Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.395 tác phẩm
2.747 tác giả
633
116.737.749
 
Đêm kỷ niệm
Nguyễn Hồ

Ban đầu, tôi không nhận ra đó là tiếng gõ cửa. Nó kêu khẽ quá, chìm hẳn trong đủ loại tiếng động lụp cụp suốt ngày đêm của khu nhà tập thể tôi đang ở. Hồi lâu sau, khi xác định được tôi ra mở.

- Xin lỗi, đây có phải là phòng của ông Tánh…

- Dạ, chính tôi là Tánh đây.

- Ồ! Thật là may mắn. Tôi xin phép được tự giới thiệu tôi là Phương… chị của Minh.

- Minh nào kia ? Tôi tự hỏi, không tiện nói ra. Xin mời cô… vào nhà.

Chỉ chỗ cho cô gái lạ ngồi vào ghế, tôi vào trong mặc áo, lòng băn khoăn không biết mình đang tiếp ai. Cô gái có vẻ từ nước ngoài về, quần đixcô, áo cổ hở, rộng lùng thùng. Đặc biệt, đôi mắt to và đen.

 

Khi tôi trở ra, cô gái chỉ vào một bức ảnh treo trên tường.

- Chắc ông chưa nhận ra tôi. Tôi là chị ruột của người này, một chiến hữu của ông.

Lúc đó, tôi đã hiểu tất cả, nhớ ra tất cả. Thì ra đây là chị ruột của Chiến, người đồng đội đã ngã xuống bây giờ hãy còn nằm lại rừng chiến khu C.

- Xin lỗi, vì tôi bị đột ngột quá. Tôi đâu có ngờ cô về nước và tìm đến đây. Với lại, từ lâu tôi vẫn gọi Minh là Chiến…

- Anh tha lỗi. Phương đã gọi tôi một cách thân mật hơn. Tôi quen gọi tên của em tôi như hồi tôi còn ở Phnôm Pênh. Theo địa chỉ mà anh nhắn tin trên báo Việt kiều ở Pháp tôi cố gắng về cho kịp… ngày giỗ. Chuyến bay này có cả ba má tôi. Tôi tới đây để mời anh đến khách sạn Indépendant đúng sáu giờ chiều nay. Chúng tôi chờ anh.

 

Phương nói tiếng Việt một cách khó nhọc luôn ngập ngừng vì phải chọn từ ngữ. Cô còn muốn nói thêm gì nữa nhưng phải đi ngay vì vội.

 

Tiễn Phương ra cửa xong, tôi trở về phòng ngồi thừ người ra một lúc lâu. Đây là lần kỷ niệm thứ mười kể từ ngày đội du kích chúng tôi bị tổn thất nặng nề nhất trong đợt chống cuộc càn Zanxơn City đầu năm 1967. Hằng năm, tôi và Trực, hai người duy nhất còn lại đều có tổ chức kỷ niệm. Kể cả năm ngoái, năm đàu tiên ra thành phố, đêm kỷ niệm cũng đã được tổ chức ngay tại gian phòng này.

 

Tôi được biết, gia đình Minh ở Campuchia đã trải qua hai đợt khủng bố nặng nề của bọn Lon Nol và Pôn Pốt. Nhiều người bị giết. Một phần gia đình đã chạy sang Pháp. Vì thế, ngay trong tháng đầu tiên về Sài Gòn, tôi đã nhờ một người Việt Nam tại Pháp nhắn tin trên báo, chúng tôi là những đồng đội của Minh. Tuy đã nhắn tin, song tôi không hy vọng sẽ có người nhận vì quá xa xôi cách trở. Hơn nữa, đối với gia đình này, Minh không phải là trường hợp mất mát duy nhất. Mặc dù đã từng chờ đợi giây phút này song tôi không khỏi sững sờ vì nó đến quá đột ngột, như trong mơ.

 

Hơn mười năm trước đây, một cậu con trai Phnôm Pênh mười sáu tuổi, người đậm, da ngăm tóc dợn sóng, đôi mắt to đen, mi dài như con gái được tổ chức Việt kiều yêu nước gửi về cơ quan báo chí. Đó là Minh. Đến căn cứ chiến khu miền Đông Minh diện rất sang: quần áo tergan màu xanh ôliu, giày xănđan, đồng hồ tự động. Chiếc túi du lịch thay cho ba lô, căng tròn mọi thứ đồ dùng: quần áo, rađiô, viết máy… đều mới nguyên. Nhân viên tạp vụ trong cơ quan báo chí vốn xuất thân từ nông dân, nhìn Minh bằng ánh mắt thiện cảm như đối với một con búp bê. Còn Minh, cặp mắt mở to ngơ ngác như một chú nai con. Trong cái cửa sổ tâm hồn của cậu con trai mười sáu long lanh một tia mừng trong như ngọc.

 

Dạo đó, rừng chiến khu đang trút lá. Một mùa khô hanh đầy biến động đang đến làm đảo lộn mọi nếp sinh hoạt vốn bình yên của vùng căn cứ an toàn, nằm dọc bờ sông Vàm Cỏ Đông. Phía bên kia là đất Campuchia với hàng cây thốt nốt xanh đen, in trên nền trời có vô số hòn đảo mây trôi, thay hình đổi dạng…

 

Rừng đại ngàn được mọi người giữ từng vòm lá xanh mượt mà ngụy trang cho những mái nhà lá trung quân đỏ như ngói không còn là nơi bất khả xâm phạm nữa. Từng mảng rừng bị máy bay B52 Mỹ phá trụi, thêm vào đấy những hố bom sâu hoắm. Mối đe dọa tính mạng con người không phải chỉ là rắn chàm quạp và muỗi anôphen. Quân viễn chinh Mỹ đã đến. Chúng đóng quân ngay giữa lòng chiến khu và nói chuyện với rừng bằng pháo và trực thăng.

 

Cậu bé Minh, người nhỏ tuổi sau cùng đã về rừng trong bối cảnh này. Cơ quan báo động và di chuyển liên miên. Tài sản chung và riêng đều được gói ghém trong ba lô mỗi người. Công việc chính lúc bấy giờ là đào hầm, tải gạo, cưa cây, hái lá làm nhà mới. Việc gì cũng làm, chỉ có việc duy nhất chưa thể làm được là công tác chuyên môn.

 

Minh được đưa về tiểu đội của tôi, một tiểu đội vừa được tổ chức để làm những công việc nặng nhọc nhất trong những ngày báo động. Đây là một tiểu đội du kích cơ quan mà thành viên gồm vài anh nhà báo, mấy anh cán bộ còn sức khoẻ và một tổ bảo vệ chuyển qua. Tất cả chúng tôi đều trải qua những cơn sốt rét rừng khủng khiếp nhất, cũng là những người rất thạo rừng. Mỗi anh ít nhất là giỏi về một môn. An, con trai miền Nam tập kết, tốt nghiệp đại học báo chí rất thạo nghề săn bắn, làm bẫy bắt cheo, gà và thổi cò ngãn, đào mối chúa. Đối với An, chỉ cần có một đêm yên tĩnh không có trăng và máy bay trinh sát thì có nghĩa là đêm bất tuyệt. Anh đội đèn săn để tìm những con thú chịu đèn, rực lên đủ màu sắc kỳ ảo. Những đêm như thế, mọi người xông cho vã mồ hôi ra bằng nồi cháo cheo ngọt lịm. Thành, vốn là con trai nghèo của Sài Gòn đi cách mạng, có nghề mộc. Vào rừng, hầu như Thành chỉ sống với cây cối, cưa đục. Thành nhận mặt được hết tất cả các loại gỗ quý: gỗ đỏ, căm xe, bằng lăng, kể cả các loài ăn được như chôm chôm rừng, viết, gùi, sai, dâu, bứa, rỏi. Đặc biệt nhất là các loại hoa lá, nấm lành, như hoa bồng bồng, nấm trứng cá, lá đường, lá kim cang. Trực, thì là anh chàng thực dụng trong nghề hạ bạc, chỉ thích bắt chem chép, mò cua, câu cá chạch lấu, cá mè dinh hay dụ dỗ kỳ đà và con tôm càng. Đối với Trực, mọi sự nuôi đời chẳng qua là chất "đạm cao cấp". Những lúc khó khăn, anh sẵn sàng nhai cả con mối cánh, con vạt sành, cả thằn lằn, rắn mối, nướng sơ qua lửa, hoặc ngọn đèn dầu bé bỏng. Chỉ có tôi là thích mơ mộng về rừng. Trong đầu tôi lung linh những cảnh đẹp: rừng bằng lăng hoa rơi tím đất, một đoạn sông Vàm Cỏ xanh biếc in vào đáy nước những khóm mai vàng rực rỡ, những khóm rừng với hoa tua rua màu hồng nhạt, những trảng sim và hoa mua màu tím.

