ vừa lạ . Chỉ có một Tư Hiếu . Mà cũng chỉ sơ sơ . Nghe đâu trước đây cũng có lúc Tư Hiếu làm phó giám đốc công binh xưởng . Ngày giải phóng , anh đã tìm đến tận nhà để trao cho bà tấm huân chương của ông , giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ , kèm cái bằng Tổ quốc ghi công . Rồi cũng chính Tư Hiếu cùng đi tìm mộ ông với bà. Nhưng anh thuộc lớp sau, do vậy cũng đành thất vọng, không sao giúp bà được . Tìm ông không được, cũng chính Tư Hiếu xin với bà cho rước linh hồn ông. Bây giờ muốn đi tìm một lần nữa , bà không biết cậy nhờ vào ai ngoài Tư Hiếu . Hôm ấy , vừa thấy bóng bà , Tư Hiếu đã vồn vã chạy ra , nắm lấy tay bà mà dắt vào phòng :

- Chị kiếm tôi có chuyện chi không chị Ba ?

Bà Ba thủng thẳng đáp :

- Chuyện thế này chú Ba. Bữa hổm , ở dưới nhà thằng Út tôi thấy ổng về .

Tư Hiếu thốt lên :

- Trời đất không lẽ …

- Không phải ổng còn sống - bà Ba vội giải thích - mà ổng hiện hồn về .

Rồi bà kể chi tiết mọi chuyện hôm đó chồng Tư Hiếu nghe. Tư Hiếu ngồi nghe một cách kiên nhẫn. Cuối cùng bà nói với anh:

- Bây giờ tôi tính ráng kiếm ổng một lần nữa xem sao .

- Chị Ba ơi , - Tư Hiếu thốt lên - có cách gì mà kiếm được ảnh bây giờ ?

- Vậy tôi mới kiếm đến chú .

Tư Hiếu ngồi im lặng . Quả thực anh không biết nói với bà Ba sao cho phải . Ngăn cản ư , không được . Đi tìm ? Biết ở đâu mà tìm bây giờ . Ngày anh tới nhận nhiệm vụ ở công binh xưởng 91, thì đã là lần chuyển thứ tư. Người cũ chẳng còn có bao nhiêu. Người mới thì cũng như anh, chỉ biết những người đi trước qua đôi lời kể. Đã có một vài lần khá vất vả cùng bà Ba đi kiếm mộ ông, song không lấy một tia hy vọng. Bây giờ biết nói làm sao với chị Ba đây . Tiếng chị Ba vẫn thẽ thọt như năn nỉ :

- Tôi đã khấn ổng rồi. Mà ổng thiêng lắm kia. Bửa trước xin keo , người ta bảo nhất định tôi kiếm được ổng mà !

Trong lúc bà Ba không để ý , có một người bước vào phòng. Ông ta lẳng lặng đứng nghe câu chuyện của bà , rồi hỏi Tư Hiếu:

- Chị đây là vợ liệt sĩ Trần Văn Tỵ ?

Anh Tư Hiếu gật đầu xác nhận.

Ông ta cầm lấy tay bà :

- Chị Ba cứ về để tụi tui tính xem sao. Chắc thế nào cũng tìm được mộ ảnh ! Chị yên tâm - Ông quay sang Tư Hiếu - Anh Hiếu này , chắc mình không thể từ chối nguyện vọng của chị Ba, ráng lần nữa coi !

Bà Ba nhìn ông ta . Một gương mặt đôn hậu , với nụ cười hiền lành .

Bà về , vẫn chưa biết ông ta là ai , nhưng bà cảm thấy mếl và tin . Phải rồi , ở cái tuổi đó , chắc hiểu được nỗi niềm của bà . Nhưng bà không chờ tín hiệu từ phía Tư Hiếu mà tự dẫn hai đứa cháu ra đi . Lần này nữa là hai. Mệt mỏi đã thấm vào cơ thể già nua cằn cỗi của bà , thế mà bà vẫn không muốn bỏ cuộc.

