Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.395 tác phẩm
2.747 tác giả
373
116.738.925
 
Giấc mơ bình yên
Phạm Minh Hoàng

Ngày 20/7

Duyên: xxxx….

Mỹ:xxxxxx….

Hà:xxxx…….

Công việc của hắn bây giờ dường như chỉ là ghi vào sổ những ký hiệu như thế suốt ngày này tháng khác. Đêm đến, khi khách cuối cùng của cái quán nhỏ tàn tạ nằm trong ngõ sâu hun hút giữa phố huyện này đã ra về, bấm chiếc khoá to tướng vào cánh cổng hàn bằng mấy que sắt quấn đầy dây thép gai, hắn lại giở sổ cộng những ký hiệu đó lại và ghi bằng con số Ả Rập. Người ngoài nếu bất chợt nhìn sổ của hắn nếu không mù tịt thì cũng suy đoán lung tung. Cái sổ ấy chỉ có hắn hiểu và nhân viên của hắn hiểu. Nhiều khi nhìn vào cuốn sổ, hắn nghĩ vẩn vơ và bật cười vang trong đêm tối dưới cái mái nhà lợp tôn được chia thành nhiều phòng nhỏ có cánh cửa sắt như những trại giam này.

*

Có nhiều đêm, hắn vẫn nhớ về người vợ tảo tần của hắn nơi quê nhà, nhớ về thằng con trai mà khi hắn hùng hục xách chiếc xe đạp cà tàng đi ra khỏi nhà, mới chưa tròn năm tháng tuổi. Nỗi nhớ ấy cồn lên sau những lần hắn tỉnh rượu, quờ tay sang bên cạnh, con Lan vẫn trần như nhộng, ngủ say tít, nước dãi chảy dài bên khoé miệng. Trong mùi phấn hương nhục cảm, từ tâm thức, hắn vẫn cay cay sống mũi khi nghĩ về mùi hăng hắc nồng nàn của đống mùn cháy, tiếng mưa lộp bộp trên mái tranh và con đường lầy lội đầy phân trâu nhưng ngan ngát hoa cúc tần... So với hồi mới dứt áo ra đi, hắn đã khác hẳn: tiền nhiều, gái lắm. Và quyền nữa. Hắn cũng nhiều quyền thế lắm chứ! Dưới sự điều hành của hắn, là hàng chục cô gái đang độ xuân thì và xưng hô với hắn cực kỳ lễ độ, cực kỳ cung kính với danh xưng thì miễn có cơ quan nào có. So với lão Tạ, tiểu đội trưởng của hắn ngày xưa- người mà lúc đang trong quân ngũ, hắn sợ bằng phép- thì bây giờ hắn có uy quyền gấp mười lần.

*

Ngày 22/7:xxx…..

Ngày 23/7:xxx….

Nhân viên của hắn, mỗi người cũng có một cuốn sổ. Ngoài bìa thì xanh xanh đỏ đỏ, ảnh diễn viên Hàn Quốc, ca sĩ nội, ca sĩ ngoại chẳng cuốn nào giống cuốn nào, nhưng trong ruột thì giống nhau như vở ghi của học trò cùng lớp chép bài của thầy, cũng đầy ký hiệu mật mã như sổ của hắn. Mười mấy người, duy chỉ có con Lan thỉnh thoảng có ghi đôi dòng nhật ký, mấy bài hát hay những bài thơ mà nó vẫn nhớ từ thủa còn đi học. Nó vẫn còn một chút mơ mộng của tuổi học trò, ngay cả điện thoại di động nó cũng nhờ một ông oắt con tóc hoe vàng, xe phân khối lớn là khách quen của quán, tải từ In- tơ- nét về một bản tình ca để thi thoảng có ai gọi đến, nó lại phát ra “em còn bé lắm, mấy anh ơi…” nghe cũng vui vui lạ…Quán của hắn có đủ đầu đĩa VCD, màn hình tinh thể lỏng để phục vụ khách, nhưng nhiều lúc hắn lại “a- lô” vào máy của Lan để được nghe giai điệu quen thuộc ấy.

Hắn bảo Lan:

- Mày có tính nghệ sĩ đấy, để hôm nào mấy tay nào ở Câu lạc bộ thơ của xã đến, bố giới thiệu cho mà cặp bồ.

- Nhà thơ nào đến đây mà bố nói thế !- Lan cười toét.

