Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
869
116.639.094
 
Tai biến một trò chơi
Lê Đình Trường

1.

Vũ là giảng viên của một trường đại học. Thấy công việc giảng dạy không phù hợp với cá tính mình, Vũ xin chuyển làm giáo viên hướng dẫn các sinh viên thực tập trên các mạch điện. Ở vai trò này Vũ đỡ phải khoác một tư cách đạo đức cứng nhắc như khi đứng trên bục giảng trước các sinh viên. Thứ nữa, Vũ có rộng thời gian để làm luận án phó tiến sĩ.

 

Vũ làm việc rất dữ. Chơi bời, nhậu nhẹt, bày những trò nghịch ngợm nhố nhăng. Thật kinh khủng khiến đồng sự ngán sợ. Bạn bè quen biết của Vũ rất nhiều: hạng quyền thế, hạng tận đáy xã hội.

 

Nơi Trung tâm thí nghiệm thực hành đang thiếu một người làm công việc gác cổng, chăm sóc vệ sinh các phòng thí nghiệm,Vũ giới thiệu bác Thành vào công việc ấy: Ông Chính, phó chủ nhiệm thường trực của Trung tâm, không bao giờ thích tư cách của Vũ, do đó, ông không thích người do Vũ đưa vào. Nhưng ông vẫn đành ký vào đơn chấp thuận cho bác Thành vào làm việc.

 

Bác Thành đã sáu mươi, người ốm yếu. Bác đã trải qua các công việc: Làm ruộng, trồng hoa màu, thợ điện. Trước đây bác là nông dân, làm ruộng ở ngoại ô thành phố. Làm ruộng, nhưng ít khi bác bước xuống thửa ruộng của mình, suốt ngày bác chỉ chuyên đọc các loại sách về nông nghiệp. Xong bác nằm lim dim trên ghế dài như người mơ ngủ. Nhưng quyền lực của bác đối với gia đình thì vô tận. Mệnh lệnh của bác, hai mẹ con trong nhà phải tuân thủ như phục tùng một vị thủ lĩnh thông minh và oai hùng. Vợ con bác phải ra đồng cấy hái theo phương pháp của bác. Dân trong xóm có lý do để tha thứ  cá tính quái dị của bác : Thửa ruộng của bác năm nào lúa cũng  oằn bông, cây vườn của bác thu hoạch gấp bội so với những khu vườn khác. Những người trồng tỉa nhiều kinh nghiệm trong xóm tìm đến bác để hỏi về phương pháp. Nhưng vị khách nào đến cũng tiếp xúc với một con người ốm yếu nằm lim dim đôi mắt, tứ chi như bất toại. Bác trả lời bằng giọng điệu uể oải, lười nhác. Không phải bác muốn dấu nghề, mà do khí chất bác như thế. Nhưng bên trong lòng bác thì sục sôi, gào thét những khát vọng thực hiện phép màu khoa học mà bác luôn bị cuốn hút một cách ma quái.

 

Số phận bác đột nhiên thay đổi, khi bác tình cờ vớ được một quyển sách hướng dẫn sửa chữa dụng cụ điện gia dụng. Bác đâm đầu vào những trang giấy ấy. Trong khi, vợ bác thì lao lực quá sức, bệnh nặng, qua đời, để lại cho bác một đứa con - thằng Kiệt, mười sáu tuổi.

 

Khóc  vợ. Buồn bã đeo đẳng.

 

Nguôi buồn, bác lại đâm đầu vào những trang sách khoa học phổ thông về điện, bỏ phế ruộng vườn. Bác ra chợ tìm mua những chiếc máy thu thanh hư, bình điện, mô tơ điện, đèn nê-ông... về nghiên cứu thí nghiệm, sửa chữa.

 

Một năm sau, bác quyết định gần như tức khắc: để nhà lại cho vợ chồng cô cháu gái ở. Hai cha con bác ra thành phố sống. Khi bác bước lên xe, bà con tìm cách khuyên bác nên suy nghĩ lại lần cuối cùng. Nhưng bác Thành vẫn nằng nằng quyết một ra đi.

 

Ra đến thành phố bác Thành mua được một căn nhà để làm tiệm sửa chữa dụng cu điện. Căn nhà thuộc một khu phố nghèo, thưa người qua lại. Bác Thành bày đồ nghề ra đến tận lề đường để thu hút khách hàng. Nhưng chẳn ai đến tiệm của bác. Bác và thằng Kiệt sống cực kỳ tham khổ. Bác không hề quan tâm đến điều đó. Bác la cà đến những tiệm điện, kiên nhẫn quan sát những người thợ điện lành nghề làm việc. Về nhà, bác ứng dụng những điều thu nhập được để luyện tay nghe. Thằng Kiệt là thợ thủ đắc lực của bác. Dân trong khu phố dè bỉu bác, gọi bác là “nhà bác học”. Tay nghề của bác so với dân thành phố chỉ là một chò hề tội nghiệp. Mặc những lời giễu cợt, châm biếm bác lặng lẽ vùi vào công việc.

