Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
725
116.706.446
 
Nhạc trầm my
Ngô Phan Lưu

Sau khi điện thoại cho anh bạn, để báo địa chỉ đang ở, tôi nhìn ra khung cửa kính khách sạn.

          Tôi đang đứng ngang tầm nửa cây thông già, và ở dưới chân là những cây hoa Mimosa còn đẫm sương. Xuyên qua vạt đồi thông, ẩn hiện lô nhô những mái ngói đỏ. Tôi đảo mắt cố tìm ống khói nơi nóc nhà, nhưng không thấy. Quả thật, trước mắt tôi là một bức tranh!

          Người ta cho tôi biết: Thành phố này đẹp, một phần bởi có chính quyền can thiệp vào. Anh chị xây nhà ư? Rất tốt, nhưng anh chị không được xây giống kiểu nhà bên cạnh! Thế là buộc anh chị phải tìm kiếm, sáng tạo kiểu mới! Anh chị xây tường rào ư? Tốt thôi, nhưng không được bịt kín bằng tường, phải để cho mắt nhìn thông thoáng! Thế là buộc anh chị phải trồng hoa, cây cảnh và không được đổ rác! Như vậy, kết quả sẽ là: đa dạng, xinh xắn, sạch sẽ và cá tính! Đó là nhà cửa ở đây. Những nhà cửa trầm tĩnh, biết lo trau chuốt bản thân mình, để kẻ khác vừa ý!

          Tôi nhớ lại, hôm qua nơi Thiền viện Trúc Lâm, bài kệ của Trúc Lâm Đại Đầu Đà như một sinh linh chập chờn bay lượn, và giờ đây đậu vào những nhánh cây lá kim, hoa Mimosa và hoa Phượng tím. Tâm khảm tôi đã tràn ngập bài kệ: “Phải trái rụng theo hoa buổi sớm/Lợi danh lạnh với trận mưa đêm/Hoa tàn mưa tạnh non im vắng/Xuân cỗi còn nguyên môt tiếng chim!”

          Đột ngột, tôi nghe không phải là tiếng chim, mà là tiếng gõ cửa.

          - Xin cứ vào!

          Người vào, đó là San, anh bạn tôi vừa gọi điện thoại. Lâu ngày gặp lại, nom anh từng trải và rắn rỏi hẳn. Anh nhảy bổ vào, ôm chầm lấy tôi:

          - Tôi muốn ngửi lại mùi mặn!

          - Anh nhớ biển à?

          - Ở núi quá buồn!

          - Tôi lại thèm núi!

          Anh thả tôi ra, và cả hai nhìn nhau cùng cười.

          Tôi hỏi:

          - Sao anh không trồng mấy cái răng cửa?

          - Để thế, cho các em chui vào!

          Nghe vậy, tôi tắt ngay nụ cười, còn anh thì vẫn cười! Rõ ràng là anh ta biết một nụ cười thiếu răng, bao giờ cũng gây ấn tượng tốt. Việc thiếu hụt ấy, luôn luôn gợi một vùng hỏng, người ta dễ bị té vào! Đột nhiên, tôi nhìn anh e dè! Tôi quyết không cho mình té vào cái cười bất hủ ấy!

          Với loại tiếng nói không chuẩn, anh San đề nghị:

          - Đi “Nhạc Trầm My” uốn cà phê nhé! Ở đấy mình tâm sự luôn.

          - Anh là thần Thổ Địa, anh đi đâu, tôi theo đấy!

          - Thế thì, tranh thủ đi ngay.

          Tôi chốt cửa phòng, cười ngu ngơ và theo anh ra xe...

          Chúng tôi đang ngồi ở cà phê Nhạc Trầm My. Quán cà phê nằm trên một ngọn đồi thấp. Lúc này, quán vắng khách. Ngoài hiên, mấy chùm đàn gió cứ kêu leng keng.

          Anh San nói vừa đủ nghe:

          - Chủ quán này, không hẳn là phụ nữ, không hẳn là thiếu nữ, mà là ở khoảng giữa. Ồ! Tôi có từ để gọi rồi: đó là một phụ nữ trẻ. Thế chứ, gọn gàng hơn nhiều. Vâng, một phụ nữ trẻ.!

            Tôi mỉm cười. Hẳn là cái anh San này đã mê chủ quán! Dưới áp suất của mê, anh ta nói năng luộm thuộm!

            Lúc này, chủ quán đang đi ra. Một phụ nữ trẻ, không đẹp nhưng lạ lạ, mê hoặc, buộc người ta phải nhìn, và muốn khám phá!

            - Chào anh San và... chào anh!

