Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
777
116.661.487
 
Nhân điện
Hội An

Hồi còn bé, bố tôi thường bảo: “ Con trai gì mà lành quá vậy, sau này làm gì mà ăn hả con? Rồi suốt đời bị người ta ăn hiếp thôi.”

 

    Thời đi học, tôi hay bị bạn bè bắt nạt mặc dù chẳng phải vì tôi gầy yếu hay nhỏ con gì. Tuy nhiên tính tôi vậy. Nếu tuần này tổ tôi làm trực nhật thì chắc chắn người quét lớp phải là tôi. Thậm chí tôi còn nhớ câu thằng Chiến tổ trưởng nhắc: “Mai đến lượt tổ mình làm trực nhật đấy Sinh nhé.” Làm như tổ chỉ có mỗi mình tôi vậy. Nếu phải trực tưới cây vườn trường, đáng lẽ chia nhau mỗi đứa một lần thì chúng cũng đùn đẩy tôi mang cái xô nhựa đi. Nhưng tôi lại thường đi sớm. Thôi thì cứ tưới béng đi cho xong. Lỡ chờ mà chúng lại đi muộn thì sao. Ở đâu có đánh nhau là tôi tránh xa. Lỡ có trở thành đương sự cãi nhau thì tôi cũng phải rút lui sớm vì biết mình khó mà thắng nổi, kể cả khi biết chân lí thuộc về mình. Tuy nhiên, nếu có  vụ xô xát mà tôi bắt buộc phải dàn hòa thì dường như mâu thuẫn có vẻ nhẹ nhàng hơn. Một bên nói: “Ừ, tớ có sai nhưng cũng tại cả đằng ấy nữa”. Còn bên kia thì khẳng định: “Đã bảo mà, cứ tưởng mồm năm miệng mười được đâu.”

 

    Thấy tôi chịu khó nên cũng có năm được bầu làm lớp phó phụ trách lao động. Tuy nhiên tôi chỉ làm tốt phần mình chứ phân công mà chúng không làm thì tôi cũng không đủ “oai” để la hét, quát nạt chúng nó được. Vậy nên rồi cái chức lớp phó lại cũng chẳng bền …

 

    Như sáng nay, cuộc họp phòng xong đã lâu. Mọi người đã về hết, chỉ còn tôi ấm ức ngồi lại. Số là trong đợt giảm biên chế này, chỉ tiêu phòng tôi phải giảm một người. Tức là không phải “về vườn” mà chuyển sang phòng khác. Tay trưởng phòng nói ngắn gọn:

 

- Đ/c Sinh có nhiều năng lực. Chắc chắn về phòng hành chính cũng sẽ phát huy được. Các đ/c còn lại giữ nguyên vị trí cũ. Ai có ý kiến?

Lâm “lùn” lên tiếng bảo vệ tôi:

- Anh Sinh có năng lực. Theo tôi phòng nên giữ lại. Vả lại, nếu thừa là thừa người ở phòng hành chính, phòng kế hoạch chứ sao lại phòng kĩ thuật. Kĩ thuật là xương sống của cơ quan này.

Nét mặt tay trưởng phòng vẫn bình tĩnh, thản nhiên như trước:

- Đ/c Sinh tính tình ôn hòa nhã nhặn, lại chịu khó, nhận việc ở phòng hành chính thích hợp hơn mấy người còn lại. Rồi đ/c cũng sẽ phát huy được thôi.

-  Ủa! Sao lại có chuyện ngược đời vậy. Vậy ra người hiền lành thì muốn đẩy đi chỗ nào thì đẩy phải không? Và phát huy gì ở cái chân long tong cơ chứ!

 

Tôi đứng dậy từ tốn:

- Tôi chỉ mong làm việc đúng chuyên môn thôi. Tôi không học việc chạy giấy tờ, tổ chức hội họp, tiếp khách bao giờ. Đề nghị xem xét lại.

Tay trưởng phòng vẫn “kiên trì bảo vệ quan điểm”:

- Cần thải bớt người ở phòng hành chính và chuyển đ/c Sinh về đó. Ban giám đốc đã tính cả rồi. Nếu không đồng ý, đ/c có thể làm đơn gửi lãnh đạo. Cuộc họp đến đây là kết thúc.

Tôi đem nỗi ấm ức về nhà kể cho vợ. Nàng an ủi:

- Thôi anh ạ. Thì làm hành chính cũng được chứ sao. Càng nhàn. Mà người ta có bớt lương anh đi đâu.

