Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.395 tác phẩm
2.747 tác giả
691
116.734.525
 
Thập giá gỗ
Lê Đình Trường

1

Ngôi nhà thờ nằm trên tầng lầu một. Tầng trệt phía dưới là phòng dành cho những lớp giáo lý: lớp giáo lý dành cho những người chuẩn bị rửa tội, lớp giáo lý dự bị hôn nhân, lớp giáo lý cho người lớn tuổi muốn theo đạo Công giáo... Cách khu nhà thờ một khoảng sân rộng là một dãy phòng dành cho vài chị nữ tu - những người lo lễ phục, hương khói, bánh thánh... cho những buổi lễ trong nhà thờ.

 

Tít trên sân thượng, có một căn phòng nhỏ, đó là phòng của thầy Chiến. Thầy đang tu tập và sắp được thụ phong linh mục. Cha Hạnh đã sắp xếp cho thầy Chiến ở đó. Quả là một căn phòng của tu sĩ: kệ sách với những quyển kinh thánh. Chiếc bàn viết đơn sơ, trên bàn là ảnh Chúa với trái tim bị siết bởi những vòng gai nhọn. Một chiếc giường cá nhân...

 

Chiến - một người xông xáo, hoạt động nhưng khi rời đại chủng viện bước vào môi trường này; Chiến không biết làm cách nào để trở lại trạng thái thoải mái, tự nhiên. Cha Hạnh quá kín đáo và nghiêm khắc. Hoàn toàn khác với những hình ảnh trước đây, Chiến đã từng ngưỡng vọng: một nhà hùng biện, một nhà truyền giáo kiệt xuất. Một cảm giác bẽ bàng xâm chiếm Chiến. Chiến đã mang một niềm sung sướng, ngọt ngào khi được bề trên phân về họ đạo này để tiếp tục công việc tu trì. Trước khi bước vào khu nhà thờ này, có những lúc Chiến đã tách mình ra khỏi những lo toan, bận rộn thường ngày, đi tha thẩn một mình để mặc hình ảnh cha Hạnh hiện lên một cách rung động, dịu dàng xâm chiếm cả lòng Chiến. Và cái cảm giác ấy cứ đeo đẳng lấy Chiến, kể cả lúc Chiến giao tiếp hoặc làm những công việc của mình... Chiến ao ước được gặp cha Hạnh. Hai người sẽ cùng nhau bàn cãi, đề cập đến mọi vấn đề một cách vô tư và hồn nhiên. Thế mà, khi gặp cha Hạnh, chiếc áo tu sĩ của cha dường như đã ngăn lấp những tình cảm của Chiến muốn tỏ bày. Đối với Chiến, cha Hạnh là một linh mục; đối với cha Hạnh, Chiến là một người đang tu tập. Dù Chiến đã cảm nhận được giữa anh và cha Hạnh đã có một khoảng cách vô hình, vững chắc, nhưng cha Hạnh là hình ảnh mà Chiến phải đạt tới. Anh thường đến phòng cha Hạnh để nghe những lời giảng dạy của cha, hoặc mượn sách tra cứu thêm. Thoạt đầu, khi vào phòng cha Hạnh, Chiến có cảm tưởng như chính anh phải mất cả đời người mới có thể đọc hết những quyển sách cao xa, huyền bí của cha. Một thư viện khổng lồ. Chiến đi giữa những kệ sách như đi trong những hẻm sâu hút. Trong phòng ấy, chỗ làm việc của cha Hạnh bên khung cửa sổ rộng trông xuống sân, nhà thờ. Vẫn cách bày trí đơn sơ: chiếc bàn làm việc rộng mênh mông, giường cá nhân, ảnh Chúa đội mão gai lồng kính treo trên tường... Ngồi trong phòng của cha Hạnh, hít thở mùi bụi sách khô khô, Chiến có cảm tưởng ánh sáng từ cửa sổ tỏa vào nơi anh ngồi đang chậm chạp trôi theo chiều dài của căn phòng lẫn vào bóng tối âm u ở cuối phòng. Trong sự chuyển động thầm lặng, mãnh liệt ấy, Chiến thấy mình như bị cuốn trôi vào vùng bóng tối vĩnh viễn. Chiến cầm lấy hết quyển sách này đến quyển sách khác mở ra, gấp lại. Không bao giờ anh đọc hết một trang. Cái cảm giác, ánh ngày tỏa qua cửa sổ, trôi về vùng tối cứ thít chặt lấy Chiến, khiến Chiến phải bước ra hành lang đón lấy khí trời khoáng đãng.

 

Cha Hạnh đang ngồi đối diện với Chiến. Cha Hạnh với kính trắng trên đôi mắt, áo dòng đen, trước mặt cha là quyển kinh thánh. Hai người ngồi như thế đã lâu, nhưng rất ít lời. Bỗng dưng, Chiến nghĩ, có phải hình ảnh đơn lẻ cách biệt sự đời của cha Hạnh đã gây cho Chiến cái cảm giác bồn chồn, không yên? Chiến quyết định nói lên ý nghĩ của mình:

 

- Chúa Giê-xu đã dâng cả cuộc đời mình để xoa dịu nỗi khốn khó của con người. Các linh mục bây giờ thường lấy nhà thờ làm nơi trú ẩn của mình. Gần như, lấy nghi lễ để tái hiện, tưởng nhớ đến Chúa. Con e rằng như vậy là hình thức quá!

 

Cha Hạnh ngẩng cao đầu, đôi mày lưỡi mác sáng sủa chấm dứt chỗ đuôi mắt thật dứt khoát. Gương mặt đầy nghị lực, điềm tĩnh - gương mặt của một người đã trải qua nhiều sóng gió để đạt đến lý tưởng của mình. Cha Hạnh đặt tay lên vai Chiến một cách nhẹ nhàng. - Con hãy trở thành linh mục, con sẽ thấy cuộc sống tu trì khó khăn đến nhường nào!

 

Trên vách tường, trước mặt Chiến là ảnh Chúa Giê-xu đội mão gai, gương mặt ngẩng lên trời đau khổ và cậy trông. Những nhành gai nhọn sắc đâm vào trán, những dòng máu chảy ngoằn ngoèo trên gương mặt Chúa khô cứng lại. Bức tranh đạt đến sự tuyệt mỹ, Chiến cảm nhận được sự đau đớn tột cùng của con

người bằng xương, bằng thịt đang nhận lấy nhục hình. Cha Hạnh đứng dậy, tỏ ý kết thúc buổi nói chuyện.

 

Cả hai đi dọc theo hành lang về phía nhà thờ. Cha Hạnh bước những bước dài, nhanh nhẹn, dứt khoát. Áo chùng đen của cha phồng gió. Cha có phong thái nhanh nhẹn của người Tây phương. Hơn nữa, cha còn trẻ, vừa ngoài bốn mươi.

 

2

Cha Hạnh quen biết rất rộng, hầu như các giới chức cao cấp trong quân đội của chế độ cũ thuộc vùng Bốn chiến thuật đều biết cha Hạnh - kể cả những người không theo đạo Công giáo. Ngoài ra, rất đông những người trí thức, những tư sản đều giao tiếp với cha. Những người đó giao tiếp với cha Hạnh với nhiều mục đích khác nhau. Mở rộng thế lực chính trị, thu thập kiến thức, hoặc muốn cho dư luận chung quanh biết rằng họ đang là người đạo đức, thờ phụng Chúa hết lòng... Cha Hạnh hiểu những mục đích của họ. Cha khéo léo, khôn ngoan, nên vẫn giữ được tư cách độc lập của mình. Tuy thế, do được nhiều người trọng vọng quá, cha Hạnh, trong thâm tâm vẫn có cảm tưởng rằng, cha là một người trung tâm. Cha nỗ lực làm việc để xứng đáng với vị trí mà những người đang vây quanh cha vô tình hoặc cố ý xếp đặt cho cha. Do quen biết nhiều, kiến thức xã hội của cha càng được mở rộng. Những bài giảng của cha, trong nhà thờ, càng ngày càng thu hút mạnh mẽ giới trí thức và những sĩ quan trong quân đội. Những ẩn dụ trong lời Chúa được cha Hạnh phân tích sâu xa. Thỉnh thoảng, qua một vài dụ ngôn trong phúc âm, cha Hạnh đã đề cập đến các biến cố chính trị một cách kín đáo. Tiếng tăm của cha Hạnh lúc đó thật nổi. Người ta coi cha là một linh mục trẻ, cấp tiến. Hôm nào cha Hạnh đứng trên tòa giảng, nhà thờ chật ních không còn chỗ ngồi. Người ta đứng tràn ra cửa chính, những khuôn mặt chăm chú lấp đầy cửa sổ nhà thờ. Những người ngoại đạo cũng đến nghe cha. Khu nhà thờ của cha Hạnh được xây cất quy mô, tân kỳ nhờ vào sự đóng góp của các giới chức cao cấp trong quân đội và các tư sản theo đạo Công giáo. Họ đạo của cha hưng thịnh hơn các thời linh mục tiền nhiệm. Những gia đình nghèo trong họ đạo được cha trao gởi đường, sửa, quần áo... Các con chiên càng sốt sắng đi lễ nhà thờ hơn bao giờ hết.

 

Cha Hạnh đã gặp nhiều trường hợp khó xử. Chẳng hạn, cha thường lui tới gia đình ông Hồng Ngân chủ một nhà bảo sanh quy mô trong thị xã. Những gia đình giàu có mới dám nghĩ đến việc đưa vợ vào nhà bảo sanh ấy.

 

Ông Hồng Ngân có hai vợ. Trên thực tế, gia đình ông khá hạnh phúc. Hai bà vợ ông đều là hai cô đỡ tài giỏi, nhà bảo sanh của ông ngày càng được khuếch trương rộng lớn. Luật giáo hội, chỉ cho phép một vợ, một chồng. Do đó, ông Hồng Ngân bị dứt phép Thông công - không được xưng tội, rước lễ. Tuy thế, mỗi ngày ông vẫn đi lễ nhà thờ. Cha Hạnh thường được những lời mời mọc nồng nhiệt của ông: “Kính mời cha đến dùng cơm với gia đình chúng con”.

 

Ông Hồng Ngân đã từng nói với cha Hạnh:

 

- Nếu theo luật Chúa, con phải thôi ở với người vợ sau. Chúng con đã có con cái rồi, xử như vậy nhẫn tâm lắm. Thà con bị dứt phép Thông công...

 

Cha Hạnh ngồi nín lặng. Nếu trong tòa giải tội, ông Hồng Ngân trình bày với cha những điều đó, cha cũng không thể tìm được một lời khuyên hữu ích. Hoặc, cha Hạnh thường giao tiếp với ông Ngọc - một trong những người giàu nhất đồng bằng sông Cửu Long và cũng là người năng đi nhà thờ nhất. Ông Ngọc có tiệm cầm đồ, đi đêm với chính quyền địa phương, giải tỏa các xóm nhà lao động lập những nhà máy xay lúa đồ sộ, xuất cảng gạo...

 

Trong họ đạo của cha Hạnh, ông Ngọc, ông Hồng Ngân... cầm chắc số phiếu vào những mùa bầu cử... Không biết cha Hạnh có nghe được những dư luận khác nhau chung quanh cha không? Có lẽ, cha đã nghe biết những điều ấy, nhưng cha cho là không quan trọng. Nên cha cứ lao vào công việc theo ý riêng, mà cha cho chính đó là điều cơ bản. Một tu sĩ lấy đời sống khổ hạnh và lòng bác ái làm gốc, ngoài ra những hào quang khác đều vô nghĩa. Điều nầy, cha đã nằm lòng khi còn là một chúng sinh. Nhưng khi bước vào đời sống linh mục, cha lại có hành động khác đi. Khác, không có nghĩa là mâu thuẫn - cha Hạnh nghĩ. Cha chọn lĩnh vực nào mà cha hoạt động có hiệu năng. Tiếc thay, những tín đồ mà cha đặt nhiều niềm tin họ lại là con đòi của một thể chế chính trị. Khi chiến tranh chấm dứt họ phiêu giạt, phân tán khắp nơi. Cha băn khoăn tự hỏi, địa vị chính trị của họ đã bị tước mất, họ còn theo Chúa nữa chăng? Trải qua một thời gian, cha mới có một câu trả lời: Phần lớn, họ không theo Chúa. Bây giờ có ai trong những người đó đi lễ nhà thờ? Rất ít. Để tự an ủi mình, đôi khi cha nhủ thầm những hạt giống cha gieo, lẽ nào lại hư hoại hết sao.

