Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.392 tác phẩm
2.747 tác giả
693
116.727.519
 
Có một lỗ thủng trong thành phố-1
Richard Bowes

Thứ  tư ngày 12 tháng 9

Vào buổi tối một ngày sau sự kiện  ngọn tháp đôi bị đổ, tôi đang đợi  Mags đến để nói chuyện  và ăn tối cùng  cạnh đống vật chướng ngại trên đường Houston. Trên đường chân trời, không đến hai dặm về phía nam, những cột khói chập chờn bốc lên. Nhưng thời tiết đẹp đẽ đến  rùng mình của ngày 11 tháng 9 thì vẫn còn và những ngọn gió đông nam đang thổi tới. Ở Greenwich Village, không khí khô và sạch sẽ với chút ít hơi hướng mùa thu.

 

Tôi đã dùng trọn cả ngày hôm qua và nửa ngày hôm nay ngắm nhìn cảnh tượng  tòa tháp đang cháy. Một trong những sự thất vọng của thời khắc đó là việc chỉ có một số rất nhỏ trong chúng tôi đã có thể làm được điều gì đó cho người khác.

 

Những con đường trong khu phố thương mại đã trống rỗng ngoại trừ những xe cứu hộ khẩn cấp. Phía đông và phía tây của Greenwich Villages từ đường số 14 đến  đường Houston được cách ly thành hai khu riêng biệt. Những người khách bộ hành phải xuất trình giấy tờ chứng tỏ là mình sống hoặc làm việc ở đó mới được đi vào. Đống chướng ngại vật  được dựng bằng những con ngựa gỗ sơn xanh của cảnh sát và những xe tải không đánh dấu ném qua khu Laguardia Place. Ở sau chúng là một vài cảnh sát, nhân viên an ninh và một hai gã mặc đồ dân sự có đính phù hiệu trên áo. Tất cả bọn họ trông đều mệt mỏi và lãnh đạm.

 

Trước đống chướng ngại vật là một đám đông nhỏ: những người giống như tôi đang đợi bè bạn từ vùng lân cận tới phía nam, những người không có giấy tờ hợp lệ đang đứng chờ  xác nhận để  có thể  tiếp tục vào Soho; những người chỉ muốn ở bên  ngoài gần  gũi những người khác trong những ngày nắng và choáng váng này. Thỉnh thoảng mỗi người trong số chúng tôi lại  nhìn lên những cột khói đang lơ lửng trên bầu trời khu phố và quay đi.

 

Một gia đình tiến đến gần viên cảnh sát trung niên. Đôi vợ chồng ấy bế trên tay cậu con trai và dắt theo một bé gái nữa. Tất cả đều tóc vàng, mặc quần soóc và áo thường. Đôi vợ chồng trông có vẻ thân thiện nhưng đứng đắn trong lứa tuổi ngoài ba mươi của họ. Họ có lẽ là những khách du lịch. Nhưng trong ngày đó thành phố trống rỗng chẳng có người khách du lịch nào. Người đàn ông nói gì đó và tôi nghe thấy viên cảnh sát hỏi rất lớn: “Anh  muốn đi đâu?”

“ Xuống kia”, người đàn ông chỉ tay vào những chiếc cột. Anh ta chỉ lũ trẻ “ Chúng tôi muốn chúng thấy”. Nó có vẻ như thể anh ta không nghĩ được rằng yêu cầu này không thể đáp ứng được.

 

Tất cả mọi người đều nhìn chằm chằm gìa đình này. “ Không có giấy tờ  thì không ai được qua hết”, viên cảnh sát đáp và quay lưng lại phía họ. Vẻ  thân thiện  trên khuôn mặt họ mờ dần. Họ trông thật phẫn nộ giống như vị  khách  sang trọng không tìm được phòng nơi khách sạn  dù đã đặt trước. Người mẹ dắt đứa bé và ông bố bế cậu bé quay về phía tây có lẽ là tìm một điểm kiểm soát khác.

 

“ Họ muốn những đứa nhỏ nhìn thấy Ground Zero[1]”, một người phụ nữ biết viên cảnh sát nói. “Ông đã gạt họ ra khỏi đầu chưa?”. “ Những kẻ cướp”, ông ta đáp. “Đấy là phỏng đoán của tôi thôi”. Ông ta cầm máy bộ đàm lên và gọi cho những trạm kiểm soát phía trên .

