Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.400 tác phẩm
2.747 tác giả
432
116.763.747
 
Các cây bút trẻ và cuộc thi truyện ngắn của Văn nghệ Quân đội
Phạm Hương Giang

Không ồn ào, khoa trương, chưa đạt tới một đỉnh cao, nhưng cuộc thi truyện ngắn trên tạp chí Văn nghệ Quân đội đã về đích với một mùa bội thu cho văn học trẻ.  Trong 14 tác giả lọt vào vòng chung khảo, có tới 4 tác giả trẻ đoạt giải cao, đó là Niê Thanh Mai với giải nhì, Nguyễn Thế Hùng và Di Li giải ba, Đặng Minh Sáng giải tư.

 

So với cuộc thi lần trước, cuộc thi lần này, các cây bút trẻ trong quân đội có phần “yếu thế”, ngoài những tên tuổi đã quen thuộc với bạn đọc cả nước như Nguyễn Thế Hùng, Phùng Văn Khai, Đỗ Tiến Thuỵ, Nguyễn Xuân Thuỷ, Hồ Kiên Giang, nay chỉ xuất hiện thêm được một cây bút mới là Nguyễn Mạnh Hùng.

 

Tuy nhiên, cái nhìn mới mẻ và đa dạng về đề tài chiến tranh cách mạng và người lính, nhất là đề tài về cuộc sống của “bộ đội Cụ Hồ” hôm nay đã đem lại cho những cây bút này sự mới, lạ và ngày càng đĩnh đạc, trưởng thành. Đó là vấn đề những người lính trở về với cuộc sống đời thường sau chiến tranh, những kí ức, những thân phận mang nặng nỗi đau chất độc da cam và tình đồng chí, đồng đội trong thời bình (Khúc hoài niệm Trường Sơn của Nguyễn Xuân Thuỷ); đó là tấm lòng nặng trĩu của người con gắn bó với đồng quê nghèo nàn nghiệt ngã và sự tin tưởng vào sức trẻ trước những thách thức của cuộc sống hiện đại (Trên cánh đồng làng của Nguyễn Mạnh Hùng) hay nét hoài cổ của những người muôn năm cũ (Hồn Quỳnh của Phùng Văn Khai)...

 

Bên cạnh đó, những tác giả trẻ “không mặc áo lính” lại chiếm số lượng áp đảo. Tác phẩm của họ vừa có độ trẻ trung tươi mới nhưng đồng thời lại có độ đằm sâu, không ồn ào, không làm dáng, khác hẳn những gì nhiều người thường hình dung và định kiến về lớp trẻ. Có thể, sau tất cả những va đập, những trải nghiệm, những rút kinh nghiệm từ những người đi trước, họ hiểu ra rằng văn chương nên đi vào chiều sâu thì mới có thể tồn tại lâu dài được.

 

Những tác giả đã quen tên như Nguyễn Quỳnh Trang, Nguyễn Thu Phương, Trần Ngọc Linh vẫn đang trên đà khẳng định tên tuổi và những nét riêng biệt của mình.

 

Nguyễn Thu Phương góp mặt với hai truyện ngắn Phiêu linh trắng và Không chỉ là trái tim với một giọng văn nhẹ nhàng, nữ tính nhưng dường như chị vẫn mang nặng ám ảnh về “cái chết” nên cả hai truyện đều có một không khí trầm buồn cho phần kết là cái chết của một nhân vật trong truyện. Nguyễn Quỳnh Trang lại mang vẻ trẻ trung, hiện đại và quyết liệt của một cô gái thành thị, vừa học báo chí vừa theo đuổi văn chương như một duyên nghiệp của mình. Trần Ngọc Linh ngày càng điềm tĩnh với sự hoài cổ dựa trên cơ sở kiến thức vững chắc, cảm xúc thăng hoa và giọng văn hiện đại của cây bút thế hệ 8X. Những tác giả này vài năm gần đây đã và đang tạo nên vẻ hiện đại, trẻ trung cho văn học nước nhà. Sự chững chạc và trưởng thành của họ chứng tỏ một lớp những cây bút mới đã và đang tạo được lối đi riêng cho mình, dòng văn học của những công dân thế hệ @ mang đầy hơi hướng thành thị và phố xá.

