Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
896
116.634.802
 
Thơ như tôi đã hiểu
Phạm Quốc Ca

Đã có hàng vạn định nghĩa về thơ của các thi sĩ, các nhà phê bình, nghiên cứu văn học ở các thời đại, các phương trời khác nhau. Các ý kiến nhiều khi đối lập nhau như nước với lửa, dẫn đến những cuộc tranh luận dữ dội. Đơn giản là vì nội hàm khái niệm thơ vô cùng phong phú. Để có một định nghĩa về thơ được mọi người chấp nhận là điều bất khả. Nhiều người đã khước từ việc định nghĩa thơ.

           

Nhưng với tư cách thi sĩ không thể có thái độ như vậy đối với thơ. Nếu không hiểu thơ là gì anh sẽ chỉ là người làm thơ theo cảm tính, theo bản năng thi sĩ. Từ kinh nghiệm sáng tác, từ hiểu biết, tôi cố gắng đưa ra một cách hiểu về thơ cho riêng mình:

           

Thơ là loại hình nghệ thuật ngôn từ, sáng tạo theo các nguyên lý: 1. lạ hoá, 2. có nhạc tính và 3. sử dụng tối ưu các thủ pháp nghệ thuật, nhằm chia sẻ cùng bạn đọc những suy ngẫm, cảm xúc và kinh nghiệm thẩm mỹ.

           

Sau đây tôi sẽ làm sáng tỏ cách hiểu này.

 

1. Về nguyên lý lạ hoá của thơ

           

Khái niệm lạ hoá tôi mượn của Shklovski (1893-1984)- nhà hình thức luận Nga nổi tiếng. Nhưng theo tôi lạ hoá không chỉ là thủ pháp mà còn là nguyên lý căn bản của thơ. Thơ cho thấy rõ nhất tính cá nhân của tồn tại con người và đó cũng là một trong những sứ mệnh quan trọng của loại hình nghệ thuật ngôn từ này. Nhà thơ là người không chịu nhìn cuộc sống theo quan niệm của số đông, của “lẽ phải thông thường”. Đối tượng công phá thường trực của thơ là sự sáo mòn của tư duy, của cách cảm, cách nghĩ mà con người sa vào do nguyên lý tự động hoá, nhiều khi không tự biết. Các diễn ngôn cũng tất yếu theo quy luật mà trở nên sáo mòn. Thơ phải gây được hiệu ứng tâm lý ngạc nhiên, thú vị và khâm phục ở người tiếp nhận: ngạc nhiên ở khả năng nhìn ra cái mới nơi thế giới quen thuộc, ngạc nhiên ở tài năng sáng tạo của nhà thơ trong việc sử dụng ngôn từ và các thủ pháp nghệ thuật. Sứ mệnh của thơ là sáng tạo cái mới. Khi không có cái mới thì thơ cũng không có lý do tồn tại. Thơ không chỉ bỏ qua cái non yếu, cái lạc hậu mà còn bỏ qua cả cái đẹp, cái hay đã quen thuộc.

           

Để ngộ ra điều này với tôi là cả một quá trình. Ở giai đoạn sáng tác hồn nhiên quan tâm hàng đầu của tôi là giãi bày cho được tình cảm, cảm xúc của mình trong thơ. Làm thơ như vậy chưa khác nhiều lắm với công việc viết một lá thư tình. Vì muốn nói cạn lòng, cạn ý nên tôi chưa quan tâm đúng mức đến cách viết, bài thơ thường dài, câu thơ có lúc là lời nói thẳng, thể hiện trực tiếp nỗi lòng.