 

Khu nhà thờ của cha bây giờ chỉ còn những giáo dân nghèo trung thành với Chúa. Ngoài ra, đã vắng hẳn ngựa xe. Những giáo dân nghèo ấy không đòi hỏi ở cha những bài thuyết giảng về thần học siêu hình, những quan điểm chính trị cần phải lý giải dài dòng. Họ cần những lời yên ủi, khuyên bảo của cha khi họ gặp hoàn cảnh khó khăn. Bổn phận cha phải làm công việc ấy, nhưng cha đã làm bổn phận một cách máy móc, thờ ơ như đó chẳng phải là những người con linh hồn của cha.

 

Không phải cha Hạnh ruồng bỏ họ, mà thật ra, cha quá mệt mỏi. Cha đã nghiệm ra một điều cay đắng - đáng lẽ, qua lời cha những người giàu có, những người làm chính trị kia sẽ đến hoặc trở lại với Chúa. Nhưng cha không lường sự tác động ngược lại: những hoạt động của các nhân vật đó gây ảnh hưởng đến cha. Khi những người cách mạng đến, tất thảy đều tránh né cha. Chỉ còn lại một mình cha với một dĩ vãng đã từng hoạt động chính trị hoặc ít nhất cũng liên can chính trị. Và cha chờ đợi...

 

Cha cảm thấy sự chờ đợi của cha dài đăng đẳng đến độ mỏi mòn. Không ai làm tổn thương đến cha, dù chỉ một câu nói thôi. Nhưng trong cha, thỉnh thoảng có một cơn rung nhè nhẹ xâm chiếm. Hình ảnh những nhân vật cha giao tiếp ngày xưa đang bủa vây cha. Họ nhảy múa gào thét, cười nhạo sự bình yên của cha. Vở kịch đã kết thúc, tất cả họ đã đi vào hậu trường. Tai ác thay! Những đối thoại trong vở kịch, trong đó có cha là một nhân vật, thì cha không thể nào quên được. Mỗi lần cha bỗng nhớ lại, lập tức các nhân vật trong vở kịch lại nhảy bổ ra hỗ trợ cho sự nhập vai của cha. Sau mỗi lần như thế, cha rùng mình, khi nhận ra chính cha đang đứng trước một thực tại hoàn toàn xa lạ. Có nhiều đêm, cha đã nài xin Chúa, cho tâm hồn cha được bình yên. Phải chăng cha đang nhận sự trừng phạt của Chúa? Có một lần, trong khi làm lễ, đến lúc cha Hạnh rửa tay dâng mình thánh Chúa, thông thường rửa tay chỉ là hình thức tượng trưng, nhưng hôm đó, không hiểu sao cha Hạnh cứ rửa mãi. Chú bé giúp lễ cầm bình nước xối cho cha ngạc nhiên và sợ hãi. Khi tan lễ, các giáo dân có mặt trong nhà thờ hôm ấy bàn tán xôn xao vì cử chỉ kỳ lạ của cha Hạnh.

 

Cha Hạnh suy sụp nhanh. Cơn khủng hoảng đen tối trùm lên, lấp đầy tâm trạng cha. Những lúc ấy cha thường nhớ đến thời thơ ấu buồn bã của mình.

 

3

Hôm ấy, buổi chiều. Mưa xối xả xuống căn nhà lá xiêu vẹo. Hai anh em: Một thanh niên và một đứa trẻ khoảng mười hai tuổi đang lập một bàn thờ Chúa đơn sơ trong căn nhà lá ấy. Người thanh niên là Phận, và đứa trẻ là Hạnh. Hạnh đứng trên một bục cao, vai choàng một mảnh vải trắng giả làm áo lễ linh mục. Phận quỳ dưới một bục thấp hơn làm người giúp lễ. Chiều ý Hạnh, đứa em trai của mình, Phận giúp em giả làm một buổi thánh lễ như trong nhà thờ mà cả hai

nhớ được.

 

Mưa tạt vào căn nhà, cả hai đứa rung lên. Mẹ của chúng bị bệnh nặng và đang nằm bệnh viện. Thay vì đến nhà thờ để xin một lễ cầu nguyện cho mẹ qua cơn bệnh, nhưng chúng quá rụt rè không dám đến gặp cha Sở. Chúng tự lập nên một bàn thờ Chúa. Cả hai cùng dâng lên Chúa nỗi đau trong tâmhồn thơ dại của chúng.

 

Hạnh (trong vai thầy cả, quay mặt về phía bàn thờ, đặt tay lên của lễ): “Lạy Chúa, xin Chúa đoái thương khiến của lễ nầy được làm phép... để của lễ nầy trở nên Mình và Máu Thánh. Con rất yêu dấu Chúa, là Chúa Ki-tô, Chúa chúng tôi...”.

 

Phận (trong vai người giúp lễ, cúi đầu) trong lòng nó thổn thức, kêu xin: “Lạy Chúa, xin cho mẹ chúng con hết bệnh, xin Chúa trút bỏ thánh giá nầy cho chúng con...”.

 

 

Buổi lễ diễn ra trang nghiêm và cảm động. Mưa bên ngoài đang trút nước. Da chúng tím lại, nổi gai lên vì lạnh. Cả hai vẫn tiếp tục dâng lễ, cầu nguyện cho đến khi kết thúc: Thầy cả và người giúp lễ bái quỳ, tạ lễ.

 

Xong buổi lễ, chúng chuẩn bị thức ăn mang lên bệnh viện cho má. Cả hai vừa đi vừa chạy trong mưa. Khi chạy ngang qua góc đường trước đây má của chúng ngồi bán bánh tầm, Hạnh nghe cả vùng ngực rung giật. Má của hai đứa đã từng ngồi đó bán bánh tầm. Sức khỏe bà càng ngày càng mòn mỏi. Có những lúc Hạnh chảy nước mắt khi nhìn bàn tay bà ốm xanh đơm vung những sợi bánh tầm trắng đẹp trong dĩa. Những lúc bán ế, bà ngồi đưa mắt nhìn những người qua lại như cầu khẩn, hy vọng họ sẽ ghé lại. Cái cổ bà nhỏ nổi rõ chạy dài hai đường gân xanh, ngóng trông. Sau mỗi buổi bán, bà nhớ hết những người đã mua bánh tầm của bà hôm đó. Thím Tư: một dĩa lớn, bà bán cơm rượu: hai dĩa... Khi về nhà, bà quá mệt, phải nằm xuống giường, nhưng bà vẫn kể cho hai đứa con nghe về công việc mua bán của bà với giọng tin tưởng, vui thú. Khi Phận đã vào đại chủng viện, ở nhà Hạnh khẩn thiết khuyên bà nên nghỉ bán. Dù nó đã hết lời, bà vẫn mang thân thể còm cõi dấn mình trong mưa nắng: “Má bán lấy tiền nuôi hai con đi học, má muốn hai con trở thành linh mục”. Hạnh không cầm lòng nổi, nó nói hỗn: “Má còn bán nữa, con ra chỗ má bán đổ bỏ bánh tầm, rồi con nghỉ học luôn”. Trong cơn đau xót của tuổi thơ dại, Hạnh đã làm thật. Những sợi bánh tầm bị hất tung, vãi trắng trên nền đất ướt, keo tương ớt nghiêng đổ một vệt đỏ trên bàn, chén đũa văng ngổn ngang. Hạnh vừa gào thét, vừa khóc lóc. Người ta vây quanh can ngăn. Người mẹ ôm lấy con khóc. Hạnh cũng ôm bà, nó dụi đầu vào ngực bà. Cả hai cùng ngồi bệch dưới mái hiên. Sau biến cố đó, Hạnh nghỉ học, bỏ nhà đi biệt. Má Hạnh đi nhà thờ cầu nguyện cho con. Có khi, nửa đêm, bà đến nhà thờ, quỳ trước tượng Chúa cầu nguyện cho đến sáng... Và bà vẫn tiếp tục bán bánh tầm nhưng đôi mắt của bà khác quá – thầm lặng, tuyệt vọng và phiền trách.

 

Đối với Phận, dẫu sao nó đi học xa, ít chứng kiến cảnh gia đình đau lòng. Nhưng có những lúc nó âm thầm khóc than. Nó khóc trước tấm lòng mênh mông của người mẹ, nó khóc trước những nỗi khổ của gia đình, nó khóc trước sự hy sinh cao cả của người mẹ... Mai nầy, nó sẽ là tông đồ của Chúa, không thể giúp gì cho mẹ được.

 

Năm ngày sau, sợ hãi và ray rứt, đang đêm Hạnh trở về nhà. Tới sân nhà nó đi thật nhẹ, nhưng từ bên trong có tiếng má vọng ra:

 

- Hạnh về, hở con?

 

Hạnh giật mình:

 

- Dạ.

 

Bà mò mẫm mở cửa cho Hạnh. Cửa mở, trong bóng tối mờ mờ, Hạnh thấy bóng má ốm nhỏ, còng xuống. Bà lần túi tìm hột quẹt. Diêm quẹt xòe lên, nhưng sau đó ngọn lửa tắt ngúm để lại một tàn lửa cong quằn. Trong ánh sáng tàn rụng từ từ đó, Hạnh thấy mắt má sâu sự đợi chờ. Bà nói “Má cứ phập phồng chờ con. Má biết con sẽ về”. Bà đốt đèn, lê dép dọn cơm cho Hạnh. Hạnh nghẹn ngào nuốt cơm... Phận và Hạnh đến bệnh viện. Năm trước, bà bệnh, nằm ở chiếc giường gần cửa sổ. Năm nay vẫn giường cũ. Bà thích chiếc giường đó, vì mỗi lần các con đến thăm bà, chúng thường đi ngang qua cửa sổ nơi bà nằm trước khi vào phòng. Phận múc cháo cho bà. Bà muốn nói, nhưng chỉ nhìn hai đứa con của mình. Hạnh quay mặt chỗ khác vì nó không kềm giữ được nước mắt. Người mẹ nằm trên giường, tay đưa ra khỏi mền, trên cánh tay của bà đầy bấy những dấu kim chích mạch. Bà cầm lấy tay Hạnh, những hạt nước mưa trong suốt bám trên tay Hạnh lăn xuống lưng bàn tay gầy của bà. Phận ngồi bên mép giường của bà. Bà nhìn đứa con lớn trong gia đình mỉm cười hãnh diện. Gương mặt bà xanh không còn chút máu.

 

Khoảng chín giờ tối, có tiếng áo choàng sột soạt của người y sĩ đang bước vào phòng. Đến bên giường, ông ta vạch mi mắt, sờ bàn chân, đo huyết áp, nghe nhịp tim. Mặt ông ta lộ vẻ nghiêm trọng, trán ông lấm tấm mồ hôi. Ông ta phê vào hồ sơ bệnh lý: “Chuyển sang phòng cấp cứu”. Phận và Hạnh cùng cô y tá đỡ bà lên băng ca. Ở phòng cấp cứu bà được truyền máu và tiêm nhiều thuốc.

