Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.395 tác phẩm
2.747 tác giả
701
116.734.121
 
Trang sách cuộc đời
Trần hữu Lục

1. Bích Trâm vẫn thường dẫn các em ra ngoại ô những ngày nghỉ học. Chỉ trong nửa năm, nhóm của Trâm đã thu thập nhiều sự tích, truyền thuyết, hàng trăm câu ca dao, vè của vùng đất nổi tiếng. Cả một vùng ngoại ô mở ra như một trang sách diệu kỳ. Cô dự định sẽ làm một tập tư liệu để dùng nó vào việc liên hệ các bài giảng. Công việc ấy thật khó khăn và mất nhiều thời gian. Những chuyến đi thực tế cơ sở để sưu tập tư liệu đã giúp cho cô, trò càng thêm khắng khít nhau và còn giúp họ biết thêm bao điều mới lạ. Trâm cảm nhận thêm những điều mới mẻ, bổ ích: “Có những vùng đất khi ta chưa đến thì mơ ước và khi ta chưa xa thì đã đem lòng lưu luyến”.

 

Trên mảnh đất ấy, những thôn ấp, những cánh đồng, con lạch, cây dừa và những con người mà cô được gặp đã để lại một ấn tượng khó quên. Cô biết rồi đây nó sẽ tham dự vào mỗi trang giáo án và cả cuộc sống của cô. Mỗi lần thấy có tư liệu hay, mới lạ thì Trâm đem lại để trao đổi với các bạn trong tổ. Khi Trâm vừa nói đến kết quả thu thập mới nhất của cô thì Thúy Ái cầm tập ghi chép lên, lật lật vài trang, nhíu cánh mũi và nói không cần giữ kẽ:

- Trâm nên dùng thì giờ cho công việc khác có hơn không?

- Vậy chị cho việc thu thập này là không cần thiết nữa sao? Cô phản ứng thẳng thừng và nóng nẩy.

- Cần thiết chứ, cần quá đi chứ. Có điều… Chị bỗng dừng lại và nhìn thẳng vào mặt cô, nói sắc lạnh và lưu loát. Có điều… cô sắp định cư ở nước ngoài, cô làm việc này không thấy lấn cấn sao? Vâng, tôi thấy cần phải nhắc lại ở đây. Đời sống, thực tế cũng có năm, bảy loại. Vấn đề là cách nhìn và tấm lòng. Về cách nhìn, tôi chắc là cô chưa có cách nhìn đúng đắn. Còn tấm lòng, hẳn cô rõ lòng cô hơn ai hết. Tốt hơn cô nên dùng thì…

- Không, chị không được quyền nói thế. Tôi đã được tuyển vào sư phạm. Không ai được quyền xúc phạm tôi. Còn một ngày ở trên đất nước, tôi còn là một giáo viên. Chị không được quyền…

 

Trâm giận run người, mặt tái đi, bỏ ngang buổi sinh hoạt sau đó, lảo đảo ra về. Ánh mắt sắc lạnh của Thúy Ái như xoáy theo cô. Mấy đường gân xanh bên thái dương giật giật. Chị cảm thấy mình cũng bị xúc phạm. Chị nổi nóng lên: “Hừm, ngựa non, quen thói…” nhưng chị kịp nín lại câu nói không định nói của chị. Chị đứng lên và đi vào tìm ông hiệu trưởng. Chị nói nhỏ nhẹ:

- Xin phép được làm việc với anh năm phút và nói đúng ba điều thôi.

- Vâng, chị cứ nói. Ông hiệu trưởng tự kiềm chế, giọng nhẹ nhàng.

- Điều thứ nhất, cô Trâm chưa hết thời gian tập sự nên chưa thể chọn để tham gia hội giảng giáo viên giỏi cấp thành.

- Đúng thế – Ông trả lời dứt khoát – Nhưng điều này có thể linh động được.

- Điều thứ hai, chúng tôi chưa nhất trí.

- Ôi, chị là tổ trưởng, chị cũng không ủng hộ cô ấy nữa sao? Giọng của ông bỗng có một chút ngờ vực. Còn điều thứ ba?

- Điều thứ ba… Chị kịp ngừng lại, lựa lời và dò chừng. Cánh mũi hơi nhíu lại – Lý lịch cô ấy, chắc anh đã nắm kỹ.

