Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.427 tác phẩm
2.747 tác giả
448
117.056.881

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Cầu nối nghệ thuật đương đại cho họa sĩ trẻ
Mỹ thuật Việt Nam được thế giới biết nhiều hay ít còn tùy thuộc vào sự quảng bá, giao lưu với các nước. Giới họa sĩ Việt Nam tìm cách nào để thâm nhập thực tế sáng tác ở nước ngoài?

Thiết thực với những nỗ lực vì nghề nghiệp, một số gallery đã đi tìm cơ hội giúp giới mỹ thuật có điều kiện tiếp xúc, triển lãm qua các chương trình hỗ trợ nghệ thuật từ kinh phí cá nhân hoặc các quỹ tài trợ quốc tế như gallery Hiền Minh, gallery Lotus, gallery Không Gian Xanh… Đáng chú ý, gallery Mai với mối quan hệ “kết nối” cùng xưởng nghệ thuật thử nghiệm của gallery Cave, 58 Grand Street Brooklyn New York 11211, đã tạo cầu nối mới cho giới sáng tác trẻ Việt Nam.

Lần lượt từ tháng 7-2004 đến tháng 6-2005, bốn nghệ sĩ Việt Nam đầu tiên được chọn làm việc theo chương trình lưu trú sáng tác ngắn hạn (ba tháng) tại Cave là nhà điêu khắc Đinh Công Đạt, họa sĩ Phạm Ngọc Dương, Nguyễn Thị Châu Giang và Ly Hoàng Ly.

Để giúp cho giới họa sĩ trẻ Việt Nam hiểu thêm chương trình Cave do Quỹ Ford tài trợ, họa sĩ Rodney Dickson, người được Cave ủy nhiệm phụ trách chương trình này ở Việt Nam đã có buổi trò chuyện thân mật với 30 họa sĩ trẻ vào chiều 17-11-2004 tại tầng lầu 18, Saigon Tower số 29 Lê Duẩn. Ông Rodney cho biết trong chương trình này, Cave đã tạo điều kiện ăn, ở, làm việc, sáng tác, triển lãm, cung cấp thông tin và tặng học bổng cho các họa sĩ được chọn.

Ngoài ra, họ có thể giao tiếp, trao đổi kinh nghiệm, tham quan, tìm hiểu các quan niệm, các trường phái nghệ thuật khác nhau; có thể gặp gỡ trò chuyện cùng những nghệ sĩ nổi tiếng thế giới v.v… Ở
New York những người hoạt động mỹ thuật có đến 20.000 người. Đây là con số đáng kể, “ăn đứt” các thành phố khác trên thế giới. Phần lớn nghệ sĩ tập trung ở khu Williamsburg, Brooklyn.

Tuy nhiên, dù ở New York có nhiều studio rộng để hoạt động, dù người làm nghệ thuật đông đến nỗi “ra ngõ gặp nghệ sĩ” và có khá nhiều bảo tàng nổi tiếng để các họa sĩ tham quan, tìm hiểu, nhưng theo lời khuyên của ông Rodney: Các họa sĩ đến New York hoạt động, đừng quá ấp ủ giấc mơ trở thành người nổi tiếng hay bán được tranh. Nếu không, anh ta sẽ dễ bị vỡ mộng!

Thật hiếm hoi mới có họa sĩ sống được bằng chính nghề sáng tác hội họa. Phần lớn họ kiếm sống và nuôi dưỡng sáng tác bằng một nghề “tay trái” như làm bồi bàn, làm bếp, làm vườn, làm thuê theo thời gian ở một số gallery… Ở
Williamsburg, New York, phải nói rằng “của cải thu hoạch” tốt nhất là tri thức và kinh nghiệm quý báu cho nghề nghiệp.

Thông tin thêm về dự án chương trình mỹ thuật Omi (Art Omi) ở ngoại ô phía Bắc thành phố New York, họa sĩ Rodney hào hứng san sẻ với các họa sĩ trẻ chương trình mỹ thuật mới sắp triển khai vào năm 2005. Nội dung hoạt động của Omi phong phú không kém gì Cave. Chương trình này cũng dành cho các họa sĩ chuyên nghiệp thế giới, trong đó có Việt
Nam.

Nhân dịp này, bà Đỗ Thị Tuyết Mai, chủ gallery Mai, tiếp tục giới thiệu việc mời đăng ký tham gia “Giải thưởng nghệ thuật Sovereign 2005 và học bổng của Tổ chức Hội đồng Văn hóa Á châu”. Các họa sĩ muốn tham gia có thể liên hệ với Mai gallery, 16 Nguyễn Huệ, quận 1 TPHCM; hoặc tìm hiểu thêm chi tiết từ Website của Tổ chức Nghệ thuật Sovereig (www.sovereignartfoundation.com). Hạn cuối nộp đơn đăng ký:
31-12-2004.

Lưu trú làm việc và sáng tác ở nước ngoài là những cơ hội dành cho giới mỹ thuật trẻ. Nó đáp ứng phần nào sự khao khát hiểu biết, tìm cơ hội tiếp xúc, trao đổi, học tập nghệ thuật đương đại. Tuy nhiên, hơn bao giờ hết, chính đây là dịp để các tác giả trẻ thể hiện được bản lĩnh nghệ thuật Việt Nam trong quá trình hội nhập với các nền văn hóa, nghệ thuật thế giới. 

Kim Ửng - Theo SGGP Online
Tin tức khác