 

Đáng chú ý là những tên tuổi mới hoặc lần đầu tiên xuất hiện trên văn đàn nhưng đã gây được những ấn tượng mạnh mẽ với người đọc. Những đề tài họ đề cập hết sức đa dạng, phong phú, được phản chiếu qua lăng kính của những người sống trong thời đại máy tính và internet, điện thoại di động… nên thật mới mẻ và tạo nên những giọng điệu đa thanh. Đó cũng là sự chia sẻ sâu sắc, những cái nhìn nhân văn về quá khứ dân tộc cũng như những vấn đề của cuộc sống đương đại.

 

Của chùa mất một đền mười, yếu tố tâm linh, sự quả báo dành cho những người vô sư vô sách, hăng hái trong phong trào phá đình phá chùa, thậm chí báng bổ thánh thần và những giá trị văn hóa truyền thống qua con mắt của tác giả trẻ Yên Trang như rưng rưng nước mắt, như ngậm ngùi xót xa với truyện ngắn Sét đánh ngoài cổng chùa. Từ khi chồng tham gia phá đình làng, gia đình bà Đề phải chịu bao tai ương cho đến khi chồng bà bị sét đánh chết ngoài cổng chùa trong một đêm mưa tầm tã. Đây là một vấn đề không mới, chỉ có điều, qua đó, ta thấy được một thái độ trân trọng và nghĩ suy, trăn trở của thế hệ trẻ trước một thời đã xa của đất nước, đồng thời, cũng là một cảnh báo về luật nhân quả ở đời.

 

 

Nguyễn Lan Phương, từ một tích cũ, với cái nhìn của một tác giả thuộc thế hệ 8X, đã viết truyện ngắn Đôi mắt Thiện Sĩ, gây một ngạc nhiên nho nhỏ cho những người vốn không thiện cảm với dòng văn học hoài cổ và lịch sử, bởi dòng văn học này dễ gây cảm giác xưa cũ, chậm rãi và nhàm chán. Tuy nhiên, rượu cũ bình mới, một cái nhìn mới về nỗi oan Thị Kính đã thổi vào truyện một không khí hiện đại trong hơi hướng cổ kính. Ý nghĩa nhân văn của câu chuyện phần nào nói lên một điều rằng giới trẻ bây giờ không phải sống hời hợt và xô bồ, văn của họ không phải lúc nào cũng salông và mắt hẹp. Họ rất có ý thức tìm tòi và suy ngẫm, trăn trở trước những vấn đề của cuộc sống, và không ngần ngại thể hiện nó dưới bất kì hình thức nào.

 

Trần Ngọc Linh và Nguyễn Lan Phương đã chọn cho mình một lối đi riêng. Sinh năm 1985, Nguyễn Lan Phương dường như là tác giả trẻ nhất cuộc thi này. Nhưng việc nhìn nhận, đánh giá con người mà đôi khi những nhầm tưởng dựa trên cảm tính dẫn đến những sai lầm to lớn trong cả cuộc đời thì không bao giờ cũ và cũng không hề non trẻ chút nào.

 

Sinh ra và lớn lên tại Hà Giang, cái nhìn của Nguyễn Thị Cẩm về núi rừng Việt Bắc sắc sảo, lành lạnh, lại mang nét riêng của một cô bé đang tập làm người lớn với những suy nghĩ đôi lúc già dặn, cay nghiệt nhưng vẫn rất trẻ con khiến người đọc bật cười. Trước tương lai của đứa con gái, người cha đành phải dứt bỏ sự trốn chạy quá khứ đau buồn để đưa con ra khỏi nơi sơn cùng thuỷ tận.

 

Góc núi chứng tỏ sự quan sát tinh tế và khả năng sử dụng ngôn ngữ khá linh hoạt, ngắn gọn, nén mà gợi cảm, nhiều lúc còn lưỡng lự, tuyển chọn qúa kĩ càng khiến người đọc đôi chút bực mình nhưng vẫn bị cuốn hút bởi một không khí căng thẳng, không gian như bị bóp nghẹt, đẽo gọt cho thành góc cạnh, giọng điệu cứng cỏi khó mà trộn lẫn cho được. Bên cạnh một cao nguyên đá khắc nghiệt và thơ mộng của Đỗ Bích Thuý, Nguyễn Thị Cẩm tuy viết ít nhưng cũng đã định hình được cho mình và cả bạn đọc một cảm giác, một góc nhìn khác biệt về vùng đất vốn quen thuộc trong văn học.

