Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.405 tác phẩm
2.747 tác giả
493
116.794.325
 
Đời tư
Huỳnh Mẫn Chi

Sương giăng mờ mịt. Ngoài phố, ánh đèn lờ mờ. Một màu vàng nhợt nhạt hắt xuống đường. Gió loáng thoáng, làn gió thoang thoảng hơi men. Mùi rượu nồng nặc từ nó tràn lan khắp nơi. Tôi vẫn tỉnh bơ, nó ngồi gật gù. Ánh sáng treo lơ lửng trên tầng cao chiếu xuống nửa khuôn mặt nó, khuôn mặt điềm đạm mọi ngày. Tôi thấy lòng nôn nao. Bóng đêm vẫn lặng lẽ trôi qua. Khuôn mặt ấy cứ ngự trị trong tôi, mọi lúc. Tôi lồm cồm đứng lên, chân bước lảo đảo. Nó nhìn tôi chăm bẳm. Mắt lờ đờ, vô hồn. Miệng thở khì khì. Nó tủm tỉm cười. Tôi ngây ngất. Một nụ cười quen thuộc. Bất thần, tôi ngồi lại xuống ghế. Khuôn mặt ấy vẫn in nguyên vẹn trong tôi. Chính khuôn mặt này, nó từ một kế toán viên. Tôi  ký quyết định, nó trở thành trưởng phòng kinh doanh.

 

     Nó ngồi bất động. Tôi cầm lấy bình rượu, hai tay đặt lên miệng. Tôi nuốt ừng ực từng giọt rượu chan chát lan rộng khắp cơ thể. Chúng chảy lan đến đâu, lòng tôi đau xé đến đó. Rượu giúp tôi say, rượu lại không giúp tôi quên. Tôi chếnh choáng đứng dậy. Thẳng tay, tôi quăng bình rượu xuống đất. Tiếng khua lổn cổn vang lên. Nó vẫn không nhúc nhích. Tôi nắm lấy cổ áo nó. Hai tay xốc ngược mặt lên. Mặt mũi lừ đừ. Nó đã đi vào cơn say li bì. Hai mắt nhắm thiêm thiếp. Nó vớ lấy bình rượu trút lên trán. Rượu đổ lênh láng. Miệng nó chép chép. Nhìn nó, tôi thèm khát cơn say. Tôi cần phải say. Say giống như nó để không nhìn thấy gì cả, say để quên tất cả, say để không còn nhớ chuyện gì xảy ra trong đời mình.

 

      Mười lăm năm về trước một buổi chiều mưa tầm tã, tôi tìm đến nhà cô  Phượng, cán bộ giảng dạy bộ môn kinh tế vĩ mô trường tôi. Đứng trước cổng, tôi cứ ngần ngại. Tay đặt lên chuông nhưng không dám bấm. Bên trong, con chó bẹc-giê gầm gừ. Tôi sợ hãi. Nó tung cửa ra. Tôi biết nó sẽ không tha cho mình, một thằng sinh viên nghèo, sống cảnh lao đao lận đận. Chó mà vồ ẩu xem như đời tôi tối thui. Cũng may, con chó chỉ chòm hom bên trong. Tôi lại hy vọng. Tiếng chó sủa không sớm thì muộn chủ nhà cũng ra mở cổng tiếp tôi.

 

     Tôi đứng nhìn trời. Một màu đen đậm dần. Cơn mưa đầu mùa vẫn lất phất rơi. Tay gạt ngang dòng nước trước mặt. Tôi nhận ra mưa mỗi lúc một nặng hạt.  Tiếng chó vẫn sủa rền vang. Thế nhưng, tiếng chủ nhà đâu chẳng thấy. Tôi bạo dạn bấm chuông. Tiếng reng reng vẳng lên, đứt quãng. Tôi định bấm chuông tiếp thì tiếng lục khục vọng ra. Tiếng phụ nữ lanh lảnh cất giọng:

- Ai vậy?

     Tôi hồi hộp chờ đợi. Cánh cửa bật ra. Đối diện tôi, một phụ nữ dong dỏng cao. Khuôn mặt còn rất trẻ. Tôi không ngờ cô giáo Phượng xinh đẹp như vậy, một vẻ đẹp ngoài dự đoán của tôi. Cô đẹp hơn cả đám bạn tôi miêu tả. Đứng chết lặng khá lâu, tôi cúi đầu chào cô. Cô rất ngạc nhiên:

- Em tìm thầy à?

