Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
853
116.685.021
 
Tư Biển
Nguyễn Trọng Tín

Sau khi nhận giấy phục viên, ông Tư Biển quyết định về sống ở xóm Vịnh Nước Sôi, mặc dù nơi đây không phải quê hương bản quán và cũng chẳng có ai là bà con ruột thịt của ông. Ngày ông trở về thật ấn tượng với người dân ở cái xóm hẻo lánh này, nhất là trẻ con. Thời đó, tàu đò từ Cà Mau đi Năm Căn mỗi ngày chạy một chuyến, nhưng về đến xóm Vịnh Nước sôi mười lăm ngày mới có một chuyến tàu. Chủ tàu là một thanh niên trong xóm có máu giang hồ. Nhiều năm anh ta đi theo một gánh sơn đông mãi võ, lang bạc đây đó, vừa diễn trò vừa bán thuốc dỏm kiếm sống. Bỗng một hôm anh ta trúng số độc đắc, tính ra hơn trăm cây vàng. Anh chàng này bèn sắm chiếc tàu to đùng vừa chở hành khách, hàng hóa; vừa làm nhà ở, chạy tuyến đường Cà Mau – Năm Căn. Anh ta dành cho vợ con sở hữu chiếc tàu, còn mình lại tiếp tục đi hát. Nhưng cứ mười lăm ngày, tàu của anh chạy thẳng về Vịnh Nước Sôi một chuyến, hành khách không phải trả thêm tiền, xem như một cử chỉ điệu nghệ của anh ta với quê hương. Cái cử chỉ điệu nghệ ấy tỏ ra ích lợi với cư dân Vịnh Nước Sôi, Nếu không, chẳng có ai dại gì sắm tàu chạy về một nơi cuối rừng giáp biển với cái xóm mồ côi không hơn chục ngôi nhà. Mỗi lần tàu về, cả xóm Vịnh Nước Sôi kéo ra bờ sông chờ đón. Người ta ngóng đợi những chuyến tàu ấy mang lại một sự lạ hầu làm thay đổi bầu không khí tù đọng, tẻ nhạt của cuộc sống thường nhật. Chẳng hạn, một ông khách lạ hoắc tận miền Bắc vào tham quan, toàn kể những chuyện mà không một ai ở đây biết được; hay một bà sang trọng, già móm mém, đi tìm người yêu cũ nghe nói có lưu lạc đến đây thời chống Pháp v.v…

Buổi chiều ông Tư Biển trở về thật tưng bừng. Duy nhất một người trong xóm biết ông, còn tất cả đều không, đơn giản chỉ vì họ chỉ trôi giạt đến đây sau ngày ông đã đi khỏi nơi này. Dù vậy, căn nhà sàn của ông Hai Thưng vẫn chật ních người. Họ đến chủ yếu để xem, để rờ chiếc xe Honda ông Tư Biển vừa mang theo về. Ở cái xóm mà sự đi lại giữa nhà này với nhà kia là những chiếc cầu được ghép bằng những cây đước, chiếc xe Honda xuất hiện ở đây quả là một vật lạ. Càng lạ lùng hơn khi người ta biết ông Tư Biển quyết định về ở hẳn nơi này.

 

Việc đầu tiên của ông Tư Biển là tìm chỗ cất ngôi nhà cho mình. Vùng rừng ở đây không ai làm chủ. Người mới đến, muốn cất nhà ở đâu thì cứ việc. Thông thường, ngôi nhà mới bao giờ cũng được dựng tiếp sau ngôi nhà cuối cùng của xóm. Nhưng ông Tư Biển lại không theo cái lẽ thông thường ấy. Ông vào sâu trong ngọn rạch Tắc Cây Mắm, nơi tiếp giáp với trảng Chạy Buồm, đốn đước, chặt lá dựng cho mình ngôi nhà sàn nhỏ nhưng thật khang trang. Ông mua lại của một người đi làm củi chiếc xuồng ba lá cũ làm phương tiện đi lại. Còn chiếc xe Honda, ông tháo dây sên làm xích, khóa nó vào chân cột.

