Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
666
116.697.394
 
Viết thuê
Trần Kim Sơn

Vừa về tới nhà, chưa kịp rửa mặt, thay quần áo, vợ tôi đã ôm một chồng sổ liên lạc, giấy khen đặt lên bàn ăn cũng là bàn học của tụi nhỏ, bàn làm việc của cả nhà.

-   Gì đây bà?

-   Thì tiếp tục sự nghiệp…Nhà trường nói giấy khen, sổ liên lạc để cho từng giáo viên chủ nhiệm viết, mỗi người một kiểu chẳng ra gì. Năm học này, ban giám hiệu lại thuê mình viết, cho đến khi nào đổi hiệu trưởng mới…

-   Dọn cơm lên ăn, đói hộc xì dầu đây!

-   Sáng giờ em ngồi viết, đỡ phần nào hay phần đấy, chưa kịp nấu cơm…

-   Vậy bà xuống bếp đi!

Nhìn đống sổ và giấy khen, tôi muốn phát ốm, không biết một tuần có kịp hoàn thành? Thôi thì, trong khi chờ vợ nấu nướng, quẹt được cái nào hay cái đó.

 

Hồi học kỳ 1 năm học trước, không rõ ai giới thiệu, trường trung học cơ sở nơi bà xã tôi dạy đề nghị ông chồng của bả giúp giùm công việc này với thù lao kha khá. Hỏi kỹ, hóa ra  lãnh đạo của trường biết phu quân của cô giáo dạy vẽ từng tốt nghiệp trường mỹ thuật, đang là họa sĩ trình bày cho một tờ báo. Dĩ nhiên làm thêm thì có tiền nhưng viết bằng khen, giấy khen theo kiểu bút rông như ngày xưa, phải gò từng chữ miệt mài oải lắm. Khi viết những cái này, tôi nhớ đến   thời đi học. Lúc tiểu học, tôi không còn nhớ rõ. Học trung học thì giấy khen gọi là tưởng lệ chứng, khổ cỡ phân nửa giấy A4. Chỉ những học sinh thật xuất sắc  mới được trao. Cùng với vinh dự được lãnh thưởng, người học sinh thuở ấy rất tự hào. Bạn bè coi người được nhận là tấm gương để phấn đấu. Không như thời nay, giấy khen lạm phát, mỗi lóp có đến 50-70% cháu được tặng. Phụ huynh phải  đóng tiền mua phần thưởng cho con mình,chẳng còn ra thể thông gì. Trường vợ tôi dạy lại là trường nhà giàu, giấy khen in cỡ A4, có khung kính để treo trang trọng làm cho tôi càng không thích chút nào!

      

Nói thì nói vậy nhưng  hai vợ chồng phải tranh thủ viết để có thêm tịền lo cho con cái, cố gắng càng đẹp, càng nhanh càng tốt vì thời gian hạn hẹp. Thầy cô đồng nghiệp và phụ huynh học sinh sau đó đều khen. Tháng đó, vợ tôi chăm lo cho chồng thêm chút ít vì ngân sách gia đình tăng lên. Đến học kỳ 2, có lẽ do quỹ hội không còn nhiều, nhà trường không nhờ nữa. Năm nay, chắc nguồn thu dồi dào nên ban giám hiệu lại duyệt chi cho công việc này.

      

Ngồi vào bàn, chuẩn bị bút xong, tôi bắt đầu viết. Làm trước giấy khen, sổ liên lạc để sau vì nó được bọc ny lon, phải gỡ ra từng cuốn. Những tờ đầu tiên bao giờ cũng tốn thời gian vì tay còn cứng, chưa quen. Dần dần mới có thể tăng tốc lên được, bởi họa sĩ làm báo  hiện nay chuyên dùng máy tính để vẽ, để trình bày, chỉ sử dụng cây viết khi nào ký lãnh lương.             Còn họa sĩ có tiếng và những người dư dả tiền, muốn nổi tiếng thì  luôn cầm cọ. Tranh của họ được tính hàng ngàn đô hoặc ngược lại mất hàng ngàn đô để được danh xưng là họa sĩ với những cuộc họp báo, triển lãm, bài viết ca ngợi, mà người có chút kiến thức hội họa cười khẩy khi đọc nó.              

 

Tự đánh giá tài năng của mình không bằng ai, chỉ có thể sống bằng nghề trình bày báo, làm thêm thiết kế bìa sách cho anh em bạn bè quen biết, không lo được chu đáo cho vơ con như người ta nên chuyện gì có thể kiếm được tiền là tôi làm.

           

Năm trước, lần đầu viết và chỉ làm vào ban đêm, làm thật nhanh để kịp cho nhà trường có trước ngày sơ kết học  kỳ, tôi không chú ý gì vào những cái tên. Bây giờ, công việc nhẹ nhàng nhưng tỉ mỉ này làm tôi nhớ tới bạn bè và thầy cô cũ. Như cái giấy khen thứ hai này, tên đứa học trò là Nguyễn Văn A, gợi kỷ niệm của tôi với thằng A lùn. Hồi học đệ ngũ, đệ tứ, nó chuyên trị giúp tôi môn thể dục. Má A bán cá ở chợ nên nó có thêm biệt danh là A cá, nghe gọi người không quen cứ tưởng thằng bạn tôi là người Hoa. Tuy không cao nhưng nó rất khỏe, nhảy xa, nhảy dây, ném tạ đều tốt. Mỗi lần thầy thể dục kiểm tra để cho điểm, nó đều thi giùm vì lúc đó tôi ốm yếu, mảnh khảnh, không có sức bật. Thầy chúng tôi dạy nhiều lớp, làm sao ông nhớ tên từng em học trò, nhất là khi bọn bạn chung quanh tôi lại đồng lõa với nhau.