           

Với người làm thơ hồn nhiên, viết là để giải thoát tình cảm, cảm xúc và với bạn đọc bình thường thơ là một thế giới tinh thần để nhập cảm, để tri âm. Nhưng khi đã xác lập tư cách nhà thơ tôi thấy cách hiểu: Thơ là giải thoát (V.Goethe), Thơ là tiếng nói đồng ý, đồng chí, đồng tình (Tố Hữu)… là chưa đủ. Thơ còn phải là một công trình nghệ thuật độc đáo, mới lạ về cách cảm, cách nghĩ, về nghệ thuật ngôn từ. Ý thức được điều này tôi đã vươn tới cách diễn đạt khác thường như thay vì viết Độc ẩm tôi viết: Đối ẩm với người xa. Tôi cũng đã viết Nhớ những ngày chưa sống khôn nguôi là điều phi lý theo logíc thông thường. Những bài thơ viết trong giai đoạn ngộ ra nguyên lý lạ hoá như Tự bạch, Hoà bình, Ba cây thông… tôi tự thấy có chất lượng khác. Xin lấy ví dụ bài thơ Hoà bình:

Hoà bình trở về bằng bước chân trẻ thơ

Ùa vào vòng tay người cha khét nồng thuốc đạn

Hoà bình dâng trái mặt trời chín hồng mỗi sáng

Hoà bình đêm đêm dịu dàng khoả thân.

                       

Trên ranh giới những màu da, chủ thuyết, thánh thần…

Hoà bình là những giây lưỡng lự trên cò súng

Giữa đời một con người và mấy chục gam đầu đạn

Hoà bình gào lên bằng tiếng khóc mẹ hiền.

 

Hoà bình lết đi bằng bước chân người thương binh

Nhắc nhớ những cuộc đời bị đốn

Bằng những ngôn từ choáng lộn

Sáng hơn màu vỏ đạn đồng.

1995

           

Trong thơ Việt Nam những năm gần đây, các nhà thơ theo chủ nghĩa hiện đại và hậu hiện đại đã lạ hoá triệt để thơ. Nhiều bài thơ cách tân đến độ phi giao tiếp, ra ngoài địa hạt thơ. Trong khi đó một số nhà thơ lại yên tâm với hình thức cũ. Có người đã phát biều rằng: “Tính hiện đại của thơ không nằm trong hình thức mà là nội dung. Nếu người viết có cách nhìn, cách nghĩ hiện đại thì câu thơ lục bát vẫn có thể hiện đại được” [3]. Tôi xa lạ với thơ không cần sự hiểu nhưng xác định cho mình đối tượng hướng tới của thơ là bạn đọc hàng đầu. Mỗi bài thơ phải là một tác phẩm nghệ thuật có tính sáng tạo, mới mẻ. Có thể thực tế sáng tác không theo kịp nhận thức lý luận, nhưng khi đã ngộ ra nguyên lý đầu tiên của thơ là sự lạ hoá, nhà thơ sẽ không cho phép mình viết những câu tầm thường, đơn giản, xuôi dòng. Nguy cơ thường xuyên của thơ là sa vào sự thường tình, không gây nên một sự ngạc nhiên thú vị nào.

 

2. Nguyên lý nhạc tính của thơ

           