Mags xuất hiện ngay sau đó trông hơi nhàu nhĩ một chút. Khi bạn đã quen biết ai đó trong khoảng thời gian dài bằng khoảng thời gian tôi quen biết Mags thì  sẽ  có xu hướng là không nhìn vào những thay đổi mà nghĩ về việc cả hai các bạn vẫn như hồi còn là những đứa trẻ. Nhưng những đứa trẻ thì không có tóc muối tiêu và thân hình mập  như những thân hình đã bước vào cuối lứa tuổi năm mươi này. Những nụ hôn của chúng cũng không phải chỉ là sự qua loa, chiếu lệ. Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi không có những cái lắc đầu nhẹ, cụt ngủn biểu thị cho những điều hai người đã hiểu. Chúng tôi đi bộ giữa đường vì chúng tôi  có thể làm được điều đó lúc này. “ Tối qua  anh không thể nào ngủ ngon được”, tôi nói. “ Bởi vì sự im lặng”, Mags đáp. “ Không có một chiếc máy bay nào. Em đã lắng nghe chờ chúng. Em đã không ngủ một chút nào cả. Em được mời đến tòa án ngày hôm nay. Nhưng tòa án đóng cửa cho đến khi có thông báo mới”. Tôi nói “ Hãy để ý xem tại sao chỉ những người sống ở đây mới được phép vào, có phải khu phía nam toàn là những người Ý và những kẻ híp-pi không?”

“ Giống như năm 1965 đang trở lại vậy”.

 

Mags và tôi đã quen biết nhau một thời gian dài chứ không phải là mới quen biết nhau chốc lát. Những kí ức về tình yêu và những thờ ơ chúng tôi chia sẻ cùng nhau đã làm cho tình bạn ấy thăng trầm trong suốt 30 năm qua.

 

Đầu năm 2001, cuối cùng tôi đã  ra khỏi căn hộ thuê  dài  hạn trả bằng tiền mặt và mua một căn hộ nhỏ trong South Village. Mags đã sống  nhiều năm trong căn nhà ọp ẹp nằm ở ven Soho.

 

Vì thế chúng tôi đã  gặp lại nhau . Tôi viết, hiển nhiên, nhưng Mags chưa bao giờ đọc những gì tôi đã in  cả, điều ấy đã làm tôi buồn phiền. Mặt khác Mags còn tham gia một số hoạt động cho những quỹ của cánh tả và tôi hầu như không quan tâm đến mấy chuyện đó.

 

Mags đang bị kẹt giữa vấn đề rắc rối về việc làm,  vấn đề muôn thuở của  New York và những rắc rối về nơi ăn chốn ở. Hiện giờ Mags  đang trong tình trạng thất nghiệp và ông chủ đất muốn bà rời căn hộ để ông ta có thể  sửa sang lại. Số tiền mà ông ta hỗ trợ không tồi nhưng bà muốn mọi thứ được giữ nguyên. Chúng gây cho tôi ấn tượng rằng những gì điển hình cho Mags  là việc Mags chưa bao giờ ổn định trong cuộc đời mình. Mags giờ vẫn còn đứng bên bờ mép.

 

Rất  nhiều những nhà hàng của Village không mở cửa. Những ông chủ cửa hàng đã không thể hoặc không vào thành phố. Nhưng cửa hàng của Angelian trên đường Thomson vẫn mở bởi vì Angelina chỉ sống cách đó có vài ngôi nhà. Cô ta đang bận rộn với việc phục vụ bàn vì những người hầu bàn  đã không thể đến làm việc.

 

Sau đó tôi đã có lí do để cố gắng và nhớ. Nơi này đông đúc nhưng im lặng. Mọi người thì thào với nhau giống như tôi và Mags làm . Không một ai tôi biết có mặt ở đây. Trên sân khấu  đang vang lên bản “Ancient airs and dances” của Resphigi[2] .

“ Giống  như một cuộc chiến tranh chớp nhoáng”,  ai đó nói.

“ Chẳng bao giờ giống như thế lần nữa”, một người ở bàn khác lên tiếng.

“ Thậm chí không có bất cứ cơ hội nào  cho những người tình nguyện cứu giúp”, người thứ ba nói.