- Nhưng em không hiểu là anh mất bao năm miệt mài về nghề cơ điện của mình. Đào tạo ra được một người như anh là khó. Về hành chính thì rất uổng. Anh không thấy mình thích hợp tý nào với công việc ở đó. Mà họ cũng ảo tưởng về anh. Nghĩ rằng hiền lành thì đi liên hệ công tác hay sai bảo mọi việc sẽ đỡ va chạm. Nhưng anh biết mình không đủ tháo vát ở thời buổi nhiễu nhương này. Và anh cũng không dễ sai bảo như họ nghĩ đâu.

- Vậy anh định sao? Nàng tỏ ra lo lắng.

- Anh sẽ nộp đơn không nhận quyết định. Rồi ra sao thì ra.

Vợ tôi có vẻ bực dọc. Giọng nàng đã không còn bình thường.

- Thì ra anh cũng không hoàn toàn lành tính như em tưởng.

Tôi cứng cỏi:

-  Lành hiền không có nghĩa là không có nguyên tắc sống của mình

Và tôi dắt xe ngay ra khỏi nhà để tránh nguy cơ một cuộc cãi vã.

 

    Quả là bố tôi tiên đoán đúng. Cuối cùng thì người ta cũng ăn hiếp được tôi. Tôi phải về nghỉ với phương thức hưởng trợ cấp “một cục” vì “không chấp hành sự phân công của tổ chức”.

     Qua một thời gian rồi tôi cũng nguôi ngoai dần chuyện cũ

                                                                                 *                                                                                    

    Kể ra thì tôi cũng không phải lo lắng lắm về kinh tế nếu cứ bằng lòng sống như hiện tại. Một căn hộ trong khu tập thể bốn chục mét vuông. Ăn nhiều chứ ở hết bao nhiêu. Vợ có một quầy tạp hóa trước nhà. Tuy nhiên, gần đây cô ấy phát sinh nhiều bệnh tật quá. Thôi thì ai đánh giá sao đành chịu chứ theo nhận xét của tôi đàn bà đã trên 40 lại còn thêm bệnh suyễn, bệnh thấp khớp, mặt mày lúc nào cũng nhăn nhó ủ ê là không muốn nhìn nữa. Trong nhà không khí như u ám hẳn đi. Tôi không còn muốn quanh quẩn ở nhà nữa mặc dù vẫn thích vuốt ve con mèo, con cún cưng của tôi. Mặc dù mấy dò lan quý vẫn nở hoa tưng bừng như không có chuyện gì xảy ra. Tôi bắt đầu sa đà các quán cóc cùng mấy ông bạn nhàn rỗi của mình. Cho đến một ngày …

 

     Một ông bạn rủ tôi đi học lớp nhân điện. Đơn giản là để chữa bệnh cho mình và cho vợ mình. Ừ phải, dạo này thuốc uống của cô ấy tăng giá liên tục, đi mua mà sốt cả ruột. Cơ chừng như vầy cái “ một cục “ của tôi bị véo lần lần chẳng mấy chốc mà hết. Nghe tuyên truyền nhân điện là chữa bệnh không dùng thuốc, tôi khoái quá ghi tên liền. Nếu học được là lợi ích thấy rõ. Nhà tôi vừa đỡ tốn tiền, vợ tôi hết bệnh lại tươi tắn xinh đẹp như xưa. Chà, nghĩ đến đó là tôi thấy háo hức và quyết tâm học rồi.

 

    Rồi ông thầy dạy cũng phải ngạc nhiên về khả năng bẩm sinh của tôi. Thì ra sống đến hơn nửa đời người mà tôi cũng không biết hết về mình. Có một câu triết lí tôi đọc ở đâu đó là : tài năng chỉ xuất hiện khi được đem ra sử dụng. Quả đúng như vậy. Chỉ sau mấy buổi lên lớp nắm được lí thuyết chính là tôi đã khai mở được cả 6 luân xa của mình. Hàng ngày, tôi dành thời gian tập luyện một cách nghiêm túc, sáng 1 tiếng và tối 1 tiếng ngồi thiền, mở luân xa để thu nhận năng lượng vũ trụ vào mình. Tôi bắt đầu hành nghề bằng việc chữa bệnh cho vợ. Bệnh thấp khớp của nàng mới phát từ vài tháng nay. Vì đau khớp cổ tay nên nàng nói cầm cái chổi cũng khó, thậm chí giặt cái khăn mặt cũng không được nữa. Đau cả khớp gối nên nàng đi lại khó khăn, dáng đi cứ lệch hẳn đi nom thật thảm hại. Thật đơn giản. Không phải uống thuốc. Không phải chích, cũng chẳng phải bôi xoa gì. Chỉ mỗi ngày tôi đặt tay lên những chỗ đau cho nàng 2 lần, sáng và chiều, mỗi lần 5 phút. Tôi tập trung tinh thần. Nàng cũng tập trung tinh thần để tiếp nhận. Vậy mà cái đau giảm dần đi thấy rõ.

