Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
796
116.640.445
 
Vẫn khó bề thanh thản
Hội An

Đêm qua anh lại khó ngủ. Trong mơ màng anh thấy một toán đạo tỳ xăng xái bê anh đặt vào cái áo quan màu cánh gián có nhiều đường viền nhũ lấp lánh rất đẹp. Tiếng kèn đám ma ò e chói tai. Vợ con anh đâu rồi nhỉ? Quá chừng người mà anh không thấy Hoàn và hai đứa nhỏ đâu hết. Anh chết ở nhà chứ đâu phải trong chiến trường mà tịnh không thấy một người ruột thịt nào. Chả lẽ họ đành đoạn bỏ anh mà đi cả hay sao? Hay tại vì anh đã giấu diếm họ nên họ giận? Dù sao nghĩa tử là nghĩa tận. Anh đáng bị họ ghét bỏ đến thế sao? Anh hoang mang quá.

 

   Nhưng thôi, dẫu sao cũng đến số rồi. Đã hết âu lo, hết phải tính toán, hết dằn vặt, chờ đợi, chấm dứt chuỗi ngày cuộc sống lúc nào cũng căng thẳng như sợi dây đàn không biết đứt lúc nào. Chỉ tội là Hoàn còn trẻ quá, con anh còn nhỏ quá. Nhưng so với thằng Lộc, thằng Huy chết ở chiến trường Tây Nam thì anh hơn hẳn chúng nó rồi. Anh có vợ, được hưởng ân sủng cao nhất của tạo hoá ban cho là hạnh phúc vợ chồng con cái trong cả mười mấy năm trời. Vậy là tốt rồi, mình phải tự bằng lòng thôi. Ơ hay, sao đã khá lâu rồi mà mình vẫn còn nghĩ được nhỉ? Đáng lẽ chết là hết. Như ngôi sao vụt tắt, như ngọn đèn trước gió, như bóng tối bao phủ những đêm mất điện. Hay mình biến thành linh hồn rồi. Hồi xưa chả bao giờ anh tin vào chuyện có linh hồn. Vớ vẩn! Chỉ để an ủi người ta thôi, để người ta thấy cái chết không đáng sợ lắm, chứ xác thân nát hết linh hồn trú vào đâu. Nói rằng linh hồn lên trời. Ôi dào! Người ta phóng cả tàu lên vũ trụ mà nào thấy có thế giới nào trên đó. Anh nghiệm ra, có một thời kỳ nào đó của tuổi thơ, ta rất sợ chết(Mặc dù biết là tận đến …già mới chết). Cứ nghĩ khi mình hết rồi, không biết một chút gì nữa của thế giới đang tồn tại thì tiếc quá. Xã hội đang biến đổi từng ngày. Văn minh nhân loại đang thay đổi từng ngày. Chỉ mình bị bỏ lại, bị đứng ngoài rìa. Chao ơi, tiếc quá ! Thế là khóc, khóc cả trong mơ. Tỉnh dậy nước mắt vẫn còn ướt trên mi…

 

   Rồi mới năm ngoái đây, thằng con lớn của anh cũng vậy. Nhưng không như anh hồi xưa là không dám thổ lộ cùng người lớn, con anh buồn bã sợ sệt kể cho ba nghe. Anh bật cười thấy nó giống mình hồi trước. Và anh an ủi con. Và anh buộc phải nói với con(mà lạ là sau này anh lại tin vào điều mình nói). Chả đáng sợ như thế con ạ. Khi chết rồi người ta đỡ khổ vì không phải lo ăn lo mặc, kiếm sống, đối chọi với đủ thứ tai ương, giành giật nhau vì danh vì lợi. Lúc đó người ta thành linh hồn, suốt ngày ca hát, xem phim, ngắm tranh, nghe nhạc … Thế giới linh hồn cho người ta bất diệt và sung sướng. Tất nhiên là phải sống đến già mới thành linh hồn được. Anh phải nói thêm câu đó ngộ nhỡ con anh lại thích thành linh hồn ngay thì sao. Thằng con anh hết khóc, hết sợ, nhưng lại hỏi: Thế lúc đó cả nhà ta, ba và mẹ, con và em Ty có được ở quây quần cùng nhau như vầy không? Anh vỗ về con: Được chứ ! Lúc đó ai muốn ở đâu mà chẳng được.