 

Một ngày nọ, dư luận bỗng im bặt: Cái cối xay bột chạy bằng mô-tơ bỗng nhiên khởi động. Tiếp theo là những thành công liên tiếp: sạt được bình điện, tự vấn được quạt điện ... Thằng Kiệt quá sức mệt mỏi vì phải theo những mệnh lệnh gay gắt của ba nó. Nó thường tìm đến góc nhà để ngủ.

 

Sau những thành công đó bác Thành cảm thấy khá yên tâm. Mặc quần đùi, ở trần, mình mẩy, đầu tóc lắm lem bui bặm (như hàng tuần bác không tắm, quả thế!). Bác Thành nằm trên chiếc ghế bố cũ rách, với đôi mắt lim dim. Giữa ban ngày mà đèn điện bật sáng choang, cái cối xay bột chạy rầm rì , các bọc bình ắc cu vừa được đổ axít đang sủi tăm... Bác Thành nằm giữa vương quốc phát minh của mình, buông mình cho các tiếng động đó nhẹ nhàng gặm nhấm bác một các êm ái, ngọt ngào...

 

Nhưng cửa tiệm bác thưa khách, vì dân trong khu phố hoài nghi tay nghề của bác. Họa hoằn mới có một hai người quen biết đến nhờ bác những việc lặt vặt, không đáng kể. Nợ nần đến nổi người ta sắp siết cửa tiệm. Thằng Kiệt bắt đầu chán ngán ba nó, nó bỏ đi chơi bời nhậu nhẹt. Sau gần ba năm ra chợ, bây giờ nó ra dáng một kẻ bụi đời.

 

Nó là bạn nhậu của Vũ. Thỉnh thoảng Vũ đến khu phố nầy rong chơi và quen với thằng Kiệt trong một bửa nhậu tình cờ. Vũ thì anh chị hào phóng. Kiệt tỏ ra là một tay chơi đẹp. Từ đó, hai người thích nhau.

 

Một hôm Vũ quá chén, gục ngay tại bàn. Thằng Kiệt vẫn tiếp tục uống, cố ý diệt hết các địch thủ. Trận chiến mù mịt khối thuốc lá, tiếng thét la thách thức nhau. Thằng Kiệt vừa điềm tĩnh uống rượu vừa liếc mắt trông chừng Vũ. Nó đổ rượu làm té hết các địch thủ của nó, rồi dìu Vũ về cửa tiệm của ba nó. Nó dọn một góc nhà làm chỗ cho Vũ nằm. Đặt Vũ xuống chiếu xong, nó cắm đầu vào vách nôn thóc tháo đến lả người. Nửa đêm, thằng Kiệt tỉnh giấc nhưng vẫn còn quá say. Trong cơn say, nó khóc kể về hoàn cảnh của nó. Nó rủa ba nó. Vũ nằm nghe hết - nghe cả tiếng đập mình, bứt tóc của thằng Kiệt. Vũ không lên tiếng. Để cho nó khóc. Khóc đi. Vũ chua chát : Đời mà !

 

Sau khi bán cửa tiệm. Vũ đã giới thiệu cho bác Thành một chỗ làm việc.

 

Bác Thành phải tự vực dậy xây dựng lấy cuộc sống trên tro tàn do bác gây nên.

 

2.

Ông Chính phó chủ nhiệm Trung tâm thí nghiệm thực hành, và Vũ là giáo viên hướng dẫn thực tập đang làm việc dưới quyền ông - cả hai có một mối mâu thuẫn, có lẽ đến khi xuống mồ cũng không thể hòa giải được.

 