Tôi đã bỏ uống rượu. Nhưng Mags, như tôi nhớ đã gọi một chai rượu vang.

Dịch vụ điện thoại hoạt động trở lại chưa ổn định nhưng mọi người vẫn cố gắng trao đổi những gì  đã thấy.

“ Bà Pirelli” tôi nói “Quý bà người Ý ở trên lầu chỗ anh . Người mà anh  đã nói với em  là bà ấy đã bị  đau tim khi  xem  những cột khói lửa trong ti vi. Con bà ấy làm việc trong tòa nhà trung tâm thương mại thế giới và bà ấy  nghĩ là cậu ta đã bị thiêu cháy trong đó.”

“ Không thể gọi được xe cứu thương vào buổi sáng ngày hôm qua. Nhưng những gã bù nhìn ở những trạm cứu hỏa nhỏ  phía góc đó vẫn đứng yên. Họ đang đợi để được gọi, anh  đoán thế. Họ đưa bà ấy  tới St. Vincent bằng chiếc xe của người chỉ huy. Ngay sau đó đứa con trai bà ấy  đến gần con đường. Chiếc áo comple kẻ sọc bị một vết cháy thủng ở trên vai, bồ hóng phủ đầy mặt và ánh mắt ngây dại. Nhưng cậu ta  vẫn còn sống. Họ nói ngày hôm nay bà ấy đã khá hơn”.

Tôi há hốc miệng và vặn vẹo ngón tay chờ đợi. Mags đã có một câu chuyện sâu sắc và đen tối hơn để kể, một sự ngập chìm vào trong tiềm thức. Trước khi tôi biết bà và cả  sau đó Mags đã có một chuỗi những chấn động tinh thần khủng khiếp. Đấy là sự trở lại  trường đại học, nơi chúng tôi gặp nhau lần đầu tiên, tôi đã ghen tị  với Mags và  tôi  ước có điều gì đó thật là sâu sắc xúc động để nói.

“ Em  đang nghĩ về những gì đã diễn ra tối qua”, Mags nói với tôi.  

“ Chuông dưói cầu thang rung làm em  sợ. Nhưng vào lúc này  khi  dịch vụ điện thoại đang tồi tê, có thể đó là một người bạn, người đang cần nói chuyện. Em nhìn ra cửa sổ. Con đường trống rỗng, chết chóc như chưa bao giờ em  từng thấy.

“ Không có gì cả ngoài những tờ giấy đang bay xuống đường. Anh biết  đấy, anh có thể nhìn thấy những mảnh giấy đang rơi xuống từ trung tâm thương mại thế giới bao nhiêu lần? Trong giây lát em  nghĩ em  đã thấy thứ gì đó chuyển động nhưng sau đó khi nhìn lại thì chẳng thấy gì cả.

“ Em  đã không rung chuông  nhưng hình như ai đó đã làm điều đó vì em  đã nghe thấy tiếng động này, một tiếng huýt gió trong tòa nhà.

“ khi em  đi đến bên cửa và nâng lỗ quan sát lên. Một dáng người đứng đó trên mặt đất. Cô ta nhìn quanh như thể cô ta bị lạc đường. Cô ta mặc chiếc váy dài và rách rưới.Và một chiếc áo bờ-lu, những gì em  nhận ra là chiếc áo được cài phía trước tới thắt lưng. Bộ quần áo thật cũ kĩ. Khi cô ta quay về phía cửa, em  nhìn thấy khuôn mặt cô ta. Nó rách nát và đẫm máu. Như thể cô ta đã nhảy hoặc ngã xuống. Em há hốc miệng vì kinh ngạc, và sau đó cô ta bỏ đi”.

“ Và em  đã thức giấc phải không ?”

“ Không. Em  đã cố gắng gọi cho anh . Nhưng điện thoại không gọi được. Cô ấy đã ngã xuống nhưng không phải là từ toà nhà. Dù thế nào đi nữa giờ đây cô ấy đã không còn ở đây ”.

Mags đã uống cạn chai  rượu . Tôi nhớ rằng Mags đã gọi thêm sa-lát nhưng rồi  không hề đụng đến nó. Nhưng Agenlina đã mang đến một chai vang  mới. Tôi kể cho Mags nghe về gia đình ở chỗ trạm kiểm soát.

