Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.395 tác phẩm
2.747 tác giả
487
116.748.148
 
Pugur
Trần hữu Lục

Ngày… tháng… năm

Chị Thùy thương mến!

Ngọn gió nào đã thổi “con nhỏ ấy” đến Đ.T.T.? Và rồi chị sẽ sàng đặt lá thư xuống, lật xem một lần nữa dấu con tem và địa chỉ mà em đã ghi ở góc bì thư… Có phải thế không chị? Ngọn gió đã thổi qua và bay mất rồi chị ơi! Cách xa chị đã hơn một năm, em không còn là “con nhỏ” hay vòi vĩnh và bé bỏng của chị. Hôm chia tay chị, em như con chim non rời khỏi tổ bay vào đời. Với một tấm lòng thiết tha làm đẹp nhà trường và làm đẹp xã hội, em hăm hở dấn bước vào đời đi tìm một lẽ sống và một niềm vui. Đâu phải em không hề quyến luyến gia đình, bạn bè và thành phố hoa đào với những tiện nghi nho nhỏ, những kỷ niệm dịu dàng, nhưng vượt lên trên những tình cảm riêng tư ấy còn có cuộc đời chung đang vẫy gọi. Em kể chị nghe, chị thương yêu.

Giữa một ngày nắng ấm, em đã vượt gần 50 cây số đường rừng để đến Đ.T.T. Bấy giờ mùa xuân đang tràn trề trên những cánh rừng gội nắng. Bụi đỏ ven đường và những cánh hoa Sơ-rang nở trắng dưới bầu trời xanh thẳm… Đó là hình ảnh ban đầu mà em bắt gặp khi đến vùng cao này. Nỗi háo hức xen lẫn với mệt mỏi khi phải vượt qua những dốc cao phút chốc tan biến khi em vào tới cổng trường. Em đã sững sờ và bối rối trước hơn 20 em học sinh đầu trần chân đất, em ngồi, em đứng lố nhố trên dốc cao, ngơ ngác nhìn em với ánh mắt lạ lẫm. Em dừng lại thở dốc. Cả cô và trò đều lặng lẽ đưa mắt nhìn nhau, dò hỏi và chờ đợi. Chỉ có gió vô tình là vẫn ầm ào trên mái trường. Hồi lâu, em mới bình tĩnh trở lại.

Em đặt nhẹ tay lên vai một em bé gái tóc cháy vàng, ngọt ngào hỏi:

- Này em, nơi làm việc của các thầy cô giáo ở đâu thế?

Em gái này đã vội dang ra như bị phỏng lửa, nói trổng:

- Ơ gid *

Em chấp chới và phân vân: “Ơ gid là thế nào?” Em vội khom người xuống gần bên một em trai đang trố mắt nhìn cô giáo. Em vờ nheo mắt và cười thân thiện:

- Em tên gì nhỉ? Em giúp cô với nào. Em trai này cười hồn nhiên rồi cũng lắc đầu nói:

- Ơ gid.

Và đột nhiên cả đám trẻ nhao lên: “Ơ gid. Ơ gid”.

Em cũng đã buộc miệng nói theo “Ơ gid”. Nhưng em lại thầm nghĩ: “Sao lại là Ơ gid? Cô đến đây là để dạy các em học cái chữ mà. Cô tự nguyện đến với các em…”

Rồi em dang rộng hai tay như muốn đón hết thảy các em vào lòng. Các em thì vẫn lặng thinh, lấm lét nhìn em, nhìn áo quần em đang mặc rồi day lại ngó nhau cười nghịch ngợm. Chỉ trong một thoáng, cả đám ù té chạy lên đầu dốc cao. Em đành hậm hực với đám trẻ bướng bỉnh và phải tự mình tìm ra nơi làm việc của các thầy cô giáo. Buổi gặp gỡ đầu tiên ấy với đám học trò “Ơ gid” vẫn mãi hằn sâu trong trí nhớ em. Một mùa mai rừng nở. Mùa xuân ở đây đến đúng hạn kỳ. Cuộc sống đang hóa thân từng ngày. Đám học trò ấy ngày mỗi khắng khít với em hơn. Ngôi trường trở thành mái ấm và các em thì như đàn chim ríu rít. Bao gian khổ chồng chất cho đến nay vẫn còn lờ mờ trên làn da của em.

