Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
731
116.706.653
 
Cơn bão xa đã tan
Hội An

Mưa dai dẳng đến sốt ruột. Hình như trong dự báo thời tiết sáng nay có cơn bão xa. Có lẽ sẽ còn mưa hết cả ngày. Gió thi thoảng lùa thông thốc vào phòng làm việc của gã. Qua khung cửa sổ, trời xám xịt, sũng nước. Hơi mưa bay vào nhà lành lạnh. Đáng lẽ, theo kế hoạch, sáng nay gã phải đi xuống công trường kiểm tra mấy công trình đang dang dở, nhưng vì mưa, đành hoãn lại. Mấy đồng nghiệp của gã đang túm tụm nhau ở phòng bên uống trà, tán gẫu. Gã từ chối lời rủ rê với lý do soạn lại giấy tờ trong tủ làm việc.

   

Gã sắp từng chồng hồ sơ trong tủ lại cho gọn ghẽ. Bất giác có một tờ giấy rơi ra. Gã nhặt lên. Đơn xin ly hôn …Đây là tờ đơn do gã viết ra ở một thời điểm cách đây mấy tuần rồi tiện tay gấp lộn vào giấy tờ của công việc. Gã đưa tờ giấy ra, vuốt lại cho phẳng phiu rồi xếp nó vào tập đơn từ mỏng hơn ở trên bàn.

   

Với gã, lâu nay cuộc sống gia đình đã thực sự trở nên buồn tẻ. Xong giờ làm việc, gã thường nấn ná ngồi lại ở cơ quan rất lâu đến khi xung quanh hoàn toàn im ắng. Về à?Lại về ư ? Có gì vui đang chờ đợi gã ở nhà đâu. Thằng con trai đang tuổi lớn, vô tâm và mải chơi, thường không nhớ cả chào bố khi gã bước vào cửa. Cô vợ đã chớm già, mỏi mệt và cũ kỹ, lại khô héo như một bà già, đã từ lâu không là chỗ tâm tình của gã nữa. Hay nói đúng hơn, gã chỉ cần thị khi cần thiết thôi. Đó là những khi gã cần sự chia sẻ. Tỷ dụ, công việc ở cơ quan gặp rắc rối nào đó. Thường thì những lời khuyên, những tư vấn của thị là đúng. Gã đã rút ra điều đó qua nhiều đận gã có những bất bình hay những xung đột mà tưởng phải bỏ đi cơ quan khác. Công bằng mà nói, vợ gã thường bình tĩnh hơn, tỉnh táo hơn. Cô ta cũng có cái nhìn nhân hậu hơn gã. Nhưng điều đó cũng đúng thôi. Dù sao cô ta cũng là người ngoài cuộc. (Người ta nói mắt người trong cuộc hay bị quáng gà!)

    

Gã còn đăc biệt cần đến vợ là những lúc phải đối mặt với những khó khăn phát  sinh từ phía gia đình. Nhiều lúc gã oán thán sao lại sinh ra trong một gia đình quá nghèo khó, quá lạc hậu, nhiều rắc rối như vậy. Nhưng có ai chọn được nơi mình sinh ra? Gã có những năm bà chị gái và một chú em trai. Nghĩa là sau rất nhiều nỗ lực về mọi mặt thì bố mẹ gã mới có đứa con chống gậy là gã rồi sau đó là thằng em yếu ớt của gã. Gã được ưu tiên học hành chu đáo trong khi hầu hết các chị đều chỉ học hết cấp một. Bởi vậy trọng trách gia đình sau đó đè nặng lên vai gã. Và dù có oán thán, gã vẫn phải gánh bởi cả nhà chỉ trông cậy vào gã. Lúc thì bà già bệnh, khi thì chị Hai tai nạn, khi lại chị Tư mổ u vú…Bây giờ gã đã sắp già vẫn chưa hết gánh vác. Nào xây nhà thờ họ. Nào mỗi bà chị và cả chú em gọi là yếu ớt kia đều mỗi nhà một dếch con. Và lại tiếp tục đói nghèo, tiếp tục trông cậy vào gã mỗi khi nguy biến …Những khi đó, gã nhớ lại, vợ gã đều chia sẻ trách nhiệm với gã một cách tự giác, nhiệt tình. Gã cũng thầm công nhận thị là người tốt, kể cả nhịn ăn nhịn mặc, tiết kiệm bản thân một cách tối đa, nhưng không ngại ngần gửi về những đồng tiền hiếm hoi tích cóp được. Tuy nhiên, gã tự nhủ: người đàn bà nào chẳng vậy. Đàn bà được sinh ra từ một giẻ sườn của đàn ông. Họ có niềm vui nào khác ngoài sự lo lắng cho con, cho chồng, cho gia đình chồng đâu. Vợ gã không là ngoại lệ. Và gã không cảm thấy điều đó có gì quá lớn lao. Có điều, những lúc đó gã được an ủi.

