Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.389 tác phẩm
2.747 tác giả
620
116.722.202
 
Chuyện của chú cháu tôi
Hội An

Mười tám tuổi, tôi nếm mùi thất bại đầu tiên: thi trượt đại học. Kể ra thì cũng chẳng oan uổng gì cho lắm. Lớp tôi chỉ đậu có dăm đứa, hầu hết là những đứa học giỏi. Không giỏi tự nhiên thì giỏi xã hội. Đằng này cả văn và toán tôi đều ở mức kha khá, chẳng môn nào nổi trội. Lúc làm hồ sơ thi, tôi và cả ba má phân vân cả tháng trời trước việc chọn cho tôi thi trường gì. Tôi chẳng có năng khiếu hay yêu thích một ngành nghề nào rõ rệt. Nghĩa là khó lòng để chọn thi vào khối nào trong 4 khối A, B, C, D. Nội tôi biểu: “Nếu con học không giỏi thì chẳng nên thi đại học. Nghe nói tỉnh đang chiêu sinh khoá trung cấp nông nghiệp phục vụ địa phương. Con theo lớp đó về giúp bà con chữa bệnh cho heo, gà cũng tốt”.

  

Nội tôi năm nay đã 80 tuổi nhưng vẫn khoẻ mạnh, minh mẫn. Râu tóc ông bạc trắng như cước. Ba tôi kể bà nội mất sớm, ông ở vậy gà trống nuôi con cực khổ trăm bề. Nội tôi lại là người có chữ nhất trong vùng. Ông còn biết cả chữ nho nữa nên người ta vẫn nhờ ông viết bài cúng cho việc giỗ chạp thờ phụng. Bởi vậy bây giờ ba tôi, cô Ba, chú Tư ai cũng kính trọng ông. Hầu như trong nhà bàn chuyện gì mọi người đều lắng nghe ý kiến của ông. Vậy mà trong chuyện này ba tôi cự cãi: “Con bé Hai không giỏi nhưng nó cũng vào loại khá của lớp. Ba không muốn con cháu phương trưởng hay sao mà lại xui nó đi trung cầp vậy cà! Nó còn phải làm gương cho em nó nữa. Mà tưởng đi ngành nào danh giá một chút còn được chứ lại định quẩn quanh xó bếp với heo gà thì học đến lớp 12 chi cho uổng công, uổng tiền”.

  

Tôi thấy nội đuối lý không nói gì thêm. Ông chỉ vê vê chùm râu bạc của mình, lát sau mới chậm rãi, như là chỉ nói cho mình tôi nghe vậy:

   -Nội chỉ sợ con không đậu, lại tốn tiền, tốn công hơn thôi. Phải biết lượng sức mình con à.

  

Má tôi chấm dứt cuộc tranh cãi bằng cách mời nội và cả nhà vào ăn cơm.

  

Trong chuyện này thì dù kính trọng nội, tôi cũng chẳng thể nào đồng tình với chuyện không được dự thi đại học. Thằng Hoà mập, con Hạnh ròm cùng tổ tôi còn xếp vào loại học yếu của lớp mà chúng cũng đâu bỏ ý định thi nữa là tôi. Vả lại như ba tôi nói. Tôi còn phải làm gương cho thằng Tèo đang học lớp 8 nữa chứ.

  

Sau đó cô Ba tôi gợi ý là nên thi ngành ngân hàng. Cô Ba là em kế bố tôi, nhà cách nhà tôi chỉ một quãng ngắn. Cô làm ở ngân hàng huyện cách nhà độ mươi cây số nên sáng đi tối về. Có lẽ thu nhập cô cũng đỡ nên trong nhà cô sắm sủa đồ đạc “ xịn” hơn nhà tôi. Thỉnh thoảng có món ăn gì ngon, cô lại đem biếu nội và nhà tôi. Cô nói:

-  Ngành ngân hàng có đào tạo liên thông. Nếu không đậu, làm đơn vào cao đẳng hoặc trung cấp. Sau này, muốn học tại chức, dễ ợt. Đó là ngành làm nhàn nhã mà thu nhập lại khá, rất phù hợp với con gái.