 

    Thực ra lí thuyết về nhân điện có thể giải thích bằng khoa học. Một tổn thương về thực thể có thể là sự mất cân bằng về điện ở tế bào. Người thầy thuốc phải truyền năng lượng có sẵn ở bàn tay mình vào vị trí rối loạn nhằm từ từ lập lại thế cân bằng cũ. Khi đó, tổn thương thực thể sẽ giảm dần đi. Cơ năng của các tổ chức sẽ dần trở lại bình thường. Nói như thế tất nhiên có người sẽ nghĩ: hoàn toàn có thể thay thế bằng một máy xung điện. Nhưng không đơn giản thế. Về tần số, về cường độ …phải có một sự thích ứng nào đó. Hay có những bí ẩn khác mà chính tôi cũng không giải thích được. Chỉ biết rằng vợ tôi chuyển biến từng ngày và nàng khỏi lúc nào tôi cũng không biết nữa. Thật là thần diệu! Về sau này, đã có một bệnh nhân nhận xét là tôi sinh ra để làm thầy thuốc. Hỏi căn cứ vào đâu thì ông ấy nói rằng: cả con người tôi đều toát lên điều đó. Bàn tay tôi to lớn nhưng không thô kệch. Trái lại, trắng trẻo, mềm mại, ấm nóng và mịn màng như tay phụ nữ. Da mặt tôi đỏ đắn như những ông thầy thuốc Bắc thường thấy trong vùng. Còn dáng dấp cũng là cái dáng cẩn trọng của người làm việc cứu người. Lúc đó tôi đã cười phá lên và bảo: Tất cả những điều đó đều hợp cho một người làm nghề cơ điện. Chẳng qua là …

 

     Giờ đây, vợ tôi lại khỏe mạnh, tươi tắn và vui vẻ giống như là ngày xưa vậy. Chẳng cần phải quảng cáo gì nhiều. Bệnh nhân của tôi bắt đầu lũ lượt kéo đến. Có gì đâu. Đến bệnh viện thì tốn tiền thuốc, và còn tốn thêm bao nhiêu khoản đi kèm nữa. Chưa kể những rắc rối phiền toái. Còn đến tôi ấy à? Bất quá khi khỏi bệnh tạ ơn bằng túi trái cây hay kí đường hộp sữa là cùng. Có người quá nghèo tôi phải dặn khỏi tạ ơn nữa kia. Bởi nguyên tắc của việc chữa bệnh bằng nhân điện nếu động cơ chữa để lấy tiền là hỏng ngay, là không thể nào khỏi bệnh được. Xưa nay, tôi là kẻ vô thần. Hồi học đại học, tôi là học trò cưng của thầy Bột dạy triết. Tôi vẫn còn nhớ rất rõ học xong chương Tất nhiên và ngẫu nhiên đến giờ thảo luận chúng tôi cãi nhau về may và rủi. Chỉ có tôi là tâm phục khẩu phục lời thầy. May rủi là ngẫu nhiên. Ngoài sự tính toán của con người và tác động vô thức của tự nhiên, cúng bái không có ý nghĩa gì hết. Nhưng hết thảy bọn nó đều nghi ngờ: Nói sao ấy chứ! Chuyện cúng cầu may là chuyện xưa như trái đất. Và người ta cúng khi động thổ, khi buôn bán, khi đi xa, khi ra biển cùng nhiều chuyện khác nữa. Vợ tôi vẫn lên chùa vào rằm và mồng một. Tôi chưa hề phản đối nàng. Thôi thì đức tin cũng quan trọng lắm Cứ để nàng tin rằng lòng thành kính của nàng đang được phù hộ cho cả nhà may mắn. Cho tôi được xung quanh ngày càng nể trọng. Cho con tôi cứ nhận giấy khen phần thưởng đều đều. Thậm chí bệnh tật của nàng cũng phải rút lui trước sự can thiệp của Trời Phật thông qua bàn tay tích điện của tôi thôi.

 

      Nhưng dù sao mặc lòng. Nàng cứ da dẻ hồng hào như con gái, dáng đi uyển chuyển như người mẫu và tiếng cười cứ trong vắt như hồi mới quen nhau thì dù có phải chở nàng lên chùa ngày một tôi cũng sẵn sàng chứ nói gì mỗi tháng chỉ 2 lần.