 

Những người "du kích" loại tài tử như vậy được tập hợp lại. Các tính cách thật đa dạng đã làm cho cậu Minh vốn chỉ trang bị cho mình tinh thần yêu nước được ghi trong sách giáo khoa thêm choáng ngợp. Minh như một đóa hồng nhung được đặt trong lọ hoa đồng nội. Nét tươi xinh hào nhoáng nổi bật lên khác lạ, chỉ làm Minh lo lắng. Thật tội nghiệp cho cậu con trai tâm hồn trong suốt ấy. Giữa chiến trường với cái chết đang rình rập, Minh không sợ, chỉ sợ mình khác lạ và nổi bật hơn đồng đội. Minh không dám sử dụng các thứ đồ dùng mang từ Phnôm Pênh về, vì nó sang quá, lạ lẫm quá. Minh nài nỉ xin cho được bộ quần áo vải thô cũ. Ba bộ quần áo mới, rađiô, bút máy, đồng hồ loại đắt tiền, Minh đều giấu đi và đề đạt nguyện vọng chia đều cho mọi người trong tiểu đội. Cuối cùng, để  xóa bỏ khoảng cách giả tạo này, tôi phải đứng ra chia đều cho anh em mỗi người một thứ lặt vặt, nhưng bên trong thì dứt khoát tìm cách giữ cho Minh một thời gian cần thiết để Minh ổn định tư tưởng. Nghe được quyết định này, Minh toét miệng cười. Rồi Minh bắt đầu tập cách sống ở rừng, tập ăn canh chua lá bứa, nấm trứng gà, trứng ngỗng, canh bồng bồng, canh le nếu kiểu "không người lái". Minh ăn ngon lành, mồ hôi ướt đẫm cả áo, ăn như đã từng chịu nạn đói năm bốn mươi lăm. Em ăn ngon thật tình. Cái tuổi mười sáu, ăn chưa no, lo chưa tới là như vậy.

 

Nhưng thật tội nghiệp, em ăn được nhiều, ngủ được nhiều mà vẫn cảm thấy thiếu ăn thiếu ngủ. Có đêm, Minh nằm mơ thấy được ăn nguyên một khúc chả lụa với bánh mì Nam Vang. Giựt mình thức dậy, Minh chí thú kể lại mà cổ còn ừng ực nuốt nước miếng thèm thuồng.

 

Chả lụa là gì, trong tiểu đội có anh em chưa hề biết, nhưng ai cũng thông cảm tấm lòng của đứa em trai cưng này. Mọi người đều dành cho em tình cảm quý mến như một đứa em út trong gia đình. Nhưng đôi khi Minh vẫn thấy mình chưa hòa nhập vào đồng đội. Nước da em dẫu sao cũng còn bóng dợn cái chất màu mỡ của đời sống sung túc. Có lần Minh đã kín đáo lấy tấm gương nhỏ xíu của mình coi mặt em và đồng đội để so sánh. Đôi mí mắt đen và dày cụp xuống bâng khuâng. Thật tội nghiệp, Minh muốn em có một khuôn mặt xanh tái, môi thâm, đầy xương xẩu như đồng đội.

 

Em chẳng cần mất thì giờ chờ đợi điều ấy. Chỉ sau một đợt dời căn cứ, Minh thi thố nhiệt tình lao động: cưa củi, vác cây, cột nhà, tải gạo và đào hào như điên, Minh đã ngã ra sốt. Trận sốt rét đầu tiên của các chiến sĩ mới đều như thế cả. Lạnh run đùng đùng trên võng, rung cả cây rừng. Sau đó nóng sốt cao, người rực lên như ổ bánh mì nướng trong lò. Nhưng cơn sốt tiếp theo đã quật ngã Minh nằm thẳng cẳng, mắt lờ đờ, da xanh tái, môi thâm xịt.

 

Như thế đấy, rốt cuộc rồi ai cũng phải "đóng thuế rừng", thứ thuế má quá cao, tính bằng cả một thời xuân xanh. Nhưng thật không ngờ, Minh lấy làm đắc ý, lại lấy gương soi. Em đã hài lòng. Như thế là "đôi khơnia" là giống nhau rồi. Đôi khơnia, tiếng Khơme có nghĩa là giống nhau, bằng nhau, in nhau.

 

Dứt sốt, Minh ăn như điên, em ăn cái gì cũng ngon và ăn thật nhiều, ăn như chưa từng được ăn, kể cả cơm gạo hẩm với măng kho muối, kể cả canh chua lá bứa nấu với bột ngọt. Anh em trong tiểu đội nhìn Minh ăn, ai cũng thương. Điều này dễ hiểu quá, vì mỗi người đều trải qua trong cuộc đời tân binh của mình cái cảnh lạ lùng này. Ai cũng tưởng nó chỉ trải qua trong cuộc đời riêng của mình, trong thời kỳ khó khăn nào đó của cách mạng. Nào ngờ nó đã lập lại nguyên xi đối với Minh. Nghĩ vậy, cả tiểu đội dồn sức săn sóc cho đứa em út. Tất nhiên, trong thời kỳ báo động và sẵn sàng chiến đấu, muốn cải thiện cái ăn cho Minh và toàn tiểu đội, trước hết phải "xé rào", phải làm ngơ một số điều quy định về bảo vệ căn cứ. Anh chàng thợ săn An đã âm thầm mở một luồng bẫy bí mật với cơ quan và cả với bọn biệt kích, một luồng bẫy ngắn độ vài mươi mét, trong vòng kiểm soát và bảo vệ căn cứ. Để cho luồng bẫy ngắn ngủn, hở đầu hở đuôi này có hiệu quả, An phải kết hợp với lưới cò ngãn. Anh trổ tài nhái tiếng cò ngãn trống bằng miệng. Cò ngãn mái si tình bị sa lưới. Một buổi sáng, An đã xách về cả một chùm cò ngãn, con nào con nấy mập tròn.

 

Còn Thành thì đã mang về cho Minh một món quà đặc biệt quý: rau tươi giữa mùa khô trong rừng già. Đó là món bông bồng bồng, bông giống như cải suplơ Đà Lạt, nấu ăn rất ngọt, không cần gia vị, một thứ đặc sản mùa khô của chiến khu, mọc khá nhiều ở vùng rừng biên giới bên này Vàm Cỏ Đông.