 

Sau khi cất nhà, việc kế tiếp của ông Tư Biển là đào đất đắp bờ, bao ví một góc trảng Chạy Buồm để làm vuông nuôi tôm. Đây cũng là một sự lạ đối với người trong vùng. Trước nay, dân vùng này sinh sống bằng hai nghề chủ yếu. Thứ nhất là vào rừng đốn đước cưa củi hoặc hầm than bán cho các ghe thương hồ. Nhưng sau tháng Tư năm Bảy Lăm không lâu, nhà nước đã cho đóng nhiều trạm kiểm lâm chốt chặn các cửa rừng. Cây đước trở thành tài sản quốc gia. Nhiều nơi người ta đang cho đo đạc lại đất rừng để chuẩn bị lập các lâm trường. Thành ra, nghề sống duy nhất của dân trong vùng bấy giờ chỉ là khai thác thủy sản, chủ yếu là con tôm. Trên con sông Cái nối liền từ biển Đông qua vịnh Thái Lan, người ta khai thác tôm bằng nghề đóng đáy. Trên các sông nhỏ và kinh rạch trong rừng, vào con nước kém, người dân dùng chài để bắt tôm. Tôm được luộc chín, phơi hoặc sấy khô, đập bỏ vỏ, ruột tôm gọi là tôm khô. Tôm khô được thương buôn mang bán ở các chợ, các vùng khan hiếm thực phẩn tươi, như một món đặc sản. Thuở ấy chưa ai xuất khẩu tôm ra nước ngoài. Do vậy, cách bắt tôm của ông Tư Biển trở thành một thứ kỹ nghệ tân tiến. Sau khi đào kinh bao ví khép kín, ông làm một cái cống nhỏ thông ra sông.Vào con nước rong, ông dỡ cống cho nước vào đầy vuông. Nước kém, ông tháo cống, dùng lưới chặn bắt tôm. Kết quả thật không ngờ, số tôm mà ông bắt được gấp năm, bảy lần những gia đình khác. Sau đó không lâu, vuông tôm bắt đầu lan tỏa khắp các vùng rừng trũng, chỉ trừ ra trảng Chạy Buồm, bởi cái trảng nước rộng đến cả ngàn héc-ta này đã có một đơn vị lâm trường độc quyền bao ví. Bây giờ vuông tôm của ông Tư Biển nằm thò vào trong phần đất của lâm trường và được mặc nhiên thừa nhận như một việc đã rồi. Và, cũng chẳng ai dám gặn hỏi hay hạch sách, bởi khi về đây, ông có mang theo hai khẩu súng; một ngắn, một dài, mà nghe đâu ông có đủ giấy phép sử dụng.

 

Hằng tháng ông Tư Biển theo tàu ra Cà Mau bán tôm rồi đi chơi đâu đó, gần con nước kém lại về để xổ tôm. Khi đi, cửa nhà ông vẫn để ngõ. Bọn trẻ con trong xóm thường kiếm cua gạch, tôm sú đổi lấy xăng của những người lái tôm, mang đến đây cho nổ máy chiếc xe Honda làm trò tiêu khiển. Ông Tư Biển có biết điều này, nhưng ông cứ lờ đi, không quở trách gì đám trẻ.

 

Một lần đi bán tôm, ông Tư Biển dẫn theo về một phụ nữ trẻ, da vẻ xanh xao như người đang bệnh sốt rét. Chỉ có ông Hai Thưng là nhận ra đó là cô Mỹ Lệ, con gái duy nhất của vợ chồng Ba Sông.

Vợ chồng Ba Sông là cư dân đầu tiên  đến sinh sống ở xóm Vịnh Nước Sôi này với nghề đóng đáy hàng khơi. Thực chất đây là trạm liên lạc đầu cầu của những người hoạt động cách mạng đi về bằng con đường biển. Hàng đáy của Ba Sông ở ngoài khơi, cách vàm sông chừng mười lăm cây số. Hồi ấy, cái xóm này chưa có tên. Ở vịnh sông, nơi xóay nước có một mạch hơi khí lục ục sôi trào suốt ngày đêm. Vào những đêm tối trời, những bọt hơi khí ấy phát cháy ngọn lửa xanh lét như lửa ma trơi. Những người lui tới liên lạc qui ước gọi đây là Vịnh Nước Sôi. Chẳng biết tên gọi ấy lan truyền ra dân gian bằng cách nào mà thành địa danh nơi này.

