Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.395 tác phẩm
2.747 tác giả
694
116.729.271
 
Chiếc dù nhiều màu
Hội An

Gần đây, có lúc Mai rất mặc cảm với nghề nghiệp của mình. Có nhiều người nói đến bác sĩ da liễu, người ta nghĩ ngay đến những bệnh trăng hoa của bọn đàn ông thừa tiền rửng mỡ và đàn bà hư đốn, đàng điếm mặc dù phạm vi chuyên khoa này rộng hơn nhiều. Hồi đầu, Mai chỉ làm ở bệnh viện chứ không có ý định mở phòng mạch riêng mặc dù có nhiều đồng nghiệp đã bắt đầu giàu lên thấy rõ nhờ mỗi ngày vài tiếng làm tại nhà. Đọc báo bây giờ thấy không mấy tờ không nói đến y đức, nói đến chuyện hoa hồng của bác sĩ làm Mai thấy chạnh lòng. Chị xấu hổ thay cho cái giới thầy thuốc và cái nghề vốn xưa nay được coi là cao quý của mình.

 

Vừa rồi có một tờ báo ở trang cuối có mẩu vẽ biếm bác sĩ ngồi khám bệnh mà tai nghe bệnh nhân kể bệnh lơ đễnh, óc chỉ nghĩ đến cái phong bì hoa hồng, mắt nhìn vào danh mục thuốc có khuyến mãi và dưới tay bác sĩ là cái toa đã ghi sẵn chỉ việc ký vào. Chao ơi là xấu hổ! Sáng nay trước sân bệnh viện còn tự dưng xuất hiện một bài thơ châm viết chữ nguệch ngoạc trên tờ giấy dán vào gốc cây bàng to nhất:

Đau lòng em lắm bác sĩ ơi

Tiền thuốc, tiền phòng cạn túi rồi

Còn tiền "lót tay" cho em nợ

Xin đừng hắt hủi, nước mắt rơi.

 

Đó còn là bác sĩ nói chung, chưa nói là chuyên ngành da liễu như Mai thì còn tệ hại hơn nữa. Có lần con Linh đi học về nói với Mai: "Mẹ ơi, con Ly nói từ nay nó chẳng đến chơi với con nữa đâu". Mai nhẹ nhàng: "Tụi con giận nhau à?" Linh nhấm nhẳng: "Chẳng phải. Bố nó không muốn chở nó đến nhà mình nữa. Bố nó nói đến nhà mình nhiều mang tiếng lắm. Mang tiếng là gì hở mẹ?". Mai trả lời con qua quýt cho xong nhưng cũng thấy buồn buồn. Hình như từ hồi Mai có phòng mạch da liễu tại nhà đến giờ, bạn bè cũng ngại đến chơi thì phải.

 

Đầu tiên Mai chỉ là bác sĩ đa khoa bình thường nhưng hồi đó bệnh viện này thiếu bác sĩ chuyên khoa da liễu nên giám đốc đã cử đích danh Mai đi học thêm một khoá ngắn hạn. Bây giờ chị khám chia đều mỗi tuần 3 ngày đa khoa, 3 ngày da liễu.

x

 Căn nhà nhỏ mà mẹ con Mai đang sống ở ven thành phố. Hồi xưa, đất chỗ này còn rẻ nên cũng mua được đủ rộng để có sân vườn có vài cây xoài trái treo lủng lẳng. Một bụi sơri rậm leo trên một cái giàn cao, quanh năm có trái chín đỏ điểm xuyết trên tán lá xanh, trông thật thích mắt. Quanh hè treo rất nhiều giò phong lan. Có giò Vũ Nữ đang chưng diện một dàn vũ công rập rờn áo vàng rời rợi. Mấy giò Denro có đủ màu sắc trông xa như một đàn bướm sặc sỡ uốn lượn chập chờn. Hồ Điệp thì hoa đỏ sẫm đến mức gần như chuyển sang màu nhung mộng mị, bí hiểm. Vài giò Ngọc Điểm thì toả hương thơm ngát . Mỗi sáng mai thức dậy, khi ánh mặt trời bắt đầu le lói trên ngọn cây, sương chưa tan hết trên những cánh hoa và phiến lá, khu vườn như được bao bọc trong một mùi hương dịu dàng và tinh khiết.

