Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
781
116.692.740
 
Đối diện cùng sinh tử
Văn Chấn Ngọc

Một cánh tay giơ lên, rồi vội vàng buông xuống. Một cái chân, rồi hai cái chân  chống lên ngập ngừng… lại buông lơi xuống. Thêm một ngón tay gõ nhịp vô thức “cộc cộc, cộc cộc…"  xuống mặt giường, nhịp điệu hẳn hoi, giống hệt tiếng gõ nhịp đồng tình của một người đàn ông tinh thần đang phấn chấn! Cứ thế, “cộc cộc, cộc cộc”…  đôi lúc lại xen lẫn với tiếng la lối ồn ào phát ra từ miệng mấy người  thân nhân nuôi bệnh như một sự hoà âm quái dị.

 

Người đàn ông la lối khi nãy vẫn còn đang gầm gừ với bác sĩ điều trị:

“Mấy người nhắm trị ba tui không nổi thì chuyển thành phố đi cho kịp. Chứ để ở đây ôm bệnh chờ thời hoài như vầy, có chuyện gì tui kiện tới trung ương cho biết!”

 

Vừa nói, ông ta vừa quay lưng bước nhanh ra ngoài. Dường như ông ta đang bức xúc một điều gì từ đâu đó và phải chịu dồn nén, ức chế không nơi phát tiết, đến bây giờ vô tình trút hết lên đầu người phụ trách phòng hồi sức Ngoại.

 

Một người tức cảnh…  sinh tình nên góp theo:

“Tiền thì bắt đóng đủ thứ hết. Chừng thang máy hư thì bắt mấy thằng mình khiêng”.

 

Câu nói ấy khiến cô điều dưỡng tên Chi bất chợt phì cười, nhủ thầm: “Họ nói mình đây. Bữa đó thang máy hư, mình khiêng không nổi nên có nhờ người nhà họ khiêng dùm vì thấy toàn thanh niên trai tráng. Không ngờ lại khiến họ bất mãn như vậy!”_ Chi vọt miệng định nói: "Tụi tôi không có thu tiền dịch vụ khi chuyển bệnh từ khoa này sang khoa khác đâu à! Mà so với bệnh viện khác, có nhiều thứ tụi tôi còn không thu tiền nữa kìa cha nội ơi!!”. Nhưng Chi cũng không muốn đôi co với họ làm chi thêm mệt, nên dằn lòng không đáp.

 

Người đàn ông bậm trợn khi nãy nước da đen cháy như cục than, mặt râu như Trương Phi, tướng tá kịch cợm lại càu nhàu với những người xung quanh:

 

“Ba tui bảy mươi bốn tuổi rồi mà còn phong độ lắm! Ổng đang mạnh phẻ dzậy mà thằng quỷ kia mới biết chạy hông đa tông ai hổng tông, lại tông trúng cha tôi. Làm ổng phải nằm im re như vậy tới bi giờ hơn hai tuần rồi. Phải chi mà ba tui say xỉn lạng quạng như mấy ông cố nội kia thì còn nói làm chi nữa!”

Một người đứng cạnh đó chép miệng:

“Già rồi thì như trái chuối muồi vậy chú ơi! Đụng tới thì rệu rã, khó hồi phục lắm! Làm sao mà trách y bác sĩ cho được! Dù gì họ cũng đã tận hết khả năng của họ rồi!”

 