 

Cò ngãn hầm nguyên con với "suplơ rừng" là món ăn quý và hiếm. Minh cầm nguyên con cò nhai rau ráu, ực một hơi hết cả ca nước súp. Tội nghiệp, Minh chỉ vừa bù lại một phần sức lực thì đợt sốt thứ hai lại đến. Cò ngãn và bông bồng bồng hiếm hơn. Bây giờ đến lượt Trực trổ ngón nghề "hạ bạc". Mùa khô không dễ gì ra sông kiếm cá, Trực đành phải tìm những thứ có chất đạm còn khá nhiều quanh căn cứ. Đó là rắn mối. Rắn mối nướng, thịt trắng và thơm như cá, nhưng ít ai ăn được vì nhìn nước da đen ngời của nó, ai cũng lợm giọng. Thế mà Minh cũng ăn ngon lành. Nhưng rắn mối cũng không dễ bắt và khó chế biến. Chàng thợ săn An nghĩ ra cách đào mối chúa. Giữa mùa khô, đất gò mối rắn như đá, lưỡi cuốc bổ xuống nháng lửa và bật ra. Đào nửa buổi chưa xong một gò mối. Nhưng nhờ thông minh, An đã phát hiện ra chỗ vỏ mỏng nhất của tổ mối. Nó nằm về hướng Tây Nam, khoảng một phần ba thân từ dưới lên. Thế là, chỉ cần bổ năm cuốc là phụp, chỉ cần dùng cây cù ngoéo kéo rọ mối chúa ra. An cho Minh ăn mối chúa sống, Minh không nuốt vội, em chỉ ngậm và chép để thưởng thức vị béo thơm đặc biệt của mối chúa. Về sau này, An đâm gạo thành bột, tẩm bột chiên mối chúa ăn thực ngon, ngon hơn cả dế cơm lăn bột chiên. Nhờ ăn khoẻ, sức lực Minh được khôi phục nhanh. Từ đó, cơ thể em thích nghi dần với môi trường rừng chiến khu.

 

Mùa mưa năm sáu mươi sáu, chúng tôi xây xong căn cứ mới. Bọn Mỹ cũng rút ra xa, cơ quan xôn xao khôi phục lại sinh hoạt bình thường. Tiểu đội giải tán để làm công tác chuyên môn, chỉ còn lại tổ trực chiến do tôi phụ trách. Minh được đưa đào tạo dài hạn. Nhưng cậu bé này không chịu nhận nhiệm vụ mới.

- Anh Tánh à. Em muốn đi bộ đội chủ lực. Anh xin giùm em.

- Đâu có được chú em. Tôi nói dứt khoát với Minh. Em chưa đủ tuổi.

Minh bự mắt buồn xo. Suy nghĩ trằn trọc cả đêm, Minh yêu sách:

- Vậy thì tiếp tục cho em làm bảo vệ. Em khoái cưa củi, làm nhà hơn. Em không thích làm "giấy tờ".

- Em phải tập làm đi chớ. Em còn phải học nhiều nữa, lớn lên mới thành nghề.

- Ý. Không được đâu. Em đâu có muốn làm nhựt trình. Ở Phnôm Pênh, em chúa ghét coi báo. Em thích làm lao động.

- Thì em làm báo cũng là làm lao động.

Minh bí nên nói liều:

- Em thích lao động chân tay. Cho em cưa củi, em khoái hơn.

- Em cứ cưa củi hoài, sau này về thành phố em có nghề ngỗng gì, làm sao em làm việc.

- Không sợ. Em thích sau này về thành phố em làm công nhân khuân vác bến cảng. Em vác một lúc hai bao lúa cho anh xem.

 

Ở cơ quan, không ai có sở thích kỳ cục như Minh. Các em gốc nhà nông đều nêu rõ nguyện vọng làm bác sĩ, kỹ sư và rất ham học. Còn Minh thì ngược lại, chỉ muốn làm thợ. Sau này gặn hỏi mãi vì sao em như thế, Minh mới nói: Em sung sướng quen rồi. Bây giờ em phải cực để mấy anh mấy chị sướng. Vậy mới công bằng, mới "đôi khơnia" chớ.

Lúc rảnh rỗi, tôi nói chuyện với Minh về lý tưởng cách mạng, nói rõ với em không phải cái gì cũng "đôi khơnia", Minh thấm ý cười sùng sục trong võng.

- Anh Tánh nè. Em chịu đi học với điều kiện. Anh "yun-prơm" đi, đồng ý em sẽ nói cho nghe.

- Ừ, anh đồng ý.

- Em gả chị Phương của em cho anh. Chị Phương của em không đen như em đâu. Em viết thư cho chị Phương rồi. Em "tỏa" anh rất kỹ.

- Tả chứ sao lại "tỏa".

- Ý em quên. Em tả là anh Tánh rất hiền, cái gì cũng có duyên, hô duyên, có hàm răng lòi sỉ duyên…

- Cái thằng chết bầm, em coi chừng bị kiểm thảo đó nghen.

Tôi dọa, Minh chỉ tiếp tục cười hi hi khoái trá rồi tiếp:

- Anh biết em viết thư nói cái gì nữa không? Em nói chị Phương phải về rừng đánh giặc, ở hoài trên Phnôm Pênh, chờ người ta cất nhà xong mới về ở là "min lò ông tê" không tốt đâu. Em còn nói anh Tánh nhắn chị một câu "On xrolanh boong tê?" là em có thương anh không?

Tôi nắm tay doạ Minh. Càng dọa dẫm, nó càng hăng lên nói huyên thuyên, cười như nắc nẻ chảy cả nước mắt.

*      *

Tôi đến khách sạn Độc Lập hơi muộn một tí vì phải đi tìm Trực và mua một vài thứ cho ngày kỷ niệm, trong đó không thể thiếu món chả lụa mà Minh thích. Từ ngày về thành phố, Trực đã đổi công tác, anh làm việc ở một lâm trường khai thác gỗ. Tôi giao Trực những kỷ niệm của Minh và Trực giữ gìn rất tốt. Hôm nay, chúng tôi đã mang theo tất cả những gì chúng tôi còn giữ được. Phương đón chúng tôi ở cầu thang máy và đưa chúng tôi vào phòng khách của một căn hộ khá sang nhìn ra cảng Sài Gòn. Ông Năm, cha Minh, một ông lão phương phi, tóc bạc, da hồng, ôm tôi và Trực hoài không buông ra. Bà Năm, mẹ Minh, đứng nhìn chúng tôi trân trối, nước mắt lưng tròng. Minh giống hệt bà mẹ. Khuôn mặt phúc hậu của bà long lanh đôi mắt đã ngả màu xám. Bà nhìn chúng tôi rồi nhìn bức chân dung của Minh mang từ Pháp về đối chiếu. Nhưng khi tôi mở xắc lấy ra tấm ảnh chụp Minh từ trong rừng cho bà xem thì bà lên cơn mệt tim. Phương phải dìu bà vào trong để cho thuốc trợ tim.

- Không sao đâu các cháu, chỉ cần mấy giọt côramin là bà khoẻ ngay. Từ ngày thằng Minh hy sinh, mẹ nó hay bị những cơn sốc. Nhưng bà biết tự kiềm chế: Mười người trong thân tộc bị đập đầu ở Campuchia không làm trái tim bà ngừng đập. Nó chỉ "xăn xíp" hơn thôi.

Quả vậy, một lát sau, bà trở lại với nụ cười hiền lành, tuy khuôn mặt phúc hậu phớt xanh. Bà bới lại tóc, giọng nói pha tí đả đớt như những bà già Nam bộ, miệt sông Hậu:

- Mèn ơi, cái bệnh của bác nó kỳ lắm, mấy cháu đừng buồn. Bữa nay là ngày xum hiệp, gặp lại mấy cháu đây, bác coi như là gặp lại thằng Minh.

Bà nói tới đây, mắt đỏ hoe, nhưng cố gượng cười như có lỗi. Bà chậm nước mắt nói dã lã một mình: Đó… lại hư nữa rồi, cái bà già này thiệt lẩn thẩn. Lúc đó, Phương cũng vừa treo hai bức chân dung của Minh lên tường. Bên bình hoa thược dược vừa hé nở, nhang khói thoảng đưa.