 

  Thế mà giờ đây anh phải xa lìa hai đứa rồi, xa lìa Hoàn rồi. Điều đáng sợ đã đến rồi đây. Anh đau đớn tỉnh dậy, người toát mồ hôi đầm đìa, rồi cứ vậy, thao thức chờ trời sáng. Anh nhớ lại giấc mơ hãi hùng và cố nhớ xem mấy người đạo tỳ mặc áo màu gì. Hình như không phải là màu đen viền trắng truyền thống của nghề họ. Sở dĩ cái màu áo trở thành quan trọng bơỉ cách đây mấy ngày, vì mệt mỏi, cảm thấy khó ở và bứt rứt quá, anh đã lên chùa Hải Vân lễ phật và kể hết với sư thầy. Ông sư già thương cảm cho anh hay bao giờ trời định gọi về thì giấc mơ báo mộng kẻ đưa mình đi sẽ mặc áo đen. Ừ nhỉ, sao lúc đó anh không nhớ ra điều này để chú ý kỹ càng hơn …

                                                      *

  Anh nhập ngũ tháng 2 năm 75. Vừa qua khoá huấn luyện, chưa kịp vào chiến trường thì cả nước đã reo hò ăn mừng chiến thắng. Tuy nhiên, đơn vị anh hoan hỉ chưa được bao lâu thì đã nhận được lệnh đóng chốt ở biên giới Tây Nam để chiến đấu với giặc Pôn Pốt. Trong 8 năm quân ngũ thì hết 4 năm anh có mặt ở đơn vị tình nguyện giúp bạn tiễu trừ bọn diệt chủng. Anh từng qua bao tình thế hiểm nghèo thiếu thốn ở rừng Cămpuchia, từng chứng kiến bao hy sinh mất mát của đồng đội. Cứ tưởng như súng đạn trừ anh ra. Qua những trận càn dữ dội, lúc điểm danh thiếu bao đồng chí mình, anh vừa xót xa cho bạn, vừa thấy mình may mắn một cách vô lý. Đầu tháng 5 năm 83 đơn vị anh lên xe vẫy chào từ biệt dân bạn ở các phum sóc ra tiễn. Mừng nhưng người nào cũng rơi lệ tiếc thương trong suốt quãng đường về. Họ may mắn sống sót trong khi biết bao nấm mồ đồng đội còn bỏ lại trên đất bạn. Không kể những người chết vì trúng đạn, kẻ chết vì vấp mìn, vì sốt rét, vì thú dữ và bao cái chết thương tâm khác. Để đổi lấy chiến thắng, tất nhiên phải chấp nhận hy sinh, nhưng cái chết của những người lính quá măng tơ trẻ trung như thằng Lộc, thằng Huy ám ảnh anh mãi.

 

   Ra quân, anh đi xin việc và may mắn là ông anh họ đã xin cho anh một chân bảo vệ ở một công ty du lịch của thành phố xa quê hương này. Vì khoẻ khoắn, xốc vác nên công việc quá nhàn hạ mà thu nhập thấp đó đã khiến anh ngứa ngáy chân tay. Anh lân la học việc và tự nguyện bổ sung vào đội quân xây dựng đang khá sẵn việc ở cái thành phố đang cố gắng lột xác này. Công việc của một người thợ tự do vất vả nặng nhọc và thu nhập không ổn định. Tuy nhiên anh cứ tự so sánh với Lộc và Huy, với những đồng đội kém may mắn hơn mình  để yên tâm với những gì mình đang có.