Quan niệm thơ từ xưa tới nay đã thay đổi rất nhiều, nhưng theo tôi có một nguyên lý bất di bất dịch: thơ phải có nhạc tính. Dù hiện đại tới đâu thơ cũng không thể xa rời đặc tính căn bản này. Nhạc tính không chỉ phân biệt thơ với các loại hình nghệ thuật khác mà còn làm cho mỗi bài thơ là một sinh thể nghệ thuật. Trong thơ cũ, nhạc điệu có tính khuôn mẫu. Lao động sáng tạo của nhà thơ gợi người ta nghĩ đến công việc soạn lời cho các làn điệu dân ca. Trong thơ hiện đại mỗi bài thơ phải có một nhạc tính riêng, độc đáo. Ở mỗi bài thơ hay ta thấy lời thơ được linh cảm về nhạc của thi sĩ dẫn dắt, nhịp điệu vừa phóng túng tự do, vừa không vi phạm “luật pháp của âm thanh”. Nhạc tính của bài thơ có thể bao hàm trong đó cả các nghịch âm mà vẫn hài hoà, cuốn hút ta đồng thời cùng ngữ nghĩa. Thậm chí nhạc có thể đi trước ngữ nghĩa, ta chưa kịp hiểu đã cảm thấy hay như trong thơ tượng trưng. Ví dụ tiêu biểu là bài thơ Màu thời gian của Đoàn Phú Tứ. Dù không hiểu hoặc hiểu rất ít, bài thơ dễ được bạn đọc đồng tình xem là một trong những tác phẩm hay nhất của phong trào Thơ mới. Cùng ý hướng sáng tác theo lối thơ tượng trưng Xuân thu nhã tập (1942), bài Buồn xưa của Nguyễn Xuân Sanh đã không có được chất lượng như vậy. Dù ai đó cố khen thì tôi vẫn cho rằng đây chưa phải là bài thơ hay. Lý do là bài thơ này chưa có được một nhạc điệu hài hoà để trở thành một sinh thể nghệ thuật. Cả 5 khổ thơ đều cùng cấu trúc. Hai câu đầu liên kết với nhau về vần theo kiểu thơ thất ngôn truyền thống nhưng lại không có được sự kết dính về nhạc điệu với câu 3 và câu 4. Các câu thơ trở nên rời rã, không tạo nên được một nhạc tính thực sự. Đây là bài học tôi rút ra từ thơ tiền chiến. Tôi cho rằng có những hiện tượng thơ đương đại có thể cảm thấy hay mà không cần sự hiểu. Nhưng để cảm được, bài thơ phải có một nhạc tính, hơn thế nữa phải có một nhạc tính độc đáo. Lời đã khó hiểu, nhạc tính lại không có thì lấy gì để truyền cảm? Phân biệt thơ hay và thơ không hay cũng có nghĩa là phân biệt thơ có nhạc tính và không có nhạc tính. Về nhạc tính, trong thơ Việt Nam đương đại đã diễn ra tình hình sau đây:

           

Không ít nhà thơ vẫn yên tâm viết các thể thơ có nhạc điệu khuôn mẫu. Theo thống kê của chúng tôi, trong 1144 bài thơ của tuyển tập Thơ Việt Nam 1975-2000 (Nxb Hội Nhà văn, 2001) có 645 bài (56%) được viết theo thể thơ tự do. Gần 44% số bài thơ còn lại được viết bằng hình thức thơ 4,5,6,7,8 chữ và lục bát [1;tr.185]. Hình thức thơ nhiều khổ, mỗi khổ 4 câu hiệp vần chặt chẽ vẫn khá phổ biến. Trong khi đó một nguyên lý triết học ai cũng biết là nội dung nào, hình thức ấy. Theo tôi mỗi bài thơ phải có một nhạc điệu riêng độc đáo, không lặp lại vì bản thân nhạc điệu cũng làm nên nội dung bài thơ ấy. Ngộ ra điều này tôi đã viết bài thơ Khát với nhạc điệu mô phỏng hiện thực khó khăn, gian khổ của cuộc hành quân trên Trường Sơn như sau:

Xuyên dọc đêm bom

 hành quân

 khát

Cây cháy bên đường

                        đỏ nghìn con mắt

                                                hồng hoang

                        Theo chân bạn

                                             mà đi

                                                dẫm lên tro

                                                            lên than

                                    Bỏng rát

                                                nỗi đau

                                                            thân hình,

đất nước

                                   

Hình thức thơ tự do không vần theo tôi là rất thích hợp với việc tạo nên nhạc tính độc đáo của từng bài thơ. Các nhà thơ nhận thức ra nhu cầu đổi mới thường sử dụng hình thức thơ này. Họ sẵn sàng bỏ qua liên kết vần. Các câu thơ chỉ liên kết với nhau bằng ý và bằng một thứ nhạc ngầm của cảm xúc:

Con chim quyên lỡ vận

Lang thang trên mặt đất

Tiếng kêu sao nghẹn ngào

Ta đã phí hoài quá nhiều sức lực

Gót chân mòn những bước không đâu

(Đêm trên cát- Thanh Thảo)

 

Để tạo nhạc tính đặc biệt một số nhà thơ đã sử dụng từ tượng thanh. Trong bài Noel Dương Tường đã mô phỏng âm thanh tiếng chuông:

Em về phố lặng

                        lòng đổ chuông

                        llềnh llềnh nước

                                    lli

                                                lluang

                                                            lloang llưng

            lliêng llinh lluông lluông buông boong

            ad lllibitom

 

Bài thơ độc đáo nhưng không khỏi gây ấn tượng cầu kì, gượng ép. Tôi thấy đây là một nẻo tìm tòi không năng sản vì số lượng các từ tượng thanh trong mỗi ngôn ngữ và tiếng Việt nói riêng là rất hạn chế.