 

Giọng văn đầy nữ tính, mượt mà của Huỳnh Mẫn Chi trong Đôi bông cưới đưa ta về với miệt vườn Nam Bộ với cái nắng chang chang, với tình người chân chất và nồng hậu. Người chồng vì nghèo quá, phải lấy đôi bông bằng vàng giả để cưới vợ. Sau nhiều năm, cuộc sống khá giả lên, anh vẫn day dứt vì chuyện cũ, đem đôi bông giả đi bán để mua đôi mới thì nó đã hóa thành vàng thật tự bao giờ. Hóa ra người vợ đã phát hiện ra từ lâu và thương chồng, chị đã chắt bóp, dành giụm để biến kỉ vật thiêng liêng ấy thành vàng thật. Độc giả đã quá quen thuộc một Nguyễn Ngọc Tư với ngôn ngữ và câu chuyện tự nhiên, rủ rỉ như những dòng kinh, cánh đồng, nay đọc Huỳnh Mẫn Chi với hơi hướng O’Henri có thể không thuận, nhưng đó cũng là một nét riêng biệt của cây bút còn đang rất lạ lẫm trên văn đàn này.

 

Bóng bẩy và thành thị nhất phải kể đến Di Li, cây bút nữ tham dự cuộc thi với cả hai truyện ngắn đều viết về nhân vật chính là nam giới. Ở Cocktail, sự trả thù của cô gái pha cocktail Margaritta với một gã vô học làm giàu bất chính bằng một chất cực độc (mà không rõ chất tạo thành) pha chế trong ly cocktail đặc biệt, và cả cái cách vào truyện khiến người đọc dễ dàng liên tưởng đến típ truyện vụ án của nước ngoài.

 

Tuy nhiên, nó không xa rời thực tế là mấy khi mà trong đời sống của lớp thanh thiếu niên ở thành phố của chúng ta cũng đang có quá nhiều sự xáo trộn và phức tạp. Di Li đã chạm đến cái phần gai góc đó của cuộc sống với một giọng văn nhẹ nhàng, không hề gay cấn, giật gân hay đao to búa lớn, đó là một thế mạnh của cô. Đến Ma học trò, giọng văn đầy nữ tính, dù được ẩn trong ngôi kể là một chàng giáo viên, một lần nữa lại cho ta thấy rõ điều này. Đến với cuộc thi hoàn toàn tình cờ, và lĩnh ngay giải ba. Di Li còn dự thi truyện ngắn trên báo Văn nghệ, năm 2007 này chắc sẽ là một năm gặt hái nhiều thành công của cô.

 

Hai người con của núi rừng Tây Nguyên đã thực sự gây được sự chú ý của bạn đọc bằng chính sự nỗ lực vượt bậc của mình khi cái tên của họ phần nào còn xa lạ với văn đàn. Niê Thanh Mai là người dân tộc Ê-đê ở Đác Lắc, đồng thời là một cô giáo dạy văn, yếu tố tâm linh, mối lo lắng về cộng đồng, về tập tục, số phận của con người và cả sự Kinh hóa hòa trộn trong Giữa cơn mưa trắng xóa là nỗi lòng, là tiếng thở dài đầy day dứt khiến người đọc rung động và chia sẻ với tác giả.

 

Niê Thanh Mai cũng đã truyền cảm xúc tương tự tới người đọc qua truyện Cửa sổ không có chấn song. Một nỗi buồn mang mang, một nỗi xót xa ngậm ngùi, khiến trái tim nhói lên như có chú kiến vàng chui vào và nghiến răng cắn một cái cho hả dạ (Cửa sổ không có chấn song). Vậy thôi, thế mà cũng khiến người ta nhớ nhung, đau đáu. Phải chăng, đó đã là thành công của người viết? Và giải nhì đã thuộc về Niê Thanh Mai.