 

    Chỉ có một lần tôi cự cãi.

    Hôm đó nàng đi bói cùng mấy bà hàng xóm. Chẳng hiểu ông thầy giỏi cỡ nào mà nàng bắt tôi đập cái bệ bếp đang dùng để xây mới theo hướng đối diện. Hướng đối diện nghĩa là nằm cạnh toalet. Có mà điên! Lần này thì dù nàng có khóc lóc hay càu nhàu, gương mặt đẹp có trở nên cau có thì tôi cũng không hề lay chuyển. Vậy là nàng giận tôi và bỏ ra ngủ riêng đến hơn một tuần. Chuyện rồi cũng qua. Tuy nhiên bây giờ tôi phải công nhận trong lĩnh vực nhân điện này, yếu tố tâm linh tồn tại thấy rõ. Không phải là chuyện cúng bái. Tôi không thờ Chúa cũng không cúng Phật. Đức tin duy nhất của tôi là thiện tâm. Và tôi nghĩ điều đó có mặt trong tất cả các tôn giáo. Giáo phái nào không chứa đựng điều đó, ắt sẽ không thu hút được đông đảo lòng người và sớm muộn sẽ có nguy cơ suy tàn. Trời ban cho anh một khả năng hơn người nào đó. Nếu điều đó không giúp ích, không trở thành thứ tài sản chung của xã hội, của cộng đồng, lúc đó anh sẽ bị quở phạt. Tác giả của quả bom nguyên tử đầu tiên chả đã sống trong dằn vặt suốt phần đời còn lại đó sao?

 

     Tôi bắt đầu mở lớp dạy về nhân điện cho học trò. Cũng giống như ông thầy đã dạy tôi vậy. Việc có ích phải được nhân rộng ra. Có một số có năng khiếu và tôi hi vọng là họ cũng tiếp bước được theo tôi. Trong lớp học đầu tiên này, tôi để ý tới một tay khác phòng nhưng cùng cơ quan cũ của tôi. Hồi đó tôi không ưa hắn. Kiến thức hắn rỗng tuếch nhưng lại lắm lời. Nhưng điều đáng ghét chưa phải ở đó. Sở dĩ tôi rành rẽ về hắn là vì có một lần tôi cùng hắn được phân công về một cơ sở. Thằng cha tham lam không thể tưởng được. Xin xỏ, lợi dụng, cầu lợi đến mức thiếu cả tự trọng. Sau đợt công tác, tôi phải dằn lòng mãi mới không báo cáo cơ quan những việc hắn đã làm. Vậy mà một thời gian bẵng đi, hắn làm tôi ngạc nhiên vì đã leo lên chức trưởng phòng thay cho sếp cũ của hắn được điều động đi học dài hạn. Bây giờ tại sao hắn lại có mặt trong lớp học của tôi? Chắc hẳn không vì thất nghiệp như tôi. Hay muốn tiết kiệm tiền chữa bệnh? Hay muốn về hưu vẫn hốt bạc nếu được đông khách như tôi? Tuy không điều tra nhưng trong thâm tâm tôi tin là hắn khó lòng học được cái nghề không cầu lợi này. Và quả nhiên, cuối khóa học, tôi kiểm tra từng người. Dù cố gắng vận nội công đến mặt mày căng thẳng, tay hắn vẫn lạnh ngắt lạnh ngơ không tỏa ra đượcmột chút nhiệt lượng nào. Có thể hắn sẽ hiểu ra rằng: có những điều, dù cố gắng đến mấy, hắn cũng không đạt đến được. ..

 

    Tuy đông khách và nhiều việc, song nhà tôi vẫn chỉ ở trong khu tập thể. Cái “một cục”của tôi tuy đỡ phải cấu véo nhưng nó cũng không thể giải quyết được bao nhiêu chuyện sắp sửa phát sinh …

    Tiếng tăm tôi bắt đầu nổi như cồn. Tất cả báo chí đều viết về tôi mặc dù tôi không hề muốn chuyện trở nên ầm ĩ. Báo Tương Lai – một tờ báo có uy tín khẳng định: “Thầy Sinh cùng những người học trò của mình đã gánh đỡ được 30 % nhu cầu chữa bệnh của khu vực. Lại giải quyết được cho hầu hết các trường hợp nhà nghèo khỏi bệnh bởi họ không thể có tiền để vào bệnh viện hoặc mua thuốc tây.” Đài truyền hình còn làm hẳn một chương trình xôm tụ về tôi và phát đi trong tiết mục”Người cùng thời”. Hàng ngày, vợ tôi nhận từ tay ông đưa thư một xếp thư cảm ơn và thư của người hâm mộ. Tóm lại là thời gian này tôi vô cùng hạnh phúc trên con đường nghề nghiệp mà tôi đã bất ngờ rẽ ngang vào.