 

Khi truyền được nửa bọc máu, gương mặt người mẹ hơi hồng trở lại. Bà quay sang nói với hai con:

 

- Các con hãy cầu nguyện cho má. Khi má hết bệnh, má sẽ đưa Hạnh vào tiểu chủng viện. Còn con, bà nói với Phận, còn bốn năm nữa con sẽ thụ phong linh mục phải không?

 

Phận cúi đầu: “Dạ”.

 

Hai ngày sau, quá kiệt lực bà tắt nghỉ. Phận và Hạnh khóc cho đến khi ngực của chúng khô mòn và nóng ran như không còn hơi thở.

 

Sau đó không lâu, tuân theo lời trăng trối của mẹ, Hạnh chuẩn bị hành trang bắt đầu vào tiểu chủng viện. Phận tiếp tục tu học, nhưng khi học thêm được vài năm nữa, ông bị bệnh thần kinh, phải bỏ dở...

 

4

Mảnh vải dù lớn choàng qua vai ông Phận, phủ xuống hết lưng. Ông đứng nghiêm chỉnh ngay giữa nhà trang trọng như một linh mục khi đang làm lễ. Thấy Chiến bước vào, ông Phận khẽ nhíu mày rồi cười ngây ngô. Đôi mắt ông nhìn Chiến không biểu lộ sự quen biết. Nhưng nụ cười ngây ngô trên môi ông càng mở rộng. Phượng từ phía sau nhà chạy ra, ống tay áo cô đang xăn lên cao, hai bàn tay còn dính bọt xà phòng. - Ba - cô lay vai ông Phận - Đây là thầy Chiến, ba không nhớ sao?

 

Nụ cười trên môi ông Phận vụt tắt. Ông nhìn Chiến bằng đôi mắt giận dữ:

 

- Sao cha không mặc áo dòng?

 

Chiến ngượng ngùng:

 

- Dạ...

 

Ông Phận kêu lên:

 

- Không. Không. Dù cha có đi phố, cha cũng phải mặc áo dòng.

 

Phượng bật khóc:

 

- Ba ơi! Ba ơi!

 

Thấy Phượng khóc, ông Phận dịu xuống. Ông đi về phía chiếc tủ áo. Ông đứng tần ngần giây lát rồi ông mở tủ lấy ra một xấp vải đen. Chốc sau, Chiến mới trông rõ đó là chiếc áo chùng của linh mục. Ông Phận nâng chiếc áo bằng hai tay mang đến cho Chiến. - Xin mời cha - ông nói. Chiến ngỡ ngàng, giữ lấy hai tay ông. Cả người ông Phận chợt giật lên, run rẩy. Ông lắc đầu tuyệt vọng:

 

- Thật không ngờ!

 

Ông lảo đảo như tất cả hy vọng lớn lao của ông, trong phút chốc bị sụp đổ. Ông cất giọng đĩnh đạc, rõ ràng như người diễn thuyết trước công chúng:

 

- Các cha bây giờ cấp tiến. Mặc thường phục, đeo kính râm, đi Honda, giao dịch với phụ nữ, tham gia chính trị... Tôi khuyên các cha nên làm việc tông đồ.

 

- Đây là thầy Chiến - Phượng gào lớn trong nghẹn ngào - Con đã nói đây là thầy Chiến mà...

 

Đôi mắt đỏ hoe, Phượng vừa níu lấy ông Phận vừa van vỉ. Bất chợt, Phượng ngẩng lên bắt gặp ánh mắt Chiến đang nhìn mình. Cả hai tia mắt gặp nhau

bỗng run rẩy.

 

 

Ông Phận đau bệnh thần kinh, nên ông đã rời đại chủng viện. Ông về nhà cưới vợ. Phượng là con gái duy nhất của ông. Bệnh của ông Phận lúc ấy còn nhẹ - ông như người bình thường, ít thấy dấu hiệu của con bệnh. Ông đã biểu hiện một tâm trí sắc sảo về các vấn đề tôn giáo, xã hội. Tuy nhiên, điều đó như ẩn tàng trong ông. Ông rất đắm say âm nhạc và chim chóc. Bằng phương pháp thủ công, ông có thể đóng các loại đàn: Tây ban cầm, măng-đô-lin, kể cả đàn vĩ cầm.

 

Thêm nữa, ông là người thiết kế lồng chim tuyệt vời. Ông không hề nghĩ rằng ông đã có gia đình. Thời giờ của ông đổ hết vào công việc làm lồng chim. Vợ ông phải tần tảo nuôi ông, nuôi Phượng. Nhà ông tiếp giáp với cánh đồng. Đó là ngôi nhà cuối cùng trong dãy nhà quay mặt ra một con lộ trong thị xã chạy đến giáp ranh cánh đồng. Ở đó, gió cứ miên man phả vào nhà từ mọi hướng. Ông Phận thường thiết kế những lồng chim của ông bên cạnh bờ ao dưới những bóng dừa. Trên những ngọn dừa cao, biết bao tổ chim thả dài xuống, đong đưa. Những chiếc tổ được đan bằng cỏ, khéo léo vô song, bàn tay con người dù tuyệt đỉnh đến đâu cũng không thể làm nổi. Tiếng chim rối rít gọi nhau với vô số những giai điệu làm ồn ã cả một góc vườn. Ông Phận cầm cây mác bén vót láng những thanh tre nhỏ. Theo lưỡi mác lướt đi, những thớ tre mỏng uốn cong lại, xô về phía trước rụng xuống trắng cả bắp chân ông, biết bao lồng chim tuyệt mỹ đã hình thành. Ông không bao giờ bán các lồng chim của ông. Ông mang các lồng chim ấy đến tặng cho hội đồng giáo xứ, tặng cho cha Sở và nhất là tặng cho tất cả những chú bé theo mẹ đi nhà thờ. Ông chỉ giữ lại cho ông vỏn vẹn hai chiếc lồng nuôi hai con chim cu đất. Những buổi trưa ông nằm ngoài vườn nhìn lên khoảng không xanh ngát, gió lay động ào ạt nghiêng ngã những ngọn cây trong vườn, ông có cảm giác mặt đất và bầu trời đang nghiêng ngã trong âm thanh tiếng gáy của chim cu đất ngọt ngào lịm trong nắng vàng và lá xanh.

 

Người ta còn giữ mãi hình ảnh một người đàn ông trung niên vui vẻ, luôn luôn có nụ cười ngớ ngẩn, tay xách một chùm lồng chim, phân phát cho những đứa trẻ đi nhà thờ. Ông rất mến trẻ con. Ông ngắm những đứa trẻ với gương mặt say sưa, ngây ngất kỳ lạ. Những đứa trẻ như hút lấy hồn ông. Đôi khi ông rón rén lại gần vuốt nhẹ trên tóc một đứa, nó ù té chạy, nhưng được một quãng xa, nó quay lại cười nhạo ông. Ông ít vào nhà thờ. Ông chỉ đứng ngoài ngắm nhìn những đứa bé ăn mặc tươm tất đang quỳ trong nhà thờ xem lễ. Ông ước muốn chạm vào chúng như chạm vào Chúa Giê-xu, như bàn tay ông chạm được vào người một đứa bé, bệnh tật ông sẽ tan biến. Thế giới của con trẻ chi phối toàn bộ tâm trí ông - Thế giới của thiên đường có thật. Ông rung động trước sự ngây thơ, trong trắng của chúng. Như trong một đêm Giáng sinh nào, ông nghiêng mình ngắm Chúa Giê-xu nằm trong máng cỏ, ông hát thật xuất thần: Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời. Chúa sinh ra đời nằm trong hang đá, nơi máng lừa. Trong hang Bêlem ánh sáng tỏa ra tưng bừng, nghe trên không trung, tiếng hát thiên thần vang lừng...

 

Ông đứng bên hang đá dưới bóng điện hình ngôi sao lạ. Ông cất tiếng hát đột ngột. Những người đang dự lễ trong nhà thờ hôm ấy bỗng im bặt những lời kinh. Một chị nữ tu lúc đó đang ngồi trước đàn dương cầm, chuẩn bị đệm cho dàn đồng ca, bị tiếng hát ấy bắt lấy, tự động hai bàn tay của xơ ấn trên những phím đàn. Tiếng hát, tiếng đàn tràn khắp nhà thờ, bay lượn, sáng chói chiếm ngự trong hồn tất cả những con chiên đang dự lễ hôm ấy. Tiếng hát hùng vĩ, tuyệt đẹp như của một thiên thần từ trời cao bay xuống. Chiến tranh càng ngày càng vây lấp. Nhà ông Phận bị một trái pháo bắn từ tiểu khu rơi phải. Vợ ông bị mảnh pháo phạt ngang hông, chết ngay trong khi chuẩn bị xuống hầm tránh đạn. Khi Hạnh trở thành linh mục, cha rước ông Phận và cô Phượng về nuôi. Sau cái tang của vợ, bệnh ông Phận trở chứng khi nói năng bình thường, khi im lặng ngẩn ngơ, khi gào thét, bứt quần xé áo... Thế giới con trẻ hoàn toàn mất tuyệt trong tâm trí ông. Còn đâu khu vườn, những chiếc lồng chim tuyệt diệu nữa.

 

 

Thầy Chiến thường nhớ đến người đàn ông mất trí và cô Phượng, con gái ông. Thật khổ cho cha Hạnh. Và Phượng, tội nghiệp cô.


5

Mùa hè.

 

Những trận mưa rào dai dẳng, tràn trề. Những cơn nắng nồng say, hơi đất bốc lên ngây ngây. Những chùm phượng đỏ ối trong sân nhà thờ cho Chiến một cảm giác ngậm ngùi, rưng rưng. Đêm đó, khoảng chín giờ, bầu trời đen kịt không một ánh sao. Gió lạnh chứa đầy hơi nước rầm rì trên mái nhà. Chiến bỗng giật mình, lắng nghe. Một giọng hát trầm, rền vang dội khắp khu nhà thờ. Âm thanh tiếng hát dội vào những bức tường, hồi âm trở lại, nghe như tiếng gió đang ngân nga trong những vòm cây.

 

Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời

Chúa sinh ra đời nằm trong hang đá,

nơi máng lừa

Trong hang Bêlem ánh sáng tỏa ra tưng bừng...

 

Chiến rời giường bước xuống cầu thang đến đầu hành lang nhà thờ. Hành lang mờ tối, qua ánh nến điện đỏ từ trong nhà thờ hắt ra, Chiến thấy ông Phận ăn bận thật tươm tất đang đứng bên cửa sổ nhà thờ. Ông hướng về bàn thờ cất tiếng hát say sưa. Gương mặt ông thể hiện sự chiêm ngưỡng đến ngây ngất. Chiến đã từng thấy những cô gái, những bà lão trong những buổi chiều vắng vẻ, nhà thờ đã khép cửa, họ đứng một mình bên cửa sổ nhà thờ âm thầm cầu nguyện. Họ dâng cho Chúa những giọt nước mắt đắng cay trần thế. Nhưng Chiến chưa hề chứng kiến một người đứng bên cửa sổ hát lớn bài thánh ca. Vòm miệng mở rộng, giọng hát thật mạnh mẽ, người đàn ông cứ mãi hát. Từ trong nhà thờ, cha Hạnh xuất hiện. Cha đến bên ông Phận, cha vén lại ngọn tóc xòa xuống che lấp một bên mắt ông Phận. Giọng cha van vỉ:

 

- Xin anh xuống nhà nghỉ!

 

Người đàn ông vẫn hát. Cha Hạnh nắm tay ông:

 

- Xin anh chiều ý tôi.

 

Tiếng hát bỗng ngưng bặt. Người đàn ông, chiếu cặp mắt vào cha Hạnh. Ánh nến điện trong nhà thờ hắt vào đôi mắt ông, đôi mắt đó thấp thoáng những ánh đỏ. Ông Phận cất tiếng:

 

- Có người nào yêu Chúa đến hóa điên như tôi không?

