Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.405 tác phẩm
2.747 tác giả
369
116.818.421
 
Hành trình “con chữ” Nguyễn Tiến Nên
Hoàng Xuân

 

 

Giữa những ngày gió mùa đông bắc đang tràn qua miền Trung và trong tiếng gầm gào của sóng biển đầu năm 2024, Hoàng Xuân có cuộc trò chuyện đầy thú vị với tác giả Nguyễn Tiến Nên. Quê ông ở xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch nhưng lại sống và viết hết mình trên quê hương một trong “bát danh hương” của xứ sở “chang chang cồn cát”. Tôi biết đến ông khi ông còn là một phát thanh viên của đài truyền thanh xã Cảnh Dương, dần dà được tiếp xúc và gần gũi với ông khi cùng nhau sinh hoạt dưới mái nhà chung là Hội Văn học nghệ thuật Quảng Bình. Hiện ông là Chi hội phó chi Hội văn học nghệ thuật Quảng Trạch – Ba Đồn, hội viên Hội Di sản Văn hoá Việt Nam.

 

Tôi ngưỡng mộ ông bởi nhiều lý do. Đi khoẻ, viết khoẻ và viết đa lĩnh vực từ thơ, truyện đến tản văn, bút ký cả báo chí, mọi hoạch định chiến lược trong văn chương cũng rất “khoẻ”. Chúng tôi thường đùa ông là “nhà chung cư văn hoá”, ông cười hiền và chỉ nhận mình là cây bút xoàng. Với tôi, ông không thể xoàng được. Sau sáu năm trở thành hội viên Hội VHNT quê nhà, ông đã cho ra đời khá đều đặn sáu đứa con tinh thần với sáu cung bậc văn chương khác nhau. Trong đó có tập thơ “Tái sinh”, đã được trao giải B (không có giải A), giải thưởng VHNT giai đoạn 2015-2020 của UBND tỉnh Quảng Bình. Đây là niềm vui, niềm hạnh phúc của một người viết luôn đau đáu với nghiệp chữ. Điều đặc biệt đối với Nguyễn Tiến Nên, đó là ông có một hành trình mang con chữ đi nhiều nơi sau khi các đứa con tinh thần ra đời.

 

Cuộc hành trình bắt đầu từ năm 2018, khi ông xuất bản tập thơ đầu tay “Bến”. Bến đã trở thành nơi neo đậu của rất nhiều người yêu thơ, và được lan toả với nhiều cảm xúc. Đó là những chuyến ông đi cùng Đại tá Cao Ngọc Thịnh, nguyên Huyện đội trưởng - Huyện đội Quảng Trạch đến với phân đội đảo Hòn La, thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Bình; Trạm Biên phòng cửa khẩu Cảng Hòn La, Đội bảo vệ Vũng Chùa đang ngày đêm đứng gác cho giấc ngủ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đồn Biên phòng Roòn; Đồn Biên phòng cửa khẩu Cảng Gianh hay Ban chỉ huy Quân sự huyện Quảng Trạch. Một mình ông còn vượt đèo Ngang lên với các chiến sỹ Vùng III Hải quân tại Trạm Ra đa 535. Ông đến với người lính bằng những trang sách của mình, bằng tấm lòng yêu thương, chia sẻ. Và ở đâu, ông cũng nhận được tình cảm chân thành, sự đón nhận hào hứng, phấn khởi của cán bộ, chiến sỹ các đơn vị quân đội cũng như người dân.

 

  Chỉ tính riêng trong năm 2020, ông “được mùa” xuất bản và thực hiện hành trình “con chữ” sung sức. Đầu năm cho ra tập ký “Cảnh Dương - Tình đất, tình người”. Sách vừa ra lò mới ráo mực, ông mang tặng Đại hội Đảng bộ xã Cảnh Dương gần 200 cuốn. Lúc này, do đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, không thể tổ chức buổi ra mắt tác phẩm. Ngày 3/2/2020, trong buổi toạ đàm kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam - Đảng bộ xã Cảnh Dương đã kết hợp tổ chức giới thiệu tập ký này của ông đến cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn xã. Không lâu sau đó, tháng 6/2020, ông tiếp tục cho ra đời tập thơ “Hơn cả tình yêu”, sách cũng vừa phát hành, ông mang 350 cuốn tặng Đại hội Đảng bộ huyện Quảng Trạch. Không dừng lại ở đó, dịp cuối năm ông cho ra đời tập thơ “Tái sinh”. Khi chắp bút đề tựa cho Tái sinh, tiến sĩ Hoàng Thị Thu Thuỷ đã viết “Đọc tập thơ Tái sinh tôi nhận ra, khi ngôn ngữ cất lời hoá vần thơ sẽ là nơi mà cái tôi thi nhân gửi gắm tâm hồn mình và tìm sự đồng điệu tâm hồn cùng độc giả…”. Và quả đúng như lời tâm sự ấy, tập thơ tiếp tục được tác giả mang tặng hầu hết các địa chỉ đã từng tặng “Bến” và tặng tủ sách văn học tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh. Ngoài ra, trong dịp Hội VHNT tổ chức đi thực tế tại huyện miền núi Minh Hoá tháng 6 năm 2022, ông cũng đã mang tất cả các ấn phẩm với hơn 30 đầu sách của mình đến tặng cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo.