 

Tư Biển là em nuôi của Ba Sông. Chính cái tên Tư Biển mà ông mang cho đến giờ là do Ba Sông đặt. Tên thật của ông là Bễ. Bễ không phải là biển mà là cái ống bễ lò rèn. Nhà ông làm nghề rèn truyền đời từ thời ông cố, ông nội, rồi đến đời ba ông thì chấm dứt. Nó chấm dứt bởi một tai nạn khủng khiếp. Một hôm có người lạ mang đến một khối sắt hình trụ, lớn cở trái bí đao. Người khách muốn thuê rèn một số thanh  mã tấu. Ba ông đã đưa khối sắt vào lò, má ông ngồi kéo ống bễ. Cái khối sắt ấy bỗng dưng phát nổ lam chết cả ba má ông, người khách lạ và đứa em gái của ông đang ngồi chơi gần đó. Ông chỉ còn lại một mình trên đời. Từ đó nghề truyền đời của gia đình ông chấm dứt. Ông xuống một ghe biển làm bạn, bỏ hẳn ngôi nhà cũ, sống lênh đênh ngoài khơi.

 

Người xưa có câu: “Phước bất trùng lai, họa vô đơn chí”, thế mà đúng. Vào một ngày nắng đẹp, biển yên, chiếc ghe buồm mà ông đi bạn đang neo đậu gần một hòn đảo thì bất ngờ một lượn sóng thần lừng lững nổi lên, cao hơn chục mét, ầm ầm lao về phía đảo và chiếc ghe đánh cá đang neo đậu. Trong phút chốc, chiếc ghe dễ dàng bị nhận chìn như một chiếc lá khô. Đáng lẻ con sóng phải đẩy ông vôphía đảo, đằng này nó lại kéo ông ra khơi. Ông chỉ kịp vớ lấy một cái phao lưới. Suốt bốn ngày bốn đêm ông trôi vật vờ trên biển cho đến khi dạt tấp vào đáy hàng khơi của vợ chồng Ba Sông.

-       Nó đã đến đây thì phải ở lại đây thôi!

 

Đó là câu đầu tiên anh thanh niên tên Bễ nghe được khi vừa thoát khỏi cơn mê man. Cũng trong đêm đó, sau khi nghe người thanh niên được mình vớt lên từ biển kể hết nguồn cơn lai lịch, Ba Sông nói ngắn gọn:

- Từ nay mày là em tao, ở lại đây sống với anh chị. Tao là Ba Sông, Còn mày, mày là Tư Biển.

Từ đó, chàng thanh niên tên Bễ biến mất trên đời. Hàng ngày Tư Biển theo Ba Sông đi đóng đáy hàng khơi. Những hôm có đưa đón khách hay có người của tổ chức về liên lạc, Tư Biển ở lại nhà với cháu Mỹ Lệ để vợ chồng Ba Sông đi. Ba Sông chưa hề nói với Tư Biển về họat động bí mật của mình nhưng cũng không tỏ ra giấu giếm. Năm ấy bé Mỹ Lệ mới chập chững biết đi. Tư Biển sống với gia đình Ba Sông được bốn năm. Ngoài công việc đóng đáy, hàng năm vào mùa hạn, quãng sau Tết cho đến sa mưa vào đầu tháng Năm âm lịch, thỉnh thoảng một, hai tuần Tư Biển lại dong buồm ra đảo Hòn Khoai để chở nước ngọt. Chính trong những chuyến đi ấy Tư Biển đã có được một mối tình, mối tình duy nhất trong đời ông, mà cả vợ chồng Ba Sông cũng không hay biết…

 