     Tôi ấp úng. Cô nhìn tôi chờ đợi. Tôi biết bắt đầu câu chuyện từ đâu. Mặc dù trước khi đến đây, tôi đã tư vấn với đám bạn. Chúng xúm lại, mỗi đứa bày một kiểu. Kiểu cách nào tôi cũng ghi nhận cả. Vậy mà giờ đây, tôi đứng lặng thinh. Miệng khép kín như hến. Cũng tại tôi, giờ học môn kinh tế vĩ mô, tôi hoàn toàn không tham gia buổi nào. Giờ đây, tôi không biết nói năng làm sao với cô cũng phải. Thế nhưng, mẹ trong cơn bệnh ngặt nghèo, tôi không về chăm nom làm sao được. Ngẩng đầu nhìn cô, tôi sợ sệt:

- Em có việc cần nhờ cô.

 

      Cô mỉm cười. Giọng nhẹ nhàng:

- Em vào nhà. Mưa như thế này, dễ mắc bệnh lắm!

 

      Tôi luống cuống bước theo cô. Hồi ấy, tôi rất nhút nhát. Làm bất cứ chuyện gì tôi đều nơm nớp lo sợ. Ngồi đâu như dán dính đó, đứng chỗ nào, chỗ nấy lún sâu như cái vũng, tôi mới rời khỏi. Ngồi xuống sa-lông, tôi lặng câm. Mắt ngắm nhìn quanh quẩn. Mọi thứ đồ đạc trong nhà cô tôi kiểm tra rất kỹ. Từng món đồ khá tiện nghi đặt trong căn nhà rộng rãi, thoáng mát. Đặt ly nước xuống bàn, cô mời tôi:

- Em uống nước!

     

Có lẽ, thái độ tôi khác thường. Cho nên, thằng con trai cô cứ đứng nhìn chằm chằm. Tôi ngồi bất động. Bỗng dưng, thằng bé đang ở cạnh mẹ tíu tít chạy ra cổng:

- Ba về! Mẹ ơi! Ba về.

     Tôi không nhúc nhích. Một người đàn ông khoảng bốn mươi tuổi. Dáng người khỏe khoắn. Ông oai vệ bước vào. Tôi đứng dậy cúi đầu chào. Ông đáp lại tôi bằng nét mặt lạnh lùng. Tôi đoán, người đàn ông này chắc chắn phải có một địa vị quan trọng trong xã hội. Nhìn tôi, cô giới thiệu:

- Thầy Tín chồng tôi. Trước đây, anh ấy là trưởng phòng đào tạo trường mình. Nhưng giờ đây anh ấy đã chuyển sang làm tổng giám đốc cho một công ty đa quốc gia.

       

Cô dứt lời. Người đàn ông đó đã khuất vào bên trong. Tôi đã đoán đúng về người đàn ông đó. Tôi mừng thầm. Thầy cô quá đẹp đôi. Thằng bé cứ chạy lăng xăng. Một lúc, nó chạy tìm ba. Một lúc, nó quay đến cạnh mẹ. Nhìn khung cảnh gia đình, tôi nhận ra cô là người rất hạnh phúc.

     

Bất chợt, tôi nhớ đến mục đích mình đến đây. Cho nên, nhìn cô chăm chăm, tôi vẫn không nói lời nào. Cô tỏ rõ thái độ nôn nóng:

- Em cứ trình bày, không có gì ái ngại cả.

      Tôi ngập ngừng, buông câu lấp lửng:

- Em đang học K9. Em đến đây…

       Cô nhìn tôi chăm chú. Tôi cứ mãi vòng vo. Tôi hết kể lể chuyện này rồi đến chuyện khác. Chuyện nào, tôi cũng không quên xen vào hoàn cảnh khắc nghiệt  của mình. Chính vì vậy, tôi vẫn không nói được vấn đề trọng tâm. Những chuyện tôi đưa ra, chúng rời rạc nhau, chẳng ăn khớp vào đâu. Chuyện đến trường, tới lớp tôi cũng không hiểu mình đưa những vấn đề này ra với mục đích gì. Nhìn tôi, cô ngắt lời: 

- Thi hết môn của tôi, em làm bài không được phải không?