Trong phòng hồi sức đặc biệt, tiếng gõ nhịp của ngón tay vô thức “cộc cộc, cộc cộc…” lại ngẫu nhiên vang lên, giống hệt một sự đồng tình “ừ ừ, ừ ừ…”. Khiến Lục Lạc đang đau bụng nằm giường gần đó khẽ bật cười _Thì ra mọi bi hài của cuộc đời đều được phơi bày ở đây một cách đầy đủ và cực kỳ rõ nét_ Chị nằm ở đây đã gần ba tuần rồi, với chứng viêm tụy cấp. Những lúc cơn đau dịu xuống, Lục Lạc lại buộc phải chứng kiến, quan sát và cảm thông với nỗi đau của bệnh nhân. Và những người  nuôi bệnh kia, đang vừa phải lo cơm áo gạo tiền mỗi ngày mỗi buổi, vừa phải túc trực chăm sóc, lo lắng cho người bệnh những lúc được phép vào thăm. Họ phải chịu đựng những khổ nhọc ấy ngày này qua ngày khác, tuần này qua tuần khác như tiếng tích tắc đều đặn vô biên của chiếc đồng hồ vì những căn bệnh ngặt nghèo của người thân mình là điều không ai muốn. Họ cứ trông ngóng vào phòng hồi sức luôn luôn, mong cho người thân mình mau chóng hồi phục, vượt qua mặt tử thần. Đôi khi họ tìm những cái cớ rất ư buồn cười để được vào “nghía” người nhà mình một tí! Thí dụ như: “Mấy cô gọi thân nhân của ông Tư hả?... Thì  tên của ba tôi. Cho nên tôi mới lật đật vô đây đó! Chớ ai mà muốn vô đây làm chi đâu mấy cô ơi(!)”… Hoặc như khi điều dưỡng gọi tên của ông A thì người nhà ông B có mặt để… xách giấy đi đóng tiền dùm. Đóng tiền, mà không hề biết trong giấy là tên người khác chứ không phải của người nhà mình. Đến khi nhân viên y tế phát hiện ra thì họ vui vẻ xách giấy đi… trừ tiền lại. Có cái cớ để họ được đi ra đi vô phòng hồi sức, liếc chừng người nhà mình là đủ khoái rồi. Dễ thương như vậy đó!

 

Thế mà những bệnh nhân nằm kia vẫn cứ chơi vơi trong những giấc mơ vô hạn định, để mặc cho người thầy thuốc ở đây nuôi ăn bằng đường tĩnh mạch các chất đại phân tử; để mặc người ta bơm sữa - súp qua ống thông dạ dày và mặc sức… thở máy liên tục. Đa số họ là những người đàn ông trung niên, đang thời sung mãn nhất của một đời người, giờ phải chịu nằm yên đó sau cuộc phẫu thuật chấn thương sọ não nặng vì tai nạn giao thông. Có người bị dập não (khó lòng qua khỏi). Có người bị máu tụ máu tụ dưới màng cứng; máu tụ ngoài màng cứng (còn chút hy vọng). Có người đứt mạch máu não do cao huyết áp giờ đang hôn mê bất định… Tất cả, đều đang được chăm sóc và điều trị tích cực dù biết hy vọng sống còn đôi khi như ngàn cân treo sợi tóc.

 

Tiếng “cộc cộc, cộc cộc…” chốc chốc lại vang lên một giai điệu độc đáo và ngộ nghĩnh. Mường tượng như tiếng giày nện gót của lão tử thần  đang tiến dần từng bước vào phòng hồi sức. Từng cái tay, từng cái chân thỉnh thoảng chống lên trong vô thức rồi chợt buông chùng xuống, rời rã và lạc điệu. Dường như bên kia bức tường chắn của hôn mê là sự cố sức vẫy vùng, chống trả quyết liệt của người bệnh trước  thần  chết. Ở đây, nơi chốn này, sự sống mong manh giờ đã cân bằng với  cái chết. Sống và chết như không còn lằn ranh phân định nữa! Lằn ranh ấy đang tự xóa đi, triệt tiêu dần thành một chiếc bè trong suốt, không định hướng. Nó đang bềnh bồng chao đảo đưa những con người hôn mê kia trôi đi mãi, trôi mãi… giữa muôn trùng sinh tử… cho đến khi  hồn phách của chính con người đó tự thức ngộ ra được điều gì…! Có phải thế không?_ Lục Lạc buông tiếng thở dài. Trong những cơn đau dai dẳng thế này, chị mệt lả và thường thiếp đi. Giữa các cơn đau chập chờn nửa mê nửa tỉnh, Lục Lạc thoáng thấy có cô gái xinh đẹp nào đó đang ơ thờ đứng tựa cửa phòng bệnh ngoài kia, có lẽ để liên hệ về một chuyện gì. Cô gái ấy da trắng hồng, môi đỏ mọng như  son một cách tự nhiên; ngực lẳn, eo thon, mông nở, mắt ướt đa tình, lông mi cong vút xinh đẹp như hoa. Cực kỳ quyến rũ! Hình bóng cô gái là có thật. Và vẻ mặt tuyệt đẹp vô tư, không lo lắng kia nào biết được chuyện đấu tranh sinh tử của từng con người đang thiêm thiếp nằm đây. Rồi Lục Lạc thấy cô gái tuyệt đẹp lôi cuốn ấy bỗng chốc biến tấu thành một xác thân bất động, xanh xao mòn mõi nằm trên giường bệnh y hệt  những người kia. Bấy giờ cô gái đã không còn đa tình hấp dẫn nữa! Mắt môi cô nhợt nhạt, da thịt tái tê, toàn thân rũ liệt như một thây ma không khác. Tuy còn đó chút dấu hiệu sinh tồn, nhưng tri giác hoàn toàn mờ mịt…