Ai chụp bức chân dung Minh thật có thần. Một khoảnh khắc của tuổi mười sáu được tóm thâu khái quát cả đời người. Con mắt trong ảnh mở ra thật to, như nhìn chăm chú vào nơi sâu thẳm nào. Cái miệng thì hơi mím lại như vừa chợt nhận ra sự gian khó trên bước đường đời. Ông Năm cho biết đây là bức ảnh chụp trước lúc Minh lên đường, đúng y hệt như lần đầu tiên tôi đã gặp Minh trong chiến khu.

 

Bây giờ, dưới bức chân dung này là những nén hương thơm đang ngào ngạt khắp gian phòng. Cặp mắt chân dung của Minh đang ngơ ngác nhìn những sợi khói mỏng mà vẫn chưa hiểu đó là dấu hiệu gì trong cuộc đời. Qua màn khói hương, cả thành phố đang lên đèn, những ô cửa sổ lấp lánh như bầu trời sao.

- Tôi không ngờ được, chuyến về nước đầu tiên được gặp các cháu một cách dễ dàng quá. Thật là mừng.

Ông Năm mở đầu câu chuyện trong khi bà Năm gắp bỏ vào chén mọi người những miếng chả lụa. Tôi và Trực cũng gắp bỏ vào chén của Minh, khẽ chạm cốc với Minh.

- Hai năm sau khi Minh chết, tôi mới nhận được giấy báo tử. Ông Năm tiếp. Không nói hết được nỗi đau đớn của những người trong gia đình. Minh là đứa con trai ngoan của gia đình, mọi người đều dồn hết tình yêu thương cho nó. Nhưng, thông thường, những đứa con ngoan như vậy đều chết yểu. Vì nó bạc số mà thương tiếc tăng lên. Mười năm qua, khi còn ở Cambốt cũng như sang Paris không lúc nào cháu Minh không được nhắc nhở trong gia đình. Đối với mẹ nó, nó như không chết, mà còn sống hoài trong tuổi mười sáu.

 

Đối với chúng tôi - tôi thầm nghĩ - Minh sống hoài ở tuổi mười bảy.

- Nhưng phận làm cha mẹ nhắc chúng tôi dù hoàn cảnh buộc phải sống xa Tổ quốc - Ông Năm tiếp - cũng không thể nào quên một đứa con vĩnh viễn nằm lại ở quê cha đất tổ. Chính vì vậy mà sau khi được tin nhắn của các chiến hữu của Minh, tôi và mẹ nó nhứt định phải thu xếp để về nước. Chúng tôi về lần này để lo chỗ nơi để lần sau thì ở hẳn. Đáng lẽ ra cháu Phương không đi lần này, vợ chồng cháu đều bận công việc sinh nhai và con mọn.

- Biểu nó ở nhà mà nó có chịu đâu - Bà Năm xen vào - Nó muốn về đẻ biết mặt cậu Tánh, dẫu sao cũng là người anh của Minh.

- Má kỳ quá hà - Phương sượng sùng - Em muốn về để hiểu thêm về Minh. Phương quay sang nói riêng với tôi! Trong giấy báo, người ta nói Minh hy sinh, nhưng ba má đều không rõ Minh hy sinh trong trường hợp nào. Gia đình rất cần biết để đàn em cháu sau này còn nối nghiệp những người cách mạng.

 

Ý kiến thành thực của Phương làm tôi và Trực đâm ra lúng túng. Từ lâu, khi nung nấu ý muốn gặp lại gia đình Minh, chúng tôi còn một băn khoăn là có nên nói thật về cái chết của Minh hay không. Giá như sự hy sinh cho một chiến công dù nhỏ tới đâu cũng rất dễ nói. Đằng này Minh hy sinh trong một trường hợp khá đặc biệt không gắn với một công trạng nào. Đó là điều chúng tôi lo sợ mà không ai dám nói ra. Tôi nghe âm ấm ở bàn chân, Trực đạp chân tôi để đánh tín hiệu nguy cấp. Tôi đã có suy nghĩ trước, nên chỉ buồn hơn là bối rối. Tôi quyết định nói tất cả với lòng tin sâu sắc rằng mọi việc rồi sẽ xong xuôi.

- Sau khi Minh hy sinh, tôi đi công tác xa - Tôi nói một cách thận trọng - Việc báo tử do anh em ở nhà thực hiện. Cho đến nay, chúng tôi cũng không hiểu hai bác và cô Phương biết rõ thực hư về cái chết của Minh như thế nào?

- Cháu nói sao? Ông Năm hỏi trong sự ngạc nhiên. Có một bức thư kèm theo giấy báo tử, nói rằng Minh diệt được một xe tăng, lập tức được chiến công. Đau thì rất đau, nhưng gia đình tôi hết sức mừng vì đã sinh ra được một đứa con xứng đáng góp công giải phóng miền Nam.

- Đúng như vậy đó - Bà Năm đả đớt - Tôi cũng mừng. Gia đình ly hương gần năm chục năm nay, đóng góp cho Tổ quốc chẳng qua là tiền bạc, có thấm vào đâu so với xương máu đã đổ. Được góp phần xương máu vào đánh thằng Mỹ, tôi thiệt tự hào.

Chỉ có Phương là không nói gì. Cô nhìn tôi và Trực bằng cặp mắt thông minh và nghiêm khắc. Tôi sợ ánh mắt này nhất. Không phải riêng gì trường hợp Minh, cuộc chiến đấu đến lúc phải được phanh phui, mổ xẻ hết những khía cạnh bi kịch của nó để thấy hết cái giá nó phải trả. Mọi sự hy sinh không thể chỉ đổi lấy chiến công mà còn đổi cả sự mất mát phi thành tích nữa, đây cũng là một thứ chiến công. Tôi nói:

- Nguồn tin mà hai bác và cô Phương nhận được là một nguồn tin không đúng sự thật. Có lẽ anh em muốn làm giảm nỗi đau đớn của gia đình trong lúc ấy mà thôi.

- Sao, chú Tánh nói sao? Sao lại như thế được?

Cả hai ông bà Năm đều trố mắt nhìn tôi rồi nhìn Trực. Tôi thấy Trực bẽn lẽn cúi xuống ly rượu. Ánh mắt sắc lạnh trang nghiêm của Phương động viên tôi nói. Ánh mắt như van lơn, cầu khẩn, thiết tha chân lý.

- Hai bác hãy nghe cháu nói đây. Trận đó chúng cháu đánh thua.

Tôi tường thuật trận ấy một cách hết sức bừng tĩnh vì đã suy nghĩ về nó trong mười năm nay. Đó là mùa khô năm 1967, quân Mỹ mở cuộc hành quân chiến lược Zanxơn City đánh vào chiến khu miền Đông. Mục tiêu tấn công sau cùng của chúng là một góc rừng chiến khu C, nằm trên nguồn sông Vàm Cỏ Đông giáp với Campuchia. Phải nói rằng, đây chưa pahỉ là địa bàn quân sự trọng yếu nhưng là căn cứ địa của tinh thần cách mạng. Ở đây có một cơ quan lớn, làm đau đầu bọn chiến lược chiến tranh tâm lý của Mỹ. Đó là cơ quan của những nhà văn, những nghệ sĩ, nhà tư tưởng, nhà chính trị. Cơ quan của những cây bút, sân khấu, và màn ảnh, của những người vừa chịu đựng mọi thứ bom đạn như một người lính nhưng lại làm những việc tư duy sáng tạo. Chiến công của họ là những chữ viết, là những thước phim, là những lời nói có sức truyền cảm, có sức thuyết phục, có tác dụng như súng đạn. Ở hữu ngạn sông Vàm Cỏ này, còn có những cái gai thật nhọn đánh vào cân não bọn Mỹ, đó là làn sóng của đài phát thanh mà bao nhiêu cuộc dò tìm đánh phá đủ cách, bọn Mỹ không làm sao tiêu diệt được.