Hai người đã có một thời gian dài cực kỳ thân thiết nhau - hình và bóng không sai. Vũ không phải là người trung hậu, bao giờ cũng đặt quyền lợi và những thuận tiện cho bản thân mình trên hết. Vũ xin về đây, để có thời gian rảnh rang, anh dùng thì giờ đó cho những công trình nghiên cứu về vi điện tử. Khi đạt được ý định đó, Vũ vứt bỏ ngay tình thương của ông Chính - người đã gióng tiếng với trường đại học xin Vũ về làm viêc cùng ông. Bây giờ, Vũ đang ở cái thế ông Chính không thể rớ vào anh được. Trước hết Vũ biết rõ đời tư của ông. Ông Chính có ý muốn phế Vũ, anh sẽ phanh phui những vết sẹo của ông. Kế nữa, Vũ tỏ ra là một người làm khoa học có tài, thường có những sáng kiến mới  được giới khoa học chú ý. Ông Chính không có cách kềm hãm sự phát triển của Vũ. Ông đành tỏ ra là một người bao dung: chiều chuộng Vũ, tạo điều kiện cho Vũ làm việc (thực ra, ông chưa nghĩ được cách khác). Có lúc, Vũ phát hứng, bỏ nhiệm sở cả tháng. Khi về , Vũ bảo đến các nhà của sinh viên ở dưới quê chơi. Rồi Vũ kể ra những chò chơi vui thú  mà Vũ đã trải qua trong thời gian đó. Vũ kể sôi nổi, vẻ mặt nghiêm trọng (buộc ông Chính phải chia xẻ niềm vui ấy). Ông Chính ngồi nghe, cười nửa miệng gật gù. Cử chỉ đó được hiểu như là đi đứng tự do như vậy không sao cả, nhưng hơi quá lố... Những lần như thế, trong ông Chính tự ái bị nén xuống. Sự lấn lướt của Vũ đối với ông không biết đã chồng chất bao nhiêu lớp. Lớp nầy chưa kịp lắng đọng, thì lớp khác ào ạt vây lấy ông. Nghẹn ứ, tối mặt.

 

Giả định ông Chính tung chiếc lò xo tự ái vào một người nào, với một lực như thế, người đó sẽ đổ ngay. Nhưng chiếc lò xo ấy chỉ dùng để tung vào một người duy nhất: Vũ. Nhưng Vũ đã đề phòng. Ông Chính mà hé lộ một cử chỉ nhỏ tỏ vẻ khó chịu với Vũ là anh sẻ phản ứng lại ngay. Thừa cơ chỉ có hai người, Vũ chửi tạt vào mặt ông Chính bằng lời lẽ hết sức hỗn xược, hồ đồ. Hoặc một buổi tối nào đó, Vũ nhậu nhẹt với đám bạn, trong cơn say (nhưng Vũ vẫn tỉnh), Vũ lớn tiếng :  Nó là thằng bất tài. Nó không có một công trình nghiên cứu nào ra hồn cả. Bà Thị ủy viên X . hiện tại là tình nhân của nó ... Nó là ai, Vũ không nói rõ. Nhưng bao giờ người ta cũng hiểu ngôi thứ ba ấy ám chỉ ai. Những người thân thiết với Vũ nhăn nhở cười hưởng ứng. Những người khác im lặng - họ sợ liên quan trong trò chơin guy hiểm này. Dù sao, ông Chính đang ở địa vị có thể chi phối về mặt nhân sự trong cơ quan rất mạnh.

 

Nếu bỏ không nói đến công việc chuyên môn, ông Chính và Vũ chưa chắc ai hơn ai trong các trò chơi cuộc đời. Ông Chính trầm tĩnh, ngấm ngầm và rất ư sâu sắc. Vũ ồn ào, tỏ ra anh chị, hào phóng, nổi bật.

 

Trong thế trận này, duy trì Vũ quả thật là một điều nguy hiểm cho ông. Nhưng ông Chín, có thể nói, nhờ vào sức làm việc của Vũ để duy trì địa vị của ông. Hiểu rõ yếu điểm đó, Vũ dụng ông Chính để được tự do sử dụng phòng thí nghiệm thực hiện các cuộc nghiên cứu về vi điện tử chiếm một tỉ lệ kinh phí khá lớn.

 

Trung tâm thí nghiệm thực hành do ông Chính quản lý hằng ngày được tổng kết với một hiệu quả rất cao, có tính chất điển hình. Dư luận trong giới khoa học xem ông là một người lãnh đạo giỏi, có năng lực trong lãnh vực chuyên môn cũng như quản lý. Thêm nữa ông là người có tài viết báo cáo- tỉnh táo, chính xác, đầy sức thuyết phục. Khi ông Chính trình bày các báo cáo của mình trước các đại biểu hội nghị, thường khi ông nhận được những tràng vỗ tay nồng nhiệt, rất lâu. Trong các báo cáo, bao giờ ông cũng kín đáo ngợi khen Vũ và các người cùng ông.

 

Trong ông Chính thường xuyên có một nỗi khổ tâm giằn vật : ông là một người làm khoa học, nên khát vọng thực hiện một công trình khoa học luôn âm ỉ, giày vò. Ông cố gắng thu dọn đơn giản quá các công việc quản lý hằng ngày để dành thời gian cho khoa học. Nhưng ông làm chẳng được hiệu quả là bao. Những công trình mới của Vũ gây cho ông sự hốt hoảng - một ngày kia Vũ sẽ thay chỗ ông hiện nay. Ông chỉ còn níu lấy một lòng tin, về mặt tuổi tác, sự chính chắn người ta vẫn nể ông hơn. Vũ không được cái ưu thế đó.

 

Vũ sắp trình luận án phó tiếng sĩ, đuổi kịp ông.

