Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
636
116.705.106
 
Người chiến sĩ năm xưa
Sỹ Tâm

Năm 1950 đang là một học sinh trung học, tôi "xếp bút nghiên" vô chiến khu Tháp Mười gia nhập bộ đội, được biên chế vào tổ tam tam do anh phụ trách. Anh cùng tuổi với tôi, đi bộ đội trước tôi một năm.

 

Lúc tiếp cận tổ viên mới, thấy mái tóc cặp mang tai, anh lục ba lô lấy kéo và lược, kêu tôi:

- Ông ngồi xuống gốc cây kia, mình "sửa sắc đẹp" cho...

Tôi riu ríu nghe lời anh, nhưng trong bụng hơi lo: Không khéo ra sông tắm mình sẽ bị cá bông táp. Cắt xong anh móc túi đưa tôi cái gương con. Thật không ngờ, anh cắt đẹp không thua ông thầy Hù hớt bằng tông-đơ.

 

Chiều hôm đó, anh rủ tôi đi bắt cá cải thiện. Tiếng là đi bắt cá cho oai, thực ra tôi chỉ làm nhiệm vụ xách giỏ. Anh bắt cá rất thiện nghệ. Anh bước mạnh và chậm, để lại những dấu chân sâu cách khoảng đều đặn dưới lòng kinh. Được mươi bước anh quay lại. Thấy động cá lủi trốn vào vết chân, anh giẫm rất chính xác vào vết chân cũ và mỗi bước, anh cúi xuống móc cá dưới lòng bàn chân ném lên bờ cho tôi.

 

Trên đường về, đi ngang một vũng nước đục lờ, quan sát một lúc, anh quả quyết dưới vũng có ếch. Thấy tôi tỏ vẻ nghi ngờ, anh xuống mò, loáng một cái bắt được ba con. Anh truyền nghề cho tôi ngay tại chỗ. Đặc điểm của ếch là bất thần đụng nó, nó mới nhảy còn lúc động bao giờ nó cũng mọp sát đáy để trốn. Do đó khi mò ếch, ta xòa bàn tay rà qua rà lại ở cự ly cách đáy một khoảng bằng chiều cao con ếch. Khi có một cảm giác trơn nhớt lướt nhẹ qua lòng bàn tay thì nắm lại. Thế là tóm gọn chú ếch.

 

Nội bấy nhiêu tài vặt cũng chỉ để một chàng thư sinh ngô nghê trói gà không chặt như tôi phục anh sát đất ngay từ đầu mới gặp.

 

Công việc đầu tiên của bọn tân binh chúng tôi là học mười lời thề danh dự và mười hai điều kỷ luật. Hồi đó tuy chưa biết phương châm "học đi đôi với hành" nhưng vừa nằm lòng câu "đi dân nhớ, ở dân thương" tôi có ý làm công tác dân vận ngay khi mới đến địa điểm đóng quân mới. Tôi mon men đến làm quen với thằng nhỏ độ mười tuổi con chủ nhà.

- Học lớp mấy rồi cưng?

Thằng nhỏ trố mắt nhìn tôi:

- Học cái con c...

Điếng người tôi vội rút lui và kết luận đó là một thằng "mất dạy"; cách đối xử tốt nhất là "tránh voi chẳng xấu mặt nào" (Sau này, tôi mới hiểu làm gì có trường mà nói chuyện học hành ở đây).

Cũng chính thằng "mất dạy" ấy, anh chinh phục nó dễ như không. Một lát sau, anh và nó lặn hụp dưới kinh, anh tắm rửa, kỳ cọ cho nó, từ đó nó bám theo anh như một cái đuôi. Khi đơn vị chuyển đi nó chạy theo khóc sướt mướt.

 

Tôi có cảm tưởng anh có cả xâu chìa khóa để mở cửa đến với mọi người. Anh có thể ngồi tỉ tê suốt buổi với các má các chị về chuyện bếp núc, heo gà, cả buổi tối "u. t. q." (uống trà quạu) rỉ rả nói thơ Vân Tiên với các bà. Anh tiếp xúc với mọi người tự nhiên như con em trong gia đình, tôi học mãi đến giờ cũng không thể nào bằng anh.

 

Tổ chúng tôi còn có Xê. Xê xuất thân là dân nghèo thành thị, chúng tôi gọi đùa là dân đá cá lăn dưa. Xê rất "ba gai", đụng ai cũng "cà khịa" nhiều người phàn nàn về cậu ta. Một lần họp, tôi phê bình Xê nóng tính, cậu ta vặc lại: "Tui không nóng, sao dám đi đánh Tây?". Tôi càng thêm tức cái lý sự cùn của cậu ta.