“ Có một lỗ thủng  trong thành phố”, Mags nói.

 

Tối đó, sau khi chúng tôi chia tay,  vào lúc tôi nằm trên giường xem ti vi nhưng không phải là xem những bộ phim cũ và cũng  tránh xem bất cứ kênh nào có phát bất cứ bản tin gì thì chuông cửa rung lên. Tôi nhảy ra khỏi giường và đi tới  nhìn vào màn hình . Trên con đường trống rỗng phía dưới cầu thang, một người đàn ông, với đôi mắt hoang dại, mái tóc rối bời đang nhìn chòng chọc giận giữ trực tiếp vào Camera.

 

Dịch vụ điện thoại thật  không đáng tin cậy. Chẳng có bằng chứng nào chứng tỏ cảnh sát đã có mặt ở khu vực lân cận ngay sau đó. Tôi đông cứng lại và không mời anh ta vào. Cho dù ở trong tòa nhà Mags một người khác nào đó  đã làm. Tôi cài chặt cửa, nhòm qua ô kính và lắng nghe bước chân chậm chạp , ngập ngừng. Khi đi đến tầng hai, anh ta nhìn quanh và nói bằng giọng khàn khàn: “ Xin chào? Xin lỗi nhưng tôi không thể nào tìm thấy chìa khóa nhà mẹ tôi”.

Đến lúc đó tôi mới mở cửa và hỏi anh ta xem tình hình mẹ anh, bà Pirelli như thế nào.

“Ổn cả”, anh nói “ mẹ tôi được chăm sóc tốt. Bệnh viện St. Vincent đã được tăng cường phục vụ cả   ngàn nạn nhân. Anh ta nhún vai: “ Dù sao chăng nữa mẹ tôi cũng cảm ơn tất cả mọi người, cả tôi cũng vậy”.

Trên thực tế chúng tôi không nói  gì nhiều. Chúng tôi chúc nhau ngủ ngon và anh ta lê bước chân lên tầng rồi phá cửa kính để vào chỗ mẹ anh ta ở.

 

Thứ 5 ngày 13 tháng 9.

Trước tháng 9 năm 2001 tôi  làm việc ở bộ phận lễ tân cho một thư viện trong trường đại học suốt  30 năm. Tôi sống ngay gần quảng trường Washington.  Và ngay trước 10 giờ sáng ngày thứ 5 tôi lên đường đi làm. Tiệm bán Souvlaki[3] của người Hồi giáo  trên đường vẫn đóng cửa. Chủ hiệu và những người làm việc ở đó đã ra đi từ sáng thứ ba. Tất cả những cửa hàng falafel[4] nhỏ ở South Village đều đóng cửa và tối om.

 

Trên đường tới nơi làm, tôi nhìn thấy một con chuột ba chân đang chạy rất nhanh xuống đường MacDougal. Tôi đã quyết định không nghĩ  về  những điềm gở và những gì thuộc về chủ nghĩa tượng trưng .

 

Những chiếc ti vi lớn đặt trong gian ngoài thư viện vẫn tiếp tục chiếu đi chiếu lại hình ảnh ngọn tháp đôi đổ xuống. Nhưng giờ đây nó cũng chiếu hình ảnh những người   đang đào bới trong đống đổ nát đang bốc khói trên nền đất.

 

Giống như ngày trước đó, tôi là người duy nhất trong phòng xem nó. Những nhân viên thư viện khác sống quá xa. Thậm chí Marco, cậu sinh viên giúp việc cũng không ở  quanh đó. Marco sống trong khu kí túc gần ngay trung tâm thương mại thế giới. Sinh viên ở đó đã được di tản với không một thứ đồ đạc gì khác ngoài một vài quyển sách và bộ quần áo họ đang mặc. Ngày thứ ba trông cậu bé thật đau khổ. Tôi đưa cho cậu bé  khăn giấy, bắt cậu bé  thở sâu và gọi điện cho mẹ ở California. Tôi thậm chí đã đi bộ cùng cậu bé  tới tận nhà thi đấu thể thao, nơi trường đại học đang công bố những sinh viên bị mất tích.