 

Ông Chính cân nhắc từ nay mình là kẻ yên phận làm công tác quản lý với kiến thức khoa học sẵn có. Vĩnh biệt những công trình nghiên cứu mới mà ông từng mơ ước.

 

***

 

Đã thế, nỗi đau về đời riêng của hai người cũng dính dáng với nhau.

 

Một hôm, ông Chính cùng một nhóm sinh viên tổ chức cắm trại ngoài trời. Buổi trưa hôm ấy trời nóng nực, không ai thích ở trong lều, mọi người tản ra vườn nấp dưới bóng mát của những tàn cây. Ông Chính cũng thế. Tình cờ ông gặp Tố Anh - người yêu của Vũ  đang nép mình vào một thân cây, rình quan sát một chú chim sâu đang bắt mồi .

 

Nghe tiếng bước chân ông chú chim quăng mình chốn vào bụi rậm. Tố Anh quay lại nhìn ông, trách móc. Ông mỉm cười duyên dáng :

 

- Tố Anh định chuyển qua ngành nghiên cứu động vật ?

 

- Có thể - Giọng Tố Anh dài ra, trêu chọc.

 

Cô bước đến gần ông Chính:

 

- Cảnh vườn cây êm mát, thật thích hợp với những người yêu nhau phải không thầy ?

 

- Ông Chính ngạc nhiên :

 

- Vũ của cô đâu ?

 

- Thầy quản lý ảnh chớ đâu phải em !

 

- Cô quản lý Vũ về mặt khác - Ông Chính lúng túng.

 

- Không có anh Vũ ở đây, trong khung cảnh này, thí dụ em với thầy yêu nhau Tố Anh nhìn vào mắt ông Chính với ánh mắt nghịch ngợm - Em với thầy có xứng đôi không ?

 

- Tôi già rồi-  Ông Chính ngượng.

 

Tố Anh mở to mắt

 

- Tâm hồn thầy còn trẻ. Thầy lại có tài. Anh Vũ phục thầy. Những tham luận về khoa học của thầy thật tuyệt. Thầy phải là một nghệ sĩ.

 

Ông Chính mở lòng. Lâu nay, ông chú tâm theo dõi dư luận xem người ta nói về ông như thế nào, nhưng ông quá cách biệt với những người chung quanh, nên khi tiếp chuyện với họ ông không được những nguồn thông tin đáng kể. Qua Tố Anh ông suy diễn, người ta đang nghĩ tốt về ông.

 

Ông bồi hồi khi đứng cạnh Tố Anh. Tự dưng, ông cảm thấy mình có ưu thế hơn Vũ. Xưa nay Vũ vẫn đưa ông vào thế bị động. Giờ nếu ông chinh phục được Tố Anh, xét về mặt nào đó, ông sẽ thắng Vũ một ván lớn có tính chất quyết định, giành thế thượng phong. Và cho Vũ biết rằng, đụng đến ông chẳng chóng thì chày, Vũ sẽ thảm bại một cách chua cay.

 

Ông Chính cầm lấy tay Tố Anh.

 

Cây vườn trái ngọt chung quanh hai người phả đầy gió. Trên những đống lá khô bổng có một dài chiếc lá bay đi, xoay quấn lấy chân hai người. Tố Anh cúi mặt, mái tóc mượt mà đổ về phía trước.

 

Ông Chính ngiêng  người cắn nhẹ vào vai Tố Anh.

 

Tay Tố Anh rút mạnh khỏi tay ông Chính. Biết sự đã hỏng ông Chính run lên, thay vì tránh xa Tố Anh, nhưng quá hốt hoảng, răng ông Chính cắn mạnh vào vai Tố Anh.Cô kêu đau, bước tránh ông một quãng. Đôi mày sắc sảo của cô cau lại :

 

- Lâu nay , em vẫn tưởng thầy đứng đắn .

 

Gương mặt ông Chính đanh lai, lạnh lùng. Ông biết đã sa bẫy vì một trò đùa. Ông chống đỡ :

 

- Quá yêu mến người trong kịch, nên tôi đã nhập vai.

 

Tố Anh cười phá lên :

 

- Sự nhập vai rất ư là cố ý .

 

Ông Chính cười :

 

- Thôi. Hãy coi như vỡ kịch đã diễn ra như thế.

 

- Nhớ nhé! - Tố Anh nửa đùa nửa thật - Em sẽ  diễn  lại vở kịch hôm nay, nhưng có khán giả đàng hoàng.

 

Tố Anh bỏ đi về chiếc lều của cô.

 

Ông Chính cảm thấy nhục nhã đến tê dại.