 

Đơn vị lên đường vào chiến dịch, trận thử lửa đầu tiên của tôi và Xê. Tiểu đội chúng tôi được chỉ định làm đơn vị xung kích trong trận công đồn mở màn. Cụ thể chúng tôi phải chun vô nằm sẵn trong hàng rào bót, chờ đặc công nổ bộc phá sập tường tràn vô chiếm lô cốt.

Khi nghe phổ biến kế hoạch, tôi hơi "phón" nhưng trấn tỉnh: "Ai tới đâu mình tới đó". Liếc nhìn Xê, tôi thấy cậu ta mặt cắt không còn hột máu.

 

Bắt đầu hành quân. Chúng tôi ngậm tăm, lội bì bõm giữa đồng nước. Đi tới đâu, chim te te hoành hoạch kêu rân tới đó làm tôi nổi da gà, sợ bị địch phát hiện. Thỉnh thoảng, một con cút bay vù lên khiến tôi giật thót mình.

 

Chúng tôi lần lượt bò vô rào bót. Anh bò trước, kế đến là Xê và tôi sau cùng. Khi tới gần rào, tôi ngoái lại không thấy Xê đâu. Cu cậu đã "bể". Dán mình sát đất, tôi vẫn có cảm giác lành lạnh ở lưng. Nhìn quanh, thấy gần đấy có một cái hố cạn, tôi trườn xuống, vừa yên bộ sực nhớ có lần anh kể bọn lính đào sẵn hố để nhử mình. Hễ bót bị tấn công, chúng cứ nhè mấy cái hố đó mà "câu" cối 60. Tôi vội bò lên. Lại lạnh lưng, lại trườn xuống... loay hoay như gà mắc đẻ. Sự hồi hộp, căng thẳng làm tôi mắc đái liên tục.

 

Bộc phá nổ. Tôi xông lên theo đồng đội và quên sợ. Sau trận đánh tôi khản cổ tắc tiếng không nhớ mình đã hò hét hồi nào.

 

Trong cuộc họp rút kinh nghiệm trận đánh, tôi "đập" Xê tơi bời, vốn ca dao tục ngữ đem ra "xài lớn", nào là "miệng hùm, gan sứa", nào là:

"Nói đến thì đâm năm, chém mười

Đến khi tối trời chẳng dám ra sân".

Xê ấp úng phân bua lý do rớt lại do đau bụng, anh tổ trưởng chấp nhận khiến tôi cụt hứng.

Sau cuộc họp, vẻ mặt Xê dàu dàu, tôi để ý thấy cậu ta gói ghém ba lô thật kỹ trước khi đi ngủ. Tôi nghi cậu ta định đào ngũ, báo với anh, anh gật đầu nhưng không nói gì.

 

Tiếng là đóng nhà dân nhưng đêm đêm chúng tôi phải ngủ ngoài trời. Nhà ở Tháp Mười là những cái chòi nhỏ xíu, những đêm mưa phải vào nhà thật khổ: không lúc nào yên với mấy con heo lục đục cả đêm. Ba chúng tôi ngủ chung trong một cái mùng "trâu" giăng ngoài bờ gáo.

 

Đêm hôm ấy là đêm rằm. Trăng tròn vành vạnh nhô lên sau rặng tràm. Gió mát rượi. Bầu trời sáng trưng cao lồng lộng in bóng xuống đồng nước mênh mông. Những đêm như vậy, chúng tôi thường quây quần ca hát tới tận khuya. Nhưng hôm ấy chúng tôi đi ngủ sớm. Anh nằm ở giữa, Xê "co tôm" quay mặt vào vách mùng. Anh kéo mền của mình đắp cho Xê kể chuyện lan man, dẫn đến trận thử lửa đầu tiên của anh.

 

- Trận đầu tiên của mình là một trận chống càn. Hồi đó mình được phát một cây "mút" rỗ chằng rỗ chịt và 5 viên đạn, vậy là quý lắm rồi, ngay tiểu đội phó còn thủ một cây mã tấu. Bọn mình phục kích sau một bờ đất cao, địch dàn hàng ngang tràn xuống. Khi mặt trận nổ súng, mình xách khẩu súng trong tay, đứng chết trân như trời tròng không biết phải làm gì, yếu lĩnh xạ kích quên ráo. Thấy vậy tiểu đội phó giắt mã tấu vô lưng, giựt khẩu súng của mình xông tới nhắm bắn, hết năm viên trả lại khẩu súng cho mình. Mình xách khẩu súng hết đạn chạy theo anh em hai chân cứ túm lại. Nhưng mình ráng bám sát. Thấy bọn địch bỏ chạy như vịt, mình cảm thấy vui vui. Trận sau mình đã quen nên bớt sợ. Còn bây giờ thì vào trận tỉnh khô như đi đào chuột vậy.