 

Vào buổi sáng thứ năm,  tất cả các máy tính đặt xung quanh bàn lễ tân bị chiếm dụng. Các sinh viên ngồi đó cắm cúi viết  email và ngấu nghiến đọc những tin nhắn gửi tới nhưng  những  cảm  xúc mãnh liệt đã chùng lại kể từ ngày 11 tháng 9. Các cô gái không còn sụt sịt chấm nước mắt khi đọc những dòng tin nhắn nữa. Những nam sinh viên không còn nhảy choàng lên và trở lại từ phòng vệ sinh với đôi mắt đỏ và nói rằng mình bị dị ứng nữa.

 

Tôi nói xin chào và ngồi xuống. Lũ trẻ đã không trò chuyện gì nhiều với tôi trong vài ngày trở lại đây và chúng  cũng không có gì để hỏi. Nhưng tất cả chốc chốc lại quay lại và liếc nhìn để đảm bảo rằng tôi vẫn còn ở đó. Nếu tôi đứng dậy và dời bàn chúng liền hỏi ngay là lúc nào thì tôi quay lại.

 

Một vài ô cửa sổ ở phía sau nhìn ra khu phố thương mại. Những cột khói chập chờn. Gió đang đổi chiều.

 

Chuông điện thoại reo. Hệ thống thông tin liên lạc đã được  cải thiện. Phần lớn các cuộc gọi đều được trơn tru. Khi tôi trả lời, một giọng nói sít, căng thẳng bật ra: “ Jennie Levine là người em  đã nhìn thấy. Cô ấy tròn  19 tuổi vào năm 1911, khi nhà máy Triangle Shirtwaist bị cháy. Cô ấy sống trong tòa nhà chỗ em với gia đình cô ấy 90 năm trước đây. Linh hồn cô ấy đã tìm thấy đường về nhà. Nhưng bên trong tòa nhà chỗ em đã thay đổi quá nhiều khiến cô ấy không thể nhận ra”.

“ Chào Mags”, tôi nói. “ Em có muốn lại đây và ăn trưa không?”

Một vài tiếng sau, chúng tôi đã ngồi trong  khu nhà ăn nhỏ vốn dùng cho những cán bộ trong các khoa  ở phía Tây. Trường đại học vốn có thực phẩm trong tay và không có đủ người để tiêu dùng nó nên  đã mở cửa căng tin và nhà ăn cho bất cứ ai với một tờ giấy chứng nhận của trường đại học. Thậm chí chúng tôi có thể đưa bạn bè tới đó nếu chúng tôi muốn.

 

Giờ đây tôi nhìn, Mags có vài vết quầng thâm lo lắng quanh mắt và mái tóc đã được làm lại. Nhưng cả hai chúng tôi đều   bơ phờ một chút trong những ngày này bởi thời thế  và nỗi sợ hãi. Mọi người vẫn tiếp tục liếc nhìn xuống khu phố thương mại cho dù họ đang ngồi trong phòng và không gần cửa sổ.

 

Người phụ nữ gốc  Ấn điều hành nhà ăn  chào chúng tôi và cám ơn chúng tôi đã đến đây. Tôi  có một đĩa xúp mướp tây thật ngon, món sa-lát lê tàu thật tươi và chiếc bánh pút-đinh mềm mại. Nơi này trống đến một nửa và một lần nữa những cuộc trò chuyện lại câm bặt.

Tôi nói với Mags về cậu con trai của bà Pirelli vào buổi tối trước đó. Mags ngẩng lên khỏi đĩa thức ăn, nghiêm nghị  nói: “ Em  không tưởng tượng ra Jennie Levine đâu” và khép lại chủ đề đó.

Sau đó Mags và tôi đứng trên quảng trường Washington trước tòa nhà trường đại học trước đó là nơi đã từng có nhà máy có tên gọi Triangle Shirtwaist. Ở cuối khối nhà, một đoàn xe tải xanh màu ô liu  đang lặng lẽ lăn bánh xuống Broadway.

 

Mags nói: “ một buổi chiều ngày 25 tháng 3 năm 1911, 146 phụ nữ trẻ đã bị thiêu cháy tại đây. Ngọn lửa bùng lên từ đống giẻ rách. Cửa thông lên mái đã bị khóa. Thang cứu hỏa không thể vươn đến tầng tám và những cô gái đã bị thiêu cháy”.