      

Thôi thì cứ theo gợi ý của cô Ba thử coi. Nhìn vào cuốn hướng dẫn thi vào đại học, tôi hoa cả mắt, đâu biết đường nào mà chọn.

   

Tuy nhiên sau khi không đậu, tôi định làm đơn vào trung cấp thì ba tôi bảo: “ Mày chuẩn bị thu xếp lên thành phố học ôn. Phải quyết tâm học đại học. Không được năm nay thì lại ôn năm nữa. Trung cấp thì nước non gì mà đi. Thiếu gì người thi đến lần 2, lần 3 mới đậu. Chưa chi đã nản chí!

     

Tôi được ba má thu xếp lên ở nhà chú Tư để “dùi mài kinh sử”.

Chú Tư là em kế cô Ba tôi, cũng là con út của nội tôi. Không biết sao trong nhà lại không gọi là Út như mấy nhà lối xóm. Có thể là đáng lẽ tôi còn có thêm cô chú gì nữa nếu như không có chuyện rủi ro bà nội tôi bệnh mất sớm. Chú Tư  là người học giỏi nhất nhà. Tốt nghiệp đại học xong chú ở lại thành phố công tác, sau đó cưới vợ cũng là người gốc gác thành phố. Thím Thu- vợ chú là giáo viên cấp 3 môn toán. Hồi đó cả nhà tôi rất tự hào về thím ấy. Mỗi lần chú Tư báo tin chú thím chuẩn bị về thăm nội là ba má tôi lại bận bịu tất bật hẳn. Nào là sửa sang sắp xếp lại nhà cửa cho gọn gàng sạch sẽ. Nào là sửa lại cánh cửa nhà tắm đã có phần xộc xệch, bắt thêm ngọn đèn trước sân cho sáng sủa. Ba tôi còn “ra lệnh”cho má: Khi có chú thím về, đi chợ phải đàng hoàng, đừng để thím ấy chê cười. Má tôi tuyệt đối vâng dạ.Trên thế gian này, không biết có ai hiền như má tôi không.

 

Ký ức tôi còn lưu giữ hình ảnh thím tôi xuất hiện lần đầu tiên trong xóm. Ai cũng trầm trồ: Người đâu mà trắng thế! Sao mà đẹp thế ! Lại lịch lãm và dịu dàng nữa. Ai cũng khen ngợi và mừng cho chú: thằng Tư thiệt là tốt phước ! Chú tôi cũng hoan hỉ và hãnh diện về thím lắm. Gương mặt chú như ngời sáng lên niềm hạnh phúc không giấu diếm. Ở xã tôi, bạn bè chú đâu phải ai cũng lấy đươc vợ đẹp, giỏi giang lại gốc gác thành phố như chú.

 

Từ nhà tôi tới thành phố xa cả vài trăm cây số. Trước khi đi, má tôi dặn dò đủ thứ, rằng ở trong nhà chú thím phải gọn gàng sạch sẽ. Nhà thành phố đâu thể bày bừa như ở quê được. Nào phải để ý học hỏi chú thím mọi điều, từ sinh hoạt đến ăn nói. Nào phải ôn thi cho tốt chứ đừng chơi bời nhiều. Chơi bời thì chẳng lo, vì bạn bè tôi đâu có ở đây nên tôi biết chơi với ai.Còn chuyện được ở trong nhà chú thím, phải học hỏi mọi điều thì là tất nhiên rồi. Đó là những người mà cả tôi và ba má vẫn trọng vọng, ngưỡng mộ. Được ở vơi chú thím, còn gì tốt hơn cho tôi?

 

Tuy nhiên, hình như mọi sự đã không được vẹn toàn như trong ý nghĩ của tôi, của nội và ba má.