 

Ôi! Tình cảm, và nhất là sức khỏe chính là những bảo vật vô hình của mỗi con người. Lúc bình thường không ai nhìn thấy, không ai quý trọng. Chỉ khi ở trong cảnh rồi mới nghiệm ra nó quý hiếm đến mức độ nào! Tìm ở đâu được bây giờ?! Cho dù có sẵn một núi vàng; hay có sẵn mọi phương tiện sống hiện đại để hưởng thụ, thậm chí  có làm vua một cõi đi nữa… thì có đánh đổi được sức khỏe của bất cứ một người nào đó được không?... Lúc bình thường, uống một ly cà phê đá hay một cốc cam tươi, một ly sữa nóng không nghĩa lý gì, không thành vấn đề gì cả! Nhưng bây giờ nằm xuống rồi, mới thấy nó quý giá biết chừng nào! Nó_ cái khả năng để cho mình có thể tiêu thụ, hấp thu tốt một ngụm cà phê ngon một cách ổn thỏa khoái trá lúc đang bệnh thế này không phải là chuyện dễ dàng, không phải  muốn mà được!

 

Lục Lạc cứ thế trôi theo những dòng suy tưởng như một tảng băng nhỏ bé đang trôi vào khúc quanh ghềnh thác nhiều bất trắc. Tảng băng đó chết thèm với cái cảm giác được tận hưởng một ngụm cà phê mát lạnh, đắng lịm đầu môi. Chết thèm với cảm giác cắn một miếng mận da xanh ngọt ngọt chua chua tứa nước miếng, giòn tuyệt trên đầu lưỡi. Và rồi tảng băng đó đang tan biến dần khi bất chợt ngang qua một dòng nước nóng cuối ghềnh. Bởi ngay lúc bấy giờ, thực tế,  chị đã nhịn  ăn nhịn uống gần một tuần nay (kể cả một muỗng nước nhỏ làm dịu cổ họng cũng không được phép) do căn bệnh của mình.

 

Tiếng gõ nhịp “cộc cộc…” lại tiếp tục vang lên. Mường tượng như cây búa của vị quan toà đang từng nhát nện xuống mặt bàn phán xét để nhắc nhở mọi người trong phòng giữ trật tự yên lặng. Mường tượng như đó là tiếng nói đại diện cho bốn vị  “sứ giả” đang nằm kia, trên những chiếc giường thẳng tắp drap trắng phẳng phiu và khô ráo trong một không gian gần như yên tĩnh. Tiếng nói  đó đang vang vọng bảo rằng: Chúng tôi, là sứ giả của tứ đại vô thường. Là sứ giả của sự liên kết giữa sống và chết; Là sự đoạn diệt giữa hiện hữu và tiêu tan. Sự liên kết đó không còn ngăn cách hay phân biệt giữa giàu và nghèo; mạnh hay yếu; quyền lực hay thế cô; đúng hay sai; tốt hay xấu… Tất cả là sự triệt tiêu dần thành con số không  đầy ý nghĩa, và chúng tôi đang chứng minh một đẳng thức bất biến _ đẳng thức của luân hồi - nhân quả!

 