 

Không gian vắng vẻ và thơ mộng này do vậy cũng làm Mai giảm được căng thẳng mỗi ngày sau công việc của mình. Tuy nhiên, dù sao chị vẫn buồn. Hoa lá, cây trái và đứa con gái chín tuổi dễ thương không xua hết được nỗi cô đơn trong lòng chị, nhất là những khi ngày lễ, ngày tết đến. Chị cũng cố tỏ ra bình thường như mọi nhà bằng cách mua sắm, bày biện thứ nọ thứ kia. Cũng làm vài món ăn cầu kỳ hơn một chút nhưng những ngày đó dù chị có cố tình mời mọc thì cũng chẳng mấy ai đến chung vui được vì họ cũng còn phải sum họp với gia đình. Chỉ có 2 mẹ con với những sửa soạn công phu, kỳ công như càng làm lộ ra sự chơ vơ, trống trải, lạc lõng. Như càng làm khoảng trống cô đơn thêm rộng ra đến nao lòng.

 

Thực ra là chỉ thiếu có một người.

Lại cũng chẳng phải bao giờ anh cũng có mặt trong ngôi nhà cùng mẹ con chị. Anh là kỹ sư giàn khoan. Mỗi chuyến đi biển xa nhà của anh thường là nửa tháng, chưa kể những đột xuất. Tuy nhiên hồi đó chị ấm lòng vì anh hiện diện khắp nơi trong căn nhà nhỏ xinh của chị. Từ chiếc giá sách anh tự đóng lấy chất đầy các loại sách kỹ thuật chuyên ngành. Từ cái giá để đĩa nhạc trong đó có những bản nhạc cổ điển mà anh thích. Giai điệu của Love storyRomance, PoloneSymphony, ElisaMoonlight sonata… mãi bất hủ trong cuộc đời và trong mối tình đầy thị vị của họ. Anh thường mở vừa đủ nghe vào lúc lên giường cho cả chị cùng chìm đắm vào yên bình và mơ mộng. Đến dư vị nồng nàn của những ái ân đôi lứa như vẫn còn bám riết trên da thịt mịn màng của chị cho tới tận bây giờ. Cả những giò lan và cây trái trong vườn cũng thấm đẫm hơi thở của anh. Cây khế cuối vườn, trái vàng lúc lỉu kia anh trồng khi căn nhà mới được xây xong, hồi đó nợ nần chồng chất. Anh bảo bao giờ cây có quả đại bàng sẽ cho vàng để trả nợ, em đừng lo. Thời gian ở biển, anh gọi điện thoại gần như mỗi ngày, dù chỉ để hỏi một câu: "em và con khoẻ không?". Chị cảm nhận được trong giọng nói của anh nỗi lo lắng và tình yêu sâu sắc. Có những bực dọc vì căng thẳng của công việc, khi được kể cho anh nghe xong, dù anh không làm thay đổi được điều gì, chị cũng thấy như được vơi nhẹ. Bây giờ mỗi lần thắp nén nhang trên bàn thờ, nhìn nét cười trên đôi mắt to có hàng mi rậm và gương mặt vuông vức cương nghị của anh, chị vẫn thấy bồi hồi. Trời biển thì rộng mênh mông, sao tai nạn hi hữu trên giàn khoan hồi đó lại rơi vào anh, đồng thời giáng bất hạnh lên mẹ con chị? Lúc đó con gái chị mới 2 tuổi. Chị vùi đầu vào mớ tóc tơ mềm mại của con mà khóc, tưởng như đất trời sụp đổ, tưởng như mẹ con chị khó lòng mang nổi nỗi đau quá lớn đi hết chuyến tàu đời.

Vậy mà bây giờ, bảy năm đã trôi qua.

x

Tối nay, khi Mai đã khép hai cánh cửa phòng khám, chuẩn bị khoá cổng thì có hai bố con nhà kia mới đến. Ông bố dắt đứa con gái trạc tuổi Linh đang cầm trên tay một cái dù màu mè dán bằng giấy. Anh tỏ ra ngượng ngập vì sự muộn màng của mình:

- Chị thông cảm. Giờ tắm cho con thì mới hay lưng nó bị phồng rộp. Để mai sợ muộn nó nặng thêm. Người ta mách tôi tìm đến phòng khám của bác sĩ.