*

Vì ba tôi viết thư trước nên chú Tư đã đăng ký sẵn cho tôi học lớp luyện thi của trường đại học mở ở gần nhà chú thím. Mỗi ngày tôi chỉ đi học1 buổi, còn lại thì tự học ở nhà và được xếp ở chung một phòng trên gác với nhỏ Hằng, con lớn của chú thím đang học lớp 11 và thua tôi 2 tuổi. Em nó còn nhỏ xíu, chỉ mới học tiểu học thì ngủ chung với ba mẹ. Nhỏ Hằng trắng trẻo, mũi cao, mắt đẹp giống mẹ nó. Nó cũng dễ gần và thân thiện như tôi và nó đã ở với nhau từ lâu vậy. Một bữa, nó thì thầm với tôi: “Chị Hai có biết không, ba mẹ em đang giận nhau đó”. “Thế à, chị đâu biết, mà em biết tại sao không ?”. “Mẹ em nói ba định xin nghỉ việc cơ quan để về mở công ty hữu hạn vô hạn gì đó mà mẹ không đồng ý”. Hèn gì từ hôm lên đến giờ, tôi thấy thím không được vui. Với riêng tôi thì thím vẫn ân cần hỏi han nhưng tôi không thấy chú thím nói chuyện hay cười đùa trêu chọc nhau như mọi lần, khi hai người về quê.

   

Một bữa, đang học bài trên gác thì tôi nghe được cuộc đối thoại của chú thím mà giọng của chú tôi to hơn bình thường.

 - Thành phố này biết bao nhiêu phường, mà mỗi phường có một câu lạc bộ hưu trí. Người già rỗi rãi nên cần đọc nhiều hơn. Một nhà sách cho người già là hướng đi đúng bây giờ.

- Anh không thấy báo chí người ta nói đầy ra à. Giọng thím tôi vẫn nhỏ nhẹ.- Chỉ móc túi trẻ con là dễ thôi. Trẻ con có thể nhịn ăn sáng để mua sách nên giờ ngành phát hành chỉ trông mong vào chúng thôi. Chứ người lớn ấy à, chỉ chúi mũi vào truyền hình, họ bỏ thói quen đọc sách từ lâu rồi. Một nhà sách cho người già ra đời .  Ừ, cũng hay đấy nhưng sách đó thật lãng phí vì chỉ dành để nuôi mối mọt. Người già thì không sẵn tiền. Người già lại hay tiếc tiền nữa. Họ chỉ không tiếc được khi đến bác sĩ thôi, anh biết không?

-Tôi nói rồi. Tôi phải khác người ta. Cái gì người ta làm rồi tôi sẽ không lặp lại. Tôi sẽ đi con đường riêng của tôi. Mà cô nên nhớ nhà sách chỉ là một hạng mục trong nhiều công việc của công ty thôi. Im lặng một lát, tôi nghe chú tôi nói tiếp, giọng  ẩn chứa một vẻ bí mật nào đó:- Tôi còn làm liên kết xuất bản, đại diện cho các báo, tạp chí, còn nhận tổ chức các buổi thuyết trình nữa. Để rồi cô xem.

   

Giọng thím tôi vẫn nhẹ nhàng:

- Anh đâu có năng khiếu kinh doanh. Tư duy kinh doanh và tư duy viết lách khác hẳn nhau. Anh còn nhớ đợt anh lên rẫy huy động nhân công trồng trỉa, người làm thuê  phải đợi chủ nổi hứng vác súng săn đuổi con bìm bịp cả buổi chưa về. Cuối cùng vẫn phải trả công cho người ta buổi đó không? Người kinh doanh đơn thuần phải quản lý chặt chẽ, phải tính từng đồng vốn bỏ ra. Anh không có phẩm chất đó. Hứng lên thì sôi sùng sục, hết hứng thì bỏ bẵng.

- Nhưng công việc tôi làm bây giờ không phải là làm rẫy. Tôi sẽ tạo ra một sân chơi để vừa được chơi, vừa có tiền. Không phải làm giàu làm có gì. Chỉ đủ trang trải và xài thoải mái một chút là được rồi.