Vị sứ giả thứ nhất không người tìm đến xác nhận, không biết được họ tên, gốc gác… nên trong bệnh án được đặt tạm là Vô Danh Nam khoảng chừng bốn mươi tuổi. Ông đang được thở bằng máy thở nằm sát góc phòng, đang được bơm súp; truyền đại phân tử; chăm sóc và vệ sinh cá nhân chu đáo. Súp được cung cấp từ khoa dinh dưỡng của bệnh viện khi có y lệnh đề nghị. Tiền thuốc của ông sau cuộc phẫu thuật máu tụ dưới màng cứng _ do tai nạn giao thông _ cả tháng nay đã không được thanh toán vì không người thừa nhận. Mà tiền thuốc của ông mỗi ngày ít nhất sáu bảy trăm ngàn, thì trong một tháng vừa qua con số đó lên tới bao nhiêu? Và có bao nhiêu người như ông trong một bệnh viện này, thường xuyên phải miễn phí. Có rất nhiều người như thế mà bệnh viện phải đa mang. Phải không. Lục Lạc suy luận ông tứ cố vô thân. Cán sự phòng hồi sức chắc chắn cũng biết điều đó từ lâu, nhưng không vì thế mà cách đối xử và chăm sóc của họ có gì khác biệt hay thay đổi so với những bệnh nhân nằm quanh ông có người nhà đóng tiền thuốc mỗi ngày đầy đủ. Có lẽ vì sự tử tế chu toàn đó đã giúp ông có khuynh hướng hồi phục tốt, sớm hơn thường lệ. Chính ông là chủ nhân của ngón tay vô thức, thỉnh thoảng gõ nhịp cộc cộc…” xuống giường cảnh báo mọi người. Rồi ông được chuyển trại vài ngày trước khi Lục Lạc xuất viện vì có nhiều dấu hiệu hồi tỉnh tốt. Điều đó đồng nghĩa với sự tận tình, chu đáo và vô tư của người điều dưỡng phòng hồi sức, thì thử hỏi người đàn ông bậm trợn khi nãy đã phản ứng đúng hay sai? Tất nhiên, cách đối đãi thì có chỗ tốt - chỗ xấu; có người tệ - người không; Không chỗ nào tốt hoàn toàn hay xấu hoàn toàn. Phải không? Và ví thử người ta đưa ông vào nằm ở bệnh viện tư  thì sao nhỉ? _ Lục Lạc chợt mỉm cười dù cơn đau đang nhói lên từng cơn khủng bố.

 

Vị sứ giả thứ hai, sáu mươi ba tuổi cũng đang được thở máy vì chứng tai biến mạch máu não, đang hôn mê bất định. Từ lúc Lục Lạc vào đây nằm đến nay hơn hai tuần, chỉ thấy vỏn vẹn có hai người đàn bà vào chăm sóc lo liệu các thứ, ngày ba buổi, một cách chu đáo, đáng nể phục. Một người là vợ, người kia là chị ruột. Trong suốt nửa tiếng đồng hồ ngắn ngủi của một buổi được phép vào thăm, họ chăm sóc cho ông không phút ngơi tay_ Không như những người nhà khác, vào đó chỉ để lấy mắt nhìn người nhà một cái xem “có sao” chưa? “Chưa sao” thì họ ngó nghía tò mò, chỉa mũi vào chuyện của người khác. Lục Lạc buồn cười khi thấy một bà sồn sồn nọ đang đau mắt đỏ hoe, vào thăm cháu gái mình mới mổ u nang buồng trứng xong, vừa được chuyển ra nằm đó đang thiêm thiếp mà bà không lo, cứ tò mò ngó ông bệnh nhân nằm giường đối diện. Có kẻ còn chen vào đứng cạnh những người điều dưỡng đang cứu cấp bệnh nặng để xem. Để rồi bị họ tức mình đuổi hết ra ngoài _ Hai người phụ nữ ấy đã liên tục, tích cực xoa bóp, lau chùi sạch sẽ, thoa phấn chống loét và chống cứng khớp, teo cơ cho ông. Sức lực ốm yếu của người đàn bà mòn mõi với sức lớn khôn của con cái; mòn mõi với những ngày nuôi bệnh trong nhà thương, mỗi lần vào thăm và vệ sinh cá nhân chu đáo cho ông… khi  vác từng cái chân vạm vỡ dềnh dàng của ông ta để tập cho co ra co vô kiểu đạp xe đạp là cả một vấn đề vất vả. Khiến Lục Lạc mủi lòng thầm thương khi liên tưởng đến một con chuột đang thường xuyên khó nhọc cõng trên lưng một con mèo đang bị thương xoãi vó.

 

Đến cuối tuần thứ ba (lúc Lục Lạc sắp ra viện) thì thấy ông ấy đột nhiên ứa hai dòng lệ ngắn, và châu mày nhăn trán khi nghe Lục Lạc bảo họ: “Mấy dì cứ nói chuyện với ông ấy như bình thường đi. Ông ấy chắc chắn sẽ nghe thấy được mấy dì đang nói cái gì và sẽ hồi phục sớm! Chỉ tại vì dượng ấy không cử động được đó thôi!”. Ngày hôm sau ông ta đã mở mắt, liếc mắt được khi nghe họ nói, ông cũng không cần phải thở bằng máy nữa và có thể trả lời bằng những cái gật đầu hoặc lắc.

