Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
734
116.676.608
 
Môt thóang Quang Hoài
Trần Ðăng Khoa

(Đọc “Chớp lửa đường cong” - Tập thơ của Quang Hoài, Nxb. Văn học, 2009)

 

 

I

Thông thường, khi tới thăm nhà ai đó, tôi có cái thú tò mò nhìn ngắm những đồ đạc trang trí, bày biện ở trong phòng. Đối với tôi, chúng không phải vật dụng vô tri, mà là những vị khách xởi lởi, tốt bụng, đang thật thà, rối rít kể với ta về ông chủ. Kể bằng sự im lặng. Vậy mà ta vẫn có thể hiểu được một cách thấu đáo, cặn kẽ số phận, tài năng, nhân cách, trình độ văn hoá và cả tính nết của chủ nhà nữa.

 

Tôi cũng đang ở trong căn phòng của Quang Hoài. Một căn phòng tươm tất - là tập thơ với cái tên rất gợi: “Chớp lửa đường cong”. Bề bộn trước mắt tôi là những bức tranh - những bài thơ - đủ các kích cỡ. Một thoáng màu sắc. Một chút ánh sáng. Và rất nhiều tâm hồn. Có thể nói, đó chính là những bức tranh được vẽ bằng hồn. Chúng đang lặng lẽ nói về Quang Hoài, giúp ta nhìn thấy anh, nhận ra gương mặt rất riêng của anh giữa ngổn ngang bóng người nơi trần thế.

 

II

Vậy Quang Hoài là ai?

Đó là một cây bút đa tài. Điều này thì khỏi phải bàn. Quang Hoài làm thơ, viết văn, viết bình luận văn học, soạn các sách chuyên đề… Nhưng trước hết, anh là một thi sĩ. Quang Hoài có thơ in trên các báo địa phương và Trung ương từ những năm Sáu mươi của… thế kỷ trước. Khi ấy, anh đang còn là một người lính trận. Trong những năm tháng ấy, thơ ta thường lệ thuộc vào hiện thực. Nhà thơ nhiều khi phải làm cả công việc của nhà báo. Những chi tiết, số liệu của đời sống, ngổn ngang ùa vào thơ, làm thành một vẻ đẹp và sức hấp dẫn của thơ ca ta trong những năm kháng chiến gian khổ. Quang Hoài lạc ra ngoài đội hình. Anh tạo cho mình một lối đi riêng. Đó là cách lội ngược dòng. Đây là một đóng góp riêng của anh, cũng là một thiệt thòi của anh, khi anh tự che khuất mình trong cả một đội ngũ trùng điệp. Chính vì thế, cho đến hôm nay, vẫn có người còn chưa kịp biết anh, dù anh đã là tác giả của sáu tập thơ dày dặn, có tập dày đến mấy trăm trang. Anh còn có mặt  trong hàng trăm tập tuyển đủ các chủng loại, từ Trung ương xuống các địa phương, suốt mấy thập kỷ. Quang Hoài không chìm đắm vào những chất liệu bề bộn của  hiện thực. Đời sống hiện thực phải lọc qua tâm hồn anh, lắng lại thành ký ức rồi mới ùa lên trang giấy. Thơ Quang Hoài là thế. Lối viết này đã chi phối toàn bộ các sáng tác của anh từ ngày đầu cầm bút cho đến tận bây giờ. Rằm tháng Giêng năm 1948, giữa chốn thâm u khói sóng của sông ngàn Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài thơ Nguyên Tiêu:

 

Kim dạ, Nguyên Tiêu nguyệt chính viên

Xuân giang, xuân thủy, tiếp xuân thiên

Yên ba thâm xứ đàm quân sự

Dạ bán quy lai, nguyệt mãn thuyền

 

Nửa thế kỷ sau, Rằm tháng Giêng, ngày Bác viết bài thơ này đã trở thành Ngày Thơ Việt Nam. Quang Hoài có bài thơ ca tụng mỹ tục này. Nhưng anh không sa vào việc miêu tả không khí cuồng nhiệt của lễ hội. Anh chọn khoảnh khắc ấn tượng nhất:

 

Câu thơ em thả lên trời

Rằm xuân Văn Miếu bời bời mưa giăng

Tiết mục “Thả thơ” là đỉnh điểm của lễ hội. Những câu thơ hoá thân trong con mắt Quang Hoài:

Câu nào lửa thức gác Văn

Câu nào mang bóng rùa nằm đội bia

 

Câu nào lặn lội theo cha

Nặng lòng gánh vác sơn hà hai vai

 

Câu nào lận đận bên trời

Nhọc nhằn cùng mẹ đầy vơi nỗi niềm

 

Quang Hoài bàn về thơ mà ta lại thấy đời. Anh chỉ nắm bắt hồn vía câu thơ mà ta lại thấy thấp thoáng hình bóng của từng tác giả. Khả năng “điểm huyệt” này giúp anh khá thông thoáng khi dựng “chân dung” các văn nghệ sĩ: Lý Bạch, Lê Đạt, Xuân Quỳnh, Nguyễn Duy, Trúc Thông, Nguyễn Khải và hoạ sĩ Nguyễn Thuần. Ta cũng sẻ chia với Quang Hoài, khi anh nhớ về Nguyễn Bính trong cõi đời dâu bể:

 

Chẳng còn “chiếc áo lụa sồi”

“Chiếc khăn mỏ quạ” như thời xa xưa

Lẽ nào nhạt nắng nhạt mưa

Nhạt hương quê… nhạt khô bờ tâm can?