 

Tố Anh là một cô gái đẹp. Cô tự biết mình thông minh, nhạy bén. Đối tượng để cô kết bạn, cô đặt tiêu chuẩn rất cao : Giỏi giang để ứng phó với cô; có tiếng tăm, có thế lực để cô hãnh diện. Người yêu cô lẽ ra không phải là Vũ, mà phải là người hơn Vũ. Nhưng mối tình của cô và Vũ đã nảy nở từ khi cô còn là một cô bé mười sáu tuổi, mồ côi. Vũ bảo trợ, khuyến khích cô học hành. Ân nghĩa đó bao giờ cũng ám ảnh cô. Nhưng khi nào có dịp thoát ra khỏi sự ám ảnh đó là cô thoát ngay. Đối với Vũ đã hơn một lần cô định cắt đứt. Nhưng Tố Anh cảm thấy sợ hãi vì không biết đối với người khác cô có được thương yêu thật tình hay không. Do đó, để đạt được mục đích chắc chắn, cô đã làm nhưng cuộc trắc nghiệm hết sức nguy hiểm. Cô là người yêu của Vũ thì đã danh chánh ngôn thuận, cô dựa vào đó để đóng những vở kịch về tình yêu có tính cách đùa bỡn với người nào cô thích, kể cả với những người đã có gia đình. Đôi khi, cô còn sống thử với mộtngười nào đó để dọ dẫm đến một hạnh phúc, tuy cô biết rồi sẽ tuyệt vọng. Điều này làm Vũ đau khổ không ít. Nhưng quá yêu Tố Anh, Vũ tha thứ hết. Vũ càng đau khổ, càng làm việc dữ dội, bất kể ngày đêm. Khi rời phòng làm việc, anh thật trái tính trái nết - phá phách độc địa nhằm trả một mối thù vô hình mà Tố Anh đã gây cho anh. Anh  phục thù trong tuyệt vọng nhằm làm tê dại vết thương lòng. Ông Chính là người bị anh hành hạ để nhằm cứu gỡ một điều gì đó, mà anh biết anh vô phương cứu gỡ...

 

Với ông Chính, đã có lần Tố Anh gấp ghé một cuộc trắc nghiệm tình yêu.

 

Trong những buổi họp mặt liên hoan bao giờ Tố Anh cũng thân mật chăm sóc ông và làm ông nổi bật giữa đám đông. Cô nhỏ nhẹ bên tai ông :. Ước gì em có được người yêu như thầy. Tố Anh phủi phủi vết bụi trên vai áo ông (dù áo không  dính bụi). Cô đã dắt ông Chính vào trò chơi của cô một cách dễ dàng. Ai cũng cho đó là trò đua vui vẻ, vô hại. Ngay khi có mặt vợ ông Chính, Tố Anh cũng rất tự nhiên.

 

- Bữa nay cho phép em chăm sóc thầy - Tố Anh nói với vợ ông Chính - Lúc này, thầy làm việc nhiều, ốm quá.

 

Hưởng ứng cuộc vui, vợ ông Chính cười vui vẻ:

 

- Tôi giao ông  ấy cho Tố Anh đó.

 

Tố Anh rùn vai, vờ sợ hãi:

 

- Em không  dám đâu.

 

Mọi người quay tròn hưởng ứng cuộc họp mặt hết sức vui vẻ. Họ theo dõi, góp thêm những câu ý nhị hoặc táo bạo. Những tiếng cười rộ. Rượu được rót. Tố Anh uống với vợ ông Chính, với mọi người. Uống nhiều nhưng cô không say. Cô luôn miệng ngợi khen gia đình ông Chính hạnh phúc. Vợ ông Chính tỏ ra điềm tĩnh, tươi cười. Thỉnh thoảng, bà vờ say làm những cử chỉ ngộ nghĩnh góp vào cuộc vui. Tất cả đều nhập vai vào màn kịch do Tố Anh đạo diễn.

 

Tất nhiên sau những cuộc vui như vậy, mọi người đều nhận ra bản lĩnh Tố Anh. Biết, nhưng không  cưỡng chống nổi sức hấp dẫn ấy. Ông Chính cũng thế. Một cô gái đẹp đùa giỡn táo bạo vơi ông, lẽ nào ông  lại hổ thẹn, rụt rè giữa đám đông coi sao được.

 

Tố Anh cảm thấy ông Chính có nhiều sức hấp dẫn đối với cô. Nhưng Tố Anh linh cảm, giữa ông Chính và Vũ sẽ bùng nổ một trận một mất một còn, nên vở kịch trong vườn hôm ấy đang hồi hấp dẫn thì cô cắt ngang. Để tỏ với Vũ rằng cô rất yêu anh. Tố Anh đã kể lại sự việc ấy với Vũ.

 

- Vai em đau quá - Giọng cô tỏ vẻ phẫn nộ.

 

Vũ buồn bã trách Tố Anh :

 

- Em thật quá quắt.