Anh chủ nhà thổi tắt bớt mấy ngọn đèn, chỉ để lại một ngọn le lói sáng ở trên cái bàn thờ thổ địa. Anh loay hoay với nồi cám heo, chất lửa rồi đến ngồi bên bậu cửa . Bóng anh ta đen thẩm , nhập nhoạng dưới ánh đèn . Anh nói vọng vào :

- Dạo mới lên đây, nhiều ma lắm má ơi. Đêm tối thế này đố có dám ra khỏi nhà . Đây nè, chỗ đám bồn bông nơi cửa nè , hồi đó cứ tối đến là nghe cọc cạch, cọc cạch, như tiếng vó ngựa ấy . Mà kỳ thiệt, hễ nhắm mắt lại là nghe. Mở mắt ra là hết. Má vô đây có đi qua cái gò cao ngoài đó không ? Chỗ đám lúa cao nhất đó . Trời đất , sợ lắm kia . Con nói có thể má không tin. Hồi đó, đêm đêm các ngài về trắng trời . Chốc chốc lại cái xẹt . Những quầng lửa như cái tộ . Các ngài về tận đây đó má ! Có bữa con đang ngủ , chợt như có ai gõ vào mái lá từng nhịp , từng nhịp một . Con mở mắt ra thì rõ ràng một quả cầu lửa làm lóa cả mắt con . Con muốn la lên mà không làm sao la được . Sợ quá , con nhắm mắt lại . Lúc định thần mở mắt ra , thì lại chỉ thấy trời tối đen như mực . Các ngài ở gò về đó . Con chắc vậy . Vợ chồng con mới lập một cái miếu ngoài đó . Dù nghèo , ngày rằm , ngày đầu tháng cũng làm mâm cơm cúng các ngài . Dân ở đây gọi là gò Sáu Ông đó , má .

- Ủa sao lại gọi là gò Sáu Ông ?

- Con đâu có biết . Ông chủ đất của con gọi vậy . Con cũng có hỏi, ổng nói, hồi chiến tranh, tụi Mỹ nó càn lên đây . Có mấy anh bộ đội hy sinh, tụi nó chôn chung trong một cái hố trên gò . Con có báo cho tỉnh biết . Mới đây đội bốc cốt đã lên lấy hết về rồi .

- Có cốt của mấy anh không ?

- Có chớ má ! Ông chủ đất của con giữ kỹ lắm . Đến thời con , con cũng giữ và còn thờ cúng nữa mà .

- Vậy chớ ông chủ đất của anh bây giờ ở đâu ?

- Ổng về Châu Thành rồi má.

- Từ hồi tới giờ , anh có gặp ổng không ?

- Dạ có, ông bán hết đất rồi về trển. Nhưng năm nào ổng cũng về đây một lần . Ổng lên rừng không biết để làm chi nữa .

-Nè anh có biết tên ổng không ?

- Biết chớ má ! Ổng tên Bẩy Bắc .

- Trời đất …

Bà Ba thốt kêu lên rồi vội vã tới bên hai thằng cháu ngoại lay giật chúng dậy :

- Thằng Tư, thằng Năm, dậy con, dậy nghe ngoại nói nè !

Hai đứa ngồi dậy , tay vẫn còn dụi mắt vì ngái ngủ.

- Chi vậy ngoại ?

- Dậy , về Châu Thành , con . Trời đất ơi , thấy rồi con ơi .

- Mà thấy chi chớ, ngoại ?

- Mộ ông ngoại bây chớ ai!

- Đâu ngoại ? Ở đây hở ngoại ?

- Không. Mà thấy rồi !

Bà Ba mừng quýnh quáng. Anh chủ nhà cứ trố mắt nhìn bà. Khi hiểu ra anh năn nỉ :

- Má ơi, có chi để mai . Bây giờ đêm tối vầy má đi sao được.

Bà Ba chợt tỉnh . Ờ phải, giờ này mà đi đâu . Ngủ đi mấy đứa , mai đi sớm . Ngoại biết ông ngoại bây đâu có bỏ ngoại …

*

*    *

4.