           

Một số người lại cho rằng thơ hôm nay không phải để ngâm mà là để đọc, nhạc điệu thơ không còn mấy ý nghĩa. Họ làm thơ mà không quan tâm đến nhạc tính. Từ đó thơ không còn truyền cảm, không còn là món ăn tinh thần “khoái trá”. Đây là một trong những nguyên nhân làm cho thơ tự đánh mất độc giả của mình.

 

Bên cạnh nhạc tính độc đáo của từng bài, thơ còn có nhạc tính thời đại của mình. Sự mượt mà, du dương của những lời thơ trong chiến tranh chứng tỏ bản lĩnh sống bền bỉ, dẻo dai, mãnh liệt của con người Việt Nam. Đời sống ồn ào, sôi động, phức tạp hôm nay lại dẫn đến giọng điệu trục trặc , gân guốc của thơ đương đại.

 

3. Nguyên lý sử dụng tối ưu các thủ pháp nghệ thuật

           

Là một giá trị tổng hợp, nhưng trước hết thơ là nghệ thuật ngôn từ. Vì vậy các thủ pháp nghệ thuật có một vai trò quan trọng đối với thơ. Shklovski đã viết: “Toàn bộ công việc của các trường phái thơ có thể giản lược vào việc tích luỹ và phát hiện ra các thủ pháp mới trong khi sử dụng và chế tác vật liệu ngôn từ” [2; tr.81]. Chất thơ thể hiện không chỉ ở bản thân các giá trị thẩm mỹ mà còn ở chỗ nhà nghệ sĩ ngôn từ đã sáng tạo nên bằng cách nào. Truyền thống văn dĩ tải đạo, thi ngôn chí hàng ngàn năm và quan niệm văn học phục vụ chính trị trong hoàn cảnh đặc biệt của đất nước đã dẫn đến thói quen ở cả người sáng tác lẫn người tiếp nhận là đề cao nội dung thơ; hình thức thơ chỉ được xem như phương tiện chuyển tải một cách nghệ thuật các nội dung mà chủ yếu là nội dung đạo lý và chính trị xã hội. Từ Đổi mới đến nay thơ đã được giải phóng khỏi tính chức năng, công cụ. Hình thức được một số nhà thơ xem như là mục đích tự đủ của thơ.

           

Tôi không xem thơ là lĩnh vực của hình thức thuần tuý, khép kín. Thơ không cắt đứt mối liên hệ với các chức năng khác, nhưng trước hết thơ phải là thơ. Chức năng thẩm mỹ phải giữ vai trò chủ đạo. Thơ được sáng tạo theo quy luật của cái đẹp. Vì vậy ngôn ngữ thơ vừa là phương tiện, vừa là mục đích.

 

Trên con đường phát triển của mình thơ vừa tích luỹ các thủ pháp nghệ thuật truyền thống, vừa không ngừng sáng tạo các thủ pháp mới. Theo tôi các thủ pháp nghệ thuật truyền thống như nhân hoá, so sánh, ẩn dụ, hoán dụ… vẫn còn nguyên tiềm năng sáng tạo nhưng các thủ pháp của chủ nghĩa hiện đại và hậu hiện đại là đặc biệt quan trọng đối với lao động sáng tạo của nhà thơ hôm nay. Tất cả kinh nghiệm sáng tạo của thi ca nhân loại cổ kim đều có ích cho ta. Nhưng tất cả phải trở thành cái của riêng mình. Trong bài thơ Ba cây thông tôi đã hoà trộn nhiều thủ pháp:

Cạnh nhà tôi có ba cây thông

Ba thiếu nữ tóc xanh

Bí ẩn chơi ba cây đàn gió

Những trưa nắng tôi ngồi bên cửa sổ

Du dương điệu nhạc của trời

Mỗi buổi đi về thông đón chào tôi

Óng ánh ngàn tia lá nắng

Nhớ thương ai

Tôi làm thơ vào những đêm thanh vắng

Lá thông rơi xuống mái nhà

Nghe như tiếng mưa

 

Ngày đi xa

Tôi nhớ chốn hẹn hò

Mái tóc người yêu          đổ vào ngực tôi rượi mát

Choàng vai nhau

Lặng nghe thông hát

Êm dưới chỗ ngồi thảm lá kim vàng trơn

 

Tôi trở về

Một khoảng trống cô đơn

Người ta đốn thông rồi

Ba gốc cây nhựa ứa

Một quán nhậu sẽ dựng lên ở đó.

 

Trong bài thơ này có cả hiện thực, cả lãng mạn, cả siêu thực và thấp thoáng chất Liệu trai chí dị.

 Nếu sử dụng các thủ pháp nghệ thuật truyền thống nhà thơ cũng cần phải sáng tạo. Thủ pháp so sánh là rất xưa cũ nhưng so sánh cái cụ thể với cái trừu tượng rất dễ tạo nên những câu thơ hiện đại: Mây trắng mỏng như một thoáng mơ màng.

Thủ pháp hoán dụ cũng là rất cũ nhưng đã được tôi sử dụng làm nên những câu thơ mới lạ:

- Dõi mắt phương con ì ầm tiếng nổ

Lòng mẹ ngày nào cũng bị ném bom.

(Mẹ)

- Tay em cầm mùa xuân hé nụ

Mây hở khung trời nắng xôn xao.

(Chợ tết)

- Rừng đã rụng cả mùa khô xuống đất

(Thấp thoáng bình minh)

- Tro tương tư đã đầy trắng gạt tàn.

(Đêm nhớ)

- Cây rơm ướt trên hàng xoan trụi lá

Con bò gầy rút từng sợi mùa đông.

(Nhớ quê)

 

Không còn xem hình thức phụ thuộc nội dung như cách hiểu một thời đã qua, tôi rất tâm đắc với đề xuất của các nhà hình thức luận Nga khi họ đưa ra cặp phạm trù chất liệu thủ pháp nghệ thuật. Với cách hiểu này thơ mở ra những chân trời mênh mông cho sáng tạo của chủ thể.

 

Thơ là nghệ thuật vô cùng tinh tế và không ngừng biến động. Xin được lạm bàn đôi điều về thơ như tôi đã hiểu.

 

Đà Lạt, Xuân 2008

 

Tài liệu trích dẫn:

1. Phạm Quốc Ca, Mấy vấn đề về thơ Việt Nam 1975-2000, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2003.

2. Huỳnh Như Phương, Trường phái hình thức Nga, Nxb Đại học Quốc gia Tp Hồ Chí Minh, Tp Hồ Chí Minh, 2007.

3. Vương Trọng, “Thơ cần mới và hay”, Báo Văn nghệ, số 46, 1994.

Phạm Quốc Ca
Số lần đọc: 3570
Ngày đăng: 27.03.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đọc “ĐÊM TRẦM TÍCH”, Tập thơ của Trúc Linh Lan - Võ Quê
Roman Jakobson và thi pháp - Đặng Tiến
Câu chuyện không vần kể lại - Khế Iêm
Con đường thơ - Nhị Ka
XUÂN SÁCH: Vẽ 100 Chân Dung Nhà Văn - bằng … THƠ ! - Lê Xuân Quang
Tôi muốn tìm bí mật của hình dung - Dương Kiều Minh
Sự tăng tốc của thời gian : Nhân đọc tập thơ Hình dung của Đặng Chân Nhân - Đồng Khánh
Người đẹp và thi ca (*) - Nguyệt Phạm
“Giấy trắng” của nhà văn Triệu Xuân tái bản lần thứ Mười - Nguyễn Tý
Khai bút “Hòa mạng” cùng Hoài Anh - Nguyễn Tý
Cùng một tác giả