 

Vị sứ giả thứ ba chính là ông già bảy mươi bốn tuổi, cha của người đàn ông bậm trợn khi nãy. Lúc ông mới vào đây, mặt mày sưng vù, căng bóng và tím lịm , cùng với thân hình vạm vỡ , trắng khoẻ đầy phong độ, người ta cứ tưởng ông chừng hơn năm mươi là cùng. Không ngờ ông… cổ lai hy đến vậy! Nhưng tiếc là ông bị dập não nhiều nên khó có cơ hồi phục. Bây giờ có lẽ ông đang lửng lơ trên chín tầng trời, phiêu diêu đi tìm chân lý nên mạch lạc của ông giờ chỉ còn lăn tăn nhẹ tợ lông hồng. Lục Lạc lắng tai nghe vị bác sĩ đang kiên nhẫn giải thích với người con bậm trợn của ông già:

 

“Không phải là chúng tôi quá tệ đến nổi không lo được cho ông cụ. Nhưng vì  ông đang ở trong tình trạng nguy kịch. Đến mức độ phải sử dụng thuốc co mạch liều  cao liên tục để duy trì bằng bơm tiêm điện như vầy thì ông biết đó. Chỉ cần ngắc mọi thứ ra: ô-xy, thuốc, máy thở… trong khoảng vài phút để di chuyển ông già lên xe cứu thương thôi là đủ để ổng từ giã cõi đời rồi. Huống hồ còn phải vận chuyển gần trăm cây số đường từ đây tới Sài Gòn, sợ đi chưa được nửa đường thì đã hỏng. Giờ chúng tôi buộc lòng phải báo cho người nhà biết để mọi người chuẩn bị tinh thần lo hậu sự ”.

 

Nhóm con cháu của ông già nghe được chuyện, khóc ròng.

Vị sứ giả thứ tư  là chủ nhân của những cái chân thường xuyên co lên, co xuống, rồi đột ngột để cho nó rớt đùng xuống. Ông ta hơn bốn mươi tuổi, có đôi mắt bồ câu (con đậu con bay) nhưng chỉ là “bồ câu” khi ông sắp tỉnh. Vào lúc Lục Lạc khoẻ khoắn, định ngước lên “điểm danh” tứ vị sứ giả nằm xung quanh mình như mọi hôm thì thấy ông ta đang hé một mắt liếc chừng mình. Lục Lạc tinh nghịch hất hàm, nhướng mắt nhìn ông mỉm cười: “Chào buổi sáng sớm. Khỏe chưa ông? ” thì ông ta vô tình hay cố ý hướng ánh mắt sang nơi khác. Ông Danh Sơn này cũng chỉ duy nhất có một người vợ vào thăm nom lo liệu, nhưng không biết cách chăm sóc. Chị chỉ đứng cạnh giường bóp tay, bóp chân vài cái chiếu lệ rồi đứng đờ người ra, đảo mắt quan sát người xung quanh vào thăm. Có những lúc ngơi việc, anh cán sự điều dưỡng tên Tòng vui vẻ sốt sắng đến bên ông, vạch mắt, soi đèn, vỗ vỗ vào lưng ông vài cái, rồi đưa tay ra bảo: "Ông nắm tay tôi đi, nắm tay tôi đi nè!" (mục đích để thử phản xạ hồi tỉnh). Danh Sơn miễn cưỡng chậm chạp nắm lấy, nhưng vẫn làm cho Tòng vui mừng. Lúc quay lưng đi, anh ta cười nói: “Ông này khinh đời dữ ta! Nhìn đời chỉ bằng nửa con mắt(!)”

 

Một tuần sau, Danh Sơn cũng được chuyển ra ngoài. Vậy là những vị sứ giả kia lần lượt thoát ly cửa tử. Không gian trong phòng hồi sức lúc này như trống vắng hơn từ khi bốn vị sứ giả lần lượt xuất viện. Hình như mức độ trầm trọng của bệnh trong phòng ICU này mỗi khi được giải tỏa thì tất cả mọi thứ trong phòng đều trở nên buồn tênh, biếng nhác sau những phút giây căng thẳng chiến đấu trường kỳ để giành giật sự sống từ tay tử thần. Lục Lạc cảm thấy như thế!