 

  Rồi anh yêu và được yêu. Cứ nghĩ chẳng dễ gì Hoàn –cô gái mảnh dẻ, trắng trẻo, là cháu họ và là kế toán của ông thầu xây dựng ấy yêu lại. Vậy mà cứ như lộc trời ban tặng cho anh vậy. Hoàn tìm thấy nơi anh sự vững chãi, xốc vác của một người lính, sức chịu đựng của một người từng trải và bản chất mộc mạc, thật thà đáng tin của người dân vùng đồi Phú thọ quê anh. Nhờ sự giúp đỡ của ông chú họ xa là chủ thầu xây dựng và ông anh họ của anh, họ nhanh chóng làm đám cưới tuy rằng tổ ấm của đôi uyên ương chỉ là một phòng trọ. Anh bằng lòng với hạnh phúc của mình, với may mắn mà mình có được và nghĩ mình còn khoẻ, tương lai còn dài ở phía trước.

 

   Rồi trời cũng thương vợ chồng anh. Đứa con trai đầu lòng trắng trẻo bụ bẫm ra đời. Sau 5 năm thì anh có tiếp đứa con gái, cũng xinh xắn, nhiều nét giống mẹ. Ông chú họ đã xin được chân làm hành chính ở một xí nghiệp cho cô cháu gái để khỏi phải lang thang ở công trường khi phải bận bịu nhiều hơn cho hai đứa con. Rồi nhờ tần tảo, tiết kiệm, lại có sự giúp đỡ của ông anh họ và ông chú họ, họ đã mua được một thẻo đất nhỏ hồi đó còn rẻ. Một năm sau, một căn nhà nhỏ xinh thay thế cho phòng trọ mặc dù anh nợ đến gần nửa số tiền. Rồi từ từ anh sẽ trả hết thôi. Anh tự nhủ như vậy, chỉ cầu trời cho anh khoẻ mạnh. Vợ anh hơi yếu ớt, không được xông xáo đảm đang như nhiều người nhưng bù lại, cô lại hiền dịu , ngoan ngoãn và yêu chồng. Năm nay, con trai anh  đang học lớp 10, em gái nó lớp 5. Anh không mong gì hơn cái tổ ấm mà anh đã tạo dựng được.

 

   Nhưng nghề thợ xây mà anh đã gắn bó bao năm bỗng chốc muốn rời bỏ anh sau một tai nạn.Tưởng súng đạn ở chiến trường chê mà yên ổn à. Một viên gạch vô phúc nào đó ở tầng trên đã rơi trúng vào đầu gối trong lúc anh đang cắm cúi làm việc. Sau một tháng trời bó bột, lại sau một thời gian tập luyện, chân phải anh vẫn chẳng trở lại trạng thái cũ. Việc đi lại khó khăn làm anh hiểu ra là anh khó lòng còn tiếp tục được công việc vất vả đòi hỏi sự vững chãi của cơ thể. Bây giờ làm gì đây để có thu nhập được như trước ? Qua một thời gian, thần may mắn dường như lại mỉm cười với anh. Thẻo đất khi anh mua giá khá rẻ vì không vuông vắn gì, giờ tự nhiên cái phần lồi ra xiên xẹo bên hông nhà gợi ý cho anh mở một quán cắt tóc bình dân. Nghề cắt tóc anh học được từ hồi còn ở bộ đội, lại chẳng tốn bao nhiêu vốn liếng. Dựng cái quán vài ba mét vuông đối với anh là chuyện quá đơn giản kể cả khi anh đã thành người tàn tật. Ngay hôm sau, anh nhờ vợ mua sắm cho anh những đồ nghề cần thiết: cái gương lớn, tấm khăn choàng, dao kéo, bàn cạo …Đầu tiên là mấy đứa trẻ con, sau đó là các ông già, tiếp nữa thêm mấy ông trung niên không đòi hỏi cầu kỳ cũng đến quán anh. Chỉ trừ lũ choai choai ưa học đòi mô đen màu mè các ngôi sao sân khấu và mấy ông rửng mỡ muốn hai trong một, cắt tóc là phụ, “mát mẻ” mới là chính nên không để mắt tới . Anh làm chậm nhưng cẩn thận, giá lại rẻ. Chỉ tiếc là quán hơi sơ sài, lại trong hẻm nhỏ nên anh cũng chỉ đủ việc làm lai rai. Dù vậy, anh ngẫm ra thu nhập còn hơn cả lúc làm thợ xây vất vả. Cứ đà này, hy vọng chỉ ít lâu nữa anh sẽ trả hết nợ làm nhà. Hiện tại anh còn nợ ông chú họ mấy chỉ vàng. Nếu ông còn “phong độ” như trước thì chẳng đáng lo, nhưng ông cũng đã già, lại vướng phải một sự cố kỹ thuật phải đền bù một mớ khá lớn, từ đó không ký thêm được hợp đồng nào, đành nghỉ hưu bất đắc dĩ .