 

Giọng Mags sít lại, thì thầm: “ Họ nhảy và vỡ nát trên vỉa hè.  Phần lớn trong số họ sống ở ngay gần đây. Trong những căn hộ đã được cải tiến lại mà chúng ta đang sống bây giờ. Nó giống như những chiếc máy bay kia đã đục  một lỗ thủng trong thành phố và Jennie Levine đã trở lại qua lỗ thủng đó”.

“ Thôi nào, em yêu!Trường đại học sẽ có vài lời chia buồn ngắn ngủi. Anh nghĩ anh phải đi đây. Em có muốn thử xem là anh có thể đưa em vào đó không?”. Nó có vẻ ngu ngốc khi tôi nói những lời ấy. Chúng tôi rảo bước trở lại thư viện.

“ Có cả những người khác nữa”, Mags nói. “ Những đứa trẻ cháy đen và trương phềnh lên trong những bộ quần áo kiểu cũ. Em  đã thức dậy rất sớm sáng nay và không thể ngủ lại được. Em thức dậy đi dạo xung quanh và đến tận East Village”.

“ Lạy chúa”, tôi nói.

“ Geoff cũng đã trở lại”, em  biết điều đó”.

“ Mags. Thôi đi nào”. Đấy là những gì chúng tôi đã nói đến  trong một thời gian dài. Chúng tôi đã từng có ba người và Geoff là người thứ ba. Geoff  trẻ hơn chúng tôi một vài tuổi tại thời điểm ấy và đấy là điểm khác biệt chủ yếu.

 

Chúng tôi gọi cậu ta  là “Chúa” Geoff vì cậu  ta nói rằng chúng tôi tốt đẹp hơn thế giới xung quanh một chút. Chúng tôi đùa rằng cậu ta là con trai của chúng tôi. Một gia đình nhỏ gắn bó với nhau bởi dục vọng và ma túy.

 

Cả ba chúng tôi đều trẻ, vừa mới bỏ học và sống trong thành phố. Định kiến và những thực tế khó khăn của căn bệnh nghiện ngập đã chia rẽ chúng tôi. Mỗi người trong chúng tôi phải tự tìm lấy đường sinh tồn. Mags và tôi đã làm điều ấy. Hóa ra Geoff sinh ra không phải là để chịu đựng sự đổi thay đột ngột như thế. Cậu ta mới 21 tuổi. Chúng tôi vẫn chỉ là những đứa trẻ ngu ngốc và liều lĩnh.

 

Khi tôi tự bào chữa trong đầu, Mags nắm chặt tay tôi: “ Rồi cậu ấy sẽ tìm chúng ta”, Mags nói.

Rùng mình ớn lạnh, tôi nhìn Mags bước đi và tự hỏi Mags đã trở nên xa cách nhiều như vậy mà tại sao tôi đã không nhận ra.

 

Trở lại  chỗ làm, Marco đã đợi tôi. Cậu bé  là người gốc Philipin, luôn ăn mặc có vẻ sành điệu. Nhưng đấy là tuần trước. Hôm nay, cậu bé   là người tị nạn khốn khổ với đôi dép tông quá khổ, mặc chiếc áo phông đỏ và quần soóc thể thao. Cả hai thứ đấy có lẽ là thứ đồ sản xuất dành cho những người cao lớn và da sẫm hơn.

“ Tình hình ra sao?”

“ Chết tiệt! tất cả đồ đạc cháu để cả ở trong khu phố thương mại và cháu không biết liệu có thể lấy nó ra được không.Họ có những thùng trong nhà thi đấu chứa bàn chải, dao cạo, áo lót..Nhưng những thứ cháu  cần thì lại không có  và nếu có thì cũng chẳng vừa. Cháu đưa quần áo cho họ giặt nhưng họ không đưa trả lại. Và giờ đây trông cháu chẳng khác chi chú hề.”

“ Họ bắt chúng cháu ngủ trên sân bóng rổ. Cả tối qua cháu nằm ở đó và nhìn chằm chằm lên trần nhà cùng với hơn một trăm gã khác. Một vài gã trong số đó ngáy. Một gã thì thét lên trong lúc ngủ. Và cháu không muốn tắm khi có cả một lô một lốc nhìn chằm chằm cháu”.