 

Từ đó, thỉnh thoảng Vũ kín đáo hé lộ cho ông Chính biết là Vũ đã biết chuyện xay ra giữa ông Chính và Tố Anh. Ông Chính im lặng thâm trầm. Ông  đã phản kích Vũ trước - bằng cách báo với chi bộ : trong làm việc Vũ có hiện tượng bè phái, lấn ép những người Vũ không  thích. Vũ phản biện, cho rằng ông Chính hiểu lầm giữa quan hệ đời thường và quan hệ làm việc.  Trong đời thường Vũ có thể thân với người này hơn người  kia, không  phải riêng bản thân Vũ mà bất cứ ai cũng vậy.

 

Ông Chính im lặng không  chống đỡ nổi. Chi bộ không nắm được những chứng lý cụ thể phê phán Vũ. Ông Chính mất uy tín trước chi bộ.

 

Sau buổi họp, ông Chính và Vũ không  nhìn mặt nhau. Họ đang tìm cách trút hận vào nhau.

 

Giữa lúc ấy, một cách kín đáo, Tố Anh bật đèn xanh cho ông Chính.

 

Nhận được tín hiệu  ấy, ông Chính liền ký quyết định thu nhận bác Thành vào làm việc. Hành động ấy để dỗ dành Vũ. Tuy thế, một lần nữa ông cảm thấy bị khiêu khích.

 

Nhất định ông  sẽ ôm Tố Anh vào lòng để phục hận.

 

3.

Bên trong Trung tâm thí nghiệm thực hành, cạnh cổng ra vào là căn phòng của bác Thành. Công việc của bác : Gác cổng, giữ an toàn mạng điện khu vực các phòng thí nghiệm, trông coi vệ sinh... Bác sớm thích nghi với công việc và tỏ ra cần mẫn. Nhưng ông Chính luôn bẳn tính với bác. Bác  nhận thấy ông Chính gay gắt với bác  có phần hơi quá đáng so với những người khác. Bất cứ việc gì, dù bác làm thật hoàn chỉnh, ông Chính đều không  tỏ vẻ vừa ý. Bác  cảm thấy đối với ông Chính, bác  luôn luôn là kẻ phạm tội.  Bác  nghĩ, chẳng chóng thì chày, bác  sẽ bị đuổi việc.

 

Nhưng bác  không  ngờ : hình ảnh của bác  đã gây cho ông Chính nhiều xúc động.

 

Ông Chính và Vũ đều thích giúp bác Thành. Nhưng địa vị ông Chính cách bác Thành khá xa, nên ông ít có dịp gần gũi bác. Vũ đã quen bác Thành từ trước, do đó, bác Thành nhận được sự giúp đỡ từ Vũ khá nhiều : Vũ hết sức lo lắng cho bác vào những ngày đầu bác còn bỡ ngỡ. Vũ tìm cho thằng Kiệt, con bác, một chỗ làm trong tổ hợp sửa chữa bình ăc-cu... ông Chính biết điều ấy. Nếu thế thì thôi - Ông  nghĩ một cách giận hờn. Nơi nào có bàn tay Vũ mó vào, dù công việc ấy có đúng đắn, ông  cũng hoài nghi mục đích sâu xa của nó. Trong trường hợp này, Vũ đã tước của ông  những dịp ban bố lòng từ tâm cho bác Thành. Nó trở thành sự bực dọc sôi sôi trong lòng ông. Ông  không  có cách nào đoạt được tình cảm đằm thắm của bác Thành như bác  đã đối với Vũ. Ông  đâm bẳn tính với bác. Ông  cau có hạch hỏi bác  không  duyên cớ làm bác  lúng túng đến tội nghiệp. Ông  đối xử với bác như bao căm ghét của ông  đối với Vũ đều trút lên bác. Ông bác gặp nhiều khó khăn, một ngày nào đó bác sẽ cầu xin sự giúp đỡ của ông. Khi đó, ông sẽ ban bố thật hào phóng, thật xứng đáng, để nhân đó kéo bác Thành về phía ông.

 

Sâu xa trong cõi lòng hai người, họ dùng bác Thành như một chiêu bài nhân đạo che đỡ cho họ bớt phần dư luận không  hay. Họ có cùng một ý nghĩ : Hễ hình ảnh đáng thương của bác Thành nghiêng về phía nào là lương tâm mọi người nghiêng về phía đó. Vì thế, họ sẽ đỡ ray rứt vì bao nhiêu trò bất công, càn quấy mà họ đã dàn ra nơi đây.