- Đến tất, mày biết gì!-  Hắn cũng biết là như thế, nhưng tỏ rõ uy quyền, hắn vẫn nói to như quát. Câu “mày biết gì” không hiểu từ bao giờ đã ám ảnh hắn, kể từ khi hắn là quân cuả lão Tạ. Ngày ấy, lão tạ chỉ cần nói khẽ “mày biết gì” là hắn câm bặt miệng, len lét cúi đầu nghe sai bảo. Còn bây giờ, con Lan vẫn cứ toe toét cười…

*

Trước khi ra quân, lão Tạ vỗ vai hắn, bảo:

- Mày tốt, khoẻ mạnh, lại hiền như con gái, tao rất mến, nhưng cẩn thận, hiền quá, thật thà quá dễ bị lừa lắm đấy.

Chẳng hiểu lão nói như thế có ý gì khi hắn mời lão về nhà hắn dự đám cưới của hắn và Thơm. Thơm là cô thợ may có cửa hàng ngoài thị trấn gần nơi hắn đóng quân. Không xinh, không xấu, nhưng Thơm cũng có rất nhiều chàng trai để ý, nhất là đám lính tráng cùng đơn vị hắn. Thực ra, lúc đầu hắn đâu có ý định tán tỉnh Thơm, nhưng một vài lần theo lão Tạ ra quán của Thơm đâm ra bị hớp hồn bởi cái nụ cười có lúm đồng tiền của cô thợ may ấy. Rồi dần dần, chẳng cần lão Tạ, hắn vẫn đi một mình ra cửa hàng may của Thơm từ sáng sớm đến tận hết ngày Chủ nhật. Nhiều lúc lão Tạ đùa “Mày lại cò gỗ mổ cò thật rồi” hắn nhe răng cười, mặc kệ. Chỉ khi hắn mời cưới, lão Tạ mới nhướng mày lên kinh ngạc: Mày biết gì về con Thơm ? Hắn vô tư kể những điều tốt đẹp về người yêu, nào là thùy mị, nết na, chăm lam chăm làm, nào là Thơm yêu hắn thật tình ra sao…Nghe xong, lão Tạ thở dài, lẩm bẩm như nói một mình “Mày biết gì”. Lần đầu tiên lão nói với hắn mà không nhướng mày lên, và cũng lần đầu tiên hắn không để ý đến câu của lão. Hắn đang hạnh phúc.

*

Quả thật Thơm không hiền như hắn nghĩ nhưng nết na tháo vát. Nhiều lúc, hắn không biết xoay sở thế nào nếu không có vợ. Hắn cưới vừa được ba tháng thì bố hắn lăn đùng ra ốm, chuyển hết bệnh viện huyện, tỉnh rồi ra cả bệnh viện Trung ương rôi cuổi cùng vẫn không khỏi. Anh chị em chẳng có ai, một mình hắn lo liệu tiền thuốc men, tiền thầy thợ và trông nom và cuối cùng là ma chay cho ông cụ. Nhà chẳng có gì đáng giá để bán, Thơm đành phải cầm tôi hoa tai của hồi môn để cùng hắn lo liệu. Đến khi hai vợ chồng phá căn nhà tranh của cha mẹ để lại để xây ngôi nhà ngói ba gian thì Thơm phải bán nốt tư trang và cả chiếc máy khâu mang về từ hồi mới lấy nhau. Ở cái làng nghèo với nằm bên bờ sông Ngưu Giang quê hắn, chỉ trồng được mỗi năm hai vụ lúa cánh đồng chiêm chũng, mà trồng lúa bây giờ thì đủ ăn quanh năm đã là tốt lắm. Đôi lúc hắn cũng muốn thử trồng cây gì, nuôi con gì cho thu nhập khá hơn nhưng nghĩ đến bao khó khăn, hắn lại thôi. Vợ hắn mang bầu và sinh con, hắn cũng chẳng làm gì ra tiền để bồi dưỡng, chăm sóc. Con ốm, hắn cũng chỉ biết trông vào mấy thứ lá vớ vẩn mà ai đó mách chứ tiền đâu mà mua thuốc. Trong cái túng quẫn ấy, vợ chồng hắn mới dần nảy sinh bất hoà, cãi nhau như cơm bữa. Và tới khi vợ hắn chỉ mặt hắn mà mắng trả “Anh là một thằng đần” thì cũng là giọt nước cuối cùng để làm tràn cái ly đầy mâu thuẫn ấy. Hắn chẳng nói với ai một câu, xách ba lô, bỏ nhà ra đi…

 