  Gã còn được an ủi nhiều hơn là những khi bạn bè và bà con ghé nhà. Gã bôn ba đã đủ mọi nơi mọi giới. Từ khi là một anh lính thời chiến, đến một sinh viên đại học, rồi một công chức qua mấy ngành, mấy cơ quan, mấy địa phương khác nhau. Gã chẳng phải là người nhiều tình cảm, nhưng dù thế nơi nào đã qua cũng có bạn bè. Và họ lâu lâu có kẻ ghé qua thành phố mà gã sống. Kể cả bà con họ hàng của gã ở quê ghé khi có việc. Có kẻ lếu láo nào đó đã có câu hát xuyên tạc nhưng ngẫm ra thật đúng: Mọi con sông đều đổ về biển cả. Mọi con đường đều đổ về thành phố … Bởi vậy mà nhà gã rất hay có khách. Gặp gã, họ vui mừng. Và gã cũng vậy. Người làm nền, làm yên tâm cho những vui mừng ấy là vợ gã. Thị lo ăn, lo ngủ cho khách, thi thoảng còn có những món quà nhỏ khi khách ra về, tham gia vào những câu chuyện của khách tưởng chừng vô cùng xa lạ, vô cùng không không cần thiết đối với đời sống riêng của thị. Giàu vì bạn …gã đôi lúc cũng được hãnh diện về điều đó so với xung quanh. Tuy nhiên, đó không phải là điều đọng lại lâu trong gã. Đời sống thường nhật không phải là những khoảnh khắc có khách. Điều phải đối diện và những thiệt thòi mà gã đã cảm thấy là chuyện ăn và chuyện ngủ. Phải, gã đi làm suốt ngày, thậm chí chiều còn lai rai với bạn ở quán rồi mới về. Đến nhà, còn lại chỉ ăn và ngủ. Ăn và ngủ chiếm bao nhiêu thời gian trong một ngày, trong đời sống một con người ? Vậy mà cả hai điều tưởng như đơn giản đó gã lại không có tiếng nói chung với vợ.

 Nói thì dông dài, nghe ra lại có vẻ không hợp nhĩ. Chuyện ăn ngày xưa chứ giờ dịch vụ xung quanh đầy ra, nhất lại là ở thành phố. Vợ gã chẳng phải loại đần đù. Sao lại không giải quyết được nhỉ. Vậy mới có chuyện. Nhưng những khác nhau cơ bản trong sở thích ăn uống của hai người, thị không chịu nhượng bộ. Gã ăn nhiều thịt, ít rau, thị thì ngược lại. Gã ăn mặn, thị lại ăn nhạt. Đồ ăn thị nấu, gã cảm thấy nhạt nhẽo. Nhất là đem so với đồ ăn nhà hàng là nơi gã hay lui tới khi nhậu nhẹt, khi đi với bạn bè. Đồ ăn của người ta thơm tho, béo ngậy. Trong khi thị thường nấu ăn đơn giản, ít dùng gia vị, nhất là không dùng bột ngọt. Cái gì cũng thích luộc. Rau luộc, thịt luộc, đến cá cũng thích luộc. Và thị lấy lý lẽ nơi những bài báo thổ tả nào đó về lời khuyên ăn uống cho người cao tuổi, cho người có bệnh …Nó bao gồm những nguyên tắc tăng và giảm giống như ba xây ba chống trong một nghị quyết nào đó: Nào tăng vitamin, tăng khoáng, tăng chất xơ. Nào giảm cholesteron, giảm muối, giảm béo. Vân vân và vân vân. Gã chẳng thể cãi. Cãi sách thì cãi làm sao. Nhưng gã ức. Sách là một chuyện, sở thích lại là một chuyện khác. Chẳng ai giải thích được rành rẽ ý thích của con người. Hơn nữa, thị lại là người chúa tiết kiệm. Có thể bỏ tiền trăm để làm từ thiện, để gửi cho cháu gã tiền học nhưng thị khó lòng bỏ đi một phần ba đĩa xào còn dư khi xong bữa. Mà bữa nào không thừa. Làm sao mà nấu vừa vặn cho được. Vậy là tủ lạnh nhà gã chẳng lúc nào được rảnh rang vì những đồ ăn thừa. Mà thị cũng tài. Có bữa thị ăn toàn đồ thừa. Ôi chà ! Chỉ riêng điều này đã khiến gã thấy thị vừa hèn mọn vừa đáng tởm. Thật chẳng hơn gì mấy bà ve chai quen nhặt nhạnh đồ thừa ngoài ngõ.