 

Mai nhìn vào tấm lưng có một vệt lớn các nốt mọng nước nhỏ li ti của con bé và biết nó bị chàm bội nhiễm.

 

Lúc đó con gái chị biết đến giờ mẹ đóng cửa phòng khám, nó từ trong phòng ra và quấn lấy chị:

- Mẹ ơi con làm bài xong rồi, mẹ vào chơi cá ngựa cùng con đi.

- Yên nào! Mẹ chưa xong việc- Chị quay lại nói với con.

Linh đã kịp nhìn thấy chiếc dù bằng giấy nhiều màu dán trên một cái khung làm bằng những que tre chuốt kỹ lưỡng. Nó ngạc nhiên, thích thú một cách thèm thuồng

- Ai làm cho bạn đấy?

- Bố mình làm chứ ai- Cô bé kia có vẻ tự hào giơ cao chiếc dù lên khoe khi có người chú ý. Trẻ con đến là dễ làm quen.

- Cho mình chơi chung nhé

- Khám bệnh xong mình còn phải về học bài. Để mai mình nhờ bố làm cho bạn một cái. Bố ơi làm giùm con cái nữa nhen bố!

Lúc đó Mai còn mải lấy thuốc và dặn dò anh từng món, cái nào bôi, cái nào uống và liều lượng ra sao. Lúc chào ra về, nghe con nhắc lại chuyện chiếc dù lần nữa, anh ta bảo con: "Thôi con tặng bạn đi, rồi bố sẽ làm cho con cái khác". Thấy cô bé kia ngần ngừ, Mai gạt đi: "con đừng làm phiền bạn, con có đồ chơi mới rồi mà". Linh bước lui về với ánh mắt tiếc rẻ. Thấy thế, cô bé kia liền vui vẻ giao cái dù cho Linh. Ông bố nói thêm với Mai:

- Chị đừng ngại, mai tôi sẽ làm cho con Hiền cái khác. Mai tôi rảnh mà.

 

Mai đành giục con cám ơn bạn rồi chép miệng ngại ngần: "làm phiền anh quá!"

Linh không thiếu gì đồ chơi. Không hiểu sao nó lại quý chiếc dù nhiều màu được lâu thế. Nó nhờ mẹ đóng đinh treo vào cái giá sách nhỏ ở góc học tập và thỉnh thoảng lại hỏi mẹ: "bạn Hiền bao giờ lại đến nữa hả mẹ?"

 

Mai trả lời con qua loa: "có thể ít lâu nữa". Phải, chị biết chàm là bệnh phụ thuộc vào cơ địa, rất dễ tái phát, phải chữa lâu dài. Có nhiều bệnh nhân cứ tưởng tại vì bác sĩ cho thuốc không tốt nhưng thực chất không phải vậy. Không ít bệnh nhân đã mắng vốn oan bác sĩ khi phải chịu đựng sự khó chịu lâu dài những cơn tái phát bất thường. Có lúc chị đã chán nản nguyền rủa mình tại sao hồi đó lại dễ dãi chấp nhận đi học thêm về da liễu mà không nghĩ đến những phiền toái này.

 

Quả nhiên, một tháng sau bố con cô bé quay trở lại. Lần này trên tay Hiền là một con trâu lá. Như đã quen nhau từ lâu, hai cô bé quấn quýt nhau ngay. Hiền lôi từ trong cái túi xách ra không phải một mà là một đàn trâu lá. Chà! bố nó chiều con quá. Bây giờ Mai mới nhìn kỹ Hiền. Trông nó cũng khá xinh đấy chứ. Trắng trẻo, khuôn mặt nhẹ nhõm, tóc suôn mượt. Hình như nó không giống bố lắm. Linh đã nhanh nhẹn lôi bầy trâu lá bày xuống con đường ra vườn, Mai giữ con bé Hiền lại giở lưng nó ra, vệt chàm loang không kém gì tháng trước, chị trách bố nó:

- Đáng lẽ anh phải tới sớm hơn, lại bội nhiễm rồi. Nếu bôi khi mới phát thì cháu đỡ phải uống kháng sinh, vừa tốn tiền vừa mệt cháu. Anh nhìn con, ánh mắt dịu dàng và xót xa.