 

Về thủ thuật này, Vũ thành công hơn ông Chính. Ông Chính đã kém, mà còn tỏ ra vụng về. Số là, lúc thằng Kiệt mới về đây, nó thích các phòng thí nghiệm đến mê mẫn. Một hôm, thừa lúc bác Thành đang bận rộn, nó lấy xâu chìa khóa của bác, đi lên lầu, mở cửa một phòng thí nghiệm. Nó bày một mạch điện ra, ghim chấu điện, đo dao động ... y như các sinh viên thực tập mà nó đã quan sát, ghi nhớ. Tình cờ, ông Chính đi ngang bắt gặp thằng Kiệt đang phá. Ông Chính chộp lấy tay nó lôi đi. Khi gặp bác Thành, giọng ông rít lại : “Nếu có hư hại, mất mát bác hoàn tòan chịu trách nhiệm đấy nhé !” Ông Chính quay đi, bước chân  ông nghiến xuống gạch.

 

Cái không  khí bất ổn nơi đây càng ngày đè lên tim bác Thành. Bác lo ngại đến sợ hãi.

 

Ngoài tâm trạng đó, bác lâm vào một tâm trạng khác cũng đau khổ không  kém. Nhiều lúc bác đứng sững trong phòng và khóc lên. Bác khóc cho thằng con trai bác đang làm việc ở tổ hợp sửa chữa bình ăc-cu, quá cực nhọc. Nó làm việc đến mang bệnh. Đôi khi, bác muốn thét lên khi nhìn thằng con bác đứng bên cửa sổ chiêm ngưỡng các cô cậu sinh viên đang đứng trên hành lang các phòng thí nghiệm. Bác biết, nó đang ước gì được như thế.

 

Quả đúng vậy.

 

Thằng Kiệt không còn đùa giỡn với các cậu sinh viên nữa. Trên gương mặt bầu bĩnh lấm lem của nó đượm buồn, lặng lẽ, cách biệt. Nó hiểu các cậu sinh viên ấy thương hại nó, đừng mong trong quan hệ với họ có sự bình đẳng. Và nó đắm chìm trong đau đớn.

 

Một buổi chiều thằng Kiệt đi làm về, nó lặng lẽ ngồi vào bàn ăn. Bác Thành cảm thấy thằng con mình đang trong trạng thái mệt mỏi. Bác linh cảm có sự giá lạnh của cái chết đang lan dần trên da thịt nó. Sâu thẳm trong đôi mắt nó là bóng tối mù mịt, không  đáy.

 

Đang ăn bác Thành hoảng hốt đứng bật dậy, sửng sốt. Bác không  kêu lên nổi một lời.

 

- Thằng Kiệt ngừng nhai, ngước nhìn nó với đôi mắt lặng lẽ:

 

- Ba ? !

 

Cố trấn tĩnh, bác Thành chậm rãi ngồi xuống :

 

- Không có gì đâu con - bác thở dài - Con ăn có ngon không  ?

 

- Sao ba hỏi vậy ? - Thằng Kiệt không giấu được sự ngạc nhiên.

 

Bác Thành ngập ngừng :

 

- Ba thấy con ốm quá.

 

- Con hơi mệt.

 

Kiệt cố gắng ăn nốt chén cơm. Xong, nó đứng dậy, cầm ly nước uống. Nó bất cần tất cả. Sở dĩ, nó về đây trú ngụ trong căn phòng này là vì ba  nó. Đêm, ông già không  ngủ được, cứ lủi thủi mò mẫm các lược đồ máy thu thanh mà các sinh viên đã hướng dẫn cho ông. Nó biết, mặc dù ba nó đắm mình trong công việc, tách biệt khỏi mọi sự chung quanh, nhưng chỉ khi nào có sự hiện diện của nó, thì ông già mới yên tâm làm việc.

 

Hồi sáng này, như lệ thường, nó tới tổ hợp. Nó mở cửa, khuân đồ nghề bày trước cửa tổ hợp. Bỗng nó nhác thấy chiếc xe du lịch màu kem của ông Chính từ chỗ ngã ba đường đang chậm chạp lăn bánh về phía nó. Nhìn kỹ, nó thấy chiếc xe ấy đã chết máy đang được mấy đứa trẻ phụ đẩy. Thằng Kiệt đi vào trong tránh mặt ông Chính. Nó chờ chiếc xe lăn bánh qua khỏi chỗ nó.

 

Chiếc xe dừng lại trước cửa tổ hợp, anh tài xế mở cửa xe bước ra :

 

- Ê nhỏ ! Sạt bình điện.

 

Thằng Kiệt đành bước ra, nó bỗng run bắn khi thấy ông Chính và Tố Anh đang ngồi trong xe, ở băng sau. Hai người đang cười cười, nói nói, thấy nó gương mặt ông Chính đanh lại. Tố Anh kêu nhỏ : “Chết rồi !” ông Chính mở cửa xe bước ra dặn tài xế đón ông và Tố Anh ở quán kem. Trước sau, ông không  buồn nhìn đến nó.

