Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
727
116.710.087
 
Thương Lắm Những Mùa Xuân
Việt Hà *

Hàng năm, cứ mỗi độ xuân về, người Việt tha hương lại không  tránh khỏi những giây phút bùi ngùi, đôi khi đến thẫn thờ, để rồi tự hỏi mình: Xuân này sẽ ra sao?

 

Với những người đã có mái ấm gia đình (mái ấm được hiểu ở quyền hội nhập; công ăn việc làm; con cái được đi học, trưởng thành...) thì xuân đến dường như có phần rộn rã hơn. Ấy là tôi nói theo thể tích cực (positive), chứ thực tế nhiều người còn chẳng biết cái giây phút thiêng liêng ấy nó rơi vào ngày nào, chứ đừng nói tới chuyện thắp một vài nén hương để nhớ về tiên tổ. Không ít người vô tư bảo: Dào ôi! Sống đâu âu đấy. Ừ! Giá mà âu hóa được tòan diện, thì cũng là phước đức cho cái dân tộc có dải chữ „S“, khổ nỗi, có nhiều người lắm tiếng Ta càng ngày càng quên, tiếng Tây càng ở lâu càng không biết. Mà biết để làm chó gì cơ chứ? Cứ cày - ăn ngon - ngủ kỹ - đô la (ê– rô) nhét đầy trương mục là... lucky. Hòa nhập, nghĩ ngợi, trăn trở làm gì cho nhọc xác. Kể ra cái vòng tuần hoàn khép kín ấy cứ xoay đều đặn (không có khiếm khuyết) âu cũng là chuyện tâm đắc. Nhưng muôn sự tại nhân, thành sự tại thiên, có dễ mấy ai ung dung, tự tại để mà lọt vào cái vòng mĩ miều ấy? Vậy là hễ có chuyện vượt ra khỏi bốn bức tường là... bỏ mẹ. Tính sao bây giờ? Không lẽ cứ nhe sỉ ra để khỏa lấp mọi chuyện? Nhiều ông Tây, bà Đầm bảo: dân Việt mày cũng hay. Thắng cũng cười; thua cũng cười; buồn cũng cười (chuyện nhà có tang, giỗ kèm theo tiết mục Mini Disco hoặc Karaoke ở xứ này đang trở thành model thời thượng) thậm chí bị chửi bới, nhục mạ cũng vẫn nhe sỉ ra... cười. Và không ít ông Tây, bà Đầm đã ngộ nhận, cho đó là sự „niềm nở“; „hiếu khách“ mặc dù có phần thái quá của dân da vàng, mũi tẹt nhà ta. Họ có biết đâu đó là cách ứng xử cực kỳ uyển chuyển, mang đậm truyền thống văn hóa á Đông(?!). Lâu dần cái „truyền thống“ ấy đã trở nê bệnh hoạn, đến nỗi không ít người đã nâng sự bệnh họan ấy lên hàng „đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc“. Cái „bản sắc“ ấy cứ đeo đuổi cả một vài thế hệ, và biết đâu chừng cho đến mãi mãi về sau? Nhưng thôi, Tết nhất là phải nói chuyện: Bánh chưng xanh, thịt mỡ, dưa hành; câu đối đỏ...

Ừ thì chuyện Xuân!

 