     Cho đến một ngày …

                                                                           *

    Vợ tôi bóc ra một phong thư màu xanh. Chắc lại thư cám ơn chứ gì. Cái gì quen thuộc quá rồi cũng nhàm. Hồi đầu, cứ nhận những bức thư như thế này là cả hai vợ chồng tôi rưng rưng cảm động. Tôi phải cảm ơn nàng là người tốt tính vì tình thế này không hề được đặt ra cho thời chọn vợ. Tôi đã từng chứng kiến chị em trong cơ quan cũ của tôi “buôn dưa lê” chuyện chồng con. Thôi thì đủ cả. Thằng chả vừa phong kiến vùa vũ phu. Lão nhà mình hâm tỉ độ. Chí Phèo phải gọi ông ấy bằng cụ, v v… Nàng không thuộc týp người trên. Nếu không thì không biết người ta sẽ bàn tán thế nào qua những lá thư đề tên tôi. Có người khẳng định sống để dạ chết mang theo ơn đức này. Có người ví von tôi đã sinh ra con họ lần thứ 2. Có người nói trước nay có vài lần làm điều xằng bậy nhưng vì được khỏi bệnh nhờ phước đức nên nay đến hết đời thề chỉ làm điều thiện. Lại có cô gái thổ lộ từ khi khỏi bệnh thấy không thể rung động trước người con trai nào khác ngoài tôi mặc dù biết tình yêu này là đơn phương(!). Chết cha! Điều này thì tệ hại rồi. Tôi chờ xem phản ứng từ nàng. Nhưng ơn trời! Nàng vẫn lặng lẽ sắp xếp thư từ từng loại như một người thư kí thạo việc và mẫn cán. Có thể nàng không biết ghen? Có thể nàng cho rằng đối tượng không thuộc loại nguy hiểm? Hay nàng tin vào đạo đức đàn ông của tôi đến mức không cần đề phòng? Dù sao thì tôi cũng vô cùng biết ơn nàng. Có một số người bắt đầu nổi tiếng là gia đính bắt đầu tan vỡ hoặc luôn luôn lục đục vì đủ thứ nguyên nhân. Không kể ca sĩ và các nghệ sĩ. Gia đình họ hợp tan là chuyện thường. Còn các chính khách và doanh nhân, không ít trường hợp hạnh phúc đi liền với bất hạnh. May mắn là nàng đã giữ cho gia đình tôi được yên ổn, bản thân tôi được thăng bằng trước cạm bẫy hư danh mà bao nhiêu người mắc phải này.

 

    Nhưng lần này có thể là một bức thư không bình thường. Tôi nhìn thấy hai hàng lông mày nàng nhíu lại căng thẳng, mồ hôi lấm tấm rịn ra trên vầng trán đã bắt đầu xuất hiện những nếp nhăn tuổi tác. Rồi những nếp nhăn giãn ra. Nàng nhoẻn cười. Nàng đọc nội dung bức thư cho tôi nghe: Hiệp hội thầy thuốc tỉnh K hứa sẽ trả lương hàng tháng cho tôi là 5 triệu đồng nếu tôi dừng lại việc hành nghề và dừng lại việc mở lớp học. A a a! Vợ tôi reo lên. Nghĩa là không cần làm gì mỗi tháng cũng có 5 triệu để tiêu.

 

    Tôi cầm lấy lá thư  từ tay nàng, đọc đi đọc lại, ngắm nghía ngược xuôi để tìm ra những ẩn ý khác dưới những câu chữ bình thường. Chà, đàn bà dù sao vẫn là đàn bà, nhẹ dạ đến ngây thơ. Tôi kịp kìm lại câu nói chực thốt ra cửa miệng. Ừ, chả trách được. 5 triệu là một số tiền quá lớn trong mắt nàng. Bởi tất cả thu nhập của nàng mỗi tháng chỉ hơn một triệu. Còn sự vất vả hàng ngày của tôi đâu có ra tiền bạc gì. Nói cho chính xác thì quà cáp hàng ngày với sự tháo vát của nàng cũng đủ cho gia đình tôi tiêu pha một cách cần kiệm.Tôi thì không kể. Suốt ngày phải tiếp xúc với người bệnh, đồ mặc của tôi chỉ là mấy cái áo trắng thầy thuốc. Còn nhu cầu ăn uống của tôi cũng rất khiêm tốn vì tự thân việc tập luyện hàng ngày đã mang lại cho tôi một số năng lượng từ vũ trụ rồi. Vợ tôi cũng là người giản dị. Nàng không dùng nước hoa và mĩ phẩm. Nàng không đua đòi áo quần thời trang như mấy chị em cơ quan cũ của tôi. Vậy thì nàng cần nhiều tiền để làm gì? Hay thích tiền là đặc điểm chung nhất của con người chỉ trừ các bậc vĩ nhân?