- Em biết rồi. Thím tôi vẫn kiên nhẫn. –Để có sân chơi phải thuê mặt bằng, thuê nhân viên, sắm sửa trang thiết bị, lại mua sách. Tiền vốn thì không có. Vay thì phải trả lãi. Mọi công việc mà anh kê ra đều không hứa hẹn tiền nong rõ ràng gì nhưng khi anh mở rồi, tiền chi hàng tháng là có thiệt, quá thiệt đi nữa. Anh là người viết lách. Sao không để cái đầu cho khoẻ để chỉ lo sáng tác mà cứ ôm đồm cho nặng nợ. Lúc thất bại anh có thể chơi tiếp được nữa không hay lại méo mặt vì nợ nần hả?

Giọng chú tôi bắt đầu nổi nóng :

- Lúc nào cũng kỳ đà cản mũi. Sao cô không về học bà chị Hai lấy một chút. Bà ấy chẳng cãi chồng bao giờ. Nói cho cô hay, kiếp sau, khi chọn vợ, tôi sẽ lấy người không biết một chữ nào hết. Thật khốn khổ! Trên thì thông thiên văn, dưới thì tường địa lý. Lĩnh vực nào cũng tham gia được. Hừ! May mà đức Phật với chúa Giêsu không có vợ. Nếu không, thế giới này làm gì có tín ngưỡng nào.

Ngồi trên gác, tôi nín thít. Tôi chẳng hiểu bao nhiêu những điều mà chú thím tôi tranh luận, chỉ lơ mơ thấy người lớn thật là khó hiểu.

 

Tôi không rõ công việc của chú cụ thể là gì, chỉ biết cơ quan chú thuộc ngành văn hoá. Trước đây, mỗi lần về quê, chú hay đem về biếu nội và ba tôi khi là tờ báo có bài của chú, khi là quyển thơ hay truyện có nhiều tác giả trong đó có Lê Tư –tức là tên chú. Có lần chú còn được đăng cả hình trên báo nữa.Trong hình, một khuôn mặt phì phị, bè bè, trông giống một ông nông dân, chẳng thấy có nét thông minh sắc sảo nào của văn nhân thứ thiệt. Lạ thế. Có lần, tôi đem nhận xét này ra trêu chú. Chú cười và cốc vào đầu tôi một cái đau điếng : “Cháu đã nhìn thấy người tài nào mà tạo hoá cho cái mặt đẹp đẽ chưa hả?”.Tôi cãi: “Như thím Thu cũng giỏi đó”. Chú lè lưỡi nháy mắt về phía thím đang cắm cúi nhặt rau như ngầm bảo: ăn thua gì. Quả thật, gia đình tôi coi chú là niềm hãnh diện lớn. Thì cứ thử hỏi, cả ấp, không, cả xã tôi làm gì có ai viết được bài nào đăng trên báo, huống chi lại có cả thơ, cả truyện nữa. Mấy đứa bạn tôi, nhất là những đứa giỏi văn một chút lâu lâu vẫn hỏi : chú mày có sáng tác mới nào không? Tôi được dịp làm ra vẻ hiểu biết: chúng mày làm như cuốc đất hay phát rẫy không bằng. Việc sáng tạo nhiều khi một bài phải thai nghén cả năm trời. Bạn bè nghe chừng cũng phục tôi lắm. Chuyện, tôi là cháu ruột của người có tên tuổi mà.