Bên này những người còn nhớ đến xuân, ngày Tết đến cũng cập rập ra trò. Nào là đặt lá rong (không thì lá chuối) nhưng cũng chỉ chạy qua hàng lá cho có màu sắc và hơi hướng của bánh chưng thôi, còn gạo, thịt và gia giảm thì vô lo chứ không còn cảnh đêm hôm, xếp hàng rồng rắn như thời bao cấp để chầu chực vài ký gạo nếp, đôi khi pha lẫn cả một tiểu đội mọt cho... thêm đạm. Mẹ cha thằng Tư Bản, cái của nợ gì cũng có, chỉ cần xỉa tiền ra là nó vác đến tận nhà. Ấy là công đọan thô. Công đoạn mịn là gói bánh. Ở xứ này gói bánh chưng cũng là một kỳ công, không phải vì nó luxus, trái lại quá rườm rà, bởi cái tối thiểu nhất là lạt giang để cột bánh cho chắc (có vậy bánh mới vuông vức và dền). Khổ nỗi dân ta đang „họat động trong lòng địch“ nên phải rút ngắn công đoạn, thôi thì có dây nào, sào dây đó, miễn có cái để mà... thít là được. Gạo đấy, thịt đấy, lá đấy (lá „nhảy dù“ thôi còn phải thêm anh giấy bạc bọc ngoài, vừa đẹp lại đỡ tốn...). Vậy là khéo tay mọi người cũng có mươi cặp bánh vuông vức ngược lại có „túm mắm tôm“ một chút cũng chẳng ai kiện. Hương vị của bánh chưng với dân ta bây giờ không còn là „đỉnh cao muôn trượng“, vả lại có gói cho kỹ, đẹp rồi cũng chỉ là anh cháo cơm nguội quá đà, bởi ở xứ này thời móc đâu ra củi, mà dẫu có đi chăng nữa cũng bố bảo anh nào dám „nổi lửa lên em“ chứ nói gì chuyện cả nhà quây quần bên bếp lửa hồng, hàn huyên thế cuộc, nghe tí tách lửa reo trong ngào ngạt hương lá, hương gạo cùng đạch... đùng tiếng pháo – tiếng pháo gợi xuân của con trẻ... Gợi lại chuyện này nhiều người bảo: cổ ơi là cổ. Thời buổi ê-rô hóa rồi mà còn bánh chưng với bánh tét. Lẩm cẩm. Quẳng ra vài chục ê-rô là có vài cặp bánh chưng luộc kiểu experess (vì sợ tốn điện) còn thích sực lúc nào chỉ cần liệng vào nồi, ninh cho nửa tiếng là có quả „cháo nếp tẻ“ ngon lành. Ôi dào, thích thì làm dăm ba miếng cho có phong trào, chứ ở xứ này lòng phèo đặc quánh toàn đạm, thèm thuồng chó gì nữa mà chưng với cả dầy. Vậy là hương vị quê hương ngày một, ngày hai đã trở nên lạ lẫm, nhiều khi phiền hà, chẳng ai buồn nghĩ hay động tới...

 

Bạn tôi về phép Việt Nam ăn Tết sau gần 20 năm ra đi „tìm đường cứu nước“. Anh tâm sự: trước ngày về anh mắc bệnh thấp thỏm, mất ngủ đến vài tháng trời. Anh bảo chỉ cần hình dung quả cả nhà ngồi quây quần bên nồi bánh chưng, rồi nghe tí tách tiếng mưa xuân rắc nhẹ từng hạt trắng, mỏng, mịn như tơ trên những vầng lá non, xanh biếc; rồi nghe tiếng pháo đì đùng cùng tiếng hò reo dội lên đâu đó của đám con trẻ... cũng đã cảm thấy lâng lâng lắm rồi. Nhưng... anh thở dài não nuột: Tết ở Việt Nam bây giờ buồn đến phát rồ. Tôi bảo: Có bôi đen không đấy? Tết của thời Kinh tế Thị trường phải khác chứ? Anh chửi thề: Mẹ kiếp! Nó khốn nạn ở cụm từ đó. Thiên hạ cứ tự hào là 4000 năm văn hiến, vậy nhưng mới chỉ thậm thụt hơn chục năm đổi mới thì cả cái dân tộc ấy cứ như bị lên đồng. Ai đời 29-30 Tết mà dân tình cứ im như thóc. Bạn tôi sốt ruột hỏi người nhà sao không gói bánh chưng? Người nhà anh đáp gọn lỏn: Ngu gì mà hành hạ thể xác. 30 Tết, phôn một phát, thích bao nhiêu, chỉ 5-10 phút tụi nó ào ào khiêng tới. Anh thắc mắc: thế còn đào; quất cảnh? Mấy đứa em anh giọng sành sỏi: Ông anh ngỗng vàng ơi! Ở nhà bây giờ không ai đi sắm đào, quất trước Tết cả. Bạn tôi hỏi: Tại sao? Chẳng lẽ đi sắm đồ tháo khóan à? Em anh tủm tỉm: Đúng thế đấy!

 