Chị Thùy ơi! Trường em là một ngôi trường phổ thông cơ sở của vùng căn cứ kháng chiến chống Mỹ trước đây. Trường có ba phân hiệu nằm rải rác theo đường số 14. Các phân hiệu cách nhau từ 10 đến 15 cây số đường rừng. Hầu hết học sinh là con em các dân tộc K'Ho, Châu Mạ và Lạt. Em đã đảm nhận lớp nội trú gần 40 em, đa số các em đều mồ côi, có em đã từng gặp em trong buổi đầu tiên nơi con dốc dẫn vào trường. Tuổi đi học của các em rất muộn màng, có em đã đến tuổi 15, 16. Các em vốn thích khói bếp nương rẫy, phá phách nghịch ngợm nhất trường, vui thì học mà buồn thì bỏ trốn về nhà. Khu ở nội trú có đặt thêm nhiều bếp nấu ăn con con. Chăn màn, cơm cá, sách vở, áo quần để lẫn lộn trên giường nằm. Mấy bữa đầu, em hỏi gì các em đều nói “Ơ gid” hoặc cúi gằm mặt xuống nhẫn nhục. Em gọi đằng trước thì các em chạy đằng sau. Nỗi lo ngày một day dứt không nguôi. Làm thế nào để chăm lo giáo dục một tập thể học sinh cá biệt như thế theo đường lối quan điểm giáo dục của Cách mạng? Em đã mạnh dạn bắt tay vào từng việc, lăn xả vào phong trào với một tấm lòng yêu thương trân trọng các em. Vừa làm vừa học, em đã tự nguyện làm một người cấp dưỡng. Em đã bối rối và vụng về trước nồi niêu, bát đĩa còn quá thiếu thốn. Dần dần em trở nên “lành nghề”, vừa nấu nồi cơm chín xong, em quay sang nồi canh, canh chín rồi thì nấu nước uống. Một tay em đảm đang các việc. Em đã đưa các em vào ăn tập thể ngày ba bữa, bỏ thói quen một ngày ăn năm bẩy lần. Như một con ong cần mẫn, em tập tành cho các em cả những điều nhỏ nhất, luyện cho các em có một thói quen mới, bảo đảm giờ giấc sinh hoạt, nền nếp học tập. Ngày bận bịu trên lớp học, bên bếp ăn, đêm em khâu từng tấm áo, mảnh quần, lo cho các em từng giấc ngủ. Những lúc có các em đau ốm, em đã biết dùng thuốc nam trị bịnh. Em bày cho các em và dân buôn cách chế biến các hạt muối to thành loại trắng mịn, hợp vệ sinh. Bà con dân buôn ai cũng biết loại muối này. Những ngày nghỉ học, em theo các em vào rừng đặt bẫy săn thú và chặt củi về cho bếp ăn tập thể hoặc đến từng nhà dân để vận động bà con cho nhà trường từng quả bầu, quả bí, từng liếp gạo. Cô trò chúng em còn mở đất trồng rau để tự cải thiện đời sống. Thấy em chạy vạy lo lắng, có Mơi * khen em:

- Cái miệng của mày biết nói điều hay, bàn tay mày biết làm điều tốt, cái bụng của mày đã ưng ở lại với buôn làng rồi. Mày làm con của buôn làng rồi.

Thầy giáo K'Sin khi thấy em chăm sóc một chị bị ốm, đã nói với mọi người:

- Phải chi mình ốm để được chị chăm sóc.

Tập thể ở đây vẫn cứ gọi em là “Chị Cả”. Các em thì gọi là mẹ. Những lần em vắng xa trường, phải về công tác dưới huyện ít hôm, các em hỏi thăm em từng ngày, từng buổi học. Và khi em về tới trường, các em vui mừng xoắn xuýt bên em, kể cho em nghe chuyện nhà, chuyện trường như kể cho một người mẹ vừa mới đi xa trở về nhà.

Được tập thể thương yêu, đùm bọc và giúp đỡ, em đã xây dựng được một số nền nếp về công tác nội trú học sinh dân tộc.