      Tôi bần thần. Vì đột nhiên, cô ghép tôi vào cái tội không đâu vào đâu. Ngồi ngơ ngáo, tôi đính chính:

- Năm ngoái, em có xin phép trường tạm hoãn môn học của cô. Sang năm, em lại tốt nghiệp ra trường. Bây giờ em lo quá!

     Tôi nhìn cô hồi hộp, trông chờ sự phản ứng của cô. Trái ngược lại với suy nghĩ của tôi, cô lại vui vẻ. Giọng ngọt ngào:

- Tuần tới, em vào học với K11 rồi thi cùng. Tôi thấy có gì đâu?

      Tôi thở phào nhẹ nhõm, cúi đầu chào cô ra về. Tiễn chân tôi ra cổng, giọng cô cứ đều đều. Cô dặn dò nhiều thứ. Lời lẽ cô đưa ra, tôi như củng cố thêm niềm tin. Vậy mà, mấy ngày liền tôi ăn ngủ không yên. Nay gặp cô rồi, tôi mới thấy mọi chuyện đâu vào đó. Chuyện nợ nần, chuyện thiếu đủ trong học hành, tôi đều hy vọng có cơ hội trả đủ.

     

Đó là lần đầu tiên tôi tiếp xúc cô. Cũng từ ngày đó, tôi đã có cảm tình với cô. Bởi vì, cô tạo mọi điều kiện cho tôi trả xong món nợ. Một món nợ rất lớn. Nếu trả không xong, tôi không đủ tiêu chuẩn thi tốt nghiệp ra trường. Chính vì vậy, tôi phải chờ đợi, một, hai, ba năm nữa chưa chắc đã ra trường. Chuyện đời lại không như mình tưởng. Càng học, càng thi, cái dốc ấy lại càng vượt không qua. Con đường mưu sinh của tôi xem như bế tắc. Đám bạn tiến vào con đường sự nghiệp bằng trực thăng, tàu siêu tốc. Trong khi đó, tôi còn phải đi bộ. Ra đường, bạn bè ngẩng cao đầu nhìn lên ngọn cây. Tôi lại lúi cúi nhìn xuống. Mắt không thoát khỏi ngọn cỏ.

    

Kết quả món nợ lần đó tôi đạt điểm chín. Cô giáo khen ngợi hết lời. Tôi thấy mình chẳng giỏi giang gì cả. Thoát nạn, tôi mừng lính quýnh. Đám bạn cũng san sẻ nỗi vui mừng với tôi. Đứa này đem chuyện của tôi đến đứa khác khoe khoang. Tôi sung sướng. Lòng dạ ngày đêm bồn chồn. Thế nhưng, khi tỉnh hồn tỉnh vía, tôi mới hốt hoảng ôn bài vở. Ngày học, đêm ôn. Tôi tốt nghiệp ra trường một cách trót lọt. Đám bạn bảo tôi số đẻ trong bọc điều. Cho nên, tôi mới thoát nạn khá suôn sẻ, vượt cạn lại càng an toàn.

     

Về sau, những lúc rảnh rỗ, tôi thường ghé thăm thầy cô. Cô rất vui mừng mỗi khi tôi thăm viếng. Dần dà, thầy cô xem tôi như người thân. Cho nên, tôi càng thích thú tới lui thường xuyên hơn. Đặc biệt, thằng bé con trai cô không còn nhõng nhẽo với ba mẹ như trước.  Mỗi khi tôi đến, nó lại lân la theo  vòi vĩnh, đòi chở đi chơi. Lúc đầu, tôi còn lần lữa. Về sau, tôi thường chiều ý nó khi thầy cô cho phép.

    

Một hôm tôi đến, cô ra mở cổng như mọi ngày. Thế nhưng, hôm nay tôi linh cảm có điều chẳng lành vừa xảy ra. Bởi vì, tôi nhìn cô rất khác lạ. Ánh mắt u uất. Nụ cười gượng gạo. Giọng nói mệt mỏi. Tất cả những cử chỉ đều bất thường. Chính những điều đó, cô không giấu được nỗi ưu phiền.

     

Tôi đặt chân vào nhà, những đồ đạc tiện nghi trước đây đã biến mất. Nhìn căn nhà lồng lộng gió, tôi nghĩ ngợi. Cô vẫn cúi đầu lặng im. Với một phản ứng tự nhiên, tôi quay sang cô:

- Thầy đâu hả cô?