Chị đứng lên, khẽ gật đầu chào và sắp bước đi. Ông hiệu trưởng kêu lên:

- Chị nán lại một chút. Tôi vốn quí tính nói thẳng, nói thật của chị.

Chị miễn cưỡng ngồi xuống ghế. Ông hiệu trưởng nói tiếp:

- Cô Trâm mới ra trường cần được chúng ta dìu dắt, giúp đỡ.

- Hoa có thì, hương mỗi người hưởng một ít – Chị nói bóng gió xa xôi.

- Lúc nào chị cũng có vẻ chua chát. Lý lịch, nếu hiểu không đúng bản chất của nó dễ thành bi kịch lắm. Mỗi người đều có một lý lịch nhưng cũng có khi phải cân phân. Trong hai mươi mốt năm thì cô Trâm chỉ sống được bốn năm với người dượng ghẻ làm trưởng chi cảnh sát. Người dì nuôi cô ấy là một người lao động bình thường thôi.

- Nếu tính về con số thì cũng phải tính luôn đến con số này: Đất Hóc Môn có cả trăm gia đình bị ly tán, mấy chục con người bị giết hại, chồng tôi cũng đã bị tra tấn tù đày… Tất cả do một tay hắn cả. Đó là chưa nói… ba năm cấp ba, hai năm ở trường Cao đẳng Sư phạm và hơn một năm tập sự… Tại sao hơn sáu năm cô ấy không phấn đấu vô Đoàn. Tiêu chuẩn của một giáo viên giỏi là gì? Kỹ năng, kỹ xảo khi lên lớp giảng bài thôi thì chưa đủ đâu anh. Vấn đề là phẩm chất, là cách nhìn và tấm lòng.

- Tấm lòng! – Ông hiệu trưởng lặp lại ra điều thú vị – Vâng, tấm lòng đối với cái chung và đối với cả đồng nghiệp nữa. Cô ấy chưa hết tập sự nhưng có triển vọng. Chọn cô ấy không phải “bạo tay” mà chính vì tấm lòng. Cho đến lúc này, cô Trâm vẫn còn là một giáo viên của trường. Nếu không có một môi trường thì ai mà vươn lên nổi, mà sống nổi. Chị Ái ạ! Cái bi kịch có thể bắt đầu từ đó.

 

Chị không muốn nghe tiếp nữa vì chị cho như thế là ông hiệu trưởng đã không đếm xỉa đến lời cản ngăn của chị và chị đứng lên, lần này dứt khoát, khẽ gật chào rồi bước vội ra khỏi phòng. Chị đi qua những phố đông người. Cơn giông chiều ầm ào trên cao. “Tấm lòng”, chị run lên vì giận khi nhớ lại hai tiếng ấy đã được ông hiệu trưởng cố ý lặp lại. Vậy là tôi không có tấm lòng sao? Nếu không vì tấm lòng thì tôi đã không còn ở trong ngành nữa rồi! Chị nghĩ như thế, một chút đau xót và hậm hực. Chị chợt nhớ lại thái độ bướng bỉnh của Trâm như cái gai trước mắt. Chị tự dặn lòng “Để coi, ai không có lòng với ai?”. Chị mong có một trận mưa vào lúc này, trận mưa vừa đủ ướt áo, ướt vai chị trên đường về. Trời vẫn còn ầm ào trên cao. Cuối cùng chị trở về nhà.

*

2. Trâm đứng một mình. Sân trường trở nên rộng lớn hơn mọi ngày. Cô tự hỏi: “Mình có thể phấn đấu trở thành giáo viên giỏi cấp thành được không?” Câu hỏi hẫng đi khi cô chợt nhớ nét mặt khinh khỉnh của chị ấy. Hơn mười năm rồi sao cách nhìn nhận con người của chị ấy vẫn còn nặng nề, hẹp hòi, đóng kín như thế? Lẽ nào câu viết trên trang sách lại có một khoảng cách với cuộc sống đến thế? Chị ấy nói mình bị xúc phạm, còn tôi cũng bị chị xúc phạm, nhiều hơn là chị nghĩ. Mọi người cứ tiếp tục đánh giá người khác bằng lý lịch bản thân, mối quan hệ gia đình chứ không phải là họ với ước mơ tốt đẹp, với tấm lòng và nhân cách. Mọi người cứ an lòng với nếp nghĩ cũ càng, vô tình vùi dập, chèn ép cái đang nẩy mầm, trổi dậy và vươn tới. Con người có khả năng đánh giá chính mình không?

