Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.389 tác phẩm
2.747 tác giả
624
116.722.380
 
Trịnh Thanh Sơn - người thơ về cõi vĩnh hằng
Chu Thị Thơm

2h20 sáng nay, nhà thơ Trịnh Thanh Sơn đã từ biệt cõi tạm để ra đi vào chốn vĩnh hằng, vào chốn rong chơi sau khi vật lộn với những cơn đau của căn bệnh ung thư quái ác. Ở tuổi 60, anh hãy còn rất trẻ, rất cần cho thơ và cho cuộc đời này.

 

Tôi biết Trịnh Thanh Sơn qua những bài viết của anh về bè bạn. Tuy chưa gặp anh, nhưng ngày ấy, tôi có cảm nhận rằng thi sĩ sinh ra là để tri ân với thơ, với đồng nghiệp, với bạn bè... Con người sống hết mình cho thơ, cho cái đẹp của tình đời, tình người như anh, có lẽ không có thời gian để xa xỉ với những gì phù phiếm, nhàm chán. Trịnh Thanh Sơn là một nhà thơ - theo đúng nghĩa của nó. Anh nồng hậu, hết lòng với thơ ca và cuộc đời.

 

Gần một năm trở lại đây, Trịnh Thanh Sơn bị bạo bệnh. Căn bệnh ung thư tuyến giáp đã khiến sức khoẻ của anh suy sụp. Nhưng, chỉ đến khi anh bị những cơn đau quật ngã, độc giả bất chợt nhận ra một khoảng trống vắng đến se lòng trên những trang báo mà anh thường giới thiệu chân dung bè bạn.

 

Đã thành thông lệ, chuyên mục giới thiệu tác giả trẻ trên Văn Nghệ Trẻ của anh đã trở nên quen thuộc đối với độc giả. Trịnh Thanh Sơn là bà đỡ cho những cây bút trẻ. Anh nâng niu những tác phẩm của họ, tìm ra những thành công, sự cố gắng của họ để khẳng định, giới thiệu. Nhiều tác giả trẻ chưa hề gặp anh, nhưng tấm lòng của anh đã khiến họ xúc động và trân trọng, cảm phục. Đi dọc cánh đồng thơ - tập tiểu luận phê bình của Trịnh Thanh Sơn - là tấm lòng của anh đối với bè bạn và đối với thơ ca được anh dày công viết trong những năm qua.

 

Trịnh Thanh Sơn là người không có kẻ thù. Tôi tin như vậy. Con người yêu đến tận cùng, cháy đến tận cùng và lãng đãng đến tận cùng ấy không bao giờ biết đến hai tiếng thù hận, hai tiếng mà đôi khi - trong những cuộc tranh luận gay gắt trên văn đàn - mọi người ngỡ anh ghê gớm lắm. Nhưng chỉ qua những phút giây "tự bảo vệ" và thanh minh - với khẩu khí "rất Trịnh Thanh Sơn" ấy, anh lại quên tất cả. Trái tim nồng hậu của một thi sĩ đích thực, của một Người Thơ đích thực không có chỗ để chứa chất cho sự thù hận. Trịnh Thanh Sơn là như thế.

 