 

Cha Hạnh:

 

- Anh không thương tôi sao?

 

- Tôi thương cha. Cha có thật hiến mình cho Chúa chưa?

 

- Bao giờ tôi cũng cố gắng - Cha Hạnh đáp - Nhưng có lúc tôi cũng lạc lòng. Trong cuộc sống tu trì tôi sẽ vượt qua mọi cám dỗ...

 

Ông Phận cười khẽ. Rồi hát.

 

Tâm hồn ông nhập vào giai điệu bài hát ngay tức khắc - Ông đã hoàn toàn rời bỏ thế giới bên ngoài. Cha Hạnh bất lực, cha cứ đi tới đi lui mãi. Khi thì cha khuất trong tối, khi thì cha hiện ra chỗ sáng. Đầu cha cúi thấp, giống như cha đang vác một thập tự nặng trên vai.

 

Ông Phận ngừng hát. Ông bước tới chặn lấy cha Hạnh khi cha đang bước về phía ông.

 

- Tôi yêu Chúa vô cùng - ông Phận có vẻ giận dữ. Tôi mong Chúa gọi tôi về ngay với Chúa. Tôi sẵn sàng chờ đợi. Còn cha, lúc nào cũng điềm tĩnh, lạnh lùng. Cha thuyết phục giáo dân bằng lý lẽ hùng biện của cha. Sự đam mê duy nhất của cha là thấy các con chiên chiêm ngưỡng mình.

 

Cha Hạnh dịu dàng:

 

- Em chỉ là người để Chúa sai phái.

 

Ông Phận trở lại bên cửa sổ nhà thờ. Ông ngẩng mặt lên khấn:

 

- Xin Chúa cho con nhận lấy nỗi đau của Chúa. Chúa hãy yêu con bằng cách ấy. Lạy Chúa toàn năng!

 

Cha Hạnh đứng bất động và cam chịu. Ông Phận quay trở lại chỗ cha Hạnh đứng, ông nói:

 

- Tôi cảm thấy quanh tôi có một không khí khác thường lắm.

 

- Có điều gì làm anh không yên lòng? - Cha Hạnh nhẹ nhàng hỏi.

 

- Một sự xáo trộn, một sự tan rã do chính cha gây ra.

 

Cha Hạnh:

 

- Mọi sự vẫn bình yên.

 

Ông Phận chăm chú nhìn vào đêm tối và ông kêu lên:

 

- Không. Không...

 

Chiến bước lên cầu thang, trở về phòng.

 

 

Nửa đêm.

 

Một cơn mưa phủ xuống. Mưa mãi.

 

Những cơn giông quật đập, cuốn xoáy. Không gian xoay vòng, chao đảo, lắc lư. Gió và nước luồn qua những khe cửa phòng của Chiến, rít lên những âm thanh sắc nhọn như ghìm, chặn lại tiếng gầm rú của cơn gió thốc ngoài kia. Nước ngập sân thượng, tràn vào phòng thầy Chiến.

 

Chiến đến bên cửa sổ cầm lấy tay cửa, khẽ đẩy lên. Mọi lá xếp của cánh cửa bật mở. Qua khe hở Chiến nhìn xuống sân. Một nguồn nước khổng lồ từ không trung đang thả tung xuống. Mưa dội xuống sân nhà thờ tới tấp, nhấp nhổm như mưa đang rơi trên mặt hồ lớn. Sau những lằn chớp cắt rách bầu trời, những tiếng sấm gầm từ rền cả không gian rồi nổ bùng ra như những phát đại bác.

 

Giông gió gầm rú, nhảy múa trên những tàn cây phượng trong sân nhà thờ. Căn phòng của Chiến như chòng chành, chực nứt những mảng tường. Bỗng có tiếng la thét điên dại hỗ trợ cho cơn giông:

 

- Bão đi! Bão đi!

 

Gió cuốn theo những tiếng la thét ấy trộn vào âm thanh giận dữ của trời đất quấn vào tai Chiến, Chiến có cảm tưởng cơn giông ngoài kia rú rít, quay lộn điên cuồng hơn nữa.

 

- Bão lên! Bão lên! - Tiếng gào ghê rợn, kéo dài lồng lộn trong không gian.

 

Chiến chồm tới mở cửa phòng, băng ra ngoài. Xuống khỏi cầu thang, Chiến chạy trên sân ngập nước hướng về phía nhà ông Phận. Gió và mưa như hất ngược Chiến trở lại. Qua những lỗ trũng Chiến hụt chân lảo đảo.

 

- Bão đi! Bão đi! - Tiếng thét điên dại càng lúc càng rõ mồn một. Giông gió như nghe tiếng gọi kinh dị đó, bỗng xuất hiện từ khoảng không bủa tới.

 

Mưa ném tới tấp vào Chiến, rát như roi quất. Chiến chạy tới nhà ông Phận. Cửa trước nhà ông đang mở toang ra. Một cây đèn dầu lớn đặt giữa bàn, tỏa ra một vùng ánh sáng rộng. Ông Phận đang giơ hai tay ngẩng mặt lên trời gào thét đến khản tiếng. Phượng, cha Hạnh, xơ Xê-xi-li-a, già Bảy – những người ở trong khu nhà thờ, đều đã có mặt. Tất cả ướt sũng. Thấy đông người, ông Phận càng thêm tức giận. Hai bàn tay ông tự bấu lấy cổ, cố sức kêu gào. Cha Hạnh đến gần ông, giữ lấy tay ông, ông vùng vẫy dữ dội. Người ta dùng sức mạnh giữ lấy ông. Ông cố thoát ra, nhưng không thể. Trán ông nổi căng những đường gân máu ngoằn ngoèo, đỏ ửng.

 

Xơ Xê-xi-li-a tiêm thuốc an thần cho ông. Chốc sau, ông mềm nhũn, bất động. Chiến và già Bảy thay quần áo khô cho ông và đặt ông xuống giường. Mọi người ngồi im lặng bên ông Phận, không ai trở về phòng của mình.

 

Phượng quỳ xuống bên giường ông Phận, ngẩng lên bàn thờ Đức Mẹ đọc kinh.

Chiến ngoảnh mặt đi, anh không dám nhìn hình ảnh đáng thương của Phượng.

Bên ngoài giông gió vẫn không ngớt.

 

6

Sau bữa cơm chiều, cha Hạnh và Chiến ngồi lại trong phòng ăn đánh đô-mi-nô. Ván bài thêm hai người nữa mới đủ tay chơi. Chiến thận trọng lật ra từng con bài sau khi đã suy nghĩ kỹ. Nhưng cha Hạnh không thế, cha chỉ đơn thuần xếp tiếp những con số theo những mảnh đô-mi-nô mà Chiến đã lật ra. Do đó, mọi suy luận của Chiến về ván đô-mi-nô không dẫn tới ý nghĩa là một cuộc đấu trí giữa hai người. Chiến cười:

 

- Chúng ta đâu có đặt vào ván cờ này mục đích gì khác đâu, mong cha yên tâm.

 

Cha Hạnh rời mắt khỏi những mảnh đô-mi-nô đang nằm kín đáo trong lòng bàn tay cha. Cha Hạnh thở dài:

 

- Nhưng sự đời thì không vậy.

 

Cha Hạnh muốn nói đến hoàn cảnh của cha. Những cơn thần kinh của ông Phận liên quan đến riêng cha. Cha dâng lên cho Chúa tất cả những biến cố mà cha gặp phải trong cuộc đời cha. Cha vừa chấp nhận vừa phấn đấu qua những khó khăn về đời sống vật chất cũng như đời sống tâm linh.

 

- Phải chăng Chúa muốn thử thách tôi - Cha Hạnh nói.

 

- Thưa cha, xin cho phép con được tiếp giúp cha.

 

Cha Hạnh đặt những mảnh đô-mi-nô xuống bàn:

 

- Tôi đau đầu quá.

 

Từ ngoài cửa già Bảy bước vào. Già Bảy là người hàng ngày chăm sóc, quét tước khu nhà thờ này. Già thấy những mảnh đô-mi-nô dang dở trên bàn, tưởng ván cờ chưa xong, già đứng đợi... Nhưng cha Hạnh đã vội vã mời già ngồi. Cha Hạnh ân cần:

 

- Có việc chi, bác Bảy!

 

- Con có việc, đã nhiều lần con muốn trình với cha. Nhưng cha bận quá.

 

Già Bảy nói, giọng hiền lành, phúc hậu. Giọng nói của già run lên. Và đôi mắt mấy hôm nay hoe đỏ, bây giờ rươm rướm. Đôi môi móm mém của già tiếp tục nói chậm chạp:

 

- Con xin cha cho con được về quê. Sức già của con đã yếu quá rồi. Con ở đây, e bận rộn cho cha.

 

- Hả?! - Cha Hạnh kêu lên, kinh ngạc.

 

Và cha nhìn già Bảy một cách trân trối. Môi cha cứ mấp máy như chuẩn bị mở lời. Nhưng cha không nói được.

 

- Bác Bảy - Cha Hạnh nghẹn lại rất lâu - Tôi có điều gì không phải, xin bác Bảy tha thứ cho tôi. Bác Bảy đừng bỏ tôi.

 

Già Bảy hốt hoảng. Thân hình còm cõi, nhỏ bé của già run lên.

 

- Xin cha đừng nói với con những lời như vậy. Tội cho con lắm. Cha là cha linh hồn của con. Con nhớ quê lắm. Con đã tuổi già sức yếu. Chúa sắp gọi con về với Chúa rồi. Con muốn được chết ở quê.

 

Một giọt nước mắt to lăn trên gò má nhăn nheo của già Bảy, giọt nước mắt ấy nhòe ra bám vào chòm râu bạc loe hoe của già, trông già thêm bi lụy, thảm não. Già Bảy tiếp:

 

- Xin cha giải tội cho con lần cuối cùng. Ở quê con không có linh mục. Con e chết không được trọn lành.

 

Cha Hạnh bối rối. Giọng nói thương tâm của già Bảy rót vào lòng cha Hạnh - cha rời ghế và gần như phục xuống trước già Bảy:

 

- Bác Bảy! Tôi có làm điều gì cho bác buồn, bác cứ nói đi, cho tôi yên lòng.

 

Già Bảy ríu lại:

 

- Không. Không. Cha đừng làm thế.

 

Già Bảy đứng dậy, lảo đảo lui ra cửa. Nhưng cha Hạnh dìu đỡ già Bảy đến ghế ngồi. Già Bảy ngồi xuống, cúi đầu lặng lẽ. Già Bảy trong bộ bà ba trắng sạch sẽ, gương mặt hồng hào trông thật đẹp lão. Nhưng già ốm o và yếu đuối quá. Những buổi tối Chiến xuống nhà kho - già Bảy có một góc nhỏ để nghỉ ngơi trong nhà kho - ngồi bên già, Chiến nghe già rên rỉ than đau nhức các khớp xương. Đêm, già không ngủ được cứ thao thức chờ tiếng chuông nhà thờ buổi sáng. Và khi tiếng chuông đầu tiên gióng lên, già trở dậy, mở tất cả những cửa sổ nhà thờ, lau bụi chiếc đàn dương cầm...

 

Sau đó, già đi rảo quanh sân, quanh hành lang nhà thờ nhặt cho kỳ hết những mảnh rác. Rồi già kéo rộng cánh cửa chính nhà thơ trước khi chuông đổ hồi hai - để đón những người đi lễ sớm nhất. Cha Hạnh nắm lấy hai bàn tay già Bảy, giữ hai bàn tay già trên ngực cha:

 

- Bác Bảy hãy ở lại đây. Tôi sẽ lo hết cho bác. Xin bác nghĩ lại...