 

Trời vẫn tiếp tục mưa, phòng bên vẫn đang sôi nổi với bộ bài. Hôm nay sếp đi họp nên mọi người được xả hơi cùng cơn bão xa nào đó. Trước đường, vài mảnh áo mưa màu sắc sặc sỡ phấp phới trên xe máy vụt qua. Lại nhớ chuyện mặc của thị. Người ta nói :Người đẹp vì lụa. Phải thừa nhận thời trang bây giờ là một ngành phát triển nhanh nhất. Thế mà, thị vẫn là người cực kỳ đơn giản khi nhìn vào vẻ ngoài, tức thời trang của thị. Quanh năm chỉ thấy mấy bộ mặc nhà tay ngắn chân lửng là đồ may sẵn ở chợ. Chẳng phải là thị không may nổi mấy bộ đẹp hơn. Quần áo giờ rẻ rề. Lại cũng chẳng phải thị không có bộ nào cho đàng hoàng. Hồi đi làm, dù không se sua nhưng thị vẫn có những bộ đồ may bằng vải cơ quan phát, chất lượng khá đẹp, và vẫn có những bộ măc vào được bình đẳng như mọi người khi đi dự đám cưới, liên hoan. Nhưng giờ thị có đi đâu mà mặc đồ đẹp. Thị đã về hưu non do cơ quan giải thể được vài năm. Quanh quẩn với mớ hàng tạp hoá trước cửa nhà và công việc nội trợ, thời trang tay ngắn chân lửng của thị cả ngày chỉ một bộ. Đến là đơn điệu, đến là nhàm chán. Đi đâu mua nọ mua kia xa hơn một chút thì thị khoác thêm cái áo khoác ra ngoài. Trông chẳng khác mấy bà ve chai bao nhiêu. Vậy là trong mắt gã, thị không chỉ xấu, cũ mà còn là đơn điệu nhàm chán nữa. Như  phải ăn mãi một món, ngắm mãi một vật. Dẫu tuyệt vời mấy rồi cũng chán, huống hồ …

 

Thị chỉ đỡ nhàm chán lúc có khách, nói chuyện, bàn luận với khách hoặc bạn bè bởi kiến thức thị cũng kha khá. Bởi thị học nhiều, đọc cũng nhiều và lắm đam mê, nhất là âm nhạc và văn học, nhưng trên hết là lòng mến khách, thái độ thân thiện cởi mở, nhiều lúc hơi quá. Và điều đó đôi lúc cũng làm gã khó chịu vì gây những phiền hà không đáng có. Nhưng, tóm lại, cuộc sống đôi lứa là cuộc sống của hai người, là nội tại, là bên trong, còn có khách , dù sao vẫn được coi là bên ngoài, là điều không chính yếu.