 

Tiếp tục hành trình lan tỏa yêu thương, giữa năm 2023, Nguyễn Tiến Nên lại cho ra đời cùng lúc hai ấn phẩm với hai loại hình khác nhau, đó là tập truyện - ký “Thao thức biển” và tập thơ “Lời thỉnh cầu từ đất”. Sau khi xuất bản, ông đã tiến hành một “chiến dịch” biếu tặng hai ấn phẩm trên đến nhiều nơi trong và ngoài tỉnh. Lần này ông mở rộng cuộc hành trình “con chữ” đến Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Bình; phòng đọc của Đoàn Thanh niên Cảng Hàng không Đồng Hới; tủ sách Báo Quảng Bình; Đài PTTH Quảng Bình; các cơ quan Đảng, chính quyền, một số trường học trên địa bàn huyện Quảng Trạch và thị xã Ba Đồn. Không dừng lại ở đó, tháng 8 năm 2023 ông còn lặn lội ra Thủ đô để tặng các tác phẩm cho Tủ sách của Hội Nhà văn Việt Nam; vào thành phố Đông Hà tặng sách cho Phòng đọc “Khát vọng hoà bình” của Chi hội Nhà văn Việt Nam tỉnh Quảng Trị và thành phố Hồ Chí Minh tặng tòa soạn Báo Quân khu 7. Đặc biệt hơn, thời gian gần đây, ông đã ra thăm các đảo, tặng sách cho Bảo tàng huyện Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) và nhà trưng bày Hải đội Hoàng Sa, huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Một hành trình mà theo ông đánh giá là rất toại nguyện khi các tác phẩm của mình đã thực sự “thao thức” cùng với các chiến sĩ nơi hải đảo xa xôi. Ông lan toả những điều tốt đẹp của mình đến với các chiến sĩ quân đội cũng như nhiều nơi khác với tâm niệm rằng: khi tác phẩm đến tay người đọc là khi ông được “sống”. Ông tâm sự: “Nhìn những chiến sĩ và bà con đón nhận sách và đọc say sưa, mình cảm thấy vui mừng cho văn hóa đọc chưa hề mai một. Hạnh phúc lắm thầy giáo ạ!”. Vâng, đấy là cách sống của một người cầm bút luôn đau đáu trong trái tim về quê hương, về biển đảo, về con người và về cuộc đời như ông.

 

Câu chuyện truyền cảm hứng con chữ cứ miên man theo theo tiếng sóng khơi xa, một điều mà chúng ta hết sức khâm phục ông nữa, đó là hầu hết các ấn phẩm ra đời, ông đều tổ chức lễ ra mắt trang trọng, mời nhiều khách quý, các nhà văn, nhà báo về dự, biến các buổi ra mắt thành những buổi hội thảo văn học hấp dẫn, để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng bạn bè và những người yêu mến văn chương. Cũng tại các buổi ra mắt ấy, hàng trăm cuốn sách đã được ông ký tặng, lan toả đến độc giả niềm đam mê và tình yêu văn chương ở người thơ Nguyễn Tiến Nên.

 

Xuân Diệu đã từng viết “cơm áo không đùa với khách thơ”, với ông văn chương như là một ân huệ của cuộc đời, ông tâm sự “càng viết càng thấy khoẻ, càng tặng càng thấy niềm vui được nhân lên”. Bởi thế, cô bác đồng hương hay bạn văn của ông trong Nam, ngoài Bắc, khi có nhu cầu, chỉ việc inbox thông tin, lập tức ông sẽ gửi ấn phẩm biếu tận nơi.

Trong cuộc hành trình dặm dài chữ nghĩa phía trước, ông còn cho hay, đang tiếp tục thai nghén để in tập thơ mới, viết theo thể thơ “1-2-3” do nhà thơ Phan Hoàng - Uỷ viên BCH Hội Nhà văn Việt Nam khởi xướng. Dù đã bước vào tuổi “cổ lai hy”, nhưng trong hành trình “con chữ” ấy, tác giả Nguyễn Tiến Nên chưa cho phép mình thư thái, ông còn đau đáu một nỗi niềm, bởi bên cạnh những việc đã làm, còn nhiều việc chưa làm được, nhiều mục tiêu và kỳ vọng đang ở phía trước, phía những người thơ đang lay động làm ông không khỏi rung cảm và đòi hỏi ông phải tiếp tục nối dài những hành trình mới, hành trình “con chữ” Nguyễn Tiến Nên.

                                                                                    

Chú thích ảnh gửi kèm theo:

 

 

Ảnh 01. Tác giả tặng sách cho Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Bình

Ảnh 02. Tác giả tặng sách cho cơ quan Toà soạn Báo & Truyền hình Quân khu 7

Ảnh 03. Tác giả bài viết (bên trái) với Nguyễn Tiến Nên (bên phải) và các bạn văn

 

Hoàng Xuân
Số lần đọc: 111
Ngày đăng: 22.01.2024
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tôi đi buôn và nhọc nhằn mưu sinh (Phần 2: tiếp theo và hết) - Hoàng Thị Bích Hà
Tôi đi buôn (Phần 1) - Hoàng Thị Bích Hà
Tranh hoa giấy – sự sáng tạo không ngừng của họa sĩ – nghệ nhân Thân Văn Huy - Trang Thùy
Chuyện xem phim bãi - Nguyễn Quốc Lãnh
Trải nghiệm xe khách thời nay – chạnh nhớ xe khách thời xưa - Hoàng Thị Bích Hà
Chuyện cậu nhóc đi “giang hồ vặt” gần nhà rồi xa hơn nữa - Phạm Nga
Năm học thứ hai - Nguyễn Quốc Lãnh
Nhờ văn chương mà thoát chết - Hoàng Thị Bích Hà
Hồi ký về cuộc mạo hiểm trên biển cả. - Hồ Bạch Thảo
Cảm xúc cánh diều 2023 - Nguyễn Anh Tuấn