 

Năm tôi lên lớp 9, tôi còn nhớ có lần trong bữa ăn ba tôi phàn nàn với ông nội:  “Thằng Tư lại thất bại nữa rồi.” Tôi tò mò hỏi: chú Tư làm gì mà thất bại hở ba? “Chuyện người lớn, con nít biết làm gì”. Ba tôi nạt. Tôi vẫn chưa thôi thắc mắc nên đem câu đó hỏi má. Má tôi không đến nỗi khó chịu như ba nhưng bà chỉ nói ngắn gọn: chuyện rẫy nương ấy mà. Chú Tư tôi viết báo, làm thơ. Chú tôi lại ở thành phố. Mắc mớ gì lại có nương rẫy dính vào đây nhỉ. Tôi cứ lăn tăn hoài chuyện không hỏi người lớn được. Nhưng dù sao thì cũng chẳng quan trọng gì đối với một đứa trẻ con như tôi nên chuyện cũng nhanh chóng qua đi. Đến bây giờ, lên ở với chú thím, tôi mới được nghe kể trọn vẹn. Là thím kể chứ chẳng phải chú Tư tôi. Hẳn do thím đang buồn chán khi tối nay chú lại đi nhậu với bạn khi gia đình bất hoà. Hẳn thím đang cần người nhà để tâm sự chuyện nhà, mà người nhà thì giờ ở đây có ai ngoài tôi ra. Con Hằng và em nó thì còn quá nhỏ để cảm thông và chia sẻ.

*

Cách đây hơn chục năm, nghĩa là hồi đó con Hằng còn nhỏ xíu, ông giám đốc cơ quan chú tôi công tác quen thân với giám đốc lâm trường cách thành phố hơn trăm cây số. Nhân một lần đi họp chung, ông giám đốc lâm trường hào phóng bảo: “Cơ quan anh có ai thích làm rẫy lên tôi cắt cho mấy hecta mà làm. Bởi là lâm trường đang có chủ trương phá rừng tạp để trồng mới cây gỗ quý. Có thể trồng xen cây công nghiệp hay nông sản cũng được vì cây gỗ quý thì phát triển rất chậm. Khi cây còn bé thì thưa thớt, không trồng xen cũng uổng đất.

 

Cả cơ quan chú tôi đánh xe lên rừng, coi như làm một chuyến du ngoạn. Lúc đó đang vào mùa khô, nắng chói cả mắt, cát thì trắng ngợp, cỏ dại khô héo, đường sá lại xa lăng lắc nên mọi người ngán ngẩm lắc đầu. Chỉ có chú tôi là hăng hái. Không biết có phải vì gốc gác nông dân không mà thấy đất mênh mông là ham rồi. Dạo đó chú có bàn với nội và ba tôi. Hình như nội có khuyên chú nên cân nhắc nhưng chú đã hào hứng thuyết phục được nội. Nhưng ba tôi không thể bỏ vườn tược và mấy công ruộng được. Cô Ba thì vướng cái ngân hàng. Rốt cuộc, chú tôi đành độc lập tác chiến. Chú bắt đầu thuê người làm một cái chòi coi rẫy đủ rộng và tổ chức sản xuất. Rồi sau mấy tháng trời thì 3 hecta đất cũng được thuê cày xới và trồng cây. Ngoài cây lim của lâm trường thì cây điều là mục đích chủ yếu của cái rẫy. Nhưng kích thước cây điều cũng thưa lắm nên vẫn phải trồng cây nông sản ngắn ngày để đỡ cỏ mọc và lấy ngắn nuôi dài. Lúc đó là vào tháng 8, đúng vụ trồng đậu xanh, thím tôi xin nghỉ phép cùng nhân công thuê mướn cuốc đất trồng đậu. Vụ đầu tiên, đất mới, mùn còn nhiều, đậu xanh tốt um tùm. Chẳng mấy chốc đã đến vụ thu hoạch. Thím tôi nhớ lại, đậu chở về phơi xanh cả một sân hội trường cơ quan. Chà, so với thu hoạch trồng xen ở trong vườn chỉ đủ đựng trong chai, trong hũ thì chục bao tải đậu bước đầu coi thật phấn khởi. Tuy nhiên, là thắng lợi đầu tiên, biếu người quen mỗi nhà một ít ăn lấy thảo. (Hình như thím có gửi về quê mấy ký cho má tôi và cô Ba nữa). Rồi lại trả công cày, khai phá nên tiền bán đậu chẳng còn bao nhiêu. Chủ yếu là thắng lợi tinh thần thôi.