 

Nói đến ăn mặc, ừ thì là quan trọng. Nhưng chuyện ngủ, với gã còn quan trọng hơn. Trước mặt nhà gã có ông hàng xóm người Đài loan qua đây buôn bán hải sản xuất về chính quốc  Ông ta đã sáu chục xuân xanh, tức hơn gã cả chục tuổi. Nhưng trông ông ta còn khoẻ, còn tráng kiện lắm. Nước da đỏ au, đi đứng thẳng thớm. Ông ta có cô bồ hay có thể gọi là vợ hờ cũng được bởi vẫn ăn ở cùng ông ta mấy năm nay mặc dù cô ta chẳng biết một tiếng Hoa nào và lão kia cũng không cần biết một chữ Việt nào. Lúc mua bán, gửi hàng ông ta phải thuê phiên dịch. Gã không thể hình dung nổi cuộc sống đôi lứa của họ lại không cần một lời nói nào. Vậy mà vẫn có cảm tưởng là họ hạnh phúc bởi thi thoảng gã nghe tiếng cười vọng từ bên đó. Cô ta chỉ mới hăm mấy, nghĩa là chỉ đáng tuổi cháu ông ta. Vậy mà trông hai người vẫn xứng đôi, lúc chở nhau đi họ vẫn tươi hơn hớn. Nghe nói bên chính quốc, ông ta đã có gia đình vợ con đàng hoàng. Đó là cậu phiên dịch nói lại như thế. Gã nhìn lại vợ mình. Và gã thấy ghen tị. Chà, cô gái xinh xắn kia, đêm đêm vẫn gác đôi chân, đôi tay nõn nà lên người lão hàng xóm. Bộ ngực thì non tơ, căng mẩy, rắn chắc. Đến là hấp dẫn. Còn gã, cô vợ khẳng khiu, gầy yếu, chỉ có xương sườn là lắm. Đụng vào đâu cũng thấy xương sườn, cứ khô xác như một con mắm lẹp. Đã chẳng báu gì lại còn lẩn gã như chạch, để mỗi tối gã lại cô đơn một mình với những thèm muốn, ước ao. Chà! Vua chúa ngày xưa thật là sướng, có cả mấy trăm cung tần mỹ nữ, tha hồ chọn. Nhưng thôi không nói ngày xưa, ngay bây giờ cái đạo Hồi vậy mà cũng hay. Vợ già rồi, cũ rồi thì có quyền lấy thêm vợ khác. Lấy đủ tiêu chuẩn là phải bốn lần. Sao gã lại không được sinh ra ở cái xứ sở tuyệt vời ấy nhỉ.  Gã biết, đây là những ý nghĩ tăm tối, là góc khuất, phần bản năng hay là phần con trong con người như người ta thường phân chia từ ngữ một cách thô thiển. Nhưng biết làm sao? Làm sao mà rạch ròi được người ta sống với bao nhiêu phần con, bao nhiêu phần người trong cuộc đời? Và gã biết bi kịch của gã chẳng phải là cá biệt. Có điều những người đàn ông khác có nói ra hay không thôi. Có người vợ không ốm nhách thì lại mập ú. Có người vợ nấu ăn ngon thì lại ăn nói vô duyên. Hay đối xử bất nhẫn với nhà chồng, hay suốt ngày càu nhàu cáu bẳn. Có ngàn lẻ một khiếm khuyết nơi các bà vợ. Bằng chứng là nếu ai cũng yêu vợ cả thì mại dâm, gái điếm đâu còn đất sống, và số liệu thống kê li hôn làm gì mỗi năm mỗi tăng. Tất nhiên phải trừ ra một tỉ lệ những kẻ tham ô, nhận hối lộ, tiêu tiền dự án, buôn lậu …nghĩa là kiếm tiền quá dễ, phải kiếm chỗ để xả bớt hoặc sử dụng gái để hối lộ hay gài bẫy nhau. Chẳng biết những kẻ đó có thực sự là chán vợ hay không?