 

Già Bảy đứng dậy. Già nhìn cha Hạnh với ánh mắt bao dung, như già muốn thu hết hình ảnh cha Hạnh vào tâm trí già lần cuối cùng. Chốc sau, già Bảy lắc đầu nhè nhẹ, rồi bước nhanh ra cửa. Như thế, nếu như già ở lại đây một giây nữa, già không thể nào từ chối lời yêu cầu khẩn thiết của cha Hạnh. Chỉ còn cha Hạnh và Chiến ngồi nín lặng.

 

Không khí ngột ngạt, buồn bã nén lại trong phòng. Ngoài sân, tiếng chân ai đi lạo xạo trên đá, lúc gần như muốn bước vào chỗ hai người, có lúc lại nhỏ dần như lãng ra xa. Tiếng ai cười nói râm ran thoảng vào phòng... Mãi mãi vẫn không có ai bước vào chỗ hai người.

 

 

Già Bảy là cha đỡ đầu của cha Hạnh từ lúc cha còn bé. Già Bảy đã dạy chú bé Hạnh những bài giáo lý đầu tiên. Cạnh đó, là những mẩu chuyện về cuộc đời của Chúa Giê-xu, cuộc đời các thánh... Khi mẹ Hạnh mất, chính già Bảy đã xin giấy giới thiệu của cha Sở cho chú bé Hạnh được vào tiểu chủng viện.

 

Già Bảy kỳ vọng Hạnh sẽ trở thành linh mục vì sự ngoan ngoãn và sốt sắng của chú bé. Trong thời gian Hạnh sắp thụ phong linh mục, vật giá khó khăn, già Bảy vận động Hội đồng giáo xứ và các giáo dân trong họ đạo quyên tiền giúp Hạnh: quần áo, kem đánh răng, thuốc trị bệnh thông thường... Già Bảy trao cho Hạnh những vật dụng ấy với niềm tin vững chắc - Hạnh sẽ trở thành linh mục gương mẫu. Ngày nào già Bảy cũng đi nhà thờ và đêm thức đến khuya lần hạt đọc kinh, xin ơn trên cho Hạnh vững ý chí vượt qua những thử thách lớn lao nhất để khấn trọn đời độc thân. Một lòng thương yêu chân thật, một niềm tin mãnh

liệt vào Chúa Trời như già Bảy thật hiếm thấy. Suốt đời, già Bảy hầu như chỉ làm việc nhân đức. Tuy thế, trong cuộc đời già đã xảy ra một bi kịch kinh hoàng nhất.

 

Cô con gái của già có một đứa con không cha. Cô đã bỏ lại đứa con đó cho già nuôi và đi biệt tăm. Già ẵm đứa bé ấy đi xin lễ rửa tội cho nó. Khi nó được bốn tuổi, già dẫn nó đi nhà thờ, già dạy nó cầu xin đức Chúa thánh thần phò trợ. Đứa bé ngoan ngoãn, mặt mày sáng láng, rất mến Chúa. Già dự tính, khi nó được mười ba tuổi, già sẽ xin cha xứ cho nó được giúp lễ cho cha. Nhưng khi được tám tuổi, một hôm, tan lễ nhà thờ nó ra về một mình. Vừa ra khỏi cửa nhà thờ, chú bé gặp ông Phận với chùm lồng chim trên tay. Ông Phận sung sướng tặng cho chú bé một chiếc. Mừng rỡ, nó chạy bay về nhà. Có lồng, chú bé muốn nuôi một con chim. Thế là suốt ngày nó cứ luồn trong lùm, trong bụi để tìm tổ chim. Một buổi chiều tối khác với lệ thường chú bé không về. Già Bảy tri hô lên. Cả xóm túa ra đồng, ra vườn tìm chú bé. Thì ra, khi băng cánh đồng nước để qua bờ vườn xóm phía bên kia tìm tổ chim, chú bé đã sụp hố bom chết đuối. Chiếc lồng chim văng xa, mắc nghiêng trên đám cỏ năn rậm. Già Bảy buồn khôn xiết. Ông Phận nào có tội tình chi - già Bảy nghĩ - và già cầu nguyện cho ông. Khi cha Hạnh thụ phong linh mục, nhận trọng trách ở một họ đạo, cha Hạnh mời già Bảy về với cha.

 

7

Chiến nghe nói nhiều đến xơ Xê-xi-li-a. Xơ ở trong khu nhà thờ này phụ trách đội đồng ca và giúp việc chuẩn bị cho các buổi lễ hàng ngày trong nhà thờ. Ngoài ra, xơ dạy thêm Pháp văn cho các trường cấp hai trong thị xã. Xơ đã từng sang Pháp tu học. Những tu sĩ Công giáo trẻ sau này, do có sự thay đổi quan điểm của Tòa thánh Vatican, rất cấp tiến. Xơ Xê-xi-li-a hâm mộ thể thao, yêu lao động, có tinh thần xã hội... Xơ giao tiếp rộng rãi với những người cách mạng, đề xuất ý kiến với Mặt trận trong lĩnh vực hoạt động xã hội mà xơ đã từng có kinh nghiệm, xơ thăm viếng, an ủi các giáo dân gặp hoàn cảnh khó khăn, hâm nóng lại những người bỏ đạo đã lâu. Ngoài thời giờ đó, xơ chăn nuôi, may vá gây quỹ cho nhà thờ. Công việc của xơ Xê-xi-li-a thu hút được nhiều thiếu nữ trong họ đạo. Các cô gái ấy tìm đến xơ để hỏi những câu Pháp văn khó, học may vá hoặc trút nỗi lòng... Ngày trước, các giáo dân trong bổn đạo khi gặp trở ngại trong đời sống tinh thần thường tìm đến cha Hạnh xin cha một lời khuyên bảo, một biện pháp giải quyết. Nay các giáo dân thường tìm đến xơ Xê-xi-li-a. Do đời sống tu trì khắt khe, cha Hạnh và xơ Xêxi- li-a tuy ở chung một khu vực, nhưng rất ít khi giao tiếp với nhau. Hai người chỉ gặp nhau để trao đổi công việc của nhà chung khi có mặt các vị trong Hội đồng giáo xứ. Nhân những dịp gặp mặt đó, xơ Xê-xi-li-a thường nói cho cha Hạnh biết những diễn biến của tình hình xã hội bên ngoài, về tâm trạng các giáo dân trong họ đạo hiện nay. Cha Hạnh ngồi nghe chăm chú. Bởi cha thường chỉ ở trong khu nhà thờ, hiếm khi ra ngoài, nên cha khao khát được nghe tất cả mọi vấn đề xã hội, chính trị đang diễn ra bên ngoài. Cho dù đó chỉ là những vụ việc cỏn con: Ông A nào đó trong họ đạo, lúc này hay uống rượu. Ông B phạm điều răn của Chúa: lấy thêm một vợ nữa... Cha Hạnh ghi nhớ hết tất cả những điều đó. Cha cảm thấy, trong giây phút, cuộc sống của cha đỡ nghèo nàn do những chuỗi ngày đơn điệu, bình thường kéo dài kể từ khi cha quyết định khép mình trong khu vực nhà thờ. Bắc đắc dĩ, cha mới đi dự các buổi họp do Mặt trận mời. Cha cảm thấy cha đã mất môi trường hoạt động. Trước hết, chính cha phải tìm cách xóa hết định kiến chính trị trong lòng cha. Điều này, quả thật quá sức cha. Trong các buổi họp do Mặt trận chủ trì, có mặt đại diện các tôn giáo khác, khi cần phát biểu chính kiến của mình, cha Hạnh đã phát biểu bằng những lời lẽ khôn ngoan tuyệt vời của một người đã từng nổi tiếng hùng biện. Cha không đề cao, cha không phản đối Cộng sản. Nhưng sau những lời lẽ khéo léo đó, khó ai biết cha chấp nhận chế độ mới đến mức độ nào. Cha Hạnh đã nói thật lòng mình. Bởi chính cha, bây giờ, cha cũng không thể xác định được thái độ của mình. Cha cứ suy nghĩ liên tục hàng giờ, căng thẳng tột độ. Hết suy nghĩ, cha lại đọc kinh. Và không biết từ lúc nào, xơ Xê-xi-li-a và cha Hạnh đã xung khắc với nhau.

 

Một buổi chiều, sau khi tan lễ nhà thờ, tình cờ cha Hạnh, Chiến và xơ Xê-xi-li-a gặp nhau trên sân của khu nhà thờ vắng vẻ.

 

- Xơ Xê-xi-li-a - một thoáng nụ cười trên môi cha Hạnh - một người nhiệt tình với chủ nghĩa xã hội. Đôi mắt xơ Xê-xi-li-a ánh lên, cho thấy một tâm hồn sôi nổi trẻ trung. Xơ hơi nghiêng mình và mỉm cười với Chiến.

 

- Chào thầy!

 

Cha Hạnh nói với giọng đùa vui:

 

- Tôi không hiểu bằng cách nào, xơ đã hòa hợp hai tôn giáo ấy vào nhau được. Xơ bày cách cho tôi với.

 

- Con sẽ cầu xin Chúa soi sáng cho cha – xơ Xê-xi-li-a cười, phô hàm răng đều đặn, trắng bóng thật đẹp.

 

Chiến đỡ lời cho cha Hạnh:

 

- Cha Hạnh chưa hòa hợp được? Nếu con cũng thế thì sao? - Chiến cảm thấy mình đã nói một câu khá vụng về.

 

Cha Hạnh:

 

- Rồi tôi sẽ mất thầy. Thầy sẽ bỏ tôi mà ngã về phía xơ mất.

 

Câu nói vô tình của cha Hạnh khiến xơ Xê-xi-li-a hơi đỏ mặt. Cha Hạnh nhận biết ngay. Và cha hấp tấp xin lỗi.

 

- Cha để mất thầy Chiến là cha có tội với Chúa - Xơ Xê-xi-li-a nghiêm mặt, bàn tay xơ nghiêng hướng về phía Chiến - Con đã từng nghe cha khen ngợi thầy Chiến.

 

Thầy Chiến hơi giễu cợt:

 

- Bây giờ cha có thể xác nhận điều đó không?

 

Cha Hạnh nhìn Chiến:

 

- Tôi tin thầy.

 

Xơ Xê-xi-li-a không để Chiến bối rối, khó xử. Lập tức, xơ chuyển vấn đề sang hướng khác. Xơ nói:

 

- Còn con, cha có tin con không?

 

Cha Hạnh đáp:

 

- Xơ và tôi cùng tin vào một Chúa Giê-xu.

 

Chiến cảm thấy, bỗng nhiên, cha Hạnh và xơ Xê-xi-li-a bước hẳn vào cuộc chuyện trò. Hai người quên đi sự có mặt của Chiến. Xơ Xê-xi-li-a không buông tha câu nói vô thưởng vô phạt của cha Hạnh. Giọng nói xơ gãy gọn:

 

- Nhưng con có thể tin cha được chăng?

 

Cha Hạnh cau mày:

 

- Tôi nghĩ rằng xơ có thể tự trả lời câu hỏi đó.

 

- Con muốn cha khẳng định mình với người khác, như thế sẽ hay hơn - Bối rối trong giây lát, xơ Xê-xi-li-a tiếp - Con cảm thấy cha đang tách biệt đạo với đời.

 

Cha Hạnh đáp với ý định thăm dò:

 

- Phải chăng linh mục là người, hàng ngày, tái hiện lại những phần cuộc đời của Chúa Giê-xu qua các nghi lễ? Qua hình thức đó, các giáo dân sẽ học hỏi, suy gẫm và sống theo tinh thần phúc âm...

 

Sốt ruột, xơ Xê-xi-li-a cắt lời cha Hạnh:

 

- Con muốn biết về phần đời kia...

 

Cha Hạnh kêu lên:

 

- Tất cả điều ấy nằm trong đời sống chúng ta, chứ còn đâu nữa!