 

Thừa thắng xốc tới, vụ tiếp rẫy được trồng khoai mì là cây ít phải chăm sóc mà thu hoạch nghe nói cũng khá. Chú tôi làm một con tính: mỗi gốc chỉ cần 2 củ, mỗi củ nửa ký nhân với ba chục ngàn gốc. Chà, một con số khổng lồ. Nhưng lần này thì chú tôi tính sai. Cũng chẳng phải sai mà chú chỉ tính phần thu chứ quên tính phần chi. Giá lúc đó rẻ quá. Chỉ cần qua vài ngày thu hoạch, chú tôi đã thấy tiền bán sản phẩm chỉ đủ trả công cho người dỡ củ. Thế là bao nhiêu công sức bỏ ra mà đành tháo khoán cho người ta tự do thu hoạch. Thôi thì cũng như là làm từ thiện vậy. Chú tôi tự nhủ và chuẩn bị “bày keo khác”.

 

Lần này chú tôi học các rẫy xung quanh trồng dưa hấu bán tết. Chú lại tính mỗi dây chỉ cần 1 quả, mỗi quả chỉ cần 3 ký, mỗi hécta một ngàn dây nhân lên… giống như khi tính khoai mì vậy. Kỹ thuật thì đã học hỏi rất kỹ từ mấy chuyên gia làm vườn để đảm bảo ra quân là chắc thắng. Dưa hấu đòi hỏi nhiều vốn : phải mua phân chuồng, phải có đạm lân kali, phải đào dăm cái giếng, mua chục đôi thùng tưới… Ruộng dưa xanh tốt um tùm và sai quả quá xá là niềm hy vọng lớn để gỡ gạc sau vụ thất bát khoai mì vừa rồi. Tuy nhiên, đến rằm tháng chạp thì những người làm công bắt đầu nghi ngờ phải sang tham quan rẫy bạn để so sánh đối chiếu. Phân nhiều tưới lắmmà sao quả dưa cứ sắt lại, chả lớn nhanh như dưa người ta. Thôi, đích thị là nhầm rồi! Vì thiếu kinh nghiệm nên khi mua giống chú tôi đã lấy nhầm phải dưa hạt. Hai tám tết, thím tôi buồn thắt ruột khi chú tôi áp tải xe dưa trở về không phải dưa quả mà là mấy bao tải hạt dưa. Bắt tội thím tôi chẳng còn lo dọn dẹp nhà cửa đón tết nữa mà đi mua bịch nylon, nhóm lửa, rang gấp cái lũ hạt dưa chết tiệt chưa kịp khô đó đi phân phát cho hết thảy người quen và cả khu tập thể xài hộ. Sao không đem bán à. Bán cho ai khi muộn màng quá như vầy. Lúc đó, ngoài chợ hạt dưa đã khô giòn, màu mè đẹp đẽ  trong các lọ thuỷ tinh rồi, đã chu tất rồi, chỉ chờ người mua nữa thôi. Lại sao không thu hoạch sớm đi à. Thì tưởng dưa quả, tưới tắm nhiều nên nó chín muộn đi. Đáng dưa hạt người ta tưới ít đoạn cuối và thu từ nửa tháng chạp lận.

   