 

Tiếng chuông điện báo hết tiết học vang lên cắt ngang dòng suy nghĩ của Trâm. Cô thủng thẳng bước vô phòng hội đồng để chờ lên tiết dạy. Cô giở tập ghi chép xem lại những mẩu chuyện ghi được. Và lần nào cũng vậy, cái cảm giác ban đầu khi cô được bác Ba kể lại vẫn còn trong từng phần da thịt của cô, một thứ cảm giác nguyên vẹn. Ngoại ô như một tấm lòng rộng mở, nhân hậu và thủy chung, không ngừng bồi bổ tâm hồn cô về một cuộc sống mai sau thật tươi đẹp. “Có thể lý lịch của mình được viết lại trên những vùng ngoại ô như thế này cũng nên”, cô nghĩ thầm như thế. Khi cô bắt đầu một tiết dạy giảng văn mà cô có đăng ký với tổ, cô dẫn dắt khéo léo bằng giọng kể xúc động mẩu chuyện mà cô đã ghi chép được để mở đầu cho tiết học. Cô đã nhập vào đúng vai trò của một người thầy giáo, một nghệ sĩ trung thực. Chính Thúy Ái cũng đâm ra ngỡ ngàng và có chút ngờ vực. Trong khi Trâm đang đem hết khả năng và tấm lòng để thu hút sự chú ý của các em từ khâu truyền thụ kiến thức cơ bản, cách trình bày bảng đến việc phát huy trí lực của các em thì trong Thúy Ái cũng đang diễn ra những dằn vặt nội tâm. Rõ ràng cái con người có lý lịch không lấy chi có thiện cảm này lại đang giảng về tình yêu quê hương, về tấm lòng “một tấc không đi, một ly không rời”. Sao lại như thế được? Nếu không trong sáng và có tấm lòng, không thể dạy một cách diễn cảm như vậy? Sao không thấy cô ấy lấn cấn chút nào cả? Phần liên hệ bài giảng tuy chưa tốt lắm nhưng sao lại rất tự nhiên? Cái thực tế, đời sống cũng có năm, bảy loại nhưng cái đoạn kể vừa rồi nằm ở loại nào? Chị nhìn đồng hồ, có ý nhắc nhở sắp hết giờ rồi, lại vừa ngẩng mặt lên nhìn cô với ánh mắt lạc lõng, ngờ vực. Trâm thì xúc động thực sự, một phần vì bài thơ chọn giảng. Những câu chuyện kể của bác Ba đã làm cho cô bồi hồi… Cô đã bỏ lỡ nhiều dịp để khắc họa kiến thức. Bỗng chuông báo hết tiết dạy vang lên. Mọi người dự giờ đều coi lại đồng hồ. Cô đọc thấy trong ánh mắt đồng nghiệp sự ngạc nhiên và thất vọng.

 

Ra khỏi lớp, một giáo viên trong tổ phàn nàn với chị:

- Tiếc thật, không hiểu sao cô ấy để cháy giáo án.

Một giáo viên khác có vẻ tiếc:

- Nếu chuẩn bị kỹ hơn thì đâu đến nỗi!

- Một bài học về sự háo thắng! Một giọng nói nào đó vuốt đuôi. Riêng Thúy Ái giữ im lặng đến khó hiểu, trái với thường ngày, chị rời khỏi đám đông một cách vội vã. Chị đi trước, cô thì hụt hã bước theo sau chị. Chị vẫn không nói gì, cô thì chờ đợi. Chỉ cần chị trao đổi với cô một câu thôi, Trâm sẽ nói: “Em xin lỗi… chị hiểu là em rất thành thực…” nhưng cổ họng cô như nghẹn lại. Cô đành phải đứng lại một mình trên sân trường. Trâm nghĩ thầm “Chị ấy lại có thêm một lý do nữa để khẳng định rằng dẫu sao về tất cả mọi phương diện, còn rất lâu mình mới đuổi kịp được chị”.