Cuối năm học này, các em đã tiễn em về thị trấn để nhận thêm sách học cho trường. Em đã có những chuyến đi như thế, sao lần ấy em nôn nao quá. Đám học trò quấn quýt bên em với ánh mắt biết ơn và mong chờ. Rồi các em nhao nhao lên yêu cầu em mua cho một bộ trống nghi lễ của đội Thiếu niên Tiền phong. Em đã nhại lại đúng giọng nói và điệu bộ của các em dạo em mới về trường và kêu lên: “Ơ gid”. Các em cười giòn tan thích thú. Khi xuống đến nửa con dốc, ông già K'Briu đứng đợi sẵn, trao cho em một liếp cơm, một bầu nước và nói:

- Mang theo thôi! Cô giáo dạy thằng K'Brôik nhà ta, cô giáo nhớ mau về nhá.

Em cảm động đón lấy liếp cơm và bầu nước, muốn nói với ông già lời cám ơn nhưng không nói được. Em thấy hổ thẹn vì như chị biết đấy, em còn phải cố gắng nhiều hơn nữa thì mới xứng đáng làm con của xã Đ.T.T.

Chị Thùy ơi! Chỉ mới xa chị hơn một năm, em đã trở thành người con gái của buôn làng rồi. Ngọn gió đã thổi em đến đây, ngọn gió làm cho em lớn lên và ngọn gió đã giữ em ở lại. Nhưng không lúc nào em quên được dốc phố nơi có cây Mimosa nở vàng, những đồi cỏ non ấp ủ biết bao kỷ niệm thời thơ ấu. Giá về thăm chị được lúc này, ơi người chị yêu quý của em? Hẹn chị thư sau nhé.

***

Ngày… tháng… năm…

Chị Thùy thương mến!

Thấm thoát đã ba năm học, em vẫn bám trụ ở vùng dân tộc. Chắc chị không khỏi ngạc nhiên và ái ngại cho em. Sức mạnh nào mà ghê gớm đến thế, đã cảm hóa “con nhỏ” ấy đến thế? Chính niềm vui đã làm cho em có thêm sức mạnh, chị có tin không? Em kể lại cho chị nghe nhé.

Hồi em mới đến nơi này, chị còn nhớ không? Em đã gặp trong đám học sinh đầu trần chân đất ấy một em trai. Em đã cười, đã nheo mắt thân thiện với em đó: “Em tên gì nhỉ? Em giúp cô với nào”. Em trai ấy đã lắc đầu và nói “Ơ gid”. Chính là con trai ông già K'Briu, tên là K'Brôih, mười ba tuổi rồi K'Brôih mới chịu tới lớp học. Cuối năm học vừa qua, trẻ em trong buôn làng vẫn còn nhiều em không biết chữ, những em có đi học thường nghỉ học rất tự tiện, tiếp thu bài học còn chậm. Kinh tế gia đình các em có nhiều khó khăn. Nhiều lần thấy học sinh nghỉ học, buồn quá em đứng khóc một mình. Khóc hoài cũng không thể kéo được lũ trò tới lớp. Phải tìm đến với chúng thôi. Nghĩ vậy, em đã tìm đến gặp em K'Brôih, một học sinh lớn tuổi nhất lớp, mồ côi mẹ từ năm còn bảy tuổi, đang ở với ông già K'Briu. Đến nhà em tới hai lần đều không gặp, em chỉ nhận được tập vở rách nát nhiều trang do ông già K'Briu gửi trả lại. “Cứ như K'Brôih này thì cả xã sẽ không còn ai biết đến cái chữ, bà con sẽ còn mù chữ mãi”. Từ suy nghĩ ấy, tối hôm sau, em tìm đến gặp ông già K'Briu thêm một lần nữa. Lần này thì em gặp đủ mặt cả nhà. Em nói như reo lên:

- Này K'Brôih ơi, sao mà nghỉ học lâu vậy?

Ông già K'Briu nói vào:

- Tao bắt nó ở nhà. Học không được, cái đầu còn tối lắm thì ở nhà thôi!

Em vội nhìn K'Brôih, dịu dàng nói với em:

- K'Brôih ơi, nếu người già Briu cho em đi học lại thì em có ưng cái bụng không?

- Em sợ các bạn sẽ chê cười…

- Không, các bạn sẽ vui nhiều mà.

Đắn đo một lúc, ông già mới gật đầu chịu. Còn K'Brôih vẫn lặng thinh. Em bước đến gần K'Brôih, cố nhón người cho cao hơn em K'Brôih một chút, nghiêm mặt nói với em:

- Em có muốn khôn mặt sáng lời không? Vậy thì phải nghe người già, nghe cô thôi. Sáng mai, em đi học nghe.