     

Bỗng nhiên, thằng bé đang sạng sành đồ chơi ở góc nhà. Nó lao đến. Hai tay ôm chầm lấy mẹ, bật khóc tức tưởi:

- Sao lâu quá ba không về? Con muốn gặp ba.

     

Tôi hoang mang:

- Cô ơi! Gia đình đã xảy ra chuyện gì?

      

Cô ngồi xuống ghế. Nước mắt chứa chan. Miệng mếu máo không nên lời. Tôi lựa lời khuyên giải mọi cách. Cô mới bộc bạch tôi nghe. Hai hàng nước mắt tuôn trào. Giọng cô lại nghèn nghẹn:

- Đột nhiên thầy đòi ly dị đến mức khó hiểu. Cô tìm hiểu thì mới vỡ lẽ. Thầy đang sống với người phụ nữ khác đã có con.

     

Tôi bủn rủn cả chân tay. Đầu óc quay cuồng. Sao trên đời này, lại có chuyện động trời động đất đến phủ phàng như vậy? Một phụ nữ trí thức xinh đẹp, dịu dàng, tinh tế như cô lại không giữ được chồng. Tôi là đàn ông. Thế nhưng, tôi cũng không hiểu nổi đàn ông. Sao họ cứ buộc phụ nữ phải hiểu mình chứ? Trong khi đó, họ lại luôn luôn bỏ rơi phụ nữ, dù hoàn cảnh không cho phép? Nhìn qua dáng vẻ xanh xao vàng vọt của cô, tôi xót xa. Tôi phải dùng mọi lý lẽ mà trước đây đã nghe ở đâu đó để phân tích phải trái. Tôi càng an ủi, cô càng khổ đau. Nói một lúc, tôi lại thấy mình còn quá trẻ con. Cho nên, tôi không dám lên mặt chỉ dạy cô giáo. Tôi đành lặng im trước những giọt nước mắt tuôn trào của cô.

     

Từ đó, tôi thấy mình có trách nhiệm với cô. Cho nên, những lúc rảnh rang, tôi thường lui đến an ủi cô. Mỗi lần gặp tôi, cô rất vui mừng. Chính vì vậy, tôi hay cà kê dê ngỗng ở nhà cô nhiều hơn trên căn gác trọ của mình. Thời điểm đó, tôi vừa tốt nghiệp ra trường, cũng đang trên đường đi tìm việc làm.  Cho nên, cô cũng là nơi nương tựa lợi thế của tôi. Từ chuyện vài tháng đến thăm cô một lần. Sau đó, tháng nào tôi cũng đến. Dần dần về sau, ngày nào tôi cũng đến để nô đùa với thằng bé. Thằng bé được tôi bày biện bao nhiêu là trò chơi độc đáo. Nó thích thú. Nó ít nhắc đến ba mỗi khi tôi hiện diện. Nhìn cô, tôi biết, cô cũng nguôi ngoai. Thế nhưng, lòng tôi cứ mãi giày vò trước nỗi đau cô đang gánh chịu.

     

Một hôm, tôi vừa đặt chân đến nhà thì biết cô đã nhập viện từ sáng. Tôi tức tốc vào bệnh viện, tìm kiếm khắp nơi. Cuối cùng, tôi gặp cô ở phòng cấp cứu. Nhìn cô trong cơn thập tử nhất sinh, tôi đau đớn. Tôi cứ đứng lớ ngớ ra đó. Bỗng dưng, cô y tá bước vào. Nhìn tôi chằm chằm, cô tiến lại:

- Người nhà bệnh nhân phải không ?

      

Tôi đứng gục gật đầu. Cô y tá cau mày, nhăn nhó. Tay cầm bộ đồ trắng phếch, đưa tôi. Giọng thúc giục:

- Mau thay đồ bệnh nhân cho chị ấy.

     

Tôi run lẩy bẩy. Cô y tá đặt bộ đồ xuống giường. Nét mặt hầm hầm, cô lăng xăng sang bệnh nhân giường bên cạnh. Mệnh lệnh của cô y tá truyền ra, tôi vô cùng ngại ngùng. Nhưng trong gian phòng này, người thân duy nhất của cô chỉ có mình tôi.