            

Rồi cái tên Trần Công Ngủ khiến tôi liên tưởng tới ông thầy dạy Toán Trần Công Thức. Năm tôi học lớp 12, ổng vừa mới ra trường, thủ khoa ban Toán. Mới dạy có mấy tuần, ổng đã chê học trò sao dốt quá, không biết năm lớp 10, 11 học với ai trong khi quá rõ tụi tôi học với đàn anh trước ổng ba khóa và cũng là thủ khoa. Trần Công Thức không tạo được thiện cảm với học sinh của mình. Bây giờ khi gặp lại, tôi phớt lờ, không chút kính trọng vì mấy đứa bạn dạy cùng trường  cho biết: tính cách của ổng không thay đổi chút nào, ở mỗi trường không trụ được quá ba năm!

            

Trong số giấy khen tôi vừa thực hiện có tên Phạm Văn Thung, nhắc tôi thằng bạn thuở thanh niên xung phong, cơ bắp săn chắc, kiện tướng đào kênh. Ở cùng tiểu đội, được nó thương, những khi thấy tôi chống tay thở dốc, nó phóng len ào ào làm thay. Gần mười năm rồi không tin tức, không biết vợ chồng nó có còn ở Lâm Hà hay trôi dạt về đâu…

             

Miên man với hồi ức, tôi suýt viết sai tên một thằng bé. Đứa học sinh này có lẽ là người Chăm, tên khó nhớ khó viết quá. Làm giấy khen, vợ chồng tôi sợ nhất là tên dân tộc thiểu số. Thời gian hoàn thành tốn gấp đôi, gấp ba người khác. Nhanh nhất chỉ có họ và tên, giống như tên của lực sĩ Lý Đức: Lê Tèo, Trần Ba, A Muối…Nhưng bây giờ các bậc cha mẹ hình như thích đạt tên con bốn chữ: lấy họ của cha mẹ ghép lại, chữ lót là tên cô (anh) người yêu cũ rồi mới tới tên con. Tôi đọc thấy trong danh sách những cái tên như Đinh Nguyễn Yến Nhi, Lê Trần Hoàng Yến, Đỗ Huỳnh Sarah Oanh…

-      Ngừng tay ăn cơm anh!

Nghe vợ gọi, tôi khệ nệ ôm chồng sổ sách chuyển xuống đất, những tờ giấy khen chưa khô mực để tiêng ra. Bữa nay bà xã giỏi giang nấu cơm khá nhanh, chưa đến ba mươi phút.

-      Sao hôm nay làm mau vậy?

-      Thì chỉ bắc nồi cơm điện, hâm lại thức ăn thôi…

-      Má ơi, đồ ăn hôm qua vẫn còn à?

-      Hôm qua ông đi nhậu suốt ngày, về ăn có chút xíu, còn mấy đứa nhỏ qua nhà ngoại, không nhớ à?

Đói quá rồi, chắc nhai thứ gì cũ, mới cũng sẽ ngon thôi. Vừa ăn tôi vừa kể chuyện ngồi viết 29 tờ giấy khen, trong đó có một cái tên đầy ấn tượng, mất thời gian của mình hơn bốn lần: Công Tằng Tôn Nữ Thị Lóng Lánh Như Vầng Thái Dương. Đứa học trò được cha mẹ đặt tên kiểu này lớn lên sẽ khổ sở khi đi làm giấy tờ, ai chừa chỗ dài dòng để ghi đủ như thế. Bắt buộc phải viết tắt CTTNTLL Như Vầng Thái Dương, hậu quả sẽ dẫn tới vô số lụy phiền, chẳng hạn như chứng minh nhân dân không khớp với hộ khẩu, văn bằng, giấy sở hữu nhà đất; bằng lái không đúng với cà-vẹt xe… Rồi thẻ ATM, chỗ ở đâu cho đủ?

 

Bà giáo dạy hội họa nghe chuyện không bức xúc mà phang ngang:

- Con mình còn nhỏ,còn đi học, chưa kiếm được tiền. Thôi thì mọi râu ria bỏ đi, anh với em cố gắng để có thêm tiền chợ. Đặt tên cách nào cũng đều có ưu, nhược điểm. Như thời ba má, đặt tên anh là Trần Văn Xíu. Con mình nó nói với em:” Sao hồi đó ông bà nội đặt tên cho ba ngộ quá. Con tưởng tượng ba mà tổ chức triển lãm tranh, báo này báo nọ đưa tin: Nét cọ của họa sĩ Trần Văn Xíu, người ta cười chết cha!”.

Trần Kim Sơn
Số lần đọc: 1708
Ngày đăng: 20.10.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cây mít tố nữ - Đặng Văn Sinh
Hãy nắm chặt tay nhau - Đỗ Mai Quyên
Một tiệc giáng sinh và một lễ cưới - Fiodor M. Dostoyevsky
Vế trạng nguyên truyện - Đỗ Ngọc Thạch
Phong bì trắng - Lương Văn Chi
Một cõi đời riêng - Mang Viên Long
Đò đêm - Trần Quang Vinh
Cuộc chạm trán thứ hai - Xujun Eberlein
Chuyển kiếp - Đặng Văn Sinh
Tình như sương khói - Trần Quang Vinh
Cùng một tác giả
Viết thuê (truyện ngắn)