Không muốn nghe K'Brôih thưa gởi gì nữa, em chào ông K'Briu ra về. Sáng hôm sau, em cử hai bạn học sinh đến đón K'Brôih đi học. Em đã cùng với mấy em học sinh chép bài, đóng tập vở cho K'Brôih học. Cảm động, K'Brôih hết đưa mắt nhìn em rồi nhìn các bạn với ánh mắt biết ơn. Từ đó, đứa học trò “Ơ gid” hay bỏ học đã nghe lời em đi học đều đặn. Mỗi buổi đi học, em K'Brôih còn gọi các bạn trong buôn cùng đi học. Nhờ vậy mà các em đã đến lớp đông đủ, biết chăm chỉ học tập hơn trước. Nhiều học sinh ở đây đã được em vận động như thế.

Chị Thùy biết không? Hằng ngày, em phải đến lớp rất sớm để cùng các em làm vệ sinh lớp học hoặc khâu vá giúp các em tấm áo, cái quần. Để giúp các em dễ hiểu bài hơn, em thường dạy xen kẽ tiếng phổ thông và tiếng dân tộc. Em còn làm nhiều đồ dùng dạy học, giúp các em tiếp thu bài giảng được nhanh chóng. Những em học hành có tiến bộ, em đều cho điểm tốt để khuyến khích. Em còn tập cho lớp em nhiều bài hát hay, kể nhiều chuyện hấp dẫn. Lớp em đều thuộc lòng mẩu chuyện “Thời niên thiếu của Bác Hồ”. Các em rất tin lời em nói, có em ao ước được làm cô giáo như em. Và em đã hiểu vì sao mà các thầy cô giáo trước em đã lăn lộn nhiều năm với bà con dân tộc và yêu quý con em dân tộc như thế.

Chị biết không bà con ở đây đã gọi em là Ka Thảo đó. Ka Thảo của chị còn có một tên nữa. Chị thử đoán xem? Làm sao chị có thể hình dung ra được cái tên thân mật này: “Bà Vui”. Chị ơi, vì em và các bạn đồng nghiệp đã mang niềm vui đến cho từng người, từng nhà. K'Brôih đang học lớp bốn, học còn yếu lắm. Thế là “Bà Vui” liền tìm cách làm cho các em thích học. Buổi chiều rảnh, em tìm đến phụ đạo cho K'Brôih học thêm. Nhờ thế, K'Brôih đã vươn lên trở thành một học sinh trung bình. Cuối năm học, em được lên lớp thẳng. Cứ như thế, em đã làm cho 30 em học sinh của lớp em đều thích học tập. Thấy thầy giáo Ya Túy dạy lớp ba còn yếu lắm, “Bà Vui” liền kềm cặp, làm cho anh thích nghề dạy học bằng cách chỉ cho nhiều sách để đọc, bày cho phương pháp giảng dạy đúng để nâng cao tay nghề. Qua một mùa rẫy, thầy giáo Ya Túy đã dạy học tốt hơn.

Có một lần, em bị cơn sốt bất ngờ nhưng việc lớp, việc trường còn bề bộn, em vẫn cố gắng đến trường. Thế là có một chị bạn nửa đùa nửa thật nói riêng với em:

- Tội nghiệp quá! Cái Bà Vui này vẫn còn vui được sao? Nghỉ việc ít hôm có hơn không?

Em xúc động về lời thăm hỏi ấy nhưng em nghĩ ra nên đã trấn tĩnh lại. Học theo cách nói của thầy giáo Ya Túy, em trả lời:

- Ơ, trước khó khăn, mình phải làm tròn bổn phận mà.

Chị bạn ấy vẫn chưa chịu buông tha:

- Nhưng cái bụng của Bà Vui thì đói lắm rồi! Vả lại, người ta ai cũng tìm cách chuyển ra các trường nằm ven lộ 20 còn bà định ở đây mãi để “bắt chồng” sao?

- Ơ, đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên cà… Ơ, mình cũng đã tranh thủ làm được cái rẫy ngô mà.