 

Trong giai đoạn cuối cùng của cuộc hành quân Zanxơn City, bọn Mỹ đưa hàng trăm xe tăng và hàng sư đoàn bộ binh, có sự yểm trợ tối đa của máy bay ném bom chiến lược B52 và pháo binh để đánh vào những người này. Chúng tôi là một trong hàng chục đội du kích mà những người cầm súng vốn là người cầm bút. Minh, tuy chưa phải đứng trong đội ngũ những người cầm bút, nhưng là những người kề cận, trước hết là những người lao động nặng nhọc vì những người cầm bút.

- Chao ôi. Bà Năm kêu lên. Vậy ra, các cháu không phải là bộ đội sao? Vậy mà các cháu cũng đánh được giặc sao?

Ông Năm nhìn tôi một cách lặng lẽ. Còn Phương thì hứng khởi lên. Cô nói:

- Em đâu ngờ, cuộc chiến quá đặc biệt. Vậy mà Minh nó có kể gì đâu. Minh chỉ nói anh Tánh là thủ trưởng đơn vị. Em cứ tưởng anh là nhà binh.

- Không phải thế đâu. Cả đội du kích chúng tôi chỉ là lính nghiệp dư, đánh giặc theo kiểu: "Giặc tới nhà đàn bà phải đánh".

Mọi người cùng cười hồn nhiên. Những nụ cười động viên tôi rất nhiều. Tôi kể tiếp:

- Thật ra, phải nói như vầy mới đúng. Chúng tôi không chiến đấu đơn độc. Bộ đội chủ lực đã đưa một trung đoàn bộ binh và nhiều binh chủng khác đến bảo vệ cơ quan. Cái chính là chúng tôi phải tự bảo vệ. Vì vậy mới có chuyện cầm súng.

Nghe nói đến cầm súng, bà Năm cầm tay tôi:

- Trời ơi. Ngón tay này dài, ngón tay cầm viết, chớ đâu phải cầm giáo cầm gươm. Còn thằng Minh, nó như một con chim non…

Phương theo dõi câu chuyện say sưa đến nỗi cô phải nguýt mẹ lưu ý bà hãy im lặng:

- Những nghệ sĩ, thợ kỹ thuật, những cô văn công cầm súng, không phải ai cũng là chim non đâu bác ạ. Tôi nói để bà vững lòng. Bốn chục xe tăng Mỹ đã bị hạ, trong đó có chiến công của những nhà quay phim.

- Ôi! Thiệt là như chuyện Bà Trưng, Bà Triệu thời xưa. Tài tử xinê mà cũng biết đánh giặc thiệt.

- Thôi, mama để nghe mà. Phương cắt lời mẹ.

- Chỉ duy nhất của trường hợp của tiểu đội cháu là quá rủi ro.

- Chao ơi. Thằng Minh…

- Thôi đi, tôi xin bà, để cho cháu Tánh nói.

- Cả Minh và tiểu đội cháu đều chuẩn bị tinh thần chiến đấu và kỹ thuật khá kỹ. Quyết tâm của tụi cháu rất cao. Hai bác và cô Phương thử hình dung xem. Tụi cháu trụ lại giữa rừng, ngay sát bên cạnh một cụm xe tăng Mỹ. Lúc này tụi cháu chỉ còn có năm anh em mà thôi.

- Tại sao? Phương thốt lên. Hy sinh à?

- Không. Cả tiểu đội bị sốt rét rừng phải điều về phía sau. Nhưng những người sốt rét cũng không ngồi chơi. Họ cầm viết. Lúc bấy giờ, một bài viết về chiến công có sức cổ vũ rất lớn. Năm anh em ở lại đánh giặc trong đó có Minh cũng chẳng lành lặn gì đâu, những dẫu sao cũng khá hơn những người khác. An, một sinh viên tốt nghiệp đại học báo chí từ Hà Nội vượt Trường Sơn vào một chân bị sưng khớp.

- Sao. Anh bảo là anh An là étudiant?

- Đúng, An là sinh viên đã tốt nghiệp. An đã bảo vệ thành công luận án tốt nghiệp về báo chí cách mạng miền Nam.

- Sao, anh nói rằng, An đã có thème?

- Đúng như vậy, nhưng chỉ có mình anh ấy. Những người còn lại chúng tôi đều là chiến sĩ. Thành là thợ mộc đã chiến đấu trong thành phố.

- Đã đành rồi. Bà Năm khẽ khàng.

- Còn nữa, như Trực đây gốc gia đình là ngư dân.

- Đã đành rồi.

- Trực và An là người đào từng con mối chúa, gài bẫy từng con chim rừng cho Minh ăn trong những ngày đau ốm. - Tôi nói tới đây không nghe bà Năm nói gì nữa. Bà ngồi không động đậy - Vâng, Minh sốt rét đợt hai ngay trong những ngày chúng tôi nằm lọt vào vòng vây của địch. Nhưng, lần này thì Minh không còn bỡ ngỡ với rừng nữa. Minh đã là chiến sĩ khá thạo rừng.

Hàng ngày, năm anh em ra chiến hào, chuẩn bị để đánh địch. Đêm về căn cứ ngủ hầm rất chắc chắn. Ba hôm liền, năm anh em không đánh được trận nào. Xe tăng địch đi nhiều đường, không trúng nơi phục kích. Năm anh em chỉ có súng tiểu liên, súng trường và súng phóng lựu mang đầu đạn cháy nóng 1.800 độ gọi là AT. Nhược điểm về trang bị là không có súng chống tăng hiệu lực như B40, B41. Lúc bấy giờ, súng này về chưa kịp, còn rất hiếm, chỉ trang bị cho đơn vị chủ lực và những đội du kích tập trung.

- Thật đáng tiếc. Ông Năm chắc lưỡi.

- Nhưng không sao, cuối cùng, các đội du kích đánh xe tăng bằng AT cũng đánh tốt. Anh em quay phim đánh cháy hai chiếc là bằng súng này. Súng bắn đạn vồng cầu, nhưng nếu được huấn luyện tốt, anh em xác định tọa độ đúng thì bắn rất chính xác.

- Sao ông Trung Quốc lúc đó không viện trợ cho mình súng tốt hơn. Phương thắc mắc. Ông ta nhái được tất cả các thứ. Lại còn biểu tình rầm rộ ở Bắc Kinh ủng hộ Việt Nam?

- Thôi mà. Con quên là lúc đó ông Mao có muốn cho ta thắng Mỹ đâu?

- Thực ra, có B40 thì tốt hơn. Nhưng không có thì mình cũng có cách đánh. Tôi phải giảng hòa các ý kiến. Minh, tuy lúc bấy giờ có mười bảy tuổi, nhưng đã được đeo khẩu súng bá độ phóng lựu, tức là bắn đạn AT. Cả anh sinh viên An cũng thế. Những người được huấn luyện tốt nhất về môn này đều được giao súng. Chỉ trừ tôi và Trực thì bắn tiểu liên, vì tôi thạo môn này. Chúng tôi có nhiệm vụ yểm trợ cho An và Minh lập chiến công. Hồi đó, bắn được một chiếc xe tăng được phong làm dũng sĩ diệt cơ giới. Minh không ngủ được vì danh hiệu này, em không yên tâm công tác giấy tờ cũng vì nó. Suốt ngày ở chiến hào Minh cứ dùng mắt đo cự ly và canh tọa độ.

Chiến hào chúng tôi bò quanh một trảng sim thật đẹp. Nơi đó có một cụm xe tăng địch ém rất kỹ, chúng ngụy trang bằng cả một cụm cây hoa sim và hoa mua. Nhưng chúng ở cách xa tầm hiệu lực của đạn AT đến một trăm mét. Bắn chúng cũng không ăn thua, chỉ lộ trận địa mà thôi. Minh đòi bắn mãi nhưng tôi không cho.