Sau vụ này, chú tôi cũng bớt hăng hái đi, nhưng vẫn tự an ủi: Làm ăn phải chấp nhận năm ăn năm thua. Thôi thì vẫn còn cây điều. Đó mới là cây chủ yếu thu hoạch lâu dài. Nhờ trồng dưa, phân tưới nhiều nên điều xanh tốt sum suê, hứa hẹn lắm. Chú tôi lại bắt đầu tính giống như mọi thứ cây trước : mỗi gốc chỉ cần 5 ký. Ngàn gốc là năm ngàn ký. Một con số không nhỏ tý nào. Mỗi năm lại mỗi thu hoạch, còn thu dài dài. Chú tôi định nghỉ luôn không trồng cây gì nữa nhưng rồi cũng thấy uổng vì vẫn phải trả công người coi rẫy. À phải rồi, cứ toàn nghĩ trồng trọt, sao không nghĩ nuôi con gì, như con gà chẳng hạn. Đất rộng mênh mông, tha hồ mà đào giun bới dế, chẳng cần cho ăn nhiều cũng được, lại xa dân cư nên sẽ an toàn dịch bệnh. Ngay hôm sau, một đàn gà mua làm giống đã được thả vào rẫy. Được thua chưa biết nhưng có đàn gà, cái rẫy như có thêm sinh khí. Buổi sáng có tiếng gáy rộn ràng gọi bình minh, buổi chiều có tiếng lục tục gà mẹ gọi con về xua bớt đi vẻ hoang vu rừng rú. Chẳng cần chuồng, chỉ cần làm cái lán đơn sơ để đêm chúng có chỗ đậu ngủ là được rồi. Đàn gà phát triển nhanh chóng. Phải mua thêm mấy bao thóc cho chúng ăn thêm chứ giun dế không đủ nữa. Chẳng bao lâu đã lên tới con số hàng trăm. Chú tôi mới chỉ dám bắt vài con làm thịt chứ chưa bán, để phát triển thêm đã. Từ thành phố, chủ nhật nào chú cũng bươn bả lên rẫy bằng xe máy xuất phát từ lúc còn chưa tỏ mặt người và về đến nhà vào lúc mọi người bắt đầu đi ngủ. Tết năm đó, thím gửi túi quà đủ thứ lên cho người coi rẫy. Chẳng dè đêm đó mấy người chiên phồng tôm, tàn lửa hắt vào vách. Gió lớn, đám cháy không tài nào dập nổi vì nước giếng múc chẳng kịp. Kết quả tệ hại là đàn gà hàng trăm con bay tán loạn vào rừng hết. Thì rừng ở gần xẹt mà. Mồng hai tết, mấy người coi rẫy bộ dạng thất thểu trở về…

   

Thím tôi chán nản, bàn với chú: thôi, chờ đợi cây điều thôi. Không làm ba cái lẻ tẻ sản xuất nhỏ nữa. Chú tôi cũng đồng ý. Cơ bản là giờ cũng chẳng còn vốn liếng đâu mà làm tiếp. Nợ nần còn đầy ra.

   

Rồi điều cũng ra trái. Mùa đầu rải rác, mùa sau nhiều hơn. Nhưng lại có một điều chú tôi đã không trù liệu được. Điều không giống nhãn hay cam quýt chỉ thu hái một lần. Điều ra hoa làm trái rải rác từ tháng 11 sang đến tháng 2 năm sau. Nghĩa là rất tốn công thu hoạch và bảo vệ. Rẫy thì chẳng có hàng rào nên trẻ chăn bò hái thoải mái, chẳng làm sao mà đuổi hết vì quá rộng. Sao không làm hàng rào hả. Tính rồi, nếu bằng dây thép gai sơ sơ cũng hết vài chục triệu đồng. Một số tiền quá lớn lúc đó và so với kết quả nếu thu hái được phải không? Trái thì rải rác, giá thì không được như khi trồng, tiền bán chỉ đủ trả công người thu hái, lại không xua được kẻ trộm nữa thì thua rồi, thua đậm rồi, đi toi cả vốn liếng lẫn công sức bỏ ra rồi. Hoá ra công thức tính sản lượng thành tiền của chú chỉ là đếm cua trong lỗ. Sau vài năm bỏ bẵng,  chú tôi đành bán cây cho một lò nung gạch đang cần củi. Một ngàn cây điều chỉ được 3 triệu đồng. Một con số quá nhỏ nhoi khiêm tốn cho một quá trình sản xuất lớn kéo dài cả chục năm. Chú đành trả lại đất đai cho lâm trường sau đó.