- Chị thông cảm. Tôi ở đảo. Mỗi tháng chỉ cố gắng về thăm con được một lần.

Mai hơi bất ngờ:

- Anh làm gì ngoài đảo?

- Tôi là công an ngoài đó chị à.

Mai nhìn bộ thường phục trên người anh, không mấy tin nhưng cũng không tỏ ý nghi ngờ. Chị lại cho thuốc và dặn dò như những bệnh nhân khác. Lần này chị cho nhiều thuốc hơn để có thể để dành.

 

Bố con cô bé còn đến vài lần nữa. Bây giờ thì Hiền và Linh có vẻ như đã quý nhau lắm. Không chỉ vì mỗi lần đến Hiền đều có những món đồ chơi dân dã bố làm cho như máy bay, tàu thuỷ bằng giấy bìa, con sâu, con rắn bằng lá dừa. Mai phát hiện ra, hình như cả hai đứa ngoài giờ học đều ít được đi chơi, ít có bạn đến chơi cùng nên những dịp này là đáng quý đối với chúng. Mai chợt thấy thương con vì chị đã có quá ít thời gian để lắng nghe và tìm hiểu những nhu cầu của con trẻ. Nhưng còn con bé Hiền thì sao nhỉ? Vì tế nhị nên Mai đã không hỏi ông bố nó xem tại sao không thấy mẹ nó đưa con đi khám bệnh hay lo lắng cho nó.

 

Tư nhiên Mai có một thoáng ghét ghét cái phòng khám tại nhà. Nếu không có nó, Mai đã rảnh hơn để thỉnh thoảng chở con đi chơi, hay chí ít những đứa bạn Linh như con Ly cũng còn ghé chơi chung với nó.

 

Mai có thể nhớ chính xác ý định mở phòng mạch tại nhà được manh nha như thế nào. Đó là một buổi sáng nọ, khi đã hết giờ khám bệnh, Mai đã thay đồ và chị em y tá cũng lục tục xếp lại sổ sách để khoá cửa phòng thì có một phụ nữ cao to, tướng mạo đàn ông vào tìm Mai:

- Bác sĩ thông cảm khám giùm chị, chị phải về sớm một chút và phóng gấp đến bệnh viện chứ thằng cha trưởng phòng không cho chị nghỉ sáng nay.

Mai đã mệt mỏi căng thẳng cả buổi giờ lại phải ngán ngẩm ngồi lại thêm một lúc. Nếu về muộn, con bé Linh khéo không kịp cơm ăn để đi học.

- Xin nghỉ đi khám bệnh là chính đáng mà sao có thể không cho được.

Bà bệnh nhân lục túi lấy ra cái thẻ bảo hiểm và sổ khám bệnh:

- Thằng chả nói chị khoẻ mạnh thế, có thể để sau cũng được. Đang cuối năm, việc bận rộn mà hết người này đến người khác bày đặt xin nghỉ. Ý thằng chả là hễ xin đi bệnh viện là phải thật sự la lết kia, phải nguy hiểm không đi không được kia chứ mấy cái móng tay hư thì nhằm nhò gì, chết chóc đâu mà lo. Chà! giá mà bác sĩ khám bệnh buổi tối thì tốt quá.

 

Trường hợp bà bệnh nhân tướng đàn ông nọ không phải là duy nhất. Sau đó chị còn gặp khá nhiều ca tương tự. Khi là nấm móng, khi là nấm tóc, nấm da, rồi chàm, cả ghẻ nữa. Những bệnh không nguy hiểm chết người nhưng gây khó chịu và tàn phá cơ thể một cách từ từ. Rốt cuộc là nó cũng gây khổ sở, thậm chí còn hơn các bệnh khác.