Ngày kia, vợ chồng Ba Sông đi biển mải gần một tháng mà không thấy trở về. Một đêm, có người đến gặp Tư Biển và tự xưng là người của tổ chức cách mạng. Người lạ thông báo rằng vợ chồng Ba Sông gặp nạn ngoài biển, không còn trở về được nữa. Tổ chức cách mạng quyết định đưa Tư Biển vào hẳn trong căn cứ, còn cháu Mỹ Lệ sẽ được đưa về quê ngọai cho người thân nuôi dưỡng. Ngay trong đêm đó Mỹ Lệ được người lạ mang đi, Tư Biển được hẹn ba hôm sau sẽ có người đến đón. Sau khi chỉ còn lại một mình, Tư Biển hấp tấp dong buồm trong đêm ra đảo Hòn Khoai. Anh ra đây là để gặp cho được người yêu, còn sau đó sẽ làm gì anh cũng không biết. Trong đêm, anh đốt lửa bên bờ suối làm hiệu, nhưng người yêu anh không đến. Sáng ra, anh cởi áo để lại bên bờ suối, luồn rừng đi tìm khắp nơi, ở những nơi người yêu từng dẫn anh đi hái trái gùi, đào khoai, xắng măng… cũng không gặp. Khi mặt trời đã chìm xuống biển, không còn cách nào khác, Tư Biển đánh liều đi vào ngôi nhà duy nhất trên đảo, ngôi nhà của người gác đèn. Ông già gác đèn ngồi trầm tĩnh nơi ngạch cửa như là đang đợi anh. Chính ông già này, cách nay chỉ hơn tháng đã lôi người yêu ra khỏi vòng tay anh khi hai người ôm nhau lăn lộn trên tảng đá lớn nơi bờ sối. Bàn tay rắn như đá của ông đã giáng thẳng cánh vào mặt anh cái tát nảy lửa rồi lôi sề sệt người yêu của anh đi mà không nói một lời. Bây giờ thì ông nói:

- Chú em đi đi. Đừng bao giờ ra đây nữa. Nó đi về Ô Cấp rồi!

- Bác ơi, Ô Cấp là ở đâu?

Ông già khép cửa rồi quay lưng, ngược dốc theo con đường nhựa dẫn lên đỉnh núi, nơi có ngọn hải đăng.

 

Sau khi vào căn cứ, thỉnh thoảng người ta lại tra hỏi về chuyến đi biển cuối cùng này và chưa lần nào Tư Biển đủ sức để kể ra sự thật. Cũng vì vậy mà suốt những năm tháng dài sống trong xưỡng quân gới, Tư Biển không một lần được ra tiếp xúc với xã hội bên ngoài, cho mãi đến ngày 30 tháng 4 năm 1975. Người ta phân anh về đây vì biết anh có nghề rèn gia truyền.

 

Về sống ở nhà ông Tư Biển được năm tháng thì Mỹ Lệ sinh con. Cô nhất quyết không chịu ra khỏi nhà khi đã trở dạ. Ông Tư Biển phải ẵm cô xuống xuồng, ôm chặc cô một chỗ, nhờ một người bơi xuồng mới đưa được cô đến nhà một bà mụ. Đây là lần đầu cô ra khỏi nhà kể từ khi về sống ở Vịnh Nước Sôi. Hơn một giờ sau Mỹ Lệ sinh được một đứa con trai.

 

Sau khi sinh con, tính tình Mỹ Lệ tự nhiên khác hẳn. Trước đây, trong thời kỳ mang thai, bất kỳ một người nào đến nhà, cô luôn ở lì trong buồng, có khi suốt cả ngày, không màng ăn uống. Nhưng bây giờ cô lại tỏ ra vui mừng, thích thú khi có ai đó đến chơi. Hàng ngày, cô ẵm con lân la khắp các nhà trong xóm. Càng ngày cô càng trở nên linh lợi và đáo để. Một lần, có một tay đàn ông chớt nhã hỏi cô về ba của thằng Nhứt, con cô. Đột ngột cô nói hồ nghi rằng nó là con của anh ta, khiến bà vợ ông này tái mặt. Cùng với sự thay đổi tính tình, như có phép màu, càng ngày nhan sắc của Mỹ Lệ càng trở nên rực rỡ một cách khác thường. Má hồng, da mịn, môi thắm, mi cong dài, mắt long lanh, ngực tròn căng, eo thon, dáng đi uyển chuyển. Bất thường hơn nữa là cô gần như cố ý phô trương cái nhan sắc rực rỡ ấy không phải bằng cách chưng diện mà bằng cái kiểu ăn mặc cẩu thả đầy vẻ khêu gợi. Đám đàn ông và cả trai tơ trong xóm đâm ra mê mệt với nhan sắc của người đàn bà một con này. Ngôi nhà nhỏ của ông Tư Biển bỗng trở thành địa điểm để đám đàn ông trai tráng làm như là tình cơ, với đủ thứ lý do, để ghé qua. Căn nhà lúc nào cũng đầy ắp tiếng nói, cười. Thằng Nhứt tự dưng có được rất nhiều người tự xưng là cha và nó nhận được nhiều món đồ chơi lạ, quăng nghinh ngang khắp nhà. Trái lại với tính tình cởi mở của Mỹ Lệ, ông Tư Biển ngày một trở nên lầm lì  ít nói và ông hay có những chuyến đột nhột bỏ đi đâu đó nhiều ngày.