- Thằng nhỏ ở nhà không dám cắt cổ một con gà. Bà Năm nói xen vào.

- Nhưng Minh rất thích cắt cổ thằng Mỹ - Tôi tiếp - Minh nhỏ tuổi nhưng tình cảm rất lớn. Mỗi lần nghe tin về tội ác của Mỹ, em trằn trọc không ngủ yên. Em hoàn toàn chưa giải thích được nguyên do chiến tranh, nhưng em căm thù chiến tranh. Và có lần em đã xin đi bộ đội chủ lực để đánh Mỹ cho sướng tay. Nhưng khi thằng Mỹ đến thì đội du kích chúng tôi không đánh được trận nào. Tin đánh Mỹ phát trên đài phát thanh hàng ngày làm ai cũng nôn nao và dần dần thành ra bầu tâm sự. Cho đến một hôm, đài đưa tin một xe tăng cháy do anh em quay phim đánh được, chỉ cách chiến hào của chúng tôi chưa đầy một cây số, ngay bên kia trảng sim. Cái tin này làm chúng tôi hổ thẹn. Vì những người du kích bạn đã lập công ngay trước mắt chúng tôi. Thế là chúng tôi im lặng, không nổ súng hợp đồng với anh em.

 

Cũng hôm đó, còn xảy ra sự kiện khá đau đầu. Một cánh quân định đánh thẳng vào nhà in báo. Tức là đánh vào nghề nghiệp chúng tôi rồi. Súng nổ ran suốt buổi sáng. Địch phản ứng quyết liệt bằng bom và pháo, chứng tỏ chúng thua đau. Sau đó, trong các chuyến máy bay cần cẩu chở xác xe tăng cháy đem về, có cả những chiếc máy in báo. Như vậy là cuối cùng, bằng hỏa lực mạnh, thằng Mỹ đã chiếm được căn cứ. Những chiếc máy in này, đối với chúng tôi vô cùng quý báu, vì nó in ra những gì chúng tôi viết. Mất mát này biến thành của riêng Minh. Chính Minh đã đề xuất là phải đánh thắng một trận để chia lửa với những người bạn nhà in.

 

Chiều hôm đó, một ý đồ chiến thuật đã hình thành trong cơn đói cồn cào. Miếng cơm vắt dành cho cả ngày hết sạch. Bình toong nước cũng chỉ còn ngụm cuối cùng. Điếu thuốc rê cuốn giấy báo đã hết cách ba hôm trước. Anh em phải bóp nát số trà còn lại, xé giấy gói trà làm thuốc hút đỡ. Minh là người đói nhất, khát nhất trong năm anh em. Nhưng lần này Minh không kêu, không than một tiếng. Minh cần mẫn như một chú nhím, cứ đào đất, đào mãi những công sự mới. Khẩu súng bắn AT cứ hạ xuống, cất lên, miệng Minh lẩm nhẩm những con số cự ly, tọa độ. Chưa bao giờ em siêng tính toán như thế. Minh vốn ghét tính cái gì chi ly, nó vốn lấy bụng ở đời. Thế mà bây giờ cứ lẩm nhẩm những con toán cho đường đạn vồng cầu mới mẻ và trừu tượng. Tính toán chán, Minh đi kiểm tra cự ly bằng bước  chân. Minh lom khom trong chùm lá sim ngụy trang, cố gắng bước chân thật đều, đo và đếm. Từ chiến hào ra đến đường xe tăng gần nhất năm mươi bước, đến đường xe tăng xa nhất tám mươi bước. Mọi người đều chuẩn bị đường bắn như Minh đã làm.

 

Quả thật, đúng sáu giờ chiều thì một chiếc trực thăng dẫn một đoàn xe chạy băng qua trảng. Nó tinh ranh, không quen đường cũ mà đi ngoài tầm súng chống tăng tòng tọc của chúng tôi.

- Rượt theo!

Bất ngờ, An, đội phó ra lệnh.

- Không được, phải trở lại. Tôi phản đối hét lên. Nhưng chẳng ai quay lại theo lệnh tôi cả. Anh em đã bật dậy nhanh như lò xo. Anh em chiếm lĩnh đám bụi mù sau xe tăng, như không quân ta đã từng phục kích trong mây. Tôi chạy tắt để đón đầu họ. Với anh em, tôi là người có trải trận mạc nhiều hơn. Tôi biết rõ, hành động liều lĩnh này nguy hại như thế nào. Nhưng, thật là may, năm anh em đều trở lại công sự một cách an toàn. Đoàn xe địch đã rẽ ngoặt và một cụm rừng già nơi chúng vừa mới mở xong một con đường sâu hun hút.

Chiến hào buồn hơn cả buồn thua trận. An biết lỗi ngồi tiu nghỉu. Mắt ai cũng ngầu đỏ vì hối hận. Minh cũng thế, hàng mi dài cụp xuống.

- Em có lỗi. Minh lúng búng trong miệng.

Vậy là chúng tôi đã làm lành với nhau nhanh chóng. Một mặt trận mới đã được bố trí  để đánh ban đêm. Chúng tôi sẽ đón đường một đoàn xe tuần tra đã thành quy luật ở rìa trảng. Để cố định mục tiêu, chúng tôi đã cẩn thận chôn một quả mìn chống tăng. Quả mìn sẽ nổ diệt chiếc đi đầu và bắt cả đoàn xe địch phải dừng lại. Chúng tôi dự phòng cả trường hợp quả mìn không nổ. Lúc đó Minh sẽ giật một quả mìn định hướng, cốt sao cho xe địch dừng lại trong vài giây. Chúng tôi chỉ cần có thế. Và chúng tôi hồi hộp chờ trận đánh nổ ra đến mức quên cả cơn khát và đói đang giày vò.

 

Đêm trùm xuống. Mặt trận yên tĩnh. Rừng đêm gió lay xào xạc tưởng như đang có hòa bình. Một con mễn tác thật to phía trong rừng sâu. Nhưng chỉ được mấy phút im ắng trôi nhanh. Từng bầy đại bác vang rền phía nhà in, rồi chuyển dần về hướng chúng tôi. Máy bay trực thăng đèn đỏ chớp chớp sà thật thấp ngoài trảng. Pháo hiệu từ các cụm đóng quân của chúng bắn lên đủ màu sắc. Chúng nói gì với nhau không ai có thể đoán được. Nhưng rõ ràng, chúng đang dọn bãi để cho một đoàn xe đi qua. Điều này rất chắc chắn. Tiếng ầm ầm của động cơ xe, tiếng cây rừng gãy đổ xác nhận phán đoán của chúng tôi là đúng.

- Anh em ơi. Chuẩn bị sẵn sàng đi nghen.

An mừng quýnh lên, nói lắp bắp.

Ánh đèn xe địch quét sáng choang, soi rõ cả một vùng trảng sim đã cháy đen, khói nghi ngút. Bỗng ánh đèn quặt về phía chúng tôi, soi thẳng vào chiến hào. Chúng nó đã phát hiện ra trận địa phục kích của chúng tôi? An và Minh đã cất nòng súng AT lên, trái đận giống như một quả cà tím. Nhưng, ánh đèn pha không dừng lại mà quét sâu vào rừng. Rồi chúng nó ầm ầm đi ngang sau lưng chúng tôi, chúng phóng nhanh như một cơn lốc. Chúng đi qua khỏi chiến hào rồi mà mọi người vẫn còn đứng trân trân như hóa đá, chẳng kịp có một đối phó nào.

- Trời ơi, thằng Mỹ đểu thật.