 

Nếu ai nói rằng Mai mở phòng mạch vì lý do kinh tế thì họ đã có phần nhầm đấy. Khi chồng mất, công ty bảo hiểm và cơ quan anh ấy đã hỗ trợ mẹ con Mai một số tiền không nhỏ có thể đảm bảo cho hai mẹ con một cuộc sống không đến nỗi nào. Các đồ dùng trong nhà về cơ bản chồng chị đã sắm đầy đủ hồi còn sống. Mai lại là người giản dị, chẳng thích chưng diện cũng chẳng có nhu cầu gì nhiều về việc sử dụng tiền. Thế nhưng không vì tiền thì thêm việc chi cho bận rộn, cho mệt xác. Có thể để khoả lấp khoảng trống cô đơn chăng? Vì có thời gian rỗi thì người ta hay nghĩ ngợi lung tung, hay buồn rầu vô cớ. Hay là tình thương, trách nhiệm trước đồng loại, trước những mất mát, thiệt thòi của con người thể hiện cụ thể nơi bệnh tật khiến chị muốn làm thêm một việc gì đó hàng ngày. Cái tính thương người, quan tâm người khác đã là điều quan trọng nhất để Mai chọn ngành y để học. Có thể vì một mà cũng có thể vì tất cả các lý do đó. Bởi vậy, chị lấy tiền công khám bệnh khá rẻ, nhiều trường hợp biết bệnh nhân nghèo quá, thậm chí chị phát miễn phí cả thuốc. Chỉ một số đối tượng thuộc về bệnh "cần giấu kín" thì chị lấy tiền công bình thường. Thậm chí Mai yên tâm tựa vào ý nghĩ chung của nhiều người: dám làm dám chịu, có gan ăn muống phải có gan lội hồ, chơi dao phải chấp nhận đứt tay. Vả lại, đó hầu hết là những người có thu nhập cao, giàu có của xã hội. Mai vẫn mong họ nhận thức được tác hại lẫn tốn kém khi mắc bệnh. May ra họ rời xa được thói quen. May ra xã hội bớt đi tệ nạn. Mai đã tự biện hộ cho mình như vậy khi thu nhập của chị có phần dư giả hơn nhiều so với hồi chưa mở phòng khám riêng.

 

x

Một tối, chị nhận được điện thoại của bố cô bé. Anh đang ở đảo. Anh nói rằng anh hỏi đài 108 mới có số điện thoại của chị, rằng anh rất ngại khi phải làm phiền chị. Số là anh vừa nhận được điện thoại của con gọi, nó ho nhiều và giọng nói có vẻ khàn khàn. Nhà chỉ có hai bà cháu. Bà đã già nên không đưa cháu đi khám bệnh được. Anh muốn phiền chị giúp đỡ (thì công việc của anh thường vẫn phải dựa vào dân mà!).

 

Hết giờ khám bệnh, chị mới chở con Linh đi. Nhà anh hoá ra cũng không xa lắm. Một con hẻm nhỏ không có đèn đường. Chị và con Linh phải tìm mãi mới thấy số nhà chìm khuất sau một tán cây. Một căn nhà nhỏ, không có cổng với bức tường gạch cũ kỹ. Mẹ anh ra mở cửa cho khách. Lưng bà cụ đã còng gập xuống. Khi biết là có bác sĩ đến nhà khám bệnh cho cháu thì bà vô cùng cảm động, lập cập đi rót nước mời khách. Trong nhà đồ đạc tuềnh toàng. Một bộ bàn ghế gỗ, loại mà các cơ quan vẫn dùng cách đây vài thập kỷ, cái tivi nhỏ, bám đầy bụi. Mai lấy ống nghe và kéo Linh lùi ra khi hai đứa chuẩn bị xáp vào nhau như những lần trước. Không đến nỗi nào. Nó chỉ bị viêm phế quản thôi. Chị lấy thuốc, dặn dò liều lượng, dặn nó không được tắm nước lạnh, rồi đưa tay đỡ lấy ly nước từ tay bà cụ. Bà chậm rãi phân trần:

- Từ ngày mẹ nó bỏ đi, bố nó vất vả lắm. Phải lo lắng cho con nhiều hơn. Anh ấy là trưởng công an huyện đảo nên rất bận bịu. Vì chẳng giúp được việc nhà bao nhiêu lại ít về nên mẹ nó đã bỏ đi theo một ông Tây lai rồi.

