Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
622
123.244.002

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Sống ở đời cốt là vui
Một cuộc triển lãm lớn các tác phẩm hội hoạ cổ Nhật Bản tại Paris khiến công chúng phương Tây ngất ngây với niềm vui sống toát ra từ những bức tranh khắc gỗ của trường phái "phù thế hội" (ukyo-e).
Triển lãm tranh "Phù Thế Hội" được tổ chức tại Cung điện Lớn của Paris, với tên gọi "Images du Monde Flottant" (Những hình ảnh của thế giới nổi trôi) kéo dài từ nay cho tới 3.1.2005, trưng bày hơn 200 tranh, tranh cuộn, tranh khắc được đưa tới từ Nhật Bản, Mỹ, Anh, Đức và đặc biệt là Bảo tàng Guimet nổi tiếng của Pháp. Và "Phù Thế Hội" thực sự là một thế giới - thiên đàng của những cô gái điếm hạng sang, những diễn viên kịch Kabuki, những trà thất, lầu xanh, nơi các cô mua vui cho khách làng chơi.

Thế giới ăn chơi đó được chấp nhận, khuyến khích dưới sự bảo trợ của các tướng quân trong suốt hai thế kỷ thịnh vượng từ 1603. Theo từ nguyên, "phù thế" (ukyo), chính là một khái niệm của nhà Phật chỉ rằng lao động cực nhọc mồ hôi nước mắt hàng ngày của ta chỉ là phù du. Vậy là các phú ông ở khắp
Edo (Tokyo), Kyoto, Osaka đã coi đó như một triết lý sống: cần phải tận hưởng cuộc đời. "Hãy sống từng khoảnh khắc, toàn tâm ta hãy để ý đến trăng, đến tuyết, đến hoa anh đào đang nở, đến những cây thích (cây họ phong) - như văn sĩ Asai Ryoi viết năm 1661 - rồi ca xướng, uống rượu, và cứ mặc thân ta tiêu khiển, nổi trôi như quả bầu kia, nổi trôi theo dòng nước".

Vậy là các hoạ sĩ, đông đảo và chỉ ưa vẽ tranh phong cảnh và chân dung trong hàng thế kỷ trước đó ở Nhật, bắt đầu lao vào vẽ những cuộc vui, những kẻ truy tìm lạc thú. Lần đầu tiên, trong tranh, thấy xuất hiện những thường dân vui chơi trước những thắng cảnh như núi Phú Sĩ, hay trong những ngôi nhà lớn. Người tự xưng là đi tiên phong trong tranh "phù thế hội" là hoạ sĩ Okumura Masanobu có 7 bức vẽ đẹp nhất trong triển lãm này.

"Người đàn bà ngoảnh lại" (1688-1704) toát ra một sự tự nhiên, kiêu sa, cũng như một vẻ phiền muộn nhẹ nhàng là đặc trưng của tranh ukyo-e-với hàm ý cuộc vui bao giờ cũng tuyệt nhất nếu có thêm vị cay đắng. Khi tranh ukyo-e đánh trúng nhu cầu của công chúng, nghề làm tranh khắc gỗ bắt đầu bùng nổ tới mức các quyển lịch tranh khắc gỗ trở thành món quà tặng tuyệt nhất dịp năm mới. Vua tranh lịch của Nhật bấy giờ là Suzuki Harunobu. Bức "Người đẹp hóng gió bên sông" (1765) tả một cô gái mảnh dẻ trong bộ kimono hồng tinh tế, chính là một trong những bức đẹp nhất của ông tại triển lãm.

Song bậc thầy của tranh "phù thế hội", người nắm bắt được vẻ đẹp của nữ giới và là ngôi sao trong triển lãm tại
Paris lần này chính là Kitagawa Utamaro với 46 bức vẽ. Utamaro từng bị bắt 50 ngày trong tù năm 1804 vì đã vẽ một bức tranh "không hề khôn ngoan" tả một tướng quân với các bà vợ ông ta. Người ta cho rằng ông đã quá đau buồn vì sự lạnh nhạt của công chúng nên đã chết sớm. Tranh của ông mang đến một cảm nhận mới cho thể loại ukyo-e (ảnh). Các bức vẽ của Utamaro đã bộc lộ được tâm trạng, sắc thái và kịch tính thông qua sự đơn giản của đường nét và góc nhìn cận cảnh. Utamaro cũng là bậc thầy của loại tranh shunga (xuân ảnh) - một uyển ngữ trỏ những bức vẽ khoả thân gợi dục (3 trong số vài chục bức shunga tại triển lãm là của ông). Tất cả các bức vẽ đều điệu đà, gợi dục, và chi tiết với mục đích... giáo dục giới tính! Các chú rể thường sắm một tập shunga để chuẩn bị làm lễ cưới.

Theo Hélène Bayou - phụ trách bảo tàng Guimet, triển lãm lần này chỉ dừng lại ở cuối thế kỷ 19,  khi các hoạ sĩ Nhật chưa chán cảnh và người ở thành thị mà quay sang vẽ phong cảnh nông thôn. Nên ta không thấy có tranh của Hokusai hay Hiroshige, hai bậc thầy của tranh phong cảnh Nhật Bản; cũng như không thấy ảnh hưởng to lớn của ukyo-e lên hội hoạ phương Tây. Dễ hiểu. Bởi chủ đề của triển lãm là thuần tuý "phù thế hội", nghĩa là sống ở đời cốt là biết tận hưởng, cả phụ nữ lẫn cảnh đẹp.  
H.K - Theo Time
Tin tức khác