 

Rồi bỗng nhiên, Lục Lạc chiêm nghiệm một điều: những chuyện thống khổ hay vui sướng trên đời, ở đâu và lúc nào cũng có. Thậm chí có nhiều lúc nó trở thành những giai điệu độc đáo không biên giới, những điệp khúc bất tuyệt dù hết sức đời thường như chuyện trong phòng hồi sức kia, nhưng lại  ẩn chứa trong đó rất nhiều những điều phi thường, huyền diệu mà đôi khi con người ta khó lòng cảm nhận được... trừ phi họ bất chợt từ cõi chết trở về cõi sống. Giả như, con người ta luôn luôn hình dung và nghĩ nhiều về cái chết để mà chiêm nghiệm nó hằng ngày, chắc chắn con người sẽ sống thanh cao tốt đẹp hơn, có tình cảm hơn với người xung quanh và sẽ tìm cách để cuộc sống mình có ý nghĩa. Phải không?

 

*

Một ngày đẹp trời, bác sĩ Tuấn thuận đường ghé nhà thăm Lục Lạc_ Tuấn là bạn vong niên của chị, trạc gần bốn mươi tuổi_ Sau vài câu thăm hỏi sức khỏe, bệnh tình... anh nói:

 

"Chồng của chị Nhã đêm qua, sau một giấc ngủ ngắn đã ra đi luôn về cõi vĩnh hằng! Không ai có thể ngờ nổi! Anh ta nào giờ có bệnh tật gì đâu. Đang sân sẩn vậy mà...! Quả thật, đời là vô thường. Phải không?"

Chị Nhã là đồng nghiệp làm chung bệnh viện với Tuấn. Chồng chị thuộc loại người đàn ông mẫu mực. Không rượu chè trai gái, cũng không đam mê bất cứ một thứ gì dù đang ở chức vị trưởng phòng một công ty nhà nước có tầm vóc. Thoáng nghe qua, Lục Lạc chưng hửng, sau vài phút lấy lại bình tĩnh chị đáp lại bằng một câu hỏi ngược:

"Vô thường hay thường?"

"Vô thường!"_ Tuấn trả lời chắc ăn như bắp.

"Tại sao là vô thường?"_ Lục Lạc gạn hỏi.

Tuấn lúng túng một lúc lâu vẫn không tìm được lời giải đáp thỏa đáng cho câu hỏi oái oăm kia. Lục Lạc cũng thôi không hỏi nữa, cho tới lúc Tuấn từ giã ra về.

 

Vài hôm sau ngẫu nhiên gặp lại  Tuấn trong bệnh viện, Lục Lạc lại cười cười hỏi câu cũ rích:

" Những thống khổ, mất mát và hạnh phúc trên cõi đời này là thường hay vô thường?"

"... Thường!"_ Cuối cùng, Tuấn đáp một cách dè dặt. Và anh cứ đứng ngẩn ngơ nhìn theo Lục Lạc khi thấy chị mỉm cười khó hiểu, thoăn thoắt bước đi, mất hút dần ở cuối dãy hành lang bệnh viện.

 

Tháng 5.2005.

Văn Chấn Ngọc
Số lần đọc: 2298
Ngày đăng: 28.10.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Niềm Hạnh Phúc Nhỏ Bé - Nguyễn Nguyên An
Cánh bèo trôi ngược nước - phần 1 - Trương Hoàng Minh
Cánh bèo trôi ngược nước - phần 2 - Trương Hoàng Minh
Những giấc mơ không thành - Lê Nguyệt Minh
Tình yêu của đá - Trần Thị Ngọc Lan
Kẻ mất bóng - Đào Bá Đoàn
Miệt Mài Sông Trôi - Nguyễn Một *
Gánh xiếc chó - Lê Xuân Quang
Tri kỷ - Lương Minh Vũ
Mùa chim ngói - Đặng Thị Thúy
Cùng một tác giả
Chuyện Báo và Cọp (truyện ngắn)
Thử thách (truyện ngắn)
Không lời (tạp văn)
Kỳ Nhân (truyện ngắn)
Thiện trong thiện (truyện ngắn)
Khúc Tâm Du (truyện ngắn)
Đêm Muôn Màu (truyện ngắn)