 

Xơ Xê-xi-li-a cườn giòn giã:

 

- Chúa đã ban cho cha những lời đối đáp tuyệt hay. Nhưng thưa cha, con chưa hiểu được rõ ràng những lời cha nói.

 

Cha Hạnh nói như người thú tội:

 

- Chính tôi cũng không hiểu nổi lời tôi...

 

Thốt nhiên, cha Hạnh nhìn xơ Xê-xi-li-a với ánh mắt ngơ ngác, buồn bã. Câu nói vừa rồi, cha đã phơi bày hết cõi lòng cha. Hiện nay cha không biết mình phải tấn thoái ra sao. Xơ Xê-xi-li-a không thấu hiểu tâm trạng cha Hạnh, cứ mỗi lần đối diện với cha Hạnh là xơ thúc hối - bằng những lời lẽ thẳng thắn, bồng bột - xơ Xê-xi-li-a buộc cha Hạnh phải nói rõ quan điểm của cha. Nhưng xơ chỉ nhận được những câu trả lời tránh né hoặc thái độ lơ đãng, mệt mỏi. Sau mỗi lần nói chuyện với cha Hạnh xơ Xê-xi-li-a hết sức chán nản. Xơ cảm thấy không khí tôn giáo trong nhà thờ này đã lâm vào tình trạng thụ động. Muốn xoay đổi tình trạng nầy, theo xơ Xê-xi-li-a, chỉ cần cha Hạnh biết nghĩ lại, củng cố tổ chức. Cha phải xông vào với các giáo dân để họ không cảm thấy bị Chúa bỏ rơi. Dù sao, cha Hạnh là người trung tâm của họ đạo này...

 

Nhân có sự hiện diện của thầy Chiến, xơ Xê-xi-li-a thấy đây là một cơ hội cha Hạnh không thể từ chối bày tỏ quan điểm của mình. Xơ hy vọng rằng cha Hạnh sẽ có một sự dung hòa, cởi mở (để tỏ cho thầy Chiến biết cha không phải là người hẹp hòi khắt khe). Và nhân kết quả của cuộc nói chuyện này, xơ Xê-xi-li-a sẽ tiếp tục hoạt động theo cách của xơ và sẽ khỏi bị cha Hạnh tỏ vẻ khó chịu. Dự tính của xơ giờ đây đã thất bại. Nghệ thuật lời lẽ của cha Hạnh không bắt bẻ vào đâu được. Chỉ còn cách là đặt thẳng vấn đề với cha - phương cách đó, xơ vừa mới thực hiện. Rốt cuộc, xơ lại nghĩ nát óc về những lời cha Hạnh nói mà vẫn không sao hiểu được. Trong xơ bỗng nhen lên một ý định quyết liệt: hoặc là tạo dựng, hoặc là rạn vỡ chứ không có tình trạng lửng lơ, trì trệ, buông xuôi, xơ Xê-xi-li-a quyết định cất tiếng:

 

- Thưa cha, con nghĩ, cha phải làm một việc gì đó để thay đổi tình trạng nhà thờ ta hiện nay.

 

- Xin xơ nhớ cho, tôi chỉ là kẻ thừa hành, còn các đấng bề trên nữa.

 

Ngại cha Hạnh nói tiếp, đưa vấn đề sang một khía cạnh khác. Xơ Xê-xi-li-a nói ngay:

 

- Trong phạm vi mà cha có thể thực hiện được...

 

- Xơ có điều chi không bằng lòng - Giọng cha Hạnh hơi gay gắt.

 

- Một ông Phận bệnh tâm thần, một cô Phượng không gia nhập vào đời sống xã hội, một già Bảy đau yếu mơ một ngày về quê để chết... Thưa cha, đó có phải là mô hình tổ chức của cha để phụng vụ cho Chúa?

 

Cha Hạnh thở dài:

 

- Lời lẽ của xơ mới cay độc làm sao!

 

- Con xin lỗi cha - Giọng xơ Xê-xi-li-a bùi ngùi, chua xót.

 

Cha Hạnh lắc đầu, ngao ngán:

 

- Đó là nỗi đau của tôi. Đó là vết thương hé miệng không sao lành lặn được. Đáng lẽ, xơ phải biết đâu là lằn chắn cuối cùng để dừng lại. Xơ khơi vết thương ấy làm gì?

 

- Con không thể dừng được, thưa cha - Xơ Xê-xili- a nói thật nhẹ nhàng.

 

Cha Hạnh, với một thoáng giận hờn vừa xuất hiện:

 

- Thế còn bản thân xơ, sao xơ không đề cập đến?

 

Xơ Xê-xi-li-a bình tĩnh:

 

- Nếu cha thấy những công việc ở đây không phù hợp với con, con sẽ xin đi phục vụ ở một nơi khác.

 

Cha Hạnh lúng túng:

 

- Không, không. Xơ cứ ở đây làm việc. Tôi không phiền xơ điều gì cả. Nếu không có xơ họ đạo này sẽ ra sao? Cha Hạnh vội vã bước đi để giấu những giọt nước mắt.

 

 

Rời khỏi cuộc nói chuyện với xơ Xê-xi-li-a, cha Hạnh tha thẩn trong sân. Lúc nầy, cha muốn thư thả hoàn toàn để tắm mình trong không khí mát dịu của buổi tối. Những tàn cây điệp trên sân đã trở thành những hình nón tròn, đen thẫm. Cha Hạnh ngước nhìn bầu trời, chăm chú nhìn những áng mây, những vì sao nhấp nháy tít trên cao để suy gẫm về sự toàn năng của Chúa. Chúa đã sáng tạo ra con người, sáng tạo ra vũ trụ, mà cho đến cuối thế kỷ hai mươi nầy con người vẫn chưa hiểu hết được chính mình, hiểu biết vũ trụ là bao. Con người đã chỉ khám phá ra một phần bé nhỏ sự huyền nhiệm của Chúa. Ôi Thiên Chúa thật kỳ diệu và luôn luôn thử thách con người, để qua đó, con người thăng hoa gần với Người. Có thật thế chăng? Cha Hạnh đắm chìm trong suy nghĩ. Cha đã chịu nhiều thử thách, thế mà những thử thách ấy bao giờ cũng tìm cách quật cha gục ngã không thương tiếc. Cha phải chống đỡ, gượng đứng một cách thảm hại. Cha có cảm tưởng như sau những lần chiến bại, cha phải tự trỗi dậy, vừa lê bước cha vừa thầm trách sao Chúa không bao giờ trợ giúp cha mà lại bỏ rơi cha, mặc cho cha sấp mình trước bàn thờ khẩn thiết nài xin. Sau những lần trách Chúa, cha Hạnh đâm ra sợ hãi, vì cha cảm thấy đôi mắt Chúa sáng rực trong tâm can cha, đôi mắt ấy nhìn thấy, theo dõi tất cả mọi ý nghĩ thầm kín của cha, khiến cha nói năng, làm việc gì cũng suy tính thận trọng. Cảm giác đó, khiến cha không thể cười nói, nghĩ ngợi một cách tự nhiên. Bao giờ cũng có một bàn tay vô hình nắm lấy ý nghĩ của cha mà xoay về một hướng. Có nhiều lúc, cha muốn nắm lấy bàn tay vô hình ấy mà vứt nó đi, và chạy ra ngoài kia hòa cùng với những người đi đường đang cười nói râm ran. Cha sẽ cùng cười nói, hờn giận thật tự nhiên như những con người của đời thường. Nói tóm, cha muốn vùng vẫy để nhảy khỏi những trạng huống mà cha đang trải qua, khiến một nỗi ám ảnh đến kinh dị lúc nào cũng bám lấy cha...


Nỗi ám ảnh kinh dị ấy, làm cha hoảng loạn hơn hết nhất là về ban đêm, vì đã năm năm nay cha hoàn toàn bị mất ngủ. Cha không thể nào chợp mắt, dù chỉ một giây thôi. Cứ thức, đầu óc vẫn tỉnh táo. Như là nhu cầu ngủ của con người tuyệt nhiên không có một chút nào hết trong con người của cha. Càng thức, cha càng sợ, càng kinh hãi cho những tháng năm bất tận không ngủ được của mình. Trong khi vạn vật im lìm say ngủ, trong khi mọi hoạt động đều ngừng nghỉ, thì cha Hạnh thức. Thay vì gào lên, cha đọc kinh – hàng triệu lời kinh âm thầm phát ra trên môi cha đến nỗi nó đã trở thành quán tính. Cha không suy gẫm gì trong những lời kinh ấy. Tự cha Hạnh cũng biết rõ điều ấy. Cha Hạnh thảng thốt kêu lên. Cơn run sợ càng ngày càng tấn công vào trái tim cha.

 

Cha Hạnh gầy hẳn đi. Nếu cha không mặc áo dòng đen chắc trông cha gầy ghê lắm. Cả người cha, đầu óc cha lúc nào cũng lao đao, nhẹ tênh. Những ảo giác thường xuất hiện trước mắt cha. Có lần, khi đi ngoài phố, thấy một chiếc xe du lịch từ xa đang băng tới, bỗng dưng cha Hạnh đi thẳng vào đường bánh xe đang lăn tới. Khi bước đi được vài bước, chợt nhận thức ra, cha Hạnh giật bắn mình, giữ vững tâm trí, cha Hạnh dừng phắt lại, chiếc xe du lịch băng vút qua. Có lẽ, cũng vì thêm lý do ấy nữa cha Hạnh thường tự giam mình trong phòng với những quyển kinh thánh đồ sộ, với những quyển sách ngoại ngữ cổ xưa nhất và khó hiểu nhất... Đã khuya lắm rồi, cha Hạnh vẫn còn tha thẩn trong sân. Cha đi dưới một tán cây phượng, cha giẫm phải những cành hoa phượng mềm mềm, cảm giác ấy làm cha nhớ lại những ngày cha bị nhược sức, bước chân của cha thật lao đao. Ý nghĩ ấy, khiến cha rảo bước nhanh trên sân trở về phòng. Cha bước lên những bậc thang - những bậc thang ấy dẫn lên nhà Chúa - nên cha bước rất nhẹ nhàng, nghiêm cẩn. Khi sắp tới khúc quanh cầu thang, bất giác hai bàn tay cha chụp lấy đôi mắt của mình. Nhưng không kịp nữa rồi!