- Chị ấy làm nghề gì hả bà?

- Cô ấy làm bên ngành du lịch. Cô ấy đẹp lắm nên dễ mắc lỗi nhẹ dạ.

 

Mai không nói gì. Chị trầm ngâm. Có phải đàn bà đẹp thì dễ nhẹ dạ không? Hay tại anh công an này mải việc quá, đã không có thì giờ quan tâm đến vợ con đầy đủ như những người đàn ông khác. Tự nhiên Mai chạnh lòng nghĩ đến mình. Phải, như mẹ con Mai bây giờ cũng đang thiếu sự quan tâm đây… Nhưng Mai đã không thấy anh ấy thờ ơ với con. Và chị nhớ lại ánh mắt anh ta nhìn con âu yếm như thế nào. Cả những thứ đồ chơi mà anh đã kỳ công làm cho con nữa. Tư nhiên Mai thấy thương cảm với con bé thiếu hơi ấm của mẹ.

 

Mấy hôm sau, Mai nhận được điện thoại cảm ơn của anh. Anh còn nói cho Mai nghe là anh đang tham gia một chiến dịch đặc biệt chưa thể về được, nhờ chị thỉnh thoảng gọi điện nhắc nhở hai bà cháu giùm. Nghề bọn tôi nó vậy. Cám ơn chị nhiều nhé.

 

Mai nghe giọng nói của anh và hình dung đến đôi mắt sáng bẽn lẽn, cái mũi cao, đường nhân trung rõ thường có ở những người cứng cỏi nghị lực mà giàu tình cảm. Chẳng phải do anh ta thờ ơ, Mai thấy mình đang bào chữa cho anh khi nghĩ đến nguyên nhân bỏ đi của cô vợ xinh đẹp.

 

Từ đó, thỉnh thoảng sau buổi khám bệnh Mai lại chở con đến chơi cùng bạn với vài món quà để chúng ăn chung, chơi chung. Mai còn mang thêm thuốc đau lưng cho bà cụ nữa. Bà cụ rất cảm kích trước những món quà Mai đem tới lo cho hai bà cháu.

- Bác cứ yên tâm đi. Cũng như anh ấy đang lo cho sự yên lành ngoài đảo. Thu nhập của cháu cũng đỡ. Bác đừng áy náy gì.

Phải, cả anh nữa, cũng đừng áy náy gì. Đây chỉ hoàn toàn là sự vô tư của mẹ con Mai thôi. Bởi Mai vẫn chưa làm sao quên được dấu vết người chồng để lại trong từng góc nhà, góc vườn nhỏ của mình để nghĩ xa xôi hơn.

 

Chỉ là tình thương đối với con bé và bà cụ thôi mà. Cả vì con Linh nữa. Mai tự trấn an mình như vậy. Và tự nhiên trong chị hiện lên hình ảnh chiếc dù nhiều màu của ngày đầu tiên bố con anh tìm đến chị, chiếc dù mà con gái chị vẫn treo ở trước bàn học của nó./.

Hội An
Số lần đọc: 2267
Ngày đăng: 25.03.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đời tư - Huỳnh Mẫn Chi
Người cóc - Nguyễn Thị Diệp Mai
Cuốn sổ tay - Trọng Huân
Chuyện của chú cháu tôi - Hội An
Trên cánh bay của chuông Chùa - Ngô Phan Lưu
Chuông chùa Bạch Vân - Trần Đức Tiến
Rượu của thời chưa sinh - Đào Bá Đoàn
Chuyện đời khó đoán ! - Phan Tấn Lược
Gió bên hè - Trần Lệ Thường
Xứ ra ghe - Hà văn Thùy
Cùng một tác giả
Hoa xương rồng (truyện ngắn)
Chiếc dù nhiều màu (truyện ngắn)
Nhân điện (truyện ngắn)
Chị và em (truyện ngắn)
Cơn bão xa đã tan (truyện ngắn)
Giấc mơ hạnh phúc (truyện ngắn)
Lòng tốt (tạp văn)
Dòng đời vẩn trôi (truyện ngắn)
Ghen (truyện ngắn)
Mưa đêm (truyện ngắn)