 

Đột nhiên Xê sụt sịt hỉ mũi, anh quay sang ôm Xê, tôi ôm anh. Đêm hôm ấy, ba anh em chúng tôi đánh một giấc ngon lành.

 

Tôi gặp hên nên những trận thử lửa đầu tiên đều giành thắng lợi, tôi "lên gà", trong thâm tâm tự coi mình là một chiến binh lão luyện, coi khinh những người "thỏ đế", luôn tỏ ra mình khác họ, khi xung trận xông xáo nhiều lúc không cần thiết. Trong trận công đồn ở biên giới, tôi xông vào đồn trước anh, mặc dầu vị trí của tôi là phải bám theo sau anh. Bọn lính bảo an Miên đóng trong một cái nhà sàn, tôi sắp sửa vượt mấy cái nấc cuối cùng của cầu thang anh nắm chân tôi giựt lại, tôi té xuống đất đau điếng, anh tung một quả lựu đạn vào rồi mới vọt lên. Ấy vậy mà vẫn còn nhiều phát súng chống trả nhắm vào chúng tôi. Sự việc này khiến tôi tỉnh ngộ, nhận thấy kỹ năng chiến đấu chưa cao, còn lâu mình mới có thể trở thành một chiến binh già dặn.

 

Kể từ đó, mỗi khi sắp "lên mặt" về một thành tích gì đó, nhớ tới chuyện đó máu "công thần" nguội ngay.

 

Tôi có nhiều người cấp trên, nhưng người trực tiếp đầu tiên tức anh tổ trưởng tam tam ấy tôi tin yêu mến phục nhất. Anh là bạn, là thầy, người dìu dắt tôi trưởng thành.

 

Câu chuyện trên đây là kỷ niệm sâu sắc đời bộ đội của cha tôi, kể đi kể lại hàng trăm lần khiến tôi thuộc nằm lòng.

 

Hồi nhỏ được giáo dục truyền thống khá tốt nên tôi rất ngưỡng mộ những gương anh hùng. Những hình tượng anh Trỗi hiên ngang trước giờ xử bắn, Phan Đình Giót lấy thân mình lấp chỗ châu mai... được khắc họa đậm nét trong tôi. Câu chuyện của cha tôi cũng gây cho tôi một ấn tượng mạnh khiến tôi cứ nghĩ trong những giờ phút quyết định bác tổ trưởng của cha tôi đã hành động y như những vị anh hùng đã đi vào sử sách.

 

Dịp may sau ngày miền Nam giải phóng một thời gian, tôi được đến nơi bác ở. Bác trai đi vắng, chỉ có bác gái ở nhà. Các anh chị hoặc đi làm hoặc đi học. Bác gái tỉ tê tâm sự với tôi:

- Tôi bực ông xã nhà tôi quá trời, ai đời là cán bộ chủ chốt mà tới năm này còn ở tập thể trong cơ quan. Tôi kêu ca trách móc ổng đủ điều, tôi đâu cần nhà cao cửa rộng, nhưng sắp nhỏ cần có chỗ an cư. Ông bảo việc đó để tổ chức sắp xếp. Cóc mọc râu! Thời buổi này phải chạy chọt mới được, kêu ổng ráng chạy đi, nhưng ổng nói không có thì giờ. Sắp về hưu rồi mà còn theo họp lớp quản lý kinh tế. Chưa thấy ai như ổng, việc nhà thì nhác, việc cô bác thì siêng. Nghe ai có tâm tư gì thì ổng cũng tìm tới làm công tác tư tưởng. Kể cũng lạ! Vẫn những lý lẽ ấy mà ổng nói thì lại lọt vô lỗ tai người ta…

Sỹ Tâm
Số lần đọc: 2050
Ngày đăng: 21.12.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chuyến Ðò Tốc Hành - Nguyễn Lê Hồng Hưng
con hoạ mi nông nổi - Minh Chung
Vùng tục lụy - Vũ Đình Giang
Bên khung cửa mùa xuân - Minh Châu
Thằng đức - Trần Hà Lý Thái Bạch
Chuyện tình "Võ Đông Sơ" - Thảo Bích
Thuê bao đang bận - Nguyễn Văn Ninh
Một kiếp tằm - Huỳnh Anh
Chuyện ngày cuối năm - Nguyễn Lê Hồng Hưng
Câu chuyện tình thời chiến tranh. - Trung Trung Ðỉnh
Cùng một tác giả