            Tôi và San cùng gật đầu chào lại. Tôi thoáng thấy anh San suýt đứng dậy! Giọng nói chị ta khàn, quá khàn nhưng rất rõ, ánh mắt chị ta nhìn chúng tôi, tự tại, bản lĩnh một cách kỳ lạ, làm người ta phải kiêng nể! Với đôi mắt ấy, với làn da nâu đen lai dân tộc K’Hor, với đôi mông nở và ngực lép, với bàn tay không để móng đang gãi gãi chót mũi, với áo pull, quần jeen cùng một màu chàm, chị ta đậm nét là con người của nghệ thuật Ba-Rôc!

            Anh San vội nói:

            - Hai cà phê đen nhé!

            Tôi chữa lại

            - Không. Tôi chanh Rhum.

            - À, một đen, một chanh Rhum.

            Chị ta tiến tới, với tay rút điếu ba số của anh San, châm lửa và cười. Một nụ cười chung cho cả hai chúng tôi. Một nụ cười trẻ thơ! Một nụ cười vừa phạm sai lầm và kêu gọi tha thứ! Và trong một tích tắc, nụ cười ấy còn nói rằng, hình như với riêng tôi, sao anh không đến đây từ năm ngoái, năm kia! Tôi thoáng giật mình! Và, thoắt, chị ta đã đi vào phía trong...

            Nhìn khắp phòng, tôi thấy phía trái, treo tường ốp ván đánh vét-ni bóng lộn, có treo 6 cây đàn ghi-ta. Ngay phía dưới, có đặt cây đàn Organ Yamaha. Trên ngăn kệ phía phải có nhiều tượng gỗ nhỏ, nghệ thuật của dân tộc K’Hor. Ngay bên trên kệ, treo một bức vẽ chụp lại tác phẩm “Gái Thanh Lâu đường Avignon” của P.Picasso. Những bắp chân các cô gái trong tranh là những bắp chân hoạt động, được đẽo bằng nhát búa, một ảnh hưởng sâu đậm của nghệ thuật Da đen.

            Những chùm ống nhạc gió ngoài hiên cứ vẫn thỉnh thoảng kêu leng keng. Nhiều loại hoa đủ màu ngoài vườn khoe sắc. Xa xa, một cây Phượng tím nở rộ. Tất cả ở đây, đều lặng lẽ và không việc gì phải hấp tấp!

            Lúc gặp nhau ở khách sạn, anh San mời tôi đến đây uống cà phê và tâm sự, nhưng cà phê thì có, còn tâm sự thì không. Quả tình, ở đây khó mà tâm sự riêng, khi có bóng dáng một phụ nữ trẻ đang phủ vào!

            - Xin giới thiệu – San nói lắp bắp – Đây là chị P. Chủ quán kiêm giọng hát tuyệt vời – Tiếp, anh ta chỉ vào tôi – Còn đây là anh K. Bạn thò lò mũi xanh từ miền Thùy dương cát trắng lên đây hôm kia... là một nghe sĩ xuất sắc!

            Tôi chào lần nữa, và bắt tay nữ chủ quán.

            Anh San hăng hái tiếp, chỉ tay vào ngực mình, chỗ trái tim:

            - Và tôi cũng là ghiền “nghe” sĩ thân chủ, đang cần nghe nữa, một cách tức khắc!

            Nói xong, anh ta cười, trống trơn bốn chiếc răng cửa hàm trên. Anh ta vừa rụt rè vừa bạo dạn. Giờ đây, tôi thật sự thấy nụ cười của anh ta có duyên, và những câu nói lung tung của anh ta rất hợp với nụ cười bất hủ này!

            - Xin vâng!

            Tiếng rất khàn của chị P. vang lên. Rất đơn giản, không khách khí, không dẫn nhập, chị ta đứng dậy, đến tường gỡ cây đàn ghi-ta, và đến ngồi cạnh chúng tôi – xin lỗi – ngồi đối diện chúng tôi.

            - Em hát tặng các anh bài “Mộng dưới hoa”!

            Chị dạo đàn và hát ngay.

            Tiếng hát khàn đặc vang to, rõ cả những âm sắc li ti của hơi thở. Tiếng hát buồn phiền, bệnh hoạn một cách thật khỏe, cứ bềnh bồng vươn rộng ra những vòng sóng nhấp nhô. Tôi nghe mà gai lạnh cả người! Tôi chưa từng nghe ai hát hay như thế bao giờ! Mắt ngước nhìn ra khung cửa sổ kính, vượt qua khỏi chúng tôi, có lẽ hồn phách chị ta đang đậu ở đám mây lười biếng bên ngoài!