 

Cậu bé  nói với tôi tất cả những điều ấy trong khi không nhìn tôi, nhưng tôi hiểu cậu   đang muốn gì. Tôi nghĩ rằng điều ấy  có thể gây phiền phức. Nhưng căn cứ vào những gì dường như tôi đã không làm được gì nhiều cho Mags, tôi nghĩ nó có thể sẽ tốt hơn nếu tôi làm   một điều gì đó cho người khác.

“ Cháu muốn tắm ở chỗ bác và ngủ trên đi văng phải không?”

“ Có được không hả bác?”

Sau đó tôi nghỉ giải lao và đưa cậu bé về căn hộ của mình, trải khăn trải giường lên đi văng. Khi Marco tắm tôi trở lại chỗ làm.

Tối đó khi tôi trở về nhà, Marco   đã thức dậy. Khi chúng tôi ra ngoài đi dạo, cậu bé lẽo đẽo theo sau. Tôi  đứng lại chỗ trạm kiểm soát của cảnh sát chỗ đường Houston và Sixth Avenue và nhìn những chiếc xe chạy lại từ chỗ trung tâm thương mại thế giới. Một chiếc xe cứu thương với một bên sườn bị vỡ nát cùng với một chiếc xe quân sự bẹp nóc đang được một chiếc xe tải lớn sàn phẳng kéo lên đường 6th Avenue. Những chiếc xe của sở cảnh sát New York chất đầy những gã từ Ground Zero với nhưng đôi mắt sâu và bộ dạng dơ dáy.

 

Đám đông những người ở Greenwich tụ tập trên vỉa hè vỗ tay và gào lên : “ Hoan hô lính cứu hỏa! Hoan hô cảnh sát!”.

 

Trạm chữa cháy ở đường 6th  Avenue đã đưa đi rất nhiều nạn nhân khi tòa tháp đổ. Nơi này đã bị khóa và trống rỗng. Chúng tôi nhìn những bông hoa và vòng hoa trên cửa, những phù hiệu với khuôn mặt những người lính cứu hỏa đã không trở lại và dòng chữ “ Vô cùng biết ơn những con người dũng cảm, những người đã hi sinh để bảo vệ chúng ta”.

 

Những làn khói mỏng bốc lên từ khu phố thương mại xoay tròn bởi gió trong bóng tối chạng vạng. Những cơn gió nhẹ đi kèm với nó đã làm cho chúng tôi phải chịu đựng thứ khói hăng cay sè trong vài tuần sau đó.

 

Các viên chức bảo đó là mùi của bê tông bị đốt cháy.  Tôi và những người khác đều tin rằng những gì mà chúng tôi đang hít thở ấy chính là tro than của những người bị thiêu cháy vào ngày thứ 3.

 

Trời  bắt đầu mưa bụi. Marco bám gần tôi khi chúng tôi quay về. Những chàng trai trẻ  với độ tuổi hai mươi thông thường hiếm khi ra ngoài với một ông già hơn ba lần tuổi. Cậu bé này đang rất sợ hãi.

 

Đường Bleeker gần như là bị bỏ rơi với rất nhiều cửa hiệu và nhà hảng vẫn đóng cửa. Những nơi mở cửa thì cũng hầu như vắng khách vào lúc 9 giờ tối.

“ Nếu bác  mua cho cháu  két bia 6 lon, cháu  sẽ hứa là  uống hết phải không?”. Cậu ta ra dấu đồng ý.

Trở lại nhà, Marco xin gọi nhờ điện thoại. Cậu bé gọi cho những người cậu bé  biết trong trường đại học, tìm một phòng còn trống trong kí túc, và thì thầm với cô gái có tên Eloise. Giữa những cuộc gọi, cậu bé làm việc trên máy tính.

 

Tôi nghe một chút thánh ca , vài bản nhạc của Ray Charles[5] và Haydn[6],  rồi  dán mắt vào màn hình tivi. Tổng thống đã gạt bỏ nỗi hoảng sợ để tới New York vào ngày tới.

Ở phòng kế bên chuông điện thoại reo vang. “ Không. Cháu là Marco”,  tôi nghe thấy tiếng cậu    đáp. “Bác ấy cho cháu trú tạm ở đây”. Tôi biết ai gọi trước khi cậu bé bước vào và  thì thầm: “ Bác ấy hỏi cháu có phải là Geoff không”.