 Thế là gã vẫn còn tốt chán. Không bồ bịch, không đi gái. Nghĩa là gã chưa biết một ả đàn bà nào ngoài vợ. Xin thề đó là trăm phần trăm sự thật. Vậy, so với người đời, gã đâu phải là kẻ xấu. Nhưng trong thâm tâm, gã biết, cặp bồ thì gã không đủ tiền, tình phí giờ tốn kém lắm( tất nhiên là so với đồng lương công chức đơn thuần như gã.) Gã lại thiếu cả can đảm chịu tiếng tăm. Còn khoản kia, thì gã sợ bệnh tật. Ti vi suốt ngày ra rả tuyên truyền chống “ết”. Mà gã thì còn ham sống lắm. Mặc dù cuộc sống chẳng vui sướng bao nhiêu. Gã bật cười khi nhớ lại mẩu thư giãn trên báo : Mấy ông mãnh đi viếng vợ của bạn vừa bị chết vì tai nạn, không thấy xót thương cho bạn mà nảy ra ao ước cho mình: Chà! Thấy vợ người ta chết mà ham! Hay câu đố mà bọn đàn ông vẫn hay đem ra giải trí : Con gì ăn lắm nói nhiều chóng già lâu chết(?!) Tất nhiên đó chỉ là những chuyện tếu táo cho vui chứ lòng dạ gã chưa nhẫn tâm đến mức cầu cho thị chết. Nhưng mà gã vẫn còn toan tính, sắp đặt, hòng làm thay đổi hiện tại tẻ nhạt này. Bởi vậy, gã cứ cất lên đặt xuống bao lần tờ đơn li dị mà gã đã cân nhắc đến từng từ khi viết. Nào không hợp quan điểm, không hợp sở thích, thiếu tôn trọng nhau (mà cũng đúng vậy đấy chứ)…vv. Như cách đây chục năm, đàn ông chẳng thể viết đơn bỏ vợ vì luật pháp bênh vực phụ nữ, khó lòng chấp nhận thì gã cũng chẳng dám viết lá đơn này. Chả được gì còn mang tiếng. Nhưng vẫn có cách. Gã biết có nhiều kẻ, tìm cách cặp bồ, xa lánh, hành hạ cho đến khi vợ chịu hết nổi phải làm đơn. Nhưng bây giờ thì luật pháp đã thoáng hơn. Cơ bản là người ta coi trọng hạnh phúc của con người. Gã thấy mình còn tốt chán, còn hơn khối người. Nói vậy chứ gã cũng chưa đánh vợ bao giờ, chỉ thi thoảng nói mỉa, hay lạnh nhạt, hay càu nhàu thôi. Nhưng dù sao thế cũng là quá đủ.

Tối nay gã sẽ đưa đơn cho thị. Gã có quyền sống như nhiều người đàn ông khác. Người ta chỉ có một đời chứ đâu có nhiều. Lần trước lấy vợ, gã hơi cẩu thả. Chẳng hiểu sao mà hồi ấy gã cũng yêu thị say đắm như thế, chẳng cân nhắc gì. Bây giờ được làm lại, gã sẽ cẩn thận hơn. Gã sẽ chọn một cô không có điều gì chê trách được. Trước nhất sẽ hợp với gã ngay hai tiêu chuẩn mà thị thiếu là ăn và ngủ. Vâng, người phải thật mỡ màng, trẻ trung. Lại phải nấu ăn ngon, hợp khẩu vị gã. Lại phải nghe lời, tuân phục gã mọi điều. Gã nhìn lại mình. Không đẹp trai, hơi lùn, lại quá mập. Căn bệnh thuỷ đậu từ nhỏ để lại trên mặt gã những nốt rỗ khá rõ. Nhưng cũng chẳng quan trọng gì. Ai lại đánh giá đàn ông bằng nhan sắc. Người ta vẫn khen gã có nhiều tài lẻ.  Gã có hoa tay về hội hoạ, đủ để báo tường cơ quan gã luôn giật giải nhất khi thi thố và cắt dán được mọi thứ khẩu hiệu. Giọng ca của gã vẫn được coi là của hiếm. Nếu gã có thân hình đẹp, biết đâu lại chẳng trở thành ca sĩ từ hồi nào rồi. Nhưng thôi, nghề nghiệp hiện tại của gã ổn định ở một cơ quan danh tiếng. Chẳng đến nỗi nào!