- Vậy mà bây giờ chú mày còn định bày đặt mở công ty kinh doanh. Thím tôi kết luận. Thím chỉ mong chú đừng cựa quậy gì nữa. Chuyện rẫy nương đã tiêu hao biết bao thời gian và sinh lực của chú và thím rồi, đã kéo cả gia đình vào cảnh bần cùng hoá rồi, mặc dù thu nhập giáo viên dạy toán của thím không đến nỗi nào. Trời đất cũng công bằng lắm. Cho cái này thì sẽ lấy đi cái khác. Cái gì cũng được cả thì còn đâu phần thiên hạ nữa. Thôi thì chú mày cứ đọc, cứ viết, cứ chơi, cứ thoải mái tụ bạ bạn bè đi. Mắc cái gì mà lại cứ muốn ôm rơm cho nặng bụng, ôm dằm vào thân cho ngứa ngáy là sao?

   

Tôi chẳng biết nói sao để an ủi thím, thím Thu đẹp đẽ, dịu dàng lịch lãm của tôi. Thím đã cho tôi thấy có bao nhiêu đức tính đáng quý mà tôi sẽ phải học tập dài dài trong cuộc sống sau này. Vậy mà giờ đây, thím cũng lúng túng không tìm được  cách giải quyết ổn thoả.

*

Tôi xin phép về quê thăm nhà vì tôi ra đi cũng đã hơn vài tháng rồi.  Tôi nhớ má, nhớ nội và thằng Tèo, nhớ ngôi nhà quen thuộc của mình. Dẫu sao thì đây cũng là lần đầu tiên tôi xa nhà lâu đến thế.

   

Tôi không nói những chuyện này với ba má, sợ bị mắng là nhiều chuyện, không lo học mà cứ để ý chuyện người lớn. Tuy nhiên rồi tôi cũng không giấu được nội. Tôi kể những gì chú tôi đang định làm và thím không đồng ý. Nội im lặng nghe rồi trầm ngâm, không vui nhưng cũng không hẳn là buồn. Những nếp nhăn trên trán ông hình như  hằn sâu hơn trước. Mãi sau ông mới lẩm bẩm:

- Con người ta luôn muốn chứng tỏ mình. Điều đó là tốt. Tuy vậy, có lúc người ta không tự biết mình, không tự yên ổn với những gì mình có, ảo tưởng, viển vông nghĩ là điều gì mình cũng làm được hoặc khác đi sẽ hay hơn.

- Ủa ! Nội đang nói gì? Nội nói chú Tư hay đang ám chỉ tôi vậy cà? Ừ, chỉ còn mấy tháng nữa tôi sẽ bước vào lần thi thứ 2. Lần này liệu tôi có đậu không hay lại phải đi trung cấp cho vừa sức mình hơn như nội tôi đã từng khuyên?  ‘

Hội An
Số lần đọc: 2315
Ngày đăng: 20.03.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chuông chùa Bạch Vân - Trần Đức Tiến
Rượu của thời chưa sinh - Đào Bá Đoàn
Chuyện đời khó đoán ! - Phan Tấn Lược
Gió bên hè - Trần Lệ Thường
Xứ ra ghe - Hà văn Thùy
Con Gián - Đào Bá Đoàn
Út Hường - Hồ Tĩnh Tâm
Trong im lặng - Bích Ngân
Ba đoạn đời - Nguyễn Thị Diệp Mai
Đồng dao - Phạm Ngọc Cảnh Nam
Cùng một tác giả
Hoa xương rồng (truyện ngắn)
Chiếc dù nhiều màu (truyện ngắn)
Nhân điện (truyện ngắn)
Chị và em (truyện ngắn)
Cơn bão xa đã tan (truyện ngắn)
Giấc mơ hạnh phúc (truyện ngắn)
Lòng tốt (tạp văn)
Dòng đời vẩn trôi (truyện ngắn)
Ghen (truyện ngắn)
Mưa đêm (truyện ngắn)