 

Có một khuya ông trở về. Đó là một đêm rằm. Cả cánh rừng ngời sáng ánh trăng. Nhà không đèn. Cửa vẫn để ngõ. Giường ông mùng đã buông. Ông biết trong đám mền gối ấy đang phập phòng thân thể của một người đàn bà. Ông sờ soạn trong đám mền gối. Thân thể của người đàn bà mềm ấm và buông thả. Ông lần tìm lại tuổi trẻ của mình trên từng phần của thân thể mềm ấm kia. Khi tay ông dừng lại trên bộ ngực căng tròn, ông nghe thấy từ đầu vú có dòng sửa ấm đang âm ỉ chảy. Và rồi tự dưng ông cảm thấy mệt mỏi đến rã rời khi phát giác ra rằng, ông không sao thực hiện được cái công việc bản năng của một người đàn ông, dù ông rất thèm muốn, rất cố gắng. Ông lập cập bò ra khỏi giường, dò xuống xuồng, hấp tấp chống ra trảng Chạy Buồm như một kẻ chạy trốn. Trọn đêm ông thức với ánh trăng lai láng trên đầm nước. Chốc chốc ông lại đưa ngón tay lên mũi để nghe lại hương thơm của mùi sữa đàn bà. Và ông lại nhớ tới những giọt sữa mà vợ Ba Sông đả nặn ra từ bầu vú của mình để mớm vào môi ông khi ông chỉ còn là cái xác thoi thóp được vớt lên từ biển. Dẩu thế ông vẫn không thấy mình là một kẻ tội lỗi. Ông chỉ thấy một nỗi buồn nhớ cay đắng. Ông nhớ tới Đẹp, người ông yêu. Ông nhớ hai bầu vú tròn căng của nàng, trên hai cái gò cao  trắng ngần ấy có hai quần tròn ửng hồng. Lần duy nhất ông nhìn thấy rõ hai bầu vú ấy là vào một trưa nắng như  thiêu, ông và nàng trầm mình dưới suối. Và khi cả hai cùng khỏa thân hoàn toàn, ông nhớ khi ấy mình đã nhìn thấy biển yên một cách khác thường, không một gợn sóng, phẳng lì một màu xanh bất tận. Sau này, mỗi khi nhớ về Đẹp một cách vô vọng, Tư Biển có tìm đến với những người đàn bà xa lạ, nhưng chưa bao giờ ông gặp được hai bầu vú rắn chắc và nhọn cùng với hai cái quầng hồng như vú của nàng.

 