 

Suốt đêm đó thằng Kiệt thở dài rười rượi. Nó đau khổ không  ngủ được. Nó coi Vũ như người anh.

 

Đến sáng, nó sốt cao phải chở đi bệnh viện.

 

*

 

Biết được ông Chính và Tố Anh hẹn nhau đi chơi, Vũ thấy mình chỉ còn một con đường duy nhất : Rời khỏi nơi đây. Trong vòng một tháng Vũ lo xong thủ tục đi học nước ngoài, không cần qua ý kiến phê chuẩn của ông Chính. Sau đó, Vũ báo với ông Chính tuần sau Vũ lên máy bay và sẽ ở nước ngoài sáu năm.

Ông Chính sửng sốt.

 

4.

Trận chiến giữa ông Chính và Vũ coi như kết thúc. Ông Chính cảm thấy mình khá lố bịch khi Vũ dám bỏ cả Tố Anh. Tố Anh bây giờ, bỗng nhiên không  còn giá trị đối với ông nữa. Ông cảm thấy chính ông là một tội phạm trong cuộc đời cô.

 

Mệt mỏi. Đắng cay. Ân hận. Ông Chính sắp xếp, thu dọn dần dần những ngổn ngang, rối rắm mà ông và Vũ đã gây ra. Phải làm thế ông nghĩ - không  cách nào khác.

 

Buổi tối hôm ấy, ông xuống phòng bác Thành định thăm nom ông già. Khi đến phòng bác Thành, ông nhận ra trong phòng đã tối om. Ông bước vào phòng, và ông hiểu được ngay : bác Thành đã bỏ đi. Một nỗi  đau đớn tràn ngập khiến ông muốn bật khóc. Ông và Vũ đã khiến biết bao người làm việc trong hoang mang, lay lắt, âm ỉ bao nhiêu hận mà không  cách nào giải bày được...

 

Ông lùi ra khỏi căn phòng trống, rảo bước nhanh. Lên tầng hai, ông mở cửa bước vào một phòng thí nghiệm. Ánh mắt ông đậu ngay vào một ống nghiệm đựng a-xít mà ông đã thuộc vị trí. Cạnh chiếc ống nghiệm đựng a-xít là những bình, những ống nghiệm đựng các chất khác. Tất cả đều ở đúng vị trí của nó không  xê dịch một ly. Hơn lúc nào hết, lúc này, ông có một ước muốn man rợ : Tất cả trật tự khoa học ấy bỗng nhiên bị tung vỡ để ông từ bỏ ý định điên rồ đang sôi trào trong đầu ông.

 

Nhưng tất cả vẫn im lìm nằm đúng vị trí của nó.

 

Nhìn chiếc ống thủy tinh mỏng tanh, bên trong đựng đầy a-xít đậm đặc, vàng sánh, ông Chính nôn khan. Ông có nén cơn nôn. Nước mắt ông ràn rụa. Ông thấy mình sắp ngã.

 

Ông quyết định thực hiện tự trừng phạt ngay cho chính mình.

 

Bằng hai ngón tay của bàn tay phải, ông nhấc chiếc ống nghiệm đựng a-xít lên, nghiêng đổ a-xít vào lòng bàn tay trái.

 

Cả người ông bỗng rung chuyển dữ dội. Bàn tay phải của ông bỗng siết chặt cổ tay trái bằng những ngón tay cứng như thép - lún vào cổ tay trái.

 

Tuyệt nhiên không  hề có một tiếng kêu rên.

 

Chỉ có bàn tay ông đang bốc khói, run lên bần bật.

 

Chỉ có những mảng a-xít vung vãi trên nền gạch sủi bọt đang từ từ tàn lụi bốc nhữnglàn khói trắng mỏng, khô hắt.

 

Và chỉ khi đó, ông mới hiểu rằng tất cả mọi hành động đều vô nghĩa.

 

Lê Đình Trường
Số lần đọc: 2237
Ngày đăng: 02.01.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tình yêu mãi xanh - Thanh Giang
Trăng muộn - Thanh Giang
Người ấy - Kim Quyên
Chuyện cổ tích về chiếc áo tơi - Trầm Hương
Dòng nước ngọt cho con - Trầm Hương
Khỏa thân màu xám - Lê Đình Trường
Bâng-briêu mùa xuân - Nguyễn Thanh
Bến sông đời người - Nguyễn Thanh
Nắm tro - Kim Quyên
Nghiệp văn - Kim Quyên
Cùng một tác giả
Điểm tựa trắng (truyện ngắn)
Muỗi đói (truyện ngắn)
Thập giá gỗ (truyện ngắn)
Vẻ đẹp (truyện ngắn)
Bia mộ (truyện ngắn)
Có mưa trên núi (truyện ngắn)
Khỏa thân màu xám (truyện ngắn)