Nghĩ anh mình không tin, đứa em giơ tay ra hiệu: ngày mai (chiều 30 Tết) tất cả đào, quất, hoa... đều đại hạ giá. Anh chờ xem, với 1/3 giá, em tậu cho anh một quả bích đào chúm chím nụ; một quả quất cảnh 6-7 tầng, nếu thích tụi nó còn kính tặng luôn cả đèn nhấp nháy. Thấy bạn tôi mặt ngắn tũn, đứa em bảo: anh không tin hả? Nhưng Việt Nam mình bây giờ là thế. Trăm người bán, một người mua. Công đoạn khó nhất là sản ra tiền, nhưng khi anh có tiền rồi thì cứ nhét chặt trong túi, không việc gì mà phải hoáng hết lên. Chỉ cần búng tay tách một cái là bọn nó sẵn sàng mọp lưng phục vụ đồng chí từ A-Z. Ở nhà bây giờ thích Tết lúc nào được lúc ấy. Cái cảnh mắt nhắm mắt mở, thức đêm hôm, xếp hàng dài cả cây số, rồi chen lấn, ẩu đả, xỉa xói vào mặt nhau những quyển sổ ưu tiên „gia đình thương binh, liệt sỹ“ để „trấn“ đồ Tết qua rồi. Ngày mai với vài chục ngàn đồng,  em sẽ kính tậu cho anh cả một vườn xuân. Bạn tôi bảo: Vậy là rẻ hơn củi à? – Chứ sao. Đứa em đáp. Đấy là họ gạ mình mua, vả lại tính em cũng thích làm từ thiện, bằng không chỉ có nước mang về mà... hỏa táng. Anh bảo: tự nhiên thấy thương cho người trồng cây cảnh quá. Cả năm lụi hụi, chăm bẵm, cứ ngỡ xuân sang sẽ có cơ mở mặt, mở mày, nào ngờ xuân chưa đến mà hy vọng đã tiêu tan...

Đó là chuyện chợ xuân.

 

Bạn tôi kể: Đêm 30 Tết cũng hớn hở lắm, mặc dù pháo Tết đã bị cấm chỉ từ chục năm nay. Hỏi, thiên hạ cười đểu bảo: các ông ấy sợ tranh tối, tranh sáng tụi nó làm đảo chính như hồi 68 các ông ấy làm trong Nam. – Đảo chính? – anh tròn mắt hỏi lại. – mà ai đảo? - Ôi dào! Ông về phép có sẵn „đạn“ cứ nạp đầy vào mà „khạc“ cho sướng. Bao năm đi xa làm nghĩa vụ „trả thù cho dân tộc“, giờ trở về ông nên nghĩ chuyện „phục vụ dân tộc“ thì tốt hơn. Chuyện pháo pheo ông để ý làm chó gì. Lúc giao thừa, nếu ông thích thì bật tivi lên mà xem pháo ngửng. Bạn tôi hỏi: Sao lại pháo ngửng? Em anh quát: Anh đúng là đồ tẩm. Ở nhà bây giờ giao thừa các cụ Trung ương cho đốt pháo hoa, rồi nối cầu truyền hình cho dân cả nước xem. Đúng là dở hơi. Tết mà không có pháo khác chó gì ngày Bác „thăng“. Vậy là cứ thằng nào vi phạm luật đốt pháo là bị lĩnh „sẹo“. Những ngày giáp Tết các đồng chí công an xã, phường, quận bận túi bụi, bởi trọng trách các đồng chí được giao là lo giữ gìn anh ninh, trật tự cho bà con vui vẻ ăn Tết. Kẻ nào to gan mà đốt pháo rồi bị phát giác thì chí ít cũng lĩnh phạt 5-3 triệu đồng. Cấm thì cấm. Nhưng những đồng chí trẻ con vốn không sợ chết, lợi dụng lúc giao thừa vẫn cho pháo nổ đì đùng (dĩ nhiên là vụng trộm, và phải đề phòng cảnh mật, bằng không sẽ bị „xông đất“ tức thì). Thế là xuân cũng vội vàng ra đi hệt như xuân vội vàng tới. Đã lâu rồi người Việt mình không còn khái niệm mùa xuân. Hình như ai cũng nghĩ: Xuân sang là qui luật của trời đất, mà đã là qui luật thì tất có đến, có đi. Hơi đâu mà phải nặng lòng?

 

Mỗi năm hoa đào nở

Lại thấy ông đồ già

Mực tàu câu đối đỏ

Trên phố đông người qua

(Vũ Đình Liên)

 

Xuân vẫn còn đấy, ấm áp, nồng nàn, đầy thi vị và cũng ngập tràn niềm vui, hạnh phúc, nhưng liệu mấy người còn nghĩ đến Xuân?
Việt Hà *
Số lần đọc: 2089
Ngày đăng: 01.01.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Du Hành - Nguyễn Thanh Đức
Những mảnh đời lưu lạc - Nguyễn Lê Hồng Hưng
Một chỗ trên thiên đàng - Paulo Coelho
Ký ức làng Hà - Nguyễn Khắc Luân
Im lăng - Đào Bá Đoàn
Tâm sự của một người đàn bà bỏ chồng - Hương Hà
Cõi hư - Nguyễn Thanh Đức
Tần Doanh Chính - Phạm Lưu Vũ
Mộng du - Đào Bá Đoàn
Kịch bản một chuyện tình - Đặng Hoàng Thái
Cùng một tác giả