Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
654
116.705.260
 
Vô tâm
Đào Phạm Thùy Trang

Sáng sớm trên đường đưa bé đi học, ghé mua vài tờ báo để “cập nhật kiến thức”, chưa kịp xem thì nhỏ em vụt qua bảo ghé thăm ngoại chút, ngoại ở nhà có một mình, nhỏ đi làm mấy hôm nay.

 

Ngoại đã tám mươi, lưng còng như dấu hỏi, đôi cánh tay gầy guộc nhăn nheo, da mặt trổ “đồi mồi” nhiều chỗ, dáng liêu xiêu đổ dài theo ánh ban mai. Tay cầm cây chổi tàu cau đã mòn tận cán, ngoại quét nhè nhẹ mảnh sân con như muốn gom lại từng giọt thời gian tuổi trẻ.

- Ngoại, để con quét cho, mà sân có rác rưới gì đâu?

- Ừ, nhưng ngồi không tay chân tù túng lắm…

- Tay ngoại sao chảy máu? Tụi con nói rồi, tuổi già tổn thương lâu lành, ngoại đừng làm gì cả…

- Không sao, da thịt ngoại “hiền” lắm, chút kẻm gai móc có ăn nhằm gì?

 

Như để khoả lấp nét khó chịu trên mặt con, ngoại huơ tay kéo áo xuống nhưng chợt nhớ mình đang mặc áo ngắn tay nên nhìn con cười “cầu hoà”. Giận ngoại không hiểu lòng con cháu, con lấy báo ra đọc, rớt loạt xoạt mấy tờ quảng cáo, ngoại hỏi:

- Hết bao nhiêu đây là mấy ngàn?

- Hơn năm ngàn thôi ngoại.

- Năm ngàn à? Sao con phí quá, đọc xong rồi thôi chứ có gì mà…

- Ngoại này… có mấy ngàn đáng gì? Đọc báo có nhiều kiến thức, lại có thể tham gia cộng tác, tiền nhuận bút mua mấy chục tờ như vầy vẫn còn dư ấy!

- Vậy mà ngoại đâu có biết! Công việc các con giờ sướng thật, ngoại mấy năm về trước mua gánh bán bưng kiếm năm ngàn cũng cả buổi dài…

 

Rồi ngoại thở thườn thượt “Bây giờ ngoại già rồi, chẳng còn làm ra tiền nữa…”. Con chợt thấy mình có lỗi, ngoại hiền lành, vất vả  cả đời buôn gánh bán bưng kiếm từng đồng khó nhọc để chăm lo cho mái ấm tinh tuơm. Con từ khi bôn ba vào cuộc đời muôn nẻo, cứ làm việc vùi đầu rồi lại chi xài thật lớn đúng như câu “làm hết sức, chơi hết mình”. Có khi bỏ ra hàng trăm nghìn mua cả xấp vé số chia cho cả bàn bất kể thân hay sơ, rồi chiều hôm đó… những tờ giấy ấy bay vèo theo gió, không làm nên gì cả, chỉ góp phần xả rác nơi công cộng mà thôi! Con nhiều khi no say bên bàn tiệc tràn đầy những “sơn hào hải vị” nhưng bất chợt có một người ăn xin bước đến chìa tay, thì những cái đầu đồng loạt lúc lắc một cách phũ phàng, rồi những tiếng nôn oẹ kìm nén vì mùi mồ hôi lưu cữu của người đối diện. Con nhiều khi thấy những kẻ “mất lịch sự” ấy thật đáng ghét, giá như con có quyền hành thì những con người nhếch nhác ấy không bao giờ xuất hiện trên đường phố! Con tự thấy mình “vĩ đại” khi có chút men bia mà quên rằng “Biết đâu trong biển đời dâu bể/Một mai ta thành kẻ tha hương” và quên cả ngoài kia, trong biển người vạn nẻo ngoại của con cũng từng phải chắt chiu từng đồng nuôi con khôn lớn.

 

Con muốn khóc khi nhìn ngoại ăn sáng bằng tô mì không rau không thịt, cũng chẳng phải “mì xào Táo Quân” hay “mì chua cay Nam bộ mới” hoặc “Đệ nhất mì gia” mà là những vắt mì “trần” âm ẩm do dùng quá lâu ngày. Con muốn khóc khi ngồi viết những dòng này, chuông điện thoại reo vang với lời mời đi “rửa dế” ở một quán ăn   đặc sản đồng quê mà con đoan chắc rằng có học hỏi hết đời họ vẫn chế biến không ngon bằng ngoại, nhưng giá cao… chọc trời. Chiều nay ngoại ăn gì? Hình như con đã quá vô tâm.

Đào Phạm Thùy Trang
Số lần đọc: 2266
Ngày đăng: 25.03.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Lan man thiên địa: Về Huế 700 và Đồng Khánh 90 tuổi. - Trần Kiêm Ðoàn
Bóng tre trùm mát rượi - Bùi Kim Anh
Tam tấu hoa - Vũ Ngọc Tiến
Mùi hương tết - Tiểu Kiều
Tuần trăng … xế - Trần Kiêm Ðoàn
Lằn ranh cuộc đời… - Đinh Văn Hạnh
Chèng đéc ơi, là ngon ! - Nguyễn Thị Diệp Mai
“Chiếc áo lót của người sung sướng” - Nguyễn Thị Minh Ngọc
Nếp cũ đồng quê Nam Bộ - Trần Thành Trung
Phác thảo cá tính Nam Bộ - Đinh Văn Hạnh