Miếng đất nhỏ bé của ông Bẩy Bắc bị ép giữa một bên là kinh Xáng , một bên là sông Vàm Cỏ Đông. Ở đây ít ai biết đến cái tên Bẩy Bắc của ông , mà người ta quen gọi ông là ông Bẩy sửa ghe . Trên miếng đất đó ông cất một cái chòi đủ để vợ chồng ông và đứa con gái ở . Ít ai biết ông từ đâu tới . Người ta quen ông bởi ông là người khéo tay . Những chiếc ghe bể sườn , tróc mũi ,  lở sơn … qua tay ông liền lành lặn như mới . Suốt ngày ông ngồi ở mí sông với cái rìu , chiếc búa , cái kềm và những tấm gỗ to nhỏ đủ loại . Cạnh đó là chiếc ghe hư của ai đó . Điếu thuốc rê bên mép rất ít khi tắt lửa . Suốt từ Bến Sỏi xuống , từ Ninh Điền sang , từ Thanh Điền tới … ai cũng biết ông và tất cả những chiếc ghe trong vùng ít nhất cũng một lần qua tay ông sửa . Người ta trả công ông bằng mọi cách . Bằng thóc , bằng gạo , thậm chí bằng cá bắt được ở trên sông . Ông nhận mà không hề phàn nàn nhiều hay ít . Vợ ông hơn ông mấy tuổi, yếu đau bệnh tật, cả ngày chỉ biết thổi cơm cho ông ăn đủ mấy bữa, và một bữa nhậu lúc chập tối. Hình như cả đời ông chỉ có một thú vui, ấy là bữa rượu lúc chập tối. Còn cơm thì có gì ăn nấy. Sáng thì con cá kho tiêu. Không có thì trái chuối xanh, chấm muối ớt, được rồi. Mặc thì càng khỏi lo. Suốt năm chỉ có cái xà lỏn trên mình, chiếc mũ tai bèo có từ hồi còn kháng chiến. Mùa gío chướng có thêm chiếc bà ba đen, cũng có từ hồi nảo, hồi nào. Ông còn khỏe so với cái tuổi sáu mươi của ông. Da xạm đen và săn lại vì nắng gió và sông nước. Ông lấy vợ trên sông, đẻ con trên sông. Đứa con gái duy nhất mới lấy chồng và đi làm trên huyện.

 

Ai không biết thì thấy ông đã an phận. Nhưng quả thật chẳng có ai biết nỗi buồn, hận trong ông. Có chăng chỉ một mình vợ ông biết. Dạo đó, đang làm ở công binh xưởng 91, trên điều ông đi vận chuyển vũ khí từ mạn Châu Đốc, Cà Mâu lên căn cứ. Được mấy năm, cách mạng đưa tiền ông mua nhà ở Sài Gòn để chứa vũ khí chuẩn bị cho Tết Mậu Thân. Cơ sở bể, hai vợ chồng ông cùng bị bắt, nhưng may đã kịp chuyển giấu hết vũ khí trong nhà. Ba năm nằm khám Chí Hòa, địch phải thả cả hai vợ chồng ông ra vì không có chứng cớ buộc tội. Chỉ tội nghiệp bé Thủy cũng phải theo ông bà vào sống trong tù suốt cả mấy năm. Ra tù, ông trở thành kẻ bơ vơ. Không bắt được liên lạc với tổ chức. Lên công binh xưởng thì đã di chuyển đi từ lâu. Dò hỏi thì ông không dám. Đi nữa thì lo vợ bìu, con ríu, ông đành ở lại chỗ đơn vị đóng quân ngày đầu mới thành lập, phát rẫy, trồng trỉa chờ đợi thời cơ. Mùa lúa qua, mùa bắp cũng qua. Qua biết bao nhiêu mùa như thế, chẳng ai tìm đến ông, và ông cũng hết gan đi tìm kiếm anh em. Đùng một cái, giải phóng. Điều mà ông chờ đợi không đến được. Từ đó ông mang trong lòng một nỗi buồn day dứt. Ông bán tất cả đất đai, vườn tược, về mí sông này sống như một người ở ẩn. Ông sửa ghe không phải để kiếm tiền mà mong còn làm được một cái gì đó có ích. Và ông tránh tất cả bạn bè. Ông cũng không muốn nhắc lại những năm tháng tham gia kháng chiến. Chỉ có một lần, một lần duy nhất ông gởi thơ lên ban tổ chức Tỉnh ủy. Thực ra không phải là thư mà là một tờ trình. Sau lần ấy ông mới thấy thanh thản được chút ít. Dẫu sao ông cũng có chỗ để tự thú về sự an phận của một Đảng viên sớm bỏ vị trí. Không có ai trả lời ông. Ông không dám trách ai và chỉ biết sớm hôm chí chát sửa ghe với cái tên đã thành danh Bẩy - sửa - ghe mà thôi.

 

Bỗng hôm nay, ông dậy rất sớm. Sớm hơn mọi bữa. Sớm hơn cả mấy chiếc ghe chở hàng lậu lên Miên. Ông hỏi bà :

- Cái áo bà ba của tui đâu rồi bà ?

- Tôi treo đầu ván ông nằm đó !

- Ờ hén. Còn cái thơ mời của tôi ?

- Trong túi áo đó !