An lầm bầm, bực tức. Tôi thì hơi bàng hoàng, sốt ruột, tự trách mình. Giá như tôi đánh giá kỹ tình hình thì vẫn còn có phương án hai để diệt bầy xe tăng này. Tôi trách tôi thậm tệ và bắt đầu nhận thấy cái lối đánh quá cầu toàn, không nhưng lối đánh của du kích "đụng đâu đánh đó" nhưng biến hóa rất linh hoạt. Tuy  nhiên, mọi sự đã lỡ rồi. Tôi đành phải động viên anh em rút về hậu cứ, chuẩn bị cho ngày hôm sau.

- Ngày hôm sau, chúng ta đến đây để lượm thuốc Salem hút à? An xẵng giọng. Đồng chí không thấy được là nó đang chuẩn bị rút quân hay sao? Tôi đề nghị chúng ta ở lại chừng nào đánh được mới về.

Đúng vào lúc đó, từ hướng Đông, có tiếng dội lại như tiếng trời gầm đầu mùa. Không phải tiếng bom B52, cũng không phải tiếng đại bác của địch. Tiếng súng của ta theo từng cơn gió đưa về rõ mồn một. Tiếng nổ của đạn súng cối 120 ly xen lẫn trong những chùm đạn H12 dồn dập, chuyển rung. Từ phía có cơn bão lửa ấy, chớp lạch loé sáng liên hồi. Nỗi cay đắng mà An vừa cố ý bắt tôi phải gánh chịu bỗng chốc tiêu tan. An đã nói đúng, địch sẽ rút nội trong đêm nay. Bằng chứng rõ rệt nhất đã được trưng ra: pháo binh ta đang dội bão lửa lên đầu bọn Mỹ ở khu rừng phía Đông, hướng chủ yếu của cuộc càn Zanxơn City. Rõ ràng hơn là trước mắt chúng tôi, tất cả các cụm quân Mỹ đóng rất bí mật một tuần lễ qua, bây giờ đang rục rịch, nhốn nháo, đèn điện sáng choang, súng canh phòng bắn liên tục, xe tăng chỉ còn dám tuần tra một vòng rất hẹp bọc quanh cứ điểm. Tình hình khẩn trương quá, tôi không còn cách nào khác là…

- Sao rút à? Uổng quá.

Bác Năm chồm tới nắm lấy vai tôi lắc. Tôi gật đầu thú nhận rằng không còn cách nào khác là chờ ngày hôm sau. Cuối cùng bác cũng đồng ý với tôi là cần phải rút "đánh giặc không nên nôn nóng", bác nói như vậy để an ủi tôi nhiều hơn là muốn rút ra kết luận về trận đánh không thành.

Không khí trong phòng như đặc quánh lại, mọi người bị kết dính lại trong câu chuyện ngồi im lặng. Ông Năm rít từng hơi thuốc dài, cứ nửa điếu lại dụi tàn vào gạt tàn và mồi điếu khác. Đặc biệt là bà Năm, không còn đả đớt xen vô câu chuyện nữa. Còn Phương thì hối thúc tôi kể tiếp.

- Vậy thì Minh hy sinh trong trường hợp nào hả anh? Ngay đêm này, vào giờ này à. Hay là sau nữa?

Phương cố kéo dài câu hỏi để phá tan bầu không khí đầy căng thẳng này.

- Ngay trong đêm này chúng tôi bị…

- Ngay trong đêm này, các anh bắn cháy xe tăng?

- Không có bắn cháy chiếc xe tăng nào trong đêm này cả. Đêm đó, địch chuẩn bị rút quân thực sự. Cánh rừng chúng tôi phục kích sánh như một thành phố. Máy bay địch quần đảo chớp đèn, thả pháo sáng tai trảng sim, bắn pháo sáng từ xa đến liên hồi. Mặt đất rung chuyển vì xích xe tăng nhưng không tài nào mò ra được hướng đi của chúng. Năm anh em như năm con mèo rừng nằm im trong công sự kín đáo, hy vọng sẽ có một đoàn xe đi qua. Chờ đến sốt ruột, đến điên đầu nhưng không thấy tăm hơi của xích sắt đâu cả. Căng thẳng quá, Minh đã dựa vào vai tôi ngủ ngon lành. Tôi nghe cả tiếng ngáy nho nhỏ xen lẫn trong tiếng ầm ầm của trực thăng. Sau đó tôi cũng chìm vào trạng thái mơ màng.

- Nó tới rồi kìa anh Tánh ơi.

Tôi nghe loáng thoáng tiếng reo vui của Trực. Chúng tôi choàng dậy tỉnh như sao. Cánh rừng phía sau lưng tôi rung chuyển như óc một trận động đất. Cây đổ, xích sắt khua nghe rổn rảng chối tai. Đèn qua quét những tia sáng rẽ quạt chói cả mắt. Tôi cố xác định hướng đi của chúng và run lên bần bật vì uất ức. Chúng đi cách ổ phục kích chúng tôi hàng trăm mét, bên kia cánh rừng dày bịt, chúng rút bằng con đường bí mật và ngoặt về hướng Đông, vuột ra khỏi tầm tay chúng tôi một lần nữa.

- Hú hồn hú vía các con.

Bà Năm reo lên mừng rỡ. Còn Phương thì sửng sốt, cô kêu lên thất vọng:

- Nghĩa là… hy sinh vào lúc nào?

- Ngay sau đó. Tôi cố nói thật nhanh và liếc nhìn về phía bà Năm. Bà ngồi im như pho tượng, nhìn tôi như van lơn đừng nói gì nữa. Nhưng đây là sự thật. Trên đường rút quân, khi chúng tôi trèo qua những thân cây đổ ngổn ngang vì bom đánh, một trái AT trên đầu súng của Thành rớt xuống đánh nổ ngay chính giữa đội hình chúng tôi…

- Trời! Phương kêu lên thảng thốt. Bà Năm vẫn ngồi im, không lên cơn tim. Ông Năm nhìn tôi bằng ánh mắt sắc lạnh. Tôi đã chờ giây phút này mười năm nay. Nói ra sự thật phũ phàng này dẫu sao vẫn tốt hơn là tìm cách lấp liếm nó. Tuy nhiên, tôi không  thể nào kể trước mặt người mẹ cái cảnh Minh oằn oại trên vũng máu với một bàn chân bị dập nát. Đó là trái đạn phá chớ không phải đạn lửa. Nó đã phá nát da thịt của An và Thành. Trực và tôi bị thương nhẹ. An chết ngay tại chỗ, mắt trợn ngược lên căm giận. Thành, người con trai không biết nói, dù là một lời trong suốt trận đánh. Anh mất cả hai chân không một tiếng rên. Sắp chết, Thành chỉ nói một câu:

- Anh Tánh. Anh bắn tôi đi. Tôi có tội. Nhưng xin đừng báo tin cho bà ngoại tôi về cái chết này.

Thành chỉ còn một người thân duy nhất là bà ngoại đang sống trong vùng địch. Tôi nắm chặt hai tay Thành, nước mắt chảy ròng ròng. Chưa kịp nói gì thì Thành đã quay sang Minh:

- Minh. Mày bắn tao đi.

Minh chỉ nhắm nghiền mắt và lắc đầu. Thành ông thợ mộc của cơ quan, người đã chỉ dẫn Minh cất những ngôi nhà lá trung quân đầu tiên trong đời em. Khi Minh bị sốt rét An bẫy cò ngãn, Thành hái bông bồng bồng nấu "gà hầm" cho Minh. Nói với đồng đội mấy tiếng sau cùng này rồi Thành bất động.