 

  Một buổi sáng ngủ dậy, tự dưng bụng anh lâm râm đau. Vẫn nghĩ rồi sẽ qua nhưng khi vợ đi làm rồi, con đi học rồi thì cơn đau mạnh dần lên. Anh đành ra đóng cửa quán. Có lẽ là không ổn, có lẽ anh phải đi bệnh viện khám vì tức bụng quá. Vào viện một mình bằng xích lô, khi khám xong, siêu âm xong tự nhiên cơn đau dịu đi. Chưa kịp mừng thì khi nhận kết quả, anh rụng rời hết chân tay. Bác sĩ ghi cho anh cái giấy giới thiệu lên bệnh viện u bướu để khám lại. Anh lật đi lật lại tờ giấy mỏng manh chỉ có mấy chữ mà bàng hoàng. Có thể như  thế được sao? Trừ cái chân tai nạn ra, lâu nay cơ thể anh không biểu hiện bất cứ yếu đau gì. Anh thẫn thờ ngồi mãi ở băng ghế chờ của bệnh viện …

 

   Trưa đó về, không hiểu nghĩ sao anh đem mớ giấy tờ kinh hãi đó nhét sâu vào cái ba lô cũ đựng những kỷ vật hồi bộ đội. Anh tưởng mình đã hết cả sức lực. Anh sợ mình không chịu nổi sự thực phũ phàng kia mà không được chia sẻ. Vậy mà khi 2 mẹ con về, nhìn vẻ mong manh dịu dàng của Hoàn, nhìn giọt mồ hôi lấm tấm trên vầng trán trắng mịn, ánh mắt trong trẻo của cô ấy, anh lại cố giữ vẻ bình thản.

 - Sáng nay có nhiều khách không anh ?

   -Không, hôm nay ít khách em à.

  Con Ty ôm lấy cổ anh nhõng nhẽo:

   -Ba hứa dạy con cắt dán con trâu bằng giấy màu rồi đấy nhé! Con đăng ký thi khéo tay hay làm ở chi đội rồi đấy ba ạ.

  -Ừ để mai chủ nhật rồi ba dạy con.

  Một lúc thì thằng Thắng cũng về tới:

  -Ba đặt cơm chưa? Con đói quá à.À ba ơi, Cái bảng công tắc điện của tổ con làm vụng quá, thầy kỹ thuật chê hoài, may mà chưa chấm điểm.Ba chỉ con làm lại nghen ba.

  -Ừ, lúc nào con rỗi, ba chỉ. Giờ để ba phụ mẹ làm cơm.

  Rồi cả nhà ríu rít vào bữa cơm vội vàng, đạm bạc chỉ vài món thức ăn nhưng vẫn ấm cúng và vui vẻ.

  Anh cố nuốt trôi miếng cơm cuối cùng trong miệng. Vợ anh ân cần :

  -Anh mệt hay sao mà ăn ít thế ?

  Anh chống chế :- Không, anh ăn đủ rồi, em và các con cứ ăn đi.

 

  Anh tiếc cho cảnh sum vầy đầm ấm của cả nhà. Anh không muốn gieo nỗi buồn cho 2 đứa con ngây thơ đáng yêu của mình, không muốn vợ nặng thêm một gánh lo toan mà chẳng biết làm thế nào.

 

  Đêm, anh vuốt ve mái tóc mềm của vợ đã chìm sâu trong giấc ngủ mà rơi nước mắt. Ngoài sân có tiếng con tắc kè nào gióng giả. Tiếng gió thở dài lào thào, não nuột trên mấy tàu dừa cảnh. Người ta nói trình độ chẩn đoán của bệnh viện tỉnh chỉ có hạn thôi. Hay là sai? Có thể là không phải. Ừ, mai anh phải lên bệnh viện lớn xem sao. May ra …

 

  Sáng ra, anh nói với vợ : - Hôm nay anh nhận được điện thoại nhắn họp đồng đội cũ của Trung đoàn ở trên thành phố. Anh mong gặp mấy thằng bạn quá !