Ông yên tâm khoác chiếc áo lên người, vác chiếc bơi chèo lên vai, nói vọng vào với bà :

- Hai Đấu có tới lấy ghe, biểu nó tôi mắc công chuyện. Mốt đến lấy, nghen !

- Được, ông cứ đi đi !

- Chắc là chỉ tới trưa tôi về. Bà ăn cơm trước, đừng chờ tôi…

- Được rồi mà. Tôi thì ăn uống bao nhiêu mà ông lo !

Trời vẫn chưa sáng. Mặt trăng vẫn còn đầy đặn nằm chênh chếch phía Tây. Đằng Đông trời hơi hửng. Mặt sông lạnh. Gió lộng. Sóng nước vỗ bờ oàm oạp. Ông bước xuống ghe, néo bơi chèo, đẩy ghe ra. Chiếc ghe bồng bềnh trôi. Bao năm sống với sông nước, có lẽ đến hôm nay ông mới hiểu, chỉ có dòng sông là không bao giờ nghỉ. Bấy lâu nay, ông sống trong một nỗi buồn, và cứ tưởng rằng mình là người hiểu được dòng sông với con nước khi vơi khi đầy, khi đục khi trong. Nhưng như hôm nay, ông mới biết mình chẳng hiểu gì về nó cả. Đằng kia chỗ mặt trời sắp mọc, mặt sông sáng bừng. Còn đằng kia, nơi mặt trăng chưa kịp lặn, mặt sông sao yên tĩnh lạ thường. Lại lạnh nữa. Ông có cảm giác như đã có một thời ông sống trong cái phẳng lặng và lạnh lẽo kia, mà quên đi cái khoảng sáng ấm áp, ngay trên dòng sông Vàm Cỏ Đông này. Ôi, giá mình mình dào dạt được như dòng sông, hẳn mình sẽ được như con nước hướng trôi về nơi rạng rỡ ánh mặt trời.

 

Ông mới nhận được thơ mời của ban tổ chức Tỉnh ủy. Với ông, ít nhất cũng là cái cớ để đến được với các đồng chí của mình. Một đỗi trôi trên sông, một thôi lách trên dòng kinh Xáng, thêm một chuỗi đường đi bộ và chòng chành ngồi trên chiếc xe lôi, cuối cùng, ông dừng lại bên chiếc cổng dẫn vào khu làm việc của Tỉnh ủy. Đến đây, ông bỗng chần chừ. Sẽ ra sao đây ? Tổ chức sẽ hỏi mình cái gì đây ? Ông sắp xếp lại tất cả. Tham gia cách mạng từ bao giờ ? 1946. Công tác ở đâu ? Làm du kích, vào bộ đội, công nhân công binh xưởng 91. 1960 làm vận tải đường sông chuyển vũ khí lên cứ. 1963 về Sài Gòn hoạt động mật. 1964 bị địch bắt, ở tù 3 năm, về mất liên lạc. Vào Đảng năm nào ? 1953 . . .Có nghĩa là ông thuộc lòng những năm tháng trước đây của ông. Nhưng nếu người ta hỏi : sau khi mất liên lạc làm gì, ở đâu . . . sẽ trả lời sao đây ? Tôi đã trùm mền, đã làm một anh nông dân bình thường, đã sống yên ổn với vợ con, đã . . . Chao ôi, vậy thì còn gặp đồng chí mình làm gì nữa. Ông kiên quyết quay ra.

 

Nhưng ngay lúc đó, một anh thanh niên có mớ tóc xoắn tít chạy vội lại phía ông :

- Chú, thưa chú, có phải chú là Bẩy Bắc ?

Ông giật mình lúng túng. Lâu lắm rồi có ai gọi ông bằng cái tên đó. Ông đáp từ tốn :

- Dạ, phải.

Anh thanh niên nắm bàn lấy bàn tay sần sùi còn dính nhựa trám ghe của ông :

- Mời chú vô. Chú Sáu bí thư biểu cháu đón chú ở đây suốt sáng đến giờ. Hên mà chú tới, chớ không mấy đứa cháu phải xuống tận nơi đón chú lên đó. Chú Sáu bí thư cứ áy náy hoài. Lẽ ra không nên gởi thơ mời chú, mà phải đến tận nơi kìa.

Anh thanh niên cứ líu ríu vậy cho đến lúc đưa ông vào tới phòng khách. Có ai đó reo rất to :

- Anh Bẩy !