Sức dài vai rộng như hắn, kiếm đâu chẳng được công ăn việc làm. Cửu vạn, xích lô ngoài thành phố, đội than, đội cát ngoài bến, ngày cũng được vài chục nghìn đồng, gấp năm, gấp mười lần cuốc đất làm cỏ ở quê nhà. Nhưng lao động cực nhọc, ráo mồ hôi là hết tiền. Mỗi tháng, hắn chỉ gửi được cho vợ, cho con có vài trăm nghìn, còn lại giữ lại để ăn, để tiêu. Nói ăn tiêu cho sang, chứ thực tình hắn ăn cơm bụi năm nghìn, cơm nhiều, thức ăn ít, mua được thuốc lá hút, thuê nhà ở nhiều khi còn thiếu tiền. Sống ở chợ lao động cũng cực nhọc và nguy hiểm, đôi khi phải đánh đấm lẫn nhau để tranh giành việc làm. Được cái hắn to con, lại chịu đòn quen từ thời còn trận giả với đám bạn chăn trâu, cắt cỏ nên đã đánh nhau là hắn thắng. Dần đám cửu vạn tôn hắn lên làm đại ca. Từ một anh làm thuê, hắn được điều động vài chục chú to khoẻ, hắn đắc ý lắm. Đi đứng, nói năng mạnh bạo hơn hẳn, cả cái điệu cười cũng khác, không khùng khục như hồi còn ở nhà mà ha hả cực kỳ hào sảng. Lúc vui hắn cũng cười, lúc tức giận ai hắn cũng cười. Kẻ yếu bóng vía mới nghe tiếng cười của hắn đã run lên vì sợ.

Chính vào lúc đắc ý ấy, hắn đã phải nếm mùi của cuộc sống anh chị giang hồ, một đám anh chị nhìn thấy thu nhập của dân cửu vạn mà hắn cai quản đã đến sinh sự và đánh cho hắn giập xương sườn, nằm viện điều trị mất ba tháng. Nhưng trong cái rủi có cái may, thời gian nằm viện đã giúp cho hắn gặp Hoà Râu- ông chủ của hắn bây giờ. Hoà Râu nhìn vóc dáng hắn, hỏi han vài câu chuyện rồi phán:

- Ra viện, mày về trông cho tao một cửa hàng. Lương tao trả gấp năm lần mày đi làm cai cửu vạn.

*

Phải về thôi, về với vợ với con thôi! Cuộc sống vất vả và nguy hiểm ban ngày đã không dập tắt được tiếng thôi thúc từ đáy lòng hắn mỗi khi đêm xuống. Bàn giao lại cửa hàng, nhận số tiền công còn lại từ Hoà Râu, hắn tập tểnh vác ba lô lên xe máy phóng về nhà. Thật ra từ quán của hắn đến nhà đâu có xa, chỉ cách một thôi đò và dăm chục cây số, nhưng từ ngày ra đi đến bây giờ hắn mới quay trở lại. Khi đi, hắn thề phải có thật nhiều tiền mới trở lại. Và bây giờ hắn đã thảo mãn được mong ước ấy, thân thể chưa hề suy suyển, chưa bị công an, chính quyền hỏi thăm. Bằng vào sức lực và khuôn mặt hầm hố, bằng vào tính gan lì và sự liều lĩnh, đôi khi kiếm tiền cũng không khó. Hắn đâu phải thằng đần- rồi vợ hắn thấy ngay thôi.

 

Thằng con của hắn giờ đã ngịch như quỷ sứ, noi ngọng líu ngọng lo nhìn hắn chằm chặp, bà nội giục năm thôi bảy hồi vẫn không thèm chào hắn.

- Chị ấy đi làm chưa về, cơ khổ con bé, chồng vắng, mẹ giầ con dạilại nhận thầu bốn sào ruộng khoán. suốt từ sáng sớm đến tối mịt đầu tắt mặt tối…

- Thế tiền con gửi về đâu ?

- Nó bảo, tích lại để mai này nuôi thằng cún. Chỉ khi nào tôi yếu đau nó mới lấy để mua thuốc mua men. Tội nghiệp con bé trông như người thành thị thế mà chịu cực chịu khổ. ấy thế mà nó cấm có than một tiếng.