Nói rồi em cười hồn nhiên. Chị bạn tuy có bực thật nhưng chắc không nỡ giận em đâu. Tối ấy, sau khi đi dạy Bổ túc văn hóa trở về, em nằm chèo queo, thấm thía câu nói của chị bạn rồi khóc một mình. Em tủi thân thì ít mà ức vì còn có đồng nghiệp chưa hiểu mình, chưa thấy hết những chịu đựng gian khổ, hy sinh của chúng em sau ba năm lăn lộn ở vùng dân tộc.

Cũng may mà những điều buồn bực như thế lại thường qua mau. Chúng em lại lao vào công việc mới. Còn có biết bao điều phải làm nữa. Miệng nói, tay làm, em đến từng nhà để còn hướng dẫn bà con cách làm lúa nước, còn vận động con em ra lớp. Em còn làm cả nghề thầy thuốc nữa nên bọn Dơ Dơu (tức bọn thầy cúng) không còn đất sống nữa. Niềm vui của chúng em đã được nhân ra lan khắp mọi nhà, mọi người. Bây giờ khắp buôn làng, bà con chỉ còn nhớ và gọi tên em “Bà Vui”. Chị có vui với em không chị? Hẹn chị thư sau nhé.

***

Ngày… tháng… năm…

Chị Thùy thương mến!

Chỉ còn một năm học nữa là đến năm thứ bẩy của em ở vùng dân tộc này. Năm tháng có biết bao nhiêu buồn vui hở chị? Riêng em thì gian nan cũng “nhiều nhiều” nhưng niềm tin vẫn không ngừng tỏa sáng. Chắc chị còn nhớ, khi chúng mình còn học ở nhà trường phổ thông, thầy giáo M. đã có lần tâm sự: “Dạy học không đơn thuần mà là một nghề như bao nghề khác mà là một hành động cách mạng”. Thời gian qua, câu nói ấy cũng có sức thuyết phục đối với em vì nếu không có nhiệt tình cách mạng thì không thể nào dạy học ở một nơi gian nan và xa xôi như vùng này được. Trường em còn có biết bao khó khăn, gian khổ nhưng chị có ngờ không, nhiều con người đẹp với lòng yêu nước lắng sâu, có tinh thần đồng cam cộng khổ, gắn bó với ngôi trường thân yêu đã xuất hiện rồi chị ơi!

Tháng này, hoa đào Đà Lạt đâu còn nở nữa chị nhỉ? Nhưng chắc chắn các loài hoa khác vẫn nở. Thành phố bốn mùa hoa mà! Em nhớ những cánh hoa lay-ơn, hoa tuy-líp khoe sắc bên những đóa hoa đồng tiền, hoa thủy tiên. Và còn những cánh hoa ắp đầy kỷ niệm như Pensée, Bất tử, Mimosa… Ôi những loài hoa “vương giả” ấy gợi cho em biết bao lưu luyến về một thời thơ ấu! Ở đây thì chỉ có hoa rừng thôi. Mấy bữa nay, bà con dân tộc nói với nhau rằng: Hoa Sơ-rang đã nở, buôn làng ta sắp có điềm vui rồi! Ấy thế mà đúng như vậy chị ơi! Hoa Sơ-rang nở trắng núi rừng. Điềm vui đã trở thành hiện thực. Mới cách đây ít hôm thôi, một cô giáo mới đã đến với buôn làng. Một cô giáo người dân tộc K'Ho, dòng họ Liêng Hót, một dòng họ quý tộc đấy. Cô giáo có nước da ngăm đen khỏe mạnh, mắt to và đen, trên vai lủng lẳng hai bím tóc cột chặt. Liêng Hót Ka Sim đã học hết lớp năm của trường em, sau đó theo học ở trường sư phạm tỉnh hệ 5-3. Phải nói là cả buôn làng đều ra hết đầu dốc để đón cô giáo mới. Gặp lại em, Ka Sim mừng đến chảy nước mắt. Em cũng xúc động, rơm rớm nước mắt. Cầm tay Ka Sim, người học trò cũ, em nhớ lại mẩu đối thoại cách đây bốn năm.

- Thưa cô, người K'Ho chúng em có làm cô giáo được không?

- Cái bụng Ka Sim hỏi thật chứ?