 

    Tôi chưa trả lời và cũng không có ý định trả lới bức thư lạ nọ. Buổi sáng, tôi vẫn dậy từ 4h đi bộ ra biển. Lúc này, cảnh vật còn nhá nhem mờ ảo. Ánh đèn đường bắt đầu nhạt nhòa. Gió mát lành mang hơi sương ẩm ướt. Tôi thường ngồi trên bờ đá. Ở đây, tôi được chứng kiến những giây phút bình minh đầu tiên, những ánh nắng đầu tiên của một ngày mới tinh khôi, rực rỡ. Biển mênh mông, dạt dào hát khúc ca hùng tráng muôn thuở của mình. Tôi mở tất cả các giác quan của mình đón lấy những tinh túy của trời đất ban tặng. Lúc này, lòng tôi thực nhẹ nhõm. Làn gió mát từ biển khơi lùa mơn man trên tóc, trên làn da trần của tôi. Vũ trụ ơi, ngươi thật rộng lớn bao la và cũng thật hào phóng. Năng lượng vô tận của ngươi như đang chảy vào từng tế bào của ta thành dòng chảy có ích cho cuộc đời. Tôi ngồi tịnh tâm trong buổi bình minh mà không ngăn được những ý nghĩ mông lung, lúc mờ lúc tỏ như vậy.

 

    Đã một tuần trôi qua …

    Vợ tôi lại đang bóc một bức thư màu xanh nữa. Nhưng làm sao, tại sao nàng lại thất sắc thế kia? Nàng bị cơn hen suyễn trở lại chăng? Tôi xô đến. Không phải! Chỉ là vì bức thư. Không phải là một bức thư thông thường. Ôi! Nó là một kíp nổ hẹn giờ. Tôi nghĩ rất nhanh: khủng bố. Một tấm bìa cứng vuông vức có dán một kíp nổ lên trên. Phía dưới có một dòng chữ in đậm: “Sẽ có lúc đây là một cái kíp nổ thực sự nếu ngươi không dừng lại công việc của mình”. À, mẹ kiếp! chỉ là dọa dẫm thôi. Tôi đỡ lấy nàng lúc này đã tái xanh và mềm oặt như một tàu lá chuối hơ lửa.

 

    Rồi nàng cũng tỉnh lại sau vài động tác cấp cứu thuần thục của tôi. Nhưng đến lượt tôi rã rời. Và hoang mang nữa. Đầu tôi ong ong không nghĩ được điều gì rõ rệt. Bây giờ báo công an chăng? Có nên không hay lại trở thành chuyện ầm ĩ mà xưa nay tôi đã cố gắng tránh. Nhưng nếu báo cũng dễ gì tìm ra chủ nhân chỉ một bức thư không đề nơi gửi. Và họ sẽ bảo vệ tôi bằng cách nào?Chẳng lẽ cho quân túc trực nhà tôi ngày này qua ngày khác. Thầy thuốc chứ đâu phải tổng thống! Hay chỉ ở mức có mặt kịp thời khi sự việc đã xảy ra? Chủ nhân của bức thư là ai? Chẳng lẽ lại là cái tổ chức đã hứa trả lương cho tôi kia. Hay lại là một địa chỉ khác? Cái công việc nhân đức tốt đẹp mà tôi đang làm đã làm hại họ chăng? Trời ơi! Tôi chỉ muốn làm điều tốt thôi mà. Để sống, để tồn tại đã khó rồi. Chẳng lẽ để làm người tốt, để làm điều tốt cũng khó vậy chăng? Tự nhiên tôi nhớ đến lời mẹ: Khéo co thì ấm. Phải rồi, tấm chăn cuộc đời hẹp lắm. Đắp kín người này thì hở người kia. Nhưng lẽ nào, lẽ nào có thể coi là tôi đã kéo mất mảnh chăn ấm của một số người nào đó. Vả chăng, nếu có, tôi có kéo cho riêng tôi đâu? Phải mảnh chăn đó, tôi đã đắp ấm đều cho tất cả những người bệnh tật nghèo khổ, bất hạnh đó sao?