            Tôi hớp môt ngụm chanh Rhum, yên lặng đốt thuốc, và nhắm mắt... Không gian chỉ còn là tiếng ghi-ta, tiếng hát khản đặc của chị bủa vây ngự trị... Tôi chơi vơi, tan loảng trong bềnh bồng...

            Chị dứt tiếng hát, tôi mở mắt và đột nhiên có cảm giác của một kẻ đắm tàu!

            Tháng trước, một anh bạn nhạc sĩ đã phổ nhạc bài thơ tôi. Bản nhạc ấy tôi có mang theo trong cặp tay. Tôi lấy bản nhạc ra, như một phản xạ vô thức, thật tâm trình bày:

            - Chị có thể hát tặng bản nhạc này không? Tôi xin tặng chị bản nhạc này như một kỉ niệm...

Không đợi sự chấp thuận, tôi trải bản nhạc trước mặt chị: bản “Trầm Hương”.

            Cũng rất đơn giản, không khách khí, không dẫn nhập, chị cầm đàn ghi-ta cẩn thận đánh bản nhạc từng nốt... hai lần, rồi ba lần... Khi đã nắm vững tiết tấu cùng tinh thần bản nhạc, chị lại chăm chú đọc kỹ lời ca... Một chặp sau, chị hát...

            Cũng vẫn cái chất giọng khản đặc, khỏe khoắn, những làn rung bất tận như vòng sóng vang to... Chị đã thổi vào bản nhạc một linh hồn, bản nhạc thành một sinh linh vật vờ... Cứ thế, giọng khản đặc vút lên không gian... “Em chỉ là Thơ nằm bên lề thơ/Viết hoa cả chữ viết thường/ Rộn ràng là bao gió mát/Thổi từ phía em trầm hương...”

            Anh San nhìn sang tôi, một ánh nhìn rất lạ. Tôi cũng nhìn lại, có lẽ cũng bằng mắt ấy. Thì ra, ánh mắt rất lạ ấy chính là sự trách cứ pha trộn ân hận! Đúng thế, tôi cũng vậy, khi nhìn chị ta cần cù, chăm chú vào bản nhạc mới. Việc ấy làm hạn chế khả năng nghệ thuật rất nhiều, nhưng chị phải cố gắng! Đột nhiên, tôi yêu mến chị vô cùng! Chị đã chìu tôi một việc đáng lẽ không nên làm!

            Chị cất đàn và cười. Một nụ cười bao dung, rộng lượng, một nụ cười biết hết, hiểu hết!...

            Lúc này, có 3 người khách vào. Chúng tôi cảm ơn, và gửi tiền rồi ra về...

Ra đến đường, anh San hỏi:

            - Thế nào?

            - Thế nào là thế nào?

- Là thế nào, chứ còn thế nào nữa!

            - Vậy, anh thế nào?

            Chúng tôi cười to. Con đường bê tông nhựa thoai thoải lượn theo ngọn đồi, xe cộ thưa thớt, tôi hít sâu không khí mát mẻ vào buồng phổi, và đột nhiên thấy lại trong trí hình ảnh bãi đậu xe của Thiền viện, nơi ấy có hai vị sư áo vạt hò bạc phếch, đầu đội nón cối lá cọ rộng vành, miệng ngậm còi, điều khiển xe cộ vào bãi!

 Thình lình, một cách vô thức, tôi buột miệng:

            - Có lẽ, phải nên là một chiếc xe...

            - Xe gì?

            - Xe gì cũng được!

            - Là sao?

            - Để vào bãi đậu!

            - Thế thì đi! Sẵn sàng phụng mệnh!

            Dứt lời, và với sự hiểu sai, anh San tăng tốc, chiếc xe lao vút...

Anh ta chở tôi đi đâu? Đó là quyền của anh, quyền của một “thổ địa”!

            Đột nhiên, lòng tôi lắng dịu cực kỳ!...Lắng dịu như thành phố này vào giờ này! Trong tôi Nhạc Trầm My lung linh!...

Ngô Phan Lưu
Số lần đọc: 2781
Ngày đăng: 28.03.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bức tranh không lời - Trương Hoàng Minh
Chiếc dù nhiều màu - Hội An
Hiện tại - Đào Bá Đoàn
Đời tư - Huỳnh Mẫn Chi
Người cóc - Nguyễn Thị Diệp Mai
Cuốn sổ tay - Trọng Huân
Chuyện của chú cháu tôi - Hội An
Trên cánh bay của chuông Chùa - Ngô Phan Lưu
Chuông chùa Bạch Vân - Trần Đức Tiến
Rượu của thời chưa sinh - Đào Bá Đoàn