 

Mới chỉ cách đây vài tháng, cái tên Đặng Minh Sáng còn chưa vượt ra khỏi Hội Văn nghệ Kon Tum, nhưng sau khi in một truyện ngắn trên Văn nghệ Trẻ, anh đã mạnh dạn đến với cuộc thi trên tạp chí Văn nghệ Quân đội bằng hai truyện ngắn Cụ cóc già trong ngôi làng quỷ ám và Mắt mèo và đoạt giải tư. Có thể nói, đây là bước phát triển của cây bút mới mẻ này, bởi lẽ, chỉ với hai truyện ngắn, anh đã tạo được một dấu ấn riêng biệt...

 

Đặng Minh Sáng, ghi dấu trong lòng người đọc đồng thời hứa hẹn một tương lai có thể đi xa bởi chính sự chững chạc, dày dặn vốn sống và chất văn của mình. Mắt mèo, với thủ pháp ma mị, quái dị không lạ trên thế giới đã chạm vào một vấn đề khá nhạy cảm và gai góc, một vấn đề mà ít người viết trẻ nào dám đương đầu, đó là thân phận người đàn bà, vừa là chủ thể, vừa là nạn nhân của những ẩn ức tính dục khi những người chồng hy sinh hoặc gửi một phần thân thể nơi chiến trường.

 

Bằng một giọng văn trong sáng và tổ chức câu chuyện hài hòa, hợp lý, cộng với sự tinh tế đến từng câu chữ, truyện tuy lép nhưng cũng gây được ấn tượng lý thú với người đọc. Ở Cụ cóc già trong ngôi làng quỷ ám, truyện dày dặn hơn nhưng lại có phần rườm rà, cầu kì. Đó là cái nhìn của một người sinh tại miền Trung nhưng đã coi Tây Nguyên như là quê hương thứ hai của mình bởi sự gắn bó máu thịt với miền đất anh đã có thời gian dài sống, hòa nhập và trăn trở.

 

Và còn nhiều những tác giả, tác phẩm nữa chưa kể tên và chưa được giải, nhưng chính sự góp mặt của họ với sự lung linh, lấp lánh và tìm tòi, sáng tạo của tuổi trẻ đã làm nên một cuộc thi tươi xanh, đa dạng hơn như nhà văn Sương Nguyệt Minh, Trưởng ban sơ khảo đã nhận xét. Hai năm cho một cuộc thi, những cây bút trẻ lặng lẽ và chú tâm dồn sức. Lao động nghệ thuật miệt mài và nghiêm túc, cộng với những nhạy bén của tuổi trẻ, các tác phẩm này đã có độ dày dặn và tầm cao, thoát khỏi những vụn vặt, lan man, quẩn quanh… tầm thường để vươn tới văn chương đích thực.

 

Tuy vậy họ chưa tạo được những đỉnh cao, không phải vì bản thân họ cố tình gò ép theo khuôn mẫu nào, bởi cuộc thi mở rộng đề tài tới tất cả các phương diện của cuộc sống. Cuộc thi truyện ngắn trên tạp chí Văn nghệ Quân đội lần này là cuộc ra quân, thử sức của hàng loạt những cây bút còn rất trẻ, từ những thành công ban đầu, họ sẽ trưởng thành và góp phần tạo nên một tương lai tươi sáng cho văn học nước nhà.

 

Đầu xuân 2007

Theo Nhân Dân

Phạm Hương Giang
Số lần đọc: 2335
Ngày đăng: 08.01.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tôi viết “Khói mây Yên Tử ” - Vũ Ngọc Tiến
Ngày Tết nói chuyện Phúc Lộc Thọ - Nguyễn Tiến Văn
Tự truyện không hẳn là văn học - Triệu Xuân
Thông tin của Nhà văn Vũ Ngọc Tiến - Vũ Ngọc Tiến
Tôi viết “Quân sư ĐÀO DUY TỪ” - Vũ Ngọc Tiến
Hai cách đọc một bài thơ của Đỗ Mục - Hà văn Thùy
Người văn kêu cứu : nhà văn Vũ Ngọc Tiến kêu lên như thế. - Lê Anh Hoài
Không được phỉ báng tiếng mẹ đẻ ! - Triệu Xuân
Tử cung vĩ đại - Henry Miller
Tôi là Vũ Ngọc Tiến xin trân trọng thông báo một sự việc khẩn - Vũ Ngọc Tiến