 

Chính mắt cha đã thấy: Trong góc tối mờ của cầu thang. Phượng dựa lưng vào ép mình trong góc, thầy Chiến đứng phía ngoài. Thầy Chiến cúi xuống hôn Phượng... Cha nghẹn thở. Tim cha như bị một con dao cắm phập vào. Không biết có một thế lực vô hình nào sai khiến, sau một lúc chết đứng, cha rón rén, từ từ lui từng bước xuống những bậc thang. Thầy Chiến và Phượng vẫn say đắm, không hề hay biết... Cha Hạnh cứ đi quanh quẩn mãi trong sân. Cha không dám trở về phòng. Khi trở về phòng, cha phải đi qua chỗ khúc quanh cầu thang ấy. Hình ảnh vừa xảy ra khi nãy đã đập vào cha như một kẻ tội lỗi nào đó cầm một khúc cây quật vào mặt cha không thương tiếc, khiến gương mặt cha đẫm máu. Và giờ đây, cha có cảm giác tưởng như cha đang mang gương mặt thương tích ấy mà bước đi. Cha ngước mặt lên trời, thông thường cha vẫn làm cử chỉ ấy trước khi cầu nguyện, nhưng giờ đây cha nghĩ không có lời cầu nguyện nào cứu gỡ nỗi thảm thương của cha. Cha chỉ muốn Chúa nhìn thấy gương mặt đẫm máu của cha mà không hề van xin Chúa lấy một lời nào nữa. Xin Chúa hãy nhìn con đây. Bao nhiêu lời cầu nguyện đều vô nghĩa. Phải, tất cả đều vô nghĩa rồi! Chuông nhà thờ đổ. Chuông hồi một - bốn giờ bamươi sáng.  Từng tiếng chuông như dội vào đầu thần kinh não cha Hạnh. Mỗi tiếng chuông làm cha run bắn người lên. Thầy Chiến vẫn kéo chuông đúng giờ bình thường. Con người tội lỗi ấy vẫn làm nhiệm vụ thường ngày của mình để che giấu tội lỗi. Cả hai - thầy Chiến và Phượng đã khắng khít với nhau như thế hẳn họ yêu nhau lâu rồi. Thế mà thầy Chiến, con người cứng lòng giả vờ bình tĩnh ấy không hề hé môi với cha một lời.  Dù là trong tòa giải tội, nơi các con chiên hoàn toàn thành tâm, sẵn lòng phơi bày những mưu toan tối tăm, những nỗi lòng sâu kín với cha linh hồn. Trái lại, thầy Chiến vẫn im bặt. Và con người ấy, ghê gớm chưa, hằng ngày vẫn rước mình thánh Chúa để che mắt thế gian... Phải chi thầy Chiến nói với cha một lời, rằng thầy Chiến không thể tiếp tục cuộc sống tu trì được nữa, thì thầy Chiến sẽ được trút bỏ áo dòng, tạo lập một gia đình, có con cái giống như triệu triệu người khác. Cớ gì thầy Chiến lại lén lút như thế. Rồi đây mọi chuyện đổ bể, bao nhiêu tội lỗi, dư luận sẽ trút lên cha Hạnh. Chúa ơi! Cha Hạnh kêu lên. Và cha cứ bước những bước ngây dại trên sân. Có lúc cha muốn phát chạy cuồng lên. Có lúc, cha tưởng tượng sẽ có cơn bão ập đến, và sáng hôm sau, thầy Chiến và Phượng sẽ là những người đầu tiên thấy cha trong tình trạng bị cây ngã, đá đè. Đôi chân cha mỏi nhừ. Mồ hôi đẫm toàn thân. Cổ họng hốc khô. Và những cơn buồn nôn xô tới. Cha không kềm giữ nổi, làm cha cứ ọi khan liên tiếp. Đau khổ, mệt mỏi, tuyệt vọng, cha Hạnh bước đến phòng già Bảy xin nước rửa mặt. Già Bảy đứng khom người xối nước trên hai tay cha Hạnh. Già Bảy chép miệng:

 

- Tội nghiệp! Cha vẫn mất ngủ hở cha! Con thương cha quá.

 

Trời ơi! Cái giọng nói ngọt ngào đầy tình thương yêu dạt dào đó đã ru cha, đã an ủi cha từ khi cha còn bé thơ cho đến bây giờ - những ngày đau khổ tột cùng của cha. Già Bảy không bao giờ hiểu nổi một nội tâm đang bị xâu xé đến tơi tả của cha. Nhưng sao cái giọng ngọt ngào, êm ái của già Bảy lại hiện lên một lòng thông cảm vô biên khiến cha Hạnh cảm thấy mình nhỏ bé, muốn được già Bảy xoa đầu bảo “Con lại đây với ta”. Nghĩ đến câu nói ấy, cha Hạnh nhìn già Bảy bằng đôi mắt run rẩy như cha muốn khẩn cầu, ao ước đôi môi móm mém của già cất lên câu nói thần kỳ ấy...

 

- Già chưa về quê ư? - cha Hạnh buột miệng.

 

Già Bảy nhìn cha Hạnh, lắc đầu và kêu lên:

 

- Kìa! Bàn tay cha...

 

Bàn tay cha Hạnh gần như cứng đờ, không đón đúng vào giọt nước già Bảy đang xối cho cha. Già Bảy cứ di chuyển làn nước theo đôi tay đang quờ quạng vì tâm trạng hốt hoảng của cha Hạnh. Nhưng làn nước từ trong cái ca nhựa xối xuống cứ trượt khỏi tay cha, rơi xuống đất. Thấy rõ sự bất lực không tự chủ nổi của mình, cha Hạnh dường như muốn bật khóc. Phải đến ca nước thứ hai, cha Hạnh mới hứng được một vốc nước. Khi cha nâng vốc nước ấy lên mặt, thì chút nước nhỏ nhoi ấy lại tuột khỏi tay cha vấy lên áo dòng đen của cha những đốm tròn lớn, đen thẫm. Cứ thế, cha Hạnh rửa thật kỹ hai bàn tay, kỳ cọ thật mạnh trên mặt, tuồng như cha muốn làm tan đi những vệt máu ngoằn ngoèo trong trí tưởng tượng của cha. Khi cha định lên tiếng mượn già Bảy chiếc khăn mặt, cha bỗng cảm thấy tối sầm cả mặt mày. Già Bảy kịp đỡ cha vào chiếc giường cá nhân của già. Cha Hạnh nằm trên giường như lịm chết. Gương mặt và hai bàn tay cha hãy còn đẫm nước chưa kịp lau khô. Khi cha vừa tỉnh thức, ý nghĩ đầu tiên đến với cha là: làm cách nào để trở về phòng mà không đi qua cầu thang ấy. Một giờ sau, bên ngoài nắng đã lên, cha Hạnh quyết định trở dậy về phòng. Mặc già Bảy năn nỉ, can gián, khuyên cha Hạnh nên nán lại nằm nghỉ thêm chốc nữa. Cha ước muốn được một mình quỳ xuống trước ảnh Chúa để cầu nguyện, suy nghiệm về những việc đã xảy ra. Khi về đến chỗ cầu thang bất giác cha Hạnh rùng mình: Hình ảnh đôi trai gái hồi đêm bật lên trong đầu cha rõ rệt. Để xua tan hình ảnh đó, cha Hạnh tự nắm lấy tóc của mình và siết mạnh, như cha muốn bóc gỡ hình ảnh ấy mà bỏ ra. Và cha dùng hết ý chí để mạnh dạn bước lên bậc thang vắng vẻ. Nhưng đâu đây, tiếng cười khúc khích của thầy Chiến và Phượng nho nhỏ vang lên vỡ ra thành những mảnh nắng vàng bay lượn, chạy dài theo hành lang nhà thờ từng chuỗi, từng chuỗi nối tiếp nhau bất tận. Cha Hạnh bước nhanh vào phòng, đóng sập cửa lại.

 

Một chùm sáng lấp lánh từ trên vụt tuôn nhanh xuống - Xoảng! Những mảnh kính vỡ tan bắn những tia sáng khắp nơi trên sàn nhà. Giật nẩy mình, bàn tay cha Hạnh chụp vào chỗ ngực trái như cầm giữ trái tim mình. Cha ngước nhìn trên bức tường - mặt kính của tấm ảnh Chúa bị tuột khỏi khung, rơi xuống. Trên bức tường chỉ còn ảnh Chúa đội mão gai không lồng trong kính...

 

Cha Hạnh vội quỳ xuống, ngước mặt lên ảnh Chúa. Tay cha đấm vào ngực tỏ cử chỉ ăn năn tội. Lạy cha! Xin cất cho con khỏi chén đắng, nhưng theo ý cha, đừng theo ý con. Với một cử chỉ thành kính vô biên, cha Hạnh cúi đầu xuống. Những mảnh kính vỡ vung vãi phản chiếu ánh nắng buổi sáng lóe lên những tia xuyên thấu vào mắt cha. Mặc dù chuông hồi hai đã đổ, cha Hạnh cáo bệnh không dâng lễ.

 

8

Trong nhật ký của thầy Chiến.

 

Ngày... tháng....

Có lẽ, cha Hạnh đã biết tình cảm giữa ta và Phượng. Nếu quả thế, thì những ngày buồn sẽ đến triền miên và cứ tiếp diễn thành biến cố lớn, không dứt.

 

Tình yêu - điều bí ẩn đó đang diễn ra trong ta thầm lặng và dữ dội, khiến ta không thể nào tự cưỡng chống được. Nếu cưỡng chống, tức là ta phải phá hủy nó,làm cho nó tan vỡ. Nhưng còn vết thương tình cảm giữa ta và Phượng - nó sẽ gây cho ta nỗi khiếp hãi không ít. Ta trông chờ một may mắn nào đó. Tại sao phải trông chờ trong khi ta có thể tự chủ được. Sự không kềm chế nổi của chính bản thân con người, phải chăng đã và đang xảy ra những bi kịch khôn nguôi.

 

Ngày... tháng...

Gương mặt Phượng buồn với những nụ cười gượng. Thực tế, khác xa với mơ mộng phải không? Những mộng mơ làm Phượng trẻ trung, hồn nhiên. Nhưng cũng chính mộng mơ ấy - khi tình yêu của ta và Phượng thành sự thật - giờ đây đã thành một mối tai họa, ta không còn tiếp tục cuộc sống tu trì được nữa, làn sóng dư luận sẽ cướp lấy tinh thần ta.

 

Ngày... tháng...

Nỗi âu lo đã len vào giấc ngủ của ta. Nửa đêm thức giấc, ta cầu nguyện. Nguyện sao những điều bí ẩn của thượng đế sớm giải đáp cho ta. Và, ta thức để suynghĩ về những điều ấy. Ta muốn có một buổi sáng yên lành, ta đến gặp em. Em cười. Em nói. Em chạy ùa ra đón ta. Ta và em cùng chia sẻ niềm vui ấy. Nhưng ngày vui ấy rồi sẽ đến hay chăng? Hay vẫn còn tình trạng: em buồn, ta buồn. Cả hai ngồi lặng thinh không nói, để mặc âu lo tràn ngập. Bây giờ, không biết Phượng buồn hay vui?

 

Ngày... tháng...

Cha Hạnh sẽ buộc ta nói hết - việc ấy cứ nhích dần, rất chậm, rất chắc, như ngón tay đang siết vào cò súng. Mục tiêu đã ngắm đúng và chờ nổ tung. Viên đạn bắn tới: tàn phá. Dẫu sao, ta vẫn còn hy vọng dư luận có một sự rộng rãi nào đối với ta. Hàng ngàn nạn nhân trong lò hơi ngạt vẫn có một nạn nhân may mắn thoát được. Nếu ta là nạn nhân ấy thì sao? Tất nhiên, mỗi người thầm mong có một phép lạ nào đó cho riêng mình? Sự thầm mong đối với dư luận vốn luôn khắc nghiệt, thật nhuốm đầy phi lý. Sáng nay, trong nhà thờ, em lên rước lễ rồi trở về ghế ngồi, ta thấy em xanh xao. Ta mong tìm ở em một nụ cười. Nụ cười ấy chỉ có ta hiểu được và trọn vẹn thuộc về ta.

 

Ngày... tháng...

Ta đoán, cha Hạnh sẽ đề cập đến đời sống tu trì của ta, và cắt ta ra khỏi Phượng. Tất cả nghị lực của ta nhằm phấn đấu để trở thành linh mục đều vô nghĩa trước hoàn cảnh nầy. Chỉ còn có thể gục mặt, than khóc và chịu lỗi với cha Hạnh. Còn cảnh nào đau đớn và bi thương hơn. Nửa đêm, ta thức giấc nghe nỗi run sợ tràn ngập. Ta cầu nguyện. Lạy cha... Ta đọc thầm, thành khẩn. Tất cả tâm trí ta tập trung cho ý nghĩa lời kinh. Vẫn không chút yên lòng. Nhưng chỉ còn cách cầu nguyện mà thôi! Trời ơi! Trong cơn giằng xé giữa tình yêu và đời sống tu trì, ta lưỡng lự như thế nầy, sao em không một lời oán trách?