“ Chào Mags” tôi nói. Mags đang gọi từ một nơi nào đó bằng máy bộ đàm và xung quanh là âm thanh của tiếng còi báo động.

“ Những đứa trẻ ấy em đã nhìn thấy ở quảng trường Astor”, Mags nói, giọng  rõ và cuồng lên.” Những đứa trẻ đã bị thiêu cháy và chết chìm phải không? Chúng đã ở General Slocum khi nó bắt lửa”.

“ Những đứa trẻ em nhìn thấy ở quảng trường Astor đã bị chết cháy và chết chìm?” tôi hỏi. Sau đó tôi nhớ lại cuộc nói chuyện của chúng tôi trước đấy.

“Ngày 15 tháng 6 năm 1904 đã xảy ra thảm họa lớn nhất trong lịch sử thành phố New York.  East Village đã từng được gọi là nước Đức thu nhỏ. Mười ngàn người Đức với những văn phòng, nhà thờ, tiệm bia của chính họ.

“ Họ đã có một buổi du ngoạn ngày chủ nhật chủ yếu dành cho lũ trẻ trên một chiếc tàu  hơi nước, chiếc General Slocum, một căn nhà bồng bềnh mà khi cháy sẽ khó tìm lối thoát. Khi nó nổ tung trong lửa không có một chiếc thuyền cứu sinh nào. Thủy thủ đoàn và thuyền trưởng vô cùng kinh hãi. Trước khi họ cập được bến, hơn một ngàn người đã chết. Chết cháy và chết đuối. Khi lỗ hổng trong thành phố bị thổi tung ra, họ trở lại và tìm kiếm những ngôi nhà của họ”.

Cuộc đối thoại tan ra trong im lặng.

“ Em đang ở đâu, Mags?”

“Ở Ground Zero. Mùi ở đây giống như mùi lưu huỳnh đang cháy. Anh đã gặp Geoff chưa?”, Mags  hét to qua điện thoại.

“ Geoff đã chết rồi, Mags. Đấy là tất cả nỗi kinh hoàng và căng thẳng đang giày vò em. Không có lỗ thủng  nào đâu....”

“ Cảnh sát, lính cứu hỏa và những người cứu hộ đang ở đây. Tất cả đều lấm lem, tơi tả và đang đi xuống đây”. Đúng lúc đó có tiếng còi báo động rít lên. Tiếng những người đàn ông la hét. Đường dây bị ngắt.

“ Mags, cho anh số điện thoại, gọi lại cho anh sau”, tôi hét lên. Nhưng sau đó không có gì cả ngoài im lặng và tiếng quay số mơ hồ. Tôi gác máy và đợi chuông reo lần nữa.

 

Còn tiếp.

 

Nguyễn Quốc Vương dịch từ nguyên bản tiếng Anh.

 



[1]. Vốn là từ chỉ vùng đất  bị hủy diệt hoàn toàn ngay  chỗ quả bom nguyên tử phát nổ, sau ngày 11/9/2001 người Mĩ dùng nó để  ám chỉ nền đất xây dựng  tòa nhà trung tâm thương mại thế giới.

[2] . Ottonio Respighi ( 1879-1936), nhạc sĩ người Ý.

[3] Một món ăn của người Hilạp thành phần là thịt, rau  được xiên và nướng chín.

[4] Một món ăn của người Ả-rập làm từ đậu xanh có dạng viên tròn.

[5] Ray Charles (1930-2004), nhạc sĩ,  nhạc công piano người Mĩ.

[6] Franz  Joseph Haydn ( 1732-1809) nhạc sĩ người Áo.

Richard Bowes
Số lần đọc: 1884
Ngày đăng: 09.10.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thị trấn bên kia suối-1 - Trần Trung Sáng
Thị trấn bên kia suối-2 - Trần Trung Sáng
Vầng trăng bên kia sông - Lê Minh Tú
Kiếp bèo - Nguyễn Đình Bổn
Tiếng chuông chiều - Lê Hoài Lương
Trận đòn…… - ManTran
Cuồn cuộn… không yêu - Quỳnh Linh
Người tình giấu mặt - Hoàng Thị Giao
Nguyễn Ức Trai - Trương Thái Du
Màu hoa của đá - Nguyên Quân