Tôi cõng Minh và Trực về căn cứ. Minh đau đớn nghiến răng, hai nắm tay gồng cứng có thể bóp nát cả một hòn đá:

- Anh Tánh ơi. Đau quá. Kể chuyện gì cho em đỡ đau đi. Chuyện Trừ Văn Thố…

Bữa liên hoan mừng Minh sẽ được quyết định kết nạp vào Đoàn thanh niên, Minh đã kể chuyện và hát về Trừ Văn  Thố, anh hùng lấp lỗ châu mai. Giờ đây Minh muốn tự động viên mình bằng câu chuyện duy nhất mà em thích. Trực đã kể trong khi tôi băng bó cho Minh ở đầu và chân. Khi nghe Minh kêu đau ở ngực, tôi mới phát hiện ra vết thương nặng nhất. Tôi chỉ biết lắc đầu, tay chân rụng rời, không muốn băng bó nữa.

- Anh Tánh có nghe em rên không. Em chịu đựng được rồi. Em không rên đâu. Để em nằm đây. Anh đi lo cho các anh đi.

Tôi giấu Minh về cái chết của An và Thành. Minh vẫn không hay biết gì. Nghe Minh nói những lời tỉnh táo này, tôi không còn hy vọng gì nữa. Vài phút sau câu nói: Em chịu đựng được rồi. Em không rên đâu, Minh không hề rên một tiếng nào nữa… Luc sđó là mười một giờ kém năm phút.

Tôi và Trực đã liệm Minh trong vải ny lông đặt xuống một cái huyệt vốn là hố chông sâu. Chúng tôi nhổ chông lên và để Minh xuống xong thì chợt nhớ ra là cần phải quay đầu em hướng về nơi những người thân yêu nhất của em.

*     *

Kể đến đây tôi tự biết mình đã kiệt sức. Tôi im lặng sợ cái chớp mắt của chính mình sẽ làm rơi ra những giọt lệ. Tôi đang ở trạng thái bàng hoàng như vừa tỉnh cơn mơ. Tất cả mọi người đang ưu tư. Chỉ có tiếng muỗng cà-phê khua nhè nhẹ trong ly mờ nhoà trước mặt tôi.

Mãi đến bây giờ tôi mới nghe tiếng trầm trầm của Trực. Anh kể tiếp về những ngày sau đó. Những ngày đại thắng của chiến khu và nỗi dằn vặt của hai đứa tôi. Trực nói khá lâu nhưng tôi nghe như những tiếng âm vang tận đâu đâu. Hình như Trực nhắc đến hình thức kỷ luật mà tôi đã nhận và kể về buổi lễ long trọng, kết nạp Minh vào Đoàn sau khi em chết.

- Cháu uống cà-phê đi.

Câu nói ngọt ngào của người mẹ làm tôi tỉnh hẳn. Trước mắt tôi gương mặt bà Năm sáng rực nét phúc hậu. Bà đã không lên cơn tim như tôi tưởng. Bà nói giọng rắn rỏi hơn - Tôi sẵn sàng nghe những lời trách móc của bà. Thuốc đắng dã tật, tôi nghĩ vậy và chờ đợi.

- Trước khi về đây, bác những tưởng chỉ có người mẹ là đau khổ nhất trước cái chết của con. Cái chết không may này là quá sức chịu đựng của bác. Bây giờ bác mới biết rằng, bác chỉ có nỗi đau riêng. Còn các cháu đã đau nỗi đau gì lớn lao hơn. Bác thành tâm chia sẻ với nỗi đau của các cháu.

Tôi lặng người đi vì lời người mẹ, chỉ có tấm lòng bao la của người mẹ mới phát đi những thông điệp ngọt ngào nhân hậu về nỗi đau.

- Bác cũng thế - Ông Năm nói - Bác thấy các cháu tuy chưa bắn cháy chiếc xe tăng nào nhưng chính các cháu đã làm được việc lớn, đó là làm người. Đâu phải ai cũng đã trải qua những thử thách ghê gớm như vậy để làm cho con người thêm thương nhau và mỗi người đều trưởng thành lên. Nếu cháu Minh còn sống, tôi tin nó sẽ là người có ích vì ngay trước cái chết nó đã bộc lộ được phẩm chất sống tốt đẹp của con người. Nó đã trưởng thành sớm hơn tuổi của nó. Và như thế là… Minh sẽ mãi mãi trưởng thành.

 

Câu nói cuối cùng của đêm kỷ niệm đã làm tôi và Trực quên đi nỗi thao thức mười năm. Lúc bấy giờ, Trực mới đặt lên bàn chiếc túi đựng những vật kỷ niệm của Minh mà đội du kích đã chia nhau giữ gần như đủ tất cả: cái rađiô, cây bút máy, những bức thư của Phương. Chỉ trừ cái đồng hồ, chúng tôi đã chôn chung với Minh vì không nghĩ rằng Minh đã bỏ trong túi quần. Chúng tôi không muốn gợi lại nỗi đau vừa lắng xuống nên đã đứng dậy giã từ.

Trước khi chúng tôi ra về, ông Năm nói thêm:

- Bác nghĩ là chúng ta chưa xa nhau hoàn toàn. Bác hy vọng không lâu sau, chúng ta có thể gặp nhau hàng ngày, như những người trong gia đình.

Phương tiễn tôi và Trực xuống thang máy. Chúng tôi bắt tay nhau hơi ngậm ngùi. Đôi mắt to đen tối sầm lại. Phương bật khóc đột ngột. Nhưng người con gái này ghìm tiếng khóc rất nhanh. Cô gượng cười nói với tôi:

- Có lần Minh viết cho em câu hỏi của anh: "On xrolanh boong tê" có đúng như vậy không?

Không còn cách nào khác, tôi đành phải nhận câu đó là của mình:

- Có, hình như có một lần. Tôi cũng mỉm cười dã lã.

- Anh Tánh à. Mọi chuyện đã qua rồi. Bây giờ tôi tha thiết mong anh hỏi tôi câu này, tôi sẽ mang nó theo suốt đời.

- Tôi sẽ sẵn sàng hỏi một câu như Phương muốn.

- On xrolanh chiêctê?

"Em có yêu nước không?" Đó là câu tự hỏi mới mẻ của Phương trong đêm kỷ niệm ấm áp này. Tôi và Trực tiễn Phương vô cầu thang máy bằng cái nhìn chan chứa cảm thông. Chúng tôi dõi theo mãi cái ánh đèn tín hiệu chớp lên cao dần.

 

5 - 1984
Nguyễn Hồ
Số lần đọc: 2491
Ngày đăng: 31.03.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Khúc phụng cầu hoàng - Mặc Tuyền
Rối nước - Nguyễn Văn Ninh
Về đâu hoa phượng - Bùi Công Thuấn
Ổ Chuột và ngai vàng - Hồ Tĩnh Tâm
Nhạt nắng sân trường - Trần Lệ Thường
Ám ảnh - Vinh Huỳnh
Cuối tháng - Nguyễn Văn Ninh
Chuyến Xe Giối Già - Nguyễn Thị Thu Hiền
Tiếng gọi của con chim sáo - Bích Ngân
Chú Năm tôi - Nguyễn Hồ
Cùng một tác giả
Chị tôi (truyện ngắn)
chim phóng sinh * (truyện ngắn)
Chú bé thổi còi (truyện ngắn)
Chung cư* (truyện ngắn)
Chân dung vô hình (truyện ngắn)
Hẻm sâu* (truyện ngắn)
Bạn già (truyện ngắn)
Tám chữ o tròn (truyện ngắn)
Về hưu non (truyện ngắn)
Mùa mắm còng (truyện ngắn)
Giai điệu nhớ (truyện ngắn)
Chú Năm tôi (truyện ngắn)
Đêm kỷ niệm (truyện ngắn)
Hoa Quỳnh (truyện ngắn)
Nàng Đae Chang Kim (truyện ngắn)
Ông Năm Cải Tạo (truyện ngắn)
Cô thư ký xinh đẹp (truyện ngắn)
Chuyến xe khuya (truyện ngắn)
tư duy (thơ)