Cả trong buổi sinh hoạt tổ sau đó, chị chỉ góp ý nhẹ nhàng về tiết dạy, chị biểu dương phần tích cực của cô là chính. Điều đó càng làm cô cảm thấy hết sức xấu hổ và áy náy không an lòng.

*

3. Mấy hôm sau, Thúy Ái mới biết rõ chuyến đi thực tế vừa rồi của nhóm Trâm. Chị càng dè xẻn từng lời nói, chị giữ một thái độ khép kín đến mức khó hiểu. Nhưng có điều lạ là những cảm giác xôn xao, sôi nổi về nghề nghiệp ở chị trước đó đã chìm lặng nay bỗng trổi dậy. Cái vẻ như chững lại và mệt mỏi chỉ còn lại trong dáng điệu, nói năng của chị. Các bạn vẫn thường nói đùa với chị là “Hoa hết thì…” đã không còn thấy chị nhíu cánh mũi lên và cười khẽ nữa. Điều đó chứng tỏ chị đã tìm cho mình một lối sống phù hợp. Không vồn vã mà cũng không coi thường, không chê trách nặng lời mà cũng không muốn can thiệp vào việc người khác. Chị đem những cuốn sổ tay ghi chép mà chị đã thực hiện trong các chuyến đi hồi còn trẻ cho các bạn trong tổ mượn để tìm chi tiết, sự kiện liên hệ vào các bài giảng. Chị nói chuyện với bạn bè mà như tâm sự nghề nghiệp “Dạy học là một nghề truyền thống và sáng tạo. Có người cũ, người mới nhưng bao giờ cũng phải rất trẻ… Muốn được vậy không phải dễ”. Câu nói của chị còn ngụ ý một khía cạnh khác, có thể chị đang bày tỏ lòng ân hận, ray rứt của chị trước một sự thật. Dần dà, chị thấy có những điều tưởng như nghịch lý nhưng lại rất tự nhiên. Cách nhìn nhận người khác của chị có thoáng hơn, nhân hậu hơn. Con người còn có khả năng khẳng định mình bằng chính tấm lòng, niềm tin và kết quả của công việc? Con người cũng có thể viết lại phần lý lịch đời mình bằng chính bi kịch của đời mình không? Hễ mỗi lần đặt câu hỏi như thế, chị lại không thể không nghĩ đến Trâm. Chiến tranh đã để lại biết bao ngổn ngang nghịch cảnh như thế ngay trong mỗi đời người, giữa người này và người khác. Chị chờ đợi thêm ở Trâm nhưng chị không chịu nói ra với cô một lời. Thành thử hai người cùng dạy chung một trường, cùng nghĩ về nhau nhưng cùng lặng lẽ chờ đợi nhau.

 

Không hẹn trước mà hai người lại cùng đứng lại bên cây trạng nguyên. Họ có một chút mất tự nhiên. Thúy Ái đưa mắt nhìn màu lá, chị bỗng đọc một câu thơ: “Lá gì mà đẹp thế lá ơi! Còn non thắm đỏ, già rồi mới xanh” Trâm ngạc nhiên quay lại nhìn kỹ màu lá. Cô chợt hiểu. Năm tháng qua đi nhưng cây trạng nguyên vẫn lớp tầng lá đỏ, lá xanh. Màu xanh thẫm, màu đỏ thắm lẫn vào nhau tự nhiên trên cùng một gốc, một cành. Và cô cảm nhận: “Dường như đã có một màu lá trạng nguyên như thế giữa hai người”.

Trần hữu Lục
Số lần đọc: 2465
Ngày đăng: 25.09.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bài học vỡ lòng - Trần Lệ Thường
Giấc mộng Diva - Lưu Thành Tựu
Xóm Người Mù - Mường Mán
Một chuyến săn thú - Trần hữu Lục
Nhịp nối thời gian - Lương Minh Vũ
Cỏ quê - Đào Phạm Thùy Trang
Bên hồ sen trắng - Hồ Tĩnh Tâm
Tóc xanh mấy mùa - Nguyễn Vĩnh Long
Đuối Bông thóat xác. - Phan Trung Thành
Bộ ấm trà sáu chén - Trần hữu Lục