 Vợ anh thật thà, vồn vã : -Vậy anh cứ đi đi, có cần em chở ra bến xe không ?

 Anh thấy nhói lòng : - Thôi em cứ đi làm kẻo muộn, anh đi xích lô cũng được.

                                                  *

  Ra khỏi cổng bệnh viện u bướu, anh chóng mặt muốn xỉu, phải ngồi lại trên một chiếc ghế đá đặt dưới gốc cây xà cừ. Kết quả siêu âm, chụp x quang, xét nghiệm máu và kết luận của phòng khám nặng trĩu chiếc túi nơi tay anh. Vậy là không nghi ngờ gì nữa. Anh bị u không chỉ một mà là ba thuỳ gan với kích thước đã khá lớn, cái lớn nhất là 12 cm-lớn hơn cả cái trứng ngỗng. Anh đã hỏi bác sĩ : -Nếu tôi đồng ý mổ thì liệu có được bao nhiêu phần trăm hy vọng ?

 

  Ông bác sĩ già thương cảm nhìn nét mặt bi quan của anh an ủi :

 -Với kích thước lớn như của anh thì khó khỏi hơn nhưng cũng có người đã kéo dài được sự sống khá lâu. Anh nên cân nhắc để quyết định ngay. Mổ càng trễ càng bất lợi.

  Anh hiểu những người thầy thuốc. Họ khó lòng nói tới một kết cục bi đát cho bệnh nhân. Nói như vậy là bất nhã. Có gì quý giá hơn sự sống? Bản năng sống, bản năng sinh tồn là điều có ở muôn loài. Ở loài thực vật là khả năng vươn rễ ra nơi có nhiều thức ăn, vươn lá ra nơi có nhiều ánh sáng. Ở động vật là tính nhanh nhẹn khi săn mồi, là khả năng chạy trốn khi bị săn đuổi. Ở con người, điều này càng rõ rệt hơn. Hồi nằm dài chờ lệnh ở biên giới, anh vớ được cuốn Zăc-Lơnđơn. Anh đã đọc say mê câu chuyện kể về tình yêu cuộc sống. Khi lâm nguy, con người có thể huy động mọi khả năng và tất cả sức mạnh để chiến đấu giành giật lấy sự sống. Còn anh bây giờ ? Anh hiểu là tính mạng của mình đang bị đe doạ. Anh phải chiến đấu bằng cách nào? Sau khi ở phòng khám xong, anh đi thăm thú khắp nơi trong bệnh viện, hỏi chuyện rất nhiều thân nhân đang thăm nuôi người thân ở đây. Anh thấy hoang mang, chưa biết nên quyết định thế nào. Nếu quyết định mổ, anh phải tốn đến mấy chục triệu bởi anh là lao động tự do, không có bảo hiểm. Nợ nhà anh trả còn chưa xong. Gia đình và người thân anh không ai giàu có. Trong nhà anh không có vật gì đáng giá. Chỉ có thể bán nhà, ngôi nhà tổ ấm của gia đình anh. Bán nhà ! Sống có nhà, chết có mồ. Người mình cái nhà che nắng che mưa là quan trọng lắm. Làm nhà, lấy vợ, tậu trâu. Ba việc lớn trong đời của người đàn ông hình như đều được bàn giao cẩn thận giữa các thế hệ. Bây giờ việc tậu trâu được thay bằng tậu xe. Tuỳ sang hèn mà có xe máy hay xe hơi các cỡ. Ngay vợ chồng anh dù đang nợ nần cũng phải cố lấy cái 81 tàng tàng giá chỉ mấy triệu để có phương tiện đi lại. Nhưng nhà đất vẫn là quan trọng nhất, khi nói tình trạng nghèo khổ, mạt rệp, người ta thường nói không tấc đất cắm dùi đó sao. Và giá nhà đất thì cứ lên ào ào, tháng sau khác tháng trước, mấy năm sau đã có thể gấp đôi, gấp ba. Nếu bán đi thật khó lòng có thể mua lại.