Có một cai gì đó cồn cộn trong ngực hắn, thổn thức. Hắn thương vợ, hắn ân hận đã giận vợ thời gian dài như thế. Hắn chợt nghĩ, ba lô tiền mà hắn kiếm được chẳng thấm vào đâu so với vất vả của vợ hắn khi một mình chạy vạy ở nhà…

 

Nghĩ đến ba lô tiền, hắn lại sực nhớ là phải đem cất đi. Hắn nhìn quanh quất. Nhà hắn, tủ không, hòm không, chỉ có cái va- li của vợ hắn mang về từ hồi mới cưới là còn có thể cất tạm.

 

Chiếc hòm vẫn không có gì thay đổi kể từ khi hắn ra đi, vẫn vài bộ quần áo, mấy chiếc khăn tay, một quyển sổ ghi những vay nợ, chi tiêu lớn trong gia đình. Hắn quăng chiếc ba lô vào va li và cầm cuốn sổ lên, rút chiếc bút hắn xin của con Lan, định ghi số tiền vừa cất. Cuốn sổ bìa in một nữ diễn viên đang toe toét cười, trong đã có một số trang bị gạch xoá thể hiện các khoản nợ đã được thanh toán. Hắn chợt nhớ ra cái gì đó hắn đã quen thuộc, vội lật về mấy trang đầu…

*

Ngày….: xxx…..

Ngày….: xxx…..

Chập chờn trước mắt hắn bây giờ là những căn phòng chật hẹp, chỉ đủ kê một chiếc giường con, vợ của hắn đang quằn quại, rên rỉ ôm những người đàn ông xa lạ dưới ánh đèn mờ ảo…. những dấu nhân được đánh vào cuốn sổ khi bàn tay vẫn nhem nhép nước từ bao cao su… Những dấu nhân có trong cuốn sổ của vợ  hắn  từ trước khi cưới hắn. Trước đây, nhìn vào đó hắn chẳng hiểu mô tê gì và cũng chẳng thèm quan tâm mà hỏi. Bây giờ hắn mới nhớ lời lão Tạ, hoá ra lão đã biết rõ Thơm nhưng không cho hắn hay.

Bất giác, hắn chợt vằn mắt lên, bi phẫn ngửa cổ cười ha hả.

*

Ngày….: xxx…..

Ngày….: xxx…..

….Ba- hai với phần nhiều thuộc về chủ là tỉ lệ chia chác sau mỗi tháng cộng sổ. Bởi thế, việc đầu tiên của nhân viên mọi cửa hàng kinh doanh giống như cửa hàng của hắn, sau “đi khách”, là đánh vào cuốn sổ tay một dấu nhân. Người trông coi cửa hàng sau khi nhận tiền của khách cũng phải đánh một dấu nhân tương tự vào sổ của mình, ở trang có tên nhân viên đó. Cuối ngày, nhân viên và chủ cùng khớp lại con số đó ….

 

Hắn chợt nhận ra mình đã bị sa vào một cú lừa ngoạn mục của vợ. Uất hận, hắn định chạy đi tìm Thơm ngay, nhưng ngoảnh lại đã thấy vợ đứng trân trối sau lưng từ lúc nào. Nhìn mặt hắn hầm hầm, trên tay là trang giấy, Thơm nhận ra ngay là hắn đã hiểu về đoạn đời trước của cô. Và cả khi hắn co chân đạp liền vào người cô, Thơm vẫn không bật lên một tiếng khóc. Cô lồm cồm bò dậy, nhìn thẳng vào mặt hắn, nghẹn ngào:

 

Chuyện đã qua lâu rồi, em mong rằng anh bỏ qua cho em.

Hắn chẳng đáp, chỉ hừ một tiếng, định giang tay tát tiếp, nhưng nghĩ thế nào lại thôi.

Thằng con tưởng cha mẹ nó đang đùa nhau, toét miệng cười, nó bò lồm cồm ra nhặt chiếc bút bi mân mê.

Trên thân bút vẫn còn nhơn nhớt.

Phạm Minh Hoàng
Số lần đọc: 2375
Ngày đăng: 21.06.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Sóng vẫn vỗ bên bờ năm tháng - Lê Hoài Lương
Nhỡ xe - Hồ Tĩnh Tâm
Chuyến xe khuya - Nguyễn Hồ
Xa vắng - Nguyễn Thành Nhân
Phận người gió bay - Lê Hoài Lương
Một nửa con người - Trương Thị Thanh Hiền
Ngôi nhà ám ảnh - Lê Hoài Lương
Như chẳng hề quen - Đinh Lê Vũ
Vú biển - Nguyễn Thanh Mừng
Hoa cốc kèn - Bích Ngân