Ông nheo mắt nhìn. Ai vậy cà ? Ai mà kêu ông thân mật tới vậy ? Thằng cha nào lùn lùn, trắng trắng vậy cà ? Ừa, phải rồi, nó đó !

- Phải Chín Đô đó không, mầy ?

- Tôi nè, anh Bẩy.

- Chèn đét ơi, mầy thiệt đó mầy, Chín ?

Ông ào tới ôm riết lấy Chín Đô. Tất cả tan biến hết, kể cả cái lúng túng ban đầu, kể cả những gì ông sắp đặt sẵn. Hơn hai chục năm trời, ông mới được ôm vào lòng mình người bạn xưa.

-          Mầy còn sống đó hả Chín ? Mà sao mầy còn nhớ được tao, Chín ?

 

Ông cay cay sống mũi. Rồi nước mắt tràn ra lúc nào không biết. Thì ra, hơn hai chục năm trời qua, ông đã cố quên, giả vờ quên mà sống. Bây giờ đây mới biết ông thèm khát đồng đội, đồng chí biết mấy. Giá như sau ngày ở tù về, ông ráng tìm thì đâu có phải đến tận bây giờ mới có vòng tay ôm ấp này. Chín Đô, mầy đừng vặn lưng tao thế đau lắm. Mà không sao, mầy muốn làm gì tao thì làm, mầy cứ xoắn, cứ vặn, cứ đánh tao bao nhiêu cũng được, dù sao không đau bằng những ngày sống cô đơn của tao đâu. Mầy quay tao thế, tao chóng mặt té bây giờ. Mà cũng không sao, tao có té, cũng té vào lòng mày, với lại, mầy đâu có để tao té, phải không Chín ?

 

Phải một lúc lâu sau, hai người mới buông được nhau ra. Anh thanh niên trố mắt chứng kiến cuộc gặp gỡ của hai người, rồi lẳng lặng đi ra, vẻ xúc động hiện trên gương mặt anh. Chỉ còn hai người. Họ ngồi bên nhau, một đen đúa, già nua, thô kệch trong bộ bà ba đen nhăn nheo. Một đỏ đắn, hồng hào, lịch sự trong bộ đồng phục màu xám tro. Nhưng cả hai điều cười nói hết cỡ. Họ tranh nhau nói, tranh nhau kể chuyện. Líu ríu nhắc lại một thời bên nhau. Những đêm lặn lội đào móc súng được chôn xuống hồi sau chín năm, những lúc tìm cách cướp súng giặc thời Pháp chiếm đóng về chế thành súng mình, bắn bằng đạn mình. Phút hồi hộp thử một trái mìn tự tạo . . .

Ông Bẩy Bắc cười ngất :

- Hồi mầy được rút sang chủ lực tao ghen quá trời. Giá hồi đó tao cũng được như mầy, biết đâu tao cũng còn như mầy bây giờ . . .

- Nhưng biết đâu mầy chẳng ngỏm như bao nhiêu thằng khác - Ông Chín cười, pha trò - Hồi đó tao cũng xuýt nữa thì toi chớ bộ. Đi rồi nhớ mấy cha quá xá hà. Tao vác theo cây súng hai nòng của mày chế tạo, đánh tới năm trận mới thay đó. Mầy còn nhớ khẩu súng đó không ?

- Nhớ chớ, sao không . . . Nè, giờ mày công tác ở đâu ?

- Mãi ngoài Hà Nội lận. Ấy là nhà nước thương, cho về gần vợ, gần con. Bà ấy người Nam Định. Hồi mới giải phóng, tính rước bả vào luôn trong này, nhưng bả không chịu. Thôi thì đất nứơc thống nhất rồi, ở đâu cũng được. Nhưng thú thực với mày, tao thèm được công tác ở trong này lắm. Gần bạn, gần bè, thông cảm với nhau hơn . . .

Ông Bẩy bỗng im lặng. Ngoài trời đã vào giấc trưa rồi. Ông Bẩy thắc mắc :

- Tao có thơ mời của tổ chức Tỉnh ủy mà sao không có ai tới vậy cà ?

- Khỏi. Tao nhờ họ mời mày đó. Mày thông cảm cho tao. Lên Tây Ninh này đủ mọi chuyện. Việc công nhiều lắm. Tao vừa giải quyết công việc vừa được gặp mày. Lợi cả đôi đường. Và, tao cũng muốn mày lên gặp anh em trên này, để . . .