 

     Suy nghĩ lại, tôi thấy vững lòng hơn một chút. Chỉ lo cho nàng thôi. Tội nghiệp! Nàng sợ hãi, hay giật mình, hay thảng thốt nhưng cũng biết là khó mà khuyên nhủ được tôi. Phải, yếu đuối cũng là lẽ thường tình của đàn bà thôi mà. Tôi muốn khuyên nàng đưa con trai về quê chơi cho khuây khỏa vì bây giờ nó bắt đầu nghỉ hè nhưng nàng không nghe vì sợ bỏ tôi lại một mình. Nàng vừa ngoan ngoãn nghe tôi trấn an vừa muốn báo cho công an biết mọi chuyện để cầu viện sự giúp đỡ. Tôi hình dung tâm trạng nàng còn căng thẳng hơn cả tôi vì thấy nàng xuống sắc rõ rệt. Mắt bắt đầu thâm quầng vì mất ngủ. Da mặt tái hơn. Những nếp nhăn xuất hiện quanh khóe môi nhợt nhạt. Dáng đi như nặng nề hơn mặc dù nàng gầy đi thấy rõ.

 

    Ban ngày, bệnh nhân của tôi vẫn kiên nhẫn ngồi chờ đến lượt. Công việc và không khí bình thường xung quanh làm tôi tạm quên đi niềm trăn trở. Nhưng đêm về chỉ còn 2 vợ chồng. Thằng nhỏ xem ti vi xong ngủ luôn trên gác xép. Hình như nàng trở mình hoài vì không ngủ được. Tiếng xe máy rì rì phía xa xa. Tiếng chổi lạt sạt của chị lao công trong đêm vắng nghe như rõ hơn. Một tiếng còi xe nào hét to lên lạc lõng. Gió vẫn xạc xào trên những tàng cây ngoài cửa sổ. Hình như có cả  tiếng sóng vỗ ì ầm phía biển nữa. Từ nhà tôi ra biển không gần lắm. Sao tiếng sóng dội được vào đây?

 

    Cứ như vậy, từng đêm, từng đêm trôi qua trong nỗi khắc khoải đợi chờ. Làm sao để có bình yên như trước? Tôi không muốn từ bỏ công việc quen thuộc của mình. Tôi muốn được thấy niềm phấn khích chiến thắng khi dưới bàn tay thần diệu của mình, bệnh tật cứng đầu phải rút lui một cách trật tự. Tôi muốn hưởng cảm giác hạnh phúc thấy nụ cười làm tươi lại những khuôn mặt tiều tụy vì bệnh tật. Những nếp nhăn dãn ra sung sướng vì lui được cơn đau. Chao ơi! Những điều bình dị mà cao quý này sắp rời bỏ tôi rồi hay sao? Những bệnh nhân của tôi sẽ đi đâu bởi phần lớn họ là người nghèo không có tiền mua thuốc, phần lớn họ là dân lao động bươn chải vất vả lam lũ. Tự nhiên tôi thấy thương họ quá. Giữa bình yên và sự theo đuổi đầy trắc trở, làm sao để dung hòa được đây?

                                                                           *

    Lại một tuần trôi qua trong phập phồng âu lo khắc khoải.

 

    Sáng nay, tôi lại nhận một bức thư lạ màu xanh nữa. Từ hôm đó đến nay, tôi không để nàng nhận thư như trước. Hàng ngày, tôi đã dùng năng lực thần diệu hơn người của bàn tay mình, cố gắng phát hiện những dấu hiệu nguy hiểm có thể có trên những bức thư vô tội gửi đến. Bức thư này có vẻ giống một cái công văn hơn là một lá thư thông thường. Một tờ giấy A4 chữ in, bên dưới có chữ kí và đóng dấu đỏ chót. Phía trên góc trái đề: Công ty độc quyền phân phối dược phẩm ngoại nhập Z. Nội dung công văn(à thư) là: Do nhu cầu mở rộng thị trường, biết năng lực của tôi hồi ở cơ quan cũ, công ty muốn mời tôi nhận công tác tại phòng tổng hợp(hiện đang thiếu người)với mức lương là 10 triệu / tháng. Chà, dù trí tưởng tượng có phong phú đến đâu, tôi cũng không nghĩ được là tôi sẽ làm gì để có lợi cho công ty đó đến 10 triệu một tháng. Hừ! Có năng lực! Năng lực của tôi là về cơ điện, Đâu liên quan gì đến lĩnh vực dược phẩm. Cũng chẳng dính dáng đến thương trường buôn bán bao giờ. Tôi vò lá thư ném vào sọt rác để thể hiện một sự quyết tâm. Nhưng nghĩ sao, một lát tôi lại lôi nó ra, vuốt cho phẳng lại. Hừ…ừm! Sao người ta không để yên cho tôi hả trời? Tôi định dấu lá thư chỉ một mình biết nhưng lại vô tình để vào đống thư mà nàng dọn dẹp hàng ngày. Tối đó, nàng hỏi tôi:

-  Anh định thế nào?

