Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.389 tác phẩm
2.747 tác giả
688
116.726.075

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Có một dòng phim của người Việt xa xứ
Ngay từ năm 1985, mở đầu cho trào lưu Việt kiều về nước làm phim là bộ phim Con thú tật nguyền của đạo diễn Việt kiều Hồ Quang Minh. Sau đó, danh sách phim được đóng mác đạo diễn Việt kiều còn dài thêm với Mùa hè chiều thẳng đứng, Ba mùa, Bụi hồng... Gần đây có Mê Thảo - Thời vang bóng, Thời xa vắng, Mùa len trâu, Hạt mưa rơi bao lâu.

Ít chịu áp lực kinh phí

Trở về từ Ba Lan, đạo diễn Lê Hoàng Hoa đã sớm vào cuộc và đang hoàn tất giai đoạn hậu kỳ bộ phim kinh dị ngắn Một nửa

phía bên kia. Để có được 5 phút phim ngắn ngủi với kinh phí gần 500 triệu đồng, cả đoàn phim đã mất đến 5 ngày quay tại thành phố sương mù Đà Lạt, bối cảnh chính trong phim. Đây được xem là bước thử nghiệm chuẩn bị cho bộ phim kinh dị Con ma nhà họ Hứa trở lại dự định bấm máy trong năm tới.

Từng khá thành công với Em và Michael Jackson vào đầu thập niên 90, những ngày này, đạo diễn Việt kiều Lưu Huỳnh và các cộng sự đang ráo riết chuẩn bị cho ngày bấm máy bộ phim truyện nhựa mang cái tên có vẻ lập dị... 1/2 hồn thương đau. Ngày 22-11, đạo diễn trẻ Lê Quang Vinh đã bắt tay khởi quay bộ phim Sài Gòn tình ca (tên tiếng Anh là Saigon love story) do chính anh viết kịch bản với sự góp mặt của diễn viên gạo cội Nguyễn Chánh Tín và dàn diễn viên trẻ đẹp: Hứa Vĩ Văn, Ngô Thanh Vân, Đức Tiến.

Theo ông Lê Diệp, bố của đạo diễn Lê Quang Vinh đồng thời là người chịu trách nhiệm sản xuất của phim, ê-kíp Sài Gòn tình ca đang tích cực làm việc để kịp đồng loạt ra mắt khán giả Việt Nam và thế giới vào hè 2005. Ý định thực hiện bộ phim nhằm giới thiệu Việt Nam đang đổi mới từng ngày với khán giả thế giới đã hình thành từ lúc Lê Quang Vinh đang theo học về điện ảnh tại Trường Đại học Los Angeles. Toàn bộ kinh phí làm phim do Hãng Celluloid Dragon Pictures của Lê Quang Vinh bỏ ra, trang thiết bị thuê từ Hãng phim Giải Phóng. Nhìn chung, các đạo diễn Việt kiều thường chủ động về kinh phí nên có điều kiện toàn tâm toàn ý cho công việc.

Đưa phim Việt Nam ra nước ngoài 

Cùng làm phim về cuộc sống, đất nước, con người Việt Nam trong quá khứ hoặc trong hiện tại nhưng mục đích của các đạo diễn Việt kiều không hoàn toàn giống nhau. Với một số đạo diễn, phim làm ở Việt Nam chủ yếu hướng đến khán giả nước ngoài quan tâm đến văn hóa Việt Nam hoặc kiều bào xa xứ. Những phim này thường tập trung khai thác những nét đặc trưng độc đáo, truyền thống, giá trị văn hóa vật chất lẫn tinh thần trong văn hóa Việt hoặc triết lý sống đôi khi được nghiệm ra từ những điều tưởng chừng rất đỗi bình thường.

Tiêu biểu cho phong cách trên là phim của đạo diễn Trần Anh Hùng và Tony Bùi. Ở phim của Trần Anh Hùng, ẩn sau những bức tranh sinh hoạt đời thường là câu chuyện về cái thiện và cái ác hiện diện giữa cuộc đời, là câu chuyện về cuộc đấu tranh nội tâm trong từng con người trên hành trình tìm về bản ngã...

Tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 14 vừa qua, theo giới chuyên môn, đối trọng với phim Thời xa vắngMùa len trâu - bộ phim nhựa đầu tay của đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh - với những khuôn hình mênh mông sóng nước cùng triết lý dòng nước-dòng đời về sự hủy diệt và tái sinh. Cả hai phim đều sử dụng dàn diễn viên nghiệp dư và cùng được đánh giá cao tại liên hoan phim vừa qua.

Phim Việt dành cho khán giả Việt

Làm phim về người Việt để phục vụ khán giả Việt Nam là mục tiêu của đạo diễn Lưu Huỳnh. Đối tượng khán giả mà Lưu Huỳnh nhắm tới là giới trẻ. Hơn mười năm trước, với thành công từ phim Em và Michael Jackson của Lưu Huỳnh, tên tuổi hai diễn viên trẻ Trương Ngọc Ánh và Huỳnh Anh Tuấn được khẳng định. Thành công này có được là nhờ Lưu Huỳnh đã biết quan sát và nắm bắt kịp thị hiếu giới trẻ. Ở thời điểm trên, ông vua nhạc pop Michael Jackson đang làm mưa làm gió trên thị trường âm nhạc thế giới và trở thành thần tượng của không ít bạn trẻ. Lần này, vẫn là những câu chuyện về cuộc sống, về tình yêu của các bạn trẻ, hy vọng với 1/2 hồn thương đau, Lưu Huỳnh tiếp tục gặt được thành công như mười hai năm về trước.

Cùng mục đích làm phim phục vụ khán giả trong nước nhưng đạo diễn Hồ Quang Minh lại chọn hướng đi khác. Sự trở về lần này của ông gắn liền với tên một tác phẩm văn học khá nổi tiếng của nhà văn Lê Lựu: Thời xa vắng. Việc chọn dàn diễn viên chính, trừ Phương Dung, đều là những diễn viên nghiệp dư: Ngô Thế Quân (họa sĩ) và Nguyễn Thị Huyền (học sinh) cho thấy sự tự tin của một đạo diễn đã dạn dày kinh nghiệm.

Tuy lần đầu xuất hiện trước ống kính máy quay nhưng các diễn viên, nhất là họa sĩ trẻ Ngô Thế Quân, đã vào vai thật tự nhiên, để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người xem. Sự đón nhận nhiệt liệt của khán giả tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 14 vừa qua đã chứng tỏ phần nào thành công từ Thời xa vắng - một bộ phim được chăm chút kỹ càng từng góc máy để cho ra đời những thước phim thật đẹp và sống động.

Trong số những phim đang tạo được sự quan tâm của dư luận dạo gần đây, chỉ có Mê Thảo - Thời vang bóng đã được công chiếu; Thời xa vắng đang được Hãng phim Giải Phóng lên kế hoạch phát hành. Với một số giải thưởng mang tầm quốc tế, Mùa len trâu đã được Mỹ, Pháp, Hàn Quốc, Úc mua bản quyền.

BT - Theo Người Lao động
Tin tức khác
Nơi ấy Kakôi (27.11.2004)