Đến thăm Trịnh Thanh Sơn trong những ngày gần đây, tôi nhận ra anh yếu dần, hơi thở khó khăn hơn. Nếu cách đây vài tháng anh cố gắng đi lại, thì giờ đây, anh nằm bẹp trên giường, bàn tay run run cầm cuốn thơ Vàng gieo đáy nước để tặng bè bạn. Nhưng với anh, ngay cả động tác nghiêng người để ký tặng bè bạn thơ cũng là điều quá sức. Chị Lý, người phụ nữ đảm đang, người vợ - nguồn cảm hứng cho thơ - và là nhân chứng cho sự chịu đựng với thơ một cách tuyệt vời nhất đã bên anh trong suốt cuộc hành trình đời thơ và đời người. Hơn ai hết, người đàn bà tảo tần ấy đã cùng chồng trong những năm tháng gian truân nhất, đớn đau nhất - để nâng giấc thơ anh. Những ngày cuối cùng của chồng, chị lặng lẽ đón nhận sự ra đi của anh như đón nhận một định mệnh đau đớn đã xác định trước. Căn phòng nhỏ bộn bề thi ca được chị và các con sửa sang lại, gọn gàng hơn. Chính nơi đây, hồn thơ Trịnh Thanh Sơn đã và sẽ bay bổng, đến với tình yêu, phận người và cuộc đời này. Anh viết những câu thơ dành cho người vợ tần tảo, cả đời chỉ biết yêu thương và chăm chút cho thơ và cho cuộc đời anh: “Như vừa mới hôm qua em còn thiếu nữ, anh đón em về hoá thành thiếu phụ, thành thiếu phụ rồi em sẽ biết làm dâu. Thì ra làm dâu cũng không khó lắm đâu. Bởi làm dâu nghĩa là thành thiếu phụ. Làm thiếu phụ mới là việc khó, bởi thiếu phụ một đời chỉ biết vọng phu...". Thay cho những mỹ từ hay một sự khuếch trương đao to búa lớn, anh gói gọn cuộc đời người vợ bằng hai tiếng vọng phu, sau khi đã thành thiếu phụ. Đó là xác nhận sự hy sinh, chăm chút, nỗi khổ và lòng yêu thương đến tận cõi lòng đối với vợ của Trịnh Thanh Sơn.

 

Trong một bài gửi mẹ, lang thang trong chiều hoàng hôn của đời người, Trịnh Thanh Sơn đã rưng rưng, bởi anh hiểu, nỗi nhớ về mẹ bao giờ cũng là nỗi nhớ của trẻ lên ba. Trước cuộc đời dâu bể, người con trong Trịnh Thanh Sơn nhận ra mình "chỉ nhặt cho mình cái đốm sáng của hoàng hôn!". Nhưng điều quan trọng hơn tất cả, từ lúc ấy - ở nơi xa vắng nhất, nơi mà anh sẽ trở về bên mẹ, anh sẽ dâng cho mẹ một mặt trời khác. Đó là mặt trời mọc trong cuộc đời của mẹ - của tin yêu, "bởi tin yêu chưa nguội tắt bao giờ" (Gửi mẹ). Trịnh Thanh Sơn có những nỗi đau đớn khi vòng dây oan nghiệt của cuộc đời đã thắt vào anh, khi người cha trong anh đã có lúc phải chịu làm kiếp cá chuối để đắm đuối vì con - vì anh mãi tin trong sự đổi trao của số mệnh, cuộc đời này không trao cho anh hàng giả bao giờ! Là con người có trái tim nhân hậu, đa cảm - anh biết được nơi cội nguồn nỗi đau không chỉ là sự bất hạnh, tuyệt vọng, mà còn cả sự cô đơn. Cô đơn thi sĩ - con người chứ không phải cô đơn của một quan chức. Sự cô đơn để giúp con người "thăng" lên cùng cái đẹp và sự vĩnh cửu. Chứ không phải sự cô đơn gắn liền chức phận với những toan tính, thiệt hơn. Vì thế, anh đã được sự tri ân của độc giả, đồng nghiệp. Đó là hạnh phúc mà không phải nhà thơ nào cũng dễ dàng có được.

 

Thanh Sơn nhớ cả những người bạn chưa quen. Qua những trang văn của bạn, anh nhận ra đó là tri kỷ. Mà tri kỷ cần được nhân diện theo tiêu chí của cái tâm và sự đồng vọng của tấm lòng, tâm hồn thi nhân.

 

Trịnh Thanh Sơn là nhà thơ tình - theo đúng nghĩa nhất của từ này. Ta cứ hình dung một mình Trịnh Thanh Sơn trong trẻo hối hả thuở ấu thơ: “quảy rơm vàng đi gieo vãi/ chớp đông gà gáy mạ chờ mưa/ Em tóc xanh lúa thì con gái/ sấm vẫn rền thơ dại phía trời xưa..." thì cũng có một Trịnh Thanh Sơn bạo liệt và mạnh mẽ đi tới cùng, dám cháy đến cùng trong cõi yêu: "Quỳ trước em/ tôi từ chối những phải và những sẽ/những nên chăng, những vì sao, những mặc dầu, có thể.../xé toạc nửa phần hồn để mong được hoàn nguyên!”. Có lẽ bài thơ Tới em đã thể hiện một Trịnh Thanh Sơn của yêu và sống. Tình yêu đích thực - theo anh phải cháy đến tận cùng, dẫu bước qua cõi chết. Tình yêu - đó là sự san bằng những hoài nghi, nông nổi, những nguỵ trang, giả dối... Và thế gian này, chỉ có ngập tràn âm thanh của khuông nhạc reo vui hạnh phúc:

 

..."Ai cũng thành tôi, ai cũng thành em/ đời sống đã lật sang trang mới/ những bài ca không còn nông nổi/ người với người không nghi ngại lẫn nhau/ nước mắt vẫn còn (nước mắt chẳng vơi đâu)/ nhưng nước mắt không hoá thành nước ốc!/ giọt nước mắt tưng bừng như Hạnh phúc/ ai cũng nâng niu, ai cũng nghẹn ngào/ em sẽ không còn hoảng hốt bởi yêu tôi!/ không phải nguỵ trang trong ánh mắt nụ cười/ Tình Yêu đàng hoàng dắt tay đi dạo phố...".

 

Người phụ nữ nào được anh yêu, người đó chắc chắn rất hạnh phúc.

 

Với Trịnh Thanh Sơn - cõi yêu chính là cõi đời. Nó phải hiển hiện và được tôn vinh một cách đặc biệt, bất chấp cả cái chết. Hình như thi sĩ sinh ra là để dành cho cõi yêu, cõi nhớ và sự lãng du. Hành trình đến với cái đẹp và bờ thương, bến nhớ của Trịnh Thanh Sơn là hành trình của chiêm nghiệm, quặn thắt, của sự dốc cạn và vắt kiệt cảm xúc. Nhưng có cả sự cô đơn đến cùng kiệt. Con người tưởng chừng như mạnh mẽ, ồn ã giữa đám đông ấy cũng lại là con người yếu đuối đến bất ngờ. Anh luôn có cảm giác cô đơn. Cái cô đơn đã đẩy thi sĩ đến với vô cùng vô tận, đến với sóng và mây. Đến với ký ức và những điều chỉ cảm nhận được mà chưa nắm bắt được.

 

Cuối cùng thì cả sự cô đơn và buồn bã - những tài sản duy nhất của nhà thơ cũng ra đi - theo anh vào cõi vĩnh hằng. Trịnh Thanh Sơn đã bước vào một cuộc chơi mới, như những câu thơ anh tiễn đưa một thi sĩ đã vĩnh viễn ra đi. Nhưng trong lòng những người bạn, đồng nghiệp yêu quý anh - Trịnh Thanh Sơn không vào cõi chết. Anh đã trở về "làm một ngọn sóng/ tha hồ rong chơi", "làm một ngọn cỏ/ muôn đời xanh tươi" và "làm một ngọn khói/ suốt đời lang thang"... Ngọn sóng ấy, ngọn cỏ ấy, ngọn khói ấy sẽ đi từ cõi mơ để nhập vào cõi thực - đó là sự hoá thân, nhập thế, tái sinh vì cái đẹp, bởi cái đẹp, cái thiện và sự vĩnh hằng...

 

Theo Evan

Chu Thị Thơm
Số lần đọc: 2492
Ngày đăng: 18.09.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Rồng trong quan niệm Phương Đông và Phương Tây - Bùi Thị Thanh Mai
Giữ cây Ô-liu mãi tươi xanh trong tâm hồn? - Inrasara
Ðiều Kiện Hậu Hiện Đại: Bản Tường Trình Về Tri Thức - Jean-François Lyotard
Mắt xanh trong quản lý văn học nghệ thuật - Lê Đạt
Nhà thơ Quang Dũng: Cẩn tắc vẫn... áy náy! - Phạm Nhật Linh
Về “thị trấn văn chương” - Quang Thiện
Kín mà... hở!? - Tú Ngai
Văn Xương Các Vĩnh Long - Bình Tam Lê
Lẳng lơ ? Chính chuyên ? - Trần Tuyết Lan
Về sự thờ sách - Jorge Luis Borges