 

Tiếng thơ người - tiếng nhân gian

Hoá hồn non nước vọng ngàn mai sau

 

Còn tre xanh… còn trầu cau

“Chân quê” còn mãi xanh màu thời gian

 

Thơ ca viết về làng quê thì vẫn còn đấy. Nhưng làng quê thì đã khác xưa rồi:

 

Chợ làng họp dưới gốc đa

Bọt bia tràn cốc kẻ ra người vào

Ti vi thi thố ồn ào

Gái trai Rốc, Pốp hát gào mê say

 

Người chê em Pốp chưa hay

Kẻ khen váy lửng em may tuyệt vời(!)

Trống quân, Cò lả đâu rồi

Đâu rồi khúc Dậm gọi mời Chầu văn?

 

Quang Hoài là người hoài cổ. Bởi thế, anh dễ dị ứng với những trò lố lăng, bát nháo chợ trời. Mọi cố gắng của Quang Hoài là làm mới thể thơ truyền thống. Đây là điều không hề đơn giản.

 

Cõi Phật mẹ về côi cút em

Bơ vơ hương khói trước cửa Thiền

“Đừng tưởng xuân tàn”- Em có nhớ

“Nhành mai…sân trước” nở trong đêm

 

Thơ Quang Hoài là thế. Ngôn ngữ bình dị với cách viết cũng rất hồn nhiên. Câu trước gọi câu sau. Bài thơ hết thì tự nó sẽ kết thúc. Ta dường như không thấy sự can thiệp thô bạo của Quang Hoài vào từng con chữ. Nhưng Quang Hoài là người cả nghĩ. Nhiều cảnh sắc đã quá quen thuộc, ta gặp rồi quên. Nhưng Quang Hoài không quên. Cả những cái chẳng đâu vào đâu cũng làm anh vân vi, nghĩ ngợi. Như loài hoa dẻ này:

 

Giữa vùng khóm biếc vòm xanh

Mảnh mai thân dẻ, mỏng manh cánh vàng

Hương hoa e ấp dịu dàng

Phong phanh sắc nắng, ngỡ ngàng hồn ai…

 

Bài thơ tưởng như chẳng có gì mới. Điệu thơ và cả câu chữ cũng rất mòn. Thì có gì mới ở một bông hoa dẻ đã có từ ngàn đời? Nhưng với Quang Hoài thì không phải thế. Bởi đó đâu phải hoa dẻ. Đấy là hồn người xưa đang hiện hình. Và câu thơ bỗng rờn rợn nhuốm màu Liêu trai.

 

Rượu thơm sóng sánh bát

Mắt mời, tay nâng thìa

Em nghiêng quỳ duyên dáng

Anh cạn trời sao khuya

 

Thơ hay cũng như rượu ngon. Thơ Quang Hoài là một loại rượu quê được chưng cất từ chính tâm hồn anh. Nó không gây sốc nhưng lại nồng đượm. Ai đã uống rồi thì rất khó quên...

 

Và bây giờ thì Quang Hoài đã nâng chén mời. Rượu thơm sóng sánh bát. Thật vô duyên cho ông khách vãng lai lại cứ bình tán những lời nhạt nhẽo về rượu. Tốt nhất là ta hãy nâng cốc. Tôi nghĩ thế và xin dừng lại ở đây. Thơ Quang Hoài - một loại rượu đặc sản của riêng anh sẽ chinh phục được độc giả, làm say lòng độc giả mà không cần tôi phải quảng bá, vân vi.

Tôi tin thế.

Và rất mong như thế!

 

Hà Nội 28-2-2009

Trần Ðăng Khoa
Số lần đọc: 1564
Ngày đăng: 22.11.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nét Bình Dân Trong Thơ Bùi Giáng - Nguyễn Thành Giang
Nhà Thơ Trần Hùng và Đôi Cánh Trập Trùng của Ước Vọng - Dương Kiều Minh
Đọc “Refresh cuộc đời” của Phan Thế Hải để hiểu không chỉ một cuộc đời - Phương Giang
Lãng đãng thơ Phan Văn Quang - Mai Thanh Tịnh
Phố đồng thảo- một tập thơ lạ của một giọng thơ độc đáo - Dương Kiều Minh
Giấc mộng cuộc đời, giấc mộng thi ca - Võ Tấn Cường
Đọc thơ Lê Huy Quang, Tìm “Cỡ Quang – Cỡ một con người” - Dương Kiều Minh
Nỗi buồn, biết gửi vào đâu? - Bùi Công Thuấn
Thi ca , đã nhen nhúm hy vọng cho hôm mai - Lê Vũ
Đọc Giải thoát của Triệu Thế Việt - Phương Giang
Cùng một tác giả
Thời sự làng tôi (tuyển truyện)