-  Theo em thì nên thế nào? Tôi hỏi lại

-   Em cảm thấy mệt mỏi lắm rồi. Anh tính thế nào thì tính chứ người ta không muốn anh chữa bệnh nữa đâu. Mà tiền chả nhẽ lại không quý?

   Phải, tiền chả nhẽ không quý. Nếu nhiều tiền, tôi sẽ có một chỗ ở rộng hơn cái căn hộ tập thể này. Từ hôm tôi bắt đầu chữa bệnh đến giờ, con trai tôi cứ đi học về đến nhà là chui lên cái gác xép bằng gỗ rộng chỉ 6mét vuông. Học bài ở đó, chơi ở đó, ngủ cũng ở đó. Ban đêm còn đỡ chứ buổi trưa thì nóng như rang vì mái nhà lợp bằng tôn. Vợ chồng tôi muốn nghỉ trưa cũng khó vì lúc nào cũng có người bệnh chờ đợi. Thi thoảng, vợ tôi cám cảnh lại cho một người ở xa trọ lại. Bởi vậy, đã chật lại còn chật thêm. Con cún cưng của tôi thậm chí cũng không còn chỗ, phải sơ tán sang nhà cô em gái nàng. Đồ đạc trong nhà tôi hãy còn xoàng xĩnh lắm. Rồi con tôi học lên sẽ cần nhiều tiền hơn …

 

   Nhưng tôi đã không muốn chọn lựa con đường đi của mình thêm một lần nào nữa. Trước mắt tôi lại hiện lên những khuôn mặt tiều tụy của bệnh nhân đang cần đến bàn tay tài hoa của mình. Và, thật uổng phí khả năng trời cho này. Tôi biết, nếu không dùng đến nữa, trời sẽ đòi lại.

 

   Ngay sáng hôm sau, một chiếc xe hơi màu sữa sang trọng đỗ lại trước cửa nhà tôi. Chú lái xe còn trẻ vào nhà lịch sự chào vợ chồng tôi rồi đưa mảnh giấy có chữ kí của trưởng phòng hành chính công ty Z: Vì nhà anh khá xa nên công ty cho xe đến rước hàng ngày cùng mấy cán bộ của ban giám đốc. Chà, quan trọng quá. Chú lái xe đã bước ra khỏi cửa khá lâu mà tôi vẫn đứng chôn chân tại chỗ. Nàng từ sau nhà lên, trên tay cầm một bọc đồ. Nàng nói dịu dàng: “Áo quần, vớ và cà vạt đã ủi sẵn của anh đây.” Tự nhiên, chân tôi bắt đầu run, rồi hai tay cũng run. Người tôi như đang lên cơn sốt. Bọc đồ nàng trao rơi xuống đất. Tôi khuỵu xuống tại chỗ.

     Ngoài xe, chú lái chăm chú vào tờ báo, kiên nhẫn ngồi đợi.,.

 

5/2004

Hội An
Số lần đọc: 2296
Ngày đăng: 10.04.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thằng Tửng - Trần Lệ Thường
Bỏ lẻ cho nhau… - Nguyễn Mỹ Nữ
Tiếng gõ cửa - Nguyễn Đức Thiện
Nhà khóc dành cho một người - Nguyễn Mỹ Nữ
Hạt bỏng ngô của tôi - Hội An
Bà thánh của hai người - Ngô Phan Lưu
Lỏng và tuột - Trần Đức Tiến
Một ván cờ - Ngữ Yên
Bông điên điển - Hồ Tĩnh Tâm
Nhạc trầm my - Ngô Phan Lưu
Cùng một tác giả
Hoa xương rồng (truyện ngắn)
Chiếc dù nhiều màu (truyện ngắn)
Nhân điện (truyện ngắn)
Chị và em (truyện ngắn)
Cơn bão xa đã tan (truyện ngắn)
Giấc mơ hạnh phúc (truyện ngắn)
Lòng tốt (tạp văn)
Dòng đời vẩn trôi (truyện ngắn)
Ghen (truyện ngắn)
Mưa đêm (truyện ngắn)