Ông Chín chợt ngưng. Hình như có cái gì đó không tiện nói ra ngay. Ông Bẩy nhìn vào mắt ông Chín. Thì ra chẳng có tổ chức nào hết, một thằng bạn muốn gặp một thằng bạn. Nhưng không lẽ nó từ Hà Nội vào đây chỉ để nói ba cái chuyện tào lao như vừa rồi. Biết đâu, nó chớ chẳng ai khác sẽ bắt đầu những câu hỏi chất vấn. Ông Bẩy vội trấn tĩnh sắp xếp lại những thứ gì đã chuẩn bị ở nhà. Ông Chín chậm rãi :

- Tôi đang không biết cách nào tìm anh - Ông bỗng đổi cách xưng hô - thì may quá, bên tổ chức Tỉnh ủy nói cách đây khá lâu có nhận được thơ của anh. Tôi mới nhờ họ mời đại. Không biết thơ có tới được anh không. Hên quá, anh nhận được…

- Tao ... à tôi, anh biết rõ quá rồi còn gì. Chỉ có quãng sau…

Biết nói gì đây. Ông ráng lựa lời. Dẫu sao nó cũng đã một thời là bạn, hẳn nó có thể thông cảm. Ông muốn nói với bạn mình, thực tình ông chỉ muốn nói ra cho hết, để khỏi phải sống những ngày âm thầm ân hận mãi như hiện nay.

- Chín Đô này . . .

- Khoan, anh Bẩy, anh còn nhớ anh Ba Tỵ không ?

- Nhớ chớ sao không ? Làm sao quên ảnh được. Hồi đó, tao …  À, tôi được anh thương lắm kìa. Mình trẻ hơn ảnh vài tuổi, ảnh dắt díu mình, lo cho mình từng chút một. Bữa ảnh hy sinh, tôi khóc hết nước mắt . . .

- Anh có nhớ mộ của ảnh không !

- Sao không nhớ, trên đám ruộng cũ của tôi chớ đâu. Nhưng tôi bôc cốt của ảnh rồi.

- Anh nói gì ?

- Tôi bốc cốt cho ảnh rồi - giọng của Ông Bẩy như nghẹn lại - hồi mới giải phóng, buồn quá tôi bán đất về dưới Châu Thành ở. Nhưng hàng năm tôi vẫn lên thăm ảnh. Anh biết đấy. Hồi đó tôi cô đơn lắm. Bạn bè, đồng chí chẳng có ai, tôi chỉ có ảnh. Khi còn ở trển, tôi vun đắp mộ cho ảnh. Về dưới này, rồi dân ở đấy làm rẫy mỗi ngày móc vào mộ của ảnh một chút. Cây bằng lăng cổ thụ lớn như vậy họ còn bứng cả gốc nữa là. Tôi mới bốc đưa ảnh lên một cái gò thiệt cao. Cũng hơn chục năm rồi còn gì.

- Sao anh không kiếm Chị Ba cho chị ấy biết. Sao anh không báo cho thương binh xã hội họ đưa ảnh về ? Anh có biết họ đã đưa anh Ba về bằng một cái quách không không ?

Giọng Anh Chín như hờn, dỗi, và có chút thương tâm :

- Tôi, tôi ... tôi không biết chị Ba ở đâu. Vả lại, lâu nay tôi chẳng đi đâu, chẳng gặp ai ...

- Anh đáng trách là ở chỗ đó - Ông Chín nói tiếp, vẫn giọng dỗi hờn - Anh tưởng mọi người quên anh rồi hay sao ? Anh nghĩ bây giờ chúng tôi còn làm việc là sẽ lên mặt với anh hay sao ? Anh cho rằng, anh sống như vậy là có thể quên hết được hay sao ?

Bỗng có người cắt ngang lời Ông Chín :

- Thôi, thôi ông Chín !

Ông Bẩy quay sang. Ông Chín giới thiệu :

- Anh Sáu bí thư đó. Anh không biết anh Sáu đâu. Ảnh cùng đơn vị với tôi bên chủ lực. Ảnh cũng mất nhiều công sức để tìm mộ anh Ba Tỵ đó.

- Công sức gì đâu anh - Ông Sáu gạt đi và quay sang ông Bẩy - Anh Bẩy thông cảm. Tính khí anh Chín, anh còn lạ gì. Mấy hôm nay ảnh cũng quần tôi tối mặt đó. Nhưng không sao đâu . . .