Sau đêm trăng trên trảng nước, ông Tư Biển biến mất khỏi xóm Vịnh Nước Sôi. Năm này rồi năm khác trôi qua. Đến lúc mọi người chắc chắn là ông không còn trở về, thì Tư Biển lại đột ngột trở về. Bây giờ quang cảnh của xóm Vịnh Nước Sôi thay đổi đến không còn nhận ra được nữa. Con rạch Tắc Cây Mắm đã biến mất. Thay vào đó là con kinh xáng lớn với một bên kinh là bờ đê cao vọi. Mặt đê được san phẳng thành con lộ lớn. Trên mặt lộ trải lớp đất màu gạch cua, một thứ đất chưa từng thấy ở xứ này. Buổi chiếu ông Tư Biển trở về, khi tàu cập bến, ông nhìn thấy trên lộ cao tốp con nít đông nghịch đang bu quanh một vật gì đó. Khi đến gần ông mới biết là bọn chúng đang ra sức đẩy chiếc xe Honda của ông cho một đứa đang ngồi trên xe cầm lái. Chiếc xe không còn nổ máy được nữa. Khi nhìn thấy ông, bọn trẻ ù té chạy, bỏ lại chiếc xe nằm lật gọng giữa lộ. Ông Tư Biển thảng nhiên đến đở chiếc xe lên rồi hì hục dắt về ngôi nhà cũ của mình.

 

Sau đêm trăng ông Tư Biển bỏ đi, vuông tôm của ông được sáp nhập vào đất lâm trường. Nhưng khi ông trở về, lâm trường lập tức cử người đến đưa cho ông một khoản tiền khá lớn, xem như họ chia lợi nhuận cho ông. Họ hứa từ nay về sau hàng tháng ông vẫn còn nhận được một món lợi nhuận, mãi mãi.

Mỹ Lệ đã rơi nước mắt khi ông Tư Biển trở về. Cô làm tiệc mừng ông và mời rất đông người. Cô mừng thật sự chứ không vì món tiền mà ông đã đưa cho cô, nói là để cô nuôi thằng Nhứt. Bởi vì, bây giờ đời sống mẹ con cô cũng khá sung túc, Sau khi ông Tư Biển ra đi, Mỹ Lệ ra nơi đầu con kinh xáng mới đào, nơi ngày trước là chỗ vàm rạch Tắc Cây Mắm đổ ra Vịnh Nước Sôi, dựng căn nhà làm quán bán cà phê với sự góp sức của rất nhiều đàn ông, trai tráng trong xóm. Quán của cô bây giờ mở của thâu đêm cũng không ngớt khách. Họ là thủy thủ của các tàu đánh bắt từ ngoài khơi vào và những lái tôm mang tôm đến bán cho xưỡng tôm đông lạnh của lâm trường. Xưỡng được xây dựng sâu bên trong trảng Chạy Buồm sau khi con kinh xáng đào ăn thông vào tận trong ấy. Trong bữa tiệc, Mỹ Lệ cười nói huyên thuyên, trông cô bây giờ vẻ đẹp càng mặn mà sắc sảo hơn trước vì cô đã biết dùng đến những thứ mỹ phẩm tân thời. Cô dạy cho thằng Nhứt gọi ông Tư Biển là ông chú. Cô làm như giữa cô và ông chưa hề xảy ra cái đêm trăng ấy.

 

Bây giờ ông Tư Biển đã trở thành một người già thảnh thơi vì chẳng phải làm gì, hàng tháng vẫn có món tiền dư sống. Ông cũng không còn có những chuyến đi xa đột ngột. Ngược lại, bất kỳ lúc nào có dịp là ông lại ra đảo Hòn Khoai. Ngày trước, đã nhiều lần ông tìm mọi cách ra lại Hòn Khoai, nhưng không được. Nhiều năm sau giải phóng, Hòn Khoai là vùng đất thuộc quyền quản lý của giới quân sự, dân thường bị cấm lui tới. Nhưng giờ đây người ta đã thả lên hòn đảo này một bầy khỉ đông đúc. Ngành du lịch đang biến nơi này thành điểm tham quan và tắm biển cho du khách. Giữ đèn hòn bây giờ là một đơn vị hải quân, hơn chục chú lính trẻ măng được đưa đến từ những miền quê xa lắc tận ngoài Bắc. Trong họ, không một ai biết gì về tung tích của ông già gác đèn từng là người tiền nhiệm của họ. Đã không biết bao lần ông Tư Biển đã đến Ô Cấp, bây giờ là thành phố Vũng Tàu để thức trắng nhiều đêm và đi lang thang vô vọng.