                              

*

Reng … Reng …Reng … Chuông điện thoại ở góc phòng reo. “Alô, tôi nghe đây”. “Cậu đó hả, cháu đây … Cháu phải báo ngay cho cậu là bà bị xuất huyết não đã đưa xuống bệnh viện tỉnh từ sáng … Bác sĩ nói là nặng cậu ạ. Có thể là lâu dài, cũng có thể xấu hơn … Cậu mợ thu xếp về ngay nhé!” Gã bỏ máy xuống sững sờ. Căn bệnh cũ của mẹ lại tái phát rồi. Chắc lần này sẽ khó hơn. Bây giờ làm gì nhỉ. Gã đi sang phòng sếp. Không biết sếp họp đã về chưa. Trước hết là phải xin phép. Rồi sao nữa? Thốt nhiên, rất nhanh, gã nghĩ đến vợ. Phải, những việc như thế này chỉ có thị mới có thể chia sẻ mọi điều, lo toan mọi điều. Từ sắp xếp nhà cửa, gửi gắm con cái, lo tiền nong, đi đặt vé máy bay …Gã bấm máy gọi điện về cho vợ : “Em à, có chuyện chẳng lành rồi …” Và gã nghe tiếng vợ từ đầu dây bên kia, cũng thảng thốt, lo âu, chia sẻ…như của một người không hề gầy yếu, cũ kỹ, nhàm chán như ý nghĩ vẩn vơ mấy ngày nay của gã. Trong cuộc đời, không phải lúc nào cũng là sự kiện, nhưng những lúc đó chỉ cô ấy mới đủ cho gã yên tâm, làm vợi bớt mọi điều. Hạnh phúc là gì? Câu hỏi muôn đời không cũ. Là thoả mãn những ham thích bản năng hay sự đồng cảm, chia sẻ trách nhiệm nếu như  đồng thời không có tất cả?(có tất tật mọi điều thì còn nói làm gì, thì hiếm hoi rồi, nếu không, người xưa làm gì có câu “nhân vô thập toàn”).Còn chia sẻ à? Vậy cô gái xinh xắn kia đã chia sẻ với lão Đài loan những gì? Và gã nữa, gã đã chia sẻ những gì với vợ nhỉ. Hẳn cô ấy cũng có những niềm vui hay nỗi buồn chứ. Có một câu châm ngôn gã đọc được ở đâu đó:Hạnh phúc là biết chấp nhận. Sao nghe uỷ mị như thuyết thiền của nhà Phật vậy? Nhưng thôi, gã đập tay một cái vào trán như người muốn thoát hẳn ra khỏi cơn mê ngủ rồi cầm tờ đơn trên bàn, ngần ngừ một lúc mới mở tủ, cất vào ngăn dưới cùng. Tội nghiệp mẹ quá! Chắc cả nhà đang trông mong vợ chồng gã về. Gã tắt hết mọi đồ điện trong phòng rồi khoá cửa.

 

Ngoài trời mưa đã tạnh. Chưa đến giờ tan tầm nên đường vẫn còn thưa thớt. Chắc là cơn bão xa đã tan. Dấu vết còn lại chỉ là vô số lá cây rụng tơi tả trên mặt đường còn lấp loáng ướt.

Hội An
Số lần đọc: 2080
Ngày đăng: 11.09.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Con cá kèo - Nguyễn Văn Tâm A
Đôi mắt rắn đỏ và men rượu đàn bà . - Dương Ðình Hùng
Ngôi nhà ác ôn - Dương Ðình Hùng
Tuyết - Tove Janson
Ngôi nhà dưới lùm dưới dại - Phạm Xuân Hùng
Mất ngựa - Trọng Huân
Cánh đồng bất tận-phần một - Nguyễn Ngọc Tư
Cánh đồng bất tận- tiếp theo và hết - Nguyễn Ngọc Tư
Hội Quán Thủy Thủ - Nguyễn Lê Hồng Hưng
Ba người đàn bà bên kia cồn bắp - Dương Ðình Hùng
Cùng một tác giả
Hoa xương rồng (truyện ngắn)
Chiếc dù nhiều màu (truyện ngắn)
Nhân điện (truyện ngắn)
Chị và em (truyện ngắn)
Cơn bão xa đã tan (truyện ngắn)
Giấc mơ hạnh phúc (truyện ngắn)
Lòng tốt (tạp văn)
Dòng đời vẩn trôi (truyện ngắn)
Ghen (truyện ngắn)
Mưa đêm (truyện ngắn)