Ông Bẩy ngồi chết lặng không nói được lời nào. Chín ơi, mày cứ mắng tao, cứ chửi rủa nữa đi mà. Mầy càng mắng, càng chửi, tao càng mát lòng. Lâu lằm rồi có ai chửi mắng tao đâu. Tao biết mày có thương mới làm vậy.

- Anh Chín đã nói với anh chuyện mộ anh Ba Tỵ rồi chớ, anh Bẩy - Ông Sáu hỏi.

Ông Chín cướp lời :

- Rồi. Ổng giữ, ổng bốc, ổng cất . . .

- Rồi, tốt quá - Ông Sáu bí thư nói, vẻ xúc động - Tội nghiệp chị Ba quá hà. Biết tin này chắc chỉ . . .

Ông Bẩy còn biết nói gì nữa. Bỗng ông thấy mình có lỗi nhiều hơn. Có lỗi thêm cả với anh Ba, chị Ba nữa . . .

Bỗng anh thanh niên đón ông buổi sáng bước vô :

- Chú Sáu, chú Tư Sử trên cao su không về được. Chú có gởi cái thơ.

Ông Sáu đón thư, đọc. Ông bỗng cười, đưa lá thư cho ông Chín :

- Anh Chín, anh coi nè.

Ông Chín cầm lấy tờ giấy có những nét chữ nhỏ ly ty. Đang giận hờn mà ông cũng bật cười :

"Tôi không về được anh Sáu. Thời gian lâu quá, tôi không còn nhớ được vị trí mộ của anh Ba. Tôi chỉ còn biết góp sức mình khi tìm được mộ anh Ba. Cần gì, các anh cứ kêu. Với anh Ba Tỵ, không nên tiếc cái gì, phải không các anh.

Nhân đây tôi đề nghị anh Sáu một số việc" . . .

Thư còn dài thượt. Ông Chín cười :

- Chả tranh thủ quá mức. Mà đúng đó anh Sáu. Cho chả đi học thêm đi. Học quản lý ấy. Học về rồi làm. Làm kinh tế khác đánh giặc nhiều lắm . . .

Ông Bẩy chỉ biết ngồi nghe. Nếu nói về những chiếc ghe, chắc ông rành hơn mấy ông này. Còn đây toàn những chuyện ông không biết đóng góp cái gì.

Ông Sáu lấy lại bức thư và nói với anh thanh niên :

- Cậu thảo công văn giúp tôi mấy việc anh Tư Sử nêu trong này, chiều về tôi ký . . .

- Dạ.

- Cậu nói với bên Sở công nghiệp, chiều tiếp tục làm việc với tôi . . .

- Dạ bác sĩ yêu cầu . . .

- Dẹp cái vụ bác sĩ đi. Thời gian có đâu để mà đi nghỉ !

Anh thanh niên đi ra, ông Sáu quay sang Ông Bẩy :

- Cảm ơn anh Bẩy đã giúp chúng tôi về cái vụ anh Ba Tỵ. Mấy bữa nữa anh đưa chúng tôi đi lấy cốt anh Ba về.

- Dạ.

- Còn việc của anh, chúng tôi đã đọc thơ anh rồi, lâu trả lời vì còn phải thẩm tra lại. Nhưng chúng tôi biết hồi trong tù, anh có làm bí thư chi bộ. Tuy nhiên anh thông cảm, anh đã thôi sinh hoạt Đảng lâu quá rồi, bây giờ cũng không có điều kiện để kết nạp lại cho anh. Nhưng dù sao, trách nhiệm của chúng tôi phải hiểu rằng, anh đã có một thời gian dài cống hiến.

 

Ông bỗng nói như nói với riêng mình :

- Hồi Tây Ninh giải phóng, trong vòng có mấy ngày mà cả chục ngàn thanh niên nhập ngũ, bổ sung cho các đơn vị chiến đấu. Địch chặn ta ở Trường Lưu. Trận ấy, nhiều anh em mình đã hy sinh. Hầu hết là những chiến sĩ trẻ, mười bẩy, mười tám không à. Tổ quốc phải ghi công họ. Đâu có thể phân biệt :họ mới tham gia cách mạng có vài ngày . . . Thế đấy, anh Bẩy. Đồng đội mình có người không đi hết được cuộc hành quân và bị kẻ thù giết hại. Có người không bắt đầu từ đầu. Và có cả những người như anh, đi nửa chặng đường bỗng thấy mệt mỏi. Chúng tôi không trách anh được, nhưng chúng tôi sẽ bắn anh, nếu nửa đường anh trở thành kẻ phản bội ...