 

Lúc mới trở về, ông Tư Biển  dành nhiều thì giờ để tu sửa chiếc xe Honda. Ông ghi bảng kê các món phụ tùng cần thiết, gởi tàu đò ra chợ Cà Mau mua về rồi tự tay tháo ráp sửa chữa. Thế mà chiếc xe đã nổ máy và trở lại họat động như bình thường, khiến mọi người sững sốt. Mỗi chiều, sau khi đã nhậu cườm cườm, ông lại dắt xe lên con lộ đất đỏ, nổ máy inh ỏi, tập hợp lũ trẻ con lại chạy thi và bao giờ ông với chiếc xe cũng về nhất. Dân trong xóm Vịnh Nước Sôi, từ người già tới trẻ nhỏ ai cũng có dịp được đi trên chiếc xe này. Mỗi lúc xe ông nổ máy, đều có một người ngoắc lại quá giang. Có khi đoạn đường họ đi không đầy trăm thước. Nhiều người chẳng có chuyện phải đi đâu, vẫn ngồi lên xe. Và cả ông, những lúc buồn, ông lại dắt xe ra đường xem có ai đi thì chở.

 

Cuộc sống cứ thế trôi đi trong nhiều năm với những thay đổi lớn lao. Cạnh quán cà phê của mẹ con thằng Nhứt là chiếc cầu bê tông đồ sộ bắt qua con king xáng mới. Cái xưỡng chế biến tôm đông lạnh của lâm trường giờ đã trở thành nhà máy chế biến thủy sản với hơn ngàn nữ công nhân. Mỗi lúc tan ca, đứng trên chiếc cầu bê tông nhìn vào cổng nhà máy, thấy người cuồn cuộn tuôn tuôn ra trắng lốp như một đàn cò lớn. Cái xóm Vịnh Nước Sôi ngày xưa bây giờ đã là một thị trấn nhà cửa chen chúc xô bồ đến tận mép nước, với vô số đường ngang ngõ tắt. Chỗ Vịnh Nước Sôi, nơi con sông cái ngoặc sâu vào đất liền, người ta vừa xây xong cái cảng cá dài mấy trăm thước với chiếc cầu phao vươn dài ra giữa vịnh. Ông Tư Biển giờ đây đã là một ông già khô gầy, tóc bạc trắng. Chiếc xe Honda của ông giờ chỉ như đống sắt vô dụng, phủ bụi, dựng ở góc nhà. Khắp thị trấn không biết cơ man nào là xe gắn máy với đủ mọi màu sắc, nhản hiệu, suốt ngày chen nhau lượn khắp mọi ngõ ngách lớn nhỏ.

 

Vào ngày Rầm tháng Ba, một ngày nắng mê man, lặng gió. Đó là một ngày Rầm lạ mà ít ai để ý: Cho mãi đến trưa, mặt trăng vẫn không chịu lặn khuất xuống biển, nó cứ nổi bồng bềnh ở chân trời như chiếc phao tròn, trắng sáng. Vào trưa ngày Rằm ấy, thằng Nhứt quả quyết rằng, chính mắt nó trông thấy ông Tư Biển từ cầu phao lao cả người và chiếc xe Honda cũ xuống Vịnh Nước Sôi. Lúc đó nó đang đứng đái trên cầu bê tông. Nó có khoái cảm đặc biệt trong việc đứng đái trên cầu, dù mấy phen bị mẹ rược đánh vì những người đi xuồng qua dưới cầu bị nước đái của nó tưới trúng. Khi thằng Nhứt mặt mài tái xanh, chạy như bay vào nhà loan tin ông Tư Biển lao mình xuống sông, mẹ nó chỉ nói gọn lỏn một tiếng:

- Xạo!

Mấy người khách ngồi ở dãy bàn trước hiên chợt quay lại nhìn mẹ con thằng Nhứt chốc lác, không gnhe nói gì thêm, họ tiếp tục quay ra nhìn vịnh sông đang mờ ảo trong ánh nắng trưa chói chan, tiếp tục lơ mơ ngủ ngồi. Họ ngủ hay đang lắng nghe tiếng nắng kêu lắc rắc trên mái ngói, cũng chẳng rõ.