 

  Nhìn cảnh nhếch nhác của những người thăm nuôi, anh không khỏi chạnh lòng . Có những người phải kéo dài hàng tháng. Mà tình trạng phần lớn là không mấy khả quan. Chỉ kéo dài sự sống chứ khó lòng khỏi hẳn. Nếu Hoàn đi thăm nuôi anh thì con cái ai lo. Lại nữa, nếu rồi ra, khỏi bệnh, lại có cuộc sống bình thường, lại cố gắng làm lụng để trả nợ thì đành ráng. Nhưng không. Chỉ sống thêm được trong ít lâu. Mà sống trong tình trạng phải thuốc thang. Sau mổ là hoá trị, xạ trị, rồi tái khám đều đều, tốn kém đều đều mà chả làm lụng gì được. Một đơn vị sống của anh(tính bằng năm hay chỉ là tháng, là ngày?) phải hy sinh bao nhu cầu phát triển của con cái. Không. Anh không thể tước đoạt quyền sống bình thường của 2 đứa con và người vợ yêu quý của mình được. Dứt khoát anh sẽ không nhập viện. Phải giấu diếm Hoàn thôi. Bởi anh biết trong lần tai nạn năm rồi, Hoàn đã lo lắng cho anh biết ngần nào.

 

  Bắt đầu từ đó là một chuỗi ngày anh vừa đau đớn vừa thích thú nhấm nháp mức độ hoàn hảo của vai kịch cuộc đời mà anh bất đắc dĩ trở thành diễn viên. Tỷ dụ có lần Hoàn thắc mắc : “Sao anh không ăn rau xào, xưa nay anh vẫn thích đồ xào mà.” “Ừ không hiểu sao giờ anh thích luộc hơn, đồ luộc dễ tiêu em à”.Hoàn không thể biết là cái gan anh bắt đầu kỵ chất béo. “Có lẽ anh nên đi khám xem sao chứ dạo này trông anh gầy đi, da dẻ có vẻ xạm lại.” Anh phá ra cười: “Em có bị ấm đầu không đấy, trông gà hoá cuốc rồi em ơi!”Cứ như vậy, anh cố lấn lướt, cố tỏ ra nhanh nhẹn hơn, ồn ào hơn bình thường. Dẫu thi thoảng, khi vợ con vắng nhà,anh vẫn cho phép mình từ chối một khách hàng khi tức bụng, mệt mỏi,không thể làm việc được. May mắn là công việc hiện tại của anh tương đối nhẹ nhàng, lại không chặt chẽ về thời gian, không cố định về thu nhập nên anh dễ dàng “qua mặt” được vợ.

 

  Chỉ khi không có vợ con là anh hoàn toàn được sống thật với mình. Có lúc anh thấy mình vô lý khi vướng phải ý nghĩ “Con mình nó sai, vợ mình nó xài, nhà mình nó ở” mà mấy anh  đã có gia đình hồi ở lính vẫn trêu nhau. Ngẫm ra, con người ta ích kỷ đến tận chết. Đã không được sống nữa rồi, đã thiệt phận rồi mà còn lo mất mát, thiệt thòi chuyện khác. Buồn cười thật! Tuy nhiên, những ngày này, vào ra trong nhà, khi Hoàn và con cái còn chưa biết điều hệ trọng, nhìn vẻ xinh tươi trên khuôn mặt, nồng nàn trong dáng vẻ còn trẻ trung của vợ, anh thấy lòng mình nôn nao buồn. Một nỗi buồn không biết san sẻ cùng ai. Ừ phải, có thể rồi sẽ có một thằng đàn ông nào đó thay anh trong ccn nhà nhỏ này, trong khoảng sân be bé này. Vớ vẩn ! Anh tự giễu mình. Nghĩ chi cho xa xôi. Nhưng mà lúc đó, lúc không còn anh, bầu trời có xanh da diết như vầy không? Những đám mây có nhàn tản rong chơi vô tâm vầy không? Anh nắng có vàng tươi ấm áp trên khóm trúc nhật, trên chậu hồng trước nhà mà anh vẫn chăm sóc không? Chao ơi! Sao sáng nay gió dịu dàng quá. Tàu dừa cảnh  chỉ khẽ lay lay. Thoang thoảng trong gió là mùi thơm nồng nàn của chậu hoa móng rồng ở bên hàng xóm toả ra. Mùi cà phê đậm đà ở quán nào xa xa đưa lại. Tiếng nhạc lảnh lót của chiếc xe bán kem trên con đường đầu hẻm. Tiếng ong rì rào, cần mẫn trên gốc xoài đang độ nở hoa ở sân nhà nào gần lắm. Ôi! Cuộc sống đáng yêu biết bao nhiêu. Anh ước chi những ngày này kéo dài mãi mãi. Có lẽ ngày mai anh phải đi kiếm cây răng cưa, cây hoàn ngọc nấu nước uống. Hôm trước sư thầy trên chùa đã khuyên mà anh vẫn chưa đi tìm. Nghe nói mấy cây đó cũng tốt lắm, cũng hạn chế được sự phát triển của khối u. Anh tiếc rẻ vì mình làm điều này hơi trễ. Vì việc giấu vợ, anh đã lần khân để mất quá nhiều thời gian. Từ khi khám lần đầu đến nay đã qua 3 tháng còn gì …