 

9

Sau lần tình cờ bắt gặp sự sai phạm của thầy Chiến, sắc diện của cha Hạnh bỗng nhiên thay đổi. Trước đây, gương mặt cha ưu tư, mệt mỏi. Nhưng, nay đôi mắt cha ánh lên những tia sắc sảo. Môi cha mím chặt, tỏ một thái độ cương quyết, cách biệt. Nhất là đối với thầy Chiến, gương mặt cha nghiêm lạnh như đá. Đối lại thái độ của cha Hạnh, thầy Chiến tỏ vẻ nghiêm nghị lạnh lẽo. Thầy Chiến cảm nhận cha Hạnh dường như đã thấu hiểu tất cả. Tuy thế, hai con người ấy vẫn im lặng. Mỗi người đều cố giữ cho mình một vẻ bình thản. Khi đối đáp nhau, họ lựa chọn từng tiếng thật chính xác để người này không thể bắt bẻ người kia được.

 

Cha Hạnh kiên nhẫn chờ đợi ở thầy Chiến một lời tự thú, một lời van xin. Chỉ thế thôi, cha sẽ đứng ra giải tỏa dư luận và vui vẻ làm lễ hôn phối cho thầy Chiến và Phượng. Nhưng thầy Chiến vẫn phớt tỉnh. Thầy không hề hé môi về nỗi lòng riêng của mình. Dù sao, thầy cũng là tu sĩ, thầy e nếu xảy ra điều gì, Phượng sẽ không chịu nổi.

 

Không thấu hiểu tâm trạng của thầy Chiến cha Hạnh vẫn cứ mong chờ, cha nghĩ, rốt cùng không chịu nổi sự giằng xé của lương tâm, thầy Chiến sẽ tìm đến cha.

 

Trong những giao tiếp thường ngày cha Hạnh quan sát từng cái nhìn, theo dõi từng cử chỉ của thầy Chiến để xem thầy Chiến đang bị sự khổ đau chi phối đến mức độ nào. Thầy Chiến hiểu rõ điều ấy, cho nên dù trong lòng xáo trộn đến điên đảo, Chiến vẫn tỏ ra bình thản, cứng lòng trước cha Hạnh - bằng sự cố gắng lớn lao, thầy giữ công việc của mình theo nhịp độ thường ngày. Chiến tự nhủ, chính mình càng không được hơ hỏng, dù chỉ một giây. Và nếu có thể được, Chiến tìm cách lánh mặt cha Hạnh.

 

Có nhiều lúc, cha Hạnh ngồi trong phòng một mình mở cửa sẵn để đợi thầy Chiến tới. Cha lắng nghe những tiếng chân đi lên cầu thang. Cứ thế, nhiều ngày liên tiếp, sự chờ đợi của cha Hạnh vẫn là sự đợi chờ. Trong khi đó, cơn hốt hoảng run sợ càng ngày càng lớn trong lòng Chiến. Ở Chiến, bây giờ, nếu cha Hạnh tỏ cử chỉ dịu dàng, bao dung là Chiến thú nhận và van xin cha Hạnh cứu lấy Chiến: đừng bứt Phượng ra khỏi Chiến, đó là lời yêu cầu duy nhất của thầy. Quả thật, có nhiều lúc thầy Chiến muốn tìm đến cha Hạnh, nhưng một nỗi lo sợ mơ hồ, không tin tưởng vào con người ấy, làm Chiến chùn bước. Hoặc lý lẽ giữa hai người sẽ nổ bùng, nếu cha Hạnh gay gắt trách cứ Chiến. Hai người cứ đảo vòng chờ đợi nhau. Sau cùng, cha Hạnh đành phải lên tận phòng thầy Chiến.

 

Chiến bối rối, lo sợ đến rủn cả tay chân, vì từ trước đến nay chưa hề xảy ra trường hợp nầy. Chiến đứng thừ người, không biết phản ứng ra sao. Lâu sau, Chiến mới vội vã lùa gọn lại đống sách ngổn ngang trên bàn, kế đó, Chiến đứng ngây ra, không biết làm gì nữa. Cha Hạnh điềm tĩnh quan sát tất cả cử chỉ đó của Chiến, rồi tự động cha kéo ghế ngồi vào bàn. Xong, cha im lặng thật lâu. Cảm thấy đòn cân não của mình đã đủ, cha Hạnh mỉm cười:

 

- Tôi bận rộn quá, ít có dịp đến thăm thầy. Vẫn đứng cạnh bàn, thầy Chiến trả lời khiêm tốn:

 

- Dạ. Cha với con hằng ngày vẫn gặp nhau.

 

Cha Hạnh cười phá lên:

 

- Nhưng đến nhà thăm, thì vẫn có ý nghĩa khác chứ!?

 

- Xin cám ơn cha có lòng nhớ đến con...

 

Lấy lại bình tĩnh, Chiến bước đến ghế, ngồi xuống đối diện với cha Hạnh.

 

Cha Hạnh:

 

- Công việc của thầy vẫn tiến hành bình thường?

 

- Dạ. Vẫn thường.

 

Cha Hạnh nói xa xôi:

 

- Có những điều đối với thầy bình thường, nhưng đối với người khác lại bất thường.

 

Chiến giật mình ngơ nhác:

 

- Ý Cha?

 

- Má cháu Khanh vừa đến than phiền với tôi về việc làm của thầy.

 

- Về việc gì, thưa cha? - Tiếng nói trên môi Chiến xô dồn tới, nôn nóng.

 

Cha Hạnh im lặng giây lâu.

 

- Thầy không nhớ đó là việc gì, thật chăng? -

 

Cha Hạnh đột ngột hỏi.

 

Chiến ngồi chết lặng.

 

- Hôm trước đang lúc xem lễ, cháu Khanh ra về nửa chừng, khi em vừa bước ra khỏi hàng ghế bị thầy chụp tay lại, ra dấu cho em chờ đến tan lễ mới được về?

 

- Đúng - thưa - cha. Những đứa nghịch ngợm hay bỏ lễ nửa chừng, chạy ra hành lang nhà thờ làm ồn ào. Cho nên đối với chúng con rất khắt khe.

 

- Tôi nghĩ, ít nhất, em Khanh có lý do đặc biệt. Đối với em Khanh, hôm đó ba em bệnh, em vào nhà thờ để cầu nguyện cho ba. Xong, em phải trở về ở bên giường với ba em.

 

- Con xin nhận sơ sót. Bản tính con nóng nảy, con chưa chữa được - Một nỗi cay đắng dâng lên làm nghẹn cổ Chiến.

 

Cha Hạnh cảm động:

 

- Sự nhân từ, bác ái của Chúa Giê-xu là bài học muôn đời cho chúng ta.

 

- Con xin nghe lời cha dạy bảo.

 

- Đời sống tâm linh thầy có gặp trở ngại không? - Cha Hạnh vẫn giữ giọng nhẹ nhàng, nhưng sự sắc bén, dữ dội dần bật lên.

 

- Thưa cha, con vẫn thường gặp những lúc chia lòng bận trí không hướng về Chúa trọn vẹn.

 

- Xin lỗi - Cha Hạnh ngập ngừng - Tôi xin chia sẻ bớt với thầy.

 

Vẻ mặt Chiến bỗng lạnh lùng:

 

- Con chưa dám nghĩ đến điều đó.

 

- Quả thật, hằng ngày tiếp xúc với thầy, những lúc gần đây tôi cảm thấy dường như có một biến cố nào đó đang xâm lấn tâm trí thầy - Cha Hạnh bỗng cảm thấy mình thật bao dung - Tôi muốn giúp thầy một cách cụ thể.

 

Chiến tỏ ra hơi liều lĩnh:

 

- Thưa cha, đời sống tâm linh con đã bị xáo trộn lâu rồi, chứ không phải mới đây.Thay vì kêu lên kinh ngạc, cha Hạnh nín lặng. Chốc sau, cha buông một tiếng than:

 

- Buồn thay!

 

- Thưa cha, chính ra đó là nỗi buồn của con.

 

- Về việc gì? - Cha Hạnh nói nhanh, để Chiến không còn giữ thái độ thận trọng nữa.

 

- Tự con đang tìm hiểu xem, đây có phải là việc làm có lỗi với Chúa hay không?

 

Một thoáng ngao ngán biểu lộ qua cha Hạnh:

 

- Lương tâm thầy không trả lời nổi ư?

 

Chiến trả lời dứt khoát rõ ràng:

 

- Thưa cha, không.

 

Lúc nầy, trong lòng cả hai người đều sôi lên những hờn giận. Họ vừa giận vừa thương nhau ghê gớm. Bởi người nầy đang gây khổ tâm cho người kia. Cha Hạnh tỏ ra vững vàng hơn thầy Chiến. Cha nói:

 

- Nếu thầy cảm thấy tôi bất lực, thầy có thể tìm đến một linh mục khác, để tâm hồn thầy sớm dứt những cơn đau nhức.

 

- Xin lỗi cha. Con đang nghĩ đến điều đó. Cha Hạnh không ngờ Chiến dám thốt lên lời vừa nói. Cha Hạnh hiểu nếu cha bộc ra những lời giận dữ, gay gắt thì cha chỉ làm cho mình thêm thảm hại mà thôi. Với câu nói ấy - hoặc vô tình hoặc cố ý Chiến đã sỉ nhục cha. Mặc dù, giáo dân nào cũng có thể tìm đến một linh mục mà mình tin tưởng để xưng tội. Đó là điều đương nhiên. Nhưng từ trước đến nay việc đó, xem như một quy ước thầm lặng chứ không ai nói thẳng sự mất tín nhiệm của mình đối với một linh mục gần gũi, như thầy Chiến. Đáng lý, Chiến phải tế nhị. Đáng trách thay một con người bồng bột. Điều đáng trách hơn nữa, đối với Chiến, cha là người phụ trách trực tiếp. Tình cờ cha biết sự rẽ ngoặt của Chiến, trong khi, Chiến phải thú nhận trước để cha thu xếp. Nếu Chiến bộc bạch với cha, Chiến sẽ nhẹ nhàng biết bao. Và cả cha cũng vậy. Cho dù, bây giờ, không khí giữa hai người có xấu đi hơn nữa, cha Hạnh vẫn muốn ngồi đây mãi. Cha hy vọng với lòng kiên nhẫn cùng với sự khổ tâm của cha, Chiến sẽ mềm lòng. Nhưng cuối cùng, cha Hạnh đành phải ra về. Khi cha Hạnh bước ra khỏi cửa phòng, thầy Chiến vụt đứng lên, kêu vói theo:

 

- Thưa cha...

 

Như chỉ chờ đợi tiếng kêu đó. Cha Hạnh quay nhanh lại. Chiến đến bên cha Hạnh cúi đầu xuống trước cha:

 

- Cha hãy xin Chúa tha thứ cho con...

 

Cha Hạnh đáp lại với một lời kinh:

 

- Con hãy xin Chúa tha thứ cho cha.

 

1987

L.Đ.T

Lê Đình Trường
Số lần đọc: 2536
Ngày đăng: 28.11.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đường về - Lê Đình Bích
Giữa dòng nước lũ - Anh Đào
Bốn Bức Thư - Lê Văn Thảo
Chuyện tình bên cửa sổ - Lê Văn Thảo
Cô áo hồng, cô áo tím - Lê Văn Thảo
Cảm hứng - Trần Kim Trắc
Kẻ trộm tình - Trần Kim Trắc
Ông thối bà thiu - Trần Kim Trắc
Một người bị bỏ quên - Hào Vũ
Nhạc rừng - Lương Hiệu Vui
Cùng một tác giả
Điểm tựa trắng (truyện ngắn)
Muỗi đói (truyện ngắn)
Thập giá gỗ (truyện ngắn)
Vẻ đẹp (truyện ngắn)
Bia mộ (truyện ngắn)
Có mưa trên núi (truyện ngắn)
Khỏa thân màu xám (truyện ngắn)