- Thật! Pugur! Chúng em có làm Pugur được không?*

- Pugur! Cô rất mong em, cám ơn em…

Trước đó Ka Sim chỉ biết tính tuổi mình theo mùa rẫy nhưng với lần ấy, em đã bộc lộ một khát vọng được trở thành một cô giáo của buôn làng mình. Và rồi Ka Sim tự đặt cho mình một quyết tâm là học tốt và chăm ngoan để trở thành cô giáo. Em không đặt điều nói thêm đâu. Cái cô bé cách đây 6 năm ở trong đám học trò “Ơ gid” ấy nay đã là một Pugur, một đóa Sơ-rang tươi thắm của núi rừng. Niềm mong ước xây dựng buôn làng tiến kịp với người Kinh đã có một lớp người mới như cô giáo Ka Sim đảm nhận rồi.

Em có thể vui một cách trọn vẹn với cái tên “Bà Vui” của em. Em là con gái không lẽ mãi làm “Bà Vui” rồi quên mất xuân thì của mình sao? Ý nghĩ ấy ngày mỗi xoắn xuýt lấy em, như một dấu hỏi hiện rõ dần, ám ảnh em cả trong giấc ngủ. Cho đến một ngày của cuối tháng Tư này, cái ám ảnh ấy càng da diết hơn. Ấy là một buổi trưa, lúc em vừa đi dạy học về ngang qua một cây gỗ lớn bắc qua một con suối, K'Brôih, người học trò cũ của em đứng lại bên kia suối nhường lối cho em qua. K'Brôih gật đầu chào em và ngập ngừng: Pugur! Trông K'Brôih đã cao lớn và khỏe mạnh, em nhìn với ánh mắt rất hiền và ngu ngơ. Em đứng lại, hỏi:

- K'Brôih tìm cô có chuyện gì thế?

- Pugur! Mình đã đăng ký rồi…

Nghe hai chữ “đăng ký” em bỗng đỏ bừng mặt lên. Em đã hiểu nhầm ý câu trả lời của K'Brôih rồi vì chính K'Brôih cũng lúng túng trước thái độ của em.

- Ơ, mình đăng ký vào bộ đội mà.

- Thế mà cô cứ tưởng là em bị “bắt chồng” đấy.

- Mình chào Pugur mà.

Nói rồi K'Brôih nhìn em với ánh mắt biết ơn, sẽ gật đầu chào và bước vội qua cây gỗ bắc qua con  suối.

Trưa ấy, K'Brôih đi bộ đội thật, người học trò trong đám “Ơ gid” sáu năm về trước nay đã mười chín tuổi rồi, em đã tình nguyện vào bộ đội. Đấy là người thanh niên dân tộc ở vùng này lần đầu tiên tình nguyện vào bộ đội. Em ở trong một tâm trạng thật lạ lùng: nghĩ về mình thì ít mà nghĩ về Ka Sim, K'Brôih thì nhiều. Có phải đó cũng là một thứ hạnh phúc, phải không chị?

Bao năm qua, có ngày phải “đói cơm lạt muối” cùng bà con dân tộc, em ít có dịp nghĩ về hạnh phúc của riêng mình. Gần ba mươi tuổi, em có thể ở mãi như thế này để “bắt chồng”? Chỉ cần có đủ bốn năm thôi ở vùng dân tộc là đã đủ điều kiện về miền xuôi rồi. Còn em thì có quá nhiều năm công tác và học trò em cũng đã trưởng thành rồi. Có thể khi chị nhận được thư này…

Rừng núi vẫn trải mềm như mái tóc. Em nghe như vọng lại tiếng gọi thầm trìu mến: Pugur! Pugur!

 



* Ơ gid: không biết (tiếng K'Ho)

* Mơi: Mẹ (tiếng K'Ho).

* Pugur: cô giáo (tiếng K'Ho).

Trần hữu Lục
Số lần đọc: 2122
Ngày đăng: 14.10.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Truông xa xào xạc - Hoa Ngõ Hạnh
In-ca đã bay tới mặt trời - Lê Hoài Lương
Tấm thiếp cưới - Nguyễn Văn Hoa
Đoàn tàu xanh - Đào Bá Đoàn
Không xe hoa không xe tang - Lê Vũ
Nỗi buồn của…… - Lê Minh Tú
Ngày nắng - Trần Lệ Thường
Có một lỗ thủng trong thành phố-1 - Richard Bowes
Có một lỗ thủng trong thành phố-2 - Richard Bowes
Thọai - Lê Nguyệt Minh