                                                  *                       

   Người ta tìm thấy anh trên một bờ ruộng ở ngoại ô thành phố với một bó  cây răng cưa đang buộc dở. Chiếc xe đạp tàng dựng cách đó một quãng. Khi lên cơn đau quá, anh ngất đi. Xung quanh anh lúc đó là một màu vàng xuộm của nắng chiều sắp tắt. Những mảnh ruộng hoang của vùng quy hoạch đang mùa khô cỏ dại vàng úa, héo tàn. Trên bờ ruộng, đám cây dại sẫm dần trong chiều vắng hanh hao.

 

 Nhưng không giống như giấc mơ cũ, anh đã được chết giữa vòng tay yêu thương, xót xa tiếc nuối của vợ con và những người ruột thịt sau đó một tuần. Điều hãi hùng của anh là phải mổ, phải nằm viện lâu dài, tốn kém và khổ sở vợ con đã không xảy ra. Chỉ sau khi cấp cứu xong, ngày hôm sau siêu âm và làm vài xét nghiệm, bác sĩ đã khuyên nên đưa anh về vì không thể làm gì cho anh được nữa. Anh đã nghĩ gì giữa những cơn đau tê dại có morfin hỗ trợ? Có thể anh hài lòng vì mình đã không để lại nợ nần. Và mái nhà tổ ấm của vợ con anh còn nguyên vẹn. Nhưng có thể là anh vẫn khó bề thanh thản khi biết mình sắp thành linh hồn, bất diệt và sung sướng lấy một mình, chẳng giúp gì được vợ yếu con thơ trong cuộc đời này nữa. 

Hội An
Số lần đọc: 2087
Ngày đăng: 19.05.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đóng và mở cửa - Giang Thị Kim Phụng
Chùm truyện rất ngắn của Trần Huy Thuận - Trần Huy Thuận
Thuý Kiều với người khách lạ - Hiếu Tân
Thế giới mùi vị - Trần Văn Bạn
Cửa sau thành phố - Trần Nhã Thụy
Em ghét khuôn mặt mình - Trần Văn Bạn
Tôi... - Đào Bá Đoàn
Sóng bạc đầu - Ngô Phan Lưu
Bá Vương biệt Nương - Lê Văn Tiến
Xuôi ngược - Hoàng Thị Giao
Cùng một tác giả
Hoa xương rồng (truyện ngắn)
Chiếc dù nhiều màu (truyện ngắn)
Nhân điện (truyện ngắn)
Chị và em (truyện ngắn)
Cơn bão xa đã tan (truyện ngắn)
Giấc mơ hạnh phúc (truyện ngắn)
Lòng tốt (tạp văn)
Dòng đời vẩn trôi (truyện ngắn)
Ghen (truyện ngắn)
Mưa đêm (truyện ngắn)