Ông Bẩy run lên. Xúc động ? Tủi thân ? Buồn ? Hay bỗng thấy mình quá nhỏ bé ? Tất cả trong ông có tất cả. Ông buông một tiếng "dạ" nhẹ như gió thoảng.

*

*   *

5.

Bữa tiệc gia đình chỉ toàn những người trong nhà bà Ba. Mấy đứa con ở Sài Gòn, Biên Hòa về hết. Còn trên Tỉnh ủy, ủy ban, những người giúp bà đưa cốt ông về không có ai đến dự được. Tất cả đang bận rộn với công việc.

Chỉ có một người khách lạ. Đó là ông Bẩy Bắc. Trước mặt ông là ly rượu. Lúc đầy, lúc vơi, lúc sạch bóc. Tùy theo dòng suy nghĩ của ông mà có lúc ông dốc ngược ly rượu vào họng, lúc nhấp nháp, lúc nâng lên hạ xuống không uống giọt nào. Mắt ông nhìn đau đáu lên bàn thờ ông Ba. Chỉ một ông biết ông đang nói gì với ông giám đốc cũ của mình, người đã thương ông nhất trong đám lính thợ ngày đó.

Tiếng bà Ba vẫn thẽ thọt :

- Uống đi anh Bẩy ! Anh uống thiệt say với ông nhà tôi một bữa đi. Tôi không biết làm sao mà tổ chức được một bữa đón hết mấy ảnh về đây với ổng. Bây giờ, mỗi người một nơi, biết kiếm sao cho hết.

Kiếm làm sao hết chị Ba. Mấy chục năm trời, lớp anh ấy, còn lớp sau, lớp sau nữa. Cái đội quân dài dằng dặc ấy đều là đồng đội của ảnh. Tất cả vẫn đi về phía trước, chỉ có tôi lỡ bước, dừng lại phía sau, nên hôm nay mới có thời gian ngồi đây uống rượu với ảnh. Ông Bẩy cồn cào nghĩ. Trong túi ông có thêm lá thơ của tổ chức Tỉnh ủy, nói rằng đã xác minh được khá nhiều về những ngày trong tù và những ngày sau đó của ông. Ông muốn chạy lên đó và biểu : thôi các anh đừng mất công làm gì nữa. Chỉ mong các anh biết có một thời tôi là bạn bè, là đồng đội của các anh, còn bây giờ, tôi là anh "Bẩy - sửa - ghe", cũng tốt chớ có sao đâu. Nhưng phải đúng như anh Sáu nói : đừng bao giờ làm kẻ phản bội. Và vì không là kẻ phản bội, bữa nay tôi mới dám ngồi đây uống rượu với hương hồn anh Ba.

Trên chặng đường dài, mỗi người có mỗi cách dừng chân.

 

Viết 1985

sửa 1995

Nguyễn Đức Thiện
Số lần đọc: 3617
Ngày đăng: 17.10.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Dạ nữ - Dương Ðình Hùng
Tìm quê - Dương Ðình Hùng
Không thể đùa - Nguyễn Đức Thiện
Người viết đơn thuê - Nguyễn Đức Thiện
O chuột và ngôi nhà rỗng - Nguyễn Thị Thu Hiền
Nhân phủ - Nguyễn Ngọc Tư
Tư Biển - Nguyễn Trọng Tín
Chiếc đèn Trung thu - Nguyễn Hòai Ân
Đứa con gái bướng bỉnh. - Hào Vũ
Mùa cá đường hội - Nguyễn Lê Hồng Hưng
Cùng một tác giả
Không thể đùa (truyện ngắn)
Ban bè một thuở (truyện ngắn)
Tấm kiếng rạn nứt (truyện ngắn)
Hàng xóm (truyện ngắn)
Mẹ (thơ)
Kịch (truyện ngắn)
Bến cây ổi (truyện ngắn)
Lu Lu (truyện ngắn)
Gío (thơ)
Một khoảng xô bồ (truyện ngắn)
Ông lão bán chim (truyện ngắn)
Cái nợ đồng lần (truyện ngắn)
Giữa vòng vây (truyện ngắn)
Chuyện con ruồi (truyện ngắn)
Tiếng gõ cửa (truyện ngắn)
Đêm (thơ)
Bàn về Thơ (tiểu luận)
Mái tóc ngày xưa (truyện ngắn)
1111 (thơ)
Sông em (thơ)
Trăng cuối tháng (truyện ngắn)
Góc Rừng (truyện ngắn)