    

Cô vẫn nằm im thin thít. Tôi thấy cô bé bỏng trong cơn bệnh hoành hành. Bờ môi phồng rộp, khô nẻ vì những cơn sốt hành hạ. Vầng trán nhăn nhíu đến khổ sở. Đứng bất động, tôi không biết chăm sóc cô bằng cách nào. Tôi nghĩ giờ này, cô đang chịu đựng từng cơn ác mộng kinh hoàng. Cái ngày ra tòa ký đơn ly hôn vẫn ám ảnh cô. Trong cơn sốt mê man, cô cứ lẩm bẩm. Tôi lắng tai nghe, những điều uẩn ức đó lại không thành lời. Tôi nôn nóng đưa tay áp vào trán cô, cơn sốt hừng hực lên như lửa đốt. Tôi thấy tay mình rát buốt. Tôi ao ước bàn tay của thầy đâu đây. Ông sẽ phủ nhẹ lên thân thể này, truyền qua một nội lực diệu kỳ. Cô sẽ khỏe hẳn ngay.

     

Sau lần đó, để dễ dàng chăm sóc cô trong lúc ốm đau và đơn chiếc, tôi vào ở hẳn nhà cô. Một vài lời bàn tán của họ hàng và lối xóm xầm xì. Họ bàn ra tán vào linh tinh. Thế nhưng, cô và tôi đều không bận tâm. Vì hàng ngày, tôi phải đi làm việc. Công việc lại tất bật. Cho nên, tôi phải đi từ sáng sớm, đến tối đen mới về đến nhà. Cô và thằng bé cũng vậy.

     

Hạnh phúc nhất của tôi mỗi khi về nhà, tôi đều thấy thằng bé ra cổng trông đợi sau những giờ làm việc mệt nhọc vừa về đến nhà, tôi luôn mong mỏi tình cảm ấy của thằng bé cứ tồn tại mãi trong tôi. Bởi vì, ngày nào cũng như ngày nấy, thằng bé vừa nhìn thấy tôi, nó ríu rít mọi chuyện. Chính vì vậy, mỗi lần đùa với nó, tôi thường trêu chọc:

- Bố nè con!

     

Nó nhìn tôi khoái chí. Tôi lại thích thú trò đùa đó nên cứ diễn đi diễn lại mãi. Cô lại không để ý. Nhìn con cái vui vẻ, cô càng tỏ ra quý mến tôi. Căn nhà trống trải, thênh thang, từ ngày tôi đặt chân đến ở nó ấm áp hẳn lên. Cô yêu kiều hẳn lên, không héo úa như trước. Sống trong nhà cô đến mấy tháng trời, tôi vẫn không biết vai trò của mình là gì. Việc của cô, cô làm. Việc của tôi, tôi biết. Trong khi đó, thằng bé lại gọi tôi bằng bố.

     

Nghỉ hè, thằng bé về quê sống với ngoại. Căn nhà trở nên rộng thênh thang, vắng vẻ. Cô ngày ngày đi dạy. Tôi hàng ngày đi làm. Tối mới gặp nhau trên mâm cơm. Vài lời chuyện trò bâng quơ, ai về phòng nấy cho công việc riêng. Tôi cảm thấy lẻ loi và trống vắng.

    

Một hôm, nửa đêm chợt thức giấc, tôi nằm trằn trọc mãi trong căn nhà lạnh tanh. Tôi ngồi dậy châm điếu thuốc phà mấy hơi. Làn khói lan tỏa khắp phòng. Chân rời khỏi giường, tôi cất bước lang thang khắp nhà. Bỗng dưng, một làn hơi đâu đó nhè nhẹ vẳng ra, tưới dịu cái nóng oi bức đêm hè. Cũng tại mớ hơi ấm ấy, nó đã đánh thức tôi choàng tỉnh. Tôi thấy mình thoát khỏi tâm trạng đơn độc. Tôi dừng bước, mắt ghé vào phòng. Cô đang đắm chìm trong bộ đồ ngủ mỏng tanh. Tôi không thấy xấu hổ, tôi lại càng không thấy mình tội lỗi. Tâm hồn tôi trở nên sáng tỏ. Niềm cảm xúc vô biên trong tôi chuyển thành sự chiêm ngưỡng thanh cao. Tôi thấy cô rất đẹp, cô đẹp hơn bao giờ hết. Những đường cong e lệ, mỹ miều tràn lan khắp tấm ra nệm trắng, một màu tao nhã. Tôi không thể cất bước, mắt đắm đuối nhìn cô. Đôi chân trần nõn nà ẩn trong bóng đêm lờ mờ cố tình giữ tôi lại. Bờ vai trắng phau tròn trịa thúc giục tôi.