 

Xế trưa hôm ấy cho đến chiều, ông Tư Biển bỏ cử rượu nơi chiếc bàn đặt ở góc quán cà phê của mẹ con thằng Nhứt. Cái bàn ấy có góc nhìn rộng cả quan cảnh cảng cá. Đã nhiều năm nay, ngày nào ông Tư Biển cũng đến đây ngồi nhậu từ xế trưa cho đến khi nước lớn đầy và mặt trời bồng bềnh chìm dần xuống biển. Là bởi, từ khi nhà máy chế biến thủy sản được mở rộng, lượng nước thảy và đầu vỏ tôm từ nhà máy tuôn xuống dòng nước chảy ngang nhà ông bốc lên mùi hôi thối nồng nặc. Ông phải ra quán ngồi cho đến khi nước lớn đầy pha loãng cái mùi tanh tưởi ấy. Quán không bán rượu, nhưng hôm nào chủ quán cũng có rượu cho ông cùng với ít mồi nhậu, khi thì vài con khô mực, vài con tôm sú hấp, mấy chiếc nem…, mỗi ngày một thứ.

 

Cách nay mấy hôm, ông Tư Biển có chuyến ra đảo Hòn Khoai. Trong đêm, những công nhân trên công trường xây dựng nhìn thấy một ông già tóc trắng như bông ôm một can rượu lớn, ngồi trên một tảng đá lớn nổi lên giữa suối, nhậu một mình và khi đã say mèm, ông vừa khóc vừa gọi tên một người đẹp nào đó. Cái công trường ấy là để xây dựng một nhà máy lọc nước từ nguồn suối cung cấp cho các tàu đánh cá và tàu buôn qua lại trên vùng biển. Người ta kháu nhau là những nhà đầu tư này sẽ trúng lớn vì có khả năng nước ngọt ở đây còn cao giá hơn cả xăng dầu. Sáng ra ông già ấy biến mất.

 

Một ngày sau ngày Rầm tháng Ba, cái tin thằng Nhứt nhìn thấy ông Tư Biển lao xuống Vịnh Nước Sôi lan đi khắp thị trấn. Người ta đổ ra đông nghẹt cả cảng cá chẳng biết để làm gì. Có một người nào đó gợi ý đi tìm ông Hai Thợ Lặn. Nhưng ông thơ lặn còn bận dò tìm những con tàu sắt bị đánh chìm trên sông Cái từ thời chiến tranh để trục lên bán sắt vụn. Nghe đồn có mấy lần ông này trúng được cả chục tấn dầu trên những con tàu có những bồn dầu còn nguyên vẹn. Người ta còn đồn đại rằng, ông thợ lặn vẫn còn “cất” dưới lòng sông cả chục bộ xương Mỹ, chờ bí mật đem đi bán. Mãi một tuần sau ông Hai Thợ Lặn mới trở về. Sau khi mang bình hơi từ cầu phao nhảy tỏm xuống nước đúng nơi thằng Nhứt đã chỉ, chưa đầy năm phút sau, ông ta nổi phịt lên rồi mau lẹ leo lên cầu phao. Cả rừng người nhao nhao hỏi ông có gặp được ông Tư Biển hay chiếc xe Honda? Ông không trả lời mà chỉ nói:

- Ở dưới này có luồn nước xóay ngầm rất mạnh – ông chỉ xuống chân mình – nó khoét thành cái hang sâu, miệng hang rộng tám sải tay. Sợ không lâu cái cầu cảng này bị sụp…

Nói rồi ông thu dây, cuốn máy ra về.

                                                           

Bình Chánh, tháng chạp 2001

 

Nguyễn Trọng Tín
Số lần đọc: 2693
Ngày đăng: 21.09.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chiếc đèn Trung thu - Nguyễn Hòai Ân
Đứa con gái bướng bỉnh. - Hào Vũ
Mùa cá đường hội - Nguyễn Lê Hồng Hưng
Cơn bão xa đã tan - Hội An
LiLi - Lê Vũ
Con cá kèo - Nguyễn Văn Tâm A
Đôi mắt rắn đỏ và men rượu đàn bà . - Dương Ðình Hùng
Ngôi nhà ác ôn - Dương Ðình Hùng
Tuyết - Tove Janson
Ngôi nhà dưới lùm dưới dại - Phạm Xuân Hùng