   

Bỗng nhiên, tôi thấy trời đất tĩnh mịch hẳn đi. Tôi ôm choàng lấy đôi vai ấy. Cô ngồi bật dậy, ánh mắt đầy nỗi sợ hãi, dáo dác. Bất thình lình, tôi bị một tát tay đau điếng. Tôi cúi đầu xấu hổ. Thế nhưng, tôi không phải là núi non hay một nhà tu. Tôi là một thằng đàn ông mới lớn. Nỗi khao khát ôm ấp một thân thể khác phái, để khám phá những bí ẩn tạo hóa dành cho họ, thằng đàn ông mới lớn nào chẳng có? Tôi nhìn cô tha thiết:

- Tôi rất yêu Phượng! Tôi khao khát Phượng!

    

Cô thảng thốt:

- Không thể được!

     

Cô đứng dậy đẩy tôi ra khỏi phòng, đóng sập cửa. Tôi lê gót bước đi. Mắt nhìn chong chong vào màn đêm. Tôi thấy mình là đứa học trò tội lỗi. Tại sao tôi phải đưa mình vào cảnh éo le này? Không thể được, tôi phải rời khỏi đây ngay, khi trời chưa sáng. Dù lang thang suốt trên những con đường vắng, nhưng tôi đã rời được căn nhà này. Tôi không muốn ngày mai, tôi và cô nhìn nhau ngượng ngùng, xấu hổ. Tôi càng không muốn nhìn cô bằng ánh mắt tội lỗi.

   

Thấm thoát hơn mười năm, tôi lên chức trưởng phòng kinh doanh. Thằng bé con cô cũng vừa rời chiếc ghế đại học. Mọi chuyện xảy ra trong quãng thanh niên của mình, tôi chôn vào dĩ vãng. Thằng bé ngày trước tôi cũng không nhớ đến làm gì. Vậy mà một hôm, tôi không thể ngờ được. Thằng bé ngày trước lại tìm đến cơ quan tôi xin việc làm. Nhìn cậu sinh viên non nớt, tôi cảm tình ngay. Bởi vì, khuôn mặt nó khá quen thuộc trong ký ức tôi.

    

Khi đọc hồ sơ của cậu sinh viên ấy, tôi bàng hoàng:

- Có phải em là con cô giáo Phượng dạy môn kinh tế vĩ mô?

    

Nó nhìn tôi ngỡ ngàng:

- Anh cũng biết mẹ em nữa à?

    

Tôi lắc đầu, lặng câm. Kể từ hôm đó, tôi lại thấy mình có trách nhiệm với nó. Tôi quan tâm đến nó một cách khác thường. Nó không hiểu nguyên nhân sao tôi tốt với nó. Tôi lên chức giám đốc. Nó lại lên thay chức trưởng phòng. Cũng may mắn cho tôi, nó rất có năng lực. Nhiều lúc bên cạnh nó, tôi định hỏi han về cô giáo Phượng. Thế nhưng, tôi không thể nào thốt nên lời.

Huỳnh Mẫn Chi
Số lần đọc: 2213
Ngày đăng: 24.03.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Người cóc - Nguyễn Thị Diệp Mai
Cuốn sổ tay - Trọng Huân
Chuyện của chú cháu tôi - Hội An
Trên cánh bay của chuông Chùa - Ngô Phan Lưu
Chuông chùa Bạch Vân - Trần Đức Tiến
Rượu của thời chưa sinh - Đào Bá Đoàn
Chuyện đời khó đoán ! - Phan Tấn Lược
Gió bên hè - Trần Lệ Thường
Xứ ra ghe - Hà văn Thùy
Con Gián - Đào Bá Đoàn
Cùng một tác giả
Về hưu (truyện ngắn)
Ba tôi (truyện ngắn)
Khoảng trống (truyện ngắn)
Ông bà đạo diễn (truyện ngắn)
Bóng ma (truyện ngắn)
Bóng mờ (truyện ngắn)
Đời tư